Tải bản đầy đủ (.doc) (22 trang)

BÁO CÁO THỰC TẬP-CÁC VẤN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA NƯỚC TA VÀ GIAO LƯU VĂN HÓA NƯỚC TA VỚI CÁC NƯỚC TRONG XU THẾ TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (194.56 KB, 22 trang )

BỘ NGOẠI GIAO
HỌC VIỆN NGOẠI GIAO
TIỂU LUẬN
MÔN: VĂN HOÁ ĐỐI NGOẠI
ĐỀ TÀI: CÁC VẤN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA NƯỚC TA VÀ GIAO
LƯU VĂN HÓA NƯỚC TA VỚI CÁC NƯỚC TRONG XU THẾ TOÀN CẦU
HÓA HIỆN NAY
Học viên: Nguyễn Lê Dung
Lớp: Cao học khoá 8
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU 3
I. NHẬN THỨC CHUNG VỀ VĂN HOÁ 3
II. CÁC VẤN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG VĂN HOÁ NƯỚC TA 5
1. Lịch sử hình thành và phát triển văn hoá Việt Nam 5
2. Các vấn đề về xây dựng văn hoá nước ta 9
III. GIAO LƯU VĂN HOÁ NƯỚC TA VỚI CÁC NƯỚC TRONG XU THẾ TOÀN
CẦU HOÁ HIỆN NAY 15
1. Khái niệm Toàn cầu hoá 15
2. Ảnh hưởng toàn cầu hoá tới văn hoá 16
3. Một số vấn đề chú ý về giao lưu văn hoá nước ta với các nước trong xu thế toàn cầu
hoá 17
KẾT LUẬN 21
TÀI LIỆU THAM KHẢO 22
2
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
LỜI NÓI ĐẦU
Trong vài thập kỷ gần đây, ảnh hưởng của toàn cầu hoá đến văn hoá dân tộc là
một đề tài được nhiều người quan tâm, nhất là ở những quốc gia phương Tây. Việt
Nam chúng ta cần phát triển, và tự hào có một nền văn hoá bản địa lâu đời. Bởi lẽ
“văn hoá” lẫn “toàn cầu hoá” đều là những khái niệm phức tạp, đối với Việt Nam để


xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và đẩy mạnh công tác ngoại
giao văn hoá, tăng cường giao lưu văn hoá Việt Nam với các nước là một đề tài hết
sức rộng lớn. Bài tiểu luận này chỉ cố gắng đề cập đến một số vấn đề về xây dựng
văn hoá Việt Nam với các góc độ từ các yếu tố nội sinh và góc độ các yếu tố ngoại
sinh từ giao lưu văn hoá trong thời đại toàn cầu hoá.
I. NHẬN THỨC CHUNG VỀ VĂN HOÁ
Trong lịch sử tiến hóa, con người phải trải qua hàng triệu năm để biến chuyển
từ loài vượn cổ thành loài người. Trong suốt quá trình tiến hóa đó, phần lớn thời gian
loài người có sự tiến hóa, phát triển chậm chạp trong hàng triệu năm nhưng lại phát
triển vượt bậc trong những thiên niên kỷ gần đây, đặc biệt là có thể nói là phát triển
bùng nổ trong những năm gần đây. Xuyên suốt trong quá trình tiến hóa, phát triển
đó, người ta nhận thấy vai trò vô cùng to lớn của sự hình thành và phát triển của văn
hóa trong loài người đã góp phần làm nên kỳ tích trên.
Từ hàng nghìn năm trước đây, trong ngôn ngữ Trung Hoa cổ đại đã xuất hiện
“nhân văn giáo hóa” và “văn trị giáo hóa”. Trong sách Chu Dịch thế kỷ VI - V trước
công nguyên ở Quẻ Bí có câu: “Quan hỗ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ” tức là
“xem dáng vẻ của con người mà cải biến thành thiên hạ”. Văn là vẻ đẹp của con
người, hóa là đem cái văn đó cải hóa, giáo hóa cho con người làm cho con người hóa
ra có văn (trở nên tốt đẹp). Trong sách Thuyết uyển chỉ vũ của Lưu Hướng thời Tây
3
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
Hán (năm 206tr.CN đến năm 25.CN) có câu: Thánh nhân cai trị thiên hạ trước hết
dùng văn đức, sau mới dùng vũ lực. Dùng vũ lực chỉ đối phó với kẻ bất phục tùng.
Dùng văn đức không thay đổi được thì sẽ chinh phạt. Văn trị là lấy văn đức để giáo
hóa.
Ở phương Tây, tiếng Latin có từ cultura (văn hóa) có nguồn gốc từ tiếng Hy
Lạp cổ là cultus. Từ cultus sau khi biến nghĩa đã trở thành gieo trồng trí tuệ, khai mở
tinh thần cho còn người theo quan niệm của Xixirôn (văn hóa là việc gieo trồng trí
tuệ cho con người).
Dù ở phương Đông hay phương Tây, văn hóa đều được thừa nhận là sản phẩm

chỉ có ở loài người (loài vật dù có phát triển cao, có trí thông minh và trí không
tương đối cũng không có văn hóa), văn hóa là sức mạnh bản chất của con người thể
hiện trong hoạt động sống và phương thức sống của con người, thể hiện trong bản
thân con người và tầm vóc phát triển. Con người tồn tại trong một xã hội người nhất
định thì văn hóa là phương thức tồn tại độc đáo của xã hội người đó, hơn hẳn hình
thức quần thể, bầy đàn của động vật. Loài vật chỉ có thể tồn tại và di truyền theo con
đường sinh học nhưng văn hóa của loài người được truyền đạt trong xã hội, được bắt
chước, làm theo, học tập, cải tiến, phát triển qua các hệ thống biểu tượng, qua hoạt
động kế thừa, phát huy
UNESCO có định nghĩa về văn hoá như sau: Văn hoá hôm nay có thể coi là
tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính
cách xã hội, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, hệ thống các giá trị,
những tập tục và tín ngưỡng. Văn hoá đem lại cho con người khả năng suy xét về
bản thân mình. Chính văn hoá làm cho con người được xem là những sinh vật đặc
biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và biết dấn thân theo đạo lý. Chính nhờ văn
hoá mà con người tự thể hiện, tự ý thức, tự biết mình; luôn tìm tòi những ý nghĩa
mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên trên bản thân".
4
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
II. CÁC VẤN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG VĂN HOÁ NƯỚC TA
1. Lịch sử hình thành và phát triển văn hoá Việt Nam
Nền văn hóa trên mảnh đất Việt Nam đã xuất hiện và bắt đầu, tích tụ từ hàng
nghìn năm trước. Thông qua các di chỉ, bằng chứng hiện vật khảo cổ khai quật và đã
được nghiên cứu, người ta đã chứng minh rằng con người và văn hoá đã xuất hiện
trên mảnh đất Việt Nam từ hàng vạn năm, từ văn hoá đồ đá cũ Núi Đọ qua văn hoá
đồ đá giữa Hoà Bình đến văn hoá đồ đá mới Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Hạ Long, để rồi
tích tụ và "bùng nổ" nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Nền văn hoá Đông Sơn tương
ứng với thời đại Hùng Vương là sự khởi đầu của lịch sử văn hoá Việt Nam đã được
lưu truyền không chỉ trong truyền thuyết mà còn thể hiện rõ ràng, sinh động qua các
vật chứng, các di tích lưu lại đến ngày nay.

Đi sâu vào tìm hiểu, người ta thấy văn hoá Đông Sơn thời các vua Hùng ra đời
dựa trên bước tiến về kỹ thuật kim khí (đồ đồng và sơ kỳ sắt), sự phát triển của nông
nghiệp trồng lúa nước (các đặc điểm này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành,
phát triển, truyền bá, kế thừa văn hóa Việt Nam và sẽ được phân tích về sau). Trên
cơ sở bước tiến về kinh tế và kỹ thuật đó, người Việt cổ - chủ nhân văn hoá Đông
Sơn đã chuyển hẳn từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp, nhà nước Văn
Lang - Âu Lạc ra đời, bên cạnh làng xã nông nghiệp là cơ cấu xã hội cơ bản thì
thành thị đầu tiên là Cổ Loa, trung tâm chính trị của quốc gia cũng đã hình thành. Đó
cũng là thời kỳ hình thành tộc người Việt cổ, tổ tiên của người Việt hiện đại; thời kỳ
hình thành những nền tảng cơ bản của bản sắc văn hoá Việt Nam. Đây là thời kỳ
hình thành đầu tiên để sau này trải suốt hơn hai nghìn năm liên tục biến đổi, văn hóa
Việt Nam vẫn giữ được những cốt cách, bản sắc văn hoá từ thuở ban đầu. Gần như
đồng thời với văn hoá Đông Sơn, ở miền Trung và Nam Bộ có văn hoá Sa Huỳnh và
Đồng Nai. Nếu quan niệm lịch sử văn hoá Việt Nam là lịch sử của các hiện tượng
văn hoá đã diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, thì các nền văn hoá kể trên
5
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
cũng được xem xét và đề cập tới. Cũng như sau này văn hoá ChămPa và Phù Nam
cũng thuộc phạm trù lịch sử văn hoá Việt Nam.
Giai đoạn chuyển tiếp văn hoá lần thứ nhất vào khoảng thiên niên kỷ thứ I sau
Công nguyên (tương đương với thời kỳ Bắc thuộc ở nước ta) cả Đông Nam Á bước
vào thời kỳ giao lưu mạnh mẽ với thế giới bên ngoài, một bên là với văn minh Trung
Quốc, một bên là văn minh Ấn Độ. Khác với các nước còn lại ở Đông Nam Á tiếp
xúc với văn minh Ấn Độ chủ yếu thông qua con đường truyền đạo (Phật giáo, Ấn
giáo) và buôn bán, quốc gia Âu Lạc của người Việt cổ tiếp xúc với văn minh Trung
Hoa trong điều kiện bị xâm lược, mất chủ quyền, bị thống trị và áp bức tàn bạo.
Chính trong thời kỳ khắc nghiệt này của lịch sử, trước thử thách mất còn của dân
tộc, tổ tiên ta đã chọn con đường: một mặt, đấu tranh kiên cường chống ngoại xâm
giải phóng dân tộc, mặt khác, chủ động mở rộng giao lưu, cởi mở tiếp nhận nhiều
thành tựu văn hoá Trung Quốc để tự cường nền văn hoá của mình. Để cuối cùng, với

khởi nghĩa Ngô Quyền năm 938 chúng ta vừa đánh đuổi được quân xâm lược ra khỏi
bờ cõi, khôi phục độc lập dân tộc, vừa tự cường, đổi mới văn hoá Đông Sơn hình
thành nền văn hoá Đại Việt, mở đầu là văn hoá Lý - Trần rực rỡ.
Giai đoạn chuyển tiếp và tiếp biến văn hoá này vô cùng quan trọng và diễn ra
trên nhiều phương diện với nội dung phong phú: chính trị, luật pháp, tổ chức nhà
nước, giáo dục, ý thức hệ, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục, văn học, nghệ thuật. Đây
là quá trình không phải "Hán hoá" mà là "bản địa hóa", "nội sinh hoá" văn hoá
Trung Hoa. Văn hoá Đại Việt ra đời giai đoạn sau chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá
Hán, nhưng không phải là văn hoá Hán. Nền văn hoá Đại Việt hình thành và phát
triển trên nền tảng của kinh tế nông nghiệp tiểu nông phong kiến và hệ tư tưởng
thoát thai từ Tam giáo: Phật - Đạo - Nho, trong đó Nho giáo là trụ cột. Cơ cấu xã hội
cơ bản là Nhà - Làng - Nước. Trong đó Nhà (gia đình, gia tộc) và Làng (làng xã) là
nhân tố xã hội tảng nền, từ đó chuẩn mực ứng xử là sự mở rộng từ gia tộc ra toàn xã
hội.
6
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
Tôn giáo tín ngưỡng Đại Việt dựa trên cơ sở Tam giáo đồng nguyên (Phật -
Đạo - Nho), kết hợp nhuần nhuyễn với tín ngưỡng bản địa, tạo nên một môi trường
đời sống tâm linh phong phú, đa dạng, mang nặng tính ứng xử hơn là triết lý, lấy sự
hoà nhập, khoan dung làm cốt cách, xa lạ với sự xung đột và bài xích giữa các tôn
giáo.
Chủ nghĩa yêu nước là một hệ ý thức xã hội cơ bản, từ đó sản sinh và tích hợp
nhiều hình thức và giá trị văn hoá - nghệ thuật dân tộc. Do vậy, bên cạnh khuynh
hướng dân gian hoá, địa phương hoá vốn là thế mạnh của một đất nước lấy nông
nghiệp nông thôn và nông dân làm cơ sở, thì lịch sử hoá cũng là một khuynh hướng
vượt trội của một đất nước tồn tại và phát triển dựa trên sức mạnh yêu nước và cố
kết cộng đồng.
Thời kỳ phong kiến Đại Việt là thời kỳ định hình và phát triển ở trình độ cao
văn hoá cổ truyền Việt Nam. Tất cả những hình thức và giá trị văn hoá của các dân
tộc ở Việt Nam gắn với nền nông nghiệp tiểu nông phong kiến trước khi bước vào

công nghiệp hoá đều sản sinh và định hình trong khung cảnh của nền văn hoá Đại
Việt này. Trong suốt 10 thế kỉ của văn hoá Đại Việt, chúng ta đã chứng kiến sức
vươn của văn hoá thể hiện qua ba đỉnh cao văn hoá: Văn hoá Lý - Trần, Văn hoá Lê
và Văn hoá Nguyễn. Mỗi đỉnh cao văn hoá ấy đạt tới trình độ phát triển và mang các
sắc thái văn hoá khác nhau. Văn hoá Lý - Trần như là sự khẳng định niềm tự hào và
bản sắc riêng của văn hoá Đại Việt, văn hoá Lê phát triển trên nền tảng thống nhất
của quốc gia phong kiến tập quyền, văn hoá Nguyễn như là sự vươn lên đỉnh cao
mới trên cơ sở mở rộng và thống nhất cương vực quốc gia Đại Việt.
Giai đoạn chuyển tiếp văn hoá lần thứ 2 (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945). Nền
văn hoá Đại Việt tồn tại và phát triển suốt từ thế kỷ X đến cuối thế kỉ XIX thì đứng
trước thách thức mới. Trước nhất, trong khung cảnh của thời đại, thế giới đang bước
vào thời kỳ công nghiệp hoá, do vậy nền văn hoá truyền thống Đại Việt dựa trên nền
tảng nông nghiệp tiểu nông phong kiến đòi hỏi phải thay đổi, phải đổi mới trong
7
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
khung cảnh tiếp xúc văn hoá Đông - Tây, mà với chúng ta, trực tiếp là với văn hoá
Pháp. Hơn thế nữa, gần như lặp lại lịch sử thời Bắc thuộc, nước ta lại rơi vào sự xâm
lược và đô hộ của thực dân Pháp, bị mất chủ quyền, do vậy không thể phát triển một
cách độc lập.
Trước thử thách đó, một lần nữa văn hoá Đại Việt không phản ứng theo kiểu
tiêu cực, co lại, đóng kín, mà, một mặt, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống
Pháp lúc đầu do các văn thân yêu nước lãnh đạo, sau đó là Đảng Cộng sản. Mặt
khác, chúng ta tăng cường giao lưu với văn hoá Pháp, tiếp thu có chọn lọc để làm
giầu nền văn hoá cổ truyền Việt Nam, làm cho văn hoá nước ta biến đổi mạnh mẽ và
tự cường, lớn mạnh. Và năm 1945, với cách mạng tháng Tám, chúng ta đã đánh đuổi
thực dân Pháp, khôi phục lại độc lập, nền văn hoá nước ta đổi mới, phong phú và lớn
mạnh hơn trước.
Lúc này, bên cạnh những thành tựu của nền văn hoá cổ truyền, thì hàng loạt
những yếu tố và giá trị văn hoá mới được hình thành: ý thức hệ Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng kinh tế công nghiệp hoá, đô thị hoá và văn hoá đô thị,

chữ quốc ngữ và chế độ giáo dục mới hiện đại, đội ngũ tri thức mới, các ngành khoa
học hình thành, nhiều hình thức văn hoá nghệ thuật mới nảy nở và phát triển: tiểu
thuyết, thơ mới, sân khấu kịch, âm nhạc, phim ảnh, thể thao, Đó là kết quả quá
trình đổi mới từ văn hoá Đại Việt sang văn hoá Việt Nam.
Nền văn hoá Việt Nam ngày nay, mang tên quốc gia Việt Nam xuất hiện từ
cuối thời Nguyễn, tuy nhiên nó gắn với sự ra đời nhà nước Việt Nam dân chủ cộng
hoà từ 1945. Đó là nền văn hoá hình thành trên nền tảng văn hoá Đại Việt và quá
trình đổi mới của văn hoá Việt Nam trong khung cảnh tiếp xúc văn hoá Đông Tây
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nếu nền văn hoá Đại Việt hình thành và định hình
từ hai nhân tố tạo hệ thống là nông nghiệp tiểu nông phong kiến và ý thức hệ tam
giáo, trong đó nổi trội là Nho giáo, thì nền văn hoá Việt Nam hình thành và định
8
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
hình trên cơ sở nền kinh tế công nghiệp hoá, ý thức hệ Mác - Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh.
Nền văn hoá này đã trải qua quá trình chuyển tiếp từ cuối thế kỉ XIX đến năm
1945, mà nội dung cơ bản của nó là tiếp xúc văn hoá Đông Tây như đã trình bày ở
trên. Thực ra quá trình chuyển biến này vẫn còn tiếp tục kể cả trong thời kỳ sau cách
mạng tháng Tám năm 1945, thậm chí tới tận ngày nay. Trong quá trình chuyển tiếp
ấy, các nhân tố nội lực của nền văn hoá cổ truyền và các nhân tố ngoại sinh của thế
giới bên ngoài đang cùng tác động và chuyển hoá lẫn nhau. Có thể nói đây là lần thứ
ba Việt Nam mở cửa và hội nhập với thế giới hiện đại, mà hệ quả của nó sẽ ra đời
một nền văn hoá Việt Nam mới tiến bộ và mang đậm bản sắc dân tộc
2. Các vấn đề về xây dựng văn hoá nước ta
a) Định hướng xây dựng văn hoá của Đảng
Nhận định rõ vai trò, vị trí và ảnh hưởng của văn hóa, bản sắc văn hóa, hình
thành và các đặc trưng, đặc điểm, xu hướng phát triển của nền văn hóa Việt Nam,
năm 1986 Đảng cộng sản Việt Nam đổi mới tư duy phát triển nền kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đời sống mới. Từ đây, cùng với các lĩnh
vực khác, văn hoá được Đảng chú trọng quan tâm bằng những quyết sách cụ thể.

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VI chỉ rõ: "Công tác văn hoá, văn học, nghệ thuật phải
được nâng cao chất lượng. Mỗi hoạt động văn hoá, văn nghệ đều phải tính đến hiệu
quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ
xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Quan tâm đáp ứng nhu cầu, thị
hiếu lành mạnh của các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi".
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá VI) tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VII vạch ra nhiệm vụ của cách mạng văn hoá Việt Nam
là: "Tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá Việt Nam, bảo tồn và phát
9
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân
loại. Vận động toàn dân thực hiện lối sống cần, kiệm, văn minh, lịch sự. Phổ biến
rộng rãi trong nhân dân những kiến thức văn hoá cần thiết cho sản xuất và đời sống.
Thực hiện nam nữ bình đẳng, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ. Phát động phong trào quần
chúng bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác".
Đại Hội lần thứ VIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Văn hoá là nền tảng tinh
thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã
hội. Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các hoạt động văn hoá,
văn nghệ có vị trí quan trọng trong việc hình thành nhân cách, làm phong phú đời
sống tinh thần con người Việt Nam. Bản sắc dân tộc và tính chất tiên tiến của nền
văn hoá phải được thấm đậm không chỉ trong công tác văn hoá - văn nghệ, mà cả
trong mọi hoạt động xây dựng, sáng tạo vật chất, ứng dụng các thành tựu khoa học,
công nghệ, giáo dục và đào tạo sao cho trong mọi lĩnh vực chúng ta có cách tư duy
độc lập, có cách làm vừa hiện đại vừa mang sắc thái Việt Nam". Do đó, "mọi hoạt
động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình
cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển xã hội",
đồng thời "kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần, đạo đức và thẩm mỹ, các di sản
văn hoá, nghệ thuật của dân tộc".

Tiếp tục đường hướng nói trên, năm 1998 Đảng ta tổ chức Hội Nghị Trung
ương V, chuyên bàn về vấn đề văn hoá. Xác định xây dựng nền văn hoá Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn phát triển mới. Nền văn hoá tiên
tiến không có nghĩa là xoá bỏ truyền thống mà nó là nền văn hoá mang những đặc
trưng cụ thể như: yêu nước, tiến bộ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh
sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhân văn, phong phú cả về
nội dung và hình thức. Tính chất tiên tiến phải đảm bảo được nội dung nhân văn,
nhân đạo sâu sắc, nhưng đồng thời phải thể hiện sự đa dạng và phong phú về hình
10
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
thức. Tính chất đậm đà của nền văn hoá dân tộc đảm bảo giữ gìn và phát huy những
giá trị mang bản sắc dân tộc như lòng yêu nước, tinh thần nhân ái, sự bao dung, độ
lượng, quý trọng nghĩa tình, đạo lý, dũng cảm và đặc biệt giữ gìn tinh thần đoàn kết
dân tộc.
Để xây dựng nền văn hoá vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc, Hội Nghị
TW V đã xác định:
Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc
đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội;
Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc;
Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng
các dân tộc Việt Nam;
Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo,
trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng;
Văn hoá là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách
mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.
Đảng ta coi văn hoá là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển và
yếu tố quyết định nội lực là chất lượng con người. Vì vậy, xây dựng nền văn hoá
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa với
những đặc trưng cơ bản: dân tộc, hiện đại, nhân văn là nhiệm vụ rất quan trọng trong

