ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
d & c
TIỂU LUẬN
ĐỀ TÀI:
SỰ CHUYỂN ĐỔI QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT
TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN TRƯỚC VÀ SAU
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
Người hướng dẫn : TS. Hoàng Đức Khoa
Người thực hiện : Nguyễn Thị Toán
Lớp : Cao học văn K15
1
MỞ ĐẦU
Trong lịch sử nhân loại, lịch sử mỗi dân tộc có những cuộc cách
mạng không chỉ đem lại những biến chuyển sâu sắc về xã hội mà còn kéo
theo sự biến chuyển của quan niệm văn chương, của tư duy nghệ thuật.
Một nhà văn, nhà thơ lớn không thể không gắn mình với những thăng trầm
của thời đại với số phận của cộng đồng. Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở
Việt Nam không chỉ mở ra một trang sử vàng chói lọi đưa cả dân tộc từ
vũng bùn nô lệ bước ra ánh sáng độc lập - tự do mà còn mở ra hướng đi
mới cho cả đội ngũ những người cầm bút trước cách mạng. Hoà mình vào
dòng thác nhân dân, đi theo cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc- nhà văn
hiện thực Nam Cao vui vẻ làm một anh “tuyên truyền viên nhãi nhép”
trong hàng quân trùng trùng điệp điệp. Nhà văn lãng mạn Nguyễn Tuân thì
gọi đó là một cuộc “lột xác”. Xuân Diệu “nhà thơ mới nhất trong các nhà
thơ mới” - (Hoài Thanh- thi nhân Việt Nam) đã từng đem “cái tôi” của
mình thách thức nhân gian:
“Ta là một, là riêng, là thứ nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta”
Thì sau Cách mạng đã hoà nhập với cuộc sống của nhân dân một
cách tự nguyện, chân thành, sôi nổi và hồn nhiên nhất:
“Tôi cùng xương, cùng thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu, gian lao”
Riêng Chế Lan Viên - để có thể “phá cô đơn ta hoà hợp với đời” nhà
thơ đã phải trải qua rất nhiều trăn trở, suy tư, vật vã. Đó là cả một cuộc
2
hành trình vô vàn khó khăn để từ “thung lũng đau thương ra cánh đồng
vui”, từ “chân trời một người đên chân trời tất cả”. Đó cũng là hành trình đi
tìm chân lý đích thực của nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ
đặt ra trong thơ mình những câu hỏi nhức nhối:
“Ta là ai
Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai?
Khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
Có khi phân thân như một sự hướng ngoại nhưng thực chất là hướng
nội để hỏi chính lòng mình:
“Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng …” để rồi sau một cuộc đấu
tranh tư tưởng gay go quyết liệt, nhà thơ đã đoạn tuyệt được với quá khứ,
vơi cái tôi vị kỷ để đi đến sự khẳng định dứt khoát:
“Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”
Chế Lan Viên thường dùng hình tượng để triển khai và bộc lộ ý
tưởng, dùng thơ để triết lý về thơ và việc làm thơ. Suy cho cùng điều gì làm
nên sự khác biệt của thơ ông trước và sau Cách mạng? Đó chính là sự đổi
thay quan niệm nghệ thuật của người cầm bút. Thay vì đào xới loanh quanh
cái bản ngã của chính mình, uống đến kiệt cùng đáy giếng cô đơn của hồn
mình trong ba chữ “ta là ai”, nhà thơ trả lời câu hỏi “ ta vì ai” để đưa thơ
đến giữa cuộc đời rộng lớn mà cuộc sống vĩ đại của nhân dân cần lao là
nguồn cảm hứng dạt dào của thi ca không bao giờ vơi cạn.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Chế Lan Viên: con người
và sự nghiệp văn thơ của ông. Trong tiểu luận này chúng tôi chỉ giới hạn
vấn đề tìm hiểu sự thay đổi quan niệm nghệ thuật, của Chế Lan Viên trong
thơ trước và sau Cách mạng mà theo chúng tôi đó là nguyên nhân của
những bước ngoặt tạo nên những chặng đường thơ trong cuộc đời cầm bút
3
của ông. Thiết nghĩ điều đó sẽ giúp ích phần nào cho chúng tôi- những
người làm công tác giảng dạy môn văn ở nhà trường PTTH.
