Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

tai lieu tham khao ve dan toc thieu so VN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (177.44 KB, 15 trang )

Khái niệm tri thức bản địa bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Dĩ nhiên, không phải đợi
đến thời điểm này, người ta mới phát hiện ra tri thức bản địa, mà thực tế, giờ đây, sau nhiều thế kỷ sử dụng khoa học phương
Tây để chinh phục thiên nhiên và coi nhẹ những kinh nghiệm sống hàng ngày của người dân ở nhiều nơi trên thế giới, các
nhà khoa học mới nhận ra tầm quan trọng của các tri thức bản địa trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá…
Việc tái phát hiện này xuất phát từ nhiều lý do như sự nổi lên của các nước thuộc thế giới thứ 3 trên trường quốc tế cả trong
lĩnh vực chính trị, kinh tế và khoa học, sự phổ biến của lý thuyết hậu hiện đại hay ngành học nhân học - những lý thuyết đề
cao vai trò của người trong cuộc, và cả những bế tắc hiện tại của khoa học kỹ thuật phương Tây hiện tại.
Trước đây, vì nhiều lý do, con người luôn cho rằng nhiệm vụ cao cả của mình là cải tạo và chinh phục tự nhiên. Khoa học
phương Tây được coi là chuẩn mực và khuôn mẫu cho cả thế giới noi theo trong suốt một thời gian dài. Khoa học tự nhiên và
xã hội phương Tây luôn cố gắng tìm cách cải biến tự nhiên, tìm hiểu các quy luật một cách khách quan, có thể đo đếm và dự
báo được, để phục vụ cho lợi ích của bản thân loài người. Trên thực tế, loài người đã làm được rất nhiều điều để thực hiện
nhiệm vụ này của mình. Đời sống của con người trở nên thuận tiện hơn từ những phát minh, sáng chế khoa học; các quy luật
tự nhiên – xã hội dần lộ diện, khiến con người không gặp quá nhiều bất ngờ trước những hiện tượng thay đổi trong tự nhiên
cũng như đời sống xã hội. Có quá nhiều những thành tựu mà con người đạt được trong quá trình cải tạo tự nhiên, xã hội của
mình.
Nhưng các giới hạn bắt đầu xuất hiện, đặc biệt khi nhiều chương trình phát triển, những áp dụng mô hình khoa học phương
Tây đã bắt đầu gặp khó khăn trong khi triển khai ở các xã hội ngoài phương Tây. Bắt đầu từ đấy, người ta xuất phát nhu cầu
tìm kiếm giải pháp khác. Cùng với những nguyên nhân khách quan khác, khai thác tri thức bản địa trở thành một trào lưu
được ưa thích trên toàn cầu, đặc biệt cho các dự án phát triển tại các nước đang phát triển.
1. Sự phát triển khái niệm tri thức bản địa
Khi nói đến tri thức bản địa, đầu tiên, chúng ta cần thiết phải xác định khái niệm về dân tộc bản địa. Trên thực tế, đây là một
khái niệm được hiểu theo nhiều nghĩa và mang tính tương đối. Công ước 169 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO
Convention 169) định nghĩa về người dân và bộ tộc bản địa là “là những người có các điều kiện xã hội, văn hoá và kinh tế
phân biệt họ với các bộ phận khác của một cộng đồng quốc gia, và địa vị của họ được quy định toàn bộ hoặc một phần bởi
phong tục hay truyền thống, hoặc bởi những luật lệ đặc biệt hay quy định của riêng họ”. Tuy nhiên cũng có những cách hiểu
khác, ví dụ, trong một quốc gia, nhiều khi những tộc người thiểu số được gọi là bản địa. Trên phạm vi toàn cầu, đôi khi người
ta gọi những dân tộc có lịch sử sinh sống lâu đời trên một vùng đất là dân tộc bản địa. Như vậy, người Việt có thể được coi là
dân bản địa ở phương diện thế giới, những không được coi là dân tộc bản địa trong phạm vi quốc gia. Bên cạnh đó, khi nghĩ
về người bản địa, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng họ là hiện thân của những giá trị văn hoá truyền thống, hoặc đôi khi, không ít
trong chúng ta cũng quan niệm họ là những người lạc hậu, hay là những cộng đồng chậm tiến hoặc cản trở sự phát triển của
cả một quốc gia.Chúng ta dễ dàng đồng ý với nhau rằng, khi nói đến người bản địa hay tri thức bản địa, chúng ta ngụ ý đến


quá trình lịch sử cộng cư, chia sẻ văn hoá và những kinh nghiệm đi kèm với nó, mang tính đặc thù địa phương. Tuy nhiên,
vấn đề ở đây là, bản thân văn hoá là một tiến trình tiếp nhận và biển đổi. Nó tích hợp trong nó cả văn hoá truyền thống và văn
hoá hiện đại. Người bản địa ngày nay cũng vậy, họ không còn là người bản địa của 50 năm về trước. Bản thân họ không sống
cuộc sống giống như cha ông họ. Văn hoá của họ cũng không còn là văn hoá thuần chất truyền thống. Và tất nhiên, không
phải bất kỳ tri thức nào của họ ngày hôm nay cũng được xem như tri thức bản địa. Theo chúng tôi, tri thức bản địa mà lâu nay
chúng ta đề cập tới là một dạng tri thức truyền thống, gắn liền với kinh nghiệm trong sinh hoạt và ứng xử với môi trường của
người dân địa phương. Trong quá khứ, các cộng đồng dân tộc bản địa sống phụ thuộc rất nhiều vào môi trường trực tiếp để
đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ. Chính vì lẽ đó, họ có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường ở địa phương và thu nhận
được nhiều kiến thức và hiểu biết hợp lý về môi trường ấy. Kiến thức bản địa được hình thành qua hoạt động, sinh hoạt hàng
ngày và cách sinh sống của họ. Chính vì vậy, ngài Cựu Tổng giám đốc UNESCO, Frederico Mayor đã định nghĩa tri thức bản
địa như sau:
Dựa vào hàng thế kỷ sống gần gũi với thiên nhiên, các dân tộc bản địa trên thế giới sở hữu những kho tàng tri thức khổng lồ
về môi trường. Sống trong tự nhiên và lớn lên cùng sự giàu có và đa dạng của hệ sinh thái phức tạp, họ có sự hiểu biết về
những đặc tính của cây cối và động vật, các chức năng của hệ sinh thái và những kỹ thuật sử dụng và quản lý chúng một cách
đặc thù và phù hợp. Ở các cộng đồng nông thôn ở các nước đang phát triển, người dân địa phương thường (có khi là hoàn
toàn) sống dựa vào những sản vật địa phương từ thức ăn, thuốc chữa bệnh, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và các sản phẩm
khác. Tương thích với điều đó, kiến thức và quan niệm của người dân về môi trường và mối quan hệ của họ với môi trường
trở thành những thành tố quan trọng hình thành nên bản sắc văn hoá.
Nguồn: trích từ Alan, R. Emery and Associates (1997) Guidelines for Environmental Assessments and Traditional
Knowledge. Dự thảoBáo cáo của Trung tâm Kiến thức bản địa của Hội đồng dân tộc bản địa thế giới, Ottawa, tr. 3-5.
Tuy có tầm quan trọng về mặt thực tế như vậy, nhưng trước đây, tri thức bản địa chỉ được coi là những tri thức nông cạn, hời
hợt, không khách quan và không mang tính khoa học, không thể kiểm nghiệm được tính đúng đắn trên thực tế, vì vậy, khả
năng áp dụng của tri thức bản địa trong các lĩnh vực khoa học hạn chế. Không những thế, kể từ khi chủ nghĩa thực chứng của
A. Comte ra đời, khi chỉ những gì có thể kiểm nghiệm được mới trở thành khoa học, tri thức bản địa trở thành những kiến
thức “phi khoa học”, và ít được các nhà khoa học để ý đến. Chủ nghĩa công nghiệp với tư duy sản xuất hàng loạt cùng ngành
khoa học tồn tại phục vụ nó không ủng hộ những giải pháp nhỏ lẻ, mang tính địa phương. Hơn thế, sự phát triển áp đảo của
nền kinh tế, chính trị phương Tây đã khiến mô hình phương Tây trở thành chuẩn mực cho toàn thế giới. Mọi lĩnh vực của đời
sống con người bị quy chiếu theo những tiêu chuẩn phương Tây.
Dù vậy, như trên đã nói, tri thức bản địa ngày càng được nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của nó, và không bị coi là những
kiến thức không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, không phải vì những hạn chế mà khoa học phương Tây đang gặp phải và vị