công cuộc đổi mới. Một trong những nội dung trọng tâm của nền văn hoá ấy là xây
dựng con người Việt Nam XHCN. Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá văn hoá
hiện nay ngoài việc “mở rộng giao lưu văn hoá, thông tin với thế giới”
1
thì “kế thừa
các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài người, tăng
sức đề kháng chống văn hoá đồi truỵ, độc hại ”
2
cũng là một nhiệm vụ mà chúng ta
không thể không quan tâm thích đáng.
1
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
2
Nt.
11
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
b) Các vấn đề mang tính nội sinh trong xây dựng văn hoá
*Các yếu tố về con người Việt Nam trong xây dựng văn hoá
Muốn phát huy được nội lực để thực hiện các điều nêu trên, cần nhìn nhận
khách quan các điểm mạnh, điểm yếu của văn hoá và con người Việt Nam để từ đó
kế tục, phát huy hoặc có biện pháp cải tiến, nâng tầm với thực tế mới. Một số điểm
mạnh của văn hoá, con người Việt Nam hiện đại cần phát huy có thể kể ra là:
Thứ nhất, con người Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với những giá trị văn hoá
truyền thống, với những phẩm giá của dân tộc mà điểm nổi bật là tinh thần yêu
nước, ý thức độc lập dân tộc, tự lực, tự cường, đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc. Biểu
hiện của điểm mạnh này là thái độ tích cực của mỗi công dân trước vận mệnh của Tổ
quốc, trước các chuyển đổi về kinh tế, xã hội hiện nay.
Thứ hai, con người Việt Nam vẫn luôn thể hiện đức tính cần cù, sáng tạo
trong mọi hoạt động. Đức tính này là một giá trị đặc trưng, chiếm vị trí xứng đáng
trong bảng giá trị về nhân cách của con người Việt Nam.

Thứ ba, nét đặc trưng của đời sống tinh thần, của phẩm giá của con người Việt
Nam là truyền thống cộng đồng, lòng nhân ái, những tình cảm vị tha và khoan
dung vẫn được giữ vững, phát huy trong điều kiện mới của đất nước. Những giá trị
mang tính nền tảng cốt lõi ấy là cơ sở để phát triển tính nhân văn và xây dựng văn
hoá Việt Nam hiện đại, tiên tiến, mang bản sắc dân tộc. Có thể khẳng định rằng, đây
là một thuận lợi căn bản của chúng ta hiện nay và mai sau.
Thứ tư, con người Việt Nam vẫn giữ được truyền thống hiếu học, tôn sư trọng
đạo, và sự hình thành, phát triển các giá trị mới của văn hoá và con người đã chứng
minh sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại trong thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thứ năm, mặc dù mô hình gia đình truyền thống đang có những biến đổi lớn,
phức tạp do sự tác động của kinh tế hàng hoá, cơ chế thị trường, do những biến đổi
của xã hội đang quá độ lên CHXH nhưng những giá trị tinh thần, đạo lý của gia
đình truyền thống vẫn được giữ vững, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống gia đình
12
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
Việt Nam, vẫn là nhân tố quan trọng đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của
xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh trên đây, chúng ta cũng cần phải nhận
diện một số yếu kém trong văn hoá và con người Việt Nam hiện nay. Điều này được
thể hiện ở chỗ:
Phong cách sản xuất nhỏ biểu hiện trong thói quen, tập quán, lối sống và cách
ứng xử, nếp suy nghĩ, lề thói làm ăn của người Việt Nam vẫn đang là những hạn
chế không nhỏ trong việc thay đổi, hình thành và phát triển những giá trị văn hoá
tích cực.
Những mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động tiêu cực tới sự phát triển
văn hoá và con người Việt Nam. Sự suy giảm về mặt đạo đức của không ít người,
nhất là lớp trẻ. Cùng với đó là sự xuất hiện các yêu tố tiêu cực khác, như chủ nghĩa
cục bộ, địa phương, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, đề cao quá mức tiện
nghi vật chất, xa hoa, lãng phí, sự phát triển chủ nghĩa cá nhân vị kỷ biểu hiện trong

lối sống, trong cách ứng xử giữa người với người. Những tiêu cực này đang ảnh
hưởng đến ý thức tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân ta.
*Các yếu tố về tạo điều kiện, môi trường cho tuyên truyền, quảng bá văn hoá,
sáng tạo văn hoá
Trên cơ sở thực tiễn xây dựng văn hoá những năm qua, chúng ta đã xác định
ba lĩnh vực quan trọng, đó là đời sống văn hoá cơ sở, những sản phẩm văn hoá đỉnh
cao và những công trình văn hoá lớn tiêu biểu cho giai đoạn phát triển công nghiệp
hoá và hiện đại hoá đất nước. Về đời sống văn hoá cơ sở trước hết cần tập trung,
phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ, sáng tạo của nhân
dân trong đời sống văn hoá. Đây là động lực lớn nhất đồng thời là nguyên nhân có
tính quy định tạo nên tính bền vững, chất lượng và hiệu quả của phong trào "Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" hướng đến mục tiêu tạo nên môi trường
văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú cho mỗi người và cả cộng đồng. Thứ hai, đa
dạng hoá các phương thức tổ chức phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá". Thứ ba, khuyến khích việc sáng tạo những sản phẩm văn hoá có giá
13
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
trị cao về tư tưởng, nghệ thuật có ảnh hưởng và tác động tích cực, sâu sắc đến đời
sống tinh thần của xã hội.
*Các yếu tố về trau dồi, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hoá
Nền văn hoá Việt Nam đã được tích luỹ cùng với quá trình lịch sử dựng nước
và giữ nước, đã từng trải qua thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc nhưng vẫn có sức sống
mạnh mẽ, không những không bị đồng hoá mà còn kết tinh được sức mạnh tinh thần,
bản sắc dân tộc đậm đà.
Kho tàng văn hoá Việt Nam có nhiều di sản văn hoá phong phú, thậm chí có
những di sản đã được quốc tế công nhận, có thể kể ra một vài ví dụ: Đô thị cổ Hội
An – đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12/1999;
Thánh địa Mỹ Sơn, một quần thể hội tụ hơn 70 đền tháp đã tồn tại hơn 1000 năm đã
được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12/1999.
Bên cạnh những di sản văn hoá vật thể, văn hoá Việt Nam cũng có cả một kho

tàng văn hoá phi vật thể được lưu giữ qua trí nhớ, chữ viết, truyền khẩu, truyền
nghề, hoặc các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, kể cả tiếng nói, tác phẩm văn học,
khoa học, truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, trang phục,
tri thức dân gian… UNESCO cũng đã công nhận các kiệt tác phi vật thể của văn hoá
Việt Nam, có thể kể ra một vài ví dụ như: Nhã nhạc Việt Nam – Âm nhạc cung đình
Triều Nguyễn; Cồng chiêng Tây Nguyên.
Mặc dù kho tàng văn hoá Việt Nam phong phú như vậy nhưng thực trạng hiện
nay, vấn đề trau dồi, giữ gìn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, các di sản văn
hoá vật thể và phi vật thể của Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Các di sản văn hoá vật
thể phần lớn đã mai một theo thời gian, với các di sản văn hoá phi vật thể lại có một
bộ phận không nhỏ người Việt Nam thờ ơ, không quan tâm đến nó. Muốn giữ gìn và
bảo tồn, phải được chính người Việt Nam kế thừa và phát huy trong cộng đồng,
trong xã hội trước khi những giá trị tốt đẹp nhất vĩnh viễn mất đi.
14
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
III. GIAO LƯU VĂN HOÁ NƯỚC TA VỚI CÁC NƯỚC TRONG XU THẾ
TOÀN CẦU HOÁ HIỆN NAY
1. Khái niệm Toàn cầu hoá
Toàn cầu hoá đã tạo ra một bộ mặt mới của thế giới, cùng với và dựa vào
những tiến bộ khác, mà trước hết là tiến bộ khoa học - công nghệ, tiến bộ kinh tế.
Sức mạnh của toàn cầu hoá là sức mạnh có thật được tạo ra từ những liên kết, hợp
tác, cạnh tranh, và cả đối đầu. Trong vòng 10 năm qua, giá trị thương mại thế giới đã
tăng gần gấp đôi, vượt quá con số 10.000 tỷ USD năm 2005 với tốc độ tăng trưởng
thực tế ở năm cao nhất (2004) là 9%. FDI toàn cầu năm 2000 là 1.400 tỷ USD, và
năm 2007 là 1.538 tỷ USD. Ở châu Á, toàn cầu hoá đã góp phần làm giảm đáng kể
tình trạng đói nghèo (đặc biệt ở Việt Nam, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993
xuống còn 24,1% năm 2004 và 14,8% năm 2007).
Vậy toàn cầu hóa là gì?
Từ "toàn cầu hóa" tuy phổ biến và lâu đời nhưng thật sự người ta lại rất khó
trả lời và đi đến thống nhất một khái niệm về toàn cầu hóa.

Đối với Thomas Friedman (tác giả của “Chiếc Lexus và cây ô liu” và “Thế
giới phẳng”) thì toàn cầu hóa là một thế lực không gì ngăn cản nổi, được thúc đẩy
bởi những bước tiến dài trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, tài chính … cho
phép con người, hàng hóa, thông tin, và các dòng vốn lưu chuyển xuyên biên giới
với một quy mô chưa từng thấy, từ đó kiến tạo nên diện mạo của những con người tự
do và những quốc gia thịnh vượng. Theo David Held (tác giả của “Global
Transformations: Politics, Economics and Culture” và một vài cuốn sách khác về
toàn cầu hóa) thì toàn cầu hóa là một phong trào rộng lớn trong lịch sử phát triển
của loài người và có những hệ quả rộng lớn và sâu sắc đối với mọi mặt của đời sống
con người, xã hội, và thế giới. Sự bất đồng về quan điểm này phản ánh phạm vi bao
15
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
trùm và tính phức tạp của toàn cầu hóa, nó phức tạp đến mức hình như mỗi người
đều thấy mình bị toàn cầu hóa tác động theo cách này cách khác và không ai nhìn
được bao quát về nó.
Tuy vậy, toàn cầu hóa có thể được quan niệm một cách khái quát như một sự
gia tăng các dòng chảy xuyên biên giới về con người, dịch vụ, vốn, thông tin và văn
hóa. Lịch sử loài người đã trải qua ba làn sóng toàn cầu hóa với mức độ và những
đặc trưng rất khác nhau, hiện tại chúng ta đang ở làn sóng toàn cầu hoá thứ ba.
2. Ảnh hưởng toàn cầu hoá tới văn hoá
Nghịch lý của toàn cầu hóa là nó có thể biến mọi điều thành có thể và ngược
lại. Nó có thể tước đoạt hoặc gia tăng quyền lực. Nó có thể đồng hóa, làm nghèo đi,
đồng thời cũng có thể làm cho các nền văn hóa giao tiếp, xẻ chia, và cùng trở nên
phong phú. Nó mở ra triển vọng phát triển, nhưng cũng có thể khiến mọi người ôm
giữ chặt hơn các giá trị truyền thống. Toàn cầu hóa có nghĩa là chúng ta vừa lớn lên
lại vừa nhỏ lại, vừa mạnh lên đồng thời lại vừa yếu đi
Thế giới đã trở nên liên kết hơn, gắn bó với nhau hơn không chỉ về kinh tế mà
còn cả về phương diện xã hội. Sự phụ thuộc lẫn nhau là kết quả đặc biệt rõ của toàn
cầu hoá, mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính bất đối xứng: nước nghèo bị lệ
thuộc nhiều hơn vào nước giàu, các nước đang phát triển bị lệ thuộc nhiều hơn vào

các nước công nghiệp. Nghĩa là sự thua thiệt rơi vào các nước kém phát triển, sức
ảnh hưởng từ kinh tế, chính trị, văn hoá… của các nước phát triển có áp lực lớn hơn.
Toàn cầu hoá về kinh tế tất yếu sẽ kéo theo toàn cầu hoá văn hóa (ít nhất là ở
một số góc độ của văn hoá). Khắp nơi, từ Đông Á đến Tây Âu, từ Mỹ Latinh đến
Trung Đông, từ vùng văn hoá Kitô giáo đến vùng văn hoá Phật giáo, Hồi giáo… đâu
đâu người ta cũng thấy văn hóa kiểu Mỹ (không nhất thiết phải có nguồn gốc Mỹ)
tràn ngập và lấn chiếm thị phần: đồ ăn nhanh McDonald’s, hệ điều hành Windows,
phim Mỹ, quần bò Levis, nhạc Rock, Rap…, thậm chí, cả dân chủ theo tiêu chuẩn
16
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
Mỹ… tất cả, dường như đang bị cuốn theo hệ thống những giá trị kiểu Mỹ, phương
Tây. Một bộ phận không nhỏ (có thể là chủ động hoặc bị động) khai thác và khuyến
khích phát triển tâm lý hưởng lạc vật chất tầm thường, đánh vào thị hiếu thấp hèn
làm thay đổi quan niệm về giá trị văn hóa truyền thống, đồng hóa văn hóa bởi cái gọi
là giá trị của "thế giới tự do".
Toàn cầu hoá gây áp lực lên những bản sắc văn hóa đã được tạo dựng hàng
ngàn năm ở các xã hội truyền thống bắt đầu bằng việc xóa nhòa hoặc thương mại
hóa bản sắc độc đáo của từng dân tộc, làm cùn mòn và mai một các truyền thống
mang nặng giá trị trách nhiệm xã hội…
3. Một số vấn đề chú ý về giao lưu văn hoá nước ta với các nước trong xu thế
toàn cầu hoá
a) Chủ trương của Đảng
“Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn
đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Lời tuyên bố đó của nguyên Tổng Bí thư Đỗ
Mười đã mở ra một thời kỳ mới trong qua trình giao lưu và hội nhập văn hoá. Giao
lưu và hội nhập văn hoá là nhằm mục đích phát triển cho nên nó phải được xây dựng
trên những nguyên tắc được đúc kết bằng kinh nghiệm lịch sử đấu tranh dựng nước
và giữ nước của dân tộc, bảo đảm phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng văn minh”.
b) Nhận thức và chủ động trong cuộc chơi toàn cầu hoá

Hiện nay trên thế giới, không có một quốc gia nào, khu vực nào, bất kể trình
độ phát triển cao thấp đến đâu lại không bị thu hút vào quá trình giao lưu văn hoá
theo xu hướng gìn giữ các lợi ích chung vì sự phát triển của nhân loại.
Hàng ngày, qua hệ thống truyền thông đại chúng, mọi người trên hành tinh có
thể nắm bắt những tin tức phát ra từ những nơi cách xa vạn dặm. Sách, báo, phim
17
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
ảnh, video, internet, âm nhạc nhanh chóng vượt qua biên giới quốc gia để đến với
công chúng toàn cầu. Quốc tế hoá đang là xu hướng mạnh mẽ chi phối sự phát triển
các hoạt động từ kinh tế tới chính trị, văn hoá, xã hội. Vì vậy, để hoà mình vào nhịp
thở chung của nhân loại, đảm bảo cho mình một vị trí vững chắc trong cuộc chơi,
Việt Nam cần nhận thức đúng và chủ động đẩy mạnh việc giao lưu, phát triển văn
hoá, hấp thu các tinh hoa văn hoá của nhân loại. Đương nhiên sự vận động và hấp
thu văn hoá còn theo một quy luật riêng. Đó là sự giao lưu qua màng lọc của văn hoá
dân tộc thuộc các cộng đồng dân tộc – quốc gia khác nhau, nhằm tiếp nhận những
yếu tố thích hợp của văn hoá mỗi cộng đồng dân tộc để Việt Nam có thể phát triển,
giàu có thêm về giá trị mà vẫn giữ được bản sắc độc đáo của mình. Đó là sự phát
triển bền vững trong tính đa dạng toàn cầu nhân loại.
c) Giữ vững bản sắc dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại và
phát triển văn hoá dân tộc lên tầm cao mới
Để "hội nhập" mà không bị "hòa tan", điều cốt lõi là phải bảo vệ vững chắc
bản sắc văn hóa dân tộc. Để văn hoá Việt Nam tồn tại và phát triển, vượt qua mọi
thử thách khắc nhiệt của ngoại cảnh, thì phải có hai điều kiện quan trọng, đó là: Nền
văn hoá có tính bền vững; Có khả năng thích nghi để tiếp thu và phát triển.
Mặc dù sự biến đổi có thể xảy ra theo hai hướng tốt hoặc xấu. Nếu trong quá
trình hội nhập nền văn minh nhân loại, Việt Nam biết chọn lọc, tiếp thu các tinh hoa
của nền văn minh nhân loại để bổ sung vào nền văn hoá của Việt Nam thì chẳng
những vẫn bảo tồn được bản sắc dân tộc Việt Nam mà còn nhanh chóng làm cho nền
văn hoá Việt Nam phát triển phồn thịnh. Nếu ngược lại, nền văn hoá Việt Nam sẽ bị
băng hoại, chẳng những không phát triển được, mà còn nguy cơ bị đồng hoá, lai

căng bởi văn hoá độc hại, ngoại lai, đánh mất bản sắc của mình. V.I. Lênin cũng đã
từng có những quan điểm rất cởi mở: “trong bất kỳ triết học nào, người nghệ sỹ cũng
đều có thể rút ra được những điều bổ ích cho mình”
3
.
3
V.I Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.47,tr.183
18
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
Kinh nghiệm của thế giới cũng như của các nước trong khu vực cho thấy rõ,
phải ra sức bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc, giữ vững bản sắc văn hoá, bảo vệ
các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Đương nhiên là không được khép kín, bài
ngoại mà luôn luôn tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hoá thế giới và cũng
không phải là tiếp thu ồ ạt, tiếp thu cả những cái không phù hợp hoặc thậm chí đi
ngược lại, huỷ hoại bản sắc văn hoá dân tộc. Mỗi dân tộc đều có truyền thống văn
hoá của mình, phát triển văn hoá dân tộc chính là góp phần làm cho văn hoá của các
dân tộc trong khu vực và trên thế giới thêm phong phú. Sự giao lưu văn hoá giữa các
quốc gia là cần thiết và có lợi cho mỗi dân tộc. Điều mà chúng ta cần lưu ý là đề
phòng khuynh hướng du nhập thiếu chọn lọc những yếu tố văn hoá ngoại lai, thậm
chí những cặn bã, những chất phế phẩm thải của các loại sản phẩm văn hoá thô lậu
và nhiều nước văn minh đã bài trừ, những yếu tố này cần phải kiên quyết ngăn ngừa,
đấu tranh để bài trừ.
Trong lịch sử, văn hoá Việt Nam về nội sinh đã rất giàu sức sống, đã thâu hoá
được những yếu tố ngoại sinh ưu việt và đã Việt hoá các yếu tố văn hoá của phương
Bắc (Hán tự, các đạo Nho, Lão, Khổng ), của phương Nam (Phật giáo) và của
phương Tây (Chữ quốc ngữ, khoa học, nghệ thuật hiện đại). Do đó, có cơ sở mà có
thể khẳng định rằng văn hoá Việt Nam sẽ liên tục phát triển, ngày càng hoà nhập vào
khu vực và thời đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc đậm đà.
d) Tăng cường trao đổi, hợp tác, giao lưu văn hoá, nâng cao vị thế và nhận biết
về Việt Nam (lịch sử, đất nước, con người, văn hoá…) trên trường quốc tế

Nền văn hóa Việt Nam mới phải mang hai đặc trưng cơ bản là dân tộc và thời
đại, bởi "đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại". Chính sự đa dạng, khác
biệt giữa các nền văn hoá khác nhau lại là sự hấp dẫn để giao lưu trao đổi.
Với nền văn hoá Việt Nam đa dạng và phong phú như đã nêu trên, thật lãng
phí nếu không tận dụng để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, hấp dẫn
19
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
và tăng cường giao lưu, thực hiện chủ trương của Đảng về Việt Nam mong muốn
làm bạn với tất cả các nước.
Nhờ có tăng cường trao đổi, hợp tác giao lưu văn hoá, thế giới sẽ biết nhiều
hơn về văn hoá con người Việt Nam, sức hấp dẫn của Việt Nam và làm tiền đề, làm
cầu nối cho các hoạt động khác như đầu tư, trao đổi thương mại, giáo dục đào tạo,
viện trợ phát triển… Vấn đề Việt Nam phải có được định hướng rõ ràng, có chương
trình và chiến lược xuyên suốt để thực hiện các hoạt động trao đổi, hợp tác giao lưu
văn hoá, tạo dựng hình ảnh thống nhất của Việt Nam trên trường quốc tế, tuyệt đối
tránh những sai lầm trong cách tiếp cận, quảng bá, giao lưu hoặc sử dụng những
hỉnh ảnh, thông điệp không phù hợp gây nên hình ảnh “người Việt xấu xí” trong mắt
bè bạn năm châu.
20
Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
KẾT LUẬN
Văn hoá là của con người, chỉ có ở con người. Văn hoá, đối với một con người,
đó là tài và đức, đối với một quốc gia, đó là nền tảng dân trí, là trí tuệ, cốt cách và
bản lĩnh của dân tộc. Vai trò động lực của văn hoá được thực hiện thông qua con
người. Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hoá cũng như các vấn đề nội tại và các yếu
tố ngoại lai ảnh hưởng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền
văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính hiện đại, đẩy mạnh giao lưu
văn hoá Việt Nam với các nước trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay là yếu tố cơ
bản để xây dựng thành công nền Văn hoá Việt Nam hiện đại.
21

Tiểu luận Văn hoá đối ngoại - Nguyễn Lê Dung - CH8
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6,7,8,9,10,
Nxb. Chính trị quốc gia.
2. Ban Tư tưởng văn hoá trung ương, Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, Hà Nội,
2003.
3. Dominique Wolton, Toàn cầu hoá văn hoá, Nxb. Thế giới, 2006.
4. VS.Hồ Sĩ Vịnh, Giao lưu văn hoá thời hội nhập, Nxb.Chính trị quốc gia, 2008.
5. GS.TS. Phạm Xuân Nam, Văn hoá vì phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, 2005.
6. Tập Bài giảng môn Văn hoá đối ngoại, Lớp Cao học khoá 8, Học viện Ngoại giao.
7. Trang báo điện tử của Viện Nghiên cứu văn hoá, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
/>8. V.I Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
22

×