Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Kinh nghiệm dạy luyện từ và câu cho HS năng khiếu lớp 5

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (156.48 KB, 13 trang )

KINH NGHIỆM DẠY LUYỆN TỪ VÀ CÂU
CHO HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 4 - 5
I.LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Tiếng Việt của ta rất giàu và đẹp. Nó không những giàu về số lượng từ
được dùng( Từ Tiếng Việt, từ thuần Việt, từ Hán Việt , từ gốc Hán và từ vay
mượn…)mà nó còn giàu về sắc thái biểu hiện của từ ( từ đồng nghĩa, từ đồng âm,
từ nhiều nghĩa và từ trái nghĩa…). Tiếng Việt cùng với thời gian và sự phát triển
của xã hội vẫn theo kịp thời đại và tự biết làm giàu cho mình bằng cách ngày
càng tạo thêm từ mới,từ vay mượn nhưng không tự đánh mất mình. Vì vậy người
sử dụng Tiếng Việt phải biết tôn trọng, giữ gìn và phát huy thứ của cải vô cùng
quý giá của dân tộc này. Nhưng mỗi lần lựa chọn HS năng khiếu để bồi dưỡng,
đa số các bậc phụ huynh không muốn cho con mình theo học Tiếng Việt mà lựa
chọn cho con em học Toán và Tiếng Anh nhiều hơn.Với thực trạng đó, HS năng
khiếu môn Tiếng Việt sẽ một ngày một mai một đi.Và người giữ gìn sự trong
sáng của Tiếng Việt không ai khác ngoài thế hệ tương lai của đất nước. Thế hệ đó
chính là các em học sinh và đặc biệt là học sinh năng khiếu môn Tiếng Việt.
Chính các em sẽ là người mài, dũa cho tiếng Việt của chúng ta ngày càng trong
sáng và tươi đẹp hơn. Vậy dạy Tiếng Việt cho HS năng khiếu chính là truyền lại
cho thế hệ mai sau một kho của cải vô giá của dân tộc Việt Nam mà các em cần
phải giữ gìn cẩn thận và không ngừng phát triển nó.
Muốn cho HS và phụ huynh HS chấp nhận môn Tiếng Việt, người GV
phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và cho các em thấy được giá
trị của Tiếng Việt, phải làm cho các em yêu quý thích thú với môn học này thì
mới nâng cao chất lượng dạy – học môn Tiếng Việt được.Do đó việc nâng cao
chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt trong các trường học nói chung và nâng
cao chất lượng, số lượng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi môn Tiếng Việt nói
riêng, góp phần bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nhân lực cho địa phương và đất
nước,nhằm tăng cường khả năng sử dụng Tiếng Việt, tạo ra sự phát triển toàn
diện, hình thành nhân cách, giúp HS cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các văn
bản, sự đa dạng về từ và câu của Tiếng Việt; giữ gìn nét đẹp và sự trong sáng của
Tiếng Việt là rất quan trọng.Chính vì vậy việc luôn luôn học hỏi, trao dồi kĩ năng


dạy môn Tiếng Việt là rất quan trọng cho mỗi GV. Và đấy cũng là lí do mà tôi
đã lựa chọn đề tài này.
II. THỰC TRẠNG:
THUẬN LỢI:
Trên thực tế, số lượng trẻ em được đến trường ngày một tăng, nhu cầu học tập
của các em ngày một nâng lên. Quan trọng hơn nữa là để đáp ứng mục tiêu của
Đảng, Nhà nước ta vươn tới là Dân giàu – Nước mạnh – Xã hội công bằng – Dân
chủ - Văn minh thì ngành GD phải cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực cao,
nguồn nhân tài dồi dào nhằm đáp ứng với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại
hóa đất nước. Ngày nay, ngành giáo dục là một trong những ngành mà cả xã hội
rất quan tâm, theo dõi từng bước chuyển mình của nó.Gia đình quan tâm đến việc
học của con, xã hội quan tâm đến kết quả của ngành giáo dục. Đảng và Nhà nước
xây dựng trường học khang trang, thiết bị hiện đại; thầy cô giáo được đào tạo
nâng cao trình độ chuyên môn;cuộc sống của người dân từng bước được cải
thiện; vẫn còn khá nhiều các em học sinh và phụ huynh mong muốn con em mình
được học Tiếng Việt nhiều hơn để dễ dàng giao tiếp với mọi người.Không ít phụ
huynh HS nhận thức rằng: Toán rèn luyện cho con người sự nhạy bén, cứng cỏi
trong cuộc sống thì Tiếng Việt lại làm cho con người ta dịu dàng, biết yêu
thương, quan tâm, chăm sóc,khéo léo trong giao tiếp.Chính vì thế việc thuyết
phục để HS học nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt cũng một phần nào được
thuận lợi hơn.
KHÓ KHĂN
Nhìn lại sự nghiệp GD của tỉnh Bạc Liêu nói chung và huyện Giá Rai nói
riêng, trong những năm qua đã không ngừng chuyển mình vươn lên và đạt được
rất nhiều thành tựu quan trọng nhưng chúng ta vẫn chưa ngang tầm với bạn bè
lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng HS tham gia thi HS
giỏi môn Tiếng Việt có tăng so với các năm trước nhưng chất lượng còn hạn chế,
còn nhiều điều cần phải quan tâm. Ví dụ: bài tập yêu cầu tìm từ ghép xếp vào
bảng thì vẫn có em xếp cả các từ đơn lẫn với từ ghép Hay các em còn lúng túng
về phân loại từ ( danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ) và từ loại( đồng âm

hay lẫn với nhiều nghĩa, khả năng tìm các từ đồng nghĩa cũng cần phải bàn).
Điều đó chúng tỏ về phần kiến thức cơ bản các em nắm chưa vững, chưa sâu,
chưa cao nên các em mới xếp và không phân biệt rõ ràng được, khi các em thực
hành sử dụng từ ngữ để viết hay giao tiếp còn chưa chuẩn lắm.
Đội ngũ giáo viên cốt cán làm công tác bồi dưỡng HS giỏi của các trường
tuy có nhiều kinh nghiệm, trình độ, tâm huyết nhưng không tránh khỏi sự mất cân
đối về mặt bằng trình độ năng lực chung của giáo viên, về nền nếp thói quen, sự
say mê học tập của học sinh và sự quan tâm của cha mẹ học sinh về học tập của
con em giữa các trường ở nông thôn với các trường ở thành phố, thị trấn…Do đó,
tôi có một số biện pháp mà tôi đã thực hiện trong những năm qua và thu được kết
quả khả quan như sau:
III. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
A. Trang bị kĩ năng cho người dạy:
Để nâng cao hiệu quả dạy – học phân môn LTVC ở lớp 4- 5 chúng ta cần
trang bị cho mình một số kĩ năng sau đây
1. Nắm vững nội dung chương trình phân môn LTVC của cả cấp học (bắt
đầu từ lớp 2) để xây dựng kế hoạch dạy- học của lớp mình được bảo đảm tính
liên thông về mặt kiến thức - kỹ năng cho học sinh.
2. Giáo viên cần tiếp tục tự học, tự bồi dưỡng để trang bị cho mình một
vốn kiến thức hiểu biết về từ ngữ - ngữ pháp – thành ngữ, tục ngữ, ca dao,… từ
cơ bản đến nâng cao thông qua việc nghiên cứu SGK, tài liệu và sách tham khảo
các loại. Nghiên cứu kĩ ta mới có các biện pháp, phương pháp hướng dẫn HS lĩnh
hội các kiến thức cơ bản của môn LTVC lớp 4 -5 như: phân biệt và nhận diện từ
ghép- từ láy; từ ghép phân loại – từ ghép tổng hợp; câu đơn – câu ghép; từ đồng
âm – từ nhiều nghĩa; phân biệt các từ loại, loại từ…
3. Có kỹ năng lựa chọn và phối hợp các phương pháp giảng dạy phù hợp
cho từng đối tượng HS năng khiếu, phải nắm được khả năng làm bài, những ưu
điểm, hạn chế của từng em mà có biện pháp uốn nắn, chăm bồi phù hợp, kịp thời.
4. Nắm các thông tin, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình phân môn
LTVC của Bộ GD&ĐT. Nắm và bám sát theo các công văn hướng dẫn bồi dưỡng

HS giỏi của Sở GD &ĐT Bạc Liêu.
5. Phải có kĩ năng sư phạm thật tốt để xử lí các tình huống và kĩ năng phân
tích, nhận xét, đánh giá trước câu trả lời, các kết quả bài làm của HS một cách
chính xác, cẩn thận. Đồng thời phải có kĩ năng phân tích giảng giải cho HS hiểu
vấn đề mà mình kết luận ở kết quả bài làm và câu trả lời miệng của học sinh một
cách rõ ràng, mạnh lạc và thấu đáo. Đồng thời người giáo viên còn phải rèn luyện
cho mình ngày càng cao về kĩ năng diễn đạt, dùng từ ngữ chính xác, dễ hiểu, dễ
nhớ để giúp các em hiểu sâu và nhớ bền.
6. Phải luôn kiên trì, bền bỉ, cẩn thận trong dạy bồi dưỡng và chấm bài của
từng em vì không phải học sinh năng khiếu, học sinh giỏi nào cũng đều đồng loạt
có chung 1 mặt bằng kiến thức ý tưởng như nhau.
7. Phải có kĩ năng ra đề bài kiểm tra, khi ra đề cần đa dạng các kiểu bài tập
để rèn kĩ năng làm bài dưới nhiều dạng khác nhau cho HS.
8. Hơn ai hết, người giáo viên dạy bồi dưỡng còn phải nặng một chữ
“Tâm” để dạy –học. Có Tâm chúng ta sẽ có phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả.
Có Tâm chúng ta có ý chí, nghị lực và sức khỏe để dạy học tốt hơn. Có Tâm
chúng ta mới dạy học một cách vô tư, không tính toán thiệt hơn về thù lao vật
chất bù đắp cho công sức của mình và chữ Tâm giúp ta gắn bó hơn và giúp ta có
trách nhiệm hơn với công việc mình đang làm.
B. Tiến hành dạy bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi phân môn
Luyện từ và câu 4 -5:
1. Giảng dạy hàng ngày trên lớp:
- Từng bài dạy LT&C, GV phải giúp HS nắm vững chắc khái niệm và tác
dụng của các từ loại (DT - ĐT -TT -Đại từ - QHT - Từ dùng để nối…) và loại từ
(Từ ghép - Từ láy - Từ ghép phân loại - Từ ghép tổng hợp), câu đơn - câu ghép,
các thành phần của câu, các bộ phận phụ của câu (các loại trạng ngữ), phân biệt
chúng một cách rõ ràng để vận dụng thực hành chính xác.
Ví dụ: Khi dạy cho HS khái niệm về danh từ( LTVC4),thì khái niệm trong
SGK chỉ nói chung chung như: Danh từ là từ chỉ người,đồ vật, cây cối, sự vật…
Với khái niệm như vậy, HS rất khó phân biệt và khó tìm danh từ một các chính

xác được đặc biệt là với danh từ chỉ sự vât. Vì vậy khi dạy HS năng khiếu bài
này, GV nên mở rộng thêm cụ thể hơn cho HS về khái niệm Danh từ như: Danh
từ chỉ người: có hai loại: DT chung và DT riêng.DT chung chỉ các tầng lớp, thứ
bậc con người trong xã hội. Ví dụ: ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, bộ đội, công
an, kĩ sư…Danh từ riêng là tên riêng của mỗi người mà cha mẹ đặt cho, ten đơn
vị hành chính, tên riêng của núi, sông…. GV cần nhấn mạnh thêm là tất cả tên
gọi các bộ phận trên cơ thể con người đều là danh từ.Đối với danh từ chỉ sự vật
thì nó bao hàn rất rộng, cho nên GV cũng cần phải cho HS ghi một số ý về khái
niệm này như: các từ chỉ địa danh về địa lí ( sông, núi,đất trời,….) thời gian
( ngày, tháng, năm….), chất liệu( cát đá, xi măng, vải, giấy…)
- GV cần có một số câu hỏi và bài tập (sử dụng bài tập đã giảm tải hay bài
tập mà GV tự biên soạn trong giáo án của mình) phù hợp dành riêng cho đối
tượng HS năng khiếu. Các câu hỏi và bài tập phải nâng cao hơn so với các câu
hỏi, bài tập dành cho HS đại trà. Dạy kiến thức LTVC không chỉ dạy ở phân môn
LTVC thôi mà còn dạy lồng ghép trong các môn học như Tập đọc, Tập làm văn
thậm chí cả các bài Khoa học –Lịch sử- Địa lí nếu có chi tiết hay phù hợp để
lồng ghép kiến thức LTVC được chúng ta cũng lồng ghép. Ví dụ: dạy bài Mùa
thu Cách mạng có chi tiết: “ Cướp chính quyền” chúng ta có thể hỏi HS từ đồng
nghĩa với từ cướp là từ nào? HS sẽ tìm các từ đồng nghĩa với từ cướp xong, GV
sẽ hỏi tiếp một câu: Theo em, từ đồng nghĩa nào có thể thay thế từ cướp có trong
bài? Sau đó GV khẳng định cho HS nghe là từ thay thế tốt nhất cho từ cướp trong
bài là từ GIÀNH LẠI CHÍNH QUYỀN chứ chúng ta không cướp chính quyền vì
chính quyền đó là của ta, Pháp cướp của ta, ta lấy lại mà thôi. Như vậy ta vừa dạy
cho các em về từ đồng nghĩa, vừa cho các em biết nghĩa của từ cướp trong bài
kẻo các em hiểu lầm là ta cướp chính quyền của Pháp.
Hay bài Địa lí Châu Phi chúng ta cũng lồng ghép từ đồng âm như: châu
Phi – ngựa phi – thùng phi – phi lao…; hay từ nhiều nghĩa: ngựa phi – phi đao.
Bài Khoa học chúng ta cũng dạy tương tự.
- Dạy môn Tập đọc. Bài nào có từ đồng nghĩa, đồng âm, nhiều nghĩa, trái
nghĩa, từ ghép, từ láy, câu ghép, câu đơn đủ các thành phần: trạng ngữ - chủ ngữ

- vị ngữ thì GV nên yêu cầu HS tìm hay phân tích chúng. Từ đó các em được
tăng thêm kĩ năng thực hành làm các bài tập ngoài bài tập có trong sách giáo
khoa môn LTVC. Nếu bài nào có các thành ngữ, tục ngữ, ca dao thì chúng ta
cũng nên hướng dẫn và yêu cầu các em giải nghĩa các thành ngữ, tục ngữ, cao
dao đó.
Ví dụ:
Bài LTVC đầu tiên (tiết 1) của chương trình LTVC lớp 5 là bài Từ đồng
nghĩa( dạy ngày thứ ba theo báo giảng).Sau đó là thứ tư trong chương trình là dạy
tiết 2 của môn Tập đọc bài :Quang cảnh làng mạc ngày mùa. Khi dạy bài Tập đọc
này,chúng ta có thêm câu hỏi yêu cầu các em tìm các từ đồng nghĩa có trong bài (
các từ chỉ màu vàng và từ trông – thấy). Ngoài ra chúng ta yêu cầu các em phân
tích một số câu như: Trong vườn,lắc lư những chùm quả xoan vàng lim…treo lơ
lửng;tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi;…
Bài Tập đọc Thư gửi các học sinh và các bài Tập đọc khác chúng ta cũng
làm tương tự.
Bài chính tả đầu tiên Việt Nam thân yêu chúng ta cũng có thể yêu cầu HS
tìm từ ghép phân loại, ghép tổng hợp, từ láy có trong bài cũng được.
- Môn Tập làm văn: GV hướng dẫn các em làm bài nên sử dụng các từ
đồng nghĩa để thay thế cho nhau, tránh lặp từ dẫn đến đặt câu lủng củng, dùng từ
trái nghĩa đặt cạnh nhau làm đa dạng câu văn, dùng từ đồng âm và nhiều nghĩa,
từ láy, các từ tượng thanh, tượng hình,….sẽ làm cho bài văn các em thêm sinh
động, hấp dẫn hơn ;dùng các kiểu liên kết câu đã học để liên kết các câu trong bài
văn, đoạn văn giúp cho nội dung của bài gắn với nhau chặt chẽ.Đó cũng là giúp
HS vận dụng tốt vốn hiểu biết, kiến thức LTVC đã học của mình vào thực hành
làm bài tập.
Ví dụ:
Yêu cầu HS viết một đoạn văn ngắn tả lại một người bạn thân của mình,
hay tả cảnh sông nước, HS có thể viết như sau:
VD a.Thư là lớp trưởng lớp tôi và cũng là cô bạn mà tôi thân nhất. Cô bạn
nhỏ bé có đôi mắt to tròn đen láy ẩn sau hàng lông mi dài cong vút, nước da

ngăm ngăm, mịn màng khiến ai gặp Thư một lần thôi cũng phải nhớ mãi.Lớp
trưởng của tôi nói chuyện rất có duyên nhờ trời ban cho cô cách diễn đạt trôi
chảy, hoạt bát lại thêm cái răng khểnh nữa nên đã duyên lại càng duyên thêm.
* Từ đồng nghĩa được sử dụng trong đoạn văn là từ dùng thay thế cho từ
Thư: cô bạn- cô bạn nhỏ bé – lớp trưởng của tôi.
VD b. Ôm ấp lấy ngôi làng nhỏ bé của tôi là một con sông nhỏ mềm mại,
hiền lành. Con sông này bắt đầu từ đâu và nó được bao nhiêu tuổi rồi dân làng tôi
không ai biết. Họ chỉ biết rằng nó thật cần mẫn và tốt bụng nên mọi người đã đặt
cho nó cái tên dễ mến: sông Thương. Mùa xuân, sông Thương mang trên mình
một màu biêng biếc của lũy tre xanh mướt bên sông.Mùa hè, nó thay màu phơn
phớt hồng khi bình minh ló rạng và trở màu đào khi đối diện với mặt trời rực rỡ
của ban trưa…
* Từ đồng nghĩa: con sông – nó- sông Thương; dân làng tôi – họ - mọi
người; biêng biếc – xanh mướt; hồng – đào.
Ngoài ra còn sử dụng một số từ láy: mềm mại, biêng biếc, rực rỡ.
2. Dạy ở lớp bồi dưỡng HS năng khiếu:
- GV cần tiếp tục củng cố lại phần lí thuyết mà các em đã được học ở trên
lớp, phần nào cần mở rộng thêm để HS dễ làm bài thì GV nên làm. Sau đó cho
các em làm bài tập thực hành thật nhiều lần.
Khi các em đã làm tốt phần bài tập này rồi thì GV hãy tiếp tục dạy các em
phần bài tập khác kẻo các em chưa nắm được bài này thì đã phải học bài kia cuối
cùng chẳng bài nào HS nắm thật vững cả.
Sau đó GV ra đề kiểm tra những phần mà mình đã hướng dẫn HS nhằm
kiểm tra, đánh giá lại mức độ các em nắm bài ra sao để còn điều chỉnh phương
pháp dạy của mình cho phù hợp.
Khi trả bài thì phải sửa tỉ mỉ, cần chỉ cho HS thấy rõ nội dung sai hoặc
chưa đầy đủ và giải thích tại sao sai, có thế HS mới củng cố thêm được kiến thức,
nắm bài sâu hơn.
* Một số ví dụ về luyện tập nâng cao kiến thức và kỹ năng LT & C cho
học sinh năng khiếu:

- Phân biệt giữa từ ghép có bộ phận giống nhau và từ láy.
Trong bài “Từ láy” (LTVC 4) khái niệm về từ láy ở sách giáo khoa rất đơn
giản là: Từ láy là từ có các bộ phận giống nhau. Một khái niệm chung chung HS
có thể lẫn lộn giữa từ ghép có các bộ phận giống nhau với từ láy như các từ ghép:
bay bổng, chạy nhảy, bực tức, hoàn hảo, lẫn lộn, đi đứng …hay một số từ đơn
được viết liền nhau mà chúng có bộ phận giống nhau như: leo lên, bên bờ, vội về,
lớn hơn, lạng vàng,…
Để giúp các em phân biệt được từ ghép với từ láy, GV cần hướng dẫn HS
của mình phân biệt như sau:
Trước tiên cho các em nắm được các kiểu từ láy: Láy âm đầu, láy vần, láy
tiếng, láy âm đầu và vần, láy khuyết âm đầu. Trong Tiếng Việt các âm như k –c
–qu về mặt ngữ âm chỉ là 1 và chúng được phát âm giống nhau (chỉ khác nhau
về chữ viết - chữ ghi âm) nên các từ như: cuống quýt, cập kênh, cồng kềnh,
quanh co, cũ kĩ, cáu kỉnh, kém cỏi, kèn cựa, kề cà,… cũng chính là từ láy (láy âm
đầu)
Sau đó lấy ví dụ minh họa các từ láy đặt cạnh các từ ghép có bộ phận giống
nhau như: đẹp đẽ, vạm vỡ, sặc sỡ, leng keng, bệ vệ, inh ỏi…- chạy nhảy, bực tức,
lẫn lộn, ẩn ý… cho HS tìm ra đặc điểm giống và khác nhau của hai loại từ này và
rút ra kết luận:
+ Từ láy đặc biệt là láy vần và láy âm thông thường thì chỉ có một tiếng có
nghĩa và một tiếng còn lại không có nghĩa (đẹp đẽ, xinh xắn, hồng hào, xanh
xao…) hoặc cả hai tiếng đều không có nghĩa (sặc sỡ, vạm vỡ, xơ xác, núng
nính….) trừ trường hợp láy tiếng và láy cả âm vần.
+ Từ ghép thì cả các tiếng trong nó đều có nghĩa (chạy – nhảy; bực – tức;
đi – đứng, bức – bách,….)
+ Tất cả các từ gốc Hán và Hán Việt nếu có bộ phận giống nhau thì đều là
từ ghép: hoàn hảo, hoan hỉ, thiêng liêng, mẫu mực, hữu hiệu,…
- Phân biệt từ ghép phân loại và từ ghép tổng hợp:
* Từ ghép phân loại:
Trước tiên ta lấy ví dụ minh họa như sau:

Chọn từ“hạt” là từ đơn (thuần Việt) làm gốc, sau đó hỏi HS tiếng “hạt”
thường đi kèm với tiếng nào để tạo thành từ ghép? (thóc, gạo, kê, vừng, đậu…).
Sau đó hướng dẫn HS tìm ra đặc điểm chung và riêng của các từ ghép trên và rút
ra kết luận: Từ ghép phân loại có một tiếng chỉ sự vật, hiện tượng là yếu tố
chính, làm trung tâm (hạt); một tiếng còn lại chỉ sự vật, hiện tượng là yếu tố
phụ dùng để phân biệt (thóc, gạo, kê, vừng).
VD: “hoa” ghép với các tiếng: lan. huệ, hồng… thành từ ghép phân loại.
Thường thì các từ ghép phân loại cả hai tiếng ta đều hiểu được nghĩa của
chúng nhưng có một số từ ghép phân loại mà chúng ta thường dùng thì chỉ có
một tiếng có nghĩa còn tiếng kia không có nghĩa như: đỏ au, xanh ngắt, tre pheo,
chợ búa, cây cối, vườn tược
*Từ ghép tổng hợp:
Thường có chung một đặc điểm là cùng chỉ sự vật: tóc tai, quần áo, mồm
mép, chân tay… , chỉ hoạt động : ăn uống, chạy nhảy, bay nhảy, đi đứng… ; chỉ
,tính chất: cứng rắn, trắng đen, phải trái, hiền lành…
- Các từ ghép đều có cấu trúc rất chặt chẽ, ta không thể tách hay chen các
tiếng khác vào giữa các tiếng của từ, nếu ta chen tiếng thứ ba vào giữa thì nghĩa
của từ bị phá vỡ:
Ví dụ: chén bát, xoong nồi, ông bà, …, cá mè, cá chép, lá mít, lá tre…
- Những từ ghép trên ta không thể chen hay tách chúng ra được. Nhưng
một số tổ hợp từ như: lá xanh è lá rất xanh hay lá màu xanh; trải rộng trải
ra rất rộng. Những cụm từ như vậy,ta dễ dàng tách và chen các tiếng khác vào
giữa hai tiếng đó, vậy nó không phải là từ ghép.
Chúng ta cũng nên hướng dẫn cho HS biết một số từ ghép đặc biệt như: bồ
kết, bồ hóng, ác là, bù nhìn, ắc quy, cà phê, a xít, xà phòng,…để các em không
lúng túng khi gặp các từ này trong bài tập. (vì bản chất chúng là từ cổ hoặc từ có
nguồn gốc tiếng Pháp, tiếng Anh)
- Phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa:
Trước hết GV phải cho HS thấy được sự giống và khác nhau của hai từ
loại này.

* Giống nhau: cả hai từ loại đều có cấu tạo âm tiết giống nhau.Từ nhiều
nghĩa thì nghĩa của các từ lại có quan hệ với nhau( nghĩa chuyển được hiểu rộng
ra từ nghĩa gốc) còn từ đồng âm thì nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ: độc thân – nấm độc ( đồng âm)
Nấm độc – độc mồm ( nhiều nghĩa)
Tù đày – tù trưởng ( đồng âm)
Tù đày – tù túng( nhiều nghĩa)
Quả bí – bí hơi ( đồng âm)
Bí hơi – nước cờ bí quá! ( nhiều nghĩa)
- Phân biệt nghĩa gốc – nghĩa chuyển
* Từ nhiều nghĩa thường có ba dạng khác nhau:
Dạng là danh từ: thì thường là các từ chỉ bộ phận trên cơ thể người hay
động vật, cây cối là mang nghĩa gốc ( trừ một số từ như: cổ tay, cổ chân, chân
tóc, chân lông,đầu gối, mắt cá chân… thì không phải nghĩa gốc mà mang nghĩa
chuyển vì nó được hiểu rộng ra từ nghĩa của các từ cái cổ, cái đầu, cái chân của
cơ thể người).
Những từ có dạng như trên mà dùng chỉ một bộ phân khác của sự vật khác
thì mang nghĩa chuyển: Ví dụ: cây có ngọn, gốc, lá…
Nhưng từ ngọn chỉ ngọn núi;gốc chỉ gốc tích, nguồn gốc; lá chỉ lá phổi, lá
gan… thì những từ đó được hiểu theo nghĩa chuyển ( nghĩa mở rộng của nghĩa
gốc vì nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ đều có chung một đặc điểm về vị trí hay
hình dáng …)
Ví dụ như: mùi vị của sầu riêng – mùi vị của quê hương – mùi vị của sự
cay đắng trong cuộc đời thì mùi vị sầu riêng mang nghĩa gốc và mùi vị còn lại
mang nghĩa chuyển vì mùi vị sầu riêng là đặc điểm của loại trái cây này mà ta
cảm nhận được qua vị giác còn mùi vị còn lại thì cảm nhận qua cảm tính, cảm
nhận.
Dạng là tính từ: Tính từ chỉ mùi vị của cây trái, thức ăn, nước uống…
thường mang nghĩa gốc. Nhưng những từ đó chỉ mùi vị của một thứ khác thì nó
lại mang nghĩa chuyển. Ví dụ: khổ qua đắng, dưa hấu ngọt, cây tre cứng, lá

bàng xanh, … được mang nghĩa gốc vì nó chỉ đặc điểm các bộ phận của cây.
Nhưng khi sử dụng những từ đó vào văn cảnh khác như: trong câu thơ của cố nhà
thơ Tố Hữu:
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm
Thì ngọt bùi- đắng cay lại hiểu theo nghĩa chuyển ( sung sướng hạnh phúc – đau
khổ, hi sinh, mất mát…).
Thường HS rất hay lộn từ lá phổi, lá gan là bộ phận trong cơ thể người nên
mang nghĩa gốc. Nhưng lá phổi, lá gan lại mang nghĩa chuyển vì chỉ có lá cây
mới mang nghĩa gốc còn lá phổi, lá gan thì chúng lại có đặc điểm giống chiếc lá
về hình dáng nên chúng mang nghĩa chuyển
Dạng động từ: Thường những từ chỉ hoạt động, trạng thái của người hay
con vật mang nghĩa gốc nhưng khi chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật khác thì
có nghĩa chuyển.
Ví dụ: Em bé ngủ ( nghĩa gốc)- rừng cây ngủ ( nghĩa chuyển); em bé đứng
im (nghĩa gốc) – cây cối đứng im ( nghĩa chuyển).
Từ những kinh nghiệm trên, trong những năm qua, tôi đã vận dụng vào
công việc bồi dưỡng HS năng khiếu của trường cũng như của huyện đều thu được
những kết quả rất tốt,HS nắm và vận dụng làm bài rất hay. Cụ thể kết quả thi HS
năng khiếu của năm học 2012 – 2013 như sau:
IV.KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
ĐƠN VỊ HSNK CẤPHUYỆN HSNK CẤPTỈNH
LỚP 5A 7 em 4 em
TRƯỜNG TH GIÁ RAI B 13 em 8 em
PHÒNG GD&ĐT GIÁ RAI 13 em 14 em
V. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
Muốn bồi dưỡng HS năng khiếu môn Luyện từ và câu lớp 4 -5, đòi hỏi
người bồi dưỡng phải có kiến thức liên thông và nâng cao kết hợp với trình độ
chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm trong dạy học, có tâm huyết với nghề.
Biết xử lí các tình huống mà HS đưa ra. Biết nhận xét khách quan, chính xác bài

làm của HS. Biết làm tất cả các dạng bài tập từ đơn giản đến phức tạp.Biết các
kiểu câu và các mẫu câu kể. Biết phân tích cấu tạo của câu có đủ các bộ phận(TN
– CN –VN từ đơn giản đến phức tạp).Biết phân biệt từ loại (danh từ - động từ -
tính từ - quan hệ từ - phụ từ - đại từ - tình thái từ ) và phân biệt loại từ( từ đồng
nghĩa – từ trái nghĩa –từ nhiều nghĩa – từ đồng âm).Nắm vững các yếu tố tạo nên
từ phức ( từ ghép, ghép phân loại, ghép tổng hợp, từ láy) và giúp HS phân biệt
chúng để làm bài tập. Ngoài ra, giáo viên bồi dưỡng còn phải linh hoạt vận dụng
những hiểu biết của HS và phương pháp giảng dạy để hướng dẫn các em lĩnh hội
kiến thức và vận dụng thành thạo vào thực hành làm bài tập.
Trên đây là một số kinh nghiệm mà tôi đã vận dụng trong công tác bồi
dưỡng HS năng khiếu môn TV lớp 5 đạt được kết quả khả quan, tôi trình bày ra
đây để các thầy cô cùng thảo luận, đóng góp giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm
quí báu hơn trong công tác BDHS năng khiếu Tiếng Việt.
Giá Rai, ngày 07 tháng 05 năm 2013
Người viết
Nguyễn Thị Dung

×