Học viên: Trần Thị Thanh Quỳnh Lớp: Hán
Nôm K50
BÀI TIỂU LUẬN GIỮA KÌ CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC THỜI
NGUYỄN
Đề bài: Hãy phân tích giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong
tập thơ chữ Hán “Thanh Hiên thi tập” của Nguyễn Du.
Bài làm:
Nói đến Nguyễn Du người ta nghĩ ngay đến Truyện Kiều - kết
tinh sự tài hoa và trải nghiệm cuộc sống của ông. Bên cạnh đó người
ta cũng nhắc nhiều đến các tập thơ sáng tác bằng chữ Hán có giá trị
cao cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Thanh Hiên thi tập cũng là một
trong những tập thơ như thế.
Cuộc sống của Nguyễn Du và con đường hoạn lộ luôn xảy ra
những bước ngoặt lớn cùng với những biến động của tình hình chính
trị xã hội đương thời. Là một con người có tinh thần sống nhâp thế
tích cực, có lí tưởng hoài bão chính trị, một trái tim nhân hậu và yêu
thương con người, Nguyễn Du không thể không lên tiếng. Với tài
năng thiên phú của mình, ông đã để lại cho đời những tác phẩm bất
hủ.
Thanh Hiên thi tập là những sáng tác bằng chữ Hán của Nguyễn
Du trong thời gian từ khi ông ông về Thái Bình cho đến những năm
đầu ra làm quan nhà Nguyễn. Đây cũng là tập thơ chữ Hán đầu tiên
trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Tác phẩm là những tâm tình
của nhà thơ trong những năm tháng sống long đong vất vả ở Thái
Bình cũng như ở Tiên Điền. Nhà thơ lúc nào cũng buồn. Những bài
thơ làm ở Thái Bình hay than thở về cuộc sống long đong, nay đây
mai đó, hết ở nhờ nhà người này lại ở nhờ nhà người khác “thân thể
phó mặc cho gió bụi”, “mới rét đã thấy khổ vì thiếu áo” và lúc nào
cũng “giả vụng về để phòng thói tục”. Gặp đời loạn “vì muốn giữ toàn
sinh mạng nên luôn sợ người ta”. Những bài thơ làm trong thời gian
về Tiên Điền nhà thơ cũng có một tâm trạng chán chường như thế. Có
những lúc Nguyễn Du muốn đi ở ẩn, muốn trốn vào tôn giáo, rồi có
lúc ông lại muốn hành lạc, nhưng nhà thơ không bao giờ đi ở ẩn và
cũng không có điều kiện để hành lạc. Ông lại trở về với nỗi buồn của
mình, than thở cho cuộc đời nghèo túng, già cả và bệnh tật.
Đọc Thanh Hiên thi tập, ấn tượng đọng lại trong tất cả chúng ta
là một nỗi buồn sâu sắc, qua cách miêu tả của nhà thơ nó trở nên ám
ảnh và day dứt vô cùng. Có lẽ người đọc sẽ không thể quên được hai
câu thơ trong bài “Độc Tiểu Thanh kí”:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Trong thiên hạ có ai khóc Tố Như chăng?)
Cả cuộc đời ông gắn bó với sách vở, thơ văn và để lại những tác
phẩm bất hủ cho hậu thế. Cũng như nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn,
khi thác xuống rồi liệu có ai khóc nàng như Tố Như chăng? Nguyễn
Du có một nỗi niềm đồng cảm sâu sắc với người thiếu nữ bạc mệnh ấy
mà chạnh lòng nghĩ đến mình.
Rất nhiều lần trong Thanh Hiên thi tập, Nguyễn Du nhắc đến
bệnh tật và tuổi già:
“Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong suy”
(Ở trên đời chưa thành danh, mà đã suy yếu
Gió chiều lùa vào mái tóc bạc) - Tự thán
“Niên thâm cách giác lão tuỳ thân”
(Năm tháng trôi qua biết mình đã già) – U cư
“Khách chẩm tiêu tiêu lưỡng mấn bồng”
(Mái tóc bạc bơ phờ trên gối chốn tha hương) - Trệ khách
“Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu”
(Bệnh đến giữa lúc phiêu bạt giang hồ đã lâu ngày rồi) – Xuân
dạ
“Lão khứ vị tri sinh kế chuyết”
(Già rồi vẫn chưa biết là mình vụng đường kiếm sống) – Thôn
dạ
“Giàm mặc tang sinh lão bệnh dư”
(Già yếu rồi nên nín lặng để được yên thân) – Tạp thi
“Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng”
(Ngày xuân thân này đâu còn trẻ khoẻ nữa) – Thanh minh ngẫu
hứng
“Ánh lí tu mi khan lão hỹ”
(Soi gương ngắm râu tóc thấy già rồi) - Lạng Sơn đạo trung
Qua những câu thơ trên ta có thể thấy nỗi day dứt, ám ảnh của
tác giả về tuổi già. Nỗi lo lắng, phiền muộn này của tác giả dường như
xuyên suốt tập thơ, Một mặt nó thể hiện những vất vả, khổ sở của tác
giả trên đường đi tránh loạn, mặt khác nó thể hiện nỗi cảm khái của
tác giả trước quy luật của tự nhiên, một cảm quan mang tính nhân sinh
mà không phải bất cứ người nào cũng có được. Cái già đến với con
người ta bất ngờ và tự nhiên cũng như đông qua thì xuân đến, như
bông hoa kia sớm nở tối tàn vậy. Duy chỉ có con người biết tức cảnh
mà sinh tình, mà cảm than cho thời thế. Cuộc đời nhiều sóng gió của
Nguyễn Du cùng với tình hình chính trị xã hội lúc bấy giờ không cho
phép ông thực hiện được những hoài bão, lí tưởng của mình một cách
trọn vẹn. Ông cảm than cho số phận không phải vì những lo sợ của
một con người thế tục, chỉ biết hưởng thụ và hành lạc. Nỗi lo sợ của
Nguyễn Du ở chỗ sự nghiệp “chưa thành danh” mà “thân đã già yếu
mất rồi”. Đó cũng là một bi kịch của một con người giàu hoài bão, lĩ
tưởng. Thời gian cứ trôi, tuổi già cứ đến, trong tận sâu thẳm tâm hồn,
những bộn bề cảm xúc này luôn chực trào ra qua đầu bút. Chúng ta
hiểu vì sao, tập thơ lại có nhiều câu nói về bệnh tật và nỗi buồn đến
thế.
Cái nghèo chốn thôn dã cũng làm cho Nguyễn Du phải cảm khái
mà viết thành thơ, không phải chỉ để ca thán về nỗi nghèo khổ của
mình mà qua đó chúng ta có thể thấy tình cảnh khó khăn, vất vả của
những người dân nơi ông đi qua. Tập thơ chỉ điểm xuyết một số hình
ảnh nhưng dường như chúng ta có thể thấy được bức tranh toàn cảnh
cuộc sống của người nông dân lúc bấy giờ.
“Môn yểm tà phi nhất viện bần”
(Cổng đóng, cánh nghiêng ngả, một ngôi nhà nghèo nàn) – U cư
“Tuyết ám cùng thôn hiểu giác ai”
(Sương tuyết che mờ xóm nghèo, tiếng tù vào buổi sớm nghe bi
ai) – Thu chí
Ngoài cái nghèo ra, cuộc sống của những người dân nơi đây cứ
bàng bạc, lạnh lẽo khiến cho lòng người buồn lại càng buồn hơn.
“Vạn sơn thâm xứ tuyệt phong trần
Thái lạc sài môn bế mộ vân”
(Nơi sâu kín giữa muôn trùng núi non, cách biệt hẳn chốn gió
bụi
Vài cái cổng tre rào rải rác đây đó khép kín mây chiều) – Sơn
thôn
“Mục nhi chuỳ giác hoang giao mộ
Cấp nữ liên đồng ngọc tỉnh xuân”
(Trong ánh chiều tà, trẻ chăn trâu gõ sừng trên cánh đồng hoang
Giữa ngày xuân, cô gái nối ống bương dẫn nước từ giếng ngọc)
– Sơn thôn.
Chốn thâm sơn đầy bình yên và buồn lặng, cảnh vật cũng như
con người nơi đây cứ lẳng lặng qua ngày như không biết có điều gì
khác biệt. Phần lớn những hình ảnh thôn quê trong bức tranh tổng thể
của tập thơ đều có phong thái chung như vậy. Cảnh và người như có
sự hoà điệu. Và con người vốn đã thừa nỗi sầu khổ như Nguyễn Du ở
vào chốn u tịch như thế này đã cảm tác thành thơ hay chính nỗi buồn
của tác giả đã phả vào cảnh sắc nơi đây?
Nỗi sầu li biệt trong Thanh Hiên thi tập cũng được thể hiện đầy
day dứt và ám ảnh:
“Nhất phiến hương thâm thiềm ảnh hạ
Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ”
(Tấm lòng nhớ quê dưới ánh trăng sáng
Giọt lệ biệt li cùng năm tháng dâng trào cùng tiếng nhạn đầu
mùa) – Sơn cư mạn hứng
Sống trong cảnh như vậy, nhà thơ cũng không ít lần than thở cho
nghiệp học hành văn chương của mình.
“Tàn hồn vô lệ khóc văn chương
Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng”
(Hồn tàn không nước mắt khóc văn chương
Làm thân mọt sách dễ tỉnh mộng phồn hoa) - Diệp tử thư trung
Tuy không thoả được chí của mình, lui về cuộc sống thôn dã,
trách thời thế loạn lạc nhưng nhà thơ vấn luôn giữ được chí khí, phẩm
chất thanh cao của mình.
“Tứ thời tâm kính tự như như”
(Tấm lòng trong sáng bốn mùa vẫn chẳng giao động) - Tạp thi
“Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân”
(Một chữ trinh lưu giữ tấm thân qua kim cổ) - Vọng phu thạch
Ngoài ra giá trị hiện thực trong Thanh Hiên thi tập còn đuợc thể
hiện ở thói đời, ở thực tế loạn lạc:
“Tiễu đề tuẫn tục can qua tế
Giàm mặc tàng sinh lão bệnh dư”
(Thời chiến loạn khóc cười cũng phải theo thế tục
Già yếu rồi nên phải nín lặng để yên thân) - Tạp thi
Câu thơ có một chút gì đó như là mỉa mai, thâm thuý, mỉa mai
cho thói đời, cho thực tế loạn lạc và chiến tranh. Giữa lúc ấy, những
thói quen, phản ứng rất tự nhiên của con người đời thường cũng phải
theo thế tục. Không ít lần tác giả nhắc đến những câu kiểu như: “giả
vụng về để phòng thói tục”, “vì muốn giữ toàn sinh mạng nên luôn sợ
người ta”. Tất cả những gì ông viết trong tập thơ chỉ là một lớp váng
nổi trên bề mặt, còn thực chất tâm sự của nhà thơ là gì, ông không nói
ra cụ thể và hình như ông cũng không nhận thức được một cách cụ
thể. Đây cũng chính là những tâm sự sâu sa trong lòng, những cảm
xúc day dứt, ám ảnh tác giả xuyên suốt tập thơ. Một nỗi buồn man
mác, diệu vợi vượt lên trên những nỗi buồn thế tục, tuổi già, cơm áo
và bệnh tật. Nhà thơ ngoài cảm thức nhân sinh còn có cảm thức về
thời thế. Chỉ có điều, cảm thức về nhân sinh, cuộc sống thì được thể
hiện rất rõ ràng, còn cảm thức về thời thế thì chỉ gợi lên trong lòng
người đọc cảm giác về một nỗi buồn, về những tâm sự có phần bất đắc
chí.
Tựu trung lại, giá trị nội dung của tập thơ chữ Hán Thanh Hiên
thi tập chủ yếu là ở giá trị hiện thực. Tập thơ đã phản ánh hiện thực
nghèo khổ, bệnh tật, buồn thương của tác giả cũng như cuộc sống của
nhân dân trong thời kì loạn lạc ở những nơi mà nhà thơ đã đi qua,
đồng thời thể hiện một cách chân thực những cảm xúc của nhà thơ.
Mặc dù được coi là một tập thơ thiên về cảm xúc, suy tư, ít bàn
về chính trị, thời sự nhưng góp phần làm nên giá trị nghệ thuật của tập
thơ không thể không kể đến những điển tích, điển cố được sử dụng rất
linh hoạt và đầy dụng ý trong từng bài thơ. Có thể nói, việc sử dụng
điển tích là một trong những đặc trưng của văn học thời kì Trung Đại,
khi mà ảnh hưởng của văn hoá Hán vẫn còn hết sức sâu đậm và tầng
lớp sáng tác, thưởng thức là các bậc Nho sĩ vẫn đang còn nhiều.
Một điểm dễ thấy nữa trong Thanh Hiên thi tập là tâm sự của
nhà thơ thường được gợi lên từ những hình ảnh mang tính gián tiếp.
Hình ảnh này thường mang một nỗi buồn man mác, một khung cảnh
tĩnh lặng, thê lương với những con người sống bàng bạc, lặng lẽ qua
ngày. Con người vốn đã thừa những khổ đau và buồn bã trong cuộc
đời như Nguyễn Du đứng trước cảnh này lại càng thấm thía sâu sắc
những gì mình đã phải trải qua. Có thể cuộc sống lưu lạc nơi thôn dã,
trở về, gần gũi với tự nhiên, với cuộc sống giản dị của người nông
dân, là thời điểm mà nhà thơ có điều kiện suy nghĩ, trải nghiệm và ý
thức về cuộc đời một cách sâu sắc và thấm thía nhất. Đã hơn một lần
trong Thanh Hiên thi tập nhà thơ phải thốt lên, cảm khái cho thời thế,
cho số phận, cho cuộc sống khổ cực, tuổi già và bệnh tật.
Có thể nói, sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm của
Nguyễn Du từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, giúp
Nguyễn Du trở thành vĩ đại chính vì Nguyễn Du là một nhà thơ nhân
đạo chủ nghĩa. Mặc dù xuất thân từ giai tầng quý tộc, nhưng Nguyễn
Du lặn lộn nhiều trong cuộc sống của quần chúng, đã lằng nghe được
tâm hồn và nguyện vọng của quần chúng, nhà thơ đã ý thức được
những vấn đề trọng đại của cuộc đời, và với một nghệ thuật tuyệt vời,
ông đã làm cho những vấn đề trọng đại ấy trở nên bức thiết hơn, ám
ảnh hơn, day dứt hơn trong tác phẩm của mình. Thanh Hiên thi tập
như một lời tâm sự về cuộc đời và thời thế, cái tôi và những cảm xúc
riêng tư của nhà thơ được thể hiện khá rõ nét. Tuy nhiên những gì
được miêu tả trong tác phẩm chỉ gián tiếp thể hiện tâm sự thật của nhà
thơ, đó là tấm lòng của một nhà thơ yêu nước, có trách nhiệm với thời
thế và vận mệnh của đất nước.