Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Phân tích giá trị nhân đạo của Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (96.58 KB, 5 trang )


Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài (1920), quê ở làng Phù Lưu, tỉnh Bắc
Ninh. Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, sau khi học hết bậc tiểu học ông phải nghỉ học
để đi làm thuê. Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Hầu hết tác phẩm của ông
đều mang ko khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả
của những con người bị cái nghèo đeo đuổi. Đồng thời qua đó các tác phẩm còn thể hiện
vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân trước CM_nghèo khổ, cực nhọc nhân vẫn
khao khát yêu đời, tiêu biểu là các tác phẩm như: Đứa con người vợ lẽ, Con chó xấu xí,
Nên vợ nên chồng… Qua các tác phẩm, Kim Lân đã thể hiện mình là cây bút vững vàng,
ông đã viết về cuôc sống và con người nông thôn bằng những tình cảm, tâm hồn của một
người vốn là con đẻ của đồng ruộng. Hay như nhà văn Nguyên Hồng đã từng nhận xét
rằng: Ông là nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của
cuộc sống nông thôn.
Và vốn dĩ là thế, từ xưa đến nay nông thôn luôn là đề tài quen thuộc của mọi tác
gia dù ta có phân loại nó theo phương diện nào cũng thể bỏ qua đc nó. Với đề tài ấy,
nhiều nhà thơ, nhà văn đã trở nên nổi tiếng và nhiều tác phẩm có giá trị ra đời. Chẳng hạn
như trước CMT8 có “Tắt đèn của Ngô Tất Tố”, “Chí Phèo của Nam Cao”… Trong số đó
có “Vợ nhặt của Kim Lân” đã làm xôn xao ko ít trái tim triệu con người. Tác phẩm đc
ông viết dựa trên bản thảo cũ có tên “Xóm ngụ cư” đã bị thất lạc trước đó. Sau năm 1954,
Kim Lân đã dựa trên cốt truyện cũ và viết lại rồi đổi tên thành “Vợ nhặt” và in trog tập
“con chó xấu xí”.
“Vợ nhặt” ca ngợi tình cảm yêu thương, sự cưu mang, đùm bọc và niềm tin vào
tương lai của những con người khốn khổ giữa lúc nạn đói hoành hành. Qua đó truyện còn
tố cáo tội ác dã man của xã hội thời Pháp-Nhật đã đẩy dân ta vào nạn đói khủng khiếp
1945.Truyện kể về anh Tràng, một thanh niên nghèo khổ, xấu xí, làm nghề kéo xe bò
thuê để kiếm sống. Anh ở với người mẹ già nơi xóm ngụ cư. Giữa nạn đói khủng khiếp
năm 1945, Tràng đã đưa người “vợ nhặt” được ở chợ về nhà. Đó là người phụ nữ nghèo
bị cái đói hành hạ nên săn sàng chấp nhận theo anh chỉ vì anh đã đãi thị ăn một bữa bánh
đúc. Ngày Tràng đưa thị về làm cả xóm ngạc nhiên, mẹ Tràng-bà cụ Tứ cũng ngạc nhiên.
Nhưng với tình mẫu tử và lòng nhân đạo cao cả bà đã chấp nhận cô con dâu mới trong
tâm trạng vừa buồn tủi, vừa xót thương. Sáng hôm sau, bà cụ cùng nàng dâu mới dậy thật


