Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Suy nghĩ về bạo lực học đường

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (49.82 KB, 2 trang )

Nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường đã được chỉ ra.
Chẳng hạn, cha mẹ ít dành thời gian cho con cái, thầy cô ít quan
tâm đến học sinh. Có như vậy thực, tuy nhiên, trong giáo dục thì
phương pháp giáo dục quan trọng hơn thời lượng giáo dục.
Lại có ý kiến cho rằng, do tư tưởng đề cao cái tôi và băng nhóm sở thích
trong học sinh. Nhưng tôn trọng cái tôi và khuyến khích phát triển năng
lực cá nhân phải chăng là phương pháp giáo dục hiện đại?
Sở thích thuộc lĩnh vực tinh thần, thiên về cảm xúc, bản năng, gần với
di truyền, không phải giáo dục mà có được. Sở thích khác với đức hạnh.
Đức hạnh không do di truyền mà do giáo dục, rèn luyện. Bản chất của
sở thích cũng như chân lý là không cực đoan, nhưng kết quả giáo dục
thì có thể đi đến nhiều đỉnh điểm cực đoan. Nếu băng nhóm sở thích
dẫn đến đánh nhau, không nên tìm nguyên nhân trong sở thích mà cần
tìm trong phương pháp giáo dục.
Với học sinh, giáo dục trực quan là quan trọng bậc nhất. Nếu trường
học đã chan chứa tình nhân ái (trung tâm là thầy cô mẫu mực đức
hạnh), xã hội đã tràn đầy sự tôn trọng con người (trung tâm là quan
chức tuyệt đối tuân thủ pháp luật) mà học sinh còn hay đánh nhau thì
phải tìm nguyên nhân ở bản thân những học sinh ấy. Nếu ngược lại, thì
cần lắng nghe để tìm kiếm nguyên nhân ở phạm vi rộng hơn.
Những vụ học sinh đánh nhau, xem xét từ hình thức đến tính chất, cả
những lời tuyên bố đi kèm đều thấy thấp thoáng hành vi của người lớn,
phản chiếu hành vi của người lớn. Tất cả đã được người lớn thể hiện
trước đó, bằng cách này hay cách khác. Chưa thấy vụ nào khác lạ chỉ
do học sinh và của học sinh.
Bình tĩnh hơn nữa còn thấy, người lớn từng lấy số đông đả phá không
thương tiếc những điều số đông không thích (hoặc thích mà không dám
nói ra): Một thời chúng ta đả phá tóc dài, son phấn trang điểm, áo quần
màu sắc tươi vui, bài hát mượt mà và nói chung là những hành vi không
gây hại cho ai nhưng không thuận mắt, vừa tai với số đông. Bây giờ thì
khác.


Một xã hội giàu đẹp không phải qua các chỉ số kinh tế, mà qua sự nâng
niu trẻ em, tôn trọng con người. Ở đó, đạo đức không ở lời nói mà ở
hành động, sự tôn trọng con người không nằm trong các bộ luật mà
trong việc thực hiện các bộ luật ấy trong cuộc sống. Chữa căn bệnh bạo
lực học đường cũng như bạo lực nói chung, không thể dùng bạo lực.
Quyền lực và tiền bạc không chữa được căn bệnh này, phương thuốc
đặc hiệu là sự chân thành lắng nghe và điều chỉnh. Sự thay đổi chỉ xảy
ra khi có sự thức tỉnh cộng đồng.
Để đem lại sự khoan dung trong tâm hồn học sinh, trước hết nhà
trường, gia đình và xã hội phải khoan dung. Bất cứ hành vi nào của
người lớn gây đau khổ cho mình hay cho người khác, hiện tại và mai
sau, đều có tác dụng xấu với học sinh. Những lời khuyên giá rẻ đều
không đạt yêu cầu. Quan trọng là hành động, mục đích của giáo dục là
tạo ra hành động và hiệu quả nhất với trẻ em là sự làm gương của người
lớn.

×