Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Nâng cao hiệu quả tín dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh – sinh viên của ngân hàng chính sách xã hội tại thành phố đà nẵng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (567.32 KB, 11 trang )

Nâng cao hiệu quả tín dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh
– sinh viên của Ngân hàng chính sách xã hội tại Thành phố Đà Nẵng
Tổ Bộ môn tài chính – Ngân Hàng
Chương trình tín dụng ưu đãi đối với học sinh – sinh viên (HSSV) là một trong những
chương trình có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, xã hội trong cả nước của Ngân hàng Chính
sách xã hội (NHCSXH). Nhằm đem lại lợi ích thiết thực trong việc nâng cao khả năng
đến trường của các bạn HSSV đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao cho cả nước. Chính vì
vậy, chúng tôi đã tiến hành thực hiện đề tài “Nâng cao hiệu quả tín dụng chương trình
cho vay ưu đãi đối với học sinh – sinh viên của Ngân hàng chính sách xã hội tại Thành
phố Đà Nẵng”. Với mục đích thu thập và cung cấp những vấn đề cơ bản: Tín dụng ưu đãi
đối với HSSV là gì? Hiệu quả của nó như thế nào? Và hơn hết là cung cấp những vấn đề
thực tế xung quanh chương trình này và đề xuất những giải pháp cần thiết để nâng cao
hiệu quả của chương trình cho vay ưu đãi đối với HSSV của NHCSXH trên địa bàn TP.
Đà Nẵng.
1. Đặt vấn đề:
Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục, cung ứng nguồn lao động cho nền
kinh tế, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa – công nghiệp hóa, các chính sách hỗ trợ tín dụng
cho sinh viên bắt đầu khởi động từ năm 1998 với Quyết Định 51/1998/QĐ-TTG của Thủ
tướng Chính. Cho đến nay, Thủ tướng đã đưa ra thêm hai Quyết Định về tín dụng ưu đãi
cho sinh viên là: Quyết Định 157/2007/QĐ-TTG ra ngày 27 tháng 9 năm 2007 và Quyết
định số 853/QĐ – TTG ra ngày 03 tháng 06 năm 2011 điều chỉnh về mức cho vay và lãi
suất cho vay đối HSSV. Qua nhiều năm, chương trình cho vay đối với HSSV đã đạt được
những thành tựu rất khích lệ. Song, chương trình vẫn gặp nhiều bất cập trong quá trình
thực hiện như vướng mắc trong việc bình xét cho vay, giải ngân, khó khăn trong việc thu
hồi nợ, kiểm soát vốn vay, mức cho vay còn thấp, Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết
phải có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng HSSV. Chính vì vậy, “Nâng cao hiệu
quả tín dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh – sinh viên của Ngân
hàng chính sách xã hội tại Thành phố Đà Nẵng” là điều cần thiết.
2. Tín dụng ưu đãi đối với học sinh – sinh viên:
Trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, để đảm bảo quá trình phát triển một cách toàn
diện, nhu cầu về nguồn vốn là một nhu cầu bức thiết. Và cho vay là hình thức phổ biến


giữa các cá nhân có nguồn vốn nhàn rỗi với các cá nhân đang cần vốn.
Căn cứ vào điều 3 – Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về việc
ban hàng quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng: “Cho vay là một hình
thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một
khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa
thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.
Trong những năm gần đây, hoạt động cho vay ngày một diễn ra mạnh mẽ và phong
phú, chẳng hạn, theo thời hạn cho vay (cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn), theo
mục đích sử dụng vốn của người đi vay (cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất kinh doanh),
theo hình thức đảm bảo tiền vay (cho vay có đảm bảo bằng tài sản, cho vay không có tài
sản đảm bảo) và theo xuất xứ cho vay (cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp).
Và hoạt động cho vay đối với HSSV, căn cứ vào điều 1, Quyết định số 157/2007/QĐ-
TTG của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, cho vay ưu đãi HSSV là việc
sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh
khó khăn đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng,
trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo
quy định của pháp luật Việt Nam góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt
của HSSV trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí, chi phí mua sắm
sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại…
Và, hiệu quả tín dụng ưu đãi HSSV được hiểu là sự thỏa mãn nhu cầu về sử dụng vốn
giữa Ngân hàng và HSSV, những lợi ích kinh tế - xã hội mà chính sách thu được và đảm
bảo sự tồn tại, phát triển của Ngân hàng chính sách xã hội. (Ngô Thị Huyền – 2005).
Theo đó, hiệu quả tín dụng ưu đãi HSSV được thể hiện trên hai phương diện: Thứ
nhất, đánh giá hiệu quả quản lý vốn vay của NHCSXH thông qua các chỉ tiêu: quy mô
cho vay, tỷ lệ nợ quá hạn cho vay ưu đãi HSSV, khả năng quản lý mục đích sử dụng vốn
của người vay, cho vay đúng đối tượng, tính hợp lý của chính sách cho vay,… Thứ hai,
đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của chương trình cho vay ưu đãi HSSV thông qua các
chỉ tiêu: số HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, số HSSV thoát khỏi khó khăn
nhờ vốn vay, tác động của chương trình đến khả năng tìm kiếm việc làm của HSSV,…
3. Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với chương trình tín dụng ưu đãi đối với

HSSV của Ngân hàng CSXH – Chi nhánh Đà Nẵng:
Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của khu
vực miền Trung - Tây Nguyên, với các ngành kinh tế khá đa dạng bao gồm cả công
nghiệp, nông nghiệp cho tới du lịch, thương mại và các dịch vụ khác. Cơ cấu kinh tế
chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp và giảm tỷ trọng nông
nghiệp. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân
20%/năm. Và Đà Nẵng là trung tâm tài chính lớn nhất của khu vực miền Trung - Tây
Nguyên, với 55 ngân hàng thương mại, một ngân hàng chính sách xã hội, và nhiều tổ
chức tài chính khác,
3.1. Kết quả chương trình tín dụng ưu đãi đối với học sinh – sinh viên trên địa bàn TP.
Đà Nẵng:
Việc thực hiện tín dụng đối với HSSV đến nay đã qua khá nhiều năm (hơn 15 năm) và Đà
Nẵng là một trong những địa phương thực hiện chương trình này khá sớm và đồng bộ cho
tất cả các nơi trên địa phương mình và đạt được những kết quả khả thi.
Nhằm tập trung phát triển nguồn nhân lực cho xã hội là một trong những mục tiêu
nhằm hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế, do đó, việc cho vay đối với HSSV là một trong
những chương trình rất được quan tâm.
Tỷ trọng cho vay HSSV qua các năm 2011 – 2013 (%) (Triệu VND - %)
Chỉ tiêu
2011 2012 2013
Số tiền Tỷ trọng Số tiền Tỷ trọng Số tiền Tỷ trọng
TỔNG DƯ NỢ 800.888 100% 949.467 100%
1.109.35
3
100%
Dư nợ cho vay HSSV 286.815 35,81% 332.025 34,97% 345.968 31,19%
Dư nợ cho vay hộ
nghèo
372.017 46,45% 463.200 48,79% 425.937 38,40%
Dư nợ khác 142.056 17,74% 154.242 16,25% 337.448 30,42%

Nguồn: Tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2011 – 2013 của NHCSXH Đà Nẵng
Dư nợ cho vay HSSV luôn chiếm tỷ trọng cao trên 30% trong tổng dư nợ của
NHCSXH – Đà Nẵng, điều này cho thấy, cho vay đối với HSSV là một trọng tâm mà
NHCSXH nói chung và NH CSXH – Đà Nẵng nói riêng đang tích cực triển khai.
Tỷ trọng cho vay HSSV tại các quận Đà Nẵng 2011 – 2013 (%) (Triệu VND - %)
ST
T
Địa bàn
2011 2012 2013
Dư nợ
Tỷ
trọng
Dư nợ
Tỷ
trọng
Dư nợ
Tỷ
trọng
1 Hải Châu 56.693 19,77% 62.895 18,94% 62.741 18,13%
2 Thanh Khê 64.428 22,46% 72.104 21,72% 75.104 21,71%
3 Liên Chiểu 47.543 16,58% 53.701 16,17% 57.508 16,62%
4 Sơn Trà 34.013 11,86% 42.766 12,88% 44.856 12,97%
5 Ngũ Hành Sơn 22.616 7,89% 26.256 7,91% 27.556 7,96%
6 Hòa Vang 30.280 10,56% 36.172 10,89% 37.172 10,74%
7 Cẩm Lệ 31.242 10,89% 38.131 11,48% 41.031 11,86%
8 Toàn Thành phố 286.815 100% 332.025 100% 345.968 100%
Nguồn: Tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2011 – 2013 của NHCSXH Đà Nẵng
Qua bảng số liệu trên cho thấy, tình hình cho vay HSSV trên địa bàn thành phố Đà
Nẵng trải đều qua các quận, nhưng cao nhất qua các năm là quận Thanh Khê, nơi được
đánh giá là mức độ dân cư tập trung đông đúc nhất trên địa bàn thành phố. Nơi đây chiếm

tỷ trọng cho vay luôn trên mức 21%, tiếp theo là quận Hải Châu luôn trên mức 18%. Điều
này cho thấy, nơi có mức độ dân cư cao và tập trung đông thì mức dư nợ cho vay HSSV
chiếm tỷ trọng cao. Cụ thể hơn, tại quận Ngũ Hành Sơn, mức dư nợ cho vay HSSV chỉ
giao động từ 7 – 8% trong tổng dư nợ cho vay HSSV của toàn thành phố, chỉ bằng 1/3 so
với quận Thanh Khê. Tại địa bàn Hòa Vang và Cẩm Lệ, hầu như không có sự biến động
về tỷ trong dư nợ cho vay HSSV qua các năm, luôn chiếm một tỷ lệ ổn định so với dư nợ
cho vay HSSV của toàn thành phố, chỉ giao động từ 10 – 12%. Thêm vào đó, Quận Liên
Chiểu là địa phương có nhiều trường đại học lớn như Đại học Bách Khoa, Đại học Sư
phạm nên tỷ trọng cho vay HSSV tại quận này cũng khá cao, gần tương đương với quận
Hải Châu. Hơn hết, địa bàn này được đánh giá là một trong những khu kinh tế mới nổi
của địa bàn thành phố, đặc biệt là nơi tập trung quy mô công nghiệp với khu công nghiệp
Hòa Khánh, nên mức độ dân cư cũng tập trung về đây ngày một gia tăng mạnh mẽ.
Với kết quả trong 10 năm từ 2002 đến 2012 thực hiện chương trình cho vay đối với
HSSV tại Đà Nẵng, doanh số cho vay và thu nợ tăng lên khá mạnh, và được xét đến như
một trong những chương trình cho vay có tốc độ tăng mạnh nhất trong các chuỗi chương
trình cho vay ưu đãi của NHCSXH Đà Nẵng nói riêng và NHCSXH nói chung.
Kết quả cho vay và tình hình thu nợ 2002 – 2013 (%)
Chỉ tiêu
Kết quả 10 năm (Năm
2012 so với 2002)
Kết quả 2013
so với 2011
Tổng dư nợ cho vay HSSV 7.896% 118%
Doanh số cho vay HSSV 15.573% 116%
Doanh số thu nợ cho vay HSSV 5.466% 866,5%
Số khách hàng còn dư nợ (cho vay HSSV) 890% 105%
Nguồn: Báo cáo doanh số cho vay và thu nợ của NHCSXH Đà Nẵng
Vì chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH đều hướng đến các đối tượng là có hoàn
cảnh gia đình khó khăn, nên việc hoàn trả nợ cũng gặp nhiều trở ngại, điều này làm gia
tăng số lượng khách hàng còn dư nợ tại NH, mặc dù thời gian vay vốn của họ đã kết thúc.

Tuy nhiên, họ cũng đã lên kế hoạch cụ thể để trả nợ cho NH trong thời gian tới. Sự gia
tăng số lượng khách hàng còn dư nợ là điều tất yếu một khi doanh số cho vay của chương
trình này ngày một gia tăng đáng kể.
Việc gia tăng số lượng khách hàng còn dư nợ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn 2011 –
2013, chú ý nhất là doanh số thu nợ, có tốc độ tăng mạnh nhất trong giai đoạn này, tăng
đến hơn 8 lần. Điều này phản ánh sự gia tăng công tác quản lý và thu hồi các khoản nợ
đến hạn và việc kiểm soát tốt dòng vốn về để tái tạo các khoản cho vay mới cho việc giải
ngân trong thời gian tới.
Tỷ lệ nợ quá hạn cho vay HSSV qua các năm 2011 – 2013 (%) (Triệu VND - %)
STT Chỉ tiêu 2011 2012 2013
1 Dư nợ cho vay HSSV 286.815 332.025 345.968
2 Nợ quá hạn 1.646 1.430 2.000
3 Tỷ lệ nợ quá hạn 0,57% 0,43% 0,58%
Nguồn: Báo cáo tổng kết của Ngân hàng Chính sách Xã hội – TP. Đà Nẵng
Với tốc độ tăng mạnh của doanh số thu nợ năm 2012, làm cho tỷ lệ nợ quá hạn năm
2012 giảm xuống đáng kể, tỷ lệ nợ quá hạn đạt 0,43%. Tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH –
Đà Nẵng đối với chương trình cho vay HSSV giao động từ mức 0,55% đến 0,60%. Điều
này cho thấy, công tác quản lý các khoản cho vay HSSV diễn ra đều đặn.
Đánh giá của phụ huynh HSSV về các yếu tố của chính sách cho vay
Chỉ tiêu
% hộ đánh giá hợp
lý và rất hợp lý
Chỉ tiêu
% hộ đánh giá hợp
lý và rất hợp lý
Giá trị món vay 79,84% Cách thức trả nợ 91,36%
Lãi suất vay 86,01% Thủ tục vay 93,83%
Thời hạn vay 86,83% Tốc độ giải ngân 90,12%
Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra
Hầu hết các phụ huynh đánh giá cao về chương trình cho vay, với tỷ lệ đánh giá cao về

mức độ hợp lý và rất hợp lý của các chỉ tiêu như: giá trị món vay, lãi suất vay, thời hạn
vay, cách thức trả nợ, thủ tục vay và tốc độ giải ngân đều trên 80%. Điều này cho thấy,
chính sách cho vay hiện nay khá tốt. Thủ tục vay được người đi vay đánh giá cao về sự
phù hợp, đây là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công của
chương trình. Có nhiều ý kiến của người đi vay đề xuất muốn gia tăng giá trị món vay lên,
khi các yếu tố về chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng và tiền học phí tại các trường đại
học, cao đẳng cũng có sự gia tăng dần qua các năm. Hơn 20% ý kiến cho rằng, giá trị món
vay còn chưa hợp lý, cần có chính sách gia tăng giá trị món vay trong thời gian tới.
Một chỉ tiêu đáng được đề cập đến hiệu quả chính sách cho vay đối với HSSV nhìn từ
phía người đi vay vốn, đó chính là kết quả học tập của các HSSV vay vốn sau khi sử dụng
vốn vay trang trải chi phí học tập.
Đánh giá của phụ huynh HSSV về hiệu quả của chính sách cho vay
Chỉ tiêu
Kết quả học lực
khá, giỏi
Chỉ tiêu
Tỷ lệ vượt qua khó
khăn
Kết quả học tập 88,07% Vượt qua khó khăn 80,25%
Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra
Với hơn 80% ý kiến của người đi vay cho rằng, chính sách cho vay của NHCSXH đã
giúp họ vượt qua khó khăn trong việc trang trải các chi phí liên quan đến việc học tập,
gần 20% ý kiến cho rằng, chính sách cho vay vẫn chưa giúp họ vượt qua khó khăn vì giá
trị cho vay còn thấp, không đủ bù đắp chi phí học tập của con em họ. Do đó, có nhiều ý
kiến cho rằng cần gia tăng giá trị món vay lên.
Tuy nhiên, nhìn chung, chính sách cho vay phần nào đã giúp cho HSSV học tập tốt
hơn, điều này thể hiện qua chỉ số kết quả học tập, với hơn 88% đạt kết quả từ loại khá trở
lên.
3.2. Những tồn đọng của chương trình tín dụng ưu đãi đối với học sinh – sinh viên
trên địa bàn TP. Đà Nẵng:

Trong quá trình triển khai và thực hiện, chính sách này vẫn gặp một số khó khăn và
tồn tại mà nếu không được khắc phục kịp thời sẽ làm mất đi ý nghĩa to lớn của chương
trình, dưới đây là những tồn tại và khó khăn mà chương trình gặp phải khi triển khai
 Về đối tượng cho vay: Phần lớn các trường ĐH, CĐ, trung cấp, dạy nghề chỉ nắm được
số HSSV mà trường ký xác nhận làm thủ tục vay vốn. Còn con số được vay trên thực tế
không nắm được. Có một thực tế hiện nay đó là sinh viên vay tiền trường không hề biết.
Trường không nắm được số SV được vay vốn để theo dõi, đôn đốc HSSV sử dụng vốn vay
đúng mục đích. Các địa phương sau khi xác nhận cho HSSV vay vốn cũng không nắm
được số HS, SV đó còn theo học hay đã nghỉ thời gian sau đó.
 Vướng mắc trong thủ tục giấy tờ: Thực tế, do căn bệnh thành tích nên rất nhiều địa
phương không đưa số gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào diện hộ nghèo. Đó là chưa kể
đến những trường hợp quan liêu, tiêu cực trong việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn cho học
sinh sinh viên để được vay vốn tại NHCSXH.
 Khó khăn trong cân đối nguồn vốn: Chính phủ, các Bộ, Ngành đã luôn quan tâm
trong việc bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện chương trình. Tuy nhiên, do chương trình có
nhu cầu nguồn vốn lớn, kinh phí quản lý cao, thời gian cho vay dài, có thời điểm ngân hàng
gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn, phải vay Kho bạc Nhà Nước, Ngân hàng Nhà
Nước để đảm bảo kịp thời vốn cho chương trình nên nguồn vốn của chương trình chưa có
tính ổn định, chưa bền vững.
 Công tác bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát: Việc bình xét cho vay tại một số tổ chưa
thật sự công khai, dân chủ, chưa bám sát vào danh sách những hộ khó khăn thực sự có nhu
cầu vay vốn ưu đãi HSSV. Sự phối hợp giữa Ngân hàng và các cấp ủy, chính quyền địa
phương ở một số nơi còn chưa tốt.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng của chương trình cho vay ưu đãi đối với
HSSV của Ngân hàng CSXH – Chi nhánh Đà Nẵng:
Trong thời gian tới, để hạn chế nợ quá hạn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của
HSSV, NHCSXH Đà Nẵng cần phải xem xét các giải pháp sau:
4.1. Thực hiện công khai hóa – xã hội hóa chính sách cho vay ưu đãi HSSV của
NHCSXH:
- Tại các điểm giao dịch, NHCSXH cần công khai toàn bộ nội dung chính sách tín dụng,

cán bộ ngân hàng cần phải thông báo chi tiết về chính sách tín dụng đến người đi vay, đặc
biệt là số dư nợ quá hạn và đôn đốc, nhắc nhở các hộ hoàn trả nợ.
- Phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương, các Ban, Ngành, Hội đoàn thể các cấp
cũng như các phương tiện thông tin đại chúng để chuyển tải các nội dung thông tin mới
nhất về chương trình cho vay HSSV đến người vay vốn.
- Hoàn thiện khâu bình xét cho vay tại các tổ một cách công khai, dân chủ với sự góp mặt
của cán bộ tín dụng NHCSXH.
- Tăng cường số lượng hòm thư góp ý, đảm bảo tất cả các xã, phường, quyện, trụ sở
NHCSXH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều phải có hòm thư góp ý.
4.2. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát:
Nhằm phát hiện và chỉnh sửa những vấn đề còn thiếu sót trong việc cho vay, giúp cải
thiện tình hình cho vay một cách tốt hơn thì NHCSXH cần thực hiện tốt công tác kiểm
tra, giám sát, cụ thể như sau:
- Phối hợp với các tổ TK & VV để kiểm tra bằng nhiều phương pháp khác nhau như
kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo… Liên hệ với các đơn vị trường học
của HSSV vay vốn để kiểm tra việc đóng học phí. Sau đó, NH gửi kết quả về lại cho tổ
vay vốn đối với các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích. Trên cơ sở đó, Tổ vay vốn
cũng cần kết hợp với các tổ trưởng dân phố, thông báo tình hình đến các hộ gia đình
(người đi vay) để tìm hướng xử lý.
- Yêu cầu cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn nắm rõ địa chỉ, thân nhân và hoàn cảnh gia
đình của từng thành viên trong Ban quản lý tổ TK & VV để tạo điều kiện thuận lợi trong
các giao dịch với NH. Và, NH cần phải kiểm tra sổ sách của ban quản lý tổ, việc bình xét
cho vay.
- Thực hiện tốt hơn, chặt chẽ hơn công tác kiểm soát nội bộ, tổ chức kiểm tra chéo đột
xuất giữa các nhân viên tín dụng nhằm tránh tình trạng lơ là với các khoản vay này.
4.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn:
- Tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ NHCSXH Đà Nẵng: Đào tạo nghiệp vụ
thường xuyên và liên tục cho đội ngũ cán bộ làm công tác cho vay đóng vai trò quan
trọng, nó quyết định đến chất lượng, hiệu quả tín dụng, uy tín và vị thế của NHCSXH.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ giao dịch lưu động tại xã, phường, của ban quản

lý tổ vay vốn: Thường xuyên tập huấn cho ban quản lý tổ về nghiệp vụ liên quan, làm sao
để thành viên ban quản lý tổ nắm vững nghiệp vụ . Tổ chức các buổi tập huấn có thể diễn
ra định kỳ 1 tháng/1 lần. Chủ động tổ chức giao ban định kỳ với Tổ trưởng tổ TK & VV
tại các điểm giao dịch tại xã (có thể 2 tháng/1 lần). Và, phát động các phong trào thi đua
khen thưởng xã, phường, tổ không có nợ quá hạn.
4.4. Hoàn thiện quy trình, thủ tục vay vốn:
Để hạn chế người vay sử dụng vốn sai mục đích, NH thực hiện cách thức giải ngân
bằng cách chuyển tiền học phí cho HSSV vào tài khoản của nhà trường của HSSV. Như,
xác định mức chi tiêu tối thiểu của một HSSV một học kỳ, chẳng hạn 1,3 triệu/1 tháng.
Yêu cầu mỗi HSSV có nhu cầu vay vốn bắt buộc phải mở một tài khoản tại NH (đây là
loại tài khoản ưu đãi không thu phí dành cho HSSV). HSSV ký hợp đồng vay nợ với NH,
nơi cho vay sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản đó. Về học phí, NH cho vay có thể
chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của nhà trường nơi HSSV theo học, HSSV chỉ cần
đem biên lai nộp học phí đến NH và yêu cầu chuyển tiền. Điều kiện bắt buộc cho vay là
HSSV phải xuất trình phiếu đăng ký môn học của mỗi học kỳ kèm theo biên lai thu học
phí của nhà trường. Ngân hàng chỉ giải ngân cho từng học kỳ. Còn khoản chi phí thì ngân
hàng sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản của HSSV. Trường hợp khi tiền rút nhiều đến mức
giới hạn (chẳng hạn: 1,3 triệu/tháng), HSSV sẽ không rút được nữa.
Về việc thu hồi nợ, theo quy định hiện nay, người đứng ra vay tín dụng là các bậc phụ
huynh, trong khi đó người được thụ hưởng lợi ích trực tiếp và có trách nhiệm hoàn trả nợ
lại là HSSV. Do đó, Ngân hàng cần phải yêu cầu HSSV ký vào cam kết về việc trả nợ
như là một văn bản dân sự nhưng có tính chất pháp lý nhằm truy thu được nợ từ HSSV
sau khi ra trường, tránh tình trạng chay ỳ trả nợ khi HSSV đã có điều kiện.
5. Lời kết
Chương trình cho vay ưu đãi đối với HSSV là một trong những chương trình trọng tâm
và chính yếu của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ vốn cho HSSV có đủ điều kiện tham gia
đến trường.
Với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, do đó, nguồn nhân lực có chất
lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày một phát triển về mặt kinh tế là điều không thể không
nhắc đến. Chính vì vậy, ngay từ khi thực hiện trong những giai đoạn đầu, chương trình

cho vay ưu đãi đối với HSSV đã thu hút được sự quan tâm lớn từ phía các cấp chính
quyền địa phương và nhân dân của cả nước. Và nhanh chóng được lan truyền rộng khắp
đất nước, đặc biệt là những nơi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn với nhiều hộ gia đình có
con em chuẩn bị bước vào môi trường đại học, cao đẳng.
Với hơn 10 năm thực hiện, chương trình cho vay ưu đãi đối với HSSV ngày một được
quan tâm và gia tăng số lượng cho vay, điều này cho thấy sự phù hợp và đúng đắn của
chính sách này. Tuy nhiên, nó vẫn còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết để phù hợp
và hiệu quả hơn.
Với thời gian thực hiện đề tài ngắn, chúng tôi không thể tránh được những thiếu sót.
Nhóm đề tài mong muốn nhận được ý kiến phản hồi từ các bạn đọc.
Danh mục tài liệu tham khảo
[1] Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (2013), Báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động
Ngân hàng chính sách xã hội (2003 – 2012).
[2] Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (2013), Đặc san Thông tin Ngân hàng chính
sách xã hội Việt Nam.
[3] Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (2013), Tài liệu hội nghị tổng kết 5 năm thực
hiện quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học
sinh – sinh viên.
[4] Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (2014), Tình hình thực hiện kế hoạch tín dụng
năm 2010 – 2013, Ngân hàng chính sách xã hội – Thành phố Đà Nẵng.
[5] PGS.TS Trần Ngọc Thơ (2009), Giáo trình Tài chính doanh nghiệp hiện đại, Nhà xuất
bản Thống kê, TP.HCM.
[6] Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, Quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên,
Hà Nội ngày 27 tháng 9 năm 2007.

×