Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

THỰC TRẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (527.73 KB, 7 trang )

Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I

Trường Đại học Thăng Long 79

THỰC TRẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH
NGHIỆP VIỆT NAM
Ths. Phạm Long Châu
Bộ môn Quản trị - Marketing, Khoa Kinh tế Quản lý, Đại học Thăng Long
Email:
Tóm tắt: Ở các nền kinh tế phát triển, hoạt động trách nghiệm xã hội được các doanh
nghiệp quan tâm và coi trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động này còn khá mới, nhiều
doanh nghiệp chưa biết đến trách nhiệm xã hội là gì. Một vài doanh nghiệp khác đã biết,
nhưng nhận thức chưa sâu sắc, họ đã thực hiện nhưng hiệu quả từ hoạt động này mang lại
không cao. Bài viết tập trung mô tả thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh
nghiệp Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách
nhiệm xã hội phù hợp với tình hình kinh tế-chính trị hiện nay.
Từ khóa: CSR - Corporate Social Responsibility, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã
hội, văn hóa doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Trước đây, các doanh nghiệp đều nỗ lực trong việc chuẩn hóa và mở rộng quy mô
nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, mong muốn bán được càng nhiều sản phẩm với mức giá
thấp tới càng nhiều khách hàng hơn. Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua,
người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi những biến động về xã hội, kinh tế và môi trường, họ ưa
thích những công ty góp công sức biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn. Hiện nay, các doanh
nghiệp chú ý tới việc củng cố hình ảnh, nâng cao uy tín, phát triển thương hiệu thông qua việc
xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh là một giải pháp đang được áp dụng và
bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các doanh nghiệp muốn khẳng định được thương hiệu
trên thị trường thì điều mà họ hướng tới là việc thực hiện tốt Trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp (CSR - Corporate Social Responsibility).
2. Cơ sở lý thuyết


Việc định nghĩa CSR khá đa dạng và phức tạp, tuy nhiên định nghĩa được đưa ra bởi
ngân hàng thế giới được coi là khá toàn diện. Theo đó Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là
sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua
các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và thành viên gia
đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi nhất cho cả doanh nghiệp cũng
như phát triển chung của xã hội
1
. Định nghĩa này muốn nhấn mạnh rằng: CSR là phương
tiện giải quyết những vấn đề quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, nhà cung cấp, người
lao động, cổ đông, cộng đồng và các bên liên quan khác cũng như với môi trường. Nhằm mục
tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong một xã hội bền vững.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đã thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt
động: xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt và thiên tai, thành lập các quỹ khuyến học…


1
www.worldbank.org/privatesectot/csr/index.htm
Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I

Trường Đại học Thăng Long 80

điều đó đúng nhưng chưa đủ, CSR rộng hơn rất nhiều, đó là sự tổng hợp và bổ sung của nhiều
yếu tố liên quan khác nhau, mà thiếu một trong các yếu tố này thì không thể coi là một doanh
nghiệp có trách nhiệm xã hội. CSR có thể được hiểu như là sự tự gánh vác các trách nhiệm về
kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn. Các yếu tố này hình thành nên mô hình “kim tự tháp”
CSR:









Mô hình yếu tố cấu thành CSR

Mô hình yếu tố cấu thành CSR
2

(Nguồn: O.C. Ferrell, John Fraedrich, Linda Ferrell (2005), “Business Ethics- Ethical
Decision making & cases”, Boston Houghton, pp.48)
Mô hình yếu tố cấu thành CSR được thể hiện là một “kim tự tháp” với các nghĩa vụ
nằm ở các tầng khác nhau và thứ tự ưu tiên thực hiện sẽ lần lượt từ dưới đáy lên đỉnh. Việc
thực hiện CSR phải bắt nguồn từ các nghĩa vụ kinh tế, bởi đây là mục tiêu, bản chất là lý do
tồn tại của doanh nghiệp và cũng là cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ tiếp sau của CSR. Doanh
nghiệp hoạt động và chịu sự quản lý bởi hệ thống pháp luật quốc gia vì thế để tồn tại lâu dài
thì doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tạo ra một
môi trường công bằng, trung thực, có tình có nghĩa trong mối quan hệ với nhân viên và điều
đó thể hiện trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp. Ngoài nghĩa vụ kinh tế, pháp lý, đạo đức
doanh nghiệp còn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ nhân văn. Điều này có nghĩa các hoạt động của
doanh nghiệp phải nhằm mục đích cải thiện tình hình của mỗi người, mọi người và cộng
đồng. Và khi đưa ra quyết sách, doanh nghiệp phải cân bằng các nghĩa vụ đó để đạt được hiệu
quả cao nhất.
3. Thực trạng thực hiện Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam thời
gian qua
CSR được giới thiệu vào nước ta thông qua hoạt động của các công ty đa quốc gia tại
Việt Nam. Các công ty này thường xây dựng các bộ quy tắc và các chuẩn mực đạo đức và đạo
đức kinh doanh có tính chất phổ quát để có thể áp dụng ở nhiều khu vực thị trường khác nhau.
Do đó, CSR đã được áp dụng bài bản và đạt hiệu quả cao.



2
O.C. Ferrell, John Fraedrich, Linda Ferrell (2005), “Business Ethics- Ethical Decision making & cases”, Boston
Houghton, pp.48.
Nghĩa vụ
nhân văn
Nghĩa vụ đạo đức
Nghĩa vụ pháp lý
Nghĩa vụ kinh tế
Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I

Trường Đại học Thăng Long 81

Đối với các doanh nghiệp trong nước, các công ty xuất khẩu, cụ thể là doanh nghiệp
trong ngành may mặc, giày dép, thủy sản là những công ty tiên phong trong việc thực hiện
CSR. Hầu hết các đơn đặt hàng từ các thị trường Châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản đều đưa ra
những quy định khắt khe đối với sản phẩm giày dép hay may mặc về điều kiện làm việc, an
toàn lao động; về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy hải sản. Bởi vậy,
để giành được hợp đồng, duy trì hoạt động xuất khẩu đứng vững trên thị trường thì thực hiện
CSR là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Kết quả do Viện Khoa học Lao
động và Xã hội tiến hành trên 24 doanh nghiệp thuộc hai ngành Giầy da và Dệt may cho thấy,
nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội, doanh thu của các doanh nghiệp này đã
tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 triệu đồng lên 35,8 triệu đồng/1 lao
động/năm; tỷ lệ xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.
Còn đa số các doanh nghiệp khác của Việt Nam do hạn chế về nhận thức, không bị
sức ép từ các bên liên quan, thiếu nguồn lực tài chính, hoặc do chính bản thân doanh nghiệp
không muốn thực hiện nên việc thực hiện CSR không được quan tâm và ít phổ biến. Nếu các
doanh nghiệp có chú ý thì thực hiện CSR cũng trên quy mô đơn lẻ, manh mún, tự phát, thiếu
hiệu quả và các doanh nghiệp cũng chưa coi đó là trọng tâm trong chiến lược phát triển của
doanh nghiệp. Nhìn chung, việc áp dụng và thực hiện CSR ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện

chưa được đánh giá cao.
Dựa trên định nghĩa về CSR của ngân hàng thế giới, chúng ta nghiên cứu sâu hơn
vềthực trạng thực hiện Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các đối
tượng:
3.1. Người lao động
Hệ thống luật pháp lao động Việt Nam đang được hoàn chỉnh theo hướng thể chế hóa
các điều khoản của luật, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để hoàn thiện luật pháp
lao động phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Trong đó có hai luật căn bản:
Bộ Luật lao động Việt Nam quy định quyền và nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc; Luật Bảo
hiểm xã hội: quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động, tổ
chức bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Các bộ
luật được đưa ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong quá trình tham gia
làm việc, nhưng tình trạng người sử dụng lao động vi phạm các quyền và lợi ích của người
lao động vẫn thường xuyên xảy ra. Xét về vấn đề phân biệt đối xử: Các lao động nữ thường bị
thiệt thòi trong quá trình tuyển dụng vì lý do gia đình, sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Nhiều công ty
đã đưa ra các điều kiện ràng buộc các lao động nữ, đó là áp đặt khoảng thời gian làm việc tại
doanh nghiệp trước khi kết hôn hoặc sinh con nếu được tuyển vào làm tại doanh nghiệp. Theo
Tổ chức lao động quốc tế (ILO), lương của công nhân nữ luôn thấp hơn các đồng nghiệp nam
khoảng 20-30%, theo điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập của phụ nữ nói chung thấp
hơn nam giới 13%. Xét về vấn đề an toàn lao động: Tình trạng các doanh nghiệp sản xuất
kinh doanh không đảm bảo các điều kiện lao động an toàn vẫn còn phổ biến ở nước ta. Theo
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,năm 2013 trên toàn quốc có xảy ra 6695 vụ tai nạn lao
động làm 6887 người chết và bị thương. Dẫn đầu là TP Hồ Chí Minh với 822 vụ, làm chết 92
người và 118 người bị thương nặng. Tiếp theo là các địa phương có trên 100 vụ/năm như Hà
Nội, Quảng Ninh, Bình Dương… Theo điều tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các
doanh nghiệp lớn đã thực hiện cải thiện môi trường lao động khá tốt, còn các doanh nghiệp
Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I

