Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Độc đáo khèn Mông

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (71.42 KB, 2 trang )

Độc đáo khèn Mông
(LV) - Một trong số những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Mông là
những nhạc cụ của dân tộc Mông, mà tiêu biểu là chiếc khèn - nhạc cụ gắn liền với
đời sống và sinh hoạt của họ.
Trong những ngôi nhà gỗ của đồng bào Mông, khèn được treo ở vị trí trang trọng và
dễ nhìn thấy nhất. Bạn tôi, một người am hiểu về khèn Mông bảo: “Vào nhà chỉ cần
nhìn thấy chiếc khèn là người ta biết ngay trong nhà có đàn ông, hơn nữa đó là một
người đàn ông mạnh mẽ và tài hoa”.

Tiếng khèn trong sinh hoạt văn hóa của người dân tộc Mông.
Niềm kiêu hãnh của chàng trai Mông
Lên 7 - 8 tuổi, con trai Mông bắt đầu học thổi khèn. “Học thổi khèn không dễ, để biết
thổi thì ai cũng có thể làm được, nhưng để thổi thành bài, thành làn điệu thì người
thổi phải có trí nhớ thật tốt. Trong 100 người chỉ có khoảng 1 - 2 người là thổi được
khèn, và điều đó là một niềm kiêu hãnh của bất cứ chàng trai Mông nào”, anh Mùa A
Của, dân tộc Mông (Mộc Châu, Sơn La) cho biết.
Dường như để chống chọi, thích nghi với sự khắc nghiệt nơi núi rừng, tiếng khèn của
người Mông cũng mạnh mẽ, kiên cường như cuộc sống của họ vậy. Tiếng khèn thấm
sâu vào máu thịt người Mông, thân quen như miếng "mèn mén" (bột ngô đồ) mẹ
mớm từ lúc mới biết ăn dặm. Người già vẫn bảo: Tiếng khèn là phần hồn của người
Mông, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình.
Người dân tộc Mông có câu: “Người biết thổi khèn thì được uống rượu”, như thế đủ
biết vị thế của khèn trong đời sống của đàn ông Mông. Người nào thổi khèn hay, múa
khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục. Người Mông quan niệm rằng đã là
con trai Mông thì dù trẻ hay già lúc nào cũng phải có cây khèn đi cùng. Qua cây
khèn, tiếng khèn, cách thổi khèn mà cho thấy chàng trai đó có được sức mạnh về thể
chất cũng như thể hiện được rằng người con trai đó có đời sống tinh thần mạnh mẽ.
Do vậy người Mông đi đâu cũng rất tự hào về việc múa khèn và thổi khèn của mình.
Khèn Mông được làm từ gỗ pơmu cùng sáu ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau.
Các ống trúc này được xếp khéo léo, song song trên thân khèn. Trúc làm ống phải
phơi đủ độ khô, không được ẩm lại không quá khô thì khèn mới kêu hay. Quan trọng


nhất là khâu khoét lỗ cho lưới đồng rồi bịt lại bằng dây rừng cho thật chặt, thật khít.
Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưới đồng, mỏng dày
thế nào, to nhỏ ra sao. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa
dạng như: Múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng,
lăn ngửa…
Buồn vui vang vọng núi rừng
Khi buồn, khi vui đàn ông Mông đều mang khèn ra thổi. Tiếng khèn chứa đựng cả
tâm tư, tình cảm của người thổi trong những giai điệu dặt dìu, trầm bổng. Vào những
dịp lễ, Tết, tiếng khèn Mông vang vọng khắp núi rừng. “Người thổi khèn muốn hay,
muốn làm say lòng người phải có chút hơi men. người uống rượu chưa đủ còn phải
cho khèn “uống rượu” để cho nó cũng say, tiếng khèn mới ngân cao, ngân xa”, anh
Của cho biết.
Trước đây, một số người vẫn lầm tưởng đàn ông Mông thổi khèn để tỏ tình, để chinh
phục bạn tình, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Khèn Mông thường được sử
dụng trong hai trường hợp: Đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố;
trong vui chơi để thi thố tài nghệ, bộc lộ ý chí, nghị lực của con người trong sinh hoạt
cộng đồng.
Trong đám tang của người Mông, khèn được thổi theo giờ. Giờ ăn cơm (ăn trưa, ăn
tối) người ta thường thổi một bài kéo dài chừng 15 đến 30 phút. Những lúc nghỉ ngơi
thổi một bài riêng và khi có người đến viếng thổi một bài riêng. “Tiếng khèn bình
thường tình tứ là thế, đắm say là thế, mà trong đám tang nghe thật buồn, khiến
nhiều người rơi nước mắt. Trong đám tang mà không có tiếng khèn, linh hồn của
người chết sẽ không về được với tổ tiên. Tiếng khèn dẫn lối, đưa đường, tiễn biệt
người thân về thế giới bên kia”, anh Của trầm ngâm.
Nhạc cụ dân tộc Mông nói chung, chiếc khèn nói riêng thể hiện sâu nặng chất trữ
tình đằm thắm, mượt mà, khoẻ khoắn. Những âm thanh của chiếc khèn mang vẻ đẹp
tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người
Mông. Chính vì thế, tiếng khèn không những chiếm được cảm tình của hầu hết đồng
bào Mông, mà còn làm say lòng những ai một lần được thưởng thức.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×