Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Phân tích bài thơ Thái phó Tô Hiến Thành

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.79 KB, 5 trang )

Phân tích bài Thái phó Tô Hiến Thành
Sách giáo khoa Ngữ văn 10
Đề bài: Phân tích bài Thái phó Tô Hiến Thành trích Đại Việt sử lược.
Bài Thái phó Tô Hiến Thành được trích từ bộ sách Đại Việt sử lược, một di sản quý báu của nền
văn hóa dân tộc có giá trị về nhiều mặt. Đại Việt sử lược bị thất truyền từ lâu nên chưa tìm ra tác
giả. Tác phẩm được in lần đầu tiên ở Trung Hoa thời Càn Long, thế kỉ XVIII. Đoạn trích chủ yếu
nói về Tô Hiến Thành – một đại thần của triều đinh nhà Lí có tài năng và nhân cách hơn người.
Điều đó thể hiện qua hai sự kiện trọng đại có ảnh hưởng quan trọng đến các bước đi của lịch sử
nước ta thời đó: việc lập vua theo di chiếu và chọn người thay mình giữ chức Tể tướng là chức
đứng đầu bá quan văn võ kiêm chức Thái uý, thống lĩnh quân đội.
Hai sự kiện xảy ra ở hai thời điểm khác nhau (năm 1175 và năm 1179). Ở sự kiện thứ nhất, tác
giả khắc họa tính cách Tô Hiến Thành bằng việc kết hợp giữa lời nói và việc làm của ông. Ở sự
kiện thứ hai, tác giả chủ yếu kể về những lời nói của ông trước khi mất.
Người viết sử đã lựa chọn những tình tiết tiêu biểu trong cuộc đời Tô Hiến Thành để vừa làm nổi
bật được nhân cách cao quý của ông vừa thể hiện được sự phức tạp của nội bộ triều đình đương
thời. Thông qua đó khẳng định: xã hội yên ổn được phần lớn là nhờ vào các bậc đại thần thanh
liêm chính trực, một lòng vì dân vì nước, uy vũ không thể khuất phục, danh lợi không thể làm
đổi thay như Tô Hiến Thành.
Ở sự kiện thứ nhất, nhân cách của Tô Hiến Thành được thể hiện trong hoàn cảnh triều chính có
nhiều vấn đề phức tạp xảy ra. Nguyên trước đây, hoàng tử Long Sưởng đã được vua cha lập làm
Thái tử, sau này sẽ nối ngôi nhưng vì có lỗi nên bị truất quyền, giáng xuống làm Bảo Quốc
Vương. Đại Việt sử lược viết: “Sưởng tính háo sắc, trong cung có cung nữ nào được sủng ái,
Sưởng đều tư thông. Anh Tông rất ghét y vô lễ. Nguyên phi Từ Thị được vua yêu, bà hậu bèn xúi
Sưởng ngầm chuyện tư tình để Anh Tông ngờ vực, hòng làm Từ Thị bị lạnh nhạt. Từ Thị đem
hết hành trang của Sưởng bạch với Anh Tông, vì thế… mà phế đi”.
Năm 1175, vua Lí Anh Tông mất, thế tử Long Cán lên ngôi khi mới hai tuổi, sau này lấy tên hiệu
là vua Lí Cao Tông. Theo di chúc của vua cha Lí Anh Tông, Tô Hiến Thành đang là Tể tướng
phải đứng ra phụ chính cho ấu chúa.
Nhằm giữ vững quyền lực, Thái hậu Đỗ Thụy Châu có ý muốn lập Long Sưởng – anh của Long
Cán lên ngôi. Những mâu thuẫn gay gắt bắt đầu nảy sinh từ đó. Nhưng chính sự phức tạp ấy của
triều đình đã làm nổi bật lòng trung thành tuyệt đối và nhân cách cứng cỏi của Tô Hiến Thành.


Bởi vì, phế lập vua là việc hệ trọng, không chỉ liên quan đến sự tồn vong của riêng triều đại đó,
mà còn liên quan đến sự an nguy của đất nước.
Vậy là xung quanh việc phế lập Long Cán đã diễn ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa một bên là Tô
Hiến Thành và một bên là Thái hậu. Thái hậu có nhiều tham vọng. Bà đã dùng mọi thủ đoạn từ
dụ dỗ, mua chuộc đến thách thức, dọa nạt để ép Tô Hiến Thành buộc phải làm theo ý bà, thực
hiện một việc trái với đạo lí quân thần, trái với di chúc của Tiên đế. Cách ứng xử của Tô Hiến
Thành đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng của một bậc đại thần và nhân cách trong sáng của
một nhà Nho.
Thái hậu biết rõ vai trò quyết định của Tô Hiến Thành trong việc phế lập Long Cán, vì vậy bà ta
tiến hành từng bước để lôi kéo vị quan thanh liêm vể phía mình. Tô Hiến Thành cũng từng bước
khôn khéo, thông minh, dần dần đánh bại âm mưu của Thái hậu.