thế đang lên của tri thức bản địa mà chúng ta phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực và thành tựu của khoa học phương Tây từ
trước tới nay. Hai dạng tri thức này có thể bổ sung cho nhau, vì lợi ích con người.
Theo chúng tôi, sự nổi lên của tri thức bản địa trên bản đồ khoa học thế giới bởi 4 lý do chính như sau:
1. Sự nổi lên của thế giới thứ ba: Rõ ràng, với quá trình giành độc lập cho các quốc gia từ sau thế chiến lần 2, các
nước ngoài phương Tây đã ngày càng có vai trò lớn hơn trên bản đồ kinh tế, chính trị và cả khoa học quốc tế. Từ vai trò bị lệ
thuộc vào thế giớ phương Tây trên mọi lĩnh vực, giờ đây, tiếng nói của các nước nhỏ ngày càng có trọng lượng hơn và được
thế giới phương Tây lắng nghe nhiều hơn. Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và rất nhiều các nước khác đã trở thành những cán
cân quyền lực mới buộc các nước phương Tây phải thay đổi cách quan niệm về cách tư duy ngoài phương Tây. Bên cạnh đó,
sự lớn mạnh của đội ngũ các nhà khoa học ngoài phương Tây với sự độc lập tương đối của nó đã khiến cho những tri thức
khác phương Tây giờ không bị coi là phi khoa học hay bị coi thường nữa.
2. Sự bế tắc của khoa học phương Tây: Ngoài lý do của sự nổi lên của các nước, sự bế tắc thực sự của khoa học
phương Tây trong nhiều trường hợp đã khiến nền khoa học này đi tìm những cách lý giải khác với nó. Từ chủ nghĩa duy vật,
chủ nghĩa duy tâm tới các chủ nghĩa thực chứng, phản thực chứng đã bế tắc trong nhiều câu hỏi liên quan đến lý thuyết và
thực tế, đặc biệt là những thực tế ngoài Âu châu. Ví dụ, sự tranh cãi về vật chất và ý thức trở nên không có lời giải và vô bổ
giống như câu chuyện về con gà và quả trứng, hay y học phương Tây, chủ yếu nhấn mạnh đến phương pháp đau đâu chữa
đấy, ban đầu đã không thể hiểu được cách chữa bệnh của Đông Y. Kết quả là, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về những mô hình
khoa học phương Tây áp dụng cho phương Đông liệu có còn thích hợp nữa hay không. Đi kèm với nó, việc áp dụng những
kinh nghiệm thực tế ở các địa phương khác nhau đã tìm ra những câu trả lời thực tế cho những bế tắc này. Tất cả những điều
này dẫn đến việc khoa học phương Tây tự nhìn lại mình và tìm đến các tri thức bản địa như một dạng tri thức so sánh và
kiểm nghiệm tính đúng đắn trong các xác nhận khoa học của mình.
3. Việc phổ biến của tri thức nhân học: Nhân học là một ngành khoa học còn tương đối mới mẻ so với các ngành
khoa học khác. Một trong những hạt nhân tư duy của ngành học này là xem xét sự vật như nó vốn có, từ con mắt của chủ thể,
người trong cuộc, chứ không tìm cách áp đặt những đánh giá “khách quan” của các nhà khoa học. Nhân học thực sự phát
triển vào nửa sau của thế kỷ 20 và đóng góp một phần quan trọng, không chỉ trong khoa học, mà trong cách quan niệm của xã
hội về mọi sự vật, hiện tượng. Mọi người, hiện tượng hay sự kiện xã hội được trao quyền và tiếng nói để nói lên tâm tư,
nguyện vọng của mình. Đó chính là một trong những lý do căn bản để người dân tộc thiểu số, các nhóm nhỏ trong xã hội
được lên tiếng và xã hội toàn thể lắng nghe họ. Tri thức bản địa cũng là một trong những lĩnh vực được lợi từ những quan
điểm nhân học này.
4. Lý thuyết hậu hiện đại: cũng giống như nhân học, một trong những trọng tâm lý thuyết của lý thuyết hậu hiện đại
khẳng định cái tôi, bản sắc của các chủ thể sáng tạo. Thay vì áp dụng những mô hình có sẵn cho toàn bộ, lý thuyết hậu hiện

đại đề cao sáng tạo cá nhân và những giải thích đơn lẻ. Chính từ quan điểm rộng mở này, giới khoa học và cả xã hội đã đón
nhận những tri thức “lạ” một cách dễ dàng hơn. Tri thức bản địa giờ đây được lý giải một cách khách quan hơn, và không còn
bị coi là những tri thức không khoa học, thần bí, phi lôgíc v.v
Bốn tiền đề trên là những cơ sở cơ bản cho sự nổi lên của tri thức bản địa trong giai đoạn vừa qua. Tuy vậy, đây cũng chỉ là
một tiền đề để tri thức bản địa được biết đến rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, những áp dụng và thành công trong thực tiễn cũng đã
giúp cho tri thức bản địa ngày càng củng cố vị trí khoa học của mình trong thời đại hiện nay.
Về mặt lịch sử, phải nhấn mạnh rằng, khái niệm tri thức bản địa được nhắc tới nhiều do sự ảnh hưởng của khoa học tự nhiên
và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát từ kinh nghiệm trong việc trồng trọt và chăn nuôi ở những vùng có
điều kiện thổ nhưỡng khác nhau và khác với xuất xứ của các cây trồng vật nuôi này, các nhà khoa học đã để ý đến kinh
nghiệm của người dân bản địa trong việc xử lý những vấn đề khó khăn trong quá trình thích nghi. Vốn trải qua một quá trình
thích nghi từ rất lâu đời, người dân ở từng địa phương đã tích luỹ được những kinh nghiệm nhất định đối với cuộc sống diễn
ra xung quanh họ. Người dân hiểu rất rõ mối quan hệ giữa vật nuôi, cây trồng của họ với các điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng
tới quá trình sinh trưởng của động, thực vật. Khi các nhà khoa học biết cách phối hợp những tri thức bản địa này với những
tri thức và phương pháp khoa học hiện đại, họ có thể giúp cây trồng và vật nuôi thích nghi tốt hơn với điều kiện địa phương.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 124 nước hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu tri thức bản địa nhằm tăng tính hiệu quả
trong phát triển nông thôn và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cá biệt, nhiều nước trên thế giới chú trọng khai thác
dạng tài nguyên này cho các mục đích thương mại có giá trị cao ví dụ trong lĩnh vực dược học và mỹ phẩm. Ngoài ra, ở rất
nhiều nơi trên thế giới kể cả các nước phát triển và đang phát triển, tri thức bản địa đang được nghiên cứu hỗ trợ cho các
nghiên cứu khoa học, làm tăng nguồn tư liệu cơ sở về môi trường, được sử dụng để đánh giá tác động của quy trình phát
triển, được sử dụng như một công cụ để lựa chọn, quyết định. Vì vậy, nên phát triển nghiên cứu tri thức bản địa nhằm thu
thập, lưu trữ, nâng cao sự hiểu biết các tiến trình phát triển, ứng dụng và điều chỉnh kỹ thuật của các cộng đồng cư dân địa
phương (Wongsamun, 1992)
Chính vì những lý do thực tế đo, các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các chính phủ sử
dụng tri thức bản địa trong các kế hoạch phát triển của mình. Ở Việt Nam, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ chính là
những cơ quan đầu tiên áp dụng việc sử dụng tri thức bản địa trong việc cải thiện khả năng canh tác trồng trọt, nâng cao chất
lượng sống… ở các địa phương.
Do tri thức bản địa gắn bó với cuộc sống của người dân và được trải nghiệm trong lịch sử nên đa số tri thức bản địa là những
tri thức liên quan đến môi trường, cách thức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Đó có thể là làm nhà hướng Nam, dùng lá xoan
khô đưa vào trong chậu vại cùng với đậu xanh, đậu đen, ngô để bảo quản, cách làm ruộng bậc thang san đất hay xếp đá, dùng
"cày Mèo" rất phù hợp cho việc canh tác trên đất dốc… Khi môi trường ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng đối với

nhân loại, tri thức bản địa cũng trở thành một giải pháp để các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu tìm cách cải thiện
điều kiện môi trường tốt hơn bằng những biện pháp ít tốn kém và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện địa phương.
Như vậy, tri thức bản địa mang tính đặc thù cho mỗi khu vực, mỗi cộng đồng nhất định. Nó dựa trên những kinh nghiệm
được tích lũy, thừa kế từ người này qua người khác, đời này qua đời khác. Kiến thức được lưu truyền trực tiếp từ người này
sang người khác. Tri thức bản địa được phản ánh trong những bài dân ca, câu chuyện, truyền thuyết, và những thực hành văn
hoá của người bản địa. Đôi khi nó được bảo tồn dưới dạng trí nhớ, nghi thức, lễ thức hay điệu múa. Đôi khi nó được lưu giữ
dưới dạng những vật dụng được lưu truyền từ đời cha sang đời con, hay từ mẹ cho con gái. Trong các hệ thống tri thức bản
địa, thường không có sự cách biệt giữa kiến thức tôn giáo, thế tục và thực hành – chúng chỉ là một và giống nhau.
Tri thức bản địa là những kinh nghiệm đã được thử thách, tôi luyện qua nhiều năm sử dụng. Những yếu điểm dần được cải
thiện cùng với thời gian, những tinh túy dần được chắt lọc và cuối cùng là hoàn thiện và phổ cập. Tri thức bản địa là những
kinh nghiệm, nhưng nó lại phải phù hợp với môi trường, văn hóa từng vùng, từng cộng đồng và từng tộc người. Và, tri thức
bản địa tuy là những kinh nghiệm sống, nhưng lại động và thay đổi phù hợp với những điều kiện mới, cơ cấu xã hội mới.
Frederico Mayor nhấn mạnh
Tri thức bản địa là tri thức địa phương, đặc thù đối với một nền văn hoá hay một xã hội. Tri thức bản địa được biết dưới dạng
tri thức địa phương, tri thức dân gian, tri thức của người dân, trí tuệ dân gian hoặc khoa học truyền thống. Loại tri thức này
được trao truyền từ thế hệ này cho thế hệ kia, thường qua truyền miệng và các lễ thức văn hoá, và là nền tảng cho nông
nghiệp, chuẩn bị thức ăn, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, bảo quản và rất nhiều dạng hoạt động khác để duy trì xã hội và môi
trường ở những vùng đất khác nhau trên thế giới từ nhiều thế kỷ qua.
Nguồn: trích từ Alan, R. Emery and Associates (1997) Guidelines for Environmental Assessments and Traditional
Knowledge. Dự thảoBáo cáo của Trung tâm Kiến thức bản địa của Hội đồng dân tộc bản địa thế giới, Ottawa, tr. 3-5.
2. Mối quan hệ giữa tri thức bản địa và khoa học
Tri thức bản địa chỉ được hiểu một cách rõ ràng nhất khi chúng ta đem nó so sánh với kiến thức khoa học mà chúng ta quen
thuộc. Chúng ta có thể có một so sánh tham khảo như sau:
Các lĩnh vực
tri thức
Tri thức bản địa Kiến thức “khoa học”
1. Phạm vi

• Linh thiêng và thế tục cùng đồng hành; bao
gồm cả siêu nhiên

• Hội nhập toàn thể, dựa vào hệ thống
• Được lưu giữ thông qua truyền miêng và
trong các thực hành văn hoá.

• Chỉ tính tới thế tục; loại trừ siêu nhiên
• Phân tích hay quy giản, dựa vào các tập hợp
nhỏ của cái toàn thể
• Được lưu giữ thông qua sách vở và máy tính
2. Mức độ
chân lý

• Được coi là chân lý
• Chủ quan
• Chân lý được thấy trong tự nhiên và trong
niềm tin
• Giải thích dựa vào ví dụ, kinh nghiệm và tục
ngữ.

• Được coi là tiếp cận gần nhất đến chân lý
• Chân lý được tìm thấy từ sự lý giải của con
người
• Giải thích dựa vào giả thuyết, lý thuyết và
quy luật
3. Mục đích

• Trí tuệ lâu dài
• Thực tế cuộc sống và tồn tại
• Có khả năng dự báo tốt ở địa phương (có giá
trị về sinh thái)
• Yếu hơn trong điều kiện ở các vùng xa, khác


• Suy đoán ngắn hạn
• Trừu tượng; trải qua kiểm tra
• Có khả năng dự báo tốt trong điều kiện tự
nhiên (có giá trị về duy lý)
• Yếu trong việc sử dụng kiến thức địa phương
4. Cách dạy và
học

• Lĩnh hội mất nhiều thời gian ('kiến thức
chậm’)
• Học thông qua cách sống, trải nghiệm và làm
• Dạy thông qua ví dụ, làm mẫu, tôn giáo và kể

• Lĩnh hội nhanh (''kiến thức nhanh’)
• Học thông qua giáo dục chínhthức
• Dạy thông qua sách giáo khoa
chuyện
• Được kiểm nghiệm thông qua các tình huống
thực tế
· Được kiểm nghiệm giả tạo trong các kiểm tra
Nguồn: trích từ Alan, R. Emery and Associates (1997) Guidelines for Environmental Assessments and Traditional
Knowledge. Dự thảoBáo cáo của Trung tâm Kiến thức bản địa của Hội đồng dân tộc bản địa thế giới, Ottawa, tr. 4-5.
Như vậy, chúng ta có thể có một vài nhận xét về mối quan hệ giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học như sau:
Đầu tiên, kiến thức khoa học được sinh ra bởi các nhà khoa học chuyên nghiệp thông qua những thí nghiệm và nghiên cứu
khoa học một cách hệ thống trong khi tri thức bản địa được sinh ra bởi kinh nghiệm hàng ngày của họ khi chung sống với tự
nhiên và xã hội. Người dân địa phương cũng thực hiện những thí nghiệm và nghiên cứu nhưng khác với các nhà khoa học
chuyên nghiệp, họ nghiên cứu như một phần của nỗ lực để tồn tại trong khi làm việc để kiếm sống. Các nhà khoa học, mặt
khác, thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay những cánh đồng thử nghiệm trong những điều kiện giả định, nhân
tạo, trong khi người dân địa phương thực hiện nghiên cứu trong điều kiện tự nhiên ở nơi nào đó mà họ thường làm việc.

Kiến thức bản địa được xuất phát từ các nhà khoa học chuyên nghiệp và thường được ghi chép lại trong khi kiến thức bản địa
thường không được ghi chép. Bên cạnh đó, tri thức bản địa sinh ra trong một văn hoá ở những dạng khác nhau như các thực
hành văn hoá, phong tục, tập quán, tôn giáo và tín ngưỡng, nghi lễ, văn học dân gian, dân ca, truyền thuyết và tục ngữ.
Không giống tri thức khoa học, tri thức bản địa ngầm ẩn và khó để cho người ngoài hiểu được. Tri thức bản địa không được
tiêu chuẩn hoá trong khi tri thức khoa học được tiêu chuẩn hoá và được thể hiện bằng các thuật ngữ có tính toàn cầu, tri thức
bản địa không mang tính tiêu chuẩn hoá và được thể hiện bằng ngôn ngữ địa phương. Ở phương diện này, tri thức bản địa
nhìn chung không thể di chuyển được ra khỏi khu vực của mình trong khi tri thức khoa học có khả năng ứng dụng toàn cầu.
Do vậy, khoa học được xem là một hệ thống tri thức toàn cầu trong khi tri thức bản địa mang tính đặc thù địa phương và
được xem là ít có khả năng ứng dụng ở bên ngoài biên giới lãnh thổ của mình.
Tri thức bản địa là kiến thức sinh kế trong khi khoa học là kiến thức của kinh tế thị trường. Kiến thức bản địa là các kỹ thuật
cho việc sản xuất theo quy mô nhỏ, đáp ứng nhu cầu của gia đình, trong khi khoa học dựa trên sản xuất quy mô lớn để cung
cấp cho thị trường quốc gia, quốc tế. Những người sống trong nền kinh tế sinh kế, tự cung, tự cấp thường sản xuất ra đủ đáp
ứng cho nhu cầu của gia đình mình mà không quá cố gắng chế ngự thiên nhiên hay khai thác nó một cách quá đáng. Họ phát
triển những công nghệ hài hoà với tự nhiên.
Các nhà khoa học phương Tây khám phá tự nhiên và xã hội để tìm hiểu quy luật cho các hiện tượng khác nhau và tìm kiếm
sự giải thích cho các quan hệ đã được xác định. Kết quả là họ xây dựng nên những lý thuyết để sử dụng cho những dự đoán
và tạo nên những công nghệ - ứng dụng thực tiễn của kiến thức. Người dân địa phương cũng giống như những nhà khoa học,
khám phá tự nhiên và xã hội trong khung cảnh riêng của họ, nhưng không giống như các nhà khoa học, họ không tìm kiếm
những giải thích chi tiết, bởi vậy, những mối quan hệ đã được xác định tồn tại dưới dạng các niềm tin. Khi niềm tin trở thành
mong đợi của họ, điều này khiến họ không quan tâm đến việc đi tìm câu giải thích chi tiết, bởi vậy, tri thức bản địa đầy rẫy
những niềm tin mà không thể giải thích một cách duy lý được. Tri thức bản địa là không duy lý và mang tính mô tả trong khi
khoa học phương Tây là duy lý và mang tính phân tích.
3. Một vài kết luận
Ngày nay, tri thức bản địa đang được đề cao vì nhiều lý do. Tuy vậy, không phải vì thế mà chúng ta quá nghi ngờ những tri
thức khoa học mà bao thế hệ các nhà khoa học phương Tây đã sáng tạo ra cho thế giới. Hơn thế, không phải những kiến thức
bản địa nào cũng được sử dụng như nhau và phát huy được hiệu quả trong bối cảnh mới. Một số những tri thức bản địa rất có
thể không có hiệu quả hoặc thậm chí lại có hại và kìm hãm sự phát triển. Điều kiện hình thành tri thức bản địa trước kia đã ít
nhiều khác với bối cảnh xã hội hiện nay, chính vì vậy, tri thức bản địa được hình thành trong những điều kiện ấy khó thích
hợp với điều kiện xã hội bây giờ. Do vậy, áp dụng tri thức bản địa không nên thực hiện một cách máy móc.
Tri thức bản địa đã được hình thành qua nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ. Sự sản sinh ấy vẫn còn tiếp diễn trong các xã hội hiện nay

ở trong các cộng đồng nhất định và trong một bối cảnh mới. Những tri thức ấy cũng đáng quý như những tri thức trước đây
được sản sinh bởi cha ông người dân tộc bản địa. Thông qua sự kết hợp với khoa học hiện đại, những tri thức bản địa ấy sẽ
ngày càng trở nên có giá trị hơn.
Khái niệm tri thức bản địa hiện đã không còn xa lạ đối với rất nhiều nhà nghiên cứu nhân học, văn hoá, dân tộc học và đặc
biệt đối với các chuyên gia phát triển.
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), một trong những thể chế kinh tế quyền lực nhất trên thế giới hiện nay thì Tri thức
bản địa là tri thức địa phương, là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh
vực của cuộc sống đương đại bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thức ăn, y tế, giáo dục và trong
các hoạt động xã hội và cộng đồng. Tri thức bản địa còn có cung cấp các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho
cộng đồng dân cư địa phương (World Bank, 1998)
Định nghĩa này chính thức được đưa ra trong một chương trình “Tri thức bản địa cho sự phát triển” tại châu Phi của World
Bank vào năm 1998, coi tri thức bản địa như là một nguồn quan trọng trong việc làm tăng tính hiệu quả, năng lực và tính bền
vững cho các chương trình phát triển (Gorjestani, 2000)
Ta sẽ tạm chưa xem xét đến tính hiệu quả của việc World Bank sử dụng tri thức bản địa của các tộc người trên thế giới trong
các chương trình phát triển của nó mà chỉ mới quan tâm đến việc rõ ràng là vai trò và giá trị của tri thức bản địa là không thể
phủ nhận và ngày càng được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Cùng với vị trí ngày càng cao của tri thức bản địa là sự tôn
trọng được mang đến nhiều hơn cho cộng đồng các tộc người, chủ sở hữu của các tri thức này.
Tuy nhiên, trước khi tri thức bản địa đạt được vị trí trung tâm của các mối quan tâm như hiện nay nó cũng đã phải trải qua
nhiều giai đoạn, được ủng hộ hoặc bị bác bỏ, được bao hàm hoặc được lề hoá ra khỏi các chương trình phát triển tại nhiều nơi
trên thế giới. Nhưng thăng trầm đã và đang xảy ra đối với tri thức bản địa luôn được đặt trong mối tương quan với hệ thống
tri thức khoa học của phương Tây và những tiêu chí được dùng để làm công việc phân biệt giữa hai loại hệ thống kiến thức
này chính là vai trò và sự trao đổi của hai hệ thống tri thức này trong các chương trình phát triển trên toàn thế giới.


1. Tri thức bản địa và những đặc điểm chung
Dù sử dụng tên gọi như: tri thức bản địa, tri thức kỹ thuật bản địa, sinh thái dân tộc học, tri thức địa phương, tri thức dân
gian, tri thức truyền thống, tri thức truyền thống về môi trường, khoa học của dân hay tri thức của người nông thôn, thì đối
tượng mà người ta muốn nhắc đến là một hệ thống các tri thức đặc trưng của các cộng đồng người địa phương liên quan đến
cái cách cộng đồng này quan hệ với môi trường tự nhiên xung quanh. Các cách gọi này cũng thể hiện rõ ràng cách những
người sử dụng tiếp cận vấn đề và đặt các vấn đề liên quan đến nó.