4
NỘI DUNG
I. Quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên trong thơ trước Cách
mạng
Trước Cách mạng Chế Lan Viên là đại biểu xuất sắc của phong trào
Thơ Mới lãng mạn 1930 - 1945. Ông cũng là một trong những người sáng
lập ra trường thơ “loạn”- 17 tuổi nổi tiếng với tập “Điêu tàn” và là một
trong số các nhà thơ mới chịu ảnh hưởng sâu sắc của các trường phái thơ
lãng mạn, siêu thực, tượng trưng ở Pháp thế kỷ XIX.
Trong cảm nhận của Hoài Thanh - tác giả “Thi nhân Việt Nam”
“Điêu tàn” đã đột ngột xuất hiện giữa đồng bằng của Thơ Mới như một
“niềm kinh dị”, như một “Tháp Chàm lẻ loi và bí mật” - lẻ loi giữa không
khí chung của Thơ Mới luc bấy giờ - đa số các nhà thơ say sưa mơ mộng
trong thế giới của thiên nhiên và tình yêu với những khám phá mới mẻ. Bí
mật vì nó là một thế giới đầy bóng tối, thế giới của cõi âm với mồ hoang,
sọ người, xương khô, máu, tuỷ và những “bóng ma hời sờ soạn đêm
thâu”… than khóc cho một vương quốc Chiêm thành nay chỉ còn là dấu
tích hoang tàn đổ nát. Đúng vậy khác xa với quan niệm của các nhà Thơ
Mới đương thời đi tìm cái đẹp thuần tuý mang màu sắc duy mĩ:
“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham cái đẹp có muôn hình muôn vẻ”
(Cây đàn muôn điệu - Thế Lữ)
Chế Lan Viên tự chọn cho mình một khách thể lạ mang tính hư cấu,
tưởng tượng, siêu hình. Dựng nên một nước Chàm đổ nát điêu linh để khóc
than có phải là từ những ám ảnh trong tâm thức về miền đất có dấu tích
Chiêm Thành nơi tuổi thơ ông đã sống? Hay nguồn thi cảm lạ lùng ấy có
gốc rễ triết học từ tư tưởng siêu hình như Chế Lan Viên đã tự bộc lộ về
mình: “Mở đầu tôi yêu Chúa, rồi tôi yêu Phật”… cùng với trí tưởng tượng
5
lạ kỳ thi sĩ đẩy những suy nghĩ của mình về phía hư vô và hư cấu nên
những hình ảnh kinh dị, gửi vào đó một khát vọng mê cuồng, điên loạn:
“Hỡi chiếc sọ ta vô cùng rồ dại
Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta
Để những giọt máu đào còn đọng lại
Theo hồn ta tuôn chảy những hồn thơ”
(Điệu nhạc điên cuồng)
Theo Vũ Tuấn Anh - tác giả của bài viết “Chế Lan Viên - một tâm hồn
thi sĩ, một chân dung văn hoá”: Cùng với các nhà thơ của ‘trường thơ loạn,’’
“Điêu tàn” khởi sự một mĩ học mới trong thơ: đưa ra một quan niệm khác lạ
về thơ và sự xuất hiện một kiểu chủ thể trữ tình mới. Chế Lan Viên viết trong
lời tựa “Điêu tàn”: “Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người.
Nó là tiên, là ma, là quỷ, là tinh, là yêu. Nó thoát hiện tại. Nó xối trộn dĩ vãng.
Nó ôm trùm tương lai”.Nhà thơ muốn xác lập một thế giới mới trong thi ca
khác với quan hệ của đời thường - một thế giới dị thường.
Đã có lúc người thơ hốt hoảng, sợ hãi muốn bứt mình ra khỏi thế giới ma
quái ấy:
“Có ai không? Nắm giùm tay ta lại
Hãy bẻ giùm cây bút của ta đi”
Điêu tàn là tiếng vọng đau đớn khắc khoải của một linh hồn trẻ tự
nguyện gồng gánh trên vai bi kịch dân tộc, nỗi buồn thời đại. Nhà thơ lý
giải: “Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu dấu của tôi đâu? Kia
kìa - nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi…”.
Hồ Thế Hà-tác giả của “Người lạ mặt giữa thế giới Điêu tàn” đã đặt ra
trong bài viết của mình câu hỏi: “Vì sao Chế Lan Viên lại chọn một khách
thể tưởng tượng mang tính siêu hình?” Và cho rằng căn nguyên của tư
tưởng này là vì: trước một hiện thực bế tắc khủng hoảng- (hiện thực xã hội
Việt Nam trước Cách mạng) không biết bấu víu vào đâu- Chế Lan Viên đã
6
chọn cho mình một lãnh địa phù hợp nhất để nói lên gián tiếp cái hiện thực
mà mình từng khắc khoải- nỗi đau tâm hồn của một kẻ mất nước:
“Tạo hoá hỡi! Trả tôi về Chiêm Quốc
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chán mắt
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn”
(Những sợi tơ lòng)
Theo tác giả Hồ Thế Hà đây là một sự lựa chọn nghệ thuật có thái
độ. Sự lựa chọn này bộc lộ quan niệm nghệ thuật của riêng Chế Lan Viên:
“Cái đẹp chính là cái buồn, cái quái đản” và làm nên những “niềm kinh dị”
trong “Điêu tàn”.
Tương ứng với khách thể thẩm mĩ trên là một chủ thể sáng tạo đặc
biệt cực đoan, thần bí, quái đản. Ghi lại những chứng tích lên từng sự vật,
hiện tượng- hiện vật nói lên khát vọng của con người trước dòng thời gian
vô định ở “Điêu tàn” có thể nói rằng đó là sự hồi sinh nối liền sự sống với
cái chết. Nhà thơ quay về quá vãng để nói nỗi bi phẫn của hiện tại bằng
hình ảnh lạ và sự quái đản. Điều đó khiến Chế Lan Viên trở thành người lạ
mặt giữa thế giới điêu tàn nhưng lại là người quen biết của thời đại giữa
lòng dân tộc Việt.
Với “Điêu tàn” Chế Lan Viên không tránh khỏi rơi vào tư tưởng bi
đát, hoài nghi vì ông cũng là một chủ thể bé nhỏ, nhưng đó là sự hoài nghi
có tính triết học: “Ai bảo giùm: ta có, có ta không?”. Đó là điểm khởi đầu
cho những nghi vấn xuất hiện: “Biết làm sao giữ mãi được ta đây” cuối
cùng là sự từ bỏ thế giới siêu hình rợn ngợp để trở về với đời, với sự tươi
rói của thiên nhiên tran trề nhựa sống trong cág bài thơ:“Xuân về”, “Trưa
đơn giản”…
Mặc dù bao trùm cả tập thơ là nỗi chán chường, tuyệt vọng:
“Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”
7
Nhưng “với thi cảm này mặc dầu lạ lùng, mặc dầu quý báu, ông sẽ
không thể nói được nhiều. Nói nữa sẽ không khỏi rơi vào sự sáo, ông tự sáo
với chính ông” (Lê Thiều Quang).
Sự bế tắc của hồn thơ Chế Lan Viên sẽ là hiển nhiên khi cái bóng
của nhà thơ mất hút trong cõi siêu hình. Đến “Vàng sao” (1942)- Chế Lan
Viên ca tụng cái đẹp linh thiêng, tìm đến cúi mình trước những tượng trưng
tôn giáo: “Thích Ca! GiêSu! Khổng Khâu! Lão Tử! tôi đều thành tâm cúi
đầu trước uy linh huyền diệu của các ngài”.
Tóm lại: trước Cách mạng với quan niệm thi sĩ là điên, là ma, là quỷ,
là tinh, là yêu- làm thơ là sáng tạo ra một thế giới mới khác hẳn Chế Lan
Viên đã sáng tạo trong thơ mình một khách thể thẩm mĩ mang tính tưởng
tượng, hư cấu, siêu hình và một chủ thể mang tính cực đoan, thần bí, quái
đản, được chỉ đạo bởi tư duy hỗn hợp hoà nhập những yếu tố huyền thoại,
thần bí, kinh dị pha đậm màu sắc tôn giáo (khác hẳn thế giới vườn trần
trong thơ Xuân Diệu hay màu sắc tôn giáo siêu thực trong thơ Hàn Mặc
Tử). Bởi vậy, Chế Lan Viên đã tạo dựng lên một lâu đài thơ “Điêu tàn”,
kinh dị. Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên trong thơ giai
đoạn sau Cách mạng không chỉ do yếu tố khách quan là yêu cầu của thời
đại mới mà có gốc rễ từ nhu cầu nội tại: muốn thoát khỏi tư tưởng siêu
hình, bế tắc, thoát khỏi thế giới của hồn ma để trở về với thế giới thực của
sự sống tươi xanh, tưng bừng và rộn rã. Đó là sự đổi hướng cảm xúc và
một cách nhìn mới về hiện thực, một sự thể nghiệm mới về thơ. Cách mạng
đã thay đổi số phận của cả một dân tộc và chắp cánh cho hồn thơ Chế Lan
Viên bay bổng đến chân trời mới đầy niềm tin, hy vọng ở tương lai.
II. Quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên trong thơ sau
Cách mang tháng Tám 1945 đến 1975.
“Tâm hồn tôi khi Tổ Quốc soi vào
Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ
Con ngọc trai, đêm hè, đáy bể
8
Uống thuỷ triều bỗng sáng hạt châu”
Cách mạng đến như một vầng ánh sáng chói lọi ấm áp xua tan bóng
ma siêu hình lạnh lẽo ám ảnh, dồn đẩy Chế Lan Viên vào chân tường bế
tắc. Tập thơ “Gửi các anh” (1955) là hoa trái đầu mùa mà nhà thơ hái được
trên con đường thơ Cách mạng. Tiếp đến là những tập thơ: “Ánh sáng và
phù sa”, “Hoa ngày thường, chim báo bão …” thêm một lần mang đến cho
người đọc “niềm kinh dị”, sửng sốt bởi tài hoa, trí tuệ, cảm xúc thơ Chế
Lan Viên. Hồn thơ ông đã hoàn toàn đổi khác. Trước kia thi sĩ trăn trở với
câu hỏi: “Ta là ai” trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng bởi thời đại còn chìm trong
đêm đen với những phong trào Cách mạng bị dìm trong bể máu (phong trào
Xô Viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Nam Kỳ) thì nay ông đi tìm sự trả lời cho
câu hỏi chứa đầy niềm tự hào bởi ý thức được sứ mệnh của người nghệ sĩ
nhân dân “Ta vì ai?”
Trước kia Chế Lan Viên nhìn vào sự hoảng loạn của tâm hồn mình
để kêu lên nỗi bi ai thời đại thì nay ông nhìn ra cuộc sống rộng lớn của
triệu triệu đồng bào trong cuộc kháng chiến và kiến quốc vĩ đại để cảm
nhận cái đẹp, cái cao cả:
“Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc!
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng…
… Ôi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường…”
(Tiếng hát con tàu)
Nếu như “Gửi các anh” đánh dấu sự chuyển hướng trong tư duy
nghệ thuật của Chế Lan Viên bước đầu đến với Cách mạng thì “Ánh sáng
và phù sa” là trái chín ngọt ngào, là vụ mùa bội thu của sự hoà nhập đến tận
cùng trái tim mình với nhân dân, đất nước. Bởi vậy mà bên cạnh giọng thơ
9
tràn ngập niềm vui, phấn chấn, tự hào, tin tưởng ở tương lai ta còn thấy
trong thơ Chế Lan Viên một giọng ăn năn sám hối đầy day dứt và rất đỗi
chân thành. Trên con đường đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi lớn “Ta vì ai”,
nhà thơ không đánh mất mình mà càng hiểu rõ hơn “Ta là ai” khi đặt “cái
tôi” trong tương quan so sánh:
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn…
…Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật giây…”
(Người đi tìm hình của nước)
Và:
… “Con đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp
Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa
Giường lãnh tụ là đôi hàng nứa ghép
Manh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ”
Đó là quá khứ. Còn hiện tại:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
(Tiếng hát con tàu)
Lý tưởng thẩm mĩ của nhà thơ sau Cách mạng là “chất vàng mười”
mà nhân dân đã tôi luyện nên trong lửa đỏ của những năm kháng chiến
gian lao, là “nhựa nóng” của máu và mồ hôi chiến sĩ, đồng bào khắp mọi
miền đất nước đã và đang đổ xuống từng ngày. Đó là nguồn cảm hứng dạt
dào của thi ca nghệ thuật:
“Tây Bắc ơi người là mẹ của hồn thơ
10
Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa
Nay trở về ta lấy lại vàng ta”
(Tiếng hát con tàu)
Nếu trong Điêu tàn cái tôi dị ứng, bất mãn với thời cuộc đến mức chỉ
muốn quay lưng lại cả với mùa xuân trở thành nguồn thi cảm để chàng trai
17 tuổi phải thốt lên:
“Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang”
Thì trong ánh sáng và phù sa là một cái tôi hạnh phúc vô bờ khi nghe
tiếng gọi của Tổ Quốc mà ngỡ như tiếng giục giã của chính lòng mình:
“Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga …”
(Tiếng hát con tàu)
Từ sự trải nghiệm ngọt ngào ấy nhà thơ triết lý:
“Cám ơn vị muối của đời đã cho thơ chất mặn”
Với niềm biết ơn vô hạn cuộc đời mới:
“Sợi chỉ lòng ta nghèo có một màu
Se vào cái đa sắc của đời nên chói lọi”
