Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

Bakhtin, Voloshinov và Medvedev vấn đề tác quyền và những lý do lịch sử của một huyền thoại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (237.72 KB, 15 trang )

Bakhtin, Voloshinov và Medvedev: vấn đề tác quyền và những lý do lịch sử
của một huyền thoại
Ngô Tự Lập

TÓM TẮT : Bài viết khảo sát hai xu hướng nổi bật trong sự tiếp nhận cuốn sách
của Bronckart J-P. và Bota C. về vấn đề tác quyền của các công trình quan trọng
bậc nhất trong khoa học xã hội và nhân văn xuất bản vào thập niên 1920 ở Liên
Xô dưới tên Voloshinov và Medvedev và về sau được gán cho Bakhtin. Bài viết
cũng giới thiệu cách tiếp cận của nhà triết học Pháp Lucien Sève khi nhìn lại và
đưa ra cách giải thích mang tính lịch sử cho vụ Bakhtin thông qua mối liên hệ
với trường hợp trước tác của Vưgotsky.
Từ khóa: Bakhtin, Voloshinov, Nhóm Bakhtin, Chủ nghĩa Marx, Vưgotsky
ABSTRACT: This paper analyzes two major tendencies in the reception of the
book by Bronckart J-P. and Bota C. on the problems of the so called “disputed
texts” – some first-ranked classics in social sciences and humanities, published in
the Soviet Union in the 1920s under the names of Voloshinov and Medvedev and
later attributed to Bakhtin. The paper also introduces the approach of the French
philosopher Lucien Sève, who reviews and offers a historical explaination for
the «Bakhtin affairs» in refering to the case of Vygotsky’s works.
Keywords: Bakhtin, Voloshinov, Bakhtin Circle, Marxism, Vưgotsky
1. Bối cảnh
Hồi thập niên 1920, ở Liên Xô có một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ, đầu tiên ở
Nevel, sau đó chuyển đến Vitebsk, và cuối cùng đến Leningrad. Trong số các
thành viên của nhóm có Bakhtin (một nhân viên kế toán sùng đạo, chống chủ
nghĩa Marx[1]) và hai giảng viên đại học tên là Medvedev và Voloshinov.
Medvedev và Voloshinov cùng tham gia một chương trình nghiên cứu về ngôn
ngữ và văn học Viện Lịch sử So sánh Văn học và Ngôn ngữ Đông Tây (ИЛЯЗВ).
Medvedev khi đó được coi là một thủ lĩnh văn hóa, hiệu trưởng đại học, tổng
biên tập tờ Iskusstvo (Nghệ thuật), tác giả của nhