Tải bản đầy đủ (.pdf) (44 trang)

Tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên Khoa Báo chí

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (762.32 KB, 44 trang )

1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI
KHOA SÁNG TÁC VÀ LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC











NGUYỄN THỊ VÂN ANH






TÁC PHẨM TỐT NGHIỆP
(Khóa 11, năm 2009-2012)










Giảng viên hướng dẫn: Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Giảng viên phản biện : PGS.TS Nguyễn Thị Bình










Hà Nội – 2012
2
LỜI CẢM ƠN


Tác phẩm tốt nghiệp là kết quả của hành trình 4 năm học tập và
sáng tạo tại khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình Văn học (Tiền thân là
Trường Viết Văn Nguyễn Du). Với vô vàn cung quãng của người đi tìm
chân trời chữ nghĩa: đổ vỡ, nhìn nhận, kỳ vọng, khao khát, thất vọng và
tin. Với biết bao nhiêu Lời cảm ơn chưa kịp bày tỏ mỗi lần nhận cho
mình về những giá trị của tri thức, của nhân cách sống.
Nhân cớ thực hiện Tác phẩm tốt nghiệp như là một điểm đánh dấu
kết thúc quãng đường nhỏ trong hành trình dài rộng, lắm thử thách, chông
gai. Lời cảm ơn đầu tiên tôi xin gửi tới thầy Văn Giá – người đã luôn
‘mắng mỏ’ và động viên chúng tôi phải sống và viết bằng đúng tư thế của
người cầm bút; người luôn nhân hậu và vị tha cho những khờ dại của tuổi
trẻ; cho chúng tôi hiểu thế nào là sự nồng hậu, và dạy chúng tôi biết kiêu

hãnh tự hào về ngôi trường mang tên Viết Văn.
Tiếp theo, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Nhà văn Sương Nguyệt
Minh – người cho tôi niềm tin vào con đường mình đã chọn sau những
tháng ngày hoang mang; truyền dạy cho chúng tôi những kinh nghiệm
quý báu của người làm nghề; những bước đi cuối cùng của chặng đường
này, thầy lại là người đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo để tôi hoàn thành tốt
nhất Tác phẩm tốt nghiệp của mình.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới PGS.Nguyễn Thị Bình -
người đã khiến tôi phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về chữ nghĩa và
những bài học về công việc sáng tạo; đã lắng nghe chúng tôi; góp ý về
những tác phẩm còn nhiều khiếm khuyết.
Cảm ơn các thầy cô, nhà thơ – nhà văn đã mang đến cho chúng tôi
những tri thức hữu ích thực sự. Cảm ơn các cô, anh chị, bạn bè trong
Khoa luôn nhiệt tình giúp đỡ. Cảm ơn BBT các báo, tạp chí đã tạo điều
kiện trong quá trình cộng tác, thực tập. Cảm ơn gia đình đã miệt mài cùng
đi đến cuối những con đường dài.
Chúng tôi sẽ mang theo tất cả, để lại chuẩn bị cho mình một cuộc
khởi hành mới.
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 6 năm 2012
Nguyễn Thị Vân Anh
3
MỤC LỤC


Lời cảm ơn 2
Lời nói đầu 3
Các tác phẩm:
1. Vai diễn cuối cùng 7
2. Miếu cỏ lác 15

3. Đồng huyết 25
4. Người đàn bà đến sau canh hai 33
Phụ lục:
Danh mục thống kê các tác phẩm đã xuất bản 43
Bản nhận xét tác phẩm tốt nghiệp 44
Phiếu chấm điểm tốt nghiệp 45


4

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi thường có tâm thế lo lắng khi đứng trước những người khổng
lồ. Những cái bóng ảnh hưởng phủ trùm quá lớn của họ khiến tôi sợ hãi.
Còn nhớ khi mới bước chân vào trường Viết Văn Nguyễn Du, mỗi lần
‘tầm sư học đạo’ với các anh chị khóa trước, họ hỏi tôi rằng đã đọc người
này, người kia chưa? Trào lưu này, chủ nghĩa này, đã biết chưa? Những
cái lắc đầu đẩy tôi về phía hoang mang. Tôi hoài nghi về bản thân và con
đường đã chọn. Rồi chỉ biết âm thầm tìm kiếm, gặp gỡ những người
khổng lồ qua trang sách. Chính trong lúc nạp tri thức của người khác, tôi
đã vỡ ra được nhiều điều, rồi vỡ ra chính mình, hiểu mình hơn. Biết được
phải ứng xử ra sao với những dữ liệu của riêng mình để viết.

Tôi vẫn đùa với mọi người rằng, công việc viết văn của tôi, chỉ là
chiêm ngưỡng những người khổng lồ ấy. Một cách thật trang trọng và cẩn
thận.
Có thể nhiều người quan niệm viết là công cuộc đi tìm những cái
mới lạ. Với riêng tôi, viết lại là hành trình tìm kiếm chính mình. Khi viết,
tôi thường bị chi phối nhiều bởi cảm xúc nhất thời. Tôi cho rằng như vậy
là non tay, thiếu chuyên nghiệp. Những kết cấu và câu chữ rất hay bị cắt

ngang và phá vỡ. Đôi khi trước khi đặt bút, định viết về một điều A, đến
khi dừng bút để ngắm nghía lại tác phẩm của mình thì lại thấy một điều B
nào đó, một cái B không như dự tính. Rất có thể cái điều A được tính toán
cặn kẽ từ trước sẽ hay hơn điều B, nhiều lúc tôi nghĩ vậy, nhưng nhờ có
điều B xuất hiện, tôi mới nhận ra được mình đang như thế nào, đang thật
sự nghĩ gì, và thực sự đòi hỏi gì ở điều mình đang viết. Tôi nhận ra chính
mình qua những cái vô thức ấy.
Phần nhiều nhân vật trong truyện ngắn của tôi đều là một thân phận
đặc biệt trớ trêu, nhiều khi bế tắc đến cùng cực. Cô diễn viên có tuổi thơ
đầy ám ảnh, chứng kiến mẹ chết trong tiếng chửi rửa lạnh ngắt của người
đời. Rồi khi quăng mình theo nghiệp diễn, cô phải đem thân xác ra đánh
đổi lấy những vai diễn một cách ê chề, nhục nhã. Cũng như mẹ, cô tìm
đến cái chết để mong giải thoát. Nhưng cô lựa chọn cái chết trong tiếng
vỗ tay của mọi người, sau khi hoàn thành vai diễn cuối cùng của cuộc đời
mình (Vai diễn cuối cùng). Cô gái tên Hoa trong Miếu cỏ lác khờ dại
hâng hiến mình cho những dối lừa. Rồi mộng vỡ, người ta kéo đến đánh
ghen đến trụy thai, lấy đi mầm phôi hy vọng cuối cùng về hạnh phúc ảo
5
tưởng của người con gái vừa bỡ ngỡ nếm vị tình yêu. Nhân vật tôi trong
Đồng huyết là cô bé 14 tuổi có bố bỏ đi theo người đàn bà khác. Và trong
một hoàn cảnh tréo ngoe, cô bé phải tìm cách đối mặt với những người đã
‘cướp’ đi hạnh phúc của mình. Hai bà cụ trong Miếu cỏ lác và Người đàn
bà đến sau canh hai đều phải chịu bất hạnh từ sự cực đoan đến cay nghiệt
của những người đàn ông. Kẻ thì lấy cớ duy trì giống nòi với những trọng
trách (cho rằng là) cao cả của con đực, kẻ nhân danh tình yêu.
Tôi viết nhiều về phụ nữ. Những người phụ nữ trong các tác phẩm
của tôi chịu nhiều thiệt thòi. Họ câm lặng, lầm lũi, cam chịu. Tưởng
chừng như họ cô độc và đau đớn trong lớp lớp thương tổn. Nhưng luôn có
một người âm thầm đi bên cuộc đời họ. Nhân vật chàng hề trong Vai diễn
cuối cùng lặng lẽ yêu và tìm cách an ủi những ê chề, nhục nhã của cô

diễn viên bằng những đóa hoa màu trắng cô thích. Nhân vật chú Út trong
Miếu cỏ lác âm thầm dõi theo từng nỗi buồn của Hoa bên bờ sông đầy
gió, rồi khi cứu cô lên từ lòng con nước đã dùng bàn tay vụng dại của
mình xoa dịu đi cả những thương tổn thể xác và tâm hồn. Thằng Ve trong
Đồng huyết là người em, người bạn song hành cùng nhân vật tôi đi qua
những mất mát của sự tan vỡ. Người con dâu trong Người đàn bà đến sau
canh hai như là cánh hoa trắng muốt cài trên đầu người thiếu phụ bị cướp
đi sự trong trắng của người con gái, tình yêu của chàng trai có tiếng sáo
bên sông và cả quyền làm mẹ. Vừa như đồng cảm, vừa cứu rỗi. Đã có ý
kiến cho rằng, những nhân vật phụ trong truyện ngắn của tôi được xây
dựng thành công hơn nhân vật chính. Có lẽ bởi họ đã hoàn thành được
‘trọng trách’ thương yêu mà tôi gửi gắm vào họ chăng?
Một trong những chất liệu được tôi khai thác khá nhiều trong các
sáng tác của mình là yếu tố tâm linh. Trong cõi huyền của tâm linh, các
nhân vật của tôi được sống giữa ranh giới của cõi thực và ảo ảnh, những
kỳ diệu hay cùng kiệt, cứu rỗi hay nhân quả đều có cớ tồn tại. Có lẽ bởi
thế, nên các sáng tác của tôi thường có bối cảnh ở một vùng quê nào đó.
Nông thôn với tôi rất gợi. Ở trong nhà hay ngoài ngõ tôi đều nghe được
những câu chuyện kể, đôi khi thật hoang đường, khó tin, đầy màu sắc tâm
linh và tín ngưỡng. Trong mỗi câu chuyện đó lại ẩn chứa những thân
phận thật sự ấn tượng. Mà khi càng tò mò khám phá, tôi càng thêm day
dứt, ám ảnh.
Tôi còn nhờ lời ‘tuyên ngôn’ đầu tiên của mình khi bước chân vào
nghiệp viết: “Cái ngày nhận ra sự cô đơn cả khi ngồi bên người mẹ thân
yêu, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ viết. Và khi nhìn bức ảnh những viên kẹo
lấy ra từ đống đổ nát ở Haiti, tôi đã không viết chỉ cho nỗi cô đơn của
riêng mình”. Có thể tôi sẽ chẳng bao giờ thực hiện được những gì mình
đã ‘đao to búa lớn’. Tuy chẳng phải sự chờ đợi nào cũng đến. Dù có thể
6
chỉ có duy nhất chính tôi là người được hưởng những ý nghĩa và giá trị từ

những tìm tòi, sáng tạo của mình. Nhưng tôi khao khát được ấp ủ và nuôi
dưỡng chính bản thân mình, để sống, để viết. Bởi, chỉ khi viết tôi mới
được là chính mình.
* Nói thêm về 04 truyện ngắn sử dụng trong Tác phẩm tốt nghiệp:
“Vai diễn cuối cùng” viết về thế giới đằng sau sân khấu. Ở đó
cũng đang diễn ra một một vở kịch đời. Cô diễn viên đổi thân xác lấy vai
diễn, chàng hề đổi tiếng cười cho thiên hạ mua vui. Ôm những tổn thương
sâu thẳm trong trái tim mình để đóng vai người khác, họ âm thầm yêu,
âm thầm thương xót cho nhau. Nhưng yêu thương không đủ để cứu vớt
họ ra khỏi những mất mát ngẫu nhiên, hay cố ý của đời sống.
“Miếu cỏ lác” xuyên suốt là định kiến của xã hội về giống loài.
Tôi không nhớ chính xác mình đã mất bao lâu để hoàn thành truyện ngắn
này, nhưng đó thật sự là một cuộc vật lộn. Mỗi ngày lại có thêm một nhân
vật, một tình tiết mới lạc vào truyện của tôi. Tôi không kiểm soát được
hết chúng. Cho tới ngày tôi chợt nhận ra chính trò chơi thưở nhỏ của
mình cũng ẩn náu định kiến xã của xã hội mà tôi đang sống. Khi ấy, bông
cỏ lác xuất hiện và xâu chuỗi tất cả với nhau.
‘Đồng huyết’ được viết bằng những xúc cảm thật thà và tự nhiên.
Tôi gọi đó là hành trình của sự tha thứ. Một đứa con gái 13 tuổi tìm cách
đối mặt với tan vỡ của gia đình. Những suy nghĩ và hành động cực đoan
rất trẻ con. Rất thương. Tội. Và rồi sợi dây hóa giải những ấm ức trong
lòng bé con và những người chịu chung mất mát đó chính là dòng máu
chung đang chảy trong huyết quản. Thêm vào đó là sự bao dung và cách
đối nhân đầy tình người của nhân vật người mẹ, thằng Ve. Một khúc ngân
đẹp và buồn về tình người, các nhân vật trong “Đồng huyết’ chọn cách vị
tha.
“Người đàn bà đến sau canh hai” sử dụng cách kể chuyện song
hành (2 nhân vật cùng kể chuyện), nhiều chi tiết kỳ lạ, với mục đích dựng
lên một không gian truyện mang màu sắc huyền ảo. Hồn ma của người vợ
trở về dương thế đón linh hồn chồng vừa mới lìa đời. Sau những dằn vặt

và đau đớn do chính ông gây ra cho bà bởi sự ích kỷ và hận thù. Các nhân
vật trong truyện sống giữa ranh giới của cõi thực và ảo ảnh, trong cõi
huyền của bùa chú yêu ma. Đức hạnh của người phụ nữ là điểm sáng cứu
rỗi.


7






TÁC PHẨM TỐT NGHIỆP
(4 truyện ngắn)







8
Truyện ngắn:
VAI DIỄN CUỐI CÙNG
- Nguyễn Thị Vân Anh-

Trời bắt đầu trở nên hanh hao và khô cóng.
Giờ tan ca, thành phố chật cứng, bụi đường vung vãi, chổi tre loẹt
quẹt rê. Mấy cái túi nilon còn chút nước đá vỡ bung khi chạm vào những

nan tre ngọn hoắt. Rất vô tình nhát chổi chiều hất xác con chuột chết khô
về phía cô gái đang xúng xính váy áo dạo phố. Tiếng hét thất thanh. Anh
9
diễn viên hề kiêm người căng áp phích đang ngồi hút thuốc ở bên lề
đường bật cười ngặt nghẽo, văng mất cả điếu thuốc còn hút dở. Công việc
cuối cùng của một ngày kịp kết thúc lúc trời nhá nhem tối. Chẳng kịp
uống hết cốc nước chè, anh hề vội vàng cầm bó hoa chen vào dòng người
đang bám đuôi nhau lặc lè dịch chuyển từng chút trên đường, mặc kệ tấm
áp phích xiên xẹo, dúm dó.
Vở kịch:
“…”
Thời gian: …
Địa điểm: …
Người phụ nữ quẩy gánh hàng rong móc trong cạp quần ra một
đồng tiền bỏ vào tay đứa trẻ gầy gò đang len mình trong dòng người dừng
xe giờ tan tầm. Ở phía dải phân cách giữa đường xe máy và xe bus một
đứa trẻ béo tốt khác ngồi trên xe lăn, mặt mày ngơ ngác, nước dãi chảy
nhều nhễu. Và ở một góc đường không xa đó, một người phụ nữ cứ chiều
chiều lại gom những đứa trẻ đó lại, đổi chiếc bánh mì nóng hổi thơm giòn
lấy chiếc ca đựng đầy những đồng tiền nhàu nhĩ. Anh tìm cách lách lên
khoảng trống phía trước, bỏ vào trong ca một đồng tiền.
Trên cái nền màu xam xám và heo hắt của buổi chiều đầu đông,
chiếc áp phích với những con chữ trắng in phun trên nền màu nâu bạc
phếch, không hình ảnh, chỉ có những vệt loang lổ kì lạ cười méo xệch.
*
Cánh hoa trắng bắt đầu trở nên khô cứng. Trông nó phù hợp với
màu sơn xám hơn những thứ đồ trang trí khác trong căn phòng. Rất nhiều
hoa khán giả tặng sau đêm diễn vẫn còn tươi rói, đầy màu sắc, ngát thơm
ma mãnh, lẳng lơ và dối trá. Cô không có ý định sẽ thay thế chúng -
những cánh hoa trắng khô héo mang vẻ đẹp tàn úa sau một đời bung sắc.

Chúng mong manh, mang cho cô cảm giác muốn nâng niu và gìn giữ vĩnh
viễn. Cái khách sạn cô sắp đến người ta có để một lọ hoa như thế? Cô bật
cười thành tiếng với cái mong muốn kỳ quái của chính mình. Những đốm
tàn nhang được phen xáo trộn, chạy nhảy. Người ta bảo những đốm tàn
nhang ấy làm đôi mắt cô thêm duyên dáng, nhưng chẳng ai kết luận được
đôi mắt ấy vui hay buồn, trừ những lúc cô đứng trên sân khấu.
Đôi mắt ấy giống đôi mắt mẹ.
Kết quả khám nghiệm tử thi: tự sát. Hiện trường vụ án là một căn
phòng sơn tone đỏ rạo rực nhức nhối. Thân thể người đàn bà nõn nường
trong ánh sáng rực rỡ hắt từ phía cửa sổ. Đài trung ương dự báo hôm ấy
10
là một ngày nắng đẹp. Căn phòng bầy biện những chiếc mặt nạ với đủ
hình thù kỳ dị, những gam màu loãng chảy như để phủ kín thi thể người
đàn bà. Những chiếc mặt nạ xé nát ánh nhìn của những kẻ hiếu kỳ đang
dòm ngó. Người, người xô nhau đứng chật cứng, tợn nát những bông hoa
mào gà đang thời đơm nụ được trồng tỉ mỉ trên lối vào căn nhà.
Người đàn bà đang nằm kia là hoa khôi của đoàn kịch. Xinh đẹp và
đa tình. Những người phụ nữ nhìn nhau bĩu môi, rồi đưa cái nguýt dài
sang người đàn ông mặt đang tư lự bên cạnh mình. Lời ra tiếng lại, cái
xóm nhỏ ấy cũng chỉ mất vài ngày để trở lại nhịp sống thanh bình. Nhưng
dường như từ đó, đàn ông - đàn bà trong xóm đối xử với nhau đằm thắm
hơn, những cuộc ân ái cũng mặn nồng hơn. “Cái con Thị Màu đã chết!”.
Chẳng ai buồn quan tâm tới đứa con gái của người đàn bà nhơ nhuốc đó.
Thỉnh thoảng có ai giật mình hoảng sợ vì mơ thấy chính đứa con gái ấy
vẫn đứng trân trân ở lối mào gà nhưng nhức đỏ, bứt từng bông hoa thả
vào lòng bàn tay, những bông mào gà đỏ lên tanh lợm.
*
Cô đẩy cửa bước vào, người đàn ông nhếch mép cười, chồm lấy hai
vai cô. Chẳng lạ gì với cái thái độ xỗ xược đáng kinh tởm của tay đạo
diễn già. Mặc cho hắn lần cởi từng chiếc cúc, sục bàn tay ráp dính vào

ngực mình. Cô nhìn quanh căn phòng tìm chiếc bình cắm những bông
hoa màu trắng khô cứng. Nhưng cả căn phòng đẹp đẽ, tiện nghi và sang
trọng chỉ treo toàn những bức ảnh hoa.
Tiếng thở dài làm người đàn ông chau mày khó chịu. Nhưng nhanh
cả sự đàn hồi của nét mặt ông ta, cô thả một tia nhìn lả lơi vào trong đôi
mắt đang hừng hực nóng. Người đàn ông bế xốc cô lên giường. Vai diễn
một người tình hoàn hảo có gì là khó với cô. Và vị khán giả hài lòng đâu
chỉ có riêng mình hắn. Trong tiếng rên xiết của chính mình, cô chợt thấy
căn phòng màu đỏ với những chiếc mặt nạ khóc cười. Người đàn bà quằn
quại bấu chặt những đốt ngón tay thon dài lên tấm lưng nhễ nhại mồ hôi.
Tiếng cười thỏa mãn đểu cáng lẫn tiếng kêu la đĩ thõa. Tiếng rên của cô
bỗng trở nên biến dạng, ma quái, méo mó. Nước mắt thì không thể ngừng
rơi.
Mất hứng. Tay đạo diễn già tức tối đưa tay tát đốp vào mặt cô. Vết
ngón tay như những bông hoa mào gà, oằn lưng, đứt gẫy.
*
Anh hề đem tặng đóa hoa màu trắng cô yêu, anh không thích nụ
cười diễn đạt của cô khi nhận những bó hoa rực rỡ sắc màu từ tay khán
11
giả. Anh thương cô quay quắt. Người con gái của cái năm rét mướt ấy,
như một duyên tiền định, họ gặp nhau. Chẳng ai bảo anh rằng đêm hôm
ấy anh sẽ tỉnh giấc, và họ sẽ mang người con gái có trái tim hao khuyết
đến cho anh cùng những cơn gió bấc giữa mùa. Cũng không ai nói với
con bé rằng ở phía bên kia đường có một người sẵn sàng chia cho nó một
chút ấm áp. Chỉ biết rằng nhiệt độ trung bình của cơ thể con bé không thể
ngăn những song sắt nó đang dựa mỗi lúc một lạnh hơn. Những chiếc lá
cuối cùng còn sót lại trên cây rơi trên người nó cũng như đông cứng giòn
gẫy. Gió thổi càng ráo riết. Những bông hoa mào gà quắt queo, thâm tái.
Nó nhìn quanh. Phía bên kia đường có mấy đứa trẻ con đang co ro trong
một chiếc chăn cũ nát. Con bé mạnh dạn tiến tới, sục đôi chân vào trong

chăn. Bất ngờ một đứa trẻ trong số chúng ngồi phắt dậy, nhìn cô bé đang
run lập cập, quay ra nhìn đồng bọn nó ngủ ngon lành, đưa mắt ra lệnh cho
con bé giữ im lặng và nằm xuống, kéo một phần góc chăn phía ngoài của
nó về phía con bé, rồi lại lăn ra ngủ.
Sáng hôm sau, một người phụ có bầu mang cho chúng một ít bánh
quy vừng đã ìu xìu vì gió. Chúng chia nhau rất công bằng, và chia cho cả
con bé nữa. Sau khi ăn hết phần bánh quy của mình, chúng bắt đầu xách
ca tản đi khắp các con phố. Con bé đi theo cái thằng tỉnh dậy đêm qua.
Nhờ nó mà con bé được gia nhập vào nhóm trẻ con lang thang ấy. Cho
đến một ngày, có đoàn ca kịch địa phương mở cuộc thi tuyển chọn.
Thằng bé năm đó chính là anh. Cô bé năm xưa giờ đã là một diễn viên
sáng giá của đoàn kịch. Người ta ganh ghét với sắc đẹp và cả tài năng của
cô. Nhưng anh biết, nếu như chỉ như vậy cô không thể có ngày hôm nay.
Là cái gì nếu không là sự bất chấp, đánh đổi. Mọi thứ đều có giá. Anh
cũng là một thằng hề, bán đổi tiếng cười cho thiên hạ vui. Khán giả thích
thú nghĩ rằng mình tài giỏi khi nhìn thằng hề làm đủ mọi hành động
hoang tưởng ngu dốt. Vai diễn chỉ là vai diễn. Người ta đem buôn tiếng
cười, ai đi buôn tiếng khóc. Anh âm thầm yêu và khao khát lấp đầy trái
tim xước xát của cô diễn viên bé bỏng.
Cửa nhà cô không khóa, khép hờ. Anh rón rén nhìn qua khe cửa.
Người con gái ấy đang say sưa khóc. Những bản nhạc trôi đi làm tiếng
khóc của cô trở nên mênh mang đau đớn. Má trái cô lằn lên những vệt tay
to xác. Anh biết những ngón tay đó, những ngón tay vẫn chĩa thẳng vào
mặt cô để chửi rủa khi tập luyện, rồi sẵn sàng sục sạo trong váy áo cô một
cách thô bạo. Cô vừa nốc cạn những ly cognac vừa khóc. Tiếng khóc lẫn
tiếng nhạc thổi ra ngoài khe cửa nghe chua xót. Rượu đổ lênh láng trên
bàn, ướt nhẹp cả những sợi tóc đang bung xõa. Những ngón tay thon dài
không ngừng nâng cốc rượu lên và uống như một tên bợm rượu chuyên
nghiệp. Những ngón tay ấy lạnh suốt bốn mùa. Rượu, cả những đóa hồng
trắng này đâu có thể ngăn được những cơn đau từng ngày ngấm vào hơi

12
thở cô. Người con gái anh yêu đang khóc. Anh đau đớn khôn xiết. Anh có
thể làm cho bao nhiêu khán giả bật cười ngặt nghẽo, mà sao anh chưa bao
giờ làm cho người con gái này thấy vui dù chỉ là một khoảnh khắc tạm
bợ. Anh sinh ra đã là một đứa trẻ vô thừa nhận. Anh không hiểu cảm giác
của đứa con nhìn thấy mẹ nó chết trong tiếng chửi rủa lạnh ngắt của
những người đứng trơ trơ nhòm ngó. Vì sao người con gái mang con tim
hao khuyết lạnh giá ấy lại theo đuổi cái nghề bất chấp tất cả sự đánh đổi
và khổ cực này. Để được nhận vai diễn trong vở kịch cô cũng đã phải trả
giá bằng những vết bầm tím trên khuôn mặt này sao?
Những ngón tay anh tê giật. Máu tứa ra nhói buốt. Những chiếc gai
hoa hồng sắc nhọn đâm rách bàn tay. Trong tích tắc, anh thấy những cánh
hoa trắng hóa đỏ tuôn ra từ đôi mắt người con gái anh yêu. Từng giọt,
từng giọt, từng giọt…

***
Mùi biển mặn mòi, chan chát. Những hạt cát gan lì bám riết lấy bàn
chân. Một con sóng chồm lên rửa sạch trơn, rồi gió biển lại mau chóng
tặng trả những hạt cát mới theo dấu chân trên bờ biển dài ngút ngắt. Sẽ
đến một ngày, con sóng không còn tha thiết ve vuốt đôi chân, để mặc cho
những cơn gió biển mang theo cát lấp đầy chặt, lấp kín thân thể. Rồi cô sẽ
mãi mãi, mãi mãi giấu mình trong lớp cát mịn màng và khao khát ấy.
13
Những bụi cỏ lông chông mọc lên từ cát. Xanh ngắt, tròn xoe. Cô nhặt
một bông cỏ lông chông trên tay mà tưởng như đang ngắm nghía chính
linh hồn mình. Bông hoa lông chông vội vã lăn trên bờ cát, tìm về với
lòng biển bao la.
Biển độc diễn một vở kịch câm, mà chỉ có duy nhất cô là khán giả.
Sóng đĩ thõa vuốt ve bờ cát. Cô tiến về phía biển tự lúc nào không hay.
Mặt biển dập dềnh như những bậc cầu thang dài hun hút. Cô thấy mình

mặc một chiếc váy trắng dài, bước đi mãi trên những bậc cầu thang dài vô
tận. Không thấy được khuôn mặt mình trên những lớp sóng dạt dào.
Không còn lớp mặt nạ hóa trang, không nhân vật, cô không biết mình là
ai, không biết mình đang vui hay buồn. Chỉ mùi biển ngày càng hăng chát
và đắng ngắt. Những chiếc vỏ ốc cứa khẽ vào chân nhoi nhói.
Người ta kháo với nhau, bằng cả lời tiên tri lẫn lý lẽ xác thực của
khoa học, rằng sau này nhiệt độ sẽ tăng, nước biển có thể gây ngập những
vùng rộng lớn. Họ rủ nhau làm một cái triển lãm những bức tượng trẻ con
bằng đá đang dần tan chảy dưới ánh mặt trời. Những đứa trẻ bằng đá ấy
có đau không? Có khóc không? Có sợ chết như những người nhìn thấy
chúng? Bao nhiêu lâu nữa thì con người mọc đuôi như nàng tiên cá trong
truyện cổ tích của Hans Christinan Andersen. Người cá có muốn nhiều
dầu mỏ, khí đốt, muốn nhiều vàng, đô la, rượu, ma túy và sex nữa không?
Lúc ấy cô sẽ đánh đổi vở kịch của mình để lấy một chiếc đuôi?
Biển đáp trả cô những tiếng thở cồn cào và giằng xé.
*
Người ta trả cho cô một xấp dollar cho chuyến đi ấy. Chưa kể cái
hợp đồng tài trợ đã nằm yên vị trong ngăn bàn của tay giám đốc quản lý
đoàn kịch. Chàng hề vẫn loăng quăng đâu đó quanh phòng tập, sắp xếp
lại đám trang phục đang vung vãi, hoặc đang kê những chiếc bục cho
phân cảnh tiếp theo. Cô không thích cái cách người ta bắt anh làm đủ
công việc của đoàn kịch. Anh ta cũng là một diễn viên, bán những động
tác hài hước sắp đặt của mình cho thiên hạ mua vui. Mà cô thì cũng có
hơn gì anh đâu. Chuyến đi biển vừa rồi cũng là “công việc”. Tay quản lý
muốn có nhiều thật nhiều hơn nữa khoản tiền tài trợ cho vở kịch sắp công
chiếu. Và như mọi lần, hắn đổi bằng cô – tình nhân bé bỏng trước kia của
hắn. Mặc cho cô dùng mọi cách để từ chối. Cô muốn dành thời gian để
tập thật tốt cho vai diễn của mình. Nhưng nếu cô ở nhà, thì đó sẽ là vai
diễn cuối cùng. Biết vậy, cô lại đi. Ai nấy cũng đều đã hài lòng. Chỉ có
lớp hóa trang trên mặt cô ngày càng khô đặc, đến nỗi cô không gỡ được

ra để xem mình đã đau đớn như thế nào. Chẳng còn biết mình có chờ đợi
nụ cười của anh hề mỗi lần bình yên trở về.
14
Cô giấu biển mang về một bông cỏ lông chông. Cô sẽ đem nó tặng
cho anh, những chiếc gai vẫn còn xanh đâm khẽ vào đầu ngón tay cô
nghe rộn ràng. Gã giám đốc lướt ánh mắt xéch mé từ đầu tới chân cô cười
khẩy. Sân khấu đã được sắp xếp xong xuôi cho buổi diễn đầu tiên. Sau
cánh gà, diễn viên nhộn nhịp thử phục trang. Ngoài sân khấu, người ta
vội vã sắp xếp những chi tiết cuối cùng để kịp khớp chương trình. Cô
không thấy anh hề. Gã giám đốc tiến lại gần phía cô hơn. Bông hoa lông
chông trượt khỏi tay. Cô luống cuống cúi xuống nhặt thì cũng là lúc đế
giày da láng coóng kịp chạm tới những chiếc gai xanh mướt ấy. Những
vòng lăn của hoa lông chông vằn lên trong nụ cười khẩy của gã. Với một
ánh mắt buồn buồn của kẻ diễn, hắn nhặt bông hoa lên đưa cho cô kèm
một tấm thiệp in hình chú hề đang khóc. Tấm thiệp viết:
“Trên sân khấu có một thằng hề. Khán giả cười, xem thằng hề
đóng vở kịch câm. Thằng hề nghĩ rằng mình là chàng hoàng tử. Vận áo
đuôi tôm, bước đi cùng một hình nộm bằng giấy duyên dáng trong bộ áo
xinh thật xinh. Thằng hề không ngốc như họ tưởng, vì chẳng ai biết nó
đang sánh bước cùng em. Thằng hề cười, khán giả cũng cười. Thằng hề
ôm mặt khóc, nước mắt tuôn rơi nhưng khóe miệng vẫn cười. Vì thằng hề
mơ được nhìn thấy em cười trong hàng trăm khán giả đang xem nó diễn.”
Dòng chữ đã nhòe đi do những vệt máu loang lổ vương vãi trên
khắp tấm thiệp. Nó được tìm thấy trong bó hoa trắng bên cạnh xác của
một người con trai. Người ta kể lại khi anh ta vòng xe quay lại để nhặt
những bông hoa vô tình đánh rơi, cũng là lúc một chiếc xe ô tô lao tới.
*
Trong tối mò với âm thanh kì quái gợi lên cảm giác hỗn loạn và
gay cấn. Một bối cảnh siêu thực, một cái nhìn méo mó khiến người ta
hình dung ra những phim biểu hiện chủ nghĩa những năm 20. Sân khấu

sẵn sàng cho buổi công chiếu. Mẹ là người đầu tiên cho cô biết có thể
hiểu những điều người khác nói thông qua đôi mắt chứ không phải qua
tai. Người đàn bà không chịu tiếp được khổ đau. Những cuộc tình điên
cuồng chốc nhát không bao giờ làm người đàn bà quên đi sự phản bội của
người đàn ông. Những nhân vật vui cười không làm người diễn viên thôi
khóc.
Khán giả ngồi kín hết khán đài. Có người cười, có những đôi mày
cau có. Tay giám đốc quản lý đang lăm lăm nhìn cô dò xét, chờ đợi. Dưới
hàng ghế dành cho những nhân vật tiếng tăm kia, có biết bao nhiêu kẻ
nhân tình. Có lẽ họ đang mơ màng nhớ lại khuôn ngực tròn căng khiêu
gợi của cô diễn viên xinh đẹp. Rồi chẳng ai bảo ai, đều thỏa ý mãn
nguyện. Ánh đèn sân khấu cứ chợt vụt lên rồi tắt lịm, làm cho cái sân
15
khấu lặng lẽ, rộng rãi và chênh vênh. Sân khấu cũng trắng toát một màu
như để bao bọc cho những thứ hỗn loạn phía trong. Chúng phối hợp với
nhau thật hoàn hảo khiến đến diễn xuất của diễn viên cũng mang đến cảm
giác lạc lõng chơi vơi.
Cảnh diễn cuối cùng kết thúc, khán giả đứng cả lên để vỗ tay. Ở
phía hàng ghế cuối cùng có một chàng hề vận chiếc áo đuôi tôm, môi nở
một nụ cười, khóe mắt ngấn nước. Một người đàn bà xinh đẹp cầm trên
tay những bông hoa mào gà đỏ nhưng nhức. Cô mỉm cười chào họ. Cô đã
tự mua cho mình tấm vé tới một miền đất thật xa. Họ đang chờ cô ở đó.
N.T.V.A


















16
Truyện ngắn:
MIẾU CỎ LÁC
- Nguyễn Thị Vân Anh-


Cả bờ sông dặt một màu tàn tro pha loãng, như nhát bút lông phủ
hời hợt từ nền trời xuống bụi cúc tần đang thì xanh ngắt. Mùa lau, những
thân lau thẳng thớm, hoang hoải. Gió xô tãi khoảng nước, cố tình làm vỡ
cái bóng vốn đã đục mờ và mỏng mảnh của bông hoa lau. Dù cũng chỉ là
gợn một chút, như là để có, để chứng minh sự tồn tại của gió.
PHUGIA 18, TAYSON 3, GIANGNAM 247, TAYLONG 8,
HAMY 96… Những con tàu lần lượt trở về. Cát và than ánh lên những tia
sáng óng ả trên con nước dập dềnh phía mạn tàu. Lòng sông như xao
17
động. Tiếng thở dài mệt nhọc của những người đàn ông cuộn tròn trong
con nước rồi lặn mất tăm. Ông chủ đầu húi cua có khuôn mặt vuông vức
của chiếc HAMY 96 đánh ánh mắt dắt đầy đốm đồi mồi về phía Hoa,
đuôi mắt nheo lại như cố ra một ám hiệu gì đó bí ẩn và kỳ quặc. Nhưng
chẳng ai nói với ai câu nào. Đám dây lang bò chen qua nhau chằng chịt,

rối mắt, chờm nghếch ra cả bờ sông ngong ngóng. Lúc thì xanh xanh, khi
lại rũ ra sắc tím buồn hiu hắt. Hoa ngồi phía bên này bờ, nhìn đâu đâu
không rõ, tròng mắt thấp thoáng bóng những ngọn rau lang. Đôi mắt
thoảng màu chiều. Đôi phút Hoa giật mình nhìn về phía những con tầu
đang lừ lừ tiến tới. Rồi khoảng sáng cuối ngày lặn dần, nhường chỗ cho
những ánh đèn lờ mờ trên chiếc tầu về muộn. Tiếng nước vỗ dập dềnh
trên đám cỏ gà mọc lởm chởm mép sông.
Nhất định anh sẽ trở về. Ba, hoặc năm, bảy ngày gì đó. Những
người đàn ông ở khu cầu cảng này vẫn có những chuyến đi dài ngày như
vậy. Hoa không biết ba, năm hoặc bẩy ngày. Cô ở đó và đợi. Bóng chiều
nhập nhoạng. Một cơn mưa bất chợt vô tình ướt sũng.
***
Từ cầu cảng về nhà, Hoa đi ngang qua con đường đen quạch bụi
than, cái miếu nhỏ nằm nép dưới gốc cây gạo. Dân cả khu này sống bằng
than. Những người đàn ông và những người đàn bà. Những bờ tường xây
kiên cố bằng gạch đặc lõi lúc nào cũng phủ kín than bánh. Than như phân
trâu đám trẻ con nghịch ngợm ném lên tường. Than tổ ong lỗ chỗ xếp
ngay ngắn kín mít lối đi. Có những chồng than xếp cao ngang bụng. Trẻ
con chơi hú tìm trong đống than ấy, lúc chui ra mặt mày nhọ nhem nhọ
thỉu. Cười vang. Người lớn quệt mồ hôi. Dăm ba chiếc xe đạp thồ chất
đầy than chuẩn bị chở đi bán. Thanh gỗ dài cỡ sải tay gáng qua bánh xe
làm chân chống chực gẫy làm đôi. Hồi biết mang trong mình đứa con của
anh, mỗi lần đạp xe qua con đường này, Hoa thường cảm thấy người nôn
nao. Nước miếng chảy ra từ hai bên vòm miệng. Hoa cố nuốt xuôi xuống
rồi mà cái cảm giác khó chịu ấy vẫn không mất đi được. Hoa nếm trộm
những mẩu than đen sì và tanh ngòm ấy. Giờ nhớ lại vẫn thấy cổ họng
lờm lợm. Mùi than ở nơi nào đó thật sâu trong tâm trí chực xông lên làm
Hoa sây sẩm mặt mày.
Giống đàn bà là ma quỷ hết. Mẹ Hoa là con ma không biết đẻ, hồ
ly tinh gieo giắc quái gở và bất hạnh đến cả dòng họ toàn những con đực