Dưới đây là một số các đặc điểm được thừa nhận chung tạm thời về tri thức bản địa theo Roy Ellen và Holly Harris trong
phần Giới thiệu của cuốn sách “Tri thức bản địa về môi trường và những biến đổi” thay cho việc định nghĩa thế nào là tri
thức bản địa vốn vẫn đang là một vấn đề bàn luận của các nhà nghiên cứu:
1. Tri thức bản địa mang tính địa phương, bắt nguồn từ một địa điểm cụ thể, là một tập hợp của các kinh nghiệm có được
từ những con người sống tại địa điểm đó. Việc di chuyển những kiến thức này sang một địa điểm khác sẽ đưa đến nguy cơ
làm biến đối các tri thức này.
2. Tri thức bản địa là những tri thức được truyền miệng, hoặc được chuyển giao thông qua các hình thức mô phỏng hoặc
mô tả. Ghi chép lại những tri thức này bằng văn bản có thể làm thay đổi những thuộc tính đặc trưng của chúng. Ghi chép lại
có thể làm cho các tri thức này dễ tiếp cận và lâu bền nhưng lại cũng làm biến đổi các tri thức này như trong trường hợp trên.
3. Tri thức bản địa là hệ quả của các gắn kết thực tế trong đời sống hàng ngày và liên tục được củng cố bằng các kinh
nghiệm, các lần thử, các lỗi và các thử nghiệm cẩn trọng. Những trải nghiệm này là sản phẩm tiêu biểu của rất nhiều thế hệ.
Những thất bại của các thử nghiệm này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người đang thực hành nó trong khi
những thành công của các thử nghiệm này có thể được coi là công cụ đo lường tốt cho lý thuyết thích nghi của Darwin.
4. Tri thức bản địa có xu hướng là loại kiến thức mang tính thực tiễn và giả thuyết – kinh nghiệm hơn là mang tính lý
thuyết theo nghĩa chính xác nhất. Ở một mức độ nào đó thì tính truyền miệng, phi văn bản, cũng như sự gắn kết của nó trong
các hoạt động thực tiễn hàng ngày và những hồi ức chứa đựng nó gây trở ngại cho những kiểu tổ chức cần thiết cho sự phát
triển của loại tri thức mang tính lý thuyết suông.
5. Truyền thống là “một nhân tố hay thay đổi và làm biến đổi không hồi kết” khi được gắn với tri thức. Tri thức bản địa vì
thế liên tục thay đổi, được tạo ra và tái tạo, được khám phá và bị mất đi mặc dù dường như nó thường được thể hiện như
trong một trạng thái tĩnh.
6. Tri thức bản địa được chia sẻ ở một mức độ lớn hơn rất nhiều so với các loại tri thức khác, bao gồm cả tri thức khoa
học. Đấy chính là lý do vì sao đôi khi nó còn được gọi là “tri thức của dân”, một cách gọi bắt nguồn từ chính thế hệ của nó
trong đời sống sản xuất hàng ngày. Tuy nhiên, sự phân bố của tri thức bản địa vẫn mang tính phân đoạn, phân biệt về mặt xã
hội. Nó thường được phân biệt đối xứng trong khuôn khổ một khu vực dân cư, ví dụ như theo giới hoặc tuổi hoặc được phân
bố trong ký ức của từng cá nhân riêng biệt. Cũng có thể là có các chuyên gia thông qua các kinh nghiệm của họ, hoặc các
nghi lễ hoặc quyền lực về mặt chính trị.
7. Mặc dù tri thức bản địa có thể tập trung vào các cá nhân và có thể được đạt đến bằng mức độ gắn kết với các nghi lễ
hoặc các cấu trúc biểu tượng khác nhưng sự phân bố của nó luôn gián đoạn. Nó không tồn tại trong một thể tổng thể mà ở
từng nơi và với từng cá nhân. Thực ra mà nói, tri thức bản địa không hẳn là được chuyển giao từ cá nhân đến cá nhân mà
trong từng thực hành và trong từng giao tiếp xã hội trong đó, con người trao đổi với nhau.

8. Việc coi tri thức bản địa mang tính chỉnh thể hợp nhất trong khuôn khổ của các truyền thống văn hoá rộng lớn hơn,
tách rời những vấn đề kỹ thuật với cái không mang tính kỹ thuật, lý tính với cái không lý tính là cần được xem xét lại. (Ellen,
R, 2003: 4-5)


2. Tri thức bản địa và những bước thăng trầm

2.1. Tri thức bản địa bị lãng quên
Như trên đã đề cập, hầu hết mọi người đều thừa nhận vai trò của tri thức bản địa như là một nhân tố then chốt trong mọi
chương trình phát triển đã và đang được tiến hành, đặc biệt đối với những chương trình phát triển có mục tiêu là đạt tới sự
bền vững. (Arun Agrawal. 2004)
Tuy nhiên, ngược trở lại bối cảnh thế giới giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ II, khái niệm “phát triển” theo từng giai đoạn
biến đổi của nền kinh tế thế giới được bồi đắp dần lên với các nghĩa mới bổ sung. Bắt đầu từ giai đoạn phát triển tập trung
chủ yếu vào việc khôi phục nền kinh tế thế giới sau cuộc chiến, tiếp theo sau giai đoạn này là sự tăng trưởng đồng đều trên
mọi lĩnh vực của cuộc sống nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người và dần nâng cao chất lượng cuộc sống cho loài
người. Chủ nghĩa phát triển đến giai đoạn này như là một đại chủ nghĩa, siêu lý thuyết phủ bóng lên toàn thế giới. Các nhà
phát triển đến từ các nước phương Tây, được trang bị bằng hệ thống khoa học và kiến thức của phương Tây đến các nước thứ
ba nhằm “phát triển” các nước này và mở rộng công cuộc truyền bá và ứng dụng tri thức khoa học. Trong công cuộc này, họ
coi các nguồn kiến thức địa phương như là những trở ngại cần phải được vượt qua để có thể đạt tới mục tiêu của các công
cuộc phát triển. Các nhà làm công tác phát triển coi truyền thống và các giá trị truyền thống của các tộc người trên thế giới
như những gì yếu kém, lạc hậu, cần được huỷ bỏ hơn là được động viên để sử dụng. Tính hợp pháp của tri thức truyền thống
bị nghi ngờ. Đặc biệt đối với những những chương trình phát triển theo mô hình “trên - dưới”[1]. Vấn đề của mô hình này là
quá quan tâm đến các mục tiêu cụ thể, đến sự thành hay bại của chương trình hoặc chính sách dựa trên được đánh giá so với
mục tiêu được đặt ra từ trên xuống lúc ban đầu và không bao giờ nhận ra hoặc cố tình lảng tránh vai trò của các nền tảng kinh
tế, văn hoá, chính trị, xã hội của địa phương, nơi mà họ đang tiến hành áp dụng các mô hình phát triển của họ vào đó. Trong
suốt một thời gian dài mấy chục năm đầu của thế kỷ 20, các mô hình phát triển được mang đi áp dụng thực hiện ở các nước
thứ ba hoàn toàn dựa trên những kiến thức, những nghiên cứu được kiểm chứng qua các phòng thí nghiệm, các đơn vị nghiên
cứu hoặc các trường đại học. Trong mô hình phát triển này, hạn chế lớn của nó đã được thừa nhận sau này là giả định về một
mô hình hoàn hảo thích hợp cho mọi địa phương mà nó được tiến hành và bỏ qua vấn đề liên quan đến bối cảnh xã hội cụ thể
của từng cộng đồng mô hình đang hướng tới. Những kinh nghiệm, hiểu biết của các tộc ngưòi bản địa ở các địa phương bị bỏ

qua và đánh giá là không có giá trị sử dụng, hoặc không mang tính khoa học (phi khoa học), lạc hậu, không đáng được cân
nhắc và xem xét trong rất nhiều các chương trình phát triển được mang từ các nước phương Tây sang các nước thứ ba. Hơn
nữa, việc sử dụng một mô hình áp dụng cho mọi trường hợp đã dẫn đến sự thất bại của rất nhiều chương trình phát triển do
không nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ phía địa phương. Các chuyên gia phát triển từ các nước phương Tây, được sự hẫu
thuẫn về mặt kinh tế, chính trị và khoa học của chính quốc, họ cho rằng họ có một sứ mệnh cao cả trong việc làm thay đối bộ
mặt của thế giới. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm thực hiện, thế giới vẫn đang nằm trong tình trạng đối trọng Nam - Bắc (Cực
giàu - cực nghèo), tình trạng nghèo đói và kém phát triển vẫn đang tiếp diễn tại Tây Phi là một ví dụ điển hình cho sự thất bại
của các tiếp cận này.

2.2. Tri thức bản địa lên ngôi
Bắt đầu từ những năm 60-70 của thế kỷ 20, việc lề hoá tri thức bản địa và vai trò của các tộc người bản địa được xem xét lại.
Mối quan tâm, thiện cảm dành cho những tri thức địa phương, tri thức truyền thống ngày càng nhiều lên theo một số nhân tố
sau:

(1). Sự thất bại của các chính sách phát triển
Một trong những lý do chủ yếu là do sự thất bại của các chính sách phát triển như đã nói ở trên. Các chuyên gia phát triển dần
nhận ra rằng, các tộc người bản địa cùng với các sinh hoạt văn hoá, xã hội, kinh tế của mình đã và đang sống cuộc sống hài
hoà và thân thiện với môi trường xung quanh. Trong khi đó, sự đổ vỡ của các tri thức khoa học phương Tây, các dự án hiện
đại hoá mang tính khoa học công nghệ cao lại không mang đến những kết cục đáng mong đợi, xa rời thực tiễn của các địa
phương và không có khả năng giải quyết nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật đặt ra trong cuộc sống hàng ngày như những người
dân bản địa có thể làm. Allen, R và Holly Harris gọi đó là “lý do lãng mạn” cho sự nổi lên của tri thức bản địa, cho rằng các
dự án phát triển này là “những bài thơ hay” nhưng “khoa học dở” (Ellen, R, 2003: 13)

(2). Sự nổi lên của khái niệm “Phát triển bền vững”
Quan niệm mới về phát triển, “Phát triển bền vững”, được thay thế hoàn toàn cho quan niệm phát triển truyền thống (phát
triển kinh tế bằng mọi giá không quan tâm đến môi trường) khi nó nhấn mạnh đến khả năng đáp ứng được nhu cầu của của
hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp theo. Năm 1987, Uỷ ban Thế giới về môi trường và phát triển
(WCED) cùng với tuyên ngôn về một “Tương lai chung của chúng ta” ra cảnh báo về sự suy thoái của môi trường do nghèo
đói kể cả khi không có sự hiện diện của các ngành phát triển công nghiệp trên toàn thế giới. Tương lai ảm đạm của một thế
giới trong tương lai được cảnh báo liên tục từ các tổ chức phi chính phủ, các nhà tương lai học và từ chính các quốc gia đang

phải đối mặt với các nguy cơ này. Dần dần, các chuyên gia phát triển, những người hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các
tổ chức phi chính phủ nhận ra rằng những tri thức truyền thống, thế giới quan và văn hoá của các tộc người bản địa ẩn chứa
mối quan hệ hài hoà thân thiện với môi trường. Các tộc người bản địa lúc này được xem như những nhà sinh thái học thực sự
với những hiểu biết sâu sắc về môi trường, những quan niệm, niềm tin và cả các cách họ bảo vệ nguồn tài nguyên thiên
nhiên.
Trường hợp người Aru sống trên quần đảo Aru ở khu vực Đông Indonesia là một ví dụ tiêu biểu. Nguồn sống chủ yếu của tộc
người này chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên tự nhiên xung quanh. Các hoạt động kinh tế của tộc người này chủ yếu phụ
thuộc vào 2 loại gió mùa Đông và gió mùa Tây. Trong giai đoạn gió mùa Đông từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, người Aru
chỉ tiến hành thu thập hải sâm ở các bãi thuỷ triều, bãi cát, đánh bắt cá hoặc làm việc và săn bắn trên đất liền. Đến đợt gió
mùa Tây kéo dài từ tháng 11 đến tháng Tư hàng năm, người Aru tập trung vào việc thu hoạch hải sâm tại các dải đá ngầm,
vụng nước sâu, lặn mò ngọc trai và thậm chí là săn bắt cá mập. Người Aru hiểu biết rất rõ về giá trị kinh tế và y học của hải
sâm, nắm được các loại và đặc điểm của nhiều loại hải sâm khác nhau, thời điểm thích hợp và địa điểm thích hợp để đánh bắt
các loại hải sâm này trong một năm. Họ biết rằng, yếu tố mùa và thuỷ triều là hai nhân tố then chốt quyết định số lượng hải
sâm người Aru có thể thu hoạch được trong mỗi lần đi. Người Aru lưu giữ cho mình những hiểu biết sâu sắc về hải sâm và
các cách thức để thu hoạch hải sâm được hiệu quả nhất.
Cả nam và nữ người Aru đều tham gia vào công việc thu lượm hải sâm. Đàn ông thì lặn lúc mùa gió mùa Tây, thu lượm hải
sâm bằng cách đi bộ và lội trong suốt mùa gió mùa Đông. Phụ nữ thì đi tìm trên các bãi thuỷ triều và các dãy san hô vào ban
ngày mùa gió mùa Tây, vào buổi tối mùa gió mùa Đông. Đôi khi phụ nữ cũng đi cùng với đàn ông, sử dụng đèn điện và đèn
chạy bằng ga. Kiến thức về các loại hải sâm và địa điểm khác nhau theo giới tính và kinh nghiệm có liên quan. Phụ nữ
thường chỉ tìm kiếm ở các bãi thuỷ triều và chỉ tìm 4 loại: sem putih và matahui vào mùa gió Đông lúc buổi tối còn vào mùa
gió Tây thì họ thu lượm hải sâm đen và đỏ các loại, sem hitam và sem merah. Thợ lặn nam thì tìm 3 loại còn lại trong năm
cùng với một số loại khác thường chỉ có ở vùng nước sâu. Mỗi loại hải sâm khác nhau thường chỉ xuất hiện ở từng vùng khác
nhau phụ thuộc vào từng vùng biển. (Osseweijer, 2003: 64-65)
Người Aru còn có một hình thức nhằm hạn chế việc thu hoạch thái quá tài nguyên biển truyền thống, gọi là sir hoặc sasi. Đây
là một nghi lễ mang tính cấm đoán và được thực hành bởi một làng hoặc các nhóm làng chung nhau trong cùng tộc người.
Khi sir/sasi được tiến hành có nghĩa là trong vòng ba đến năm năm, không ai được quyền khai thác tài nguyên biển trên một
vùng biển quy định nhất định. Sau khi kết thúc quãng thời gian này, các bãi và vụng biển được mở cửa trở lại và mọi người
lại có thể tiếp tục khai thác. Từ xa xưa trong lịch sử tộc người Aru, nghi lễ này chính là một hình thức quản lý tài nguyên
biển hiệu quả.
Nhưng đồng thời, trong rất nhiều trường hợp, những thực hành và quan niệm truyền thống của họ về môi trường lại chính là

nguyên nhân phần nào dẫn đến sự suy thoái của các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Cũng trong trường hợp của người Aru, thu hoạch hải sâm và đánh bắt các tài nguyên biển là một nguồn thu nhập chính của
họ. Tuy nhiên, ngay từ rất sớm việc thu hoạch hải sâm của người Aru ngoài nhu cầu thức ăn còn bị chi phối bởi nhu cầu trao
đổi, buôn bán hàng hoá với những thương nhân, những người buôn bán nhỏ người Indonesia và Trung Quốc. Những người
này trải qua quá trình trao đổi buôn bán với người Aru đã dần định cư tại vùng này và làm công việc buôn bán các sản vật
biển thu được bởi người Aru và đổi lại bằng hàng hoá tiêu dùng. Việc trao đổi hải sâm và các sản vật biển lấy hàng hoá dần
khiến người Aru bị lệ thuộc và bị “chèn ép” bởi các thương nhân này. Vào giai đoạn năm 1995-1996, giá thành của trai và
tảo biển hạ khiến các thương nhân này khuyến khích người Aru đánh bắt nhiều hơn một loại hải sâm như người Aru vẫn
thường làm và đánh bắt hải sâm quanh năm không tuân theo mùa gió mùa như trước nữa. Giá của hải sâm tăng lên kéo theo
đó là sự tập trung khai thác quanh năm đến cạn kiệt nguồn tài nguyên của người Aru. Bên cạnh đó, một lý do khác liên quan
đến việc cạn kiệt nguồn hải sâm là do tập quán khai thác hải sâm trên một địa điểm đến khi nó hoàn toàn cạn kiệt. Điều này
trên thực tế sẽ mang lại nguy cơ suy giảm đáng kể số lượng hải sâm trong một loài.
Người Aru vì thế vẫn thu lượm hải sâm bằng cách di đến các dãy đá ngầm nơi mà ngày trước hoặc đêm trước đó một số
người đã thu hoạch được kha khá. Và vì thế, mọi người thường quay trở lại cùng một địa điểm liên tục trong một tuần liền
cho đến khi họ trở về tay không (Osseweijer, 2003: 63)
Người Aru không hẳn là không nhận ra rằng chính họ đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, việc ít thực hành
hoặc cố tình không tuân theo nghi lễ sasi/sir khiến cho sự suy giảm tài nguyên biển ở khu vực đảo này vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Có thể thấy, những lợi ích và hạn chế rõ ràng của tri thức bản địa về môi trường của các tộc người bản địa trên thế giới đóng
vai trò quan trọng trong các chiến lược phát triển của các quốc gia đã khiến cho vai trò của nó và tiếng nói của những tộc
người bản địa ngày càng thu hút nhiều chú ý từ cộng đồng thế giới.

(3). “Tri thức bản địa cho phát triển” của Ngân hàng Thế giới
Sự quan tâm của Ngân hàng thế giới (World Bank) như là một thể chế kinh tế quyền lực toàn cầu đối với tri thức bản địa (tri
thức bản địa về môi trường) vừa là hệ quả của hai bối cảnh trên nhưng đồng thời, nó củng cố và mở rộng phạm vi quan tâm
của toàn thế giới đối với tri thức bản địa. Năm 1998, Ngân hàng Thế giới thiết lập chương trình Tri thức bản địa cho sự phát
triển. Chương trình này có mục đích học tập từ các hệ thống tri thức địa phương phục vụ cho các thực hành phát triển tại các
cộng đồng đó và từ đó, mở rộng tính ứng dụng của các tri thức này. Ngân hàng Thế giới tuyên bố rằng họ cần trao cho những
người nghèo trên thế giới cái quyền không chỉ là người tiếp nhận các tri thức khoa học phát triển mà họ phải là những người
đóng góp, những người đóng vai trò chủ đạo trong phát triển của chính họ. James D. Wolfensohn, Chủ tịch của Ngân hàng
thế giới cho rằng: “Tri thức bản địa là một phần không thể thiếu trong văn hoá và lịch sử của một cộng đồng địa phương.

Chúng ta cần thiết phải học hỏi từ các cộng đồng địa phương để có thể thúc đẩy quá trình phát triển” (Gorjestani, 2000:1).
Chương trình này được tiến hành tập trung tại các nước châu Phi nhằm mục đích giảm tỉ lệ đói nghèo và hướng tới các mục
tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Ngân hàng Thế giới đề ra.
Tuy nhiên, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải thừa nhận vai trò của Ngân hàng Thế giới trong việc truyền bá sự tồn tại
và giá trị của các tri thức bản địa đi toàn thế giới. Còn phê phán, bình luận về cách sử dụng và đánh giá tri thức bản địa của tổ
chức này lại nằm trong phạm vi của vấn đề thảo luận khác.

(4). Những thay đổi về nhận thức luận và phương pháp luận trong một số ngành nghiên cứu cũng được tính là một trong
những nhân tố làm thay đổi vị thế của tri thức bản địa trên toàn thế giới.
Trong nghiên cứu phát triển, mô hình mới cho sự phát triển như “từ dưới lên” hay “nông dân là đầu tiên”, “phát triển tham
dự” thay thế cho mô hình “trên-dưới” đã đang chứng tỏ được tính hiệu quả của nó trong các chương trình phát triển áp dụng
ở các nước nghèo và đang phát triển. Những mô hình nghiên cứu mới này đòi hỏi phải có những hiểu biết thấu đáo về bối
cảnh của nơi tiến hành các chương trình/dự án phát triển, đặc biệt là hệ tri thức truyền thống, văn hoá tộc người, thực hành
phong tục truyền thống của các cộng đồng địa phương. Đòi hỏi này thúc đẩy một loạt các nghiên cứu về tri thức bản địa được
tiến hành kỹ lưỡng nhằm phục vụ cho mục đích phát triển của các chương trình phát triển. Hay như trong nghiên cứu nhân
học, sự phổ biến của thuyết vạn vật hữu linh với hạt nhân là tính liên chủ thể, trong đó, mọi vật trên thế giới này đều có linh
hồn và được đối xử ngang nhau: con người, ngọn cỏ, hòn đá, cái cây, (Bùi Quang Thắng, 2007). Lý thuyết này đặc biệt thu
hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu nhân học, đặc biệt là các nhà nhân học sinh thái. Tri thức bản địa của các tộc người
bản địa trở thành những vấn đề nghiên cứu hấp dẫn trong lĩnh vực này.

2.3. Tri thức bản địa - những vấn đề nghiên cứu hiện nay
Trong giai đoạn thống trị của chủ nghĩa phát triển, hệ thống khoa học kỹ thuật phương Tây được coi là kim chỉ nam, là
phương tiện duy nhất có thể giúp các nước thứ ba đạt tới sự phát triển. Tri thức khoa học phương Tây được coi là siêu việt và
cần được truyền bá trên toàn cầu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sự thất bại của chủ nghĩa này ở nhiều trường hợp đã khiến
nhiều người nghi ngờ về quyền năng của hệ tri thức này như nó đã từng được thừa nhận trong giai đoạn hoàng kim.
Khoa học phương Tây cũng chỉ nên được xem như một loại tri thức bản địa hoặc địa phương, loại tri thức được này sinh
trong môi trường thiết chế phương Tây và đã được lan truyền rộng rãi khắp thế giới nhờ vào sự thiết lập của các mối quan hệ
quyền lực mang tính thực dân và thực dân mới. Vì vậy sự thống trị của tri thức phương Tây không phải là do nó đạt gần tới
một sự thật tối cao nào, mà vì một loạt các điều kiện địa-lịch sử gắn với yếu tố địa-chính trị của quyền lực (Escobar, 1995)
(John Briggs, 2004: 3)

Tuy nhiên, ngay cả khi được đánh giá lại, được thừa nhận giá trị và vai trò của mình, tri thức bản địa vẫn đang được coi là
một vấn đề nghiên cứu gây nhiều tranh luận giữa các nhà khoa học trong các trường phái nghiên cứu khác nhau.
Có nhiều phê phán từ các nhà lý nghiên cứu nhân học sinh thái, các nhà lý thuyết đối với cách tiếp cận của Ngân hàng Thế
giới đối với tri thức bản địa. John Briggs và Joanne Sharp trong “Tri thức bản địa và sự phát triển - Một sự cẩn trọng hậu
thuộc địa” về việc Ngân hàng thế giới quan tâm đến tri thức bản địa chỉ như là những tri thức liên quan đến các vấn đề kỹ
thuật thuần tuý mà bỏ qua những vấn đề liên quan đến nó như là quan niệm sống, nhận thức luận, thế giới quan của các tộc
người bản địa.
Những người làm các dự án phát triển thường quan tâm đến tri thức bản địa dưới góc độ kỹ thuật hay là góc độ của đồ vật tạo
tác phải bảo tồn, hơn là nền tảng cơ bản hay lý luận của nó. Họ thường chú ý đến các vấn đề kỹ thuật liên quan đến canh tác,
ví dụ như các phương pháp quản lý đất bản địa, bảo vệ nguồn nước và sử dụng cây thuốc. Tuy nhiên, ít thấy có những quan
tâm về các tri thức nằm ẩn dưới các kiến thức bản địa về môi trường và kỹ thuật đó. (John Briggs, 2004: 7)
Cũng vẫn trong ví dụ về người Aru ở Đông Indonesia, những gì được coi là tri thức của tộc người này không chỉ đơn thuần là
các kinh nghiệm, các thực hành mang tính kỹ thuật trong việc thu hoạch hải sâm của họ. Hiểu biết của người Aru về các loại
hải sâm, tính năng và giá trị của từng loài, về cách tính con nước, thuỷ triều sao cho thu hoạch được nhiều hải sâm, cách chế
biến và bảo quản hải sâm sao cho nó mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất không phải là tất cả những gì ta cho là tri thức bản
địa của tộc người Aru. Mối quan hệ xã hội của người Aru và những thương nhân người Trung Quốc- Indonesia, phương thức
trao đổi hàng hoá- sản vật biển giữa họ cũng cần được xem xét khi nghiên cứu về tri thức bản địa của tộc người này để có thể
hiểu rõ hơn về lý do tại sao có sự thay đổi trong việc thu hoạch đến cạn kiệt hải sâm. Đặc biệt hơn nữa, quan niệm của người
Aru ẩn chứa sau những hiểu biết kỹ thuật đơn thuần của họ về hải sâm chính là yếu tố quy định các hành vi của người Aru.
Người Aru có truyền thuyết về nguồn gốc của tộc người Aru và nguồn gốc của các sinh vật biển[2]. Họ tin rằng dưới Chúa,
Đấng sáng tạo là các vị thần Biển (Tai Dugai), là những vị thần hộ mệnh canh giữ tài nguyên biển. Và mỗi loại tài nguyên
biển thì có vị thần bảo hộ riêng của loài đó, quyết định việc có cho con người tiếp cận nguồn tài nguyên này không. Người
Aru tin rằng, nếu họ biết tôn trọng tài nguyên biển, tiến hành các hành vi thu hoạch theo các cách thức phù hợp với lễ nghi
nhằm làm hài lòng các vị thần, chỉ khi ấy họ mới có thể có được các vụ thu hoạch bội thu.
Trong buổi lễ họ dùng các tên gọi - ngay cả tên của các nhà Tiên tri trong Kinh thánh - để đưa ra yêu cầu của họ; hoặc họ có
thể sử dụng những tên bí mật của những vị tổ tiên đã từng đến một bãi thuỷ triều nào đó. Biết tên huý của một vị tổ tiên mang
đến cho họ quyền để hỏi xin hải sâm hoặc các nguồn tài nguyên biển khác, điều mà tổ tiên có lẽ tái hiện từ một thế giới linh
thiêng bí ẩn khác. Sau lễ hiến tế người ta phải tìm kiếm hải sâm một cách yên lặng, không nói quá nhiều hoặc quá to, không
cười hoặc kêu. Những vấn đề như tình yêu đôi lứa không được phép mang ra thảo luận và sự vi phạm đến sự linh thiêng tệ
hại nhất là có quan hệ tình dục trên các bãi thuỷ triều hoặc trên thuyền. Hơn nữa, họ cũng không được quá tham lam hay quá

đố kị trong quá trình thu thập hải sâm (Osseweijer, 2003: 68)
Người Aru có những giải thích của riêng họ cho việc không gặp may mắn trong việc đánh bắt hải sâm. Đấy là do họ bị tổ tiên
phạt vì đã không biết cách cư xử hoặc vi phạm vào các phép tắc được cho là do tổ tiên/các vị thần biển đặt ra.
Đồng thời cùng lúc với thế giới quan này, người Aru cũng hiểu khá rõ một thực tế là họ đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên
biển, đặc biệt là hải sâm do thu hoạch thái quá. Tuy nhiên, một lần nữa, các thực hành đánh bắt hải sâm của người Aru lại bị
chi phối bởi một niềm tin tuyệt đối rằng nguồn tài nguyên (hải sâm) này không bao giờ biến mất mà chỉ đơn giản là được di
chuyển đi nơi khác bởi các vị thần biển/thần bảo hộ/tổ tiên của họ. Lý do của việc di dời này là do con người không biết cách
cư xử cho đúng lễ nghi. Một khi họ làm được điều này, tài nguyên biển sẽ trở lại.
Tổ tiên của biển là những người canh giữ các nguồn lợi biển, vì thế họ có quyền quyết định tạm thời chuyển nguồn hải sâm
đi nơi khác như trong trường hợp kiện tụng với vùng láng giềng Karey. Nếu tổ tiên không muốn cho anh hải sâm, điều này có
nghĩa là anh không gặp may. Hải sâm đang dần ít đi vì tổ tiên chúng ta đã quá thất vọng về cách hành xử của chúng ta
(Osseweijer, 2003: 73)
Hơn thế nữa, cái cách Ngân hàng thế giới tìm hiểu, thu thập và sử dụng các tri thức bản địa vẫn nằm trong phạm vi so sánh và
đối chiếu điểm mạnh yếu của nó với khoa học chính thống phương Tây.
Cần thiết phải ghi nhớ rằng không phải tất cả các tri thức bản địa là có lợi cho sự phát triển bền vững của một cộng đồng địa
phương; và cũng không phải là tất cả các loại tri thức bản địa được cho rằng có ưu thế trong việc cung cấp giải pháp thích
hợp cho một vấn đề. Một ví dụ khá tiêu biểu là việc đốt nương làm rẫy trong nông nghiệp hoặc thực hành cắt âm vật của phụ
nữ. Vì thế, trước khi áp dụng và gắn liền tri thức bản địa vào các chương trình phát triển hoặc thậm chí cả việc truyền bá
chúng cần xem xét đến tính thích hơp của chúng giống như các loại khoa học kỹ thuật khác. Ngoài các xác nhận về mặt khoa
học, những nền tảng về văn hoá-xã hội, các bằng chứng địa phương trong đó các thực hành được gắn kết cũng cần phải được
xem xét trong một quá trình kiểm chứng. (World Bank, 1998:6)
Ngân hàng Thế giới cũng khuyên rằng, các cộng đồng địa phương có thể thay đổi các thực hành mang tính bản địa tạo ra các
ngáng trở đối với chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
John Briggs và Joanne Sharp cho rằng, thực ra mà nói thì Ngân hàng Thế giới vẫn đang nhìn nhận tri thức bản địa dưới con
mắt suy xét của người tin rằng, khoa học chính thống phương Tây có quyền thế trong việc quyết định các tri thức khác tri
thức phương Tây có thể được sử dụng hay không sử dụng. Đây là một sự trao đổi đơn tuyến. Tri thức bản địa và tộc người
bản địa được trao quyền để nói và tham gia, nhưng với điều kiện được sự kiểm chứng và xác nhận của các nhà khoa học
phương Tây. Tri thức bản địa sẽ được sử dụng chỉ khi nào nó được chứng minh một cách rõ ràng là phù hợp với mục tiêu
phát triển của các chương trình của Ngân hàng thế giới. Như vậy thì có hay không có sự thừa nhận khách quan và chân thực
về vai trò thực sự của tri thức bản địa trong cách đánh giá của Ngân hàng thế giới hướng tới mục tiêu của sự phát triển bền

vững.
Một tranh luận khác liên quan đến việc sử dụng thay thế nhau giữa hai thuật ngữ “tri thức bản địa” và “tri thức địa phương”.
Như trong phần đầu của bài viết này, Ellen, R và Harris, H đã liệt kê ra một loạt các đặc điểm chung đã và đang được thừa
nhận rộng rãi bởi các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó, đặc điểm đầu tiên cho rằng tri thức bản địa là tri thức địa
phương. Tuy nhiên, theo Manon Osseweijer thì tri thức địa phương không nên được đồng nghĩa hoặc sử dụng thay thế cho tri
thức bản địa. Thay vì thế, nên xem xét đến vấn đề trao đổi giữa tri thức bản địa và tri thức ngoại sinh (Osseweijer, 2003: 55).
Như trong trường hợp thực hành đánh bắt hải sâm ở của người Aru trên quần đảo Aru, phía Đông Indonesia. Những tri thức
liên quan đến việc đánh bắt hải sâm ở quần đảo này không chỉ là của riêng và vốn có của người Aru, người bản địa mà nó
còn được bồi đắp bởi những hiểu biết của những thương nhân người Trung Quốc-Indonesia, là những người đã sinh sống và
buôn bán ở vùng đảo này từ lâu đời. Tri thức này nên được gọi là tri thức địa phương, có sự kết hợp của cả hai loại tri thức:
kiến thức truyền thống của người bản địa Aru về hải sâm, về vụ mùa, con nước, kỹ thuật đánh bắt, tổ tiển, về các thực hành
tín ngưỡng và tri thức ngoại sinh đến từ các thương nhân Trung Quốc – Indonesia về loài, giá trị dinh dưỡng, cách chế biến,
cách tiêu thụ hải sâm. Hai loại kiến thức này trao đổi, bổ sung và làm lợi cho nhau và trở thành một thứ tri thức địa phương
có vai trò quan trọng là tiền đề cần thiết cho hoạt động kinh tế (đánh bắt và buôn bán hải sâm) và cho cả việc quản lý, bảo tồn
tài nguyên biển một cách có hiệu quả tại vùng đảo này.
Tri thức bản địa của người Aru vì thế cần thiết được liên kết với tri thức ngoại sinh của những thương nhân người Indonesia-
Trung Quốc, là bởi vì đời sống của họ đã từ lâu nằm trong một mối liên kết vùng miền của hệ thống giao thương quốc tế.
Người Aru học từ các thương nhân cách chế biến hải sâm để bán ra thị trường, loại nào thị trường cần, và giá cả của nó. Khi
thương nhân yêu cầu một loại hải sâm mới mà họ biết đến theo nguồn thông tin và hiểu biết của riêng họ, dân làng Aru sẽ đặc
biệt tìm loại này và thông báo cho thương nhân địa điểm có thể tìm thấy chúng. Một vài người Aru cho biết rằng, đôi khi họ
đơn giản là tìm kiếm theo nhu cầu của những người chủ cửa hiệu Indonesia-Trung Quốc. Vì thế nên khi một nguồn nào đó bị
cạn kiệt hoặc giá của nó giảm mạnh (như giá của tảo biển vào đầu những năm 1990), họ đơn giản là sẽ tìm kiếm một nguồn
khai thác khác được chỉ định bởi các thương nhân. (Osseweijer, 2003 :70)

3. Thay kết
Nghiên cứu về tri thức bản địa, hay cụ thể hơn, tri thức bản địa về môi trường là một ngành nghiên cứu còn rất mới ở Việt
Nam. Tuy nhiên, cần thiết phải có sự quan tâm đặc biệt đến ngành này tại nước ta, thứ nhất là do Việt Nam vẫn đang được
coi là một nước đang phát triển với phần lớn đại bộ phận dân cư sống tại các vùng nông thôn, miền núi cần được nâng cao
chất lượng cuộc sống; thứ hai, Việt Nam là nước có đến gần sáu chục dân tộc thiểu số đồng nghĩa với việc có gần sáu chục hệ
tri thức bản địa cần được nghiên cứu; thứ ba, một loạt các chính sách phát triển của chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ, đầu tư

của các quốc gia trên thế giới vẫn đang bất lực trong việc đạt tới mục tiêu phát triển ổn định và cân bằng tiến tới bền vững
cần được tìm hiểu
Vai trò của tri thức địa phương trong phát triển bền vững vùng cao
Lê Trọng Cúc
Đại học quốc gia Hà Nội
Tri thức địa phương là nguồn tài nguyên quí giá, là cơ sở của sự hiểu biết về các lĩnh vực :
Nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, giáo dục, quản lý tài nguyên và là chủ thể của các hoạt
động khác trong phát triển bền vững các hệ sinh thái, đặc biệt các hệ sinh thái vùng cao.
Những kiến thức này có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà khoa học, các nhà lập kế
hoạch. Nó cần được xem xét và so sánh với kiến thức hiện đại để từ đó xác định những
khía cạnh bổ ích hoặc có thể cải tiến thông qua công nghệ mới.
Việt Nam có 14 tỉnh vùng cao và 23 tỉnh có một số huyện và xã vùng cao, với diện tích
khoảng 23 triệu hecta, chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước. Nằm trong vùng có điều kiện
nhiệt đới gió mùa, địa hình phức tạp, núi cao, suối sâu, độ dốc lớn, làm phân hóa môi trường
thiên nhiên và có nguồn tài nguyên đa dạng. Vùng cao là nơi cư trú của hơn 50 nhóm dân tộc
ít người, có nhiều phong tục tập quán khác nhau, gắn bó với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa
dạng ấy làm thành một hệ thống, trong mối tương tác xã hội-tự nhiên vô cùng phong phú và
phức tạp.
1. Hiện trạng môi trường và quản lý tài nguyên
Vùng cao nước ta đang có những áp lực nặng nề. Các hệ sinh thái tự nhiên đang bị phá
vỡ, tài nguyên đất , rừng, nước đang bị suy thoái trầm trọng, xói mòn và các tai họa tự
nhiên ngày càng gia tăng, năng suất thấp kém. Hạ tầng cơ sở: Hệ thống thông tin, giao
thông nghèo nàn, mật độ dân số ngày càng gia tăng, phân bố dân cư không đều, trình
độ học vấn thấp, tình trạng di cư, chuyển cư tự do ngày càng nhiều, truyền thống văn
hóa bị mai một. Nguồn sống chủ yếu của đồng bào vùng cao vẫn dựa vào rừng, đốt
nương làm rẫy. Nương rẫy vẫn là nguồn sống quan trọng của tất cả các dân tộc vùng
cao. Năng suất trung bình lúa nương chỉ đạt từ 8 đến 10 tạ trên 1 hecta.
Hơn thế nữa, để phân bố lại lực lượng lao động, từ năm 1960, Nhà nước đã có chương
trình phân bố lại dân cư, cũng như phong trào di dân tự do những năm gần đây, hàng
triệu người đã chuyển từ vùng đồng bằng lên miền núi hoặc từ miền núi này tới vùng

núi khác để xây dựng kinh tế. Cùng với sự gia tăng dân số, thêm vào đó, sự áp đặt
kinh nghiệm canh tác đã làm cho nhiều vấn đề môi trường trở nên trầm trọng hơn.
Việc di cư tự do đã tạo nên cạnh tranh về đất đai và đẩy một bộ phận người bản địa lùi
sâu vào rừng, do vậy rừng lại bị tiếp tục tàn phá.
Năm 1943 có khoảng 50% diện tích rừng che phủ trong cả nước, hiện nay chỉ còn
khoảng 28%. Phần lớn mất rừng là do khai hoang, mở mang diện tích đất nông nghiệp,
đốt nương làm rẫy. Rừng bị tàn phá, nhiều loài động vật mất nơi sinh sống. Mấy năm
gần đây, cộng thêm việc buôn bán động vật phi pháp qua biên giới đã làm cho nhiều
loài trở nên khan hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng, cũng như nhiều loài gỗ quý, các
loài cây thuốc bị khai thác quá mức, nguồn gen bị xói mòn trầm trọng.
Mặc dù thế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng canh tác nương rẫy vẫn là phương thức có
hiệu quả nhất đối với các nước vùng nhiệt đới ẩm. Một đơn vị năng lượng bỏ ra có thể
thu được từ 5 đến 15 đơn vị năng lượng sản phẩm. Một ngày công sản xuất nương rẫy
thu được bằng 2 lần ngày công ở Đồng bằng sông Cửu Long và 3 lần ở vùng Đồng
bằng sông Hồng. Nhiều tác giả cho rằng khả năng tăng năng suất trong canh tác nương
rẫy là thực tế mà không cần xoá bỏ phương thức canh tác truyền thống này và cho
rằng phát triển nông nghiệp vùng cao có thể lấy hệ canh tác nương rẫy làm khởi điểm
và sử dụng khoa học nông nghiệp hiện đại để tăng năng suất cây trồng. Thực tế canh
tác nương rẫy đang được duy trì như một hệ nông nghiệp chủ yếu ở vùng nhiệt đới và
đóng vai trò quan trọng, bởi vì nó bao trùm một vùng rộng lớn, chứa đựng sự đa dạng
về truyền thống, văn hoá và con người và đang trở thành tiêu chuẩn thực tiễn, nơi mà
các nhóm văn hoá, thực tiễn truyền thống đang bị phá vỡ bởi những hoạt động khai
thác của một nền văn hoá xa lạ.
Nhiều vùng kinh tế mới và nhiều bà con nông dân ở các địa phương vùng cao đã áp
dụng phương thức canh tác nông lâm kết hợp với nhiều tập đoàn loài cây, đặc biệt là
cây thương phẩm xuất khẩu có giá trị hơn lúa gạo, mặt khác có ý nghĩa sinh thái bảo
vệ môi trường. Tuy nhiên, trong điều kiện vùng núi hiện nay không có thị trường,
thiếu phương tiện, vật tư, đường sá, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, buộc
người nông dânlại trở lại với lúa, ngô, khoai, sắn, tàn phá tài nguyên thiên nhiên mạnh
mẽ hơn, nhanh chóng hơn.

2. Những nghiên cứu phát triển bền vững vùng cao trên cơ sở tư duy hệ thống.
Như đã trình bày ở trên, vùng cao nước ta là một vùng có điều kiện sinh thái phức tạp, văn
hóa truyền thống phong phú, tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều
nghiên cứu phát triển vùng cao, nhưng chưa có những công trình khoa học tầm cỡ, đánh giá
một cách đầy đủ các khía cạnh để có cơ sở đề xuất một chiến lược phát triển bền vững.
Trong phân tích hệ sinh thái nông nghiệp thì bền vững được xem là khả năng duy trì được
năng suất của hệ thống kể cả khi bị sức ép nặng nề hay các cú sốc.Khi phân tích tính bền vững
của các hệ sinh thái thường đề cập tới sự tương hợp giữa ba khối nhân tố: Sinh thái, kinh tế và
xã hội. Ba khối nhân tố này tương tác với nhau trong một hệ thống hoàn thiện và được thể
hiện qua các đặc tính: Năng suất, bền vững, ổn định, công bằng, tự trị, hợp tác và thích nghi.
Nghiên cứu sinh thái nhân văn có thể là một triển vọng cho sự hiểu biết một cách sâu sắc hơn
về tài nguyên và con người, trong mối quan hệ hệ thống giữa hệ xã hội và hệ tự nhiên. Vậy hệ
thống là gì ? Hệ thống là một tập hợp những mối tương tác giữa các bộ phận theo thời gian.
Trong hệ sinh thái tự nhiên thì khí quyển, đất, nước là những nguyên liệu sơ cấp, còn động
vật, thực vật, vi sinh vật là những tác nhân vận chuyển, là những bộ máy trao đổi vật chất và
năng lượng. Chúng được đặc trưng bằng mối quan hệ năng lượng giữa sinh vật tự dưỡng và
sinh vật dị dưỡng, thông qua xích thức ăn và mạng lưới thức ăn. Hệ xã hội bao gồm các mối
tương tác giữa các yếu tố : Dân số, khoa học - kỹ thuật, phong tục tập quán, chuẩn mực đạo
đức, thể chế và cơ cấu xã hội. Các yếu tố của hệ tự nhiên và hệ xã hội luôn luôn tương tác với
nhau thông qua các dòng năng lượng, vật chất và thông tin. Như vậy, bản thân hệ thống
không phải là con số cộng của các bộ phận, mà các bộ phận cùng hoạt động tương tác với
nhau để sản xuất ra những kết quả nhất định. Mục tiêu của việc nghiên cứu hệ thống là để
hiểu được xu thế phát triển bền vững của hệ thống, để tác động làm thay đổi đầu ra của hệ
thống bằng một cách nào đó trên cơ sở của các thông tin phản hồi.

3. Vai trò của tri thức địa phương trong tư duy hệ thống
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn tập trung vào một nhân tố đó là tri thức địa
phương (văn hoá - truyền thống) nằm trong các mối tương tác tư duy hệ thống, đóng vai trò
quan trọng trong việc phát triển bền vững vùng cao. Tri thức địa phương được tích luỹ qua
kinh nghiệm to lớn nhờ tiếp xúc chặt chẽ với thiên nhiên, dưới áp lực chọn lọc trong quá trình

tiến hoá của sinh quyển và dần dần trở thành văn hoá - truyền thống. Trong quan niệm về văn
hoá truyền thống có nhiều người cho rằng dân tộc này có nền văn hoá lạc hậu hơn, hay tiến bộ
hơn dân tộc kia. Quan niệm này làm lu mờ bản chất thích ứng của văn hoá. Họ đã không thấy
được rằng văn hoá của một tập đoàn người nào đó chính là sự thích ứng với những điều kiện
xã hội và sinh thái đặc thù. Cái là "tốt hơn" với một tập đoàn người này ở một thời điểm và
một địa điểm đặc thù nào đó có thể lại không tốt với một tập đoàn người khác. Mọi nền văn
hoá đều là cái phải học mới có được, là cái được chia sẻ, là hệ thống các tượng trưng, ít nhiều
có khả năng thích ứng. Mọi nền văn hoá đều là tổng thể của các bộ phận ít nhiều được hòa
nhập. Các bộ phận phải cùng thích hợp với nhau để làm thành một chính thể hoà nhập. Có
người cho rằng người H'mông lạc hậu, văn hoá thấp. Thử nhìn lại các sản phẩm văn hoá của
người H'mông; các công cụ sản xuất như "cày mèo", "chó mèo" đã trở thành đỉnh cao của văn
hoá, tuyển chọn. Cũng có người cho rằng người H'mông là dân du canh du cư, tàn phá rừng
mạnh nhất. Nhưng thực tế người H'mông ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cao đã định cư từ rất
lâu, các công trình ruộng bậc thang trùng điệp, kỹ thuật cao, canh tác ổn định là một bằng
chứng. Đồng bào H'mông ở Hà Giang thâm canh ngô trên các hốc đá, đã chọn được giống
ngô "chao đèn", đến mùa ngô chín các bắp ngô gập xuống và các bẹ ngô xoè ra như cái chao
đèn che cho ngô không bị ướt và có thể để rất lâu trên nương. Và trên các hốc đá đó khi ngô
sắp chín người ta trồng luân canh đậu. Đậu lấy thân cây ngô làm giá leo. Đây là một phương
thức canh tác kết hợp có trình độ cao, sử dụng rất hợp lý nguồn tài nguyên rất eo hẹp trên núi
đá vôi. Đồng bào H'mông sống ở vùng Tây Bắc, canh tác nương rẫy có thể hoang sơ hơn,
nhưng cũng đã có những biện pháp sử dụng đất rất hợp lý và tiết kiệm. Những năm đầu của
chu kỳ canh tác, khi đất vừa khai phá còn mầu mỡ đồng bào không cuốc lỗ gieo hạt mà vãi
như gieo mạ. Bằng cách này, mật độ cây lúa sẽ cao hơn, chống được xói mòn, mà vẫn đủ dinh
dưỡng cho cây. Vài ba năm sau khi đất đã bắt đầu nghèo đồng bào gieo vài mùa đậu. Đậu cho
năng suất cao, vừa cải thiện điều kiện đất. Tiếp đó bà con gieo vài vụ ngô nữa mới kết thúc
chu kỳ canh tác. Bằng cách này bà con có thể gieo trồng ổn định trên nương khoảng 6 đến 7
năm, không như các dân tộc khác chỉ có 3 năm. ở đây, nếu không muốn nói trình độ văn hóa
cao thì tính thích nghi và hòa nhập với điều kiện tự nhiên là rất cao. Như vậy, phương pháp
tiếp cận là khi gặp một nền văn hóa có cái gì đó không phù hợp với "văn hóa chủ thể, lấy dân
tộc mình làm trung tâm" thì chớ vội vàng gạt bỏ nó như là "lạc hậu", mà phải tìm hiểu nó

trong sự thích ứng với môi trường sinh - vật lý và môi trường xã hội trong đó chúng tồn tại.
Văn hóa của loài người bao gồm nhiều mức độ khác nhau về kỹ thuật, tiếng nói, tín ngưỡng
và tổ chức xã hội. Khái niệm xã hội là bao gồm tất cả các sản phẩm của văn hóa con người ở
mức độ quần thể. Đó là các sản phẩm của lao động, đó là tổ chức xã hội và các hoạt động xã
hội. Khái niệm xã hội cũng bao gồm các sản phẩm văn hóa như tri thức, kỹ thuật, tín ngưỡng,
giá trị và nguyện vọng xã hội. Việc tìm hiểu văn hóa của các dân tộc đang phát triển hiện nay
và tri thức tích lũy được trong cuộc sống hàng ngày, chính là những biểu hiện của các mối
tương tác có tính hệ thống và là những khái niệm sinh thái nhân văn đơn giản nhất, từ đó đi
đến những hiểu biết phức tạp hơn củng cố cho những nhận thức về thiên nhiên.
Rõ ràng tri thức địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các vấn đề, các hạn
chế ảnh hưởng đến việc quản lý hệ sinh thái. Nó cũng có giá trị như một nguồn thông tin có
xu hướng lâu dài và những sự cố bất thường mà có thể chúng không xảy ra trong khoảng thời
gian các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu ở địa phương đó.
Tuy nhiên, sự hiểu biết nhân quả của người nông dân thường khó mà so sánh được với các
khái niệm khoa học. Ví dụ, các nguyên nhân siêu tự nhiên, chẳng hạn như ma quỷ thường
được viện ra để giải thích cho một tai họa. Nhiều dân tộc quan niệm rằng lúa trên nương cũng
có hồn. Hồn lúa quyết định cho lúa tốt hay xấu. Hồn lúa không thể nhìn tận mắt, sờ tận tay
được, nhưng nó nhập vào bà chủ của nương rẫy. Người Khơ mú cho rằng khoai sọ và các cây
có củ là "bạn trăm năm" của lúa. Người Thái cũng có tục chọn một loài hoa để làm "cây tình"
cho lúa. Tín ngưỡng này biểu hiện cuộc sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, từ kinh
nghiệm đưa lên mức thần bí, thích nghi tiến bộ trong việc trồng xen nhiều loài cây, hỗ trợ cho
nhau, nâng cao năng suất cây trồng.
Người nông dân thấy nhiều khía cạnh của sinh thái học khó hiểu vì họ không có kỹ thuật thích
hợp cũng như tri thức khoa học để lĩnh hội chúng. Hầu như người nông dân không biết gì về
sinh vật và nấm bệnh bởi lẽ họ không có kiến thức về vi sinh vật học và kỹ thuật kính hiển vi.
Nhưng họ vẫn có thể nhận biết được rằng các cây họ đậu có khả năng cải tạo độ mầu mỡ của
đất mà họ không cần biết vì sao điều đó lại xảy ra. Nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là tìm
hiểu và học hỏi tri thức địa phương, sử dụng nó như một nguồn ý tưởng và giả thuyết, và
kiểm tra các giả thuyết đó bằng khoa học hiện đại.
*

* *
Tri thức địa phương là nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng, có thể giúp ích rất nhiều cho
quá trình phát triển theo những phương sách ít tốn kém, có sự tham gia của người dân và đạt
được sự bền vững. Các dự án phát triển dựa trên cơ sở kiến thức địa phương sẽ lôi kéo được
nhiều người dân tham gia, vì nó hợp với lòng dân, dân biết phải làm gì và làm như thế nào.
Đó chính là cơ sở của sự thành công. Rõ ràng, tri thức địa phương là cơ sở của sự hiểu biết về
các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, giáo dục, quản lý tài nguyên và là chủ thể của các
hoạt động khác trong phát triển bền vững của các hệ sinh thái nói chung và các hệ sinh thái
vùng cao nói riêng. Loại kiến thức này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nhà khoa
học, các nhà lập kế hoạch. Nó có thể được xem xét và so sánh với hệ thống kiến thức quốc tế,
từ đó xác định được những khía cạnh bổ ích của hệ thống cũng như những khía cạnh còn có
thể cải tiến thông qua các kỹ thuật, công nghệ dựa trên cơ sở khoa học hiện đại

×