Phân tích tình huống độc đáo và hấp dẫn trong truyện Vợ nhặt của
Kim Lân
Đọc Vợ nhặt chợt tôi nao lòng nhớ đến Đám cưới nghèo của Nam Cao với những bóng đen lầm
lũi đi trong màn sương nhập nhoạng. Cái đói, cái nghèo ấy sao đầy kinh hoàng và u ám đến thế.
Chính cái đói, cái nghèo đó tạo nên cho Vợ nhặt một tình huống hết sức độc đáo và hấp dẫn.
Ngay tựa đề của tác phẩm cũng gợi lên sự chua xót, mai mỉa, một nỗi đau không thể nói thành
lời. Nhặt vợ, một hành động nghe sao đơn giản và dễ dàng đến như vậy? Điều đó hoàn toàn trái
ngược với quan niệm của dân gian:
“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay”
Vậy mà ở đây Tràng đã “nhặt” được vợ hẳn hoi, trong cơn đói khủng khiếp đang hoành hành.
Chính cái lạ thường, kì dị của hành động đã tạo nên một tình huống vô cùng độc đáo mang ý
nghĩa chi phối toàn bộ tác phẩm. Trước khi đi vào tìm hiểu tình huống truyện trong truyện ngắn
Vợ nhặt, cần hiểu được như thế nào là tình huống truyện. Tình huống truyện là diễn biến của sự
việc, sự phức tạp của tình tiết, là cái éo le, nghịch lý ở đời. Sự việc, câu chuyện “xảy ra” như thế
mà ta cứ ngỡ không phải là như thế. Tình huống càng lạ thì truyện ngắn càng hay, càng hấp dẫn.
Đề tài viết về nông thôn, về người nông dân hoàn toàn không có gì mới mẻ, có rất nhiều nhà văn
cũng đề cập tới, nhưng sở dĩ Vợ nhặt trở thành truyện ngắn xuất sắc, độc đáo là vì tình huống
được xây dựng trong truyện. Tình huống ấy phải nói rất lạ. Chính cái lạ ấy tạo nên một điều mới
mẻ hấp dẫn của truyện ngắn này, và tạo nên tên tuổi Kim Lân.
Có thể thấy rằng tình huống “nhặt vợ” là một tình đầy kịch tính xưa nay chưa từng có, lạ và éo
le. Cái lạ ở chỗ người như Tràng mà lấy được vợ, thậm chí là được vợ theo không. Tràng là một
chàng trai ngụ cư, vập vạp, thô kệch với cái cười “hềnh hệch” vô hồn lúc nào cũng nở trên môi.
Tràng nghèo túng, xấu xí hơn cả những con người tồi tàn, bèo bọt ở cái xóm ngụ cư này. Thế mà
hôm nay, bên cạnh cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn lại có cả một người đàn bà rón rén và e
thẹn. Giữa cảnh đói khát nuôi thân chưa xong mà Tràng lại dám “đèo bòng” “rước cái của nợ đời
ấy về”. Chính điều đó gợi nên sự kinh ngạc cho cả xóm. Sự tò mò, xoi mói cứ lan dần theo từng
bước đi của Tràng và người đàn bà trên con đường xao xác, heo hút. Mọi người cứ xầm xì bàn
tán, thỉnh thoảng lại rung rúc vang lên tiếng cười đầy ghê rợn như tiếng cú báo hiệu tai ương và
chết chóc vọng mãi theo đôi uyên ương về cuối xóm. Mặc kệ những lời thầm thì, bàn tán, Tràng
vẫn lầm lũi bước dưới những gốc gạo sù sì có “bóng những người đói đi lặng lẽ như những bóng
ma” thay cho khách và tiếng quạ gào thê thiết từng hồi thay cho pháo cưới. Câu chuyện chìm
trong nặng nề và sợ hãi, đầy những cảnh ma quái, đen tối. Tôi loáng thoáng hiện lên Chiều
sương của Bùi Hiển, những câu chuyện ma quái buổi chạng vạng ở làng chài…rùng rợn, sởn gai
óc. Rõ ràng cái đói đã len lỏi, đã thổi những hồi gió lạnh rợn xương mang mùi chết chóc phát tán
khắp mọi nơi. Vậy mà Tràng lại có vợ “ Ôi chao! Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói
khát này không?”
Tình huống lấy được vợ của Tràng còn mới lạ ở chỗ chỉ qua hai lần gặp gỡ chóng vánh, tình cờ
cùng mấy câu nửa đùa nửa thật, vậy mà người đàn bà đồng ý theo Tràng về. Công việc mà xưa
nay người ta vẫn cho là khó lại vô cùng dễ dàng nhanh chóng đối với Tràng. Có phải do người
đàn bà ấy quá dễ dãi, chỉ với bốn bát bánh đúc mà bám lấy Tràng như thế? Khi con người ta đang
đứng giữa bờ vực thẳm của sự sống và cái chết thì dù đó là một tia hi vọng mỏng manh được
sống họ vẫn cố gắng bám víu, cố gắng níu giữ. Thị cũng vậy. Trong nạn đói năm 1945, người
chết như “ngả rạ”, người sống “vật vờ”, lay lắt như những “bóng ma”, thị cũng không ngoại lệ
“Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đĩa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày
xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.” Lúc này thị quá mỏng manh, hệt cái cây khô thiếu nước sắp
ngã qụy. Thị cố đưa tay ra bấu víu đời, bấu víu cuộc sống, mà nơi thị bấu víu vào lại là Tràng.
Bốn bát bánh đúc nên duyên vợ chồng…chuyện hi hữu hiếm thấy xưa nay.
Lạ là thế, Tràng “nhặt” được vợ còn mang nhiều tình tiết éo le. Tràng lấy được vợ, hưởng hạnh
phúc lớn nhất của đời người giữa cảnh “ Tối sầm lại vì đói khát”, giữa lúc cái chết và sự sống
ranh giới mong manh, tưởng âm dương không còn sự cách biệt. Chen vào hạnh phúc lứa đôi là
nỗi lo chạy trốn cái đói, lo níu kéo sự sống. Duyên cớ để đưa họ đến với nhau cũng thật buồn
lòng: đó là cái đói. Vì thế, mấy bát bánh đúc đã thay cho trầu cau dẫn cưới. Một sự thật đáng
buồn, thử hỏi nếu không có nạn đói liệu Tràng có lấy được vợ hay không? Mọi chuyện quá
nhanh, đến nỗi chính Tràng- người trong cuộc cũng không khỏi ngỡ ngàng. Đưa vợ về nhà, nhìn
thị ngồi giữa nhà mà Tràng vẫn cứ “ngờ ngợ như không phải thế”. Với hắn tất cả sao như một
giấc chiêm bao “Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?” Cả Thị cũng vậy quá ư liều lĩnh đến với hắn, cái
đói đẩy họ đến với nhau.
Trong cái thời tao đoạn ấy, việc Tràng lấy vợ quả là tình huống oái oăm. Nên mừng hay nên lo
cho đôi vợ chồng trẻ? Tình huống éo le làm mẹ Tràng- bà cụ Tứ hết sức ngạc nhiên và ngỡ
ngàng. Thái độ vồn vã khác thường của Tràng khiến bà lão “hấp háy hai con mắt nhìn Tràng” rồi
băn khoăn hỏi Tràng “có việc gì thế vậy?”. Nỗi ngạc nhiên càng tăng dần khi bà lão thấy một
người phụ nữ trong nhà mình, đang ngồi vân vê vạt áo xấu hổ, chào mình bằng u. Bà sững lại,
hàng loạt câu hỏi hiện lên trong tâm trí bà…để rồi khi hiểu ra cơ sự, lòng bà quặn thắt, se lại vì
thương con, bà “cúi đầu nín lặng” xót xa. Bà đau đớn vì chưa làm tròn bổn phận làm cha làm mẹ,
đó là “người ta dựng vợ gả chồng cho con cái lúc nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ
cái mở mày mở mặt sau này, còn mình thì…” Kim Lân miêu tả khá tài tình diễn biến độc thoại
nội tâm của người mẹ thương con. Cũng như tâm trạng dằn vặt của Lão Hạc ( Nam Cao), không
lo được đám cưới cho con trai. Nhưng đằng sau những bi quan, đau đớn, tủi hổ là những hi vọng,
những ước mơ của bà mẹ quê, những câu chuyện vui được kể từ miệng bà cụ. nào là “ai giàu ba
họ, ai khó ba đời…” sự lạc quan hiếm thấy.
Tình huống “nhặt” vợ quả thật mang nhiều nét bi hài, chỉ bằng những câu bông lơn và bốn bát
bánh đúc thị theo Tràng về không điều kiện. Trong cái hoàn cảnh này thì giá trị con người thật rẻ
rúng, song dưới ngòi bút tài tình của Kim Lân nó trở nên nhẹ nhàng hơn và lấp ló tình thương.
Kim Lân đã đặt các nhân vật của mình vào khoảng sống mờ tối, lắt lay, nhà văn đã tìm được một
cơ hội vô song để biểu hiện sự bất diệt của nỗi khát thèm được sống, được yêu thương và hi
vọng. Niềm ao ước hạnh phúc không thể diệt trừ được cái đói hay sự u tối, nhưng nó cũng không
bị diệt trừ. Niềm ao ước ấy cứ âm thầm vươn lên từ đói khát, tối tăm và trở nên cảm động hơn,
đáng quý hơn. Không cần dùng những lời lẽ đanh thép hay “đại ngôn” nhưng tác phẩm Vợ nhặt
mang đến một giá trị nhân bản to lớn. Bằng tình huống bi hài, nó xoáy vào tố cáo chế độ thực
dân phát xít, nguyên nhân dẫn đến cái đói kinh hoàng. Cái đói mang đến sự chết chóc, tang
thương khắp nơi và chính nó làm giá trị con người hạ xuống đến mức thấp nhất. Con người
dường như mất hẳn tính người, chỉ còn sống theo bản năng để được ăn, để được sống…Con
người trở nên trơ trẽn, mất nhân cách khi cái đói lởn vởn trong tâm trí. Hình ảnh người đàn bà ăn
“một chặp” bốn bát bánh đúc làm người đọc liên tưởng đến bà lão trong Một bữa no của Nam
Cao, cũng vì đói mà bà đã ăn rất nhiều, rất nhiều cơm, để đêm về bội thực mà chết, cái chết tức
tưởi. Còn gì thê thảm hơn khi đám rước dâu có tiếng quạ kêu thê thiết đón chào, đêm tân hôn có
tiếng ai khóc tỉ tê, “có mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét
lẹt”? Thật xót xa!
Có người ví truyện ngắn hay như một thứ quả có nhiều vỏ luôn luôn làm đứa trẻ háu ăn bị nhỡ
tàu, mỗi lần bóc ra một lớp vỏ người đọc thở phào thế là xong mọi chuyện chắc là không phải
chờ đợi thêm gì nữa thì một lớp vỏ mới lại hiện ra. Với Vợ nhặt của Kim lân ta thấy rõ điều đó,
cái đói hoành hành, người chết như rạ, những tưởng người như Tràng chỉ biết đi làm mướn nuôi
mẹ già, không mong gì hơn, thế mà cuối cùng y lại “nhặt” được vợ…Nhặt được vợ rồi cuộc sống
hắn có nhiều chuyển biến, thay đổi, giữa lúc đói kém hình ảnh Việt Minh phá kho thóc, hình ảnh
cờ đỏ đâu đấy thoáng qua trong tâm trí Tràng. Một cuộc cách mạng chăng? Cứ hết lớp vỏ này lại
xuất hiện lớp vỏ khác đầy bất ngờ, lôi cuốn người đọc.
Chỉ một tình huống tưởng chừng như tầm phào nhặt vợ mà gây bao xôn xao, làm nhức nhối trái
tim đọc giả bao thế hệ. Nghệ thuật xây dựng tình huống của Kim Lân quả thực bậc thầy. Ngay từ
đầu đề đã mang nhiều kịch tính hứa hẹn một tình huống mới lạ, “Vợ nhặt” là một sự bị động,
không có tính toán, không có chủ đích, như một sự tình cờ. Từ mở đầu với ý nghĩa như thế câu
chuyện đã được xoay quanh tình huống bi thương ấy. Tình huống truyện có khi là những gì rất
nhỏ rất bình thường nhưng dưới tài năng của nhà văn điều đó trở nên ý nghĩa hẳn. Các nhà văn
chuyên viết truyện ngắn rất để ý đến việc xây dựng tình huống truyện, bởi đó như một phần của
chìa khóa thành công. Thật vậy, một chiếc lá thường xuân, qua mấy đêm mưa bão vẫn xanh bên
kia tường, đã cứu sống một cô gái, đã giành lại sự sống từ tay tử thần. O.Henry viết rất nhẹ
nhàng, nhưng đã gieo vào lòng người đọc những cảm xúc khó quên. Nhà văn xây dựng tình
huống truyện xoay quanh một chiếc lá mà “không bao giờ bay lất phất khi có gió thổi”, đó là kiệt
tác nghệ thuật của người họa sĩ già Behrman, “Behrman là cả một sự thất bại trong nghệ thuật.
Trong bốn mươi năm ông vung vẩy chiếc cọ mà không hề chạm gần đến vạt áo của Người Tình.
Ông luôn luôn muốn vẽ nên một kiệt tác, nhưng chưa bao giờ bắt đầu” lúc nào “giá vẽ với khung
vải trống trơn, suốt hai mươi lăm năm vẫn chờ đợi đường nét đầu tiên của một kiệt tác.”. Và
chiếc lá thường xuân “Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió xoáy dữ tợn suốt một đêm dài, vẫn
còn có màu xanh thẫm gần cuống, nhưng với phần rìa te tua pha màu vàng của sự tàn tạ, chiếc lá
vẫn dũng cảm bám vào cái cành cao dăm bảy mét cách mặt đất.” như một niềm tin vào cuộc sống
đã giúp cô gái đa sầu đa cảm vượt lên nỗi đau của bệnh tật, tiếp tục sống. Một tình tiết như vậy
thôi, nhưng đã đưa O. Henri cùng Chiếc lá cuối cùng trở thành bất hủ. Hay như Chiếc thuyền
ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, tình huống mở ra chỉ là một bức ảnh để làm lịch do cấp trên
giao cho Phùng đi thực hiện tại vùng biển nọ. Sau mấy ngày phục kích cuối cùng nhiếp ảnh gia
cũng chộp được những thước phim tuyệt vời, đến đây tình huống truyện mới nở bung ra. Thì ra
bức tranh nghệ thuật Phùng chụp được ngoài khơi và hiện thực cuộc sống trước mắt Phùng là
những điều đối lập hoàn toàn. Hiện thực trần trụi với một gã đàn ông to lớn cứ “ba ngày một trận
nhỏ, năm ngày một trận lớn”, xem việc đánh vợ để giải tỏa những bực tức của mình. Tình huống
truyện được tạo nên bởi nghịch cảnh giữa chiếc thuyền ngoài xa với cái thật gần là sự ngang trái
trong gia đình thuyền chài. Gánh nặng mưu sinh đè trĩu trên vai cặp vợ chồng biến người chồng
trở thành kẻ vũ phu. Người vợ vì thương con mà nhẫn nhịn chịu đựng sự ngược đãi của chồng
mà không hề biết đã làm tổn thương tâm hồn của đứa con. Cậu bé thương mẹ, bênh vực mẹ
thành ra căm ghét cha mình. Chánh án Đẩu tốt bụng nhưng lại đơn giản trong cách nghĩ. Anh
khuyên người đàn bà bỏ chồng là xong, mà không biết được rằng “Đám đà bà hàng chài ở thuyền
luôn cần phải có người đàn ông chèo chống khi phong ba, để cùng nuôi con. Đàn bà ở thuyền
chúng tôi sống cho con chứ không phải sống cho mình”. Trong tình huống truyện này, cái nhìn
và cảm nhận của nghệ sĩ Phùng cùng chánh án Đẩu là khám phá, phát hiện sâu sắc về đời sống,
về con người. Như một thứ nước rửa kì diệu câu chuyện ở tòa án huyện giúp chúng ta hiểu thêm
nhiều điều và rút ra bài học về cuộc sống và con người: một cái nhìn đa diện nhiều chiều, phát
hiện ra bản chất sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng. Bên trong cảnh đẹp như mơ, là bao ngang
trái, nghích lý của đời thường. Phùng thấy chiếc thuyền nghệ thuật thì còn ở ngoài xa, còn sự thật
cuộc đời lại rất gần. Qua đó giúp ta hiểu thêm về bản chất, về tầm quan trọng của tình huống và
cách xây dựng tình huống truyện của nhà văn. Tình huống truyện là yếu tố làm nổi bật chủ đề
của tác phẩm đồng thời tạo điều kiện cho nhà văn miêu tả tâm lý nhân vật. Trở lại với Vợ nhặt,
Kim Lân đã thành công khi xây dựng nên một tình huống truyện độc đáo diễn tả hết cái thê thảm
của người nông dân, thể hiện sự xót xa, ai oán trước thân phận của họ. Câu chuyện mở ra vào
một buổi chiều chạng vạng và khép lại trong “ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa”. Khi bắt đầu
truyện ta chỉ gặp một anh Tràng bước thấp bước cao trên đường làng dưới ánh nắng mờ nhạt của
một gầm trời đầy đói khát, nhưng đến lúc kết thúc Tràng đã có một mái ấm gia đình để vun xới,
để cố gắng xây đắp.
Viết về nông thôn và người nông dân nghèo, ta bắt gặp không ít nhà văn như Ngô Tất Tố, Vũ
Trọng Phụng, Nam Cao…mỗi một ngòi bút là một cách viết sắc lẻm khác nhau. Nông thôn hiện
lên tan tác, tiêu điều, người nông dân chịu bao đắng cay tủi khổ, cố sống cố giữ lại cho mình một
chút trong sạch cuối cùng, nhưng rồi tất cả như bị tha hóa, như rơi vào đừng cùng không lối
thoát. Một Lão Hạc già nua, chọn cái chết để giữ lại cho con trai mảnh vườn, tài sản cuối cùng
lão còn lại sau bao ngày vật lộn với bệnh tật, đói khát. Một Chị Dậu vùng chạy, ngoài trời tối đen
như mực, như tiền đồ của chị. Không lối thoát, bế tắc, nhưng đó chỉ là những người nông dân
trước cách mạng. Từ khi Đảng Cộng sản thành lập, ngọn cờ Cách mạng được giương cao, người
nông dân đã biết đứng lên đi theo Đảng, theo Cách mạng để giải thoát cho mình. Trong tác phẩm
Vợ nhặt tuy Kim Lân không tập trung xoáy sâu vào Việt Minh vào đánh Nhật phá kho thóc…
nhưng ở cuối tác phẩm ông đã mở ra một tình huống mới… “ Trong óc Tràng vẫn thấy đám
người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” Kết thúc như mở ra một chân trời mới tươi sáng hơn cho
cuộc sống của người nông dân.
Với vốn liếng ngôn ngữ giàu có và đặc sắc, lối viết văn tưởng như dễ dàng mà không dễ phỏng
theo, giản dị vô cùng mà sao cứ ánh lên chất hào hoa Kinh Bắc, Kim Lân đã xây dựng một Vợ
nhặt sống mãi với thời gian. Chỉ cần thiếu đi một chút tinh tế người ta sẽ dễ dàng bỏ qua một
tiếng gắt vô duyên vô cớ, một tiếng khẽ ho, những bước chân bước vội ra sân, thái độ điềm nhiên
và miếng cám vào trong miệng…
Chỉ một tình huống nhỏ nhoi nhưng Kim Lân đã gợi nên biết bao điều. Mỗi ý nghĩa của tình
huống lại mang một giá trị nhân bản, tấm lòng nhân đạo bao la của nhà văn. Vì thế mà tác phẩm
như một ngọn lửa nhỏ lấp lánh tình yêu thương nồng ấm và tác phẩm cho ta phát hiện thêm một
bản chất tuyệt vời nhân hậu, tuyệt vời đức hi sinh của những người nông dân Việt Nam . Dù
đứng trước cảnh một mất một còn của mạng sống vẫn cưu mang, vẫn lấy lại phẩm giá để làm
người, để sống với hi vọng, với tương lai. Và cái đọng lại cuối cùng vẫn là cách nhìn đời, nhìn
người đầy xót xa và yêu thương của nhà văn, là niềm tin mà dường như ông muốn gửi trọn đến
cho chúng ta qua thiên truyện ngắn. Ai đó nói rằng: Hai người cùng cúi xuống một người chỉ
thấy vũng nước người kia thấy cả bầu trời đầy sao.
Truyện ngắn là thể loại năng động đã “bấm huyệt” đời sống bằng cách sáng tạo các tình huống
nghệ thuật đặc sắc để phản ánh sự đa dạng và phức tạp của đời sống. Có người ví tiểu thuyết như
một căn phòng đầy đủ tiện nghi, ấm cúng, còn truyện ngắn như một bức tranh đẹp duy nhất mà
người chủ có óc thẩm mỹ biết lựa chọn và bức tranh đó là Thiếu nữ bên hoa huệ hoặc Người đàn
bà không quen biết.