Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Sự đổi mới quan niệm về con người trong văn học việt nam mười năm cuối thế kỉ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (96.28 KB, 13 trang )

Sự đổi mới quan niệm về con người trong văn học Việt Nam mười năm
cuối thế kỉ XX.
Nguyễn Phượng
Khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội
Quan niệm về con người là một phạm trù thuộc về lĩnh vực triết học và tư
tưởng. Ở Việt Nam vấn đề quan niệm về con người có cả một lịch sử thâm nhập,
tương tác, hỗn hợp, giao thoa và khúc xạ khá sống động và cũng khá phức tạp của
nhiều tôn giáo và triết thuyết đến từ mọi chân trời. Chỉ tính riêng ba trào lưu lớn
nhất trong triết học phương Đông thôi, vấn đề quan niệm về con người đã rất khác
nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chẳng hạn sự nhấn mạnh những phẩm chất xã hội
của Nho giáo, sự tô đậm tính tự nhiên của Lão giáo, sự hướng tới Vô Ngã của Phật
giáo. Đấy là chưa kể sự rạn vỡ của các quan niệm trên do sự chi phối của lịch sử
trong quá trình vận động nội tại, sự du nhập của các luồng tư tưởng đến từ Tây
phương, sự bắt buộc phải tự hạn chế đã dẫn tới một quan niệm khá đơn giản về con
người trong những năm tháng chiến tranh đã qua…
Cùng với những đổi mới trên mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống
tư tưởng, văn hoá, trong thập niên cuối thế kỷ chúng ta đã nhận thấy do những chi
phối nghiệt ngã của bối cảnh chiến tranh Vệ quốc, trong quan niệm về con người,
chúng ta đã có sự thiên lệch. Chẳng hạn, chỉ nhìn thấy vị thế của con người trong
mối quan hệ với cộng đồng, dân tộc và lịch sử mà quên rằng con người còn cả
muôn vàn mối quan hệ tế vi, phức tạp của đời thường thậm chí cả mối quan hệ của
con người với chính nó…Từ đó, trong văn học nghệ thuật đã có một nỗ lực lớn
trong việc đổi mới quan niệm và đã bộc lộ một sự nhìn nhận lại tương đối toàn
diện hơn về con người đặc biệt là con người trong mối quan hệ đa dạng, phong phú
của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hoá, trong làn sóng của xu
hướng tái ý thức về cá nhân với một chiều sâu mới do những điều kiện thuận lợi
của giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ của một Việt Nam sau Đổi Mới
Với những liên hệ như đã trình bày, theo sự quan sát của chúng tôi những
bước tiến của sự đổi mới quan niệm về con người trong lĩnh vực văn học nghệ
thuật được bộc lộ qua các khía cạnh sau đây :
I. Con người được nhìn nhận từ góc độ thế sự, đời tư và những vấn đề của


nó.

Văn học trước 1975 chủ yếu hướng tới việc phản ánh và ca ngợi hiện
thực đấu tranh Cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn
mười năm hậu chiến cho đến Đổi Mới xu hướng trên, dù có yếu đi phần nào, vẫn
cứ tiếp tục là dòng chủ lưu của nền văn học như một quán tính. Tập trung tái hiện
những biến cố lịch sử và những sự kiện quan trọng của cộng đồng, làm hiện diện
những phẩm chất chói sáng của dân tộc, nhìn chung, vẫn là cảm hứng chủ đạo của
những người cầm bút trong chặng đường này.
Nhưng chính sự vận động của cuộc sống đã điều chỉnh hướng phát
triển của văn học. Một yêu cầu đặt ra đối với văn học từ sau 1975 và đặc biệt,
những năm gần đây là phải mở rộng phạm vi, biên độ phản ánh hiện thực trong đó
cần phải khuyến khích cho những tìm tòi, phát hiện, khám phá những phương diện
khuất lấp, ẩn mật của đời sống.
Giờ đây, trong quan niệm về hiện thực của mỗi nhà văn dường như
cũng đang mở ra những tầm nhìn, góc nhìn mới. Hiện thực rõ ràng không chỉ là
những trang hào hùng và bi tráng tạo nên cái đại cảnh “ người lên như nước vỡ bờ”
của hàng triệu con người, không chỉ là những sự kiện lịch sử làm chấn động lương
tri nhân loại mà còn là những nghịch lý của đời thường, những oan trái, cơ cực của
bao mảnh đời nhỏ bé, những mất mát và bi kịch của bao số phận vô danh trong
chiến tranh và sau chiến tranh. Nhưng điều quan trọng hơn, với những gì đang diễn
ra của một xã hội đang từng bước giã từ truyền thống (với những khía cạnh tiêu
cực) để xác lập những giá trị mới của một xã hội hiện đại (với những phương diện
tích cực) thì trong quan sát của giới nghệ sĩ, hiện thực giờ đây không chỉ là tổng số
của những gì đã biết mà còn là ẩn số của những gì chưa thể khám phá và chưa thể
biết hết.
Một cách tự nhiên, trong nhãn quan của những người cầm bút dần dần
có sự điều chỉnh.
Đó là sự chuyển đổi hướng tiếp cận và góc nhìn về con người. Cụ thể
là, nếu trước đây, các nhà văn thường nhìn con người ở góc độ cộng đồng và lịch

sử, thấy nó trong mối quan hệ với lịch sử và cộng đồng thì giờ đây nhiều người
cầm bút giành sự quan tâm của mình hơn cho con người từ góc độ thế sự, đời tư và
khám phá nó trong mối quan hệ với cõi đời, với mọi người và với cả chính nó.
Sau cột mốc 1986, các nhà văn từng bước vượt qua cái nhìn giản đơn,
sơ lược và dễ dãi để nhận thức lại, nhận thức toàn diện hơn về đời sống hiện thực
đặc biệt là đã hình thành trong họ ngày càng sâu sắc và khẩn thiết một mối quan
tâm mới : đi sâu khám phá sự thật về cuộc sống đời thường, cố nắm bắt và phát
hiện những quy luật và bản chất các quan hệ thế sự vốn dĩ đa đoan, đa sự, phức tạp
chằng chịt, đan dệt lên những mạch nổi và mạch ngầm của đời sống. Vượt qua cái
quan niệm và lối viết sơ giản của giai đoạn trước mối bận tâm giờ đây của các nhà
văn là đời sống riêng tư, là số phận, nhân cách, với những đấu tranh, giằng xé, lựa
chọn và khát vọng mọi mặt, cả hạnh phúc và bi kịch, là thế giới tinh thần phong
phú, phức tạp bao gồm cả chiều sâu bí ẩn của tâm linh, của tiềm thức và vô thức
của con người.
Không phải ngẫu nhiên, chưa bao giờ như bây giờ, văn học ta lại tập trung
vào đề tài thế sự, đời tư một cách đặc biệt như thế. Đương nhiên, hiện tượng trên
phản ánh quá trình phát triển hợp với quy luật của một nền văn học đang trưởng
thành với sự song hành của hai phẩm chất cơ bản của nó là dân chủ hoá và nhân
văn hoá. Nhưng mặt khác, từ góc độ nhân học, có thể thấy, sự quan tâm mang tính
đặc biệt nói trên phản chiếu những hệ luỵ cần suy ngẫm và tìm hiểu kỹ lưỡng.
Trong đó, nổi lên xu hướng xoá bỏ cái nhìn quan liêu, chủ quan trước đây để có thể
thay đổi hướng tiếp cận về con người, nhìn nhận con người trên những bình diện
mới dựa vào những thành tựu về khoa học nhân văn, nhân bản để có thể nhận chân
những phẩm chất quan trọng của con người.
II. Con người là tổng hoà các quan hệ tự nhiên và xã hội.
Dù có khác biệt do những vẫy gọi theo những mục tiêu khác nhau của các
triết thuyết và tôn giáo như đã nói, nhìn một cách khái lược, xu hướng chính của
người Việt Nam, trong cõi sống của mình là không tự đối lập mình với tự nhiên mà
cố gắng tìm cách hoà hợp với tự nhiên. Có thể, bởi , trước hết, trong tín ngưỡng,
mọi tộc người sống trên lãnh thổ Việt Nam không hiện diện một Chúa tể thế giới

kiểu một Đức Chúa Trời của Ki-tô giáo hay một Thánh Allah của Hồi-giáo mà Trời
chỉ là một khái niệm nhằm chỉ thứ sức mạnh nằm bên ngoài và vượt ra ngoài ý chí
của con người. Trong ý thức về Trời, người Việt chia sẻ lời dạy của Mạnh tử, biết
Trời tức biết ta là dân Trời ( thiên nhân ) mà gắng làm điều nhân, vươn tới những
phẩm chất cao cả của con người. Lão giáo khuyên phải sống theo Đạo, chọn ứng
xử rường cột là “vô vi”, thì “ vô vi” không có nghĩa là không làm gì mà chỉ hàm
nghĩa là làm ít đi, hành động không giả tạo và bị cưỡng chế vì giả tạo, trái với sự
chân thật, trái với tự nhiên. Phật giáo đề cao sự giác ngộ, đốn ngộ, ngừa sát sinh
tức là coi trọng sự tồn tại của các sinh linh. Mà tôn trọng sự tồn tại chính đáng của
sinh linh cũng có nghĩa là tôn trọng vũ trụ vì biết mình cũng là một sinh linh trong
vũ trụ. Người Việt dù không chống lại thuyết coi con người là trung tâm
(anthropocentrisme) nhưng coi con người là một bộ phận của tự nhiên. Do đó, sống
tức là hoà chung vào tự nhiên.
Trong quan hệ với xã hội cũng vậy. Do bối cảnh cụ thể của mình, cộng đồng
người Việt, dù có sự co giãn trong thái độ với các tôn giáo trong những hoàn cảnh
lịch sử nhất định nhưng trên tổng thể là luôn chấp nhận xu hướng tam giáo đồng
nguyên. Thật vậy, trong mối quan hệ giữa cá nhân con người với xã hội thì về mặt
ứng xử, không chỉ có tính chất một chiều, đặt xã hội lên trên cá nhân con người,
triệt tiêu cá nhân cho lợi ích cộng đồng ngay cả khi Nho giáo thịnh thời hay chuyên
chú vào lối sống “ độc thiện kì thân”, “ lánh đời” vào những khi Đạo giáo thống
ngự mà con người sống, trong quan niệm của người phương Đông, là luôn đi tìm
sự cân bằng tâm thần ( équilibre pshique ) để có thể tồn tại một cách bình thường.
Nói “vào Nho ra Phật” thực ra cũng chỉ là một cách nói. Trong cốt lõi của quan
niệm sống, người Việt luôn khao khát được phục vụ xã hội mà vẫn không quên bản
thân, sống hướng thượng, hướng thiện, hướng tới cái thiêng liêng và cao cả nhưng
đồng thời cũng hướng vào đời sống bên trong, chăm sóc phần tâm linh, coi trọng
gốc nguồn và thờ phụng tổ tiên.
Những yếu tố mà theo chúng tôi, đóng vai trò như những hạt nhân căn bản
trong quan niệm về con người mang tính truyền thống vừa kể trên đang dần dần
được tái sinh trên bối cảnh xã hội Việt Nam hiện đại và dĩ nhiên, vẫn đang được

tiếp tục bổ sung và làm phong phú thêm với nhiều phẩm chất và sắc thái mới.
Chẳng hạn, trong quan niệm phổ biến và đang được nhấn mạnh hiện nay, con
người một khi được ý thức sâu sắc là tổng hoà các quan hệ tự nhiên và xã hội với ý
nghĩa hiện đại hoá của khái niệm này thì, một mặt đã có sự dỡ bỏ hoặc khước từ
những quan niệm mang tính chất vừa quan liêu vừa duy chí về con người. Nhưng
điều đáng lưu ý hơn là ở thái độ coi trọng trở lại những phẩm tính tự nhiên của con
người. Thái độ đó được biểu hiện bằng việc văn học những năm cuối thế kỉ quan
tâm nhiều hơn đến các vấn đề thuộc về bản thể. Tất nhiên không chỉ giới hạn trong
mấy vấn đề vừa giản dị vừa hóc búa là “ sự sống” và “ cái chết” mà muốn đào sâu
hơn về ý nghĩa của sự tồn tại, khám phá và phát hiện những bí mật của đời sống
bên trong, kể cả thăm dò những chiều sâu vô cùng của vô thức hay đơn giản hơn,
chỉ để lắng nghe tiếng nói của thân thể trong và trước những “ va chạm” của chính
nó với muôn mặt của cuộc sống đời thường.
Ngoài ra, bởi thế giới ngày nay đã thay đổi và không chỉ có vậy, thế giới
ngày nay còn đổi thay với một gia tốc chóng mặt nên các quan niệm mang tính cố
định về con người luôn luôn bị lung lay.
Nói cách khác, thế giới hiện đại là thế giới của sự xếp đặt lại giá trị và sự
thay thế liên tục các giá trị. Do đó, để có thể chung sống được với thế giới này, con
người buộc phải tham gia hành trình đi tìm những câu trả lời cho nhiều câu hỏi đã
và đang được đặt ra bởi một viễn cảnh con người đương đại Việt Nam chưa từng
trải nghiệm bao giờ.
Biết bao trầm tích của văn hoá, lịch sử, lối sống dường như đã đồng loạt
được khơi dậy và thăng hoa trong bối cảnh ngày nay? Khi mà cuộc sống bình
thường dường như đã chính thức trở lại trong xã hội Việt Nam sau Đổi Mới? Rõ
ràng, con người có nhiều cơ hội để tự vấn hơn và cũng có nhiều cơ hội để suy
ngẫm về giới hạn của chính con người trước tự nhiên cũng như xã hội. Những ý
tưởng chân thành và khá ngây thơ của một thời như coi sứ mệnh sống của con
người trên đời là tham gia vào cuộc cách mạng không ngừng, là chinh phục tự
nhiên và cải tạo xã hội dần dần đã nhường chỗ cho những ý tưởng mới khiêm
nhường, thiết thực và cũng sâu sắc hơn : con người, rốt cục chỉ là thành viên của

thế giới tự nhiên và một cộng đồng xã hội. Nó có bổn phận sống hoà hợp với thế
giới vừa được phát hiện ra này và biết mình phụ thuộc vào thế giới đó.
Bối cảnh toàn cầu hoá cũng đã cấp cho con người Việt Nam hôm nay những
nhận thức mới. Lấy ví dụ, sự hiện diện ngày càng sâu sắc của nền kinh tế thị
trường cùng chủ trương mở cửa của nhà nước hiện đang là động lực chính thúc đẩy
sự phát triển vượt bậc của xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện trong đó có sự
mở rộng tầm nhìn cùng cơ hội giao lưu đa chiều cho con người Việt Nam hiện đại.
Con người Việt Nam hiện đại ( do chủ trương phát triển Chính phủ về các
lĩnh vực như : giao thông, hợp tác lao động, học tập, mở rộng buôn bán với nước
ngoài ) đang sống trong một bối cảnh không chỉ có sự xóa dần và rút ngắn
khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, nông thôn và thành thị, giữa Việt Nam
với khu vực và toàn thế giới mà còn, một mặt, được phát huy những phẩm chất
mang bản sắc của dân tộc vốn có; mặt khác, thu nạp vào bản thân mình những
phẩm chất tốt đẹp của quốc tế.
