Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam Nhà nước và pháp luật triều hậu lê với việc bảo vệ quyền con người

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (83.25 KB, 7 trang )

NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TRIỀU HẬU LÊ VỚI VIỆC BẢO VỆ QUYỀN
CON NGƯỜI
Trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Việt Nam thời trung đại
nói riêng, triều Hậu Lê (1428 – 1789)[1] lâu nay vẫn được đánh giá là giai
đoạn phát triển rực rỡ nhất. Đây là giai đoạn lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn,
thành tựu quan trọng nhất về phương diện cải cách kinh tế, giáo dục và đặc
biệt là về phương diện tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng, thực thi, bảo vệ
pháp luật và bảo vệ quyền con người.
Thành tựu đặc sắc bậc nhất về pháp luật trong lịch sử nhà nước và
pháp luật Việt Nam thời trung đại chính là Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình
luật) và Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ triều Hậu Lê. Đây là những Bộ luật
phản ánh trung thực, rõ nét nhất trạng thái chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội Đại Việt triều Hậu Lê. Những Bộ luật này đã trở thành khuôn mẫu cho
các triều đại sau với nhiều lần được bổ sung, sửa chữa. Trong hoàn cảnh và
trình độ pháp lý của thời kỳ này, tính chất hoàn thiện, hệ thống, phong phú,
nhưng cũng rất chặt chẽ, cụ thể của Quốc Triều Hình Luật triều Hậu Lê, Bộ
Quốc Triều Khám Tụng điều lệ hàm chứa nhiều giá trị kế thừa từ kỹ thuật lập
pháp đến việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền các nhóm xã hội dễ bị
tổn thương trong các chế định thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia
đình, hành chính và tố tụng.
Có thể nói việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật triều Hậu Lê, qua đó
chỉ ra những giá trị đương đại, những giá trị cần tham khảo, kế thừa vào
công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền trong giai đoạn hiện nay có một ý
nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc nghiên cứu, kế thừa những giá trị lịch sử -
pháp lý triều Hậu Lê chắc chắn sẽ góp phần tích cực, tạo điều kiện cho việc
phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả giáo dục, thực thi pháp luật, bảo vệ
quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Do ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề, nên việc nghiên cứu về nhà
nước và pháp luật triều Hậu Lê đã được nghiên cứu khá sớm ở nước ta.
Trước hết phải kể đến nhiều tác phẩm của các học giả nổi tiếng thời
phong kiến, tiêu biểu như tác phẩm Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Công


trình này đã khảo cứu tương đối đầy đủ những đổi thay về tổ chức nhà nước,
hệ thống quan lại thời phong kiến, trong sự đối chiếu với hệ thống pháp luật,
bộ máy quan lại của Trung Quốc. Tiếp đó là bộ sách Lịch triều hiến chương
loại chí của Phan Huy Chú. Trong số 10 loại chí, trừ Dư địa chí và Văn tịch
chí, công trình đồ sộ này khảo cứu một cách tương đối đầy đủ về lịch sử tổ
chức chính quyền thời kỳ phong kiến trước triều Nguyễn.
Từ năm 1945 đến nay đã có rất nhiều công trình, sách chuyên khảo về
nhà nước và pháp luật thời phong kiến nói chung và thời Lê nói riêng, trong
đó có những công trình tiêu biểu như: Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn
giảng, Sài Gòn, 1973 của tác giả Vũ Văn Mẫu; Pháp chế sử, Sài Gòn, 1974
của tác giả Vũ Quốc Thông; Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt
Nam (Từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX), NXB Khoa học xã hội, Hà nội, 1968 của
tác giả Đinh Gia Trinh; Nghiên cứu về hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỷ
XV – Thế kỷ XVIII, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà nội, 1994 do tác giả
Đào Trí Úc chủ biên; Luật và xã hội Việt Nam thế kỉ XVII - XVIII, Nxb. KHXH,
Hà Nội, 1994 của tác giả Insun Yu; Những đặc trưng cơ bản của bộ máy
quản lí đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kì đổi mới, Nxb.
CTQG, Hà Nội, 2008 do tác giả Vũ Minh Giang (chủ biên); Lê Thánh Tông,
con người và sự nghiệp, Nxb ĐHQG HN, 1997 của tập thể tác giả Trường Đại
học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà nội; Quốc triều hình
luật - Lịch sử hình thành, nội dung và giá trị, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,
2004 do tác giả Lê Thị Sơn (chủ biên); Tư tưởng đức trị, pháp trị và sự kết
hợp đức trị và pháp trị trong đường lối cai trị của nhà nước phong kiến hậu
Lê, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2000 của tác giả Vũ Thị
Nga; Tư tưởng chính trị - pháp lí ở làng xã cổ truyền và ảnh hưởng của nó
đối với xã hội Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội, 2003 của tác giả
Nguyễn Thị Việt Hương; Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb KHXH,
Hà Nội, 1990 của tác giả Vũ Thị Phụng; Luận án Tiến sĩ về Luật học: “Quốc
triều hình luật – các giá trị nhân văn, tiến bộ và sự kế thừa trong điều kiện
xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay” của tác giả Lương Văn Tuấn, bảo

