UBND TỈNH HÀ TĨNH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 163 / SGDĐT-GDTrH
V/v Thông báo kết quả Hội thảo
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG
và ôn thi vào ĐH, CĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập Tự do Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 4 tháng 3 năm 2011
Kính gửi: Các trường THPT.
Thực hiện chủ đề năm học "Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất
lượng giáo dục", ngày 24 tháng 02 năm 2011, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã tổ
chức hội thảo "Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi vào Đại học,
Cao đẳng". Tham dự hội thảo có Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nhà giáo Ưu tú
Nguyễn Khắc Hào; các phó Giám đốc - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trí Hiệp, Nhà
giáo Ưu tú Trần Trung Dũng; lãnh đạo và chuyên viên các phòng Giáo dục Trung
học, Thanh tra Sở; phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Giáo dục thường xuyên, Khảo thí
và Kiểm định chất lượng giáo dục cùng với hơn 150 đại biểu là Hiệu trưởng, phó
Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, một số tổ trưởng, giáo viên có nhiều thành tích
trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) và ôn thi vào Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ)
của các trường THPT trong tỉnh.
Khai mạc hội thảo, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Khắc Hào đã biểu dương một số
thành tích mà toàn ngành đã đạt được trong thời gian qua, trong đó có công tác bồi
dưỡng HSG và tổ chức cho học sinh ôn thi vào các trường ĐH, CĐ góp phần đưa
thành tích HSG và học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ của tỉnh ta trong những năm
gần đây đạt thứ hạng cao. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2010 -
2011 và các năm tiếp theo, công tác bồi dưỡng HSG và bồi dưỡng học sinh ôn thi vào
ĐH, CĐ cần được đổi mới và nâng cao hơn nữa.
Sau lời khai mạc của đồng chí Giám đốc, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trí
Hiệp - phó Giám đốc Sở trong Đề dẫn đã nhấn mạnh tầm quan trọng, tính cấp thiết,
một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học, trong đó việc bồi dưỡng HSG,
bồi dưỡng học sinh thi vào ĐH có ý nghĩa đặc biệt, là nhiệm vụ chính trị hết sức quan
trọng của các trường THPT.
Hội thảo đã nghe 11 tham luận của lãnh đạo, giáo viên các trường THPT:
Nguyễn Thị Minh Khai, Hồng Lĩnh, Chuyên Tỉnh, Cẩm Xuyên, Nguyễn Du, Lý Tự
Trọng, Hương Sơn, Phan Đình Phùng…Các bản tham luận đều thể hiện sự tâm huyết,
tinh thần trách nhiệm cao của các cán bộ, giáo viên trong công tác bồi dưỡng HSG và
ôn thi vào các trường ĐH, CĐ. Nội dung các bản tham luận tập trung xoay quanh các
vấn đề về tổ chức, quản lý của các nhà trường; dạy học bám chuẩn kiến thức, kỹ
năng; kết hợp dạy học chính khóa với dạy bồi dưỡng; không ngừng đổi mới phương
pháp dạy học; tăng cường rèn kỹ năng, phương pháp tự học, phát triển tư duy cho học
sinh…
Tổng kết hội thảo, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trí Hiệp đã định hướng một
số vấn đề quan trọng về nhận thức và phương pháp có ý nghĩa then chốt nhằm nâng
cao chất lượng bồi dưỡng HSG và ôn thi vào ĐH, CĐ trong thời gian tới là:
1
1. Nhận thức về hoạt động Bồi dưỡng học HSG và ôn thi ĐH, CĐ:
Nâng cao chất lượng hoạt động Bồi dưỡng HSG và ôn thi ĐH, CĐ luôn
được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành GDĐT, của các trường THPT
đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của học sinh, phụ huynh và nhân dân. Tương lai các
thế hệ học sinh Hà Tĩnh vào đời và trưởng thành như thế nào tuỳ thuộc rất nhiều vào
chất lượng Bồi dưỡng HSG và ôn thi ĐH, CĐ trong các trường THPT
Bồi dưỡng HSG và ôn thi ĐH, CĐ là những hoạt động có tính chuyên môn
sâu đòi hỏi cần có sự đầu tư nhiều về thời gian, trí tuệ, công sức của đội ngũ cán bộ
quản lý, giáo viên các nhà trường.
Trong các kỳ thi HSG, thi ĐH, CĐ những năm gần đây, cấu trúc đề thi tuy
có xu hướng coi trọng kiến thức cơ bản trong chương trình (CT), sách giáo khoa
(SGK) nhưng do yêu cầu phân loại nên trong các đề thi vẫn có nhiều nội dung đòi hỏi
có sự khai thác, mở rộng kiến thức cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Do vậy, để nâng
cao chất lượng hoạt động Bồi dưỡng HSG và ôn thi ĐH, CĐ ngoài kiến thức trong
CT, SGK học sinh cần được cung cấp thêm nhiều kiến thức mở rộng, cần được trang
bị, rèn luyện thành thục các kỹ năng, phương pháp giải quyết các vấn đề đặt ra. Khối
lượng công việc là rất lớn, do đó trước hết người dạy và người học cần phải có nhiều
thời gian để thực hiện. Kinh nghiệm thực tế cho thấy để bảo đảm thời gian thì nội
dung Bồi dưỡng HSG và ôn thi ĐH, CĐ không chỉ thực hiện trong dạy thêm, học
thêm mà phải được thực hiện ngay trong các bài học chính khoá khi có điều kiện và
không chỉ thực hiện ở lớp 12 mà phải được triển khai ngay từ lớp 10, thậm chí có thể
ở cả những lớp thấp hơn.
2. Tổ chức các lớp ôn thi ĐH, CĐ:
Trong những năm qua, hoạt động dạy thêm học thêm gắn với ôn thi ĐH, CĐ
ở tỉnh ta nhìn chung đã được các trường quan tâm triển khai. Hầu hết các trường
THPT đều đã tổ chức theo hình thức ôn thi tại trường; nhiều trường có cách làm khoa
học, hợp lý đáp ứng được yêu cầu của học sinh, giáo viên, tuy nhiên nhiều trường còn
lúng túng về công tác tổ chức, hiệu quả còn thấp, chưa tạo được sự đồng tình trong
giáo viên và học sinh.
Từ thực tế những trường đạt kết quả tốt cho thấy một nguyên tắc rất quan
trọng trong tổ chức ôn thi ĐH, CĐ là: Giảng dạy, ôn luyện phải phù hợp với trình độ
kiến thức, khả năng tiếp thu của học sinh. Các lớp ôn thi ĐH, CĐ có thể được tổ chức
theo các lớp chính khoá, có thể là lớp ghép từ nhiều lớp khác nhau, nhưng trình độ
học sinh trong lớp phải tương đối đồng đều, tránh sự chênh lệch lớn về trình độ trong
một lớp.
Đối với các lớp khối 12, ngoài ôn thi ĐH, CĐ học sinh còn phải tham gia
ôn thi tốt nghiệp THPT, do đó cần có sự kết hợp hợp lý giữa hai hoạt động này.
Những học sinh đã tham gia ôn thi ĐH, CĐ thì chỉ nên ôn thi tốt nghiệp những môn
không thi ĐH, CĐ. Những lớp học sinh học lực còn yếu hoặc chỉ ở mức trung bình
thì nên yêu cầu các em tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT là chính.
3. Xây dựng, sử dụng đội ngũ giáo viên Bồi dưỡng HSG và ôn thi vào ĐH,
CĐ:
Xây dựng và sử dụng đội ngũ giáo viên Bồi dưỡng HSG và ôn thi vào ĐH,
CĐ là công việc rất quan trọng, có tính quyết định trong việc nâng cao chất lượng,
hiệu quả; do đó các trường cần quan tâm đến việc xây dựng và bồi dưỡng nâng cao
2
trình độ đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tích cực tự bồi dưỡng,
tích luỹ kiến thức; cải tiến phương pháp ôn luyện, có cơ hội được thể hiện, được đóng
góp năng lực cá nhân trong hoạt động bồi dưỡng HSG và ôn thi vào ĐH, CĐ cho nhà
trường.
Ngoài việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán các bộ môn, việc
sử dụng, bố trí giáo viên giảng dạy các lớp bồi dưỡng HSG và ôn thi vào ĐH, CĐ
cũng cần được thực hiện một cách hợp lý, với tinh thần dành những giáo viên tốt nhất
về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cho các lớp ôn thi, đồng thời quan
tâm, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các em học sinh trong việc lựa chọn bố trí đội
ngũ giáo viên tham gia giảng dạy các lớp ôn luyện.