Từ đó, tất yếu hình thành một cái nhìn mới về con người mang tính toàn
diện và hài hòa : con người mãi sẽ vẫn là thành viên của một cộng đồng hài hoà
bao gồm tự nhiên và xã hội cụ thể. Nhưng cộng đồng này còn là thành viên của
một cộng đồng lớn hơn. Do đó để không lạc lõng và lạc điệu, thậm chí, suy nghĩ
một cách thực dụng hơn, để không tồn tại mãi trong đói nghèo và tụt hậu thì đương
nhiên là cần và cần thiết phải đánh thức và khuyến khích trong con người cái nhu
cầu sống hoà hợp với các chủng tộc, các dân tộc và các quốc gia trên thế giới mà
nó là một thành viên.
III. Con người là một chủ thể độc lập, một sinh thể toàn vẹn, một cá thể có
cá tính.
Trước đây, do phải đối đầu với những thử thách nặng nề trong chiến tranh
chúng ta ít có điều kiện quan tâm đến những gì thuộc về cá nhân. Những áp đặt,
chi phối khắc nghiệt của thực tế chiến tranh khiến mọi con người cá nhân đều phải
tự lựa chọn cho mình một cách ứng xử, đó là tự nguyện gác mọi nhu cầu và đòi hỏi
thuộc về riêng tư để hướng tới một mục đích vừa cao cả, thiêng liêng vừa thiết thực
hơn : đó là sẵn sàng hy sinh cá nhân mình để bảo toàn vận mệnh của dân tộc, coi

sự sống còn của cả một cộng đồng quan trọng hơn sự sống đơn lẻ của một cá nhân.
Bởi vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi, trong một thời gian khá dài, có vẻ như
chúng ta ít khi đề cập đến những vấn đề thuộc về phạm trù cá nhân.
Sau chiến tranh sự duy trì chế độ tập trung quan liêu bao cấp trong một
khoảng thời gian không ngắn cũng đã tạo nên một môi trường không mấy thuận lợi
cho phát triển ý thức cá nhân thậm chí, ngược lại, nó nuôi dưỡng tính lệ thuộc, thụ
động, ỷ lại, trông chờ vào mọi chỉ đạo và quyết định của nhà nước. Cơ chế “ xin –
cho” và sự hoành hành của cơ chế này, một mặt tạo ra tâm lý sống phụ thuộc vào
mọi cấp phát từ nhà nước mặt khác hình thành nên cả một quan niệm tai hại kéo
dài cho tới ngày nay là mọi con người nhất thiết đều phải phấn đấu để trở thành
người nhà nước, không ít người của một bộ phận khá lớn trong công chúng coi
người nhà nước là hình mẫu lý tưởng, cho dù, để trở thành người nhà nước, người
ta phải “hy sinh” khá nhiều đặc tính riêng biệt của chính mình. Một quan niệm như
thế, tự nó đã triệt tiêu cái khả năng trở thành một con người cá nhân mang tính độc
lập từ kinh tế đến tâm lý và tư tưởng đồng thời triệt tiêu luôn cả cái điều kiện để
cộng đồng, xã hội tôn trọng những giá trị cá nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống xã hội đã trở lại bình thường, đi
vào ổn định và phát triển theo khuynh hướng thị trường thì cũng chính là lúc chúng
ta có đủ điều kiện cho sự phát triển của tính độc lập của cá nhân đồng thời có thể ý
thức về vấn đề trên một cách toàn diện và sâu sắc hơn.