vạm vỡ cường tráng. Cái điều đó, mãi sau Hoa mới biết, qua những tiếng
lè nhè hơi mùi rượu phả ra từ cái mồm chua loét của bố. Ông chết thản
nhiên như không. Người ta kháo nhau rằng mẹ oán nên về bắt ông đi.
Chính Hoa thì nhìn thấy ông cầm cái sợi dây to bằng đốt tay ấy, tự luồn
18
cổ mình qua sợi dây, xiết chặt. Mấy chị em Hoa nép trong xó nhà nhìn
ông sợ hãi. Không khóc. Nhất là khi ông đã tu rượu từng hơi lớn và bắt
đầu rủa mẹ là giống loài ma quỷ. Giống đàn bà. Bốn đứa sợ bị đòn. Mẹ đã
chết vì những trận đòn như thế. Lúc cái lưỡi ông thè lè ra trước cằm, trên
bàn thờ đôi mắt mẹ đau đớn, bao dung.
Cái miếu thờ dưới gốc cây gạo thì ở đó từ rất lâu rồi. Chẳng biết ở
đó thờ ai, thờ cái gì. Hàng ngày có một bà cụ lom khom chống gậy ra
miếu xì xụp cúng vái. Thắp hương, lên đèn. Xẩm tối, đám trẻ con đi qua
chạy xộc vào chắp tay lậy vội hai ba cái, hôm quả chuối còn ương, khi cái
oản. Bà cụ đội trên đầu khăn đen, chít mỏ hướng xuống mũi, khoằm như
mỏ quạ. Những sợi tóc thừa ra ngoài đều đã bạc cả. Đôi dép mòn vẹt đầu,
bước đi nặng trịch. Nhìn bà cụ người ta dễ liên tưởng tới loài bướm ma.
Trước nhà bà cụ ở đâu đó phía bên kia sông. Có chồng. Nhưng từ khi đẻ
chú Út, bà và ông không nằm chung giường nữa.
Ai đó phong thanh có một đợt bà cụ ốm nặng lắm, gần nửa tháng
trời. Rồi một hôm bỗng bà đùng đùng ra vườn cắt đầy một ôm lá sả về
tắm. Tắm xong, bà đòi lên chùa. Cụ ông đang cặm cụi cắt tỉa tạo thế hươu
thế hổ cho cây cảnh ở sân bỗng sây sẩm mặt mày. Kéo gẫy làm đôi. Rơi
xuống đầu ngón chân cái, máu me chảy lênh láng, thấm ướt mấy viên
gạch. Một lúc sau có người chạy hớt hải đập cổng báo tin. Bà cụ đang lăn
đùng khóc mếu ở chùa kia kìa. Ông chỉ thở dài. Ba đứa con gái đầu đều
đã đi lấy chồng xa cho khuất mắt. Thằng Út là con trai nhưng ngơ ngơ
ngẩn ngẩn, ai hỏi gì cũng cười. Có lần ôm gà đi chọi bị thua, về thấy Út
đang vân vê nghịch cái lồng gà, ông với tay vả cho một cái đau điếng,
tưởng thế nào, nó cũng vẫn cười, máu chảy qua kẽ răng rỉ ra hai bên mép

nhìn đến sợ.
Có lần anh đưa Hoa về qua cái miếu ấy, Hoa kể cho anh nghe
chuyện bà cụ. Anh cười qua quýt bảo em khéo quan tâm chuyện người
dưng. Rồi chẳng chờ cô phản ứng. Anh kéo tụt Hoa vào góc miếu tâm sự.
Anh mong muốn từ lâu có người vợ đẹp như em. Anh yêu em biết bao
nhiêu. Mình sẽ cưới nhau và sống bên nhau suốt đời. Móng tay anh sạch,
và rất mềm. Anh châm một điếu thuốc mà không hút. Những đốm lửa len
lén đốt điếu thuốc ngắn dần. Sự lạnh lùng mỏng mảnh như làn khói.
Những điều anh nói lẫn vào khói thuốc bay lên. Không hiểu sao, cả trong
cái lúc cả người Hoa run rẩy dưới những ngón tay đang tỉ mẩn sờ nắn
khắp chốn của anh, cô vẫn nhìn rõ một đốm đo đỏ, lập lòe từ trong miếu
hắt ra. Cái đốm to dần. Được một lúc thì chảy loãng ra, sau cùng tụ lại
đặc quánh thành hình đôi mắt. Dài dại, oán than, lạnh ngắt.
*
19
Cây hoa gạo cạnh ngôi miếu của bà cụ nở hoa đỏ rực. Chích chòe,
sáo, cả những con chim của bao mùa trước đều đã sải cánh bay về. Ríu ra
ríu rít. Trong cái nền đen đúa và xám xịt ở cái khu đất nhỏ, mùa gạo nở
đẹp rỡ ràng. Đám trẻ con kéo nhau trốn ra gốc gạo ngồi nhặt hoa để hút
cái nước ngòn ngọt, mát mát. Trên những cành trơ khấc, từng đốm đỏ rạo
rực nhảy múa. Những bông hoa mũm mĩm như bàn tay trẻ con, những
ngón tay hồng hồng, xinh xinh. Khi màn đêm buông xuống, nhìn từ ô cửa
sổ Hoa vẫn thấy những đốm lửa chúm chím bập bùng sưởi khô màn đêm
lạnh lẽo.
Một vẻ ám muội kì lạ, những bông hoa gạo, bàn tay mũm mĩm.
Những ngón tay Hoa thì dài và khô. Cái gì đó đang khe khẽ chồi lên từ
trong bụng. Hoa rụt rè đưa những ngón tay vỗ về. Đêm nhả từng hơi thở
lạnh sương. Anh hẹn sau chuyến này sẽ ở bên Hoa. Nhất định thế. Cô sẽ
sinh cho anh một thằng con trai bụ bẫm. Những ngón tay hồng hào và
xinh xắn như bông hoa gạo. Con trai – một con đực khỏe mạnh và vạm

vỡ như anh. Anh đã nói như thế. Nó sẽ có cái quai hàm bạnh, cặp lông
mày rậm và cánh mũi cao phập phồng. Giống anh hết.
Những ngọn đèn đều tắt cả, xóm riềng đã đi ngủ. Hoa nghĩ tới
những người đàn ông lưng chưa chạm giường đã phì phò ngáy, móng tay
đen đúa, mang lên giường ngủ cả những vệt bụi than ở vành tai, kẽ móng
chân, khủy tay. Cuộc làm tình hồng hộc, chốc nhát khi vừa kịp quẹt
ngang đũa để lau những hạt cơm còn dính trên mép. Những thằng con trai
được sinh ra như thế, lớn lên, vẫn những ngón tay đen đúa hạt cát hạt
than. Chỉ chúng được chào đón. Ngày rằm cúng lễ, lậy tổ bái nghề, heo
đực - gà trống - cá trai. Con gái không xông nhà. Gặp gái thì xui. Buôn
bán lỗ bởi con vợ đang kỳ hành kinh. Hãm.
Móng tay anh trắng sạch và rất mềm. Hoa nhớ lại cái hôm ở miếu.
Cô nghĩ tới anh và tủm tỉm cười, len lén nhẩm lại những bài hát ru mà
mình còn nhớ.
*
Ngày hôm ấy buồn thiu. Tiếng động cơ ca nô gầm rú. Một đám
người cả trai cả gái dữ dằn xông tới. Trước khi kịp hiểu được bất cứ điều
gì đang xảy ra thì tóc tai, quần áo Hoa đã rũ rượi dính bết đầy bùn than.
Những cái mồm chua chát và tanh tưởi. Bốn cái mồm như thế thi nhau
rủa xả và chửi bới. Toàn những lời lẽ độc địa ác tâm.
- Con đĩ, mày dụ dỗ chồng tao à?
20
- Cái đồ lăng loàn, tao đánh cho mày chừa thói tranh vợ cướp
chồng!
- Cạo đầu bôi vôi con đĩ non này đi!
Đều là mệnh lệnh. Thân mình ê ẩm những vết cào xé. Tóc bị giật
từng mảnh, da đầu ran rát, buốt tận óc. Ai đó nhảy vào can nhưng rồi chỉ
cần một cú hất nhẹ của mấy tên lực lưỡng mình đầy vết xăm trổ rồng
phượng là cuộc cấu xé của bốn người đàn bà ngoa ngoắt lại được cấp
phép tiếp tục. “Ối làng nước ơi, con đĩ này nó cướp chồng tôi”. Người

đàn bà có cánh tay phốp pháp vừa đạp mạnh chân vào bụng Hoa vừa tru
lên những câu chửi thề như con lợn chọc tiết.
Hoa co rúm người, ôm bụng đau đớn chịu trận.
Người này nhìn người kia, định cất tiếng nói gì đó rồi lại cúi xuống
lảng tránh, cậy cậy đến bật cả móng tay.
- “Công an tới rồi. Gô cổ cái đám mất dạy này lại”. Tiếng hô hoán
vừa dứt, đám người đang hăng máu là thế hoảng hốt chạy ra phía bờ
sông, mấy tên côn đồ phình phịch nổ máy ca nô phóng thẳng.
Bà cụ lật khật vừa chống gậy vừa thở.
Chẳng có công an.
Máu chảy ướt đũng quần. Hoa hét lên thất thanh.
Cắt đứt cuống tim cũng không đau đớn bằng tiếng thét của người
đàn bà.
*
Bà cụ sống cùng chú Út. Bà bảo chú Út gần 30 tuổi, nhưng mọi
người quen gọi chú là thằng Út, vì chú mang một khuôn mặt không tuổi.
Chẳng ai đoán được tuổi chính xác của chú. Từ cái dạo bị đánh, Hoa hay
sang nhà bà cụ. Chú Út rủ Hoa chơi trò con trai con gái* mà lũ trẻ con
trong xóm đã dạy cho chú. Chú lấy trộm rổ roi của bà cụ mới hái lúc sáng
để đổi lấy nắm cỏ xanh mướt lũ trẻ con vặt được ở bờ sông. Những thân
cỏ lác cao cỡ hai gang tay, xôm xốp. Những chùm hoa trên đầu bông cỏ
trắng xanh xao, cũng nhỏ bé và mỏng mảnh, tỏa đều ra ngoài như pháo
hoa. Chú Út nhìn Hoa cười, những ngón tay ngắn múp míp cẩn thận vặt
bỏ từng chùm hoa trên đầu thân cỏ lác để sang một bên. Thân cỏ lác
xanh, xốp. Chú đưa cho Hoa một đầu thân cỏ. Hoa cười. Chú Út cậy mãi
21
mới tách đôi được hai đầu thân cỏ lác. Mắt ánh lên vẻ thích thú, miệng
vẫn cười, nụ cười hồn nhiên thơ ngây như bông cỏ. Đường tách dài dần,
dài dần, khi chạm đến ngón tay của Hoa, thân cỏ lác tách làm đôi, rơi
mất. Mắt chú Út buồn, khơi gợi, ám ảnh. Cái buồn như biết cả, biết hết.

Bà cụ đi thế nào vấp bậc cửa. Giằng lấy nắm cỏ lác trên tay chú Út
mà quật xuống chỗ vấp. Những thân cỏ tơi tả bầm dập. Hoa chợt thấy có
một vài giọt nước mắt rơi trên nó. Bà cụ vén vạt áo lau. Chú Út vẫn cười.
“Đàn ông là cái giống ích kỷ. Bố nó chỉ khao khát có một mụn con
trai để chứng minh cái trọng trách con đực của mình, nối tông phụng tổ”
– Bà cụ kể với giọng nghe xót xa lắm. Bố nó ham con trai, mà ba mụn
con đầu bà rặn ra chỉ toàn con gái. Hễ cứ đi thì không sao, về nhà là
quăng bát quăng mâm, đánh con chửi vợ. Bà căm lắm. Thế rồi cuối cùng
cũng đẻ được ra thằng Út này đây. Ông ta mừng rỡ đi xem hết thầy này
đến thầy khác để tìm tên đặt cho thằng con trai quý tử. Đời nó phũ với
ông ấy. Các thầy xem xong chỉ rẩy rẩy nước hoa lên chân hương rồi trầm
ngâm phán. Ông làm gì có thằng con trai nào, cái số ông có con chỉ một
bề, năm bẩy bà thì cũng toàn thị mẹt.
Mùi nước hoa nhiều cồn hăng hắc, tưng tức.
Ông ấy cười khẩy, mẩm chắc trong bụng là mấy thằng thầy bói nói
láo. Cao ngạo phẩy mông ra về, dương dương tự đắc. Trên đường về định
bụng mua cho mấy đứa con gái ở nhà ít bánh đa, mua cái chân chó cho vợ
gặm nhiều sữa. Nhưng đi được một quãng, bụng dạ ông bức bối, chân tự
nhiên thõng thệu, cố dảo thật nhanh qua chợ, chẳng thiết tha gì nữa. Về
tới nhà, ông bồn chồn nhìn vợ, rồi nhìn thằng con trai. Cái mắt, cái mũi,
cái mồm, cả cái điệu bộ của nó.
“Con tao hay con thằng nào” – Ông giật cái chăn của bà ném
xuống đất, mắt trợn trừng, mặt phừng phừng chỉ trỏ.
Bà vợ cười khành khạch – “Con trai” !
Cô hỏi lại thế thật sự chú Út là con ai? Bà cụ lật khật chống gậy
đứng lên mặt rầu rĩ nhìn ra ngôi miếu thấp thoáng đốm hương đang cháy
- “Con cầu, con xin. Người cho rồi người bắt trả”.
Chú Út không có tên, bà chỉ gọi chú Út, thi thoảng buồn rầu gọi
trật thành chú Ước.
*

22

“Con cò đậu cọc cầu ao
Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua”
Những lời hát ru sao buồn thế.
Người đàn ông ấy không trở lại nữa. Đứa con bé bỏng có đôi bàn
tay chúm chím nhỏ xinh như những cánh hoa gạo. Anh ta có chờ đợi nó
như Hoa? Có bao giờ anh trở lại tìm Hoa?
Hoa gạo rụng nhiều lắm. Xác hoa phủ kín cửa miếu. Bà cụ nhặt
một bông gạo ngắm nghía hồi lâu rồi thở dài.
Hoa xin ra miếu thắp hương. Bà cụ như đọc được suy nghĩ của
Hoa, vừa nhặt hoa gạo vừa lẩm bẩm những câu chẳng ra đầu ra đuôi. Cái
giống nó phũ thế. Mới ba tháng, trai hay gái. Âu cũng một kiếp người.
23
Máu thịt mình mình xót. Nó nhớ thế nào hết đã gieo giắc giống nòi ở đâu
mà mong ngày trở lại.
Bà cụ đặt xác hoa lên đĩa, tiếng thở dài nặng và mệt. Lửa cháy trên
đầu ba que hương dạt cả về một phía.
***
Nước sông mát. Lâu rồi Hoa không đắm mình dưới những con
nước thơm mùi phù sa. Nước vỗ rôm rốp vào thân thể đứa con gái vừa bỡ
ngỡ nếm vị tình yêu. Chỉ có phù sa là ngọt. Hoa sải những bước bơi dài.
Con nước lẫn cả mùi mồ hôi của đám đàn ông rơi ra từ những con tàu.
Những ánh mắt lả lơi lừa lọc váng vất quanh đây. Hoa quẫy chân, đạp đi
mồ hôi, đạp đi ánh mắt, đạp đi cả lời nói ngọt ngào lẫn khói thuốc bay
lên. Nước sông cuộn tròn. Hoa sẽ bơi mãi, bơi mãi, cho tới khi không còn
đủ sức để bơi nữa. Lúc đó Hoa cũng sẽ cuộn tròn mình lại. Nước ôm ấp
và vuốt ve. Những tế bào đang hõm sâu thương tổn lại mềm mại và sáng
trong. Hoa sẽ ở sâu trong lòng con nước. Tai không còn tiếng chửi rủa
độc địa. Chỉ có những tiếng u u nhẹ bẫng. Cho tới khi gót chân chạm đáy

sông ram ráp. Hoa mở mắt ra mà chỉ thấy những xác gạo nhảy múa,
những vỉ than tanh nồng hòa lẫn trong tia nước đỏ lên như máu. Có bàn
tay trắng trẻo xinh xinh như cánh hoa gạo đang vuốt ve đôi má Hoa. Đôi
môi nhỏ nhắn mịn màng nũng nịu cắn nhẹ lên núm vú căng nhức đang
tuôn ra những tia sữa ngọt ngào. Con trai, đúng rồi, giữa háng nó là một
nhúm nhỏ xinh dập dềnh theo dòng nước. Hoa đưa tay ôm lấy đứa trẻ.
Hoa sung sướng và lo sợ đến trào nước mắt. Đứa con nhỏ bé, Hoa sợ
mình vụng về sẽ làm tuột mất con, sợ làm con đau.
Bọt nước sủi tăm.
Tay Hoa ôm vòng chính bầu ngực đang rớm máu của mình.
Những giọt máu bay lên, hóa thành những bông gạo đỏ rực.
Trong tích tắc, một cách tay chộp lấy bụng cô. Kéo cô vào lòng,
nhẹ nhàng, nhẹ nhàng…
*
Bờ sông đìu hiu, những ngọn lau rũ ra tang tóc. Lất phất. Hoa nhìn
những cánh hoa lau bay vô định trong gió. Chú Út không dám nhìn Hoa,
tóc ướt phủ kín gương mặt, ngón tay sun lại vì nước mà vẫn cố tách đôi
thân cỏ lác mọc bên bờ sông. Cái trò con trai con gái. Sao chú Út lại nâng
niu cái loài cỏ sinh ra đau khổ đó. Hoa giằng tay chú Út ra khỏi những
24
bông cỏ lác. Con chuồn kim màu xanh biếc thấy động cong đuôi bay vụt
lên, chú Út quay lại nhìn Hoa sợ sệt.
Hoa nằm trên cỏ, những giọt nước mắt tròn vo lăn qua gò má rơi
lên những thân cỏ chú Út đã tước để vương vãi. Một mình chú thì làm sao
chơi được cái trò chơi tàn nhẫn và bất hạnh ấy. Chú Út buông thõng tay,
người run rẩy nhưng đôi mắt lại trong veo ấm áp. Chú nhìn những giọt
nước mắt đang bò trườn trên má Hoa, rụt rè đưa tay quệt nó xuống. Hoa
òa khóc áp bàn tay ấy lên má, lên môi. Đưa đôi tay đi hết gương mặt bợt
bạt. Hoa thấy má mình ấm lại, môi mềm ra. Đôi tay thô vụng di chuyển
xuống hõm cổ vêu vao, bờ vai gầy rộc nhỏ bé, bầu ngực day dứt mùi sữa

non.
Từng chút, từng chút, những ngón tay vụng dại lau đi những đau
đớn xác thịt, xóa mờ ám ảnh trong tim. Hoa nhìn thấy chính mình, và đứa
con bé bỏng hồi sinh.
***
Tiếng bước chân dồn dập, rất nhiều người đang tiến về phía Hoa.
Hoa bừng tỉnh, nheo nheo mắt. Những bó đuốc sáng rực một góc sông.
Đám dây lang dưới ánh sáng của trăng hiện lên rõ màu xanh ngăn ngắt.
Nhất định anh sẽ trở về. Hoa chờ anh qua nhiều lần hi vọng. Ba, hoặc
năm, bảy ngày gì đó. Hoa ngồi đó và chờ. Chiều nào cũng vậy.
Hoa ngủ quên, bờ sông thì đầy gió. Hoa mơ thấy một điều gì đó thì
phải. Người Hoa ướt nước, tóc tai dính bết lại.
Chú Út!
Cả người Hoa lạnh toát, mồ hôi vã ra đầm đìa. Vén vội vạt áo lau
mồ hôi, những thân cỏ lác từ trong lòng bàn tay Hoa rơi lả tả.
*
Ai đó soi đuốc vào tận mặt Hoa - “Có thấy bà cụ miếu hoa gạo đâu
không”. Hoa lắc đầu. Đám đông tiến tới phía Hoa mỗi lúc một nhiều hơn,
dẫm lên những thân cỏ lác còn vương vãi. Người này rì rầm nói với người
kia. Hoa nghe thấy họ nói với nhau, bằng cái giọng rầu rầu ma mị. Họ nói
rằng buổi chiều chú Út còn đang ngồi nhặt những bông gạo cuối cùng
rụng trước cửa miếu. Bỗng dưng đôi mắt hốt hoảng hướng ra phía bờ
sông. Họ đoán chú Út nhớ cái nhà cũ ở phía bên kia sông. Chiều nào cũng
vậy.
25
Chú chạy như ma đuổi về phía bờ sông.
Bà cụ chống gậy ra miếu, miệng lẩm nhẩm khấn vái. Rồi tấp tểnh
đi theo bóng thằng con trai đổ ập qua những viên than tổ ong xếp ngay
hàng thẳng lối.
*

Họ không tìm được bà cụ.
Họ không tìm được chú Út.

N.T.V.A


___________________________
(*): Trẻ con ở quê thường bứt thân cỏ lác về chơi, gọi đó là trò chơi sinh con trai con
gái. Hai đứa trẻ ngồi đối diện nhau, cùng lúc dùng tay tước đôi thân cỏ. Tùy thuộc
vào hình dạng chúng tước được mà quy ra mai sau sẽ sinh ra con trai hay con gái.






















×