Viết về đất nước, nhân dân, thời đại- những đề tài xã hội rộng lớn, ca
ngợi những đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng, Chế Lan Viên không
nhân danh “cái ta” như Tố Hữu mà bao giờ cũng xuất phát từ những cảm
nhận, suy tư sâu sắc của cái tôi cá nhân đã đi qua nhiều trải nghiệm thấm
thía. Chính vì vậy “Ánh sáng và phù sa” không có mấy bài sa vào đại ngôn,
hô hào chung chung mang ý nghĩa thời sự nhất thời mà thấm đẫm chất lãng
mạn, trữ tình sâu lắng:
11
“Anh vẫn nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”…
… “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn…”
(Tiếng hát con tàu)
Cảm hứng về Tổ Quốc, dân tộc là cảm hứng chủ đạo trong các tập
thơ tiếp theo của Chế Lan Viên: Sao chiến thắng; Hoa ngày thường, chim
báo bão; Những bài thơ đánh giặc - luôn là những phát hiện mới mẻ, sự
ngạc nhiên đến sửng sốt và niềm kiêu hãnh tự hào về tổ quốc. Một Tổ
Quốc trong quá khứ từng“đói nghèo trong rơm rạ- văn chiêu hồn từng thấm
giọt mưa rơi” thì nay trong hiện tại là một Tổ Quốc anh hùng nối tiếp
truyền thống bất khuất của cha ông: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt-
mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng”. Nhà thơ khẳng định: “Những
ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả”… (Tổ Quốc bao giờ đẹp
thế này chăng)
Đặc biệt Chế Lan Viên giành riêng một mảng thơ viết về Bác: tập
“Hoa trước lăng Người” (1976) không chỉ là sự phát hiện ngợi ca những
phẩm chất cao đẹp của Bác, còn là nơi Chế Lan Viên bộc lộ lòng biết ơn vô
hạn của mình đối với “Người thay đổi đời tôi- Người thay đổi thơ tôi”. Viết
về Lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với Chế Lan Viên cũng có nghĩa là một sự
khám phá chiều sâu cội nguồn gốc rễ của nhận thức cá nhân mình về lịch
sử, về dân tộc.
III. Quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên trong thơ sau 1975
“Hái theo mùa” (1977) là tập thơ vẫn còn dư vang của âm hưởng sử
thi trong “Sao chiến thắng” nhưng đến “ Hoa trên đá” (1984) - gần 10 năm
sau hoà bình thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống sau chiến tranh thơ Chế
12
Lan Viên đã mang một chất mới, một giọng mới. Từ giọng cao, hùng tráng
sang da diết, trữ tình, sâu lắng hơn:
“Tuổi 50 lòng yêu như lửa đỏ
Nhưng bên ngoài vẫn sắc trắng như không”
Đến “Di cảo thơ” I, II, III (khoảng 600 bài) xuất bản sau khi nhà thơ
qua đời một lần nữa Chế Lan Viên lại mang đến cho người đọc niềm kinh
ngạc lớn bởi sức sáng tạo dồi dào. Song đáng chú ý ở đây là một lần nữa
Chế Lan Viên lại làm cuộc Cách mạng trong thơ: Một bước rẽ, một sự
chuyển hướng trên hành trình đi tìm chính mình. Từ “ta vì ai?” nhà thơ trăn
trở tìm về giải đáp “ta là ai?”. Suy tưởng về thơ, về nghệ thuật, về cuộc đời,
về cõi hư vô, cái chết, nỗi buồn- vui, cái được, cái mất cảnh tình nhắc nhở
người đời:
“Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu”
Từ “giọng cao” Chế Lan Viên chuyển về “giọng trầm” với nhiều tự
vấn, độc thoại có vị đắng đót, nao lòng:
“Giọng cao bao nhiêu năm giờ anh hát giọng trầm
Tiếng hát lẫn với im lìm của đất
Vườn lặng im mà thơm mùi mít mật
Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân”
(Giọng trầm)
“Di cảo thơ” phản ánh cái nhìn đa chiều như một sự tất yếu của văn
học thời bình khi chiến tranh đã đi qua người ta có đủ thời gian để nhìn
nhận lại tất cả và nghiền ngẫm về quá khứ, về chính mình. “Di cảo” “là
tiếng lòng trung thực như lộn trái tâm hồn mình của nhà thơ ra bạn đọc, là
chặng cuối của hành trình đầy thử thách đi tìm lại chính mình của một thi sĩ
lớn có bản lĩnh giám sống tận cùng với cá tính của mình”. (Nguyễn Quốc
Khánh - Di cảo thơ Chế Lan Viên - hành trình tìm lại chính mình) “Di
13
cảo” là một đóng góp mới của Chế Lan Viên cho thơ Việt Nam cuối thế kỷ
XX đầy biến động.
KẾT LUẬN
Trong số các nhà thơ hiện đại Việt Nam có thể nói Chế Lan Viên là
một hiện tượng đa thanh, phức tạp mang đến nhiều bất ngờ. Từ siêu hình,
lãng mạn, tượng trưng đến hiện thực Cách mạng. Đó là hành trình từ “ma”
đến “Người” và trở về với “mình”. Con đường thơ Chế Lan Viên khúc
khuỷu, có những bước ngoặt, những ngả rẽ nhưng hoàn toàn hợp quy luật.
Những đặc điểm của thời đại đã tri phối tư tưởng, cái nhìn về hiện thực,
quan niệm sáng tác của nhà thơ. Đến lượt mình chính quan niệm sáng tác
này đã khiến nhà thơ sáng tạo nên những thế giới nghệ thuật khác nhau làm
nên sự phong phú bất ngờ của thơ Chế Lan Viên.
Tuy nhiên là một nhà thơ lớn- một ngòi bút đầy bản lĩnh thì dù ở giai
đoạn nào của cuộc đời làm nghệ thuật người cầm bút cũng phải chứng tỏ
một phong cách sáng tạo riêng có tính chất ổn định của mình. Nếu như ở
Huy Cận cảm hứng vũ trụ bao trùm cả “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca” (trước
Cách Mạng) cho đến “Trời mỗi ngày lại sáng”, “Đất nở hoa”… (sau Cách
Mang), ở Xuân Diệu đó là khát vọng tình yêu đắm say rạo rực từ “Thơ
thơ”, “Gửi hương cho gió” (1937) đến những bài thơ cuối đời- thì ở Chế
Lan Viên đó là chất trí tuệ lấp lánh. Thơ Chế Lan Viên là một thứ thơ mang
chiều sâu triết lý mà vẫn xôn xao cảm xúc. Với óc phân tích, khái quát biện
chứng và sự rung động của con tim Chế Lan Viên có thể lạ hoá những cái
quen thuộc và giúp người ta bất chợt nhận ra chân lý phổ quát đằng sau cái
nhìn trực cảm những hiện thực khách quan:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”…
14
… “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương” …
… “Bài thơ anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa để mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa”
Con người đã từng băn khoăn với câu hỏi: “ta là ai?”, “ta vì ai?” đến
cuối đời đã tự hoạ mình trong “Di cảo”:
“Anh là tháp Bay - on bốn mặt
Giấu đi ba còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”
Làm sao có thể khác được. Người nghệ sĩ hoá thân vào nghệ thuật
cùng một lúc phải trả lời cả hai câu hỏi: ta là ai, ta vì ai. Nếu chỉ “ta vì ai”
thôi thì liệu thơ có thể đi đến tận cùng của những suy tư, xúc cảm thành
thực đậm sắc màu riêng của cá tính sáng tạo? Chính điều đó mới làm nên
bản chất của nghệ thuật. Nhưng nếu chỉ “ta là ai” thì liệu những âm thanh
của đời, của thời đại có dội vào trang thơ để mang đến cho nó một tầm vóc
lớn lao hơn, một ý nghĩa xã hội sâu sắc hơn, một chất keo để gắn nó với
cộng đồng, dân tộc?
Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân ở Chế Lan Viên đó là con đường
nghệ thuật - là cơ chế vận động của thơ ông trước và sau Cách mạng.
Những bài thơ thành công nhất có sức sống lâu bền nhất chính là những bài
thơ mà ở đó thi sĩ kết hợp được cả hai điều này mang đến những rung động
thẩm mĩ, tư tưởng sâu xa cho người đọc.
Hiểu Chế Lan Viên chúng ta càng trân trọng một người nghệ sĩ với
bao vật vã đớn đau, trăn trở trên con đường gập ghềnh của nghệ thuật để
vắt đến cạn kiệt trái tim mình đào xới đến tận cùng trí tuệ cho khát vọng thi
ca, cho thời đại, cho đất nước.
15