Vấn đề ý thức cá nhân từng là một trào lưu tư tưởng khá sôi nổi và rầm rộ
hoà nhập cùng sự phát triển của xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ. Tuy nhiên,
nhìn một cách khách quan, nội dung cốt lõi của trào lưu này vào thời điểm lịch sử
ấy vẫn chỉ là mới dừng lại ở sự chú trọng vào thể hiện niềm khát khao giải phóng
cá nhân song hành cùng thái độ khước từ những chế định khắt khe của giáo lý
phong kiến lúc bấy giờ đã trở thành một thứ xiềng xích, trói buộc sự phát triển tự
nhiên và tự do của con người. Trào lưu đó tuy có điểm tựa và sức kích thích của tư
tưởng và triết học Khai Sáng phương Tây nhưng đã biến dạng đi rất nhiều bởi
những áp đặt vừa mang tính thực dân vừa mang tính thực dụng của mô hình giáo
dục Pháp và trên thực tế cũng chưa kịp đi hết hành trình của nó do những can thiệp

vừa tất yếu vừa ngẫu nhiên của bao biến cố lớn lao khác về xã hội và lịch sử.
Quan niệm về con người trong những năm cuối thế kỷ, chỉ quan sát qua bình
diện văn học, đã thấy có những đổi mới vừa sâu rộng vừa toàn diện hơn, ít nhất là
nó thừa nhận và tôn trọng con người trên ba khía cạnh : một, con người là một chủ
thể độc lập. Hai, con người là một sinh thể toàn vẹn và ba, con người là một cá thể
có cá tính.
Sự đổi mới trong quan niệm về con người trước hết xuất phát từ sự đổi mới
cái nhìn về hiện thực. Thực tế xã hội Việt Nam thời hậu chiến và nhất là trong giai
đoạn đầu mở cửa, xác lập nền kinh tế thị trường hoá ra không hề giản đơn. Hiện
thực đó chẳng những hết sức phức tạp mà còn có vẻ như luôn luôn nằm ngoài tầm
kiểm soát của con người, thật khó nắm bắt do tính chất vận động cùng sự biến đổi
không ngừng của nó. Nhưng cũng chính từ đặc điểm cơ bản này của hiện thực mà
mọi giá trị mới đang được sinh ra từng ngày cũng như đã và đang được toàn xã hội
từng ngày thừa nhận, khẳng định.
Trong mối quan hệ với hiện thực luôn luôn vận động và biến đổi nói trên,
con người vừa là tác nhân lại vừa là một yếu tố phụ thuộc. Do đó, dù bị ràng buộc
bởi những gì thuộc về bản thể, nhưng chính bản thân con người cũng sẽ luôn luôn
biến đổi và vận động và đương nhiên, cách nhìn về con người giờ đây cũng đã đổi
khác thì mới hy vọng có thể thấu hiểu về nó.
Trước hết, do sự khủng hoảng kéo dài của nền kinh tế tập trung, quan liêu
bao cấp, Đảng và Nhà nước ta quyết định thực hiện chính sách mà một số nhà
nghiên cứu chính trị xã hội gọi là “ cai sữa” đồng thời áp dụng nền kinh tế nhiều
thành phần theo cơ chế thị trường. Buộc phải sống với những gì mình có thể làm
ra, con người không còn cách nào khác là phải “ tự cứu lấy mình trước khi trời
cứu” (chữ dùng của Nguyễn Văn Linh). Tình thế tưởng sẽ là một bi kịch, không
ngờ lại là một cơ may. Mỗi một thành viên trong xã hội, để tồn tại và để được tồn
tại như một con người, không còn cách nào khác đều phải tham gia vào quá trình
cá nhân hóa ( individualisation). Đây chính là điểm mấu chốt tạo điều kiện cho con
người cá nhân Việt Nam trong mười năm cuối thế kỉ một mặt từng bước từ bỏ tính
lệ thuộc vốn là một thứ “ vòng kim cô” hạn chế sự phát triển những tiềm lực của

chính nó mặt khác, tái xác lập tư cách một chủ thể và hơn thế, là một chủ thể độc
lập. Thực tế nói trên là yếu tố tiên quyết cấp cho ta cái nhìn mới về con người. Rõ
ràng con người Việt Nam trong bối cảnh mới đã và đang ý thức ngày càng sâu sắc
hơn không chỉ về quyền tồn tại bình đẳng của nó trong cộng đồng mà còn khao
khát được bênh vực, khích lệ phát huy những phẩm tính của cá nhân; không chỉ
hiểu rõ quyền về sở hữu cá nhân những tài sản vật chất và tinh thần mà còn khẳng
định mạnh mẽ quyền được bảo vệ phẩm giá; không chỉ thấu hiểu quyền được tự
mình lựa chọn cuộc sống phù hợp với thiên hướng và sở trường thực sự của mình
mà còn tin tưởng rằng mình được quyền bảo vệ những thiên hướng và sở trường
đó. Không phải ngẫu nhiên, trong đời sống văn học trên dưới một thập kỉ qua, vấn
đề cá nhân lại trở thành một đề tài nổi bật và được giới cầm bút khai thác sâu rộng
như vậy. Nếu trước đó, nền văn học ta quan tâm nhiều hơn đến những tập thể : một
tập thể đoàn kết trong Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), một tập thể anh hùng
trong Rừng xà-nu (Nguyễn Trung Thành), một tập thể gan dạ, kiên trung trong Hòn
đất ( Anh Đức )…và ngay cả sau 1975, một tập thể những người lính làm kinh tế
trong Những người từ trong rừng ra (Nguyễn Minh Châu), một tập thể những
người làm nên chiến công hiển hách trong Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), một
tập thể làm nên lịch sử cho một sư đoàn trong Trường ca sư đoàn (Nguyễn Đức
Mậu)…thì giờ đây, diện quan tâm của nhà văn có vẻ hẹp hơn : một lối sống cá
nhân vừa rất đẹp vừa thức thời trong Một người Hà Nội (Nguyễn Khải), một khát
vọng cùng bao biểu hiện hơi khác thường trong tính cách của cá nhân cần có cái
nhìn trân trọng, khoan dung trong Khi người ta trẻ ( Phan Thị Vàng Anh ), một
hành trình đi tìm những giá trị phức tạp về bản thể trong Đi tìm nhân vật ( Tạ Duy
Anh), một thao thức, dằn vặt rất riêng mà cũng rất chung trong Sự mất ngủ của lửa
(Nguyễn Quang Thiều), một cái tôi mới mẻ, mãnh liệt đòi được yêu, được sống
thành thật, hết mình trong Khát (Vi Thuỳ Linh) bên cạnh đó, vẫn có thể tán đồng
và bênh vực cho quyền được sống một cách bình dị, vô danh không nhất thiết và
bắt buộc phải nổi tiếng như cha ông của mình như trong Hậu duệ dòng họ Ngô
Thời ( Nguyễn Khải ), cá biệt hơn, một hành vi khác thường của một cá nhân cần
được thấu hiểu và chia sẻ trong Kẻ sát nhân lương thiện ( Lại Văn Long) hay một

thế giới sâu thẳm gồm rất nhiều khao khát, rất nhiều ám ảnh cùng rất nhiều những
mơ hồ, những điều chưa biết và chưa thể biết nằm sâu trong tiềm thức và vô thức
của con người trong Cư trú của Trần Trung Chính…Sự cổ vũ của công chúng cũng
như sự tôn trọng của các cơ quan quản lý văn nghệ đối với những tác phẩm kể trên
chính là một biểu hiện của thái độ coi trọng sự bình đẳng của những kinh nghiệm
cá nhân bên cạnh những kinh nghiệm của cộng đồng mà trước đây, do những chi
phối của lịch sử, ta chưa có điều kiện thừa nhận và khẳng định.
