Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (116.22 KB, 5 trang )

Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ sáng chế nói riêng
đang dần trở nên phổ cập hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu và toàn diện
vào nền kinh tế thế giới. Bảo hộ sáng chế góp phần khuyến khích phát triển khoa
học kỹ thuật, ứng dụng sáng chế vì lợi ích của xã hội và đảm bảo quyền lợi của các
nhà sáng chế.
Một trong những điều ước quan trọng nhất về bảo vệ sáng chế là hiệp ước về
hợp tác sáng chế Patent Cooperation Treaty (PCT) được ký kết ngày 19/06/1970 tại
Washington, USA nhằm giải quyết tình trạng quá tải của hệ thống đăng ký sáng chế
của các quốc gia và khắc phục một số hạn chế của công ước Paris.
Trước đây, cá nhân, tổ chức muốn sáng chế của mình được bảo hộ ở nước
ngoài cần phải gửi đơn xin bảo hộ trực tiếp đến quốc gia mà mình mong muốn nhận
được sự bảo hộ. Công việc này rất tốn kém và phiền phức ngay với cả những nhà
sáng chế, các tổ chức lớn, cá nhân có tiềm lực kinh tế, tài chính và nhân lực. Nhưng
kể từ khi PCT ra đời, những khó khăn này đã phần nào được giải quyết. Trong quá
trình hoạt động, PCT đã thể hiện được rất nhiều những ưu điểm của mình. Đó là lí
do giải thích tại sao ngày càng có nhiều nước phát triển quyết định tham gia vào
Hiệp ước này, trong đó có Việt Nam chúng ta.
I. Khái quát chung về hệ thống PCT
PCT là Hiệp ước quốc tế được quản lí bởi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới
(WIPO) tại Gionevo, Thụy Sĩ. Tính đến ngày 15/9/2005, PCT đã có 128 quốc gia
tham gia kí kết.
Theo như quy định của Hiệp ước, người nộp đơn, các công dân của một quốc
gia tham gia ký kết chỉ cần lập một hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế duy nhất -
thường được gọi là hồ sơ “quốc tế” và gửi tới Cơ quan cấp bằng phát minh của nước
họ hoặc tới WIPO với tư cách là cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Như vậy, đơn xin cấp
bằng phát minh sáng chế của họ sẽ tự động được gửi tới tất cả các quốc gia là thành
viên của Hiệp ước mà người nộp đơn mong muốn nhận được sự bảo hộ. Thông
thường, người nộp đơn sẽ gửi đơn của họ tới văn phòng sáng chế của quốc gia mà
họ là công dân.
Hệ thống PCT bao gồm hai giai đoạn, giai đoạn quốc tế và giai đoạn quốc gia:
Trong giai đoạn quốc tế, khi lá đơn quốc tế được nộp, Cơ quan nghiên cứu


quốc tế (ISA) sẽ thực hiện việc nghiên cứu lá đơn này. Sau thời hạn 18 tháng kể từ
ngày ưu tiên của đơn đó, cùng với bản báo cáo tra cứu quốc tế ISR được đưa ra bởi
ISA, WIPO cũng sẽ tiến hành công bố các lá đơn quốc tế.
1
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn quốc gia, là giai đoạn mà ở đó các quốc gia
được người nộp đơn chỉ định sẽ xem xét việc có chấp nhận hay không lá đơn quốc tế
của người nộp hay nói cách khác là có chấp nhận việc bảo hộ hay không. Ở giai
đoạn này, người nộp đơn phải nộp một bản sao đơn quốc tế, bản dịch đơn và phải
nộp lệ phí quốc gia (nếu có) cho từng cơ quan được chỉ định không muộn quá 20
tháng kể từ ngày ưu tiên – Khoản 1, Điều 22, Hiệp ước PCT.
II. Những ưu điểm của hệ thống PCT:
1. Đối với người nộp đơn
Lợi ích của việc sử dụng hệ thống PCT được thể hiện rất rõ ràng so với
phương pháp truyền thống đối với người nộp đơn. Người nộp đơn có thể tiết kiệm
đáng kể chi phí, thời gian cũng như công sức của họ khi sử dụng hệ thống này.
Nếu theo như phương thức thông thường, người nộp đơn phải chuẩn bị rất
nhiều lá đơn khác nhau đáp ứng các yêu cầu khác nhau về mặt thủ tục (như các yêu
cầu về cỡ giấy, căn lề, sắp xếp bố cục của đơn…) tùy theo pháp luật quốc gia của
mỗi nước. Đồng thời họ phải trả chi phí cho việc thuê luật sư tư vấn hoặc các dịch
vụ pháp lý khác để đại diện cho họ trước cơ quan sáng chế của quốc gia nước ngoài.
Thêm nữa người nộp đơn phải dịch các lá đơn sang các ngôn ngữ khác nhau tùy theo
quy định của từng nước. Trong khi đó, nếu sử dụng hệ thống PCT người nộp đơn chỉ
phải nộp một lá đơn quốc tế duy nhất đáp ứng những đòi hỏi về hình thức theo quy
định của Hệ thống ở 1 quốc gia và theo 1 ngôn ngữ nhất định. Sau đó, đơn xin cấp
bằng phát minh sáng chế của họ sẽ tự động được gửi tới tất cả các quốc gia mà
người nộp đơn đã chỉ định. Người nộp đơn cũng không phải thuê luật sư cũng như
các dịch vụ pháp lý khác để tiến hành yêu cầu bảo hộ như khi áp dụng phương pháp
truyền thống bởi thông thường nếu họ là công dân của một quốc gia là thành viên
của Hiệp ước này thì họ có thể nộp đơn ngay tại văn phòng đăng kí sáng chế của
quốc gia mình.

Đặc biệt, bằng việc sử dụng hệ thống PCT, đơn quốc tế của người nộp sẽ được
nghiên cứu và thể hiện thông qua báo cáo nghiên cứu quốc tế. Căn cứ vào bản báo
cáo này, người nộp đơn có thể tự xem xét và đánh giá giá trị sáng chế của mình đối
với từng quốc gia để từ đó lựa chọn kỹ hơn quốc gia mà họ mong muốn nhận được
sự bảo hộ. Cách thức này cho phép người nộp đơn rút lại yêu cầu đối với quốc gia
mà họ không muốn tiếp tục yêu cầu bảo hộ nữa và tiết kiệm được khoản chi phí lớn.
Đây là một ưu điểm nổi bật so với cách thức thông thường khi nếu muốn nhận được
sự bảo hộ từ quốc gia nào thì người nộp đơn phải gửi đơn kèm theo lệ phí tới quốc
gia đó và không thể rút lại được dù không muốn tiếp tục.
2
Ngoài ra, PCT đem lại lợi ích về thời gian cho người nộp đơn trong việc lựa
chọn quốc gia nào mà họ nên yêu cầu bảo hộ. Theo cách thức truyền thống được quy
định trong Công ước Paris thì ở hầu hết các nước, lá đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế
ở nước ngoài phải được gửi trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ưu tiên. Trong khi đó,
nếu theo hệ thống PCT thì người nộp đơn có thể kéo dài thời hạn này thành 30 tháng
kể từ ngày ưu tiên. Vì vậy, người nộp đơn sẽ có thêm thời gian và thông tin để lựa
chọn được quốc gia thực thi quyền bảo hộ hợp lý nhất và thu được lợi ích nhiều
nhất.
2. Đối với nền kinh tế và công nghiệp của quốc gia
Thành tựu về mặt khoa học kỹ thuật là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển
của nền kinh tế quốc dân. Có thể khẳng định rằng những thành tựu đó sẽ không thể
đạt được ở các nước thậm chí đối với các nước có nền công nghiệp cao nếu không
có sự phát triển của các hoạt động về sáng chế. Chính vì thế sự ra đời của hệ thống
PCT đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ và cấp bằng sáng chế ở cấp độ quốc
tế. Từ đó, ngày càng có nhiều người nộp đơn để bảo hộ sáng chế thông qua cách
thức này. Cùng với sự gia tăng của những công nghệ mới được bảo hộ, khi đem vào
ứng dụng trong thực tế sẽ thúc đẩy sự đầu tư từ nước ngoài cũng như trong nước
đồng thời đem lại lợi ích cho nền kinh tế và công nghiệp của quốc gia.
Đối với các nước đang phát triển, những nước mà đang nỗ lực đưa hàng hóa,
sản phẩm của họ vào thị trường quốc tế thì việc bảo hộ bằng sáng chế theo PCT

chính là một yếu tố không thể thiếu. Nó không chỉ tạo niềm tin với các nhà đầu tư
mà còn gia tăng giá trị kinh tế để phát triển hoạt động quản lý về sở hữu trí tuệ trong
nền kinh tế quốc dân. PCT đã tạo ra những cách thức khả thi trong việc giảm bớt các
thủ tục hành chính trong các giai đoạn kiểm tra, thẩm định, tìm kiếm dữ liệu và công
bố.
3. Đối với các cơ quan sáng chế
Đối với các cơ quan sáng chế của các quốc gia thành viên thì hệ thống PCT sẽ
không gây ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các cơ quan được chỉ định. Hệ thống
PCT là một hệ thống tự hỗ trợ, tức là hoạt động của nó được duy trì trên cơ sở khoản
phí do người nộp đơn chi trả mà không yêu cầu sự đóng góp từ bất kì quốc gia thành
viên hay các cơ quan nào cả. Việc một số cơ quan sáng chế của các quốc gia được
chỉ định thực hiện các chính sách cắt giảm phí đối với các đơn quốc tế thông qua hệ
thống PCT là để nhằm mục đích thu hút người nộp đơn đăng kí bảo hộ sáng chế tại
quốc gia mình.
3
Nhờ có cơ chế hai giai đoạn mà gánh nặng về các thủ tục hành chính đối với
các văn phòng đăng kí sáng chế quốc gia đã được giảm bớt bởi việc nghiên cứu và
đánh giá sơ bộ đã được hoàn thành ở giai đoạn quốc tế. Đến giai đoạn quốc gia, các
văn phòng này chỉ cần căn cứ trên các báo cáo đó để xem xét các vấn đề về hình
thức và hoàn tất việc bảo hộ. Trong khi đó, nếu theo cách thức truyền thống thì các
cơ quan này phải thực hiện toàn bộ các thủ tục để tiến hành bảo hộ mà không có sự
hỗ trợ của bất kì một hệ thống hay cơ quan nào khác.
4. Lợi ích về việc tiếp cận thông tin
Một lợi ích quan trọng khác của hệ thống PCT đối với các nước đang phát
triển là trong lĩnh vực tiếp cận thông tin. Ngày nay thật khó có thể nắm bắt được tất
cả những tài liệu sáng chế mà đã được công bố ở các nước khác nhau và bằng các
ngôn ngữ khác nhau. Nhưng kể từ khi các sáng chế quan trọng được đăng ký theo hệ
thống PCT thì các nước đang phát triển có thể thông qua giai đoạn công bố các đơn
quốc tế của hệ thống mà tiếp cận một cách dễ dàng hơn và sớm hơn bằng các công
nghệ thông tin hiện đại. Cụ thể, các lá đơn quốc tế sẽ được công bố sau 18 tháng kể

từ ngày ưu tiên bằng một trong những ngôn ngữ thông dụng nhất. Nếu ngôn ngữ của
đơn quốc tế không phải bằng tiếng anh thì sẽ có một bản tóm tắt bằng tiếng anh kèm
theo và báo cáo nghiên cứu quốc tế sẽ được công bố cùng lúc đó.
Ngoài ra, hệ thống PCT còn giúp cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia
đang phát triển có cơ hội tiếp cận miễn phí với các sáng chế đã hết thời hạn bảo hộ
trong hệ thống. Từ đó có thể tự do sử dụng các sáng chế đó mà không cần phải xin
phép hay trả phí cho chủ sở hữu.
III . Quá trình đăng kí sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam:
Trình tự thực hiện:
a. Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký được nộp tại Việt Nam, trong đó yêu cầu bảo
hộ tại bất kỳ nước thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (gọi tắt là đơn
PCT có nguồn gốc Việt Nam).
– Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng
Nga và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Hiệp ước
PCT. Người nộp đơn có thể nộp đơn trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới cơ quan
quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức
Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
– Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết hình thức, nội dung, trình tự, thủ
tục xử lý đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam.
4
b. Tra cứu quốc tế: Được tiến hành tại các cơ quan tra cứu có thẩm quyền (cơ
quan sáng chế quốc gia hoặc khu vực đáp ứng các yêu cầu do PCT đặt ra và được
chỉ định bởi Đại hội đồng PCT).
– Cơ quan tra cứu đối với đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam: Cơ quan Sở hữu trí
tuệ Australia, Áo, Liên bang Nga, Thuỵ Điển, Hàn Quốc và Cơ quan Sáng chế Châu
Âu. Thủ tục tại Cơ quan tra cứu quốc tế được điều hành theo quy định của Hiệp ước
PTC, quy chế và bản thỏa thuận do Văn phòng quốc tế ký với Cơ quan đó theo Hiệp
ước PTCvà quy chế.
c. Công bố đơn: Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được Văn phòng quốc tế
tiến hành công bố trên Công báo của PCT (PCT Gazette).

d. Thẩm định sơ bộ quốc tế: được tiến hành tại cơ quan thẩm định sơ bộ quốc
tế có thẩm quyền theo PCT. Mục đích là đưa ra kết luận sơ bộ và không mang tính
bắt buộc về vấn đề sáng chế yêu cầu bảo hộ. Để được cấp bằng độc quyền sáng chế,
giải pháp nộp đơn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
– có tính mới,
– có trình độ sáng tạo (không hiển nhiên),
– và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Cơ quan thẩm định lập báo cáo thẩm định sơ bộ và gửi cho Văn phòng quốc tế.
e. Xử lý đơn trong giai đoạn quốc gia: sau khi vào giai đoạn quốc gia, đơn quốc
tế được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo các thủ tục quy định đối với
đơn đăng ký sáng chế thông thường tại Việt Nam.
KẾT LUẬN
Hiệp ước hợp tác sáng chế PCT cho đến ngày nay không chỉ tạo ra một hệ
thống lớn và thống nhất để có thể xin bảo hộ sáng chế quốc tế một cách đơn giản
nhất mà còn cung cấp một hệ thống lưu trữ các sáng chế, nơi có thể tìm thấy nhiều
ứng dụng thực tế cần thiết, phải trả phí sử dụng và kể cả miễn phí. Hệ thống của
PCT trong lĩnh vực cấp bằng sáng chế với những tiêu chuẩn và thủ tục tiên tiến nhất
góp phần giảm thiểu thời gian xét nghiệm, đưa ra các kết luận chính xác và kịp thời,
đem lại cho xã hội các sáng chế có giá trị. Đặc biệt, với các quốc gia đang phát triển
như Việt Nam, PCT cung cấp lợi thế riêng biệt để tham gia vào hệ thống hợp tác
sáng chế quốc tế như tạo cơ hội tiếp cận với các sáng chế mới nhất, cơ hội sử dụng
các sáng chế hữu ích đã hết hạn bảo hộ và không yêu cầu các khoản đóng góp.
Những lợi thế này đang ngày càng được khẳng định bởi số lượng ấn tượng của các
nước đang phát triển đã tham gia Hiệp ước.
5

×