Trường Đại học Thăng Long 82


vừa và nhỏ do thiếu nguồn lực tài chính hoặc do nhận thức chưa đầy đủ nên tình trạng nhà
xưởng chật hẹp, thiếu ánh sáng, máy móc cũ kỹ, lạc hậu dẫn tới điều kiện làm việc cho lao
động không đạt tiêu chuẩn.
3.2. Cổ đông
Trọng tâm trong trách nhiệm của công ty đối với cổ đông là công bố thông tin minh
bạch, điều hành công ty hiệu quả và sử dụng nguồn vốn hợp lý. Tuy nhiên đôi khi người điều
hành công ty vì lợi ích cá nhân của mình mà quên đi nhiệm vụ là đem lại lợi ích tối đa cho cổ
đông. Rất nhiều công ty cung cấp các báo cáo không đúng sự thật, chất lượng kém, thông tin
về kết quả kinh doanh đưa ra có sự khác biệt với kết quả kiểm toán. Tại Việt Nam, việc các
doanh nghiệp che dấu thông tin vẫn còn khá phổ biến gây ra thông tin không chính xác trên
thị trường, và chính những nhà đầu tư là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
3.3. Người tiêu dùng
Trong khi có những doanh nghiệp đang nỗ lực hết mình để làm tròn trách nhiệm xã
hội như Kinh Đô, Vinamilk, Trung Nguyên, VietinBank… vẫn còn có rất nhiều doanh nghiệp
thiếu trách nhiệm. Gần đây, những vụ việc về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả hàng nhái,
hàng kém chất lượng đang là nỗi bức xúc của người tiêu dùng và làm đau đầu nhà chức trách.
Hành vi gian lận thương mại, công bố sai hoặc không minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, tính
năng công dụng… cũng không phải là hiện tượng hiếm. Hàng loạt các vụ việc như: “thịt bẩn”;
thực phẩm bảo quản bằng foocmon, hàn the; hàng loạt sữa nhiễm melamine; rau được tưới
các chất kích thích tăng trưởng; cá nuôi trong môi trường ô nhiễm; nông sản thực phẩm chế
biến sử dụng các chất bảo quản độc hại, dư lượng kháng sinh hay thuốc bảo vệ thực vật vượt
quá tiêu chuẩn cho phép. Hiện tượng đầu cơ, gây khan hiếm hàng hoá nhằm đẩy giá thành sản
phẩm lên cao, bán kiếm lợi mà cơn sốt giá gạo trong thời gian qua là một minh chứng. Nhiều
doanh nghiệp cố tình gắn chip điện tử để gian lận trong bán xăng, gian lận trong tính cước
taxi cũng thường xảy ra ở Việt Nam và gây bức xúc cho người tiêu dùng.
3.4. Môi trường
Vấn đề bảo vệ môi trường, nhìn chung vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam
quan tâm đầu tư đúng mức. Theo báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tính đến đầu năm
2014, cả nước có 179 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng chỉ có 143 KCN
đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ước tính số lượng

nước thải phát sinh từ 179 KCN này là 622.773m3/ngày/đêm, trong đó các hệ thống xử lý
nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 362.450m3/ngày/ đêm, đạt khoảng 58% tổng lượng
nước thải. Như vậy, trung bình mỗi ngày có tới 240.000m3 nước thải từ các KCN được xả
thẳng ra môi trường chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, đặc biệt là tại các
khu vực gần KCN.
Mặc dù những vụ việc vi phạm Luật bảo vệ Môi trường khá phổ biến, nhưng cho đến
nay, số các doanh nghiệp bị xử lý trách nhiệm hình sự và công khai trên các phương tiện
thông tin đại chúng còn quá ít, chưa đủ sức răn đe các doanh nghiệp vi phạm và cảnh tỉnh các
doanh nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu ý thức, chưa coi chi phí bảo vệ môi trường
là chi phí sản xuất cần thiết. Theo Bộ tài nguyên và Môi trường, số doanh nghiệp có lắp thiết
bị, công trình xử lý môi trường rất ít và nếu có thì số tiền đầu tư cho việc này chiếm một tỷ lệ
Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I

Trường Đại học Thăng Long 83

rất thấp (chỉ khoảng 4-7% vốn đầu tư), tỷ lệ doanh nghiệp có chi thường xuyên cho công tác
bảo vệ môi trường thậm chí còn thấp hơn (chỉ đạt 3-5% vốn đầu tư).
Từ những phân tích trên có thể thấy: hiểu biết của giới kinh doanh Việt Nam hiện nay
về vấn đề CSR còn mơ hồ và hạn chế. Đa số các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan
trọng và ý nghĩa của CSR đối với khách hàng, xã hội và chính bản thân doanh nghiệp. Các
doanh nghiệp còn khá bị động trong vấn đề này, tự doanh nghiệp không sẵn sàng hành động
vì lợi ích cộng đồng, mà chỉ chịu thực hiện khi có yêu cầu từ đối tác. Ngoài ra, một nguyên
nhân khác dẫn đến thực trạng trách nhiệm xã hội như trên là do quản lý nhà ngước còn lỏng
lẻo, các văn bản pháp luật không sát với tình hình thực tế. Việc làm đó dẫn tới tình trạng các
doanh nghiệp dễ dàng lách luật, chối bỏ trách nhiệm của mình.
4. Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh
nghiệp Việt Nam
Thực hiện CSR ở Việt Nam là thực sự cần thiết trong quá trình hội nhập, tuy nhiên
đây là vấn đề rất mới và khó thực hiện đối với những doanh nghiệp chưa có nhiều kinh
nghiệm. Từ những phân tích về hạn chế trong công tác CSR ở nội dung trên, tác giả xin đưa

ra giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội từ phía doanh
nghiệp và biện pháp từ phía nhà nước.
4.1. Giải pháp từ phía doanh nghiệp
Những nhà lãnh đạo của doanh nghiệp cần nhận thức rõ trách nhiệm của doanh nghiệp
không chỉ dừng lại ở việc tạo ra lợi nhuận, mà còn là trách nhiệm với các đối tượng liên quan
khác và phải hiện thực nó bằng những việc làm cụ thể.
Đối với người lao động: Công ty cần có chế độ lương bổng, phúc lợi thỏa đáng, đáp
ứng nhu cầu của cuộc sống và tạo động lực để người lao động hứng thú với công việc. Xây
dựng môi trường làm việc an toàn, vệ sinh; Giờ làm việc và nghỉ ngơi đảm bảo đúng quy
định; Đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đầy đủ. Khi người lao động được đáp ứng về
lương bổng, môi trường làm việc thì họ sẽ cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.
Đối với cổ đông: Tất cả các hoạt động của doanh nghiệp cần phải được triển khai một
cách minh bạch và công khai, với sự cung cấp thông tin tương xứng cho cổ đông và các bên
liên quan. Ngoài ra, công ty cần tạo cơ hội cho cổ đông có quyền như nhau trong việc giám
sát hoạt động công ty, đưa ra các đề xuất cũng như góp ý để công ty ngày càng hoàn thiện.
Đối với người tiêu dùng: Người tiêu dùng hiện nay đang bị nhiều doanh nghiệp xâm
hại các quyền lợi tuy nhiên họ khá dễ tính và thường chấp nhận sự thiệt thòi về mình, chưa
lên tiếng để chống lại doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào dành cho người tiêu dùng sự
quan tâm, chăm sóc chu đáo bên cạnh những sản phẩm đầu ra có chất lượng cao thì sẽ có
được sự ủng hộ và ưa chuộng từ những đối tượng quan trọng này.
Đối với môi trường: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc tiết kiệm nguồn nhiên liệu,
nguyên liệu và hạn chế phát sinh chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ứng dụng các giải
pháp kỹ thuật nhằm xây dựng các mô hình thân thiện môi trường trong phát triển kinh doanh.
Doanh nghiệp thể hiện có trách nhiệm với môi trường sẽ nhận được sự ủng hộ từ các nhóm
công chúng và nhà nước, tạo tiền đề cho sự phát triển trong hiện tại và tương lai
Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I

Trường Đại học Thăng Long 84

4.2. Biện pháp từ phía nhà nước

Bổ sung và hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam nhằm tạo cơ sở vững chắc cho CSR.
Đa phần các văn bản pháp luật của chúng ta hiện nay liên quan đến các vấn đề bảo vệ người
lao động, người tiêu dùng, các quy định tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi
trường… vẫn còn rất chung chung, chưa đi sâu vào từng vấn đề. Bởi vậy hệ thống pháp luật
cần chi tiết, rõ ràng, cụ thể, có tính thực tiễn cao dễ dàng áp dụng, thực thi. Ngoài ra, nhà
nước không nên thay đổi các văn bản pháp quy một cách thường xuyên, gây tác động không
tốt tới môi trường kinh doanh. Khi các văn bản đã thống nhất với nhau thì việc giải quyết và
xử lý một vụ việc nào đó sẽ chỉ có một cách làm và mọi việc trở nên rõ ràng minh bạch, từ đó
tránh được các hiện tượng lách luật để kinh doanh bất chính.
Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về CSR ở Việt Nam. Nhận
thức đúng để hành động đúng bên cạnh cơ chế quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn của các cơ
quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người lao động, người tiêu dùng, môi trường… chắc chắn
sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa đối với con người.
Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thực thi CSR trong các doanh nghiệp. Mục tiêu
của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh là tối đa hoá doanh thu, lợi nhuận,
trong khi đó, việc tuân thủ đạo đức kinh doanh nói chung và CSR nói riêng cần có thời gian
dài mới có thể phát huy đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.Ngoài các hình thức khuyến khích,
tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích trong việc thực hiện tốt CSR, Nhà nước cũng cần có
các biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý các doanh nghiệp vi phạm, đặc biệt là các hành vi
gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động, người tiêu dùng và gây ô
nhiễm môi trường. Chính quyền, cơ quan quản lý các cấp phải kiên quyết nói “không” với
những doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà quên đi quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng
và cộng đồng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng nên cân nhắc, có chế tài buộc các đơn vị thực
thi CSR ngay từ khi bắt đầu cấp giấy phép đầu tư xây dựng, đặt yêu cầu bảo vệ môi trường
cũng quan trọng như mục tiêu tăng trưởng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, không vì lợi
ích trước mắt mà ảnh hưởng tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của quốc gia.
Đưa CSR vào chương trình giáo dục của các trường học. Ngay từ cấp học tiểu học, tư
tưởng về CSR nên được đưa vào chương trình giảng dạy. Những bài học về đạo đức cư xử,
lòng nhân ái, ý thức bảo vệ môi trường theo học sinh suốt những năm tháng ngồi ghế nhà
trường. Có như vậy, những người chủ tương lai của đất nước sẽ có ý thức về CSR tốt hơn.

5. Kết luận
Việc thực hiện CSR tốn nhiều chi phí và thời gian thực hiện kéo dài, đòi hỏi các doanh
nghiệp phải thay đổi tư duy và phương thức làm việc. Tuy nhiên, đây là một công việc không
thể bỏ qua trên con đường hội nhập, vừa lợi ích cho doanh nghiệp, vừa lợi ích cho xã hội.
Thực hiện trách nhiệm xã hội còn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc
gia và hỗ trợ thực hiện tốt hơn luật pháp lao động tại Việt Nam, đây cũng là nội dung quan
trọng trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại.
6. Tài liệu tham khảo
[1]. Nguyễn Hoàng Ánh, “Đạo đức kinh doanh tại Việt Nam - Thực trạng và Giải
pháp”, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I

Trường Đại học Thăng Long 85

[2]. Vũ Thị Hương, 2009, chuyên đề luận văn Tiến sĩ “Đạo đức kinh doanh và Văn
hóa doanh nghiệp ở Việt Nam”, Viện Nghiên cứu, Đào tạo Kinh tế - Tài chính.
[3]. Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam – VNR, 2010, Đề tài Trách nhiệm
xã hội – con đường nào cho doanh nghiệp Việt.
[4]. www.worldbank.org/privatesectot/csr/index.htm, 26/9/2014.
[5]. John R. Boatright, 2007, “Ethics and the conduct of business”, 5.th.ed, Pearson
Prentice Hall, New Jersey, pp.369
6. Maignan, I., Ferrell, O.C, 2004, Corporate social responsibility and marketing: an
integrative framework, Journal of Academy of Marketing Science, Vol. 32 No.1, pp.3-19
7. O.C. Ferrell, John Fraedrich, Linda Ferrell (2005), “Business Ethics- Ethical
Decision making & cases”, Boston Houghton, pp.48.
THE REALITY AND SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFECTIVENESS IN
CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY IMPLEMENTATION OF VIETNAMESE
ENTERPRISES
Abstract: In the developed economies, Corporate Social Responsibility - CSR is
considered as an important and essential activity by enterprises. Still, it is quite new in

Vietnam since many enterprises have no awareness of CSR, combined with a small number of
enterprises implemented CRS activity with modest effectiveness. From that point, this study
focuses on introducing the definition of CSR, its elements and model. In addition, the research
also describes the reality in implementation CSR of Vietnamese enterprises and suggests the
comprehensive solutions to improve the effectiveness and suitability with the current political
and economics status.

×