THAY ĐỔI CỦA THÔNG TƯ 244/2009/TT-BTC
VÀ Ý NGHĨA TÀI CHÍNH TRONG KẾ TOÁN
ThS. Võ Thị Thùy Trang – Khoa kế toán - tài chính – Đại học Nha Trang
Tóm tắt:
Kế toán là ngôn ngữ của kinh doanh. Mục đích của mọi ngôn ngữ là cung cấp
thông tin cho việc ra các quyết định. Mỗi tài khoản và phương pháp hạch toán kế toán đều
gắn liền với ý nghĩa tài chính. Thế nhưng, sinh viên ngành kế toán khi học kế toán chỉ chú
trọng đến Nợ và Có, mà chưa thật sự chú ý đến ý nghĩa tài chính của chúng. Bởi lẽ mỗi
đối tượng kế toán đều thể hiện trên báo cáo tài chính, mà nhà quản trị tài chính cần biết
để sử dụng chúng trong việc ra các quyết định kinh tế tài chính liên quan. Sự thay đổi của
Thông tư 244/2009/TT-BTC, ban hành ngày 31/12/2009 của Bộ tài chính cũng không nằm
ngoài mục đích trên, khi mà hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam đang trong thời kỳ
đổi mới để hội nhập với với hệ thống kế toán toàn cầu..
Từ khóa: kế toán và ý nghĩa tài chính
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam hội nhập hoàn toàn với quốc tế trong lĩnh vực
kế toán, kiểm toán. Trong đó, giai đoạn 2006 -2010 là giai đoạn củng cố hội nhập, giai
đoạn này tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp lý điều chỉnh hoạt động của thị trường
dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đến giai đoạn 2010 - 2020, giai đoạn hội nhập năng động: Việt
Nam sẽ hội nhập toàn diện, bình đẳng với các nước trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Kế
toán Việt Nam như một xu hướng tất yếu đã, đang và tiếp tục hội nhập với nền kế toán
quốc tế ngày một sâu rộng hơn. Hệ thống kế toán Việt nam đang và sẽ thay đổi để ngày
càng tiến gần hơn đến các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)/ Chuẩn mực báo cáo tài chính
quốc tế (IFRS). Chuẩn mực kế toán Việt nam (VAS) sẽ tiếp tục được ban hành và thay đổi
để phù hợp với thực tế và chuẩn mực kế toán quốc tế.
Quyết định số 15/2006/QĐ -BTC ngày 20/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
(QĐ15) ban hành đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của kế toán Việt Nam đồng thời
tập hợp những thay đổi của nhiều văn bản pháp lý được ban hành ở nhiều thời điểm khác
nhau. Tuy nhiên, QĐ15 vẫn thể hiện nhiều bất cập, đặc biệt trong hệ thống báo cáo tài
chính. Với việc ban hành Thông tư số 244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009, của Bộ tài
chính (TT244), sửa đổi bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Quy định: đơn vị
tiền tệ trong kế toán, hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán cho nhà thầu nước ngoài, hướng
dẫn sửa đổi bổ sung phương pháp kế toán một số nghiệp vụ. Trong khuôn khổ bài viết này
tôi xin đề cập đến phần IV trong TT244 – hướng dẫn sửa đổi phương pháp kế toán một số
nghiệp vụ và sửa đổi báo cáo tài chính, chủ yếu đề cập đến việc sửa đổi bổ sung một số tài
khoản kế toán và phương pháp hạch toán. Việc sửa đổi này gắn liền với ý nghĩa tài chính
và phù hợp với thực tế hiện nay.
Thông tư 244/2009/TT- BTC loại bỏ được tồn tại: Vốn chủ sở hữu bao gồm cả
những khoản không thuộc chủ sở hữu, trên báo cáo tài chính. Như chúng ta đã biết, một
số khoản phải trả thưởng cho nhân viên, cho hội đồng quản trị như các quỹ khen thưởng
phúc lợi, thực chất là các khoản phải trả chứ không thuộc vốn chủ sở hữu nhưng vẫn được
báo cáo trong mục vốn chủ sở hữu như theo QĐ15. Theo TT244 đã được loại ra khỏi vốn
chủ sở hữu và đối xử như các khoản chi phí phải trả. Phân tích và xem xét TT244 sửa đổi
bổ sung một số điều của QĐ15/2006/QĐ-BTC, ngày 20/3/2010 (QĐ15) về chế độ kế toán
doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta thấy rằng, quỹ khen thưởng phúc lợi từ TK loại 4 (431),
theo thông tư 244/2009/TT-BTC sửa đổi thành TK loại 3 (353). Nếu gắn liền với báo cáo
tài chính, nếu theo QĐ15/2006/QĐ-BTC, tài khoản loại 4 được trình bày trong phần nguồn
vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán, còn theo TT244, TK loại 3 sẽ được trình bày
trên phần Nợ phải trả của bảng cân đối kế toán. Một hình dung đơn giản như vậy để chúng
ta thấy rằng, nếu doanh nghiệp muốn cải thiện tình hình tài chính, muốn nâng vốn chủ sở
hữu của mình lên, thì họ giữ lại quỹ khen thưởng phúc lợi, mà lẽ ra theo IAS19 – phúc lợi
của người lao động là vi phạm. Rất nhiều nhà quản trị tài chính của các doanh nghiệp Việt
nam đã lợi dụng vấn đề này. Còn theo TT244, phúc lợi của người lao động (353) nằm trên
phần Nợ phải trả, khoản này như là nguồn vốn nợ. Do vậy, nếu doanh nghiệp giữ lại càng
nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ số nợ của doanh nghiệp. Còn theo QĐ15, giữ lại càng nhiều
thì nâng cao tỷ số tự tài trợ của doanh nghiệp, điều này là bất hợp lý. Theo tôi cho rằng, ý
nghĩa tài chính của TT244 là xác thực hơn cho thực tế của Việt Nam và dần đưa báo cáo
tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với thực tế và phù hợp IFRS. Điều này
cũng sẽ thấy tương tự đối quỹ nghiên cứu khoa học và công nghệ (356), quỹ này khi trích
lập, sẽ được phép trừ vào thu nhập chịu thuế, khoản này cũng phải là một khoản nợ phải
trả, do vậy tài khoản loại 3 là hợp lý.