vệ năm 2013; Phần nghiên cứu về Tổ chức chính quyền Việt Nam thời kỳ
phong kiến, in trong: Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, Tập 1, Nhà
xuất bản văn hóa Thông tin, 2009, tr.2151-2172 của tác giả Nguyễn Minh
Tuấn và nhiều công trình khác.
Đặc biệt, về phương diện Hội thảo cấp quốc gia, đã có nhiều Hội thảo
liên quan đến triều Hậu Lê như Hội thảo Lê Thánh Tông (1442-1497) – Con
người và sự nghiệp, kỷ niệm 500 năm ngày mất của Lê Thánh Tông. Nhà
xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã in thành kỷ yếu gồm 33 bài viết, nhiều
bài viết đề cập đến vấn đề pháp luật có giá trị. Cuốn kỷ yếu thứ hai có giá trị
là cuốn “Quốc triều hình luật : Những giá trị lịch sử và đương đại góp phần
xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, do Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư
pháp cùng phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2008. Đây là
cuốn sách tập hợp toàn văn các báo cáo khoa học có giá trị được trình bày
tại Hội thảo khoa học quốc gia: "Quốc triều hình luật - những giá trị lịch sử
và đương đại góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam" tổ chức
ở Thanh Hoá từ 17 - 18/3/2007. Công trình này tập hợp 22 bài viết của
nhiều nhà khoa học đề cập một cách sâu sắc và toàn diện về bộ Quốc Triều
hình luật thời Lê từ vấn đề cải cách bộ máy nhà nước, quan chế, kỹ thuật lập
pháp, quyền con người…
Bên cạnh những công trình trên cũng có nhiều bài viết đăng trên các
tạp chí chuyên ngành luật học, sử học, triết học đề cập đến những khía cạnh
khác nhau về nhà nước và pháp luật triều Hậu Lê. Nhiều bài viết mạnh dạn
đề cập đến “quyền con người”, “nhà nước pháp quyền”, “giám sát quyền lực”
trong Quốc triều Hình luật như bài viết: Một số nội dung và giá trị cơ bản về
quyền con người trong "Quốc triều hình luật" của tác giả Nguyễn Thanh
Bình, đăng trên Tạp chí Triết học, Số 7/2008, tr. 9-16; bài viết “Khía cạnh
quyền con người, quyền công dân và quản lý nhà nước trong bộ Quốc triều
hình luật” của tác giả Cao Quốc Hoàng, đăng trên Tạp chí Triết học, Số
7/2005, tr.37-42; Bài viết: “Vấn đề xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền
ở Việt Nam thời Lê Sơ (qua Quốc triều hình luật)” của tác giả Nguyễn Thanh

