Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

TÍN HIỆU THẨM MỸ TRONG “MÀU THỜI GIAN” CỦA ĐOÀN PHÚ TỨ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (49.8 KB, 6 trang )

TÍN HIỆU THẨM MỸ TRONG “MÀU THỜI GIAN” CỦA ĐOÀN PHÚ TỨ
KIM BÀI
Trong bài cảm nhận về “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ, Văn Giá đã mở đầu
bằng một câu: “Màu thời gian, ngoài Hoài Thanh- Hoài Chân ra, cho đến nay
cũng chưa có ai dám viết lời bình về nó.” Nguyễn Sơn cho rằng đó là một bài
thơ "không hiểu nổi", "nó thanh thoát, nó lâng lâng, như khi nhìn áng mây trôi, khi
ngắm dòng nước chảy… nó lung linh như một khúc nhạc thiều , nó chập chờn
như một bóng Liêu Trai!" Nói như vậy để thấy được rằng, từ khi bài thơ này ra
đời, mọi người đều công nhận bài thơ hay, nhưng hay như thế nào thì không
dễ gì nói ra được, người đọc có cảm giác, linh cảm về những điều thầm kín
nhà thơ diễn tả nhưng không gọi được tên nó ra là gì? “Màu thời gian” là bài
thơ tiêu biểu mở đầu cho thơ tượng trưng hiện đại Việt Nam. Do đó “Màu thời
gian” có sức khơi gợi người đọc khát vọng kiếm tìm sự bí ẩn của thế giơi tâm
linh, thế giới con người đằng sau mỗi lời thơ, hình ảnh và từ ngữ. Nói cách
khác, một bài thơ mà không ai dám tự cho mình là đã hiểu, cả Hoài Thanh và
Hoài Chân cũng phải hạ bằng một câu "Trong thơ ta, có lẽ không có bài nào
khác tinh tế và kín đáo như thế" thì chúng ta chỉ nên cảm nó mà thôi. Ở đây,
tôi mạo muội bày tỏ “cảm” của mình qua mảng tín hiệu thẩm mỹ có trong
chính bài thơ này.
Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu tín hiệu thẩm mỹ là gì?
Theo Đỗ Hữu Châu thì "Với tư cách là thể chất của tác phẩm văn học, ngôn
ngữ văn học có thể được coi là một hệ thống tín hiệu bao gồm các tín hiệu
thông thường và các tín hiệu thẩm mỹ. Tín hiệu thẩm mỹ phân biệt với các tín
hiệu ngôn ngữ tự nhiên ở chỗ ý nghĩa của nó không bao giờ chỉ dừng lại ở
phạm vi tái tạo hiện thực mà phải là một tư tưởng, một ý nghĩ nào đó của
người nghệ sĩ." Hay như Nguyễn Thị Xuân Yến thì cho rằng: Hệ thống tín hiệu
được nhà văn, nhà thơ dùng để tạo nên hình thức cho tác phẩm của mình. Với
văn học, mã là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đích thực của văn học là tín hiệu thẩm
mỹ. Vậy những điều kiện để khẳng định đâu là một tín hiệu thẩm mỹ gồm:
thứ nhất tín hiệu đó mang một giá trị biểu trưng hay ý đồ sáng tạo của người
nghệ sĩ. Thứ hai, tín hiệu đó phải tồn tại trong một hệ thống


, chẳng hạn
những "chữ rỗng" một mình nó không có giá trị tồn tại nhưng nếu nó đứng
trong một bài thơ có chủ đích dùng một hệ thống các chữ "rỗng nghĩa" tương
tác với nhau để tạo ra một âm giai nhất định thì nó sẽ trở thành một tín hiệu
thẩm mỹ.
Thứ ba, tín hiệu đó chứa đựng cái nhìn chủ quan có tính khám phá
về bản chất đờisống
.
Vậy trong “Màu thời gian” tín hiệu thẩm mỹ thể hiện như thế nào?
Trước hết, trong bài thơ này, ngay nhan đề đã là một tín hiệu - một câu đố có
tính chất triết học. Thời gian là khái niệm phi vật thể cho nên nó không có
màu, không mùi, không vị. Đặt vấn đề xác định “màu” của thời gian, phải
chăng tác giả đã khơi gợi cho người đọc một sự tò mò khám phá, phải chăng
chuyện thời gian là chuyện của đời người “một câu chuyện tâm tình” như Hoài
Thanh – Hoài Chân đã bình chú?
Thứ hai, tín hiệu thẩm mỹ của bài thơ thể hiện trong sự đan xen thể thơ. Bài
thơ có 18 dòng, 5 khổ; 2 khổ đầu viết theo thể tự do, dài ngắn đan xen; ba
khổ cuối viết theo thể thơ cổ: ngũ ngôn và thất ngôn.
Sự kết hợp thể thơ tự do - hiện đại- với thể thơ cổ - ngũ ngôn, thất ngôn- tạo
ra sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ.
Ba câu đầu là một câu chuyện hiện tại.
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Những hình ảnh thơ: sớm nay, tiếng chim thanh, gió xanh, hương ấm, xuân
tình cho ta cái cảm giác có một niềm hân hoan cho một tình yêu nên thơ, ý
vị.Đó là một không gian êm ả, trong và dịu. Cảnh sớm có tiếng chim hót
nhưng không ồn ã, náo động. Làn gió xanh như khoác thêm cho buổi sớm cái
dáng vẻ thanh sạch và tinh khôi đến kỳ lạ. Gió tựa hồ được thổi hồn ngơ
ngác, non tơ để mà "sớm nay" chỉ thoảng nhẹ, mát lành Câu thơ thứ ba neo

lại nét thần của cảnh, khí trời hương gió, tiếng chim quyện hòa, bịn rịn. Trời
trong cảnh tĩnh mà không thấy lạnh. Sự gắn kết tuyệt diệu của cảnh sắc thiên
nhiên tạo vật tạo nên "hương ấm". Lòng người thêm xốn xang, lưu luyến.
Những chữ "dìu", "vương", "thoảng" buông ra thật nhẹ, thật êm mà chát chúa
rồi lòng tha thiết, lan tỏa. Cái tình xuân của tác giả ở đây tinh tế mà kín đáo.
Tình gửi trong tiếng chim, trong hơi gió, trong mùi hương tạo được dư âm
vang vọng trong lòng người. Ngẫm kỹ, điệu thơ như ru hời khoan nhặt, như
vỗ về lưu luyến Với những câu thơ như thế này, Đoàn Phú Tứ đã chạm tới
cái "rung động siêu việt, trong trẻo và nhẹ nhàng".
Khổ thứ hai là hồi ức quá khứ
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Tác giả dừng lại ở câu chuyện nàng Tần Phi. Cũng khó có thể hiểu "nàng" mà
"ta lặng dâng" ở đây là ai? Tần Phi hay một người nào khác. Người xưa,
chuyện cũ chỉ khiến cho lòng "ta" thêm u buồn, hồn "ta" thêm trống trải. Thời
gian xưa trở về phủ đầy trong tâm trạng. Nỗi lòng man mác, day dứt của thi
nhân gói trọn trong từ "nhuốm". Theo Hoài Thanh – Hoài Chân chữ “nhuốm”
tạo tâm trạng nhẹ nhàng, không nặng nề như từ “nhuộm”. Hình ảnh ở câu thứ
ba chỉ hồn của nhà thơ. Nhà thơ muốn nói dâng hồn mình cho người yêu nhưng
không nói được vì nói như thế sẽ sỗ sàng, bởi tình yêu ở đây chưa từng được san
sẻ.
Chính tâm trạng này mà tác giả đã cảm nhận được hương sắc của thời gian
Màu thời gian xanh xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian xanh xanh
Nếu như Xuân Diệu cảm nhận được từng bước đi của thời gian để khát khao
sống trọn vẹn thì Đoàn Phú Tứ tìm ở thời gian những sắc màu, những hương
vị vọng về từ những câu chuyện xưa cũ.Trong quan niệm của người Pháp, thời

gian có màu xanh - màu của niềm tin và hy vọng. Trong quan niệm của Đoàn Phú
Tứ, màu thời gian
không xanh

tím ngát
. Trong tâm thức người phương Đông,
màu tím tượng trưng cho tình yêu, cho sự thủy chung, màu tím là màu của tình
yêu. Thời gian được cảm nhận bằng tâm hồn yêu nên thời gian mang màu tím.
Cũng như "màu thời gian", "hương thời gian" cũng là "hương yêu", một tình yêu
đã qua lâu rồi nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng. Màu được cảm nhận bằng thị
giác. Mùi hương được cảm nhận bằng khứu giác. Màu thời gian và hương thời
gian được cảm nhận không chỉ bằng thị giác, khứu giác mà bằng sự phối kết hợp
một cách hài hòa, tinh tế của các giác quan nên đã gợi liên tưởng đến màu tình
yêu và hương tình yêu: vừa cụ thể, vừa nhiều mộng mơ; vừa trần tục, vừa thanh
cao thoát tục.
Khổ thơ tiếp theo tác giả đưa người đọc về quá khứ xa hơn, và "càng đi xa về quá
khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ" (Hoài Thanh):
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng Quân Vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Những hình ảnh ước lệ tượng trưng được sử dụng nhiều trong khổ thơ thứ tư:
"tóc mây", "chiếc dao vàng", "nghìn trùng e lệ", "trăm năm tình cũ", "mày
hoa", "thiếp" và "chàng" Điệu thơ chuyển từ ngũ ngôn thất ngôn có nét
trang trọng nhưng xa vời. Có ý kiến cho rằng, Đoàn Phú Tứ qua khổ thơ này
phác họa chân dung người đẹp Dương Quý Phi xưa cắt tóc dâng vua Đường
Minh Hoàng để tỏ lòng yêu của mình. Dù thế nào, chuyện xưa của Tần Phi và
Dương Qúy Phi cũng làm cho bài thơ có vỏ bọc khó hiểu. Hai câu thơ cuối lại
được nhắc lại bởi sắc màu và hương vị của thời gian:
Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn vương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Nói “duyên trăm năm đứt đoạn” chủ yếu nói về sự đổi thay của hoàn cảnh,
sự biến hoá của đời người. Nói "tình một thủa còn hương" là nói tới sự bền vững,
thuỷ chung của tình cảm con người. Và tình cảm của con người chính là sắc màu
đẹp nhất, hương thơm thanh khiết nhất của thời gian.
Vậy qua việc phân tích trên, “Màu thời gian” có những tín hiệu
thẩm mỹ nổi bật sau đây:
Thanh điệu trong toàn bộ bài thơ chủ đạo là thanh bằng, chiếm 2/3 số
lượng trong bài; dòng thơ có kết thúc thanh bằng là 14/18. Đặc trưng trên
không chỉ tạo cảm không gian cho bài thơ: dàn trải, mênh mang, nhẹ nhàng
mà còn là yếu tố tạo nên tính nhạc cho bài thơ.
Tính từ chỉ màu sắc, âm thanh trong bài thơ đều gợi sự tươi sáng, nhẹ
nhàng, bàng bạc: thanh, xanh, ấm, tím ngát, không lạnh, không nồng, thanh
thanh…
Hình ảnh ước lệ tượng trưng và những tích cổ tạo bài thơ một vỏ bọc
khó hiểu và càng trở nên tinh tế.
Tổ chức những câu thơ lặp, gồm lặp toàn phần và lặp lại cấu trúc:
Màu
thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/
Hương thời gian thanh thanh

Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian
tím ngát.

Bên cạnh đó còn có một số câu thơ đang đối với nhau như những câu
thơ biền ngẫu:
Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Nghìn trùng e lệ phụng
Quân Vương/ Trăm năm tình cũ lìa không hận/ Thà nép mày hoa thiếp phụ

chàng/ Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn hương.
Đặc biệt cái đặc sắc của bài thơ là dùng biện pháp ẩn dụ bổ sung, hay
chính là hệ thống hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: tiếng chim thanh, gió
xanh, màu thời gian, hương thời gian…Sự chuyển đổi cảm giác, sự kết hợp
các cảm giác trong bài tạo nên một thế giới huyền diệu, “kín đáo mà tinh tế”.
Xuân Thu nhã tập quan niệm: "Thơ không cần lúc nào cũng rõ nghĩa, vì nó
không chủ động trong địa hạt ý nghĩa; không phải lúc nào cũng sáng sủa vì
nó không vụ phát biểu cái phần sáng sủa của tâm linh, nó giữ phần sâu kín,
nó giữ phần sâu sắc…". Ở bài thơ này, bằng những tín hiệu thẩm mỹ, có thể
nói tác giả đã chạm đến cái “rung động siêu việt, trong trẻo và nhẹ nhàng”,
đã làm cho thơ bước vào “nẻo đạo” của nhóm Xuân Thu.
Đà Nẵng tháng 4/2010

×