sớm để dọn dẹp nhà cửa, vườn tược. Trong bữa ăn thảm hại của ngày đói, bà cụ chỉ toàn
nói đến những chuyện vui để động viên cho con và nàng dâu về những gì tốt đẹp ở tương
lai. Kết thúc câu chuyện là việc cô vợ Tràng đã kể cho anh nghe về việc Việt Minh phá
kho thóc để chia cho dân nghèo, và trong tâm trí Tràng giờ đây hiện lên hình ảnh lá cờ đỏ
sao vàng bay phấp phới.
Đọc “Vợ nhặt của Kim Lân ta lại nhớ đến “Một đám cưới nghèo” của Nam Cao
với những bóng đen lầm lũi đi trong màn sương chiều chập choạng. Và đến với Kim Lân
cũng thế, ông đã thổi vào tác phẩm thứ ánh sáng nhập nhoạng, mù mờ của một buổi tối
chiều “chạng vạng”. Và thấp thoáng trong thứ ánh sáng đó là hình ảnh “những gia đình từ
Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những
bóng ma”, họ “nằm ngổn ngang khắp chợ, người chết như rạ. Sáng nào người trong làng
đi chợ, đi làm đồng cũng gặp bốn năm cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí
vẫn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Tất cả là tượng trưng cho
một cuộc sống đang mấp mé bên bờ vực thẳm giữa sự sống và cái chết. Những yếu tố mở
đầu cho tác phẩm đã gợi lên một không khí nặng nề, phản ánh cuộc sống khó khăn, cơ
cực, phải ăn bobo thay gạo, phải lấy lá thay chăn của những con người nông dân nghèo
khổ vào nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Trong khung cảnh đó, nhân vật Tràng hiện lên như một con người hoang sơ, ngật
ngưỡng bước đi trong ánh chiều tàn của một cuộc sống không ra sống, chết không ra
chết. Tràng được Kim Lân miêu tả với ngoại hình vô cùng thô kệch và xấu xí như: “ hai
mắt nhỏ tí, hai quai hàm bạnh ra, cái đầu trọc nhẵn chúi về phía trước, cái áo nâu tàng vắt
sang một bên cánh tay ”, thân hình thì “vập vạp” cùng với kiểu cười “hềnh hệch”, “cái
đầu trọc nhẵn chúi về phía trước, cái lưng to như lưng gấu”…đó là hình dáng của Tràng
nói riêng hay của tất cả những con người nghèo đói nơi đây.Vả lại, lại là dân ngụ cư nên
thân phận Tràng lại càng trở nên bị coi khinh, ruồng bỏ. Và bằng chính nghệ thuật sáng
tạo độc đáo của mình, Kim Lân đã gây ra cho người đọc những bất ngờ ở đầu câu truyện:
“Giữa cái cảnh đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một
người đàn bà nữa”. Một người đàn bà ko rõ lai lịch đã bước vào cuộc đời hắn.
Tràng có vợ. Người như Tràng mà lại có được vợ. Cái “kẻ” mang bộ dạng như con
gấu, xấu xí, thô kệch, nghèo khổ, và đang sống trong một xã hội đang bị đẩy sát tới cái

ranh giới phân chia của tồn tại và không tồn tại thế kia mà lại “nhặt” được “thứ” vốn
tượng trưng cho hạnh phúc, cho những con người ăn nên làm ra. Tràng dẫn thị về, sự tò
mò, xoi mói cứ lan dần theo từng bước chân của hắn và người đàn bà lạ mặt ấy trên con
đường mòn xao xác. Mọi người cứ xì xầm, bàn tán “Ai đấy nhỉ? Hay người nhà bà cụ Tứ
mới lên? Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu?”.
Mặc cho những lời xầm xì bàn tán, Tràng vẫn lầm lũi bước dưới gôc gại sù sì, nơi
có “bóng những người đói đi lặng lẽ như những bóng ma thay cho khách” và tiếng quạ
thét gào thê thiết như thay cho pháo cưới. Câu chuyện chìm trong nặng nề và sợ hãi với
đầy vẫy những cảnh u tối, “Cái đói đã tràn vào xóm tự lúc nào”, chết chóc đã gieo đầy
khắp nơi, ấy vậy mà Tràng lại có vợ trong khi anh không biết cuộc đời phía trước của
mình rồi sẽ ra sao. Tràng đã thật liều lĩnh. Và ngay cả thị cũng thế. Hai cái liều ấy gặp
nhau, kết tụ thành một gia đình, bỡi lẽ Tràng cũng như bao chàng thanh niên khác vậy,
anh cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, có một người vợ để được yêu thương.
Và có lẽ đó cũng là do sự rung động của trái tim hắn vậy, bởi trong lần gặp thị lần thứ
nhất, hắn đã hết sức thích thú khi thị đùa vui với hắn vì từ trước giờ “có ai cười tình với
hắn như thị đâu”. Và hai thân phận bọt bèo ấy đã dạt đến với nhau qua những lời yêu đại
loại như: “Rích bố cu, hở”, “Làm đếch gì có vợ”. “Làm đếch gì có vợ”, lời nói hắn lúc
bấy giờ thô lỗ, sỗ sàng làm sao ấy nhưng sâu trong nó là ẩn chứa sự chua chát của cuộc
đời, là ước mơ thầm kín nhen nhóm trong lòng hắn. Chỉ nhờ bốn bát bánh đúc mà Tràng
có được vợ, chỉ vì bốn bát bánh đúc mà thị chấp nhận theo Tràng về. Có xót xa không,
khi cái đói tuy mang nhiều đau khổ nhưng cũng có thể se duyên cho hai tâm hồn nghèo
khó.
Và khi nhặt thị về, hắn đã nghĩ: “Thóc gạo này đến cái thân mình không biết có
nuôi nổi không lại còn đèo bồng”, nhưng rồi hắn tặc lưỡi: “Chậc kệ”. Một quyết định hết
sức tầm thường đối với việc lớn của cả đời hắn: hắn có vợ. Nhưng ta cũng có thể hiểu
rằng, cái tặc lưỡi đó là đồng nghĩa với việc Tràng đã chấp nhận đánh với cuộc đời, với cái
nghèo đói để sống một cuộc sống “đầy đủ” như mọi người. Đó chính là khát vọng và
cũng là hạnh phúc của chàng trai nghèo, thô kệch tìm được trong thời buổi bấy giờ. Bởi
khi thị chấp nhận theo hắn về, trong lòng hắn đã bật lên một niềm hạnh phúc lớn lao, và
trong lòng hắn giờ đây đang ngầm chứa một niềm ao ước về hạnh phúc gia đình thực sự:

“Trong lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên. Một cái gì
mới mẻ lạ lắm, chưa từng có ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da
thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Và đối với Tràng, chuyện hắn
có được vợ cứ như là giấc mơ vậy: “thậm chí đến sáng hôm sau, khi có vợ rồi mà hắn cứ
ngỡ mình đang nằm mơ”.
Hành động của Tràng dù vô tình, không chủ đích, hay chỉ là tầm phơ tầm phào
nhưng điều ấy lại cho ta thấy được tình cảm của một con người biết yêu thương, cưu
mang, đùm bọc cho những người đồng cảnh ngộ. Đồng thời nó còn bộc lộ nỗi niềm khao
khát về hạnh phúc gia đình trong lòng hắn, đó là những ước mơ thật bình dị và tốt đẹp
làm sao.Tràng có vợ, với hắn có vợ là chuyện nghiêm túc. Hắn không hề xem thị là cô
“vợ nhặt” ở đầu đường xó chợ. Bởi sau khi thị đồng ý theo hắn về: “hắn đưa thị vào chợ
mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt”. Hắn đã thực sự trưởng thành, hắn đã biết
lo cho cuộc sống của vợ hắn một cách chu đáo theo khả năng của hắn. Mặt khác, sau khi
mua đồ cho thị, hắn còn dẫn thị “ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê” rồi mới về ra mắt
mẹ. Món đồ, bữa ăn cứ như quà cưới, tiệc cưới của người thanh niên nghèo và cô
“vợ nhặt” trong hoàn cảnh cái đói, cái chết bao phủ cả xóm làng.
Điều đó, đã làm ta nhận thấy dường như không có sự cách biệt giữa Kim Lân và
người nông dân, ông đã hiểu, đã miêu tả người nông dân nghèo đói bằng những gì chân
thật nhất, ngay cả trong những tình tiết có vẻ như rất buồn cười nhưng sâu bên trong nó là
những nỗi buồn và niềm thương cảm cho số kiếp của họ. Những trang viết về những con
người “dưới đáy” như thế này không làm ta khinh ghét mà lại càng làm ta xót thương
cho họ. Họ đã không được gọi là người khi chính xã hội đang từ bỏ họ. Ở đây, Kim Lân
đã không nói đến những nét thấp kém của con người bộc lộ qua nhân hình và nhân cách.
Mà ngược lại, với việc đặt họ vào một khoảng sống mờ tối, lắt lay, ông đã tìm ra cho họ
một cơ hội sống để biểu hiện nỗi bất diệt của niềm khao khát thèm sống, thèm những gì
tươi sáng hơn vào tương lai. Niềm ao ước có hạnh phúc đó nó cứ âm thầm vươn lên từ
đói khát, tối tăm và chính vì thế mà nó đã trở nên cảm động và đáng quí biết bao. Và việc
Tràng đã sẵn sàng hào phóng “mua hai hào dầu thắp đèn” đã thể hiện niềm ước mơ đó.
Ước mơ thoát khỏi cái đói, thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn, bế tắc trong xã hội bấy giờ.
Đồng thơi việc Tràng mua dầu còn thể hiện sự trân trọng của anh giành cho người vợ của

mình. Anh không hề xem thị là người “vợ nhặt”, dù nghèo khổ nhưng anh vẫn muốn tạo
cho thị một không khí trang trọng trong “ngày cưới”. Và với ánh sáng yếu ớt của ngọn
đèn dầu ấy, tất cả mọi tối tăm của đói nghèo dường như đang dần tan biến đi trong căn
nhà này mà thay vào đó niềm tin vào tương lại, vào cuộc sống.
Và bên cạnh đó, cũng chính tình cảm gia đình ấy đã làm cho hắn thay đổi. Từ anh
thanh niên ngô nghê, thô kệch hắn đã trở thành một người chồng đúng mực khi có vợ.
Tình yêu, hạnh phúc khiến “trong một lúc Tràng quên đi tất cả, quên cả đói rét đang đeo
đuổi, quên cả những thàng ngày qua”. Hắn trở dậy, hắn thay đổi. Và những thay đổi ấy
không có gì khác ngoài tâm hồn đôn hậu, chất phác và giàu tình yêu thương. Trong con
người hắn trở dậy để chào đón hạnh phúc thật khác lạ. Hắn không còn là hắn của ngày
trước nữa mà giờ đây đã là một người con có hiếu với mẹ, một người chồng đầy trách
nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ. Thấy mẹ hắn cùng thị quét tước cửa nhà “Bỗng nhiên hắn thấy
yêu thương và gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng
vợ sinh con đẻ cái ở đấy”, hắn thấy “mình đã nên người”, thấy mình “có bổn phận lo lắng
cho vợ con sau này”. Hắn cũng muốn cùng mẹ và vợ tham gia dọn dẹp nhà cửa cho
quang quẻ để cuộc sống sau này có cơ khấm khá hơn.
Hành động, cử chỉ ấy của Tràng đâu chỉ là câu chuyện bình thường mà đó những
chuyển biến lớn trong tính cách và cuộc đời hắn. Chính tình yêu của vợ, tình mẹ con hòa
thuận ấy đã nhen nhóm trong hắn ước vọng về hạnh phúc. Và niềm tin vào cuộc sống sẽ
thay đổi khi hắn nghe thị kể và nghĩ đến đám người trên Thái Nguyên, Bắc Giang cướp
kho thóc chia cho dân nghèo và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Rồi số phận,
cuộc đời của hắn, mẹ hắn và vợ hắn sẽ thay đổi. Hắn tin thế.
“Vợ nhặt” là một tác phẩm thành công trong nghệ thuật dựng truyện. Ngoài ra, với
cách kể chuyện độc đáo, Kim Lân đã lôi cuốn người đọc bởi giọng kể hón hỉnh, mọc mạc
nhưng vẫn tạo được nét riêng cho chính mình. Tất cả các nhân vật đã được ông khắc họa
rõ nét trong từng chi tiết diễn biến tâm lí, từ anh Tràng đến bà cụ Tứ, đến thị và cả những
người chung quanh. Nó đã thể hiện một cách tự nhiên, chân thật những thứ vốn có trong
cuộc sống hàng ngày và tâm lí nhân vật cũng được miêu tả rất tinh tế. Với cách chọn lọc
những từ ngữ, Kim Lân còn làm cho “Vợ nhặt” thêm gần gũi và sinh động hơn với những
ngôn từ dân giã và đậm đà bản sắc riêng. Với tình tiết truyện độc đáo, hình ảnh lá cờ vừa

mang ý nghĩa tượng trưng vừa nâng cao giá trị tư tưởng cho tác phẩm.
Với vốn liếng ngôn ngữ giàu có và đặc sắc, mang đậm tính chất nông thôn và lối
viết văn vô cùng giản dị mà vẫn phản ánh được chất hào hoa Kinh Bắc, Kim Lân đã làm
cho “Vợ nhặt” trở thành một tuyệt tác. Những tâm trạng kín đáo nhất cũng phải hiện lên
qua ngòi bút của ông như: tiếng gắt vô duyên vô cớ, tiếng ho khẽ bình thường, những
bước chân vội vã, hay thái độ cố tỏ vẻ điềm nhiên khi ngậm miếng cám tan trong đầu
lưỡi…Nhưng ở đây, cái đọng lại cuối cùng vẫn là cái nhìn đời đầy thương xót của nhà
văn vào nạn đói năm 1945 và đan xen vào đó là niềm tin vào cuộc sống mà ông muốn gởi
đến cho những con người lúc bấy giờ. Dù cuộc sống có bi thảm đến đâu đi chăng nữa thì
chính cái cội nguồn nhân bãn lưu giữ cho nhân dân là bất diệt, và khát khao chính đáng
của con người chính là khát khao được sống, được hưởng hạnh phúc gia đình, được sống
ấm no đầy đủ. Chính những khao khát đơn giản đó, chính những niềm tin mãnh liệt vào
tương lai ấy nên chỉ sau một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã
làm nên thắng lợi vẻ vang: Cách mạng tháng Tám thành công. Và cũng chính Kim Lân
đã đưa người đọc quay về thời kì đen tối của xã hội 1945 để họ đồng cảm, xúc động cho
những con người bất hạnh thời bấy giờ. “Vợ nhặt” xứng đáng là một thiên truyện ngắn
hay của nền văn học Việt Nam hiện đại./.

×