Tải bản đầy đủ (.docx) (106 trang)

Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (563.22 KB, 106 trang )

MỤC LỤC
A. PHẦN MỞ ĐẦU
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ TỔNG
HỢP TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
1.1. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
1.1.1. Các khái niệm về tài nguyên
1.1.1.1. Tài nguyên
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam [19], tài nguyên được hiểu là
“tổng lượng một dạng thức sẵn có trong môi trường, như đất đai, nhân lực, tư
liệu sản xuất, cơ hội, khả năng, tiền vốn, dữ liệu khoa học, thông tin được khai
thác, sử dụng trong những điều kiện xã hội, kinh tế và công nghệ nhất định”. Có
nhiều loại tài nguyên khác nhau như: Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên kinh tế,
tài nguyên xã hội, tài nguyên khoa học, vv. Việc đánh giá tài nguyên thay đổi
theo những biến đổi về kinh tế (vd. biến đổi về giá cả), về xã hội và khoa học
công nghệ (vd. công nghệ mới có thể làm tăng số lượng tài nguyên). Phần tài
nguyên có thể khai thác theo công nghệ thông dụng, trong những điều kiện kinh
tế và xã hội hiện thời gọi là dự trữ. Những dự trữ đã được nhận biết có thể chia
thành loại dự trữ đã xác minh, loại có thể có và loại có thể thu hồi; những dự trữ
khác được phát hiện thì hoặc là dự trữ giả thiết hoặc là dự trữ theo lí thuyết.
Nói cách khác, tài nguyên, theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn vật
liệu, năng lượng, thông tin có trên trái đất và trong vũ trụ mà con người có thể
sử dụng để phục vụ nhu cầu cầu phát triển của mình. Tùy theo tiêu chí, tài
nguyên được phân chia thành các dạng khác nhau.
- Nếu dựa vào khả năng có thể bị hao kiệt trong quá trình khai thức sử
dụng, người ta chia ra: tài nguyên có thể bị cạn kiệt và tài nguyên không cạn
kiệt.
- Nếu dựa vào khả năng có thể phục hồi trong quá trình khai thác sử dụng,
người ta chi ra: tài nguyên có thể phục hồi và tài nguyên không thể phục hồi.
- Nếu dựa vào nguồn gốc phát sinh, người ta chia ra: tài nguyên thiên
nhiên và tài nguyên nhân văn.
- Nếu dựa vào mục đích sử dụng, người ta có thể chia ra: tài nguyên nông


nghiệp, tài nguyên công nghiệp, tài nguyên du lịch,…
2
Nói tóm lại, tài nguyên là một phạm trù lịch sử, ranh giới của nó mở rộng
theo thời gian cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Việc phân loại tài
nguyên phụ thuộc vào tiêu chí phân loại.
1.1.1.2. Tài nguyên đất
Đất là một dạng tài nguyên vật liệu của con người. Đất có hai nghĩa: đất
đai là nơi ở, xây dựng cơ sở hạ tầng của con người và thổ nhưỡng là mặt bằng
để sản xuất nông, lâm nghiệp.
Đất theo nghĩa thổ nhưỡng là vật thể thiên nhiên có cấu tạo độc lập lâu
đời, hình thành do kết quả của nhiều yếu tố: đá gốc, động thực vật, khí hậu, địa
hình và thời gian. Thành phần cấu tạo của đất gồm các hạt khoáng chiếm 40%,
hợp chất humic 5%, không khí 20% và nước 35%.
Giá trị tài nguyên đất được đo bằng số lượng diện tích (ha, km2) và độ phì
(độ mầu mỡ thích hợp cho trồng cây công nghiệp và lương thực).
1.1.1.3. Tài nguyên nước
Nước là nguồn tài nguyên có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát
triển của xã hội loài người. Tài nguyên nước được hiểu là lượng nước trong
sông, ao hồ, đầm lầy, biển, đại dương và trong khí quyển. Theo luật tài nguyên
nước Việt Nam năm 2013 [11] Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước
dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam. Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo. Nước
dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất.
1.1.1.4. Tài nguyên khí hậu
Tài nguyên khí hậu được định nghĩa bao gồm gió, ánh sáng mặt trời,
lượng mưa và các thành phần của khí quyển có khả năng được sử dụng để phục
vụ cho các hoạt động của con người. Trên thực tế tài nguyên khí hậu của có thể
được khai thác theo từng thành phần riêng biệt (tài nguyên năng lượng gió, năng
lượng mặt trời…) hoặc tổng hợp của các yếu tố để tạo nên một điều kiện khí hậu
đặc trưng nào đó (khí hậu ôn đới núi cao: Sapa, Đà Lạt…).

1.1.1.5. Tài nguyên sinh vật
Là toàn bộ giống loài trên trái đất có khả năng phục vụ cho nhu cầu của
con người. Tài nguyên sinh vật bao gồm tài nguyên thực vật và tài nguyên động
vật. Giá trị của tài nguyên sinh vật thể hiện ở mức độ phong phú về chủng loại,
số lượng cá thể và mức độ quý hiếm của các loài.
3
1.1.1.6. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản là tích tụ vật chất dưới dạng hợp chất hoặc đơn
chất trong vỏ trái đất, mà ở điều kiện hiện tại con người có đủ khả năng lấy ra
các nguyên tố có ích hoặc sử dụng trực tiếp chúng trong đời sống hàng ngày.
Tài nguyên khoáng sản thường tập trung trong một khu vực gọi là mỏ
khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển
kinh tế của loài người và khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản có tác động
mạnh mẽ đến môi trường sống. Một mặt, tài nguyên khoáng sản là nguồn vật
chất để tạo nên các dạng vật chất có ích và của cải của con người. Bên cạnh đó,
việc khai thác tài nguyên khoáng sản thường tạo ra các loại ô nhiễm như bụi,
kim loại nặng, các hoá chất độc và hơi khí độc (SO2, CO, CH4 v.v ).
Tài nguyên khoáng sản được phân loại theo nhiều cách: Theo dạng tồn
tại: Rắn, khí (khí đốt, Acgon, He), lỏng (Hg, dầu, nước khoáng); Theo nguồn
gốc: Nội sinh (sinh ra trong lòng trái đất), ngoại sinh (sinh ra trên bề mặt trái
đất); Theo thành phần hoá học: Khoáng sản kim loại (kim loại đen, kim loại
màu, kim loại quý hiếm), khoáng sản phi kim (vật liệu khoáng, đá quý, vật liệu
xây dựng), khoáng sản cháy (than, dầu, khí đốt, đá cháy)….
1.1.1.7. Bản chất của việc khai thác và sử dụng tài nguyên
Quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên là quá trình con người khai thác
các chất, các thuộc tính có ích của các vật thể và các lực trong tự nhiên, đồng
thời để lại trong môi trường các chất thải và năng lượng thừa, một mặt có thể
làm tài nguyên bị cạn kiệt, mặt khác lại làm cho môi trường bị ô nhiễm.
Quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên chính là quá trình con người
tham gia vào các chu trình vật chất, năng lượng trong tự nhiên, làm cho các chu

trình này bị biến đổi phức tạp hơn, đồng thời lại tạo ra các bộ phận mới có
nguồn gốc nhân tác. Chẳng hạn, trong quá trình sử dụng tài nguyên nước, con
người đã làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trên toàn cầu, và việc bơm nước vào
các vỉa dầu đã loại bỏ một bộ phận nước trên trái đất ra khỏi vòng tuần hoàn.
Con người đã làm thay đổi mạnh mẽ chu trình cacbon, nitơ…
Do tính chất không thể chia cắt được của môi trường tự nhiên, nhất là của
khí quyển, thủy quyển và sinh quyển, nên tác động của con người lên môi
trường ở địa phương có thể truyền được đi xa hàng trăm, hàng nghìn kilômet,
làm cho vấn đề môi trường về bản chất là vấn đề toàn cầu. Ví dụ, ở Bắc Cực
không có hoạt động trồng trọt, nhưng người ta đã từng phát hiện được thuốc trừ
sâu trong sữa của gấu trắng Bắc Cực. Điều này càng rõ nét khi mà trong thời đại
4
ngày nay, khi mà ở bất cứ nơi nào trên Trái Đất cũng có thể chịu tác động do
hoạt động của con người.
Do quy luật trao đổi vật chất và năng lượng trong lớp vỏ cảnh quan nên
các tác động của con người lên tự nhiên, có thể gây ra những phản ứng dây
chuyền, làm cho các tác động gây hậu quả không mong muốn có thể mở rộng
quy mô và trở lên khó kiểm soát hơn. Chính điều này đòi hỏi con người cần sớm
nhìn ra các xu hướng diễn biến của các phản ứng dây chuyền để có thể điều
chỉnh kịp thời. Ngày nay, trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật
hiện đại, lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ mà sức mạnh của con người
có thể so sánh với lực lượng địa chất. Con người thể hiện sức mạnh khổng lồ
của mình trong việc cải tạo và chế ngự tự nhiên. Nhưng cùng với những thành
quả đạt được, loài người đã phải gánh chịu những hậu quả không mong muốn,
đến mức nhiều nhà khoa học lo ngại về một cuộc “khủng hoảng sinh thái”. Khi
tác động theo hướng cải tạo thiên nhiên ở quy mô lớn thì các hậu quả không
mong muốn tiềm tàng cũng ở quy mô lớn tương ứng.
Thiên nhiên có khả năng duy trì trạng thái cân bằng và có khả năng tự làm
sạch. Tuy nhiên nếu tác động của con người vượt quá những giới hạn cho phép
thì trạng thái cân bằng bị phá vỡ, môi trường bị suy thoái hoặc ô nhiễm.

Trong quá trình sử dụng tài nguyên, con người làm thay đổi mạnh mẽ
cảnh quan cũng như phân bố lại vật chất trên lớp vỏ trái đất, tạo ra các dị thường
địa hóa, chẳng hạn các kim loại phân bố khá phân tán trong vỏ Trái Đất, nhưng
nhờ công nghiệp luyện kim, con người đã tích tụ chúng ở các máy công cụ,
phương tiện vận tải, các công trình xây dựng… Các dị thường địa hóa này
thường gắn nhiều nhất với các vùng nông nghiệp thâm canh, các trung tâm công
nghiệp. Và đáng ngại thay, các nơi này lại là vùng tập trung đông dân cư. Chính
vì vậy mà các ổ gây ô nhiễm càng dễ gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Thiên nhiên tồn tại ở thể cân bằng động. Dưới tác động của con người,
cân bằng động này bị phá vỡ, cân bằng động mới được thiết lập. Quan hệ qua lại
giữa môi trường địa lý và xã hội loài người phát triển qua hàng chuỗi các cân
bằng động như vậy. Việc bảo vệ tự nhiên, khôi phục các trạng thái cân bằng của
tự nhiên không có nghĩa là khôi phục lại đúng trạng thái cân bằng ban đầu đã
mất. Iu. G. Xauskin (1973) đã cảnh báo (mặc dù lúc bấy giờ chưa phổ biến quan
niệm phát triển bền vững) rằng nền sản xuất xã hội phát triển mở rộng như một
vòng xoáy trôn ốc với biên độ ngày càng lớn, còn cơ sở tài nguyên của nhân loại
5
lại thu hẹp như một vòng xoáy trôn ốc với biên độ ngày càng nhỏ, và đó chính là
một mâu thuẫn lớn trong quá trình phát triển. Ngay từ lúc ấy, Iu. G. Xauskin đã
nhấn mạnh đến sự phụ thuộc của số phận loài người vào cách thức con người
khai thác tự nhiên, số phận của nhân loại không tách rời số phận của môi trường
tự nhiên trên Trái Đất. Ông đã nhìn thấy khía cạnh đạo đức trong việc sử dụng
hợp lý tài nguyên, điều mà sau này người ta nói đến trong khái niệm phát triển
bền vững sao cho sự phát triển của thế hệ hôm nay không làm tổn hại đến sự
phát triển của thế hệ tương lai.
Loài người có thể làm cho việc sử dụng tài nguyên hợp lý hơn thông quá
quá trình tổ chức hợp lý lãnh thổ sản xuất, hợp lý hóa các chu trình năng lượng –
sản xuất, các chu trình tài nguyên, sử dụng tổng hợp nguyên liệu, năng lượng,
giảm thiểu các chất thải và năng lượng thừa chuyển vào môi trường, tìm kiếm
các công nghệ sạch (công nghệ không tạo ra chất thải), tìm kiếm các vật liệu

mới và các nguồn năng lượng mới, tái tạo tài nguyên, tái sử dụng phế liệu. Tuy
nhiên những lợi ích kinh tế do sử dụng tự nhiên hợp lý là có tính chất lâu dài,
đòi hỏi đầu tư lớn, trong nhiều trường hợp không hấp dẫn các nhà sản xuất và ở
các nước nghèo, có nhiều hạn chế về khả năng vốn và công nghệ, thì điều này
cũng không dễ thực hiện. Còn nhiều lý do về kinh tế, chính trị là rào cản nhân
loại có các giải pháp toàn diện và toàn cầu để sử dụng hợp lý tài nguyên có giới
hạn của Trái Đất và giữ cho Trái Đất an toàn về môi trường.
1.1.2. Các khái niệm về môi trường
1.1.2.1. Môi trường
Theo Luật bảo vệ Môi trường (2005) [11] Môi trường bao gồm các yếu tố
tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống,
sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam [19], môi trường bao gồm các
yếu tố tự nhiên và các yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau,
bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại và phát
triển của con người và thiên nhiên”.
Nội dung quản lí MT: bảo vệ rừng và bảo đảm độ che phủ trên lãnh thổ;
chống ô nhiễm không khí, nước và đất; bảo hộ lao động; giải quyết và tận dụng
các phế thải; chống xói mòn, laterit và hoang mạc hoá đất đai; quản lí nơi cư trú
cho các sinh vật, bảo vệ và chống sự tiêu diệt các loài sinh vật quý hiếm; bảo vệ
6
mĩ quan và các di sản văn hoá; khai thác hợp lí, bảo vệ và làm giàu tài nguyên,
vv. "Luật bảo vệ môi trường" của Việt Nam quy định những hoạt động giữ cho
MT trong lành, sạch đẹp, cải thiện MT, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn,
khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho MT, khai
thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
1.1.2.2. Ô nhiễm môi trường
Theo luật bảo vệ môi trường 2005 của Việt Nam, ô nhiễm môi trường là
sự biến đổi của thành phần môi trường, không phù hợp với tiêu chuẩn môi
trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật (Điều 3).

Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới: sự ô nhiễm là việc chuyển các
chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây tác hại đến
sức khỏe con người, đến sự phát triển của sinh vật hoặc làm suy giảm chất
lượng môi trường.
Như vậy, môi trường chỉ được gọi là bị ô nhiễm nếu trong đó hàm lượng,
nồng độ hoặc cường độ các tác nhân gây ô nhiễm đạt đến mức có khả năng tác
động xấu đến con người, sinh vật và vật liệu.
1.1.3. Khái niệm sinh thái học và hệ sinh thái
1.1.3.1. Sinh thái học
Sinh thái học là khoa học tổng hợp về quan hệ tương hỗ giữa sinh vật và
môi trường và giữa các sinh vật với nhau.
1.1.3.2. Hệ sinh thái
Hệ sinh thái là hệ quần thể sinh vật trong một khu vực địa lý tự nhiên nhất
định cùng tồn tại và phát triển, có tác động qua lại với nhau.
1.1.3.3. Đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh
thái. Đa dạng hệ sinh học bao gồm:
- Đa dạng về di truyền: là sự phong phú những biến dị trong cấu trúc di
truyền của cá thể bên trong loài hoặc giữa các loài; những biến dị di truyền bên
trong hoặc giữa các quần thể.
- Đa dạng loài: là sự phogn phú về các loài được tìm thấy trong các hệ
sinh thái tại một vùng lãnh thổ xác định thông qua việc điều tra, kiểm kê.
7
- Đa dạng hệ sinh thái: là sự phong phú về các kiểu hệ sinh thái khác nhau
trên cạn cũng như dưới nước tại một vùng nào đó.
1.1.3.4. Cân bằng sinh thái
Cân bằng sinh thái là trạng thái ổn định về sinh thái, trong đó các thành
phần môi trường tự nhiên ở trong trạng thái cân bằng. Nếu cân bằng sinh thái
không được duy trì, thì hệ sinh thái sẽ bị suy thoái.
1.2. KHÁI NIỆM TAI BIẾN THIÊN NHIÊN VÀ TAI BIẾN MÔI TRƯỜNG

Tai biến - là quá trình, tính chất hoặc trạng thái của môi trường tự nhiên,
xã hội, kỹ thuật-công nghệ có thể đe doạ trạng thái hoạt động bình thường của
hệ thống “ kỹ thuật - tự nhiên” (HKT) ở các cấp bậc khác nhau hoặc con người
và môi trường xung quanh (Ragozin, 1995).
Tai biến tự nhiên bao gồm toàn bộ những biến đổi có hại về trạng thái
của thạch quyển, thuỷ quyển, khí quyển, Ví dụ: động đất, trượt đất, lũ lụt, lũ
bùn đá, xảy ra cục bộ hay khu vực. Người ta có thể chia ra một số nhóm tai
biến thiên nhiên lớn như sau: Tai biến địa động lực (động đất, núi lửa, trượt lở,
sụt lún….); Tai biến khí tượng (mưa, bão, lũ, vòi rồng, hạn hán, sét, hạn hán, sa
mạc hóa….); Tai biến có nguồn gốc nhân sinh (cháy rừng, công nghiệp hạt
nhân, tai biến sinh thái, tai biến từ hoạt động của quân đội, tai biến do giao
thông).
Tai biến môi trường là quá trình gây mất ổn định trong hệ thống môi
trường. Đó là một quá trình gây hại vận hành trong hệ thống môi trường gồm 3
giai đoạn: Giai đoạn nguy cơ (hay hiểm hoạ): Các yếu tố gây hại tồn tại trong
hệ thống, nhưng chưa phát triển gây mất ổn định; Giai đoạn phát triển: Các yếu
tố tai biến tập trung lại, gia tăng, tạo trạng thái mất ổn định nhưng chưa vượt qua
ngưỡng an toàn của hệ thống môi trường; Giai đoạn sự cố môi trường: Quá trình
vượt qua ngưỡng an toàn, gây thiệt hại cho con người về sức khoẻ, tính mạng,
tài sản, Những sự cố gây thiệt hại lớn được gọi là tai hoạ, lớn hơn nữa được
gọi là thảm hoạ môi trường.
Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành
phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.
Sự cố môi trường là tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động
của con người hoặc biến đổi thất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái
hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.
8
Ở đồng bằng, miền núi, trung du và cao nguyên, do đặc điểm tự nhiên,
kinh tế - xã hội khác nhau nên những tai biến thiên nhiên và tai biến môi trường
cũng có biểu hiện khác nhau.

1.3. KHÁI NIỆM MÂU THUẪN VÀ XUNG ĐỘT TRONG KHAI THÁC, SỬ
DỤNG TÀI NGUYÊN
Những mẫu thuẫn và xung đột trong quá trình khai thác, sử dụng tài
nguyên là một tất yếu khách quan, tuy nhiên việc nghiên cứu để tìm ra bản chất
của các mẫu thuẫn này sẽ góp phần đắc lực trong việc giải quyết có hiệu quả
những mâu thuẫn đó. Có nhiều loại xung đột khác nhau trong quá trình khai thác
và sử dụng tài nguyên, nhưng chúng ta có thể chia ra hai nhóm xung đột lớn:
xung đột giữa các thành phần của tự nhiên và xung đột mang tính chất xã hội
(giữa con người với con người). Tuy nhiên trong khuôn khổ chuyên đề này tác
giả chỉ tập trung phân tích các xung đột có tính chất xã hội.
Xét cho cùng bản chất của những mâu thuẫn, xung đột mang tính chất xã
hội trong vấn đề tài nguyên – môi trường là sự không công bằng trong quyền
hưởng thụ những giá trị vật chất, tinh thần do tài nguyên mang lại, cùng với đó
là việc gánh chịu những hậu quả về môi trường do hoạt động khai thác tài, chế
biến, sử dụng tài nguyên gây ra.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về các cuộc xung đột sắc tộc và ly khai ở các
quốc gia và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có một mối liên hệ nhất định
giữa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên với nguồn gốc của các cuộc xung đột
này. Có hai hiện tượng chủ yếu được sử dụng để lý giải cho mối liên hệ này, đó
là "lòng tham" ("greed" - hay việc theo đuổi lợi ích vật chất) và "các mối bất
bình" (grievances - hay sự bất bình của người dân bản địa đối với các hậu quả
của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc khu vực họ sinh sống).
Thuyết "lòng tham" do hai nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới là
Paul Collier và Anke Hoeffler khởi xướng, trong đó hai nhà nghiên cứu này cho
rằng việc theo đuổi các lợi ích kinh tế là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các cuộc
xung đột bên trong các quốc gia.
Thuyết "nỗi bất bình" trong khi đó tập trung vào sự bất bình và thất vọng
của người dân nơi có tài nguyên được khai thác như là một nguyên nhân làm
cho các cuộc xung đột bùng phát và kéo dài. Ví dụ như Ted Gurr cho rằng sự
khác biệt giữa mong muốn được thừa hưởng những thành quả của việc khai thác

tài nguyên và những gì đạt được trên thực tế là nguyên nhân dẫn tới sự thất vọng
9
của người dân bản địa, khiến họ có cảm giác như bị "cướp bóc", từ đó dẫn tới
nỗi bất bình của người dân và cuối cùng họ có thể chọn con đường bạo lực chính
trị nhằm giải tỏa nỗi bất bình của mình. Đặc biệt, sự bất bình của người dân bản
địa đối với việc khai thác tài nguyên sẽ càng nguy hiểm nếu kết hợp với các mối
bất bình khác liên quan đến sắc tộc, tôn giáo hay bất bình đẳng.
Ở các vùng lãnh thổ khác nhau những mâu thuẫn, xung đột có biểu hiện
khác nhau, do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên đặc biệt là sự khác biệt về các
điều kiện kinh tế - xã hội.
1.4. QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
1.4.1. Tổng quan về quản lý tổng hợp
Quản lý tổng hợp là một quan điểm quản lý mới, ra đời để thay thế cho
các quan điểm quản lý theo tập quán nhằm giải quyết một cách tổng thể các yếu
tố kinh tế - xã hội với môi trường xung quanh liên quan đến vấn đề quản lý, sử
dụng tài nguyên. Trên thực tế, có hai mô hình quản lý tổng hợp đã được triển
khai và ứng dụng hiệu quả trên thế giới và ở Việt Nam, đó là: quản lý tổng hợp
lưu vực sông và quản lý tổng hợp đới bờ.
1.4.1.1. Quản lý tổng hợp lưu vực sông
Lưu vực sông là vùng địa lý mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất
chảy tự nhiên vào sông. Trong ranh giới thủy văn của lưu vực một con sông có
thể tồn tại nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, tộc người, các hình thái kinh tế,
chính trị, xã hội khác nhau. Trong một quốc gia, lưu vực sông có thể gồm nhiều
ranh giới hành chính có trình độ phát triển khác nhau, trên đó tồn tại các điều
kiện tự nhiên, các dạng tài nguyên, các hệ sinh thái, các điều kiện kinh tế, xã
hội Trên lưu vực sông, mỗi dạng tài nguyên đều có chủ sở hữu (được nhà
nước giao quyền) theo khuôn khổ pháp luật và được đặt trong cơ chế quản lý
theo trách nhiệm ngành và địa giới hành chính. Nhưng về bản chất tự nhiên, các
nguồn tài nguyên thiên nhiên thường không có biên giới rõ ràng, chúng tồn tại
và phát triển trong mối quan hệ tương tác, nương tựa vào phụ thuộc lẫn nhau.

Bởi vậy bất cứ một cách quản lý riêng lẻ nào cũng không mang lại sự phát triển
bền vững, chúng cần được quản lý một cách tổng hợp. Trong mô hình quản lý
tổng hợp lưu vực sông, lưu vực sông được lấy làm cơ sở và xem đó là một hệ
thống thống nhất, trong đó có những tác động qua lại giữa các loại tài nguyên
(nước, đất, rừng, các hệ sinh thái ) và con người. Phương pháp này nhằm quản
10
lý lưu vực sông như một thực thể với những mục đích bảo vệ toàn bộ năng suất
của các nguồn tài nguyên trong một thời gian lâu dài, đồng thời bảo vệ và cải
thiện chất lượng môi trường của lưu vực sông.
Hiện tại cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về quản lý tổng hợp tài nguyên
và môi trường theo lưu vực sông. Có ý kiến cho rằng đó là việc điều hòa, chia sẻ
các nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên nước nói riêng và tài nguyên thiên
nhiên nói chung cho mục các mục đích khác nhau: nông nghiệp, thủy điện, cấp
nước sinh hoạt và công nghiệp, giao thông thủy để đạt hiểu quả kinh tế mà
không làm suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Có ý kiến lại nhấn mạnh
đến sự phối hợp ở tất cả các ngành, các cấp chính quyền (quốc gia, tỉnh đến
cộng đồng địa phương) trên lưu vực sông trong khai thác, sử dụng để bảo vệ tài
nguyên và môi trường [18]. Tuy vậy, có thể hiểu quản lý tổng hợp lưu vực sông
hay quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường theo lưu vực sông là sự hợp tác
trong quản lý và khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên có trên lưu vực một
cách hợp lý, công bằng để đạt được lợi ích kinh tế và xã hội mà không làm tổn
hại đến sự bền vững của hệ sinh thái.
1.4.1.2. Quản lý tổng hợp đới bờ
Năm 1972 có thể được lấy làm mốc để xác định sự ra đời của các lý thuyết
về quản lý Quản lý tổng hợp đới bờ hay quản lý tổng hợp vùng bờ biển
(Integrated Coastal zone management) - QLTHVBB, với việc ban hành sắc lệnh
quản lý vùng bờ biển của Hoa Kỳ [15].
QLTHVBB là một chương trình tạo dựng nhằm quản lý tài nguyên vùng bờ
biển, có sự tham gia liên kết của tất cả các ngành kinh tế bị tác động, các cơ
quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (Clark.J.R, 1996). QLTHVBB là

mẫu hình quan niệm mới nhất về quản lý các vùng bờ biển, liên kết hoạt động
đối tác, tập hợp các bên có quyền lợi, là một quá trình phối hợp và các hoạt động
không trùng lặp. Nó bao gồm việc đánh giá toàn diện, đặt ra các mục tiêu, quy
hoạch và quản lý hệ thống vùng bờ và tài nguyên, có xét đến các đặc điểm lịch
sử, văn hóa và truyền thống, mâu thuẫn lợi ích và sử dụng, đó là một quá trình
liên tục và tiến hóa nhằm đạt tới sự phát triển bền vững (UNCED, 1992).
QLTHVBB là một quá trình động và liên tục, nhờ đó các quyết định được đưa ra
nhằm sử dụng, phát triển bền vững và bảo vệ các khu vực và tài nguyên bờ và
biển (Biliana, 1993).
11
Theo cộng đồng châu Âu (1997), QLTHVBB là một quá trình động, đa
năng và lặp lại nhằm phát triển quản lý bền vững vùng bờ biển. Nó gồm một chu
kỳ đầy đủ từ thu thập thông tin, lập quy hoạch (theo nghĩa rộng nhất), ra quyết
định, quản lý và giám sát thực hiện. QLTHVBB dùng sự tham gia và hợp tác đã
được đồng thuận của tất cả các bên có lợi ích để đạt được các mục tiêu xã hội ở
một vùng bờ biển xác định và thực thi các hành động nhằm hướng tới các mục
đích này. Về lâu dài, QLTTVBB tiến tới sự cân bằng về các mục tiêu môi
trường, kinh tế - xã hội, văn hóa và nghỉ dưỡng, nằm trong phạm vi của quá
trình tự nhiên. "Tổng hợp" ở đây mang nghĩa tổng hợp các mục tiêu, tổng hợp
nhiều cách thức cần thiết để đạt mục tiêu. Nó còn có nghĩa tổng hợp mọi lĩnh
vực, chính sách, mọi ngành liên quan và trình độ quản lý hành chính. Nó còn có
ý nghĩa tổng hợp các phần biển và đất liên của vùng trọng tâm, cả không gian và
thời gian.
Bên cạnh đó, còn có khái niệm quản lý tổng hợp ven bờ biển (ICM -
Integrated Coastal management), trong đó trọng tâm là đối tượng sử dụng tài
nguyên thiên nhiên, chứ không phải nguồn tài nguyên (United Nations, Atlas of
the Ocean, GESAMP Glossary).
Như vậy, về bản chất QLTHVBB là quản lý nhà nước với cách thức quản
lý tập trung. Điều này xuất phát từ thực tế là hiện nay hầu hết các nền kinh tế vĩ
mô trên thế giới là nền kinh tế thị trường với cách thức quản lý phi tập trung.

Trước đây, nền kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa được quản lý theo kiểu chỉ
huy tập trung và bao cấp, trên thực tế chưa thành công và đã đổ vỡ. Tuy nhiên,
nền kinh tế quản lý phi tập trung cũng đã bộc lộ rõ những vấn đề phải đối mặt về
suy giảm tài nguyên và suy thoái môi trường, dẫn đến khả năng phát triển không
bền vững, không chỉ về xã hội hội, môi trường và cả về kinh tế. Vì vậy,
QLTHVBB được đặt ra như một tất yếu, nhưng tiếp cận nó là một quãng đường
dài từ nhận thức, lý luận đến thực tiễn, từ ý tưởng đến thành công. Nó chỉ có thể
đạt được mục tiêu với vai trò quản lý nhà nước với cách thức quản lý tập trung.
QLTHVBB được coi là quản lý đa ngành, đa mục tiêu và đa lợi ích, là chìa khóa
của phát triển bền vững vùng bờ biển.
Tuy nhiên, hiện nay quan niệm này chưa phải đã được chấp nhận ở mọi
nơi. Còn có những quan điểm cho rằng quản lý vùng bờ biển không phải cách
quản lý tối ưu và chủ đạo, vì khó có khả năng thành công do chính các nhược
điểm từ cách thức quản lý tập trung, khó có khả năng trở thành một quá trình tồn
12
tại tự mình (trường hợp ở Inđônêxi). Ở đây vai trò quản lý vùng bờ biển phi tập
trung giống như trong quản lý kinh tế được đề cao và đề xuất phát triển các mô
hình chủ đạo kiểu "đồng quản lý" hay "quản lý dựa vào cộng đồng".
1.4.2. Khái niệm về quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường
Qua những phân tích ở trên, có thể thấy cách hiểu khác nhau về quản lý
tổng hợp rất khác nhau, tuỳ theo cách tiếp cận mà quản lý tổng hợp được hiểu
theo những cách khác nhau.
Ở Việt Nam, trên phương diện quản lý nhà nước, theo Nghị định Số:
25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2009 của Thủ tường Chính Phủ về quản
lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo [6] có đề cập đến 5
nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, gồm:
• Bảo đảm sự quản lý thống nhất, liên ngành, liên vùng, đồng thời hài hoà
lợi ích chung giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo
vệ môi trường biển, hải đảo; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, hải đảo
với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

• Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường,
bảo đảm an toàn trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền quốc
gia và toàn vẹn lãnh thổ.
• Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực
trong nước và quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển, hải
đảo.
• Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm và khắc phục suy
thoái môi trường biển, hải đảo; bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái biển, hải đảo
bảo đảm sự phát triển bền vững.
• Tuân thủ các Điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên.
Như vậy trên phương diện quản lý nhà nước, quản lý tổng hợp tài nguyên
và môi trường có thể được hiểu là phương thức quản lý đảm bảo sự thống nhất,
liên ngành, liên vùng , cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác,
sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh
tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc hòng với bảo vệ môi trường.
Theo Uỷ hội sông Mê Kông [4] quản lý tổng hợp là chiến lược quản lý
dựa trên quan điểm hệ sinh thái, tập trung vào mối quan hệ giữa các yếu tố
khác nhau, và ghi nhận động thái, sự thay đổi của các hệ sinh thái tự nhiên.
Cũng theo cơ quan này, sự khác nhau lớn nhất giữa quản lý theo tập quán và
13
quản lý tổng hợp đó là quản lý tổng hợp thiên về “phòng chống” hơn là “chữa”.
Trong khi đó quản lý theo tập quán mang tính phản ứng lại (có nghĩa là các
quyết định được đưa ra để ứng phó với sự cố). Quản lý tổng hợp mang tính đón
đầu (có nghĩa là các quyết định được đưa ra để ngăn chặn sự cố). Các ích lợi của
quản lý tổng hợp bao gồm:
• Bảo vệ dài hạn tài nguyên
• Tăng cường khả năng không xuống cấp tài nguyên do sử dụng đa mục
đích
• Giảm chi phí về năng lượng và tài chính vào giải quyết các mâu thuẫn
do cạnh tranh trong sử dụng tài nguyên.

• Khôi phục nhanh chóng và hiệu quả các hệ sinh thái bị hư hại.
Theo quan điểm của các nhà địa lý Việt Nam, quản lý tổng hợp là một
quan điểm quản lý dựa trên cách tiếp cận thể tổng hợp địa lý. Như chúng ta đã
biết một lãnh thổ ở cấp bất kỳ đều là một thể thống nhất về mặt tự nhiên và kinh
tế - xã hội, các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội của lãnh thổ không tồn tại độc
lập mà luôn có mối quan hệ tác động qua lại, chi phối lẫn nhau. Đồng thời một
lãnh thổ dù ở cấp lớn đến đâu vẫn là một bộ phận của một hệ thống lớn hơn nó,
và các thành phần tự nhiên kinh tế - xã hội cấu thành lãnh thổ đó cũng là một bộ
phận của hệ thống lớn hơn chi phối và tác động đến chúng. Chính vì vậy khi một
yếu tố trong lãnh thổ thay đổi nó có thể dẫn đến sự thay đổi của các yếu tố khác
cũng như toàn bộ hệ thống. Sự thay đổi đó chỉ dừng lại khi hệ thống đạt được
mức cân bằng mới (cân bằng động). Do đó, trong quá trình khai thác và sử dụng
tài nguyên mà bản chất là quá trình tác động đến các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã
hội nhằm lấy đi những thuộc tính có ích và đề lại môi trường những thuộc tính
không có ích (hoặc chưa có ích) con người cần tính toán được xu hướng, cường
độ của sự thay đổi của từng yếu tố cũng như toàn bộ thống.
Nói cách khác quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường một lãnh thổ
nào đó chính là việc xác lập được cơ sở khoa học hay lôgic khoa học trong việc
sử dụng lãnh thổ vì mục tiêu phát triển bền vững.
14
PHẦN 2
QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI
TRƯỜNG VÙNG ĐỒNG BẰNG, CAO NGUYÊN,
TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI
15
CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ TỔNG
HỢP TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG VÙNG ĐỒNG
BẰNG
2.1. KHÁI NIỆM VÀ HỆ THỐNG PHÂN LOẠI VÙNG ĐỒNG BẰNG
2.1.1. Khái niệm vùng đồng bằng

Đồng bằng là một trong những dạng địa hình quan trọng bậc nhất trên bề
mặt Trái Đất, phát triển cả trên lục địa, dưới đáy biển và đại dương, tuy nhiên
trong khuôn khổ báo cáo này, tác giả chỉ đề cập đến các đồng bằng trên lục địa.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia [21], vùng đồng bằng hay bình
nguyên là một vùng đất đai rộng lớn với địa hình tương đối thấp - nghĩa là nó
tương đối bằng phẳng, với độ cao so với mực nước biển không quá 500m và độ
dốc không quá 5°. Khi độ cao không quá 200m, người ta gọi nó là đồng bằng
thấp, còn khi độ cao từ 200m tới 500m, gọi là đồng bằng cao.
Theo Nguyễn Trọng Hiếu và Phùng Ngọc Đĩnh [8], đồng bằng là dạng địa
hình có về mặt tương đối bằng phẳng với diện tích đáng kể (từ vài km
2
), thường
có độ cao tuyệt đối không lớn. Đôi khi độ cao tuyệt đối của đồng bằng có thể đạt
tới vài trăm mét. Song độ cao tương đối giữa các bộ phận trong đồng bằng luôn
luôn không đáng kể, từ vài mét đến vài chục mét. Những khu vực rộng lớn của
lục địa, trong đó bao gồm nhiều đồng bằng có nguồn gốc phát sinh hoặc cấu tạo
địa chất khác nhau được gọi là miền đồng bằng. Trong miền đồng bằng có thể
có núi, song diện tích của nó không đáng kể.
Theo Đào Đình Bắc [2], đồng bằng là những khu vực bề mặt lục địa
tương đối rộng, độ chênh cao rất nhỏ (không quá 10m), hầu như bằng phẳng, ít
bị chia cắt, mạng lưới thung lũng thưa. Trong thực tế, độ cao tuyệt đối của
những đồng bằng rộng lớn có thể chênh lệch tới vài trăm mét, nhưng đố là trên
khoảng cách hàng chục, thậm chí hàng trăm km, do vậy ta hầu như không cảm
thấy được. Ví dụ đồng bằng tây Sibiri là một trong những đồng bằng rộng nhất
thế giới (2,5 triệu km
2
), cao dần theo hướng từ bắc xuống nam trên khoảng cách
1500-2000km mà rìa phía nam cũng chỉ đạt tới độ cao 200m. Cần nhấn mạnh
rằng dù bằng phẳng đến đâu, đồng bằng vẫn có một độ nghiêng chung nhất định
và thông thường phù hợp với hướng chảy của các dòng sông lớn.

Như vậy có thể nói, đồng bằng là dạng địa hình thấp, độ cao tuyệt đối của
đồng bằng phụ thuộc vào loại đồng bằng, nhưng thông thường chia thành 3
16
mức: đồng bằng thấp (<200m), đồng bằng cao (200-600m), đồng bằng cao trên
núi (>600m) [1], mức độ chia cắt sâu thấp (không quá 10m), có ranh giới
chuyển tiếp từ từ sang các dạng địa hình khác, có cùng nguồn gốc phát sinh và
lịch sử phát triển. Miền đồng bằng là những khu vực rộng lớn, bao gồm nhiều
đồng bằng và có thể tồn tại các dạng địa hình khác. Miền đồng bằng lớn thường
có vị trí trung khớp với những cấu trúc miền nền, nơi có chế độ kiến tạo chủ yếu
là vận động dao động biên độ nhỏ.
2.1.2. Cơ sở phân loại vùng đồng bằng
Đồng bằng là một khái niệm hoàn toàn mang tính hình thái bề ngoài,
nhưng trên thực tế, nếu xét về mặt phát sinh thì chúng rất đa dạng. Để phục vụ
cho việc nghiên cứu và sử dụng lãnh thổ đồng bằng, cần tiến hành phân loại
chúng một cách chi tiết và từ những góc nhìn khác nhau
Theo giáo sư Đào Đình Bắc [2], có 3 nguyên tắc phân loại đồng bằng:
2.1.2.1. Phân loại theo độ cao
Theo độ cao tuyệt đối, có thể chia ra bốn loại sau:
- Đồng bằng trũng: có độ cao tuyệt đối thấp hơn cả mực nước biển. Ví dụ
đồng bằng Prikaspie có độ cao tuyệt đối âm 26m.
- Đồng bằng thấp (còn gọi là các miền đất thấp): có độ cao tuyệt đối nhỏ
hơn 200m. Ví dụ đồng bằng tây Sibiri, đồng bằng châu thổ sông Hồng, đồng
bằng sông Cửu Long.
- Đồng bằng cao: có độ cao tuyệt đối lớn so với mực nước biển (từ 200-
600m). Đó là những miền đất cao bằng phẳng hoặc cao nguyên. Ví dụ đồng
bằng trung tâm nước Pháp.
- Đồng bằng cao trên núi: có độ cao tuyệt đối trên 600m. Đồng bằng trên
núi khác với cao nguyên ở chỗ nó bị các thung lũng chia cắt ở mức độ yếu hơn
và rìa của chúng thường chuyển tiếp từ từ sang các sườn núi xung quanh.
2.1.2.2. Phân loại theo đặc điểm bề mặt

Hình thái bề mặt đồng bằng nhìn chung bằng phẳng, đơn điệu, song nếu
xem xét chi tiết, ta vẫn có thể phát hiện được những sự khác biệt nhất định.
Theo đó có thể phân biệt những dạng đồng bằng sau đây.
- Đồng bằng nghiêng thoải: kiểu đồng bằng bày có độ nghiêng chung về
một hướng, nhưng rất nhỏ. Ví dụ, đồng bằng Amazôn, đồng bằng Đanuýp, đồng
bằng tây Sibiri.
17
- Đồng bằng nghiêng: là loại có độ dốc chung hướng về một phía nhưng
góc nghiêng lớn hơn. Thông thường đây là những đồng bằng nghiêng trước núi.
- Đồng bằng lõm: có đặc điểm nổi bật là phần trung tâm thấp hơn xung
quanh. Vì rằng những đồng bằng loại này đều nằm sâu trong lục địa và không có
dòng thoát nước ra đại dương nên người ta gọi là đồng bằng nội địa. Chúng đặc
trưng cho các miền khí hậu khô hạn và bán khô hạn. Ví dụ: đồng bằng lõm
Bankhat (Trung Á), đồng cỏ ven Pricaspie và nhiều bộ phận của đồng bằng Bắc
Phi.
- Đồng bằng ven biển: có đặc điểm của những bề mặt san bằng sâu sắc,
có độ nghiêng chung về phía biển, chiều rộng nhỏ và thường trải dài dọc theo bờ
biển.
- Đồng bằng gợn sóng: có độ cao dao động rõ rệt và là loại chuyển tiếp
vào miền đồi. Đôi khi cũng gọi là đồng bằng đồi bởi vì trên nền chung bằng
phẳng có thể gặp lác đác một số quả đồi.
- Đồng bằng thung lũng: phát triển ở những đoạn thung lũng sông đặc
biệt mở rộng. Đặc điểm của nó là có bề mặt nhìn chung bằng phẳng, nhưng đi
vào chi tiết cũng có rất nhiều dạng vi địa hình với độ chênh cao trên dưới 1m, độ
dốc không đáng kể.
2.1.2.3. Phân loại theo nguồn gốc phát sinh
- Đồng bằng mài mòn biển: Được hình thành do quá trình mài mòn của
sóng biển trong điều kiện kiến tạo tương đối yên tĩnh; thường là những dải hẹp
kéo dài ven bờ biển. Lớp trầm tích vụn trên bề mặt nói chung rất mỏng, diện lộ
đá gốc chiếm ưu thế. Ở Việt Nam kiểu đồng bằng này có thể gặp nhiều ở ven

biển Quảng Ninh, Hà Tĩnh và dọc bờ biển Miền Trung.
- Đồng bằng tích tụ biển: hình thành khi biến lấn vào khu vực lục địa
thấp đã bị bán bình nguyên hoá, hay là do tích tụ dưới đáy các biển nông sau
nền. Bên dưới lớp trầm tích biển thường vẫn còn lại những trầm tích lục địa và
trầm tích nước ngọt. Chúng còn được gọi là những đồng bằng nguyên sinh, theo
nghĩa là những đồng bằng tích tụ đáy biển nông được nâng lên bởi vận động
kiến tạo dao động. Chúng thường có diện tích rất rộng lớn.
- Đồng bằng phù sa ven biển: hình thành ở cửa những con sông có quá
trình châu thổ phát triển mạnh. Bề mặt đồng châu thổ thường tương đối bằng
phẳng, hơi nghiêng về phía biển hoặc hồ lớn và bị chia cắt bởi mạng lưới sông
ngòi dày đặc đổ ra biển. Quy mô phân bố của chúng có thể đạt diện tích đáng kể,
18
đặc biệt là các châu thổ liên quan đến quá trình võng sụt kiến tạo, như các châu
thổ sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cửu Long
- Đồng bằng ven biển: có nguồn gốc phức tạp hình thành ở những dải
trũng lục địa ven bờ đã từng bị nâng lên, giáng xuống nhiều lần. Vì vậy, trong
cấu tạo trầm tích của chúng, ta có thể thấy những lớp trầm tích biển và trầm tích
lục địa xen kẽ nhau.
- Đồng bằng tích tụ lục địa: được hình thành do tích tụ trầm tích sông,
hồ, sườn tích, băng tích, trầm tích gió trên những khu vực mặt đất bị hạ lún từ
từ, chậm chạp và ít bị chia cắt. Bề dày tầng tích tụ có thể tới hàng nghìn mét
(đồng bằng Ấn - Hằng có bề dày trầm tích lên tới 2000m).
- Đồng bằng tích tụ sông: hình thành ở những khu vực bãi bồi mở rộng.
Bề dày tầng aluvi thường mỏng hơn rất nhiều so với bề dày tích tụ của các loại
kể trên. Chúng thường phát triển trong đáy các thung lũng có biểu hiện võng hạ
tương đối hoặc tuyệt đối hoặc ở những nơi cắt nhau của các đứt gãy kiến tạo.
- Đồng bằng băng thuỷ: được tạo thành bởi hoạt động tích tụ của nước
băng tan. Vật liệu tích tụ ở đây có thành phần chủ yếu là cuội, sỏi và cát phân
lớp xiên. Càng ra xa ranh giới băng hà, vật liệu cát và sét càng nhiều hơn, trở
thành đồng bằng cát băng thuỷ. Bề mặt đồng bằng băng thuỷ có độ nghiên nhẹ

ra xung quanh và nhìn chung không bằng phẳng do có những đồi băng tích nhỏ.
- Đồng bằng tích tụ phù sa hồ: được hình thành khi bồn hồ bị thoái hoá,
trở nên khô cạn.
- Đồng bằng kiến trúc: là loại đồng bằng phát triển trên phạm vi các nền
lục địa, ứng với các địa đài sau khi thoát khỏi mực nước biển vẫn giữ được các
lớp trầm tích biển nằm ngang hoặc gần nằm ngang (vì vậy còn gọi là đồng bằng
nguyên sinh). Giữa đồng bằng kiến trúc và đồng bằng bóc mòn phân lớp có sự
khác biệt là: đồng bằng bóc mòn phân lớp ứng với các phần địa đài nâng, các
quá trình bóc mòn chiếm ưu thế, ngược lại, các đồng bằng kiến trúc ứng với các
phần tĩnh của địa đài và biểu hiện bóc mòn không đáng kể.
- Đồng bằng bào mòn (loại bán bình nguyên): hình thành do quá trình
bào mòn, xâm thực lâu dài. Trên bề mặt loại đồng bằng này có nơi lộ đá gốc, có
nơi bị bao phủ bởi lớp trầm tích mỏng. Bề mặt nói chung không bằng phẳng,
thường gợn sóng, độ cao tuyệt đối tăng dần từ ngoại vi vào trung tâm. Giữa địa
hình và cấu trúc địa chất bên dưới có sự không ăn khớp rõ ràng.
19
` - Đồng bằng đa sinh: là những đồng bằng rộng lớn có nguồn gốc không
đồng nhất (bộ phận này có nguồn tích tụ, bộ phận khác có nguồn gốc bào
mòn ). Các bộ phận tích tụ và bào mòn này có liên hệ đồng sinh với nhau.
2.1.3. Hệ thống phân loại đồng bằng ở Việt Nam
Đồng bằng ở Việt Nam là nhóm địa hình quan trọng thứ hai sau nhóm đồi
núi. Tuỳ thuộc vào mức độ sụt võng mạnh hay yếu, đặc điểm địa hình bờ biển,
đặc điểm mạng lưới sông ngòi dẫn đến sự hình thành nhiều kiểu địa hình đồng
bằng khác nhau.
Theo Vũ Tự Lập [9], địa hình đồng bằng ở nước ta có thể được phân loại
như sau:
2.1.3.1. Kiểu đồng bằng chân núi - ven biển
Hình thành tại các vũng nhỏ chịu ảnh hưởng của các vận động thăng trầm
yếu, đồng bằng rất hẹp ngang, từ chân núi ra biển khoảng chục cây số. Ví dụ:
đồng bằng Quảng Ninh, đồng bằng Kỳ Anh, đồng bằng Quảng Bình, đồng bằng