Tuy nhiên, TT244 vẫn chưa khắc phục được nhược điểm của các khoản cổ tức
phải trả theo đề nghị. Theo tôi, nên được ghi giảm “Lãi chưa phân phối”. Đa phần các
công ty đều chia cổ tức lần cuối hoặc duy nhất sau kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường
vào cuối quý 1 và đầu quý 2 năm tiếp theo. Tuy vậy khi lập báo cáo tài chính năm, các
công ty thường đã có kế hoạch chia cổ tức cho năm rồi, mặc dù nó có thể được công bố
hay chưa. Xét về bản chất các khoản vốn chủ sở hữu là những khoản mà công ty được sử
dụng lâu dài mà không phải lo trả nợ. Những khoản cổ tức này cho dù chưa có quyết định
chính thức, mới chỉ có đề nghị từ Hội đồng quản trị hay sự ước tính của ban lãnh đạo công
ty thì các công ty cũng nên ghi nó vào là một khoản cổ tức (ước tính) phải trả và ghi giảm
phần vốn “Lãi chưa phân phối”. Làm được điều đó sẽ làm cho Bảng cân đối kế toán phản
ánh chính xác hơn tình tình tài chính, vốn chủ sở hữu của công ty.
Thông tư 244/2009/TT-BTC cũng đã sửa đổi, bổ sung phương pháp kế toán của một
số nghiệp vụ mà theo tôi phù hợp với luật kế toán doanh nghiệp Việt Nam 2003 và luật
thuế Thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ như phương pháp kế toán trong trường hợp đem tài sản
đi góp vốn liên doanh đồng kiểm soát. Theo QĐ15, khoản chênh lệch do đánh giá tăng tài
sản đem đi góp vốn thì được hoãn lại, thế nhưng góp vốn vào công ty liên kết hay công ty
con thì chênh lệch này không được hoãn lại. Điều này cung không phù hợp với quy định
của luật thuế.
Do điều kiện thực tế của Việt nam, chuẩn mực kế toán Việt Nam có những khác
biệt so với chuẩn mực kế toán quốc tế. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm của nền kinh
tế xã hội của Việt Nam, bởi lẽ VAS mặc dù được xây dựng trên nền IAS và IFRS, nhưng
phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam, những vần đề mà nền kinh tế Việt
Nam chưa đạt đến trình độ tiếp cận thì chưa được xây dựng, hoặc một số chuẩn mực mang
tính chất đặc thù cũng chưa được xây dựng: công cụ tài chính, phúc lợi cho người lao
động,…. những chuẩn mực đặc thù này theo tôi cần được ban hành để sớm để đáp ứng
được yêu cầu công tác kế toán trong quá trình hội nhập. Chính vì có sự khác biệt, nên Việt
Nam cũng đã và đang dần hoàn thiện hệ thống kế toán, chuẩn mực kế toán để phù hợp với
quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế.
Kết luận: Một đề cập nhỏ ở trên, như một thông điệp muốn gửi đến tất cả những
người học và làm kế toán cần chú trọng hơn đến ý nghĩa tài chính của kế toán. Khi một tài
khoản và phương pháp hach toán đưa ra hay sự thay đổi chế độ kế toán đều gắn liền với ý
nghĩa tài chính, sao cho phù hợp với thực tế, phù hợp với quá trình hội nhập của hệ thống
kế toán – kiểm toán Việt Nam. Sự thay đổi đó, mỗi một người làm công tác kế toán – tài
chính cần phải chú ý để ra các quyết định kinh tế - tài chính.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định 15/2006/QĐ-BTC, ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp
2. Thông tư 244/2009/TT-BTC, ngày 31/12/2009, của Bộ trưởng Bộ tài chính, hướng
dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp