Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Sự phát triển thể tài của thơ Tố Hữu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (245.86 KB, 6 trang )

Sự phát triển thể tài của thơ Tố Hữu
L.T.S: Bài viết của Trần Đình Sử về đóng góp của thơ Tố Hữu trong việc
phát triển thể tài thơ chính trị và khuynh hướng sử thi trong biểu hiện
không phải không có nhiều chỗ phải bàn cãi. Tuy nhiên tạp chí vẫn coi
đây là một cách tiếp cận mới để khám phá nguồn thơ phong phú của một
trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Xin giới
thiệu bài tiểu luận này để bạn đọc cùng suy nghĩ trao đổi.
T
hơ Tố Hữu được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình gọi là thơ chính trị, thơ thời cuộc, thơ thời sự,
thơ cảm hứng xã hội… Theo chúng tôi gọi là thơ chính trị đúng hơn cả, vì trong mọi quan hệ đời
sống, trước mọi hiện tượng hiện thực Tố Hữu quan tâm trước hết đến nội dung chính trị của
chúng, chứ không phải bản thân các hiện tượng, vấn đề xã hội, hay sự kiện thời sự. Thơ Tố Hữu
là thơ khám phá trực tiếp ý nghĩa chính trị của các hiện tượng cuộc đời. Vì vậy tuy thơ nào cũng
có liên hệ thế này hay thế khác với chính trị, nhưng không thể đều gọi là thơ chính trị. Và đó là
hiện tượng thơ nổi bật của văn học chúng ta, chứng tỏ nhiệt tình của các nghệ sĩ muốn tham gia
trực tiếp vào cuộc đấu tranh chính trị bằng vũ khí nghệ thuật của mình.
Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng thơ trữ tình chính trị đơn điệu nghèo nàn về mặt thể loại. Chính
nghiên cứu loại hình về mặt này sẽ cho ta ý niệm về giới hạn rộng rãi của loại thơ này ở đây,
theo chúng tôi, lý luận của G.N.Pospelôp có ý nghĩa đáng kể. Theo Pospelôp, dựa trên kinh
nghiệm văn học châu Âu, có thể nhận thấy ba tuyến nội dung thể loại chủ yếu mà chúng tôi gọi
một cách qui ước là “thể tài” để phân biệt khái niệm “thể loại”, thiên về chỉ hình thức, phương
thức thể hiện đời sống như tự sự, trữ tình, kịch. Thuộc vào thể tài lịch sử dân tộc là các tác phẩm
tập trung miêu tả quá trình hình thành dân tộc, cuộc đấu tranh để bảo vệ và xây dựng quốc gia,
các sự kiện đấu tranh giai cấp, chiến tranh, cách mạng có ảnh hưởng tới vận mệnh toàn thể
nhân dân, dân tộc. Khi tình trạng quốc gia tương đối ổn định, thì vấn đề quan hệ các giai cấp,
các tầng lớp người trong xã hội, quan hệ thành thị và nông thôn, trạng thái ứng xử giữa người và
người, với thiện ác, các chuẩn mực quan hệ… nổi lên và trở thành nội dung của các tác phẩm
thuộc thể tài đạo đức - thế sự (1)… Sự ý thức về đời sống cá nhân, quá trình hình thành của cá
tính nhân cách, các xúc động riêng tư, nhất là trong tình yêu đôi lứa, lại là cơ sở của các tác
phẩm thuộc thể tài đời tư (2). “Đời tư” ở đây, dĩ nhiên không phải là cái đối lập hay loại trừ “đời
công”, bởi vì, thể tài, chẳng những là một loại hiện tượng đời sống được miêu tả, mà còn là một


góc độ, một quan điểm “xem xét vấn đề”, “một quan điểm về thế giới đã được cố định lại” (3). Cả
ba loại thể tài ấy đều được thể hiện vào các thể loại văn học khác nhau, và có căn cứ để gọi,
chẳng hạn thơ trữ tình lịch sử dân tộc, thơ trữ tình thế sự, thơ trữ tình đời tư v.v… Mỗi thể tài
như vậy gắn liền với một số tính cách cảm hứng và một hệ thống biện pháp nghệ thuật nhất
định. Ở các tác phẩm lớn thường có sự kết hợp các thể tài thành tác phẩm nhiều bình diện.
Về sự hình thành và phân hóa các dòng thể tài trong văn học ta chưa được nghiên cứu riêng.
Xét riêng về thơ Tố Hữu ta có thể nhận thấy một số đường nét có tính qui luật rõ rệt. Nếu thơ ca
các nhà cách mạng đầu thế kỷ và của các nhà cách mạng vô sản nghiêng về thể tài lịch sử dân
Đêm thơ "Quê mẹ" kỷ niệm 90
năm ngày sinh và 9 năm ngày
mất của nhà thơ Tố Hữu tại
Huế
tộc (thể hiện tình trạng nô lệ của dân tộc, phát hiện lại dòng giống Lạc Hồng, con Rồng cháu
Tiên, các sự tích anh hùng, ý chí rửa thù nhà đền nợ nước…) thì thơ văn hợp pháp nghiêng về
thể tài thế sự và đời tư. (Văn thơ lãng mạn chủ nghĩa, sáng tác hiện thực phê phán). Vì vậy sự
khác biệt của hai loại sáng tác trên không chỉ thể hiện ở thế giới quan, về tư tưởng cách mạng,
mà còn khác nhau về thể tài nữa. Sáng tác của Tố Hữu thể hiện một quá trình không ngừng tìm
tòi và phát triển thể tài văn học của văn học cách mạng.
Xuất hiện trong môi trường thơ văn đương thời, trước hết nhà thơ phải đối thoại với thơ văn thế
sự và đời tư. Và như vậy Tố Hữu mở ra một hướng phát triển mới so với thơ văn cách mạng
đương thời. Các bài thơ Mồ côi, Tương tư, Hai đứa bé, Vú em, Tiếng hát sông Hương, Lão đầy
tớ, Hồn chiến sĩ, Đi đi em, Một tiếng rao đêm… rõ ràng là làm trên cơ sở các mô típ thế sự và đời
tư, như cô đơn, lạnh lùng, bị hắt hủi, vùi dập… Nhưng Tố Hữu đã khéo kết hợp các mô típ có
tính chất kích động, tuyên truyền như nuôi căm hờn, đợi ngày mai, khinh lối sống ươn hèn, chọn
đường đời, dám đứng dậy, phá bất bình, đối lập hai thế giới… Tác giả lồng nội dung chính trị vào
thể tài thế sự vào đời tư, làm cho các lý tưởng chính trị trở nên gần gũi. Tố Hữu không tập trung
vào việc phê phán tội ác chế độ cũ. Nội dung chính trị của thơ Từ ấy cũng không tập trung ở việc
tuyên truyền nội dung đấu tranh giai cấp thuần túy, vạch ra các tội ác bóc lột, tra tấn hoặc thuần
túy bày tỏ quyết tâm hy sinh vì cách mạng như phần nhiều thơ ca cách mạng đương thời. Nhà
thơ đem lẽ sống cách mạng vô sản, niềm tin vào tương lai cộng sản chủ nghĩa mà soi sáng viễn

cảnh của từng cuộc đời khổ tủi, vô vọng riêng tư. Tố Hữu, nhà thơ đầu tiên đưa vấn đề quan hệ
giữa số phận cá nhân và cách mạng xã hội làm thành chủ đề trung tâm của thơ. Cách mạng xã
hội là con đường duy nhất để đổi thay cuộc đời cá nhân và mỗi cá nhân phải đứng lên làm cách
mạng, hy sinh cho cách mạng. Tố Hữu tạo ra một vạch nối giữa số phận cá nhân của vú em, gái
giang hồ, đời thợ, em bé bán dạo, trẻ mồ côi, lão đầy tớ, người Thượng già… với viễn cảnh cách
mạng. Tác giả nhìn cách mạng từ nhu cầu giải phóng của từng cá nhân. Cái nhìn nhà thơ xoáy
vào nỗi khổ tâm của họ như bị hắt hủi, bị đè đầu, bị bỏ rơi, không biết đến ngày vui, sống như
“trâu chó”, và quan tâm đến khát vọng đổi đời của họ. Nhà thơ đã dựng lên được nỗi khát vọng
khắc khoải của cô gái sông Hương, nỗi khổ tâm nhức nhối của người thợ, nỗi đau đớn quằn quại
của người Thượng già, mối đồng cảm sâu nặng của người lính đêm, bóng dáng yếu đuối non tơ
của em bé bán dạo… Cuối mỗi bài như vậy, khi thì gợi lên niềm uất hận, khi thì gợi lên niềm
tuyệt vọng đối với xã hội cũ, khi thì gợi lên tình cảm phản kháng, hướng về tương lai. Có thể nói
đó là thể tài thơ chính trị đời tư rất tiêu biểu cho phần lớn thơ Từ ấy và Việt Bắc.
Có lẽ không nên cho rằng chỉ có bài Tiếng hát trên đê mới là tiếng dạo đầu cho phong cách thơ
Việt Bắc. Sự thực thì ngòi bút trữ tình giàu khả năng quan sát chân dung quần chúng tinh tế của
Từ ấy đã chuẩn bị cho những dòng thơ miêu tả đồng bào và chiến sĩ ở Việt Bắc. Thiết tưởng
cũng không nên thổi phồng “bước ngoặt”, bước chuyển biến hẳn giữa phong cách Từ ấy và Việt
Bắc là khắc họa được tinh thần làm chủ, niềm tin và sức vươn lên khỏe khoắn của quần chúng,
nhưng đó là nội dung của một thời đại mới. Còn cái lặp lại về mặt thể tài vẫn rất rõ: tuyên truyền
kháng chiến từ phía số phận và nhu cầu nhân cách của các cá nhân: cô gái Bắc Giang, anh Vệ
sơn cốt, em Lượm, bà mẹ Việt Bắc, bà bủ, bà bầm… Đó là một lối thơ chính trị mềm mại, uyển
chuyển, thấm thía.
Thơ trữ tình đời tư đòi hỏi thể hiện các cảm xúc tâm trạng cá nhân của cái “tôi” của con người
bình thường. Các mô típ tiêu biểu của nó là sự lầm lỡ, hối hận (Con chim của tôi), những mất
mát cá nhân (Đi đi em, Hai cái chê), các xúc động bồng bột phi chuẩn mực (Vui bất tuyệt, Tranh
đấu), những nỗi ưu tư, u uất (Quanh quẩn, Lao Bảo, Khi con tu hú), những nỗi nhớ nhung cháy
lòng (Nhớ đồng, Nhớ người), những phút phản tính (Tâm tư trong tù, Con cá chột nưa, Năm
xưa…). Cái mới ở đây là Tố Hữu đã đưa tình cảm cách mạng nhất là lý trí cách mạng vào thế
giới cảm xúc cá nhân, làm sâu sắc và đổi mới cảm xúc ấy, hướng nó phát triển về phía cách
mạng. Bên cạnh chủ đề nuôi căm hờn, Tố Hữu nhấn mạnh tình cảm gắn bó tha thiết với đồng

bào, đồng chí, với hoạt động. Cảm giác “cô đơn thấm lạnh” và nỗi “buồn quanh quẩn” của Tố
Hữu ở trong tù là rất mới. Đó là ý thức về tập thể, về sự “xa tạm ngọn cờ”. Cái “buồn cô liêu” là vì
phải “xa rời bóng dáng yêu thương cũ”. Tình cảm “ngao ngán” là sự phủ định hiện trạng - không
nên qui giản đơn các loại tình cảm “đời tư” ấy vào phạm trù tình cảm ủy mị tiểu tư sản. Chính các
tình cảm ấy giục giã tác giả đấu tranh, tổ chức vượt ngục, trở về với đồng chí và hoạt động. Nếu
xóa bỏ hết các nét tình cảm đời tư ấy thì nội dung trữ tình cách mạng sẽ đơn điệu, một chiều biết
bao! Nhà phê bình Lê Đình Kỵ đã nói rất đúng: “Nếu đánh giá không đúng cái buồn trong sáng
tác văn thơ thì sẽ cắt đứt một mạch cảm hứng trữ tình lành mạnh có ngọn nguồn trong đời sống
thực tế và tâm tư con người” (4).
Kết hợp chủ đề chính trị với thể tài đời tư Tố Hữu về căn bản tránh được bệnh ấu trĩ tả khuynh
thường gặp của thơ ca vô sản những năm 20, cho rằng thơ ca chính trị là cái loa của tư tưởng
quần chúng, là thơ khẩu hiệu trừu tượng, phủ nhận cái “tôi”, phủ nhận tác giả. Nhiều tác giả lỗi
lạc của thơ ca xã hội chủ nghĩa thời đó như Mai-a-cốp-xki, Brô-ni-ép-xki, At-ti-la Giô-xép, Nê-dơ-
van, Bê-sơ, Hai-nơ… đều ít nhiều có lúc chịu ảnh hưởng của khuynh hướng đó.
Từ cuối tập Việt Bắc trở đi, thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu chuyển sang thể tài lịch sử dân tộc.
Anh Nguyễn Văn Hạnh đã nhận định chính xác khi cho rằng từ cuối tập Việt Bắc thơ Tố Hữu có
“thiên hướng khái quát tổng hợp” (5). Nhưng từ “tổng hợp” không thật chính xác. Sau này nhà
phê bình nói rõ hơn “Cảm hứng sử thi” (6). Đúng như vậy, từ đây nhà thơ bắt đầu suy nghĩ các
vấn đề chính trị trên cấp độ số phận dân tộc và đất nước. Con người trữ tình trong Ta đi tới,
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc… dù là “ta”, là “mình”, thảy đều là một cái “tôi” đất nước,
dân tộc. Với sự khác nhau về thể tài này, ta sẽ thấy đòi hỏi cái vui trong Huế tháng Tám, Vui bất
tuyệt phải chững chạc như trong Ta đi tới là thiếu căn cứ biết chừng nào!
Dĩ nhiên ở Từ ấy đã có yếu tố sử thi trong Dậy lên thanh niên, Quyết hy sinh, Bà má Hậu Giang,
nhưng từ nay nó mới là thể tài chủ đạo. Từ đây, số phận đất nước, sức mạnh dân tộc, nhân dân,
Đảng là đối tượng suy nghĩ trực tiếp, chủ yếu của nhà thơ:
Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa
Chúng nó chẳng còn mong được nữa
Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng…
Chào 61, đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng

Trồng lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông bắc trông nam trông cả địa cầu.
Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Cho Tổ quốc và cho tất cả
Lá cờ này là máu, là hoa
Của ta, của con người vô giá…
Cuộc đời số phận của cá nhân, khác với thể tài đời tư, ở đây được đánh giá theo góc độ đóng
góp của nó cho sự nghiệp của dân tộc, nhân dân và Đảng
Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha mất mẹ
Nước mắt rơi, làm nhòa mặt quân thù
Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ
(Việt Nam, máu và hoa)
Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù
“Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước
Rắn, mình em chịu, có sao đâu!”
(Tâm sự)
Sự thay đổi góc độ nhìn nhận sẽ làm thay đổi lô gic cảm thụ của thể tài. Chẳng hạn, ta dễ chấp
nhận khi Tố Hữu viết những câu thơ hay trong Người con gái Việt Nam:
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi, còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho tổ quốc, loài người.
Câu thơ thứ ba, diễn đạt dứt khoát tư tưởng “dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”, gây một cảm
giác tự nhiên. Trái lại, trong bài Đời thơ (Từ ấy) có câu:
Chừ sao đây? Kéo cờ trắng đầu hàng
Hay chuyển sức trăm cân đầu búa sắt
Gạt phăng hết những tình riêng nhỏ nhặt
Để tay ghì riết chặt khối đời to?

thì câu thứ ba lại thường được trích dẫn như là bằng chứng của thế giới quan non yếu, tiểu tư
sản. Có ý kiến lại cho rằng đó là cách nói thiếu uyển chuyển, cách nói của tuổi trẻ sôi nổi. Theo
chúng tôi, chỗ “sai” trong trường hợp trên không ở nguyên nhân tư tưởng, cũng không ở cách
nói thiếu uyển chuyển mà ở bản thân thể tài. Tác giả đã kết hợp không nhuyễn một tư tưởng sử
thi ngay tiếp sau câu tư tưởng có tính chất đời tư. Hy sinh tình cảm riêng cho sự nghiệp là một tư
tưởng đúng. Nhưng lại nêu vấn đề “gạt phăng” ngay sau khi nêu nỗi thống khổ của vợ con thì lại
không thích hợp.
Sử thi là sự nhìn nhận con người qua giác độ xã hội dân tộc. Tác giả sử thi tư duy bằng dân tộc
xã hội, nhân loại, khác với thể tài đời tư nhìn xã hội, dân tộc qua tình cảnh và số phận cá nhân.
Sử thi đòi hỏi các sự kiện lớn như chiến tranh, cách mạng. Đó là các sự kiện ôm trùm tất cả, đòi
hỏi phải động viên sức lực, tâm huyết của cả một dân tộc. Sử thi đòi hỏi mọi người phải đối xử
với nhau như anh em, đồng chí, bạn bè, đòi hỏi mọi người phải lớn như nhau trong tầm vóc quốc
gia. Sử thi là sự khẳng định dân tộc trong cơn nguy biến. Khẩu hiệu của sử thi là “Tổ quốc hay là
chết!”. Tình huống sử thi đặt con người trước sự nghiệp anh hùng, đòi hỏi con người trở thành
anh hùng đại diện dân tộc. Bác Hồ, chị Lý, anh Trỗi, anh Môrixơn trong thơ Tố Hữu đều là con
người sử thi, cả mẹ Suốt, bà má Hậu Giang, mẹ Tơm Thanh Hóa… cũng đều là con người sử thi
cả.
Tư duy trên tầm sử thi cho phép nhà thơ thể hiện tập trung vấn đề cách mạng và dân tộc, dân
tộc và nhân loại, dân tộc và thời đại, dân tộc hiện đại và truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà
ở giai đoạn sau, các vấn đề trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng là các vấn đề đặt ra giữa “ta” và “nó”,
giữa “chúng ta” và “chúng nó”, giữa “miền Bắc” và “miền Nam”, giữa “ta” và “ta”. Hoàn toàn đó
không phải là vấn đề giữa cá nhân này và cá nhân khác như trong thể tài đời tư. Không cứ là sử
thi thì đều hay hơn thể tài đời tư. Vấn đề là sử thi đem lại một tầm vóc khái quát và suy nghĩ trên
các vấn đề lớn mà thơ thể tài đời tư không có được. Chẳng hạn bài Quê hương- một bài thơ hay
của Giang Nam, thuộc thể tài đời tư. Cuối bài Giang Nam kết luận:
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn, roi…
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Bài Quê mẹ của Tố Hữu cũng nói tình yêu quê hương, nhưng cấp độ sử thi cho phép nhà thơ

nghĩ đến:
Ôi Huế nghìn năm, Huế của ta.
Đường vào sẽ nối lại đường ra
Như con của mẹ về quê mẹ
Huế lại về vui giữa Cộng Hòa!
Chính vì sử thi là một cấp tư duy nghệ thuật nên nó cần thiết để thể hiện tầm vóc con người thời
đại cũng như trách nhiệm lớn lao của nó đối với đất nước. Khi gọi thơ Tố Hữu từ cuối tập Việt
Bắc trở đi là thơ trữ tình sử thi là muốn nói tới phương diện thể tài của nó, chứ không phải là thể
loại thì sử thi là tự sự, và trữ tình sử thi không phải là một thứ tác phẩm tự sự trữ tình. Nó vẫn là
thơ trữ tình nhưng mang quan điểm sử thi.
Quan điểm sử thi, ngoài thể hiện ở cái “ta” dân tộc, ở đối lập “chúng ta - chúng nó”, còn thể hiện
ở khả năng sử thi hóa các hình ảnh, từ ngữ của các thể tài khác. Chẳng hạn, Thạch Sanh, một
hình tượng thế sự khi vào thơ Tố Hữu đã trở thành hình tượng sử thi đầy khí phách hào hùng:
Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một giây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ
Cách xưng hô “mình-ta” trong Việt Bắc hay “anh-em” trong Gió lộng thật ra là cách xưng hô sử
thi, khác cách xưng hô đời tư trong ca dao trữ tình dân gian hoặc thư tình. Cái “trăm năm” trong
câu “khao khát trăm năm mãi đợi chờ. Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ” hay “Mắt ướt trăm năm
đã hé cười”… không phải là trăm năm đời người mà là “trăm năm mất nước mất nhà”, mang nội
dung lịch sử dân tộc. Việc học tập sử dụng truyền thống văn học và dân gian ở Tố Hữu không
giản đơn là “Tiếp thụ có sáng tạo”, mà còn là theo nguyên tắc vận dụng quan điểm dân tộc vốn
có của truyền thống, hoặc đổi mới theo hướng sử thi hóa. Khi Tố Hữu nói:
Ngẩng đầu lên trong sáng tuyệt trần
Tháng tám trời thu xanh thẳm
Hay tả:
Đồng lúa làng tre nắng vàng rắc phấn
Sương lung linh núi gấm mây tơ
Như trong mơ… không biết tự bao giờ
Nghìn năm cũ đang hồi xuân thắm lại…
Hay ngắm:

Ôi những nàng xuân rất dịu dàng
Hát câu quan họ chuyến đò ngang
Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy
Súng khoác trên lưng chẳng ngỡ ngàng…
Thì đó cũng đều là những phong cảnh mang tính chất sử thi.
Nếu như thơ trữ tình đời tư hạn chế trong việc trực tiếp nêu lên các vấn đề về quốc gia, dân tộc
thì trái lại sử thi hạn chế trong việc thể hiện các vấn đề thuộc số phận cá nhân. Việc kết hợp hai
loại thể tài ấy là điều cần thiết và có thể làm được để làm phong phú tiếng thơ. Mai-a-côp-xki đã
“đạt sự tổng hợp tình cảm cá nhân và nghĩa vụ xã hội”. Trong khuôn khổ thơ trữ tình chính trị,
yếu tố lịch sử dân tộc của thơ Tố Hữu ngày càng chiếm ưu thế tuyệt đối. Cá nhân trong thơ Tố
Hữu căn bản là một cá nhân của dân tộc. Tính tổng hợp thơ Tố Hữu theo một phương hướng
khác, tổng hợp tư tưởng chính trị hiện đại: tư tưởng xã hội chủ nghĩa với tư tưởng, tình cảm dân
tộc truyền thống. Đó cũng là cơ sở của tính dân tộc hiện đại trong thơ Tố Hữu.
Tố Hữu đã từng có những bài thơ thế sự độc đáo như Tiếng chuông nhà thờ, Ba tiếng, Thưa
các ông nghị. Gần đây, xuân 1981 ta nghe thấy bài Đêm cuối năm sang một giọng thế sự:
Đêm cuối năm, riêng một ngọn đèn
Dở hay khôn dại, những chê khen
Làm ăn hai chữ, khôn mà dại
Thế cuộc nhân tình, rõ trắng đen…
Phải chăng có thể chờ đợi ở nhà thơ những bài thế sự mới? Dẫu sao thơ thế sự không nên chỉ
đóng khung trong thơ đả kích, châm biếm, trào phúng.
Thơ ca cách mạng Việt Nam là một nền thơ phong phú về mặt thể tài. Tố Hữu là người mở đầu
cho thơ chính trị - đời tư cũng như thơ trữ tình sử thi trong thơ cách mạng Việt Nam. Việc Tố
Hữu chuyên chú vào thơ trữ tình sử thi là một hiện tượng hoàn toàn hợp quy luật. Đó là dòng thơ
chủ đạo của thời đại chuyển biến của một dân tộc cổ truyền sang một dân tộc hiện đại, dân tộc
xã hội chủ nghĩa, là thơ của kỷ nguyên đấu tranh để bảo vệ và phát triển dân tộc trong thời đại
mới.
TRẦN ĐÌNH SỬ

×