Khánh Hoà Tính chất chân núi thể hiện ở sự có mặt khá phổ biến của các
thềm lũ tích, thềm biển mài mòn và đồi sót. Tính chất ven biển thể hiện ở tỷ lệ
lớn của đất mặn, đất cát tại các dải cồn phá. Tính chất cửa sông không mạnh do
sông ngắn, lưu lượng ít, kém phù sa. Các vũng cũ các hẹp thì cồn cát càng
nhiều, nếu vũng cũ mở rộng hơn, diện tích phá có thể lớn, kéo theo sự gia tăng
diện tích đồng bằng phá - tam giác châu.
2.1.3.2. Đồng bằng thềm chân núi
Là đồng bằng cao, không bị ngập nước lũ, thường nằm ở rìa giáp đồi núi
của dải đồng bằng chạy suốt từ Bắc chí Nam. Không như các đồng bằng khác
hình thành trong điều kiện yên tĩnh hay sụt lún yếu, đồng bằng thềm chân núi đã
bị lôi kéo ít nhiều vào vận động nâng lên của vùng đồi núi. Tuỳ theo độ cao,
mức độ xâm thực và tính chất phù sa, có thể phân biệt ra hai kiểu:
- Kiểu đồng bằng thềm xâm thực - tích tụ: có độ cao khoảng 25-50m và
cấu tạo chủ yếu từ phù sa cổ, lũ tích nhiều cuội sỏi, thường bị latêrit hoá, trong
lòng đồng bằng có thể có đồi núi sót. Kiểu đồng bằng này có thể bắt gặp ở vùng
Bất Bạt đến Xuân Mai (Hà Tây), vùng Triệu Sơn (Thanh Hoá) và ở Đông Nam
Bộ.
20
- Kiểu đồng bằng thêm tích tụ - xâm thực: xa đồi núi hơn, thấp hơn,
khoảng 10-20m, với phù sa mới là chính, như các đồng bằng thềm ở Bắc Giang,
Vĩnh Phúc.
2.1.3.3. Kiểu đồng bằng tích tụ do sông
Nằm giữa đồng bằng thềm chân núi và đồng bằng ven biển. Tại đây đã
chấm dứt tác động của biển, đồng bằng phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào chế
độ bồi đắp của sông và có độ cao trung bình từ 3-5m. Ta gặp các dạng địa hình
quen thuộc như gờ cao ven sông, ngang với mực nước lũ, bãi bồi rộng trên đó
các lòng sông cũ tạo thành những hồ ao hoặc còn nước hoặc đã cạn. Trong lòng
đồng bằng có thể tồn tại một vài đồi sót là những đảo cũ trong vịnh.
2.1.3.4. Đồng bằng ven biển hiện tại
Có độ cao từ 0-2m, hằng ngày vẫn chịu ảnh hưởng của biển, vì thế ngoài

các dạng địa hình bồi tụ do sông, ta thấy có các dạng địa hình mà vai trò của
thuỷ triều, của sóng rất rõ. Tuỳ theo tương quan tác động giữa sông và biển có
thể phân ra hai kiểu đồng bằng ven biển.
- Kiểu etchuye: hình thành tại các vùng cửa sông chịu tác động mạnh của
thuỷ triều. Đồng bằng tiến triển rất chậm tuy vẫn nhiều bãi bồi lộ ra khi triều
xuống và bị ngập khi triều lên, điển hình là etchuye sông Thái Bình và etchuye
sông Đồng Nai. Còn ở duyên hải Trung Bộ, các etchuye có ít bãi triều vì sông
rất yếu, ít phù sa, nhưng lại nhiều cồn cát hay đụn cát và đồng bằng tiến chậm
theo phương thức phá - cồn. Đụn cát phát triển tại nơi gió thổi mạnh như ở
Quảng Bình, Phan Thiết.
- Kiểu đenta: hình thành ở những cửa sông lớn, nhiều phù sa như sông
Hồng, sông Cửu Long, đồng bằng tiến nhanh ra biển theo phương thức tam giác
châu, ta gặp các nón phóng bùn rất lớn lấn ra biển với tốc độ 80-100m/năm. Cồn
cát và phá không nhiều và không thành nét chủ yếu của địa hình. Ở đây nét chủ
yếu của địa hình là các bãi da bồi trên đó các lạch triều ngang dọc chi chít. Ven
biển đồng bằng sông Cửu Long còn có một kiểu địa hình đặc biệt mà tác nhân
chủ yếu là sinh vật, đó là kiểu đồng bằng tích tụ - sinh vật. Bên dưới đồng bằng
có nhiều than bùn tạo nên từ xác thực vật ven biển mà ở đây là rừng tràm, thấy ở
vùng U Minh.
21
Như vậy có thể thấy địa hình đồng bằng ở nước ta khá phong phú đa
dạng, phân bố dọc theo chiều dài lãnh thổ. Căn cứ vào điều kiện thành tạo, đặc
điểm vật liệu có thể chia ra một số khu vực đồng bằng như sau:
- Dải đồng bằng duyên hải Quảng Ninh: kéo dài từ Móng cái đến Quảng
Yên (Yên Hưng ngày nay). Đồng bằng rất hẹp ngang, nơi rộng nhất không quá
10km. Được cấu tạo chủ yếu từ phù sa cổ, hình thành nên những bậc thềm cao
hơn những bãi bồi phù sa mới đến 10m.
- Vùng đồng bằng Bắc Bộ (Đồng bằng sông Hồng): đây là vùng đồng
bằng châu thổ rộng lớn thứ 2 của cả nước, chịu ảnh hưởng của hệ thống sông
Hồng - Thái Bình. Tuy nhiên địa hình của đồng bằng không hoàn toàn đồng

nhất, rìa phía đông giáp biển có độ cao 0-2m; phần trung tâm có độ cao 2-4m,
rìa tây bắc chịu ảnh hưởng của vận động nâng lên ta thấy có 2 bậc thềm phù sa
cổ (10-12m và 30-35m), rìa tây nam các thềm phù sa cổ có độ cao khoảng 25m.
Trong đồng bằng còn xuất hiện những đồi núi của nền cổ bên dưới, thấy ở hầu
khắp các tỉnh (ngoại trừ Thái Bình và Hưng Yên).
- Vùng đồng bằng hạ lưu sông Mã, sông Cả (đồng bằng Thanh - Nghệ -
Tĩnh): có cấu tạo tương tự như đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên diện tích nhỏ
hơn, kém bằng phẳng hơn, nhiều đồi núi rải rác, cồn cát ven biển phát triển.
Mức độ chênh cao giữa các bậc thềm, bãi bồi có thể lên tới 10m (Thạch Hà).
- Dải đồng bằng ven biển từ đèo Ngang đến Hải Vân: do dải trường sơn
Bắc ăn sát ra biển và nước núi chạy song song với bờ biển, nên các dải dồng
bằng ven biển không phát triển bề ngang, đồng thời bị phân chia thành từng vệt
theo chiều dọc. Trong khu vực có nhiều cồn cát di động (cao 30 -80m).
- Dải đồng bằng duyên hải từ Hải Vân đến Bình Thuận: dải đồng bằng
có thể chia thành 4 đoạn. Đoạn từ Hải Vân đến Cù Mông gồm 3 đồng bằng
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định - bị các đèo thấp ngăn cách. Đồng bằng
tương đối rộng và len lỏi lên vùng đồi, ngược theo các thung lũng sông; Từ đèo
Cù Mông đến đèo Cả là cánh đồng Phú Yên. Tuy nhiên chỉ có đồng bằng cửa
sông Ba là tương đối rộng, còn lại những cánh đồng chân núi - ven biển rất nhỏ;
Đoạn từ Mũi Nạy đến Mũi Dinh- đồng bằng nhỏ hẹp, bị chia cắt vụn vặt; Đồng
bằng duyên hải Bình Thuận mở rộng và chuyển tiếp từ từ sang Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên ở đây diện tích thêm phù sa cổ, diện tích cồn cát, đụn cát cổ - mới
chiếm đa số tuyệt đối. Đồng bằng phù sa mới (Tuy Phong, Phan Ri, Phan Thiết)
có diện tích nhỏ.
22
- Đồng bằng Nam Bộ: là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, được chia
thành 2 khu vực khác nhau rõ rệt là Đông Nam Bộ và Châu thổ sông Cửu Long.
+ Đông Nam Bộ: bao gồm đồng bằng thềm phù sa cổ cao 25-50m và bán
bình nguyên đất đỏ bazan cao 50-200m, thuộc địa phận các tỉnh Đồng Nai, Bình
Phước, Bình Dương, Tây Ninh. Hai bậc địa hình này chạy song song theo hướng

tây bắc - đông nam và dốc nghiêng từ phía đông bắc xuống tây nam. Ngoài ra
trong lòng đồng bằng cũng nhô lên vài ngọn núi.
+ Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Tây Nam Bộ): là một phần của
châu thổ tự nhiên rộng lớn, độ cao trung bình 2m, đỉnh của tam giác châu này có
thể lên tới PhnomPênh. Đồng bằng không có hệ thống đê nên vào mùa lũ, nước
gây ngập lụt nhiều nơi.
2.2. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT
TRIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG
Các vùng đồng bằng ở nước ta đa phần thuộc nhóm địa hình đồng bằng
tích tụ (ngoại trừ đồng bằng Đông Nam Bộ), được hình thành tại các vùng sụt
lún và tích tụ phù sa Đệ Tứ. Bên cạnh đó, đồng bằng là nơi dân cư trù mật,
được khai thác từ lâu đời. Do vậy, khi đề cập đến các nhân tố ảnh hưởng đến sự
hình thành và phát triển vùng đồng bằng cần đề cập đến hai nhóm nhân tố có tác
động tổng hợp: nhân tố tự nhiên và nhân tố có nguồn gốc con người.
2.2.1. Nhân tố tự nhiên
2.2.1.1. Cấu trúc địa chất – địa hình
Cấu trúc địa chất giữ vai trò là nền móng, định hình hướng phát triển của
đồng bằng. Đối với 2 đồng bằng châu thổ là: ĐBSH và ĐBSCL, yếu tố cấu trúc
địa chất có tác động rất mạnh đến khuynh hướng phát triển của 2 đồng bằng này.
ĐBSH, có diện tích trên 15000km
2
, hình thành trên võng Kainozoi chồng
lên các kiến trúc không đồng nhất. Móng bồn trũng có cấu tạo khối, do sự tích
cực hóa trong Kainozoi của các hệ thống đứt gãy phương Đông Bắc - Tây Nam.
Trũng sinh thành từ Paleogen giữa-muộn, chủ yếu vào Neogen – Đệ tứ, với
móng kết tinh nằm ở độ sâu đến 11km. Cấu trúc địa chất của ĐBSH còn ảnh
hưởng đến hướng chảy của các dòng sông trong đồng bằng. Nhiều tài liệu
nghiên cứu chỉ ra rằng, dòng chảy hiện nay của sông Hồng trùng với đứt gãy sâu
ở móng và nếp oằn trong trầm tích Kainozoi [1].
23

Thực tế ĐBSH, được phát triển trên một vùng sụt lún kiểu rift mạnh [9]
có dạng một tam giác cân kéo dài về phía Tây bắc. Trong lịch sử phát triển của
mình các vận động tân kiến tạo đã xảy ra với mức độ rất khác nhau ở vùng rìa
và trung tâm vùng trũng. Điều này dẫn đến chiều dày trầm tích đệ tứ không đều
ở các nơi, đặc biệt đối với trầm tích Holocen ở trên cùng, dày từ 80 đến 100 mét
ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, và càng xa trung tâm thì càng mỏng
dần.
Đối với ĐBSCL, được hình thành trên phần sụt sâu của trũng núi Tông Lê
Xáp – Nam Bộ. Chiều sâu của móng đá gốc ở đới trục từ 200m – 2200m, lên
đến 4000m ở thềm lục địa. Trong quá trình tiến triển ở đồng bằng vai trò quyết
định thuộc về các đứt gãy trẻ hoặc kế thừa. Quan trọng nhất là đứt gãy Tà Lài –
Rạch Giá và sông Hậu.
Đứt gãy sông Hậu phương Tây Bắc chia lãnh thổ ra hai khối, có tính chất
chuyển động kiến tạo khác nhau. Khối đông bắc lún chìm nghiêng về phía tây
nam, tạo nên địa hào Cửu Long. Còn khối tây nam, với cự ly sụt yếu hơn,
nghiêng về phía đông nam.
Ta còn thấy vai trò của cấu trúc địa chất thông qua việc so sánh sự khác
biệt giữa ĐBSH và ĐBSCL. Cả hai đồng bằng đều được hình thành trên võng
giữa núi, bắt đầu sụt lún vào Oligocen hoặc cuối Eocen. Tuy nhiên, ở ĐBSH
trầm tích Kainozoi dày gấp 3-3,5 lần ở ĐBSCL, nhưng trầm tích Đệ Tứ thì trái
lại, mỏng hơn (250m so với 300-400m). Điều đó nói lên rằng trong Paleogen và
Neogen ĐBSCL bị sụt lún yếu hơn ĐBSH, nhưng trong Đệ Tứ thì mạnh hơn. Sự
khác nhau đó được cắt nghĩa bởi vị trí kiến tạo không giống nhau của hai vùng.
ĐBSH liên quan chủ yếu với quá trình rift và chịu ảnh hưởng của hoạt động tạo
núi mạnh. Còn võng Cửu Long lại có liên quan mật thiết với quá trình sụt lún
ngoài thềm lục địa và các phun trào bazan, phát triển rộng rãi ở ven rìa đồng
bằng với hoạt động tích cực trong Đệ Tứ.
2.2.1.2. Quá trình tích tụ, trầm tích vật liệu
Quá trình tích tụ ở các đồng bằng của Việt Nam là kết quả tổng hợp của
các tác nhân: quá trình phong hóa, tác động của các yếu tố khí hậu, mạng lưới

thủy văn, tác động của biển…. Tuy nhiên, đối với 2 đồng bằng lớn (ĐBSH,
ĐBSCL), các tác nhân hình thành không chỉ xuất phát trên lãnh thổ nước ta mà
còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của các lãnh thổ láng giềng.
24
ĐBSH là kết quả của quá trình lắng đọng phù sa, trầm tích vật liệu của 2
hệ thống sông chính: sông Hồng và sông Thái Bình cùng với tác động của biển.
Trong đó hệ thống sông Hồng giữ vai trò chủ đạo. Hệ thống sông Hồng là hệ
thống sông lớn thứ 2 cả nước, gồm sông Hồng – dòng chảy chính, sông Đà, sông
Lô có tổng diện tích lưu vực 235.600km
2
, trong đó diện tích lưu vực trong nước
chiếm 47% tổng diện tích lưu vực [9]. Phần lưu vực trong nước phát triển trong
điều kiện nhiệt đới ẩm gió mùa, có hệ số bóc mòn khá lớn (vùng An Châu:
392,57 tấn/km
2
. năm, vùng Việt Bắc 362,73 tấn/km
2
. Năm, vùng Tây Bắc
322,35 tấn/km
2
. Năm) [1]. Tuy nhiên, nguồn phù sa chủ yếu của sông Hồng lại
không xuất phát từ trong nước mà từ khu vực tây nam Trung Quốc (cao nguyên
Vân Quý). Điều này chỉ ra rằng, việc quản lý khai thác ĐBSH không chỉ dừng ở
việc phối hợp quản lý giữa các tỉnh trong lưu vực của nước ta mà cần có sự phối
hợp quản lý với nước bạn.
Tương tự với ĐBSH, ĐBSCL là kết quả bồi đắp và trầm tích vật liệu của
hệ thống sông Cửu Long (Mê Công) – hệ thống sông lớn nhất Đông Dương,
tổng diện tích lưu vực lên tới 795.000km
2
, chiều dài dòng chảy chính 4500km.

Tuy nhiên phần diện tích lưu vực và dòng chảy thuộc lãnh thổ Việt Nam lại chỉ
chiếm lần lượt là 8,64% (68.725 km
2
) và 5,1% (230km)[9]. Tổng lượng phù sa
của hệ thống sông Cửu Long lên tới 70 triệu tấn/năm đây là nguồn vật liệu chính
tạo nên ĐBSCL. Bên cạnh đó, do địa hình ĐBSCL có độ cao tuyệt đối thấp nên
chịu các động rất lớn của thủy triều (hiện tượng triều cường) đặc biệt vào mùa
khô.
Đối với các đồng bằng duyên hải miền trung, gồm: đồng bằng Thanh –
Nghệ, Nam – Ngãi; Bình - Phú là kết quả bồi đắp của các hệ thống sông Mã –
Cả, Vu Gia – Thu Bồn, Ba – Đà Rằng. Tuy nhiên do các hệ thống sông ở đây
ngắn, và chảy trong vùng có nền thạch học cứng, lượng mưa thấp do vậy vật liệu
trầm tích thô, cùng với việc các dãy núi tiến sát ra biển dẫn đến đồng bằng nhỏ,
hẹp, nhiều cồn cát.
2.2.1.3. Quá trình xâm thực – bóc mòn
Ở Việt Nam, nhân tố xâm thực bóc mòn không phải tác nhân trực tiếp tạo
nên các đồng bằng lớn ở nước ta, mà chỉ giữ vai trò cung cấp nguồn vật liệu và
tạo nên các đường nét mới trên bề mặt đồng bằng.
Tuy nhiên cũng có một số đồng bằng hoặc bộ phận của đồng bằng, nhân
tố xâm thực bóc mòn là tác nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của
25

×