Con người không chỉ được coi là một chủ thể độc lập mà còn được coi là
một sinh thể toàn vẹn. Trong ý nghĩa là một sinh thể toàn vẹn con người là tổng
hoà của những phẩm tính phức hợp. Trước đây, ta chỉ nhấn mạnh phần con người
xã hội và đề cao trách nhiệm, sứ mệnh của nó với cộng đồng, với lịch sử, thời đại,
thậm chí với nhân loại. Giờ đây, ta thừa nhận phần thuộc về con người tự nhiên của
con người và chú trọng khám phá những vùng chưa biết ( thế giới tiềm thức, vô
thức ) cũng những gì thuộc về bản năng hay những gì thuộc về nhân tính ( nhu cầu
về dục tính, coi dục tính là nhân tính )…Thái độ đó được hiện diện dưới nhiều
dáng vẻ khác nhau trong các tác phẩm văn học. Có thể đó là sự trăn trở, suy tư xen
lẫn niềm xót xa trước nhu cầu được làm mẹ của bao cô gái đã gửi cả tuổi thanh
xuân ở chiến trường trong Bến không chồng (Dương Hướng), có lúc hiện diện qua
hành vi vén bức màn bí mật bằng lối viết hóm hỉnh, tinh quái mà vẫn rất chân tình
cho ta tiếp cận cái phần con người tự nhiên, đời thường của cả những nhân vật của
công chúng qua Cát bụi chân ai ( Tô Hoài ), cũng có khi là lời thổ lộ mạnh bạo,
gây shock về nỗi khao khát niềm vui gối chăn trong Khát (Vi Thuỳ Linh) hay nỗi
thất vọng cũng chính trong những chuyện tế nhị nhưng rất con người đó trong Nằm
nghiêng (Phan Huyền Thư)…
Con người không chỉ được coi là một chủ thể độc lập, một sinh thể toàn vẹn
mà còn phải được coi là một cá thể có cá tính. Tức là con người với những biểu
hiện cá biệt, độc đáo về bản sắc cùng ý thức về quyền được phát huy bản sắc riêng
cũng như quyền được khác của chính nó. Quan niệm này được bộc lộ trong Lãng
tử của Nguyễn Khải trong Cát bụi chân ai và Chiều chiều của Tô Hoài cùng nhiều
sáng tác của các tác giả trẻ khác…

Nhìn chung, những tìm tòi về ý tưởng cũng như hình thức nghệ thuật
trong đời sống văn học gây hiệu ứng xã hội trong mấy năm cuối thế kỉ cho thấy
việc khơi dậy và phát huy tính độc lập của cá nhân trên phương diện khuyến khích
sự đa dạng, ủng hộ những nỗ lực tự thể hiện cá nhân nhằm tạo nên các giá trị độc
đáo và độc sáng đang là một xu hướng ngày càng được khẳng định và thừa nhận.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng trong xã hội ta hiện đang một sự
giằng co bất phân thắng bại giữa ý thức độc lập của cá nhân và tính phụ thuộc, lệ
thuộc vốn từng bám vào đời sống của các thành viên trong cộng đồng một cách “
sâu rễ, bền gốc” do những điều kiện lịch sử để lại. Đây là đặc điểm cơ bản của quá
trình chuyển tiếp từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại không chỉ ở nước ta.
Nhưng ở ta, quá trình giằng co này có thể sẽ kéo dài hơn do các cá nhân, sau một
thời gian dài sống lệ thuộc và thụ động trong nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao
cấp đã bị suy yếu đi rất nhiều, mặt khác, nền kinh tế thị trường hiện tại chưa được
thiết lập thành một nền tảng vững chắc, chưa phát huy hết tính ưu việt thực sự của
nó, thậm chí còn nặng về tính chất “tự phát, hoang dã” do đó, chưa đảm bảo một
cách toàn diện và sâu sắc cho sự phát triển của tính độc lập của cá nhân. Đây là
một vấn đề nan giải cần có sự điều chỉnh ở nhiều phương diện và cả ở hệ thống vĩ
mô.

×