Bình đăng trên Tạp chí Triết học, Số 6 (265)/ 2013. tr. 56-65; Hệ thống
giám sát quyền lực trong nhà nước Việt Nam thời kỳ phong kiến của tác giả
Trương Vĩnh Khang, đăng trên Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 3/2014, tr.
3-11…
Nhiều công trình của các học giả người nước ngoài cũng đã đề cập đến
một vài khía cạnh về nhà nước và pháp luật thời Hậu Lê như: Công trình
“Vietnam and Chinese Model, A Comparative Study of Vietnamese and
Chinese Government in the First Haft of the Nineteenth Century” của tác giả
Alexander B. Woodside, in tại Havard University, năm 1971 (in lại năm
1988); Công trình Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII của tác giả
Insun Yu, xuất bản năm 2004; Công trình Hệ thống pháp luật triều Lý và
Triều Trần của Việt Nam, mối quan hệ giữa Đường luật và Lê Triều Hình Luật
của tác giả Insun Yu, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Số 1/2011, tr. 8-
27. Những công trình này đã so sánh, làm rõ sự khác biệt, cũng như cơ sở
tạo ra sự khác biệt giữa pháp luật triều Lê với pháp luật của phong kiến
Trung Hoa.
Ngoài ra còn nhiều bài viết khác liên quan như: Lịch sử và hiện trạng hệ
thống chính trị nước ta - một số vấn đề khoa học đang đặt ra, Tạp chí Khoa
học số 2/1993 của tác giả Vũ Minh Giang; Kinh nghiệm xây dựng và sử dụng
đội ngũ quan lại trong nền hành chính Việt Nam thời kì phong kiến, Nhà
nước và Pháp luật, Số 11/2008 Các của tác giả Nguyễn Thị Việt Hương; Kế
thừa những giá trị trong tư tưởng về nhà nước của Lê Thánh Tông, Nhà nước
và Pháp luật, Số 12/2007 của nhóm tác giả Nguyễn Thị Việt Hương, Trương
Vĩnh Khang; Mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân trong quan niệm cai trị
của Lê Thánh Tông - một vài suy ngẫm từ lịch sử, Nhà nước và Pháp luật, Số
10/2010 của nhóm tác giả Nguyễn Thị Việt Hương, Trương Vĩnh Khang; Một
vài suy nghĩ về tiến trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Tạp chí
Nhà nước và Pháp luật, Viện nhà nước và pháp luật, Viện khoa học xã hội
Việt Nam, số 9(281)/2011 của tác giả Đỗ Đức Minh; Sự phát triển của nhà
nước và pháp luật phong kiến Việt Nam, Bài báo khoa học trong Tuyển tập

công trình khoa học pháp lý số chuyên đề “Khoa học pháp lý và cải cách
trong đào tạo luật, Nxb Đại học Tổng hợp quốc gia Varonhet, Liên bang Nga,
số (21)/2007 của tác giả Mai Văn Thắng; Các bài viết: Những ảnh hưởng tích
cực của Nho giáo trong Quốc Triều Hình Luật triều Hậu Lê, Tạp chí khoa học
Đại học Quốc gia Hà nội (chuyên san kinh tế - luật), T.XX, No4, 2004, tr.39
– 46, Nét độc đáo của qui phạm pháp luật trong Quốc Triều Hình Luật triều
Hậu Lê, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Hiến kế Lập pháp), Số 33(118),
Tháng 3/2008, tr.49 – 51 của tác giả Nguyễn Minh Tuấn; Bài viết “Quá trình
xây dựng Quốc triều hình luật hay luật hình triêu Lê, xét từ góc độ đa dạng
văn hoá và đối thoại giữa văn hoá Đại Việt và văn hoá Trung Hoa thời Trung
đại” của tác giả Phạm Xuân Nam, Nghiên cứu lịch sử, Số 8/2007, tr.3-10;
Bài viết “Khái niệm tội phạm - so sánh giữa Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật
hình sự hiện nay” của tác giả Nguyễn Ngọc Hoà, Tạp chí Nhà nước và pháp
luật, Số 1(201)/2005, tr.57-61; Bài viết “Tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật
Hồng Đức” của tác giả Hoàng Văn Hùng, Tạp chí luật học, Số 5/2006, tr.36-
39 và nhiều công trình khác.
Nhìn chung, những công trình nói trên thể hiện tính nghiêm túc trong
học thuật, đồng thời chỉ ra một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của nhà
nước pháp luật phong kiến Việt Nam và nhà nước pháp luật triều Hậu Lê.
Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, các công trình kể trên chưa có điều
kiện đi sâu nghiên cứu và đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu nhà nước và pháp
luật thời kỳ này với việc bảo vệ những lợi ích của con người trong một tổng
thể thống nhất gắn chặt với các điều kiện chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội
thời kỳ này.
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu khoa học của các công trình khoa
học đã có, nhóm tác giả đặt ra mục tiêu của cuốn sách là: chỉ ra một số đặc
trưng, giá trị lịch sử và giá trị pháp lý tiêu biểu về nhà nước và pháp luật
triều Hậu Lê với việc bảo vệ quyền con người, đồng thời tổng hợp những đặc
trưng cụ thể đó để chỉ ra một số giá trị đương đại, những giá trị cần kế thừa
vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển bền vững, bảo vệ

quyền con người trong giai đoạn hiện nay.
Bàn về chủ đề bảo vệ quyền con người triều Hậu Lê là đề cập đến khía
cạnh những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có nào của con người được pháp
luật ghi nhận và bảo vệ. Ở phạm vi sách chuyên khảo này, chúng tôi chỉ bàn
đến khía cạnh “quyền con người”, tức là “những lợi ích, nhu cầu của con
người” được ghi nhận và bảo vệ thời kỳ này ra sao, vì nếu xét một cách
nghiêm ngặt thời phong kiến chỉ tồn tại khái niệm “thần dân”. Tất cả mọi
người đều là “thần dân của nhà vua”. Vấn đề “quyền con người” xét nghiêm
ngặt thì không đặt ra trong chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam. Tuy
nhiên ở phạm vi sách chuyên khảo này khái niệm con người, quyền con
người được hiểu ở một nghĩa rộng, mang tính phổ quát với nghĩa là những
quyền và lợi ích chính đáng của con người. Thuật ngữ “quyền con người”
trong cuốn sách này vì vậy được sử dụng một cách nhất quán với ý nghĩa
như giải thích ở trên.
Đây là một đề tài phức tạp, đòi hỏi tính tổng hợp cao. Phương pháp
nghiên cứu của đề tài bao gồm phương pháp so sánh, phương pháp hệ
thống, phương pháp tổng hợp… Tất cả các phương pháp trên đều được vận
dụng trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử,
những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ chí Minh,
cũng như các phương pháp tiếp cận khách quan, khoa học khác để từ đó rút
ra những kết luận làm sáng tỏ mục đích của cuốn sách, phục vụ cho lý luận
và thực tiễn.
Do vấn đề nhà nước và pháp luật thời Lê với việc bảo vệ quyền con người là
đề tài khó, triều Hậu Lê có một quá trình không liên tục, việc tìm hiểu tư liệu
nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn nên cuốn sách này chắc chắn vẫn còn nhiều
hạn chế, sai sót cần phải được bổ sung và nâng cao. Nhóm tác giả mong nhận
được những ý kiến góp ý của các nhà khoa học và độc giả, để có thể sửa đổi, bổ
sung nhằm nâng cao chất lượng cuốn sách chuyên khảo này trong những lần tái
bản sau.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách chuyên khảo này sẽ là một tài liệu hữu ích với

các giảng viên, học viên và sinh viên trong giảng dạy, nghiên cứu về nhà nước
và pháp luật triều Hậu Lê với việc bảo vệ quyền con người.
Hà Nội, tháng 12 năm 2014
Tập thể tác giả
[1] Về mặt niên đại, để phân biệt với triều Tiền Lê (980 – 1009), giới sử học
sau này thường gọi các triều đại do Lê Lợi lập nên là Hậu lê kéo dài từ 1428
đến năm 1789. Triều đại Lê Sơ là giai đoạn đầu của thời Hậu lê, một giai
đoạn phát triển rực rỡ nhất, tồn tại từ năm 1428 đến năm 1527, để phân
biệt với thời Lê Mạt hay Lê Trung Hưng sau này từ năm 1533 đến năm
1789.

×