Trước hết, Thái hậu dùng lụa vàng hối lộ vợ Tô Hiến Thành để nhờ bà thuyết phục chồng. Việc
làm này khá tinh vi vì thường tình, chồng hay nể vợ, nên dễ chấp nhận lời cầu xin của vợ. Tô
Hiến Thành đã dùng đạo lí làm người và trách nhiệm Tể tướng của mình để giải thích cho bà vợ
hiểu là không nên như vậy:
Ta ở ngôi Tể tướng, nhận lời cố thác của Tiên vương để phò âu chúa. Nay nhận đồ hối lộ của
người mà mưu phế lập, thiên hạ. sẽ nói ta như thế nào? Giá như mọi người đều là kẻ bưng tai bịt
mắt không biết, thì ta biết dùng lời lẽ nào để trả lời Tiên vương ở dưới suối vàng?
Tiếp theo, Thái hậu dùng miếng mồi danh vọng và phú quý để trực tiếp dụ dỗ Tô Hiến Thành.
Lời của Thái hậu vừa có vẻ ca ngợi ông, vừa đánh trúng tâm lí của người lớn tuổi:
Ông đối với nước nhà, có thể gọi là trung đấy! Song, tuổi ông đã xế chiều mà thờ ấu chúa thì
việc làm của ông ai người biết đến? Chi bằng, lập vua đã trưởng thành thì người đó sẽ đem ơn
đức mà ban cho ông giữ được phú quý lâu dài, há chẳng nên ư?
Tô Hiến Thành dùng ngay lời dạy về đạo lí làm người của Khổng Tử và cách đối xử với người
quá cố trong truyền thống dân tộc để bác bỏ lời dụ dỗ ấy: Bất nghĩa mà được phú và quý, đó
không phải là điều người trung thần nghĩa sĩ vui làm. Huống chi, lời di chúc của Tiên Vương còn
ở bên tai. Đối với công luận sẽ như thế nào? Thần không dám vâng lời.
Cuối cùng, Thái hậu bất chấp pháp luật, liều lĩnh triệu Bảo Quốc Vương Long Sưởng vào để tự
lập làm vua. Nếu Tô Hiến Thành cả nể hoặc sợ hãi không giữ nghiêm phép nước thì Thái hậu đã

thành công. Nhưng ông đã kiên quyết dùng pháp luật để trị kẻ không tuân theo pháp luật. Trước
hết, ông dùng lí lẽ nhắc nhở lòng trung nghĩa của các quan trong triều, để họ cùng ông chặn đứng
tham vọng và hành động vô đạo của mẹ con Thái hậu. Lời ông nói vừa có lí, vừa có tình:
Tiên Vương thấy tôi với các ngài gắng hết sức vì vương thất, không ăn ở hai lòng, nên đem ấu
chúa mà phó thác. Nay Bảo Quốc vương dùng lệnh của Thái hậu, nói rằng phế chúa thượng mà
tự lập. Các ngài phải tận lòng trung, đem hết sức mình, nghe lời ta. Kẻ vâng lời ta, được thưởng
lâu dài, kẻ trải mệnh ta sẽ bị giết phơi ngoài chợ. Các ngài nên gắng sức.
Tô Hiến Thành đã chặn đứng mọi ý định phản nghịch, đồng thời thức tỉnh ý thức trách nhiệm
trong hàng ngũ quan lại. Vì vậy, âm mưu của Thái hậu đã bị ngăn chặn, sơn hà xã tắc tránh được
một phen điên đảo.
Qua những lời nói và việc làm trên, ta thấy rõ phẩm chất cao quý của Tô Hiến Thành: hiền đức,
cương trung, giữ nghiêm kỉ cương phép nước. Đó là phẩm chất của bậc chính nhân quân tử:
“Phú quý bất năng dâm; uy vũ bất năng khuất”. (Giàu sang không làm cho chìm đắm; uy quyền,
vũ lực không làm cho khuất phục), ông bình tĩnh, sáng suốt đánh bại âm mưu phế lập của Thái
hậu mà vẫn giữ được hòa khí, không gây đổ máu, dân chúng vẫn được sống trong cảnh yên bình.
Tô Hiến Thành đã giữ đúng đạo quân thần là: “trung quân ái quốc”.
Không chỉ trung nghĩa, Tô Hiến Thành còn là người không ham tư lợi, không vì lợi ích riêng mà
quên lợi ích dân tộc. Cách ứng xử của ông đối với âm mưu phế lập của Thái hậu đã thể hiện lòng
trung nghĩa tuyệt vời.
Người viết sử đã kể, chuyện Tô Hiến Thành chọn người thay thế mình bằng những chi tiết chọn
lọc đặc sắc. Về lí, chức Tham tri chính sự to hơn chức Gián nghị đại phu, nghĩa là Vũ Tán
Đường chức cao hơn Trần Trung Tá. Về tình, Vũ Tán Đường gần gũi, gắn bó và có ân tình với
Tô Hiến Thành hơn Trần Trung Tá: khi Tô Hiến Thành ngã bệnh, chỉ có Tham tri chính sự Vũ
Tán Đường ngày đêm hầu hạ bên cạnh. Quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá bận bịu nhiều
việc, không lúc nào rảnh rang để đến thăm.
Thái hậu hỏi: Nếu có mệnh hệ nào, ai thay ông? Thông thường, về tình cũng như về lí, ai cũng
nghĩ rằng Tô Hiến Thành sẽ tiến cử Vũ Tán Đường. Nhưng thật bất ngờ, Tô Hiến Thành trả lời
ngay: Chỉ có Trần Trung Tá mà thôi. Câu nói ấy thật sự gây ngạc nhiên cho Thái hậu.
Thái hậu nhắc đến ân tình và sự gắn bó của Vũ Tán Đường đối với Tô Hiến Thành. Người đọc sẽ
nghĩ rằng Tô Hiến Thành hoặc ngả theo Thái hậu, hoặc giải thích Vũ Tán Đường không đủ năng

lực làm Tể tướng. Nhưng không, ông đã đáp lại bằng một câu bất ngờ: Thái hậu hỏi người thay
thần, nên thần nói tới Trung Tá; nếu hỏi người hầu hạ phụng dưỡng thần thì phi Tán Đường còn
ai nữa?
Tiếng cười bật ra từ nghịch lí: chọn người thay chức Tể tướng kiêm Thái uý hay chọn người hầu
hạ phụng dưỡng Tể tướng kiêm Thái úy?
Lúc này, Tô Hiến Thành đang ốm nặng. Thường thì trước khi qua đời, về mặt tâm lí người ta dễ
bỏ qua mọi việc, chấp nhận cho xong để được yên thân. Nhưng qua cách trả lời của Tô Hiến
Thành, ta thấy ông vẫn rất sáng suốt, thậm chí còn hóm hỉnh và đầy trách nhiệm đối với đất nước
cho đến hơi thở cuối cùng.
Thông qua đoạn đối thoại ngắn gọn giữa hai nhân vật Thái hậu và Tô Hiến Thành, tác giả đưa ra
một cảnh huống có thật với kết quả ngược lại lôgích thông thường của người đời. Từ đó, khẳng
định phẩm chất chính trực đặc biệt của Tô Hiến Thành bằng tiếng cười thán phục.
Là một quan chức trụ cột của triều đình, Tô Hiến Thành biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi
ích cá nhân, ông làm việc bằng lí lẽ chứ không vì tình cảm riêng tư. Chọn được người gánh vác
công việc nặng nề của đất nước, đó là tinh thần trách nhiệm của một vị đại thần. Song rất tiếc,
Đỗ Thái hậu lại là người có quan niệm đối lập với Tô Hiến Thành. Bà ta đã đặt quyền lợi quốc
gia xuống dưới quyền lợi gia đình và quyền lợi bản thân nên đã chọn Đỗ An Thuận, em trai của
bà lên làm Phụ chính sau khi Tô Hiến Thành mất. Hai cách ứng xử khác nhau ấy càng làm nổi
bật lên nhân cách cao đẹp của Tô Hiến Thành, đồng thời người viết sử đã phản ánh được hiện
thực phức tạp của đất nước dưới triều đại cuối cùng của nhà Lí. Trong khi những người như Tô
Hiến Thành mang hết tâm sức để giữ gìn sự yên bình cho xã tắc, thì những người như Đỗ Thái
hậu lại luôn tìm cách tranh thủ mọi cơ hội, dùng mọi âm mưu đen tối để thực hiện tham vọng của
mình, dù tham vọng ấy có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho non sông xã tắc.
Với lối kể chuyện chân thực, hấp dẫn, tác giả Đại Việt sử lược đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
của người viết sử, ghi lại được những sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến vận mệnh của dân
tộc một cách trung thực, không dùng hư cấu, tưởng tượng. Song, cái tài của tác giả là ghi chép lại
sự kiện ấy một cách sinh động và qua đó làm nổi bật nhân cách lớn lao của Tô Hiến Thành; đồng
thời biểu lộ thái độ khen chê, yêu ghét của mình một cách rõ ràng. Ngày nay, khi đọc các tác
phẩm sử học như trên, những thế hệ sau không chỉ tìm được ở đó tri thức về lịch sử mà còn cả
những bài học quý báu về lẽ sống và kinh nghiệm sống.

×