4. Nội dung, kiến thức và phương pháp ôn luyện:
Kiến thức dành cho các khối thi ĐH, CĐ và HSG rất phong phú và đa dạng;
nội dung các vấn đề cần giải quyết, các bài toán thường không giản đơn mà nhiều khi
rất phức tạp, khó khăn. Do vậy, trong quá trình ôn luyện giáo viên cần biết khái quát
từng vấn đề đơn lẻ, riêng rẽ thành từng dạng, cao hơn là thành các chuyên đề kèm
theo phương pháp giải quyết từng dạng, từng vấn đề. Hạn chế tối đa việc dạy từng bài
độc lập, không có quan hệ gì với các bài khác.
Trong ôn luyện ĐH, CĐ giáo viên và học sinh cần tránh khuynh hướng coi
nhẹ kiến thức cơ bản. Việc dạy kiến thức nâng cao chỉ thực hiện khi học sinh đã nắm
tương đối tốt kiến thức cơ bản.
Cần coi trọng việc rèn luyện kĩ năng làm bài; không để học sinh bị mất điểm
vì những thiếu sót trong làm bài. Giáo viên cần xác định những tình huống mà học
sinh dễ nhầm lẫn, sai sót và có biện pháp khắc phục cho các em.
Coi trọng việc giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh thực hiện và dành một
lượng thời gian thích hợp để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đó.
5. Quản lý hoạt động dạy thêm học thêm, mức độ và phương pháp học thêm
của học sinh:
Dạy thêm học thêm là hoạt động cần thiết, là nhu cầu chính đáng của học
sinh và giáo viên. Tuy nhiên, các trường cần có biện pháp để không xảy ra tình trạng
dạy thêm, học thêm tràn lan. Không để xảy ra những hiện tượng tiêu cực.
Không để học sinh học thêm quá nhiều buổi, học nhiều thầy cô, vì như vậy
sẽ làm giảm khả năng độc lập suy nghĩ của học sinh. Một tuần học không nên quá 6
buổi. Tốt nhất là mỗi môn học ổn định với 1 thầy cô giáo để bảo đảm tính hệ thống
trong kiến thức được tiếp nhận. Trong trường hợp cần thiết cũng chỉ nên học tối đa 2
thầy cô giáo. Cần nhắc nhở học sinh coi trọng tự học, cần làm cho học sinh nhận thức
được rằng: học thêm ở mức độ vừa phải kết hợp với tự học sẽ là chìa khoá thành
công.
6. Đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, tư vấn mùa thi:
Làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THPT nhằm giúp học sinh
lựa chọn trường thi vừa sức, phù hợp với nguyện vọng cá nhân và nhu cầu xã hội.
Đối với những học sinh năng lực yếu, trung bình các trường cần có biện
pháp vận động, hướng dẫn các em không nên thi đại học mà đăng kí tuyển sinh vào
các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Khi vận động, hướng dẫn cần đảm bảo
dân chủ, tự nguyện, tuyệt đối không áp đặt.
3
Trong công tác hướng nghiệp cho học sinh, các trường cần phát huy vai trò
của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn các lớp trong việc hướng dẫn lựa
chọn đăng kí trường thi.
7. Thi đua khen thưởng:
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của giáo viên, các trường cần có các hình thức
động viên và khen thưởng thoả đáng cho những giáo viên, học sinh có thành tích tốt.
Đồng thời tham mưu cho uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các xã,
phường, thị trấn; các tổ chức đoàn thể, hội khuyến học các cấp động viên, khen
thưởng kịp thời.
Trên đây là một số định hướng chung trong hoạt động Bồi dưỡng HSG và ôn
thi ĐH, CĐ. Dựa vào đặc điểm cụ thể, đề nghị các trường phổ biến rộng rãi những
kinh nghiệm đã trao đổi tại hội thảo và vận dụng những kết luận trên một cách sáng
tạo, hiệu quả để phong trào hạy - học, nhất là công tác bồi dưỡng HSG, ôn thi ĐH,
CĐ trong năm học 2010 - 2011 và những năm tiếp theo đạt kết quả cao, vững chắc./.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Vụ GDTrH (để báo cáo);
- Giám đốc, các P. Giám đốc;
- Lãnh đạo, chuyên viên phòng GDTrH, Thanh tra;
- Phòng GDTX, GDCN, KT-KĐCL
- Lưu: VT, Phòng GDTrH.
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Trí Hiệp
4
5