Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Cho vay hỗ trợ lãi suất tại các ngân hàng thương mại việt nam trong thời gian vừa qua

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (611.28 KB, 15 trang )


MỤC LỤC

I/ GIỚI THIỆU VỀ CHÍNH SÁCH CHO VAY HỖ TRỢ LÃI SUẤT
II/ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÃI SUẤT TẠI CÁC
NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
III/ PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH
IV/ KẾT LUẬN
I/ GIỚI THIỆU VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ lÃI SUẤT:
Trong năm 2009, Chính phủ đã thực hiện gói kích thích kinh tế có quy mô tổng thể
khoảng gần 8 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp chống chọi lại cuộc
khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Gói kích thích kinh tế bao gồm các chính sách như
bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), giãn và miễn giảm thuế thu nhập
doanh nghiệp và VAT, hỗ trợ 4% lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn, và nhiều chính
sách khác.
Trong số các loại hình hỗ trợ thì hỗ trợ lãi suất chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng.
Mặc dù quy mô ngân sách để thực hiện chính sách này chỉ giới hạn trong khoảng 1 tỉ
USD (17.000 tỉ VND), nhưng ảnh hưởng của nó rất đáng kể do hiệu ứng đòn bẩy lớn. Bản
chất của chính sách này là giúp các doanh nghiệp là đối tượng của chính sách được tiếp cận
vốn với chi phí thấp hơn, đồng thời khuyến khích các ngân hàng cho vay. Do đó, có thể nói
đây là cách hỗ trợ vốn một cách gián tiếp cho nền kinh tế. Nếu giả định toàn bộ số vốn hỗ
trợ lãi suất được giải ngân, thì tổng lượng vốn hỗ trợ sẽ lên tới 425.000 tỉ đồng (25 tỉ USD),
tương đương 25% GDP năm 2008, và 70% tổng tích lũy tài sản của toàn bộ nền kinh tế
trong năm 2009.
1. BỐI CẢNH RA ĐỜI CHÍNH SÁCH CHO VAY HỖ TRỢ LÃI SUẤT:
Bối cảnh kinh tế của những tháng đầu năm 2009 là tình hình suy giảm kinh tế nghiêm
trọng ở trong nước do ảnh hưởng của những khó khăn tích tụ trong nội bộ nền kinh tế từ giai
đoạn 2007-2008, cộng với những ảnh hưởng tiêu cực bị khuyếch đại do cuộc khủng hoảng
kinh tế thế giới. Trên thực tế, những khó khăn trong đầu năm 2009 là sự tiếp diễn của sự suy
giảm kinh tế đã rõ nét từ đầu Quý IV năm 2008.
Những khó khăn chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam lúc này là sự suy giảm các thành


phần của tổng cầu, đặc biệt là xuất khẩu ròng và đầu tư. Thành phần tiêu dùng cá nhân có
thể cũng suy giảm mạnh do tâm lí bi quan và phòng bị, dẫn tới thắt chặt chi tiêu. Thêm vào
đó, việc lo ngại các dòng vốn vào trong nước sẽ chững lại khiến nguồn cung ngoại hối giảm
mạnh là nguyên nhân dẫn tới kỳ vọng đồng tiền Việt sẽ mất giá. Sự sụt giảm mạnh các chỉ
số chứng khoán cộng với nỗi lo sợ về rủi ro khiến các ngân hàng thương mại có xu hướng
hạn chế cho vay, làm cho chi phí vốn của nền kinh tế tăng cao. Các doanh nghiệp hạn chế
đầu tư, thậm chí thu hẹp quy mô sản xuất để hạn chế thua lỗ.
Để đối phó với việc tổng cầu suy giảm, chính sách phù hợp là kích thích kinh tế thông
qua mở rộng đồng thời chính sách tài khóa và tiền tệ. Việc nới lỏng tài khóa sẽ được thực
hiện thông qua hàng loạt các biện pháp như giảm thuế và tăng chi tiêu. Trong khi đó, chính
sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất cơ bản vấp phải một khó khăn cơ bản. Đó là việc
giảm lãi suất đồng loạt, trong đó có lãi suất tiền gửi, có thể khiến đồng tiền Việt bị mất giá
mạnh hơn nữa so với đồng USD. Có thể đồng thời giảm lãi suất đồng USD, như Chính phủ
sẽ cố gắng làm sau này, nhưng ngay cả khi lãi suất đồng USD tiến tới zero, thì việc giá trị
của USD tăng lên so với VND vẫn khiến việc nắm giữ USD trở nên hấp dẫn hơn khi lãi suất
VND không đủ cao. Việt Nam là một nước có mức độ đôla hóa cao, vì vậy, việc giảm lãi
suất để kích thích kinh tế có thể gây những hậu quả tai hại cho đồng nội tệ.
Đây là lí do chính để thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất. Một mặt, việc hỗ trợ lãi suất
giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn, và hệ thống ngân hàng
cũng sẵn sàng tăng tín dụng cho nền kinh tế. Chi phí vốn của nền kinh tế vì thế sẽ giảm
xuống. Mặt khác, lãi suất huy động vẫn được giữ ở mức cao tương đối, giúp cho tiền gửi
không bị rút khỏi hệ thống ngân hàng và tránh sự mất giá nhanh chóng của VND.
Tóm lại, việc kích thích một thành phần của tổng cầu là đầu tư của doanh nghiệp có
thể đạt được kết quả lớn, trong khi Chính phủ chỉ cần sử dụng một ngân sách tương đối hạn
chế làm đòn bẩy. Thêm vào đó, không cần mở rộng tiền tệ tới mức làm suy yếu quá mức
VND. Kết quả là chính sách hỗ trợ lãi suất đã ra đời như một công cụ phối kết hợp giữa
chính sách tài khóa và tiền tệ.
2. NỘI DUNG CỦA CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÃI SUẤT:
Ngày 23/01/2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 131/QĐ/TTg quy định việc
thực hiện gói hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 08

tháng kể từ ngày giải ngân, áp dụng trong năm 2009 đối với các khoản vay theo hợp đồng tín
dụng được kí kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 2 đến 31 tháng 12
năm 2009. Các khoản vay có thời hạn vay vượt quá năm 2009, thì chỉ được hỗ trợ lãi suất
trong năm 2009. Ngoài ra, các khoản vay quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ vay thì không
được tính hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian quá hạn trả nợ và gia hạn nợ vay. Mức lãi
suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay thực
tế nằm trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 2 đến 31 tháng 12 năm 2009.
Tiếp đó, ngày 04/04/2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 443/QĐ/TTg quy định
việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các tổ chức, cá
nhân thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất - kinh doanh, kết cấu hạ tầng. Thời gian vay
được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện từ ngày
01/04/2009 đến hết ngày 31/12/2011. Mức hỗ trợ lãi suất tiền vay là 4%/năm, tính trên số
tiền vay và thời hạn cho vay thực tế.
Như vậy, đến thời điểm này, gói hỗ trợ lãi suất đã hình thành đầy đủ. Quy mô hỗ trợ
từ Ngân sách dự tính khoảng 17.000 tỉ đồng (1 tỉ USD). Với hạn mức hỗ trợ như vậy, tổng
dư nợ vốn vay hỗ trợ lãi suất có thể lên tới hơn 400.000 tỉ đồng.
Thứ tự ưu tiên cho các dự án được vay hỗ trợ lãi suất như sau: 50% dành cho phát triển cơ
sở hạ tầng; 25% cho nông nghiệp và nông thôn; 5% cho phát triển nhà ở và xã hội; 20% cho
các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vào cuối năm 2009, khi gói hỗ trợ lãi suất nêu trên chuẩn bị hết hiệu lực, thì Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2072/QĐ-TTg (ngày 12/12/2009) quy định việc thực
hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư mới
phát triển sản xuất - kinh doanh. Chính sách hỗ trợ lãi suất được áp dụng theo cơ chế đã quy
định tại Quyết định 443/QĐ-TTg ngày 04/04/2009. Thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 24
tháng, kể từ khi giải ngân khoản vay trong năm 2010.
2.1 Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Các tổ chức tín dụng cho vay vốn đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp
luật thực hiện việc hỗ trợ lãi suất, bao gồm: Ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng
thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại
Việt Nam, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và Quỹ Tín dụng nhân dân trung ương (dưới

đây gọi chung là ngân hàng thương mại).
Tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng được hỗ trợ lãi suất là khách hàng vay để thực
hiện các phương án sản xuất.
Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài
hạn (thời hạn cho vay hỗ trợ đên 24 tháng) bằng đồng Việt Nam theo các hợp đồng tín dụng
được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian 31 tháng 12 năm 2011, bao gồm:
a) Các khoản cho vay mà khách hàng vay sử dụng để làm vốn lưu động cho hoạt
động sản xuất - kinh doanh được thống kê theo phân ngành kinh tế quy định tại
Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam và các tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 477/2004/QĐ-NHNN ngày
28 tháng 4 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
b) Các khoản cho vay mà khách hàng vay sử dụng để làm vốn lưu động cho các hoạt
động sản xuất - kinh doanh: Xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp theo quy
định của pháp luật hiện hành; các lĩnh vực xã hội hoá theo quy định tại Nghị định
số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến
khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn
hoá, thể thao, môi trường.
2.2 Nguyên tắc, thời hạn, mức lãi suất và phương thức hỗ trợ lãi suất:
a) Nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là các ngân hàng thương mại cho vay các nhu cầu vốn lưu
động để hoạt động sản xuất - kinh doanh theo cơ chế tín dụng thông thường và thực
hiện hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này;
không được từ chối hỗ trợ lãi suất, nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi
suất; định kỳ báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kiểm tra, giám sát tình hình
hỗ trợ lãi suất.
b) Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là là 24 tháng, áp dụng đối với từng khoản
vay trong hạn, được tính từ ngày giải ngân đến 31/12/2011.
Không được tính hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian khoản vay bị quá hạn trả nợ,
gia hạn nợ và khoảng thời hạn vay thực tế vượt quá 24 tháng.
c) Phương thức thực hiện hỗ trợ lãi suất là đến kỳ hạn thu lãi tiền vay, các ngân hàng
thương mại giảm trừ ngay số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số lãi tiền

vay được hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển số lãi tiền vay đã hỗ
trợ lãi suất trên cơ sở báo cáo số tiền hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại.
d) Về mức lãi suất hỗ trợ khách hàng vay:
 Đối với những khoản vay có lãi suất cho vay đang thực hiện lớn hơn 4%/năm, áp
dụng mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số dư nợ vay và
thời hạn cho vay thực tế.
 Đối với những khoản vay có lãi suất cho vay đang thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng
4%/năm, thì mức lãi suất hỗ trợ là toàn bộ lãi suất tiền vay tính trên số dư nợ vay và
thời hạn cho vay thực tế (lãi suất cho vay là 0%/năm).
2.3 Quy trình và trách nhiệm của khách hàng vay, ngân hàng thương mại thực hiện hỗ
trợ lãi suất:
* Đối với khách hàng vay có khoản vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất:
a) Khi phát sinh khoản vay lần đầu tại ngân hàng thương mại nơi cho vay trong khoảng
thời gian từ ngày 01 tháng 02 đến 31 tháng 12 năm 2009, khách hàng vay gửi giấy đề
nghị hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng thương mại đó theo mẫu.
b) Sử dụng vốn vay đúng mục đích thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất đã ghi trong hợp đồng
tín dụng. Nếu sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo đối tượng hỗ trợ lãi suất, thì
không được hỗ trợ lãi suất và phải hoàn trả cho ngân hàng thương mại số lãi tiền vay
được hỗ trợ trước đó và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Yêu cầu ngân hàng thương mại nơi cho vay thực hiện hỗ trợ lãi suất theo
đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam.
d) Hạch toán khoản chi trả lãi tiền vay theo đúng số tiền lãi phải trả cho ngân hàng
thương mại sau khi được hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật hiện hành.
* Đối với ngân hàng thương mại:
a) Thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và các quy
định hướng dẫn thực hiện; đảm bảo công khai, rõ ràng số tiền hỗ trợ lãi suất với khách hàng
vay; từ chối các yêu cầu hỗ trợ lãi suất không đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào mục
đích sử dụng vốn vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất để ghi trong hợp đồng tín dụng các nội
dung về hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật.

b) Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) ngân hàng thương mại chịu
trách nhiệm trước pháp luật đối với các trường hợp hỗ trợ lãi suất không đúng quy định của
pháp luật; nếu vi phạm, thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và ngân hàng thương mại bị
xem xét trong việc xếp loại hàng năm, bổ sung tăng vốn điều lệ, cấp giấy phép mở mạng
lưới hoạt động của ngân hàng thương mại.
c) Áp dụng cơ chế và lãi suất cho vay thông thường đối với các nhu cầu vay vốn thuộc
đối tượng hỗ trợ lãi suất phù hợp với quy định tại Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối
với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12
năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan:
 Thực hiện việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo việc hỗ trợ lãi
suất theo đúng quy định của pháp luật. Nếu phát hiện khách hàng vay sử dụng vốn
vay không đúng mục đích thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất, thì thu hồi số lãi tiền vay
được hỗ trợ lãi suất trước đó; trường hợp không thu hồi được, thì báo cáo cơ quan nhà
nước có thẩm quyền để xử lý hoặc khởi kiện việc vi phạm hợp đồng tín dụng của
khách hàng vay.
 Xử lý nhu cầu vay vốn của khách hàng vay theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 15
Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định
số 1627/2001/QĐ-NHNN và văn bản hướng dẫn số 10307/NHNN-CSTT ngày 21
tháng 11 năm 2008 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc báo cáo tình hình
quan hệ tín dụng ngân hàng.
d) Thực hiện việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam
theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02
đến 31 tháng 12 năm 2009. Đối với hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày 01 tháng 02
năm 2009 trong đó có thoả thuận việc giải ngân nhiều lần thông qua các khế ước, giấy nhận
nợ từng lần, thì các khoản cho vay được giải ngân theo khế ước, giấy nhận nợ phát sinh
trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 đến 31 tháng 12 năm 2009 được hỗ trợ lãi suất.
đ) Đến kỳ hạn thu lãi tiền vay của khách hàng, các ngân hàng thương mại thực hiện việc
giảm trừ số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất
theo quy định của pháp luật. Trường hợp đến cuối ngày 31 tháng 12 năm 2009 chưa đến kỳ

hạn thu lãi tiền vay, thì các ngân hàng thương mại phải tính số lãi tiền vay phải trả của
khách hàng và thực hiện việc giảm trừ số lãi tiền vay bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi
suất. Khi giảm trừ số lãi tiền vay cho khách hàng theo quy định, thì ngân hàng thương mại
lập giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất có xác nhận của khách hàng và ngân hàng thương mại nơi
cho vay (ký tên, đóng dấu) để làm căn cứ chứng từ kiểm tra, giám sát.
e) Thực hiện việc tính và thu lãi tiền vay của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất
theo phương pháp tính lãi quy định tại Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN ngày 17 tháng
5 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy định phương pháp
tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng và các
văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan:
- Hạch toán toàn bộ số lãi tiền vay vào thu nhập theo nguyên tắc cơ sở dồn tích và
quy định của chế độ tài chính hiện hành; số lãi tiền vay hỗ trợ lãi suất do Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam chuyển được hạch toán vào tài khoản riêng (tài khoản
“Các khoản phải thu” - Tiểu khoản: Phải thu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về
hỗ trợ lãi suất năm 2009).
- Có bảng kê (hoặc cơ sở dữ liệu) theo dõi chi tiết các khoản cho vay được hỗ trợ
lãi suất (khách hàng vay, số tiền vay, thời hạn và lãi suất cho vay, số tiền hỗ trợ lãi
suất ) để gửi cho khách hàng vay, phục vụ cho việc theo dõi, thống kê và kiểm
toán nội bộ, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và kiểm tra, giám sát của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền.
g) Gửi giấy đăng ký kế hoạch và báo cáo số tiền hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam theo các mẫu đúng quy định:
- Giấy đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất hàng quý, gửi chậm nhất là ngày 10 của
tháng đầu quý; giấy đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất tháng 2 và 3 năm 2009 gửi
chậm nhất là ngày 10 tháng 02 năm 2009.
- Báo cáo tình hình thực hiện hỗ trợ lãi suất hàng tháng, gửi chậm nhất là ngày 10
của tháng liền kế với tháng báo cáo, đảm bảo chính xác và đúng thời hạn.
h) Theo dõi, thống kê kịp thời, chính xác các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất để phục
vụ cho việc kiểm toán nội bộ, báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và kiểm tra, giám
sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mở các tài khoản hoặc áp dụng hệ thống quản lý

thích hợp để hạch toán, thống kê riêng các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất.
i) Lưu giữ hồ sơ các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Điều 55 Luật
Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

II/ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÃI SUẤT TẠI CÁC NGÂN
HÀNG THƯƠNG MẠI:
Ngay sau hướng dẫn của nhà nước về chương trình hổ trợ lãi suất cho vay theo quyết
định của chính phủ, nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai ngay hoạt động này.
Tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 24/12/2009 đạt 446.952 tỷ đồng; trong đó,
dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại và công ty tài chính là 412.180 tỷ
đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 10.836 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội là
23.936 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại và công ty tài chính
cụ thể như sau: Dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân
Trung ương là 274.884 tỷ đồng, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 108.085 tỷ đồng,
nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước
ngoài là 20.747 tỷ đồng, công ty tài chính là 8.463 tỷ đồng; Dư nợ cho vay đối với doanh
nghiệp nhà nước là 59.379 tỷ đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 287.971 tỷ đồng, hộ sản
xuất là 64.828 tỷ đồng.

2.1 Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB):
Ngày 5/2/2009, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã công bố triển khai chương trình “Cho vay
kích cầu” với tổng giá trị 35.000 tỷ đồng dành cho đối tượng là các tổ chức, cá nhân vay vốn
lưu động để sản xuất kinh doanh trong năm 2009 với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các
doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đó, với mức lãi suất hỗ trợ 4%, sau khi được hỗ trợ, mức lãi suất cho sản phẩm cho
vay tài trợ xuất khẩu bằng VND tại ACB chỉ còn khoảng 2%/năm, cho sản phẩm vay sản
xuất kinh doanh trong nước chỉ còn dao động từ 5,0%/năm đến 5,5%/năm. Đại diện ACB
cho rằng, đây là mức lãi suất rất "tuyệt vời" cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp được sử dụng nguồn vốn rất rẻ từ trước đến nay, việc này cũng hỗ trợ mạnh
mẽ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh (tỷ suất sinh lời thấp) mạnh dạn sử

dụng vốn vay ngân hàng để phát triển hoạt động kinh doanh.
2.2 Tại Ngân hàng BIDV:
BIDV quy định thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 8 tháng, áp dụng trong năm
2009. Đối với hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày 1/2 trong đó có thỏa thuận việc giải
ngân nhiều lần thì các khoản cho vay được giải ngân từ 1/2 đến 31/12 được hỗ trợ lãi suất.
Mức lãi suất hỗ trợ là 4%/năm và lãi suất được giữ cố định trong suốt thời gian vay vốn.
BIDV chỉ thực hiện chi trả hỗ trợ lãi suất nếu khách hàng trả lãi vay đầy đủ khi đến hạn.
Khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất cần gửi giấy đề nghị theo mẫu hướng dẫn
của BIDV sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cơ bản VND còn 7%/năm kể từ ngày
1/2/2009, BIDV đã hạ lãi suất cho vay VND, hiện còn mức tối là 10,5/năm. Lãi suất cho vay
ngắn hạn ưu đãi thời hạn đến 3 tháng là 8%/năm, thông thường là 9%/năm; thời hạn trên 3
tháng: lãi suất 9%-10%/năm.
III/ PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH:
3.1 Cơ sở lý luận của chính sách lãi suất:
Chính sách hỗ trợ lãi suất đã được Chính phủ các nước trên thế giới sử dụng từ lâu. Ở
các nước phát triển, chính sách hỗ trợ lãi suất thường hướng vào những đối tượng cụ thể như
trợ giúp cho sinh viên học tập, nông dân sản xuất nông sản, người dân mua nhà, hay cho các
doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các doanh nghiệp lớn gặp khó
khăn về tài chính. Chẳng hạn trong giai đoạn 1980-1987 Mỹ đã dành ra 1.200 tỉ USD cho
các chương trình trợ cấp tín dụng; Cộng đồng chung Châu Âu dành 12,7 tỉ Euro trong giai
đoạn 1995-1999 để hỗ trợ 55.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (Patacchini và Rapisarda, 2003).
Với các nước đang phát triển, chính sách hỗ trợ lãi suất còn được áp dụng để khuyến
khích đầu tư và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Các hoạt động đầu tư vào một số ngành
trọng điểm sẽ được ưu đãi tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng.
Mối quan hệ giữa lãi suất với tổng cầu là điểm mấu chốt để sử dụng lãi suất trong
việc quản lý kinh tế. Trong cấu phần của tổng cầu có hai yếu tố sẽ chịu tác động trực tiếp
của việc thay đổi lãi suất là tiêu dùng và đầu tư. Trong đó, tiêu dùng sẽ giảm xuống khi lãi
suất tăng lên là do giá cả của việc vay mượn cho nhu cầu tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn. Đối
với đầu tư, chi phí vay mượn tăng làm cho khả năng sinh lời của các khoản đầu tư trở nên
thấp hơn. Vì thế mà việc tăng lãi suất cũng sẽ làm giảm mức độ đầu tư, tuy nhiên, mức độ

đầu tư giảm còn phụ thuộc vào sự co dãn của cầu đầu tư so với lãi suất. Ngược lại, khi lãi
suất giảm xuống thì hành vi của người tiêu dùng và nhà đầu tư thay đổi theo hướng ngược
lại. Sự thay đổi đó được thể hiện bằng sự dịch chuyển của đường tổng cầu (xem Biểu đồ 1).
Biểu 1: Ảnh hưởng lãi suất đến tổng cầu

3.2 Ảnh hưởng của chính sách lãi suất đối với nền kinh tế:
3.2.1 Tác dụng tích cực:
- Hỗ trợ lãi suất ngắn hạn giúp doanh nghiệp tăng vốn lưu động, nhờ đó duy trì
được hoạt động sản xuất, thu hút thêm lao động và nhanh chóng góp phần ổn định
tình hình kinh tế xã hội.
3.2.2 Tác dụng tiêu cực:
Hỗ trợ lãi suất khiến các doanh nghiệp đầu tư vào các loại tài sản đầu cơ nhiều
hơn.
- Thứ nhất, bên cạnh những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự vay vốn hỗ trợ lãi
suất để chống đỡ với tình hình kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp có điều
kiện tiếp cận khoản vốn này lại không có nhu cầu thực sự vì bản thân họ đã có đủ
lượng vốn cần thiết. Trong trường hợp sau, nếu doanh nghiệp muốn huy động vốn
cho một hoạt động phi sản xuất, họ có thể sử dụng vốn hỗ trợ lãi suất để kinh
doanh (và do đó bảo đảm các tiêu chí hợp lệ khi thực hiện khoản vay), đồng thời
chuyển phần vốn tự có của mình vào mục đích đầu cơ tài sản ngắn hạn. Hoặc
trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể đứng tên để vay hỗ trợ lãi suất,
nhưng khoản vay sẽ được chuyển cho một đối tượng khác có quan hệ thân thiết
với doanh nghiệp (ví dụ như người nhà, bạn thân). Với cơ chế như vậy, một phần
vốn sẽ chảy vào thị trường tài sản, nhờ sự hỗ trợ của các khoản tín dụng hỗ trợ lãi
suất. Điều này có thể là một nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán tăng
tương đối vững chắc trong năm 2009. Đồng thời, thị trường bất động sản của Hà
Nội cũng tăng mạnh về cuối năm, có thể bắt nguồn một phần từ thực tế là các
doanh nghiệp hưởng hỗ trợ lãi suất tập trung khá nhiều ở địa bàn này.
- Thứ hai, gói hỗ trợ lãi suất được thực hiện trong một điều kiện đặc biệt, đó là sự
suy giảm của kinh tế thế giới. Trong trường hợp Việt Nam, điều này có một hàm ý

đặc biệt quan trọng đối với giá trị của đồng tiền Việt. Việc kinh tế thế giới suy
giảm khiến lo ngại về việc suy giảm kim ngạch xuất khẩu trở nên hiện hữu, và hệ
quả có thể dễ dàng dự báo được là sự khan hiếm ngoại tệ ở trong nước. Trước tình
huống này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đã lựa chọn phương án sử dụng
tín dụng bằng tiền Việt được hỗ trợ lãi suất để thu mua và tích trữ ngoại tệ. Nếu
giả sử một doanh nghiệp có thể thực hiện được điều này, thì họ có thể vay với lãi
suất ưu đãi bằng tiền Việt khoảng 6-8%, sau đó chuyển sang mua USD và gửi lại
ngân hàng với lãi suất khoảng 2-3%. Nếu ước tính đến cuối năm, USD tăng giá
khoảng 8-10%, thì lợi suất kì vọng của hoạt động này tương đối hấp dẫn, đặc biệt
là trong điều kiện khủng hoảng kinh tế. Trên thực tế, các hoạt động đầu cơ USD
sẽ không diễn ra trực tiếp như mô tả ở trên. Nhưng nó có thể diễn ra một cách gián
tiếp, chẳng hạn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thay vì bán lượng ngoại tệ thu
được từ xuất khẩu để có tiền Việt nhằm trang trải hoạt động kinh doanh trong
nước, họ ngừng bán USD và thực hiện vay với lãi suất ưu đãi để có vốn hoạt động.
Như vậy, vô hình trung, các doanh nghiệp này đã thực hiện việc sử dụng vốn vay
ưu đãi để đầu cơ USD trên chính tài khoản của mình.
- Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là mức độ "đôla hóa" cao, và USD thường
được lưu giữ như một loại tài sản quan trọng. Do đó, những biến động trong tâm lí
người dân có thể ảnh hưởng lớn đến diễn biến của tỉ giá, thông qua đó ảnh hưởng
trực tiếp đến toàn bộ hoạt động thương mại quốc tế. Sự dao động của một khối
lượng lớn USD lưu giữ trong nền kinh tế với tư cách tài sản, cũng khiến cho hiệu
quả của chính sách tiền tệ bị suy giảm.
Như vậy, có thể nói, bên cạnh những tác động tích cực của chính sách hỗ trợ lãi
suất tới khu vực doanh nghiệp, và do đó góp phần bồi đắp nền móng cho nền kinh tế
trong khủng hoảng, thì cũng có những tác động tiêu cực làm tăng rủi ro vĩ mô của nền
kinh tế, như sự hình thành bong bóng tài sản, áp lực giảm giá đồng tiền Việt, qua đó
lan tỏa rủi ro vào hệ thống tài chính và thương mại nói chung.
3.2.3 Kinh nghiệm rút ra:
- Vấn đề lãi suất là một vấn đề thuộc chính sách tiền tệ, không phải là một vấn đề
thuộc ngân sách. Chương trình kích thích kinh tế qua tín dụng ngân hàng sẽ đơn

giản hơn nhiều nếu phát huy đầy đủ chức năng của Ngân hàng Nhà nước trong vai
trò người cho vay ở giai đoạn cuối kết hợp với việc giảm mức lãi suất cơ bản, điều
mà ngân hàng trung ương các nước đã và đang làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
- Trong chính sách tiền tệ, nếu tình hình kinh tế rơi vào giai đoạn suy thoái, để
khuyến kích và kích cầu cho nên kinh tế, Chính phủ cần giảm mức lãi suất cơ bản
xuống thấp thấp hơn mức bình thường và sẵn sàng cho các ngân hàng thương mại
vay lại với mức lãi suất này để họ có thể cấp tín dụng cho các doanh nghiệp cần
vốn với mức lãi suất thấp tương ứng. Phương thức này không cần đến việc sử
dụng tiền từ ngân sách Nhà nước.
- Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần kiểm tra mục đích sử
dụng vốn vay ưu đãi tại các đối tượng được vay vốn ưu đãi.
- Thứ hai, cần thấy rằng khủng hoảng kinh tế, nhất là cuộc khủng hoảng mang tính
chất toàn cầu, mọi doanh nghiệp, mọi thành phần knh tế trong xã hội phải được
bình đẳng trong việc hưởng quyền trú ẩn. Quyền trú ẩn không nên là đặc quyền
của một nhóm lợi ích được ưu đãi. Chinh sách tiền tệ, mà trọng tâm là chánh sách
lãi suất, cần phải vừa là nơi trú ẩn bình đẳng của các doanh nghiệp trong cơn
khủng hoảng, vừa là động lực lâu dài thúc đẩy sự sung dụng hiệu quả của các
nguồn tài nguyên đất nước vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và chất lượng
cao.
- Tự do hóa lãi suất là mục tiêu cần hướng tới để đảm bảo sự vận hành của thị
trường về cơ bản tuân theo qui luật cung cầu, phân bổ nguồn vốn hợp lý. Song với
thực trạng nền kinh tế đang phải đối mặt cùng với những bất cập của thị trường
tiền tệ thì áp dụng cơ chế kiểm soát lãi suất trực tiếp là cần thiết, và từng bước tạo
dựng những điều kiện cần thiết để tự do hóa lãi suất.
 Trước mắt là phải thiết lập một mức lãi suất cơ bản định hướng được lãi suất
thị trường. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, để có thể phát huy
được tốt vai trò định hướng của lãi suất cơ bản thì bản thân NHTƯ của quốc
gia đó phải xác định được những mục tiêu điều hành cụ thể trên cơ sở định
lượng cụ thể về lạm phát, tăng trưởng, hoặc lãi suất ngắn hạn mà tại đó nền
kinh tế đạt trạng thái cân bằng. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế hình thành lãi

suất cơ bản - làm cơ sở định hướng chuẩn mực cho lãi suất thị trường liên
ngân hàng, thị trường tiền tệ là một việc cần thiết phải thực hiện.
 Trên cơ sở mức lãi suất cơ bản, hình thành đồng bộ các mức lãi suất chỉ đạo,
như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm và lãi
suất nghiệp vụ thị trường mở nhằm chủ động điều tiết lãi suất thị trường và các
hành vi cho vay, đi vay của các thành viên trên thị trường tiền tệ. Lượng tiền
cung ứng sẽ được điều tiết hợp lý để đảm bảo các mức lãi suất mục tiêu.

IV/ KẾT LUẬN:
- Có thể nói việc gói hỗ trợ lãi suất được thực hiện với quy mô lớn, triển khai nhanh
chóng, triệt để và dứt điểm trong năm 2009 là một đặc trưng chính sách quan
trọng nhất trong năm của Việt Nam. Hơn 400.000 tỉ đồng vốn vay hỗ trợ lãi suất
cả ngắn và trung hạn, với mức hỗ trợ 4%, đã được đẩy vào nền kinh tế từ tháng
2/2009 đến hết tháng 12/2009. Chính sách này đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời
sống kinh tế, đồng thời làm giàu thêm kinh nghiệm điều hành chính sách ở Việt
Nam.
- Gói hỗ trợ lãi suất đã giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn lưu động và giúp doanh
nghiệp duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, điều này có ý nghĩa kinh tế và xã hội đặc biệt
quan trọng. Xét trên khía cạnh hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp và duy trì ổn định xã
hội, chính sách này đã đạt được những mục tiêu quan trọng nhất của nó.
- Tuy nhiên, trong nửa sau năm 2009, có những dấu hiệu cho thấy phần vốn đưa
vào sản xuất tăng chậm lại trong khi vốn cho hoạt động đầu cơ có xu hướng tăng
nhanh. Điều này cho thấy, chi phí vốn cận biên của nền kinh tế quyết định lượng
vốn được đưa vào sản xuất. Chi phí vốn cận biên đã giảm mạnh vào Quý I/2009
so với thời điểm trước đó của nền kinh tế đã kích thích các doanh nghiệp bỏ vốn
vào sản xuất. Nhưng khi chi phí vốn cận biên có dấu hiệu tăng trở lại từ Quý
III/2009, bất chấp gói hỗ trợ lãi suất vẫn đang được triển khai, các doanh nghiệp
có xu hướng hạn chế đầu tư cho sản xuất. Thay vào đó, họ sử dụng phần vốn vay
được hỗ trợ lãi suất để thực hiện các hành vi đầu cơ. Việc đầu cơ đã dẫn tới những

vấn đề như tạo sự tăng giá trên các thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán,
vàng và ngoại hối), làm gia tăng sức ép lạm phát trong năm. Có thể nói, đây là
những yếu tố làm tích tụ thêm những mất cân đối vĩ mô, gia tăng rủi ro tài chính
cho toàn bộ hệ thống kinh tế. Vì vậy, việc ngừng tiếp tục gói hỗ trợ lãi suất vào
cuối năm 2009 là phù hợp và kịp thời.
- Kinh nghiệm thực hiện gói hỗ trợ lãi suất cho thấy vai trò quan trọng của việc
giám sát thực hiện đúng mục đích của các khoản vay được hỗ trợ. Do cơ sở hạ
tầng thông tin giám sát trong hệ thống ngân hàng cũng như hệ thống doanh nghiệp
ở nước ta chưa phát triển, rất khó có thể đáp ứng được yêu cầu của việc giám sát,
nhất là trong bối cảnh thực hiện một gói chính sách lớn và ồ ạt nhằm phản ứng tức
thời trước hoàn cảnh.
- Thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất cũng quan trọng. Gói hỗ trợ lãi suất thực sự
hữu ích chỉ trong khoảng sáu tháng đầu tiên; vốn vay được đưa trực tiếp vào trong
quá trình sản xuất. Sau thời gian kể trên, các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng
vốn vay rẻ vào mục đích đầu cơ, gây bất ổn cho môi trường kinh tế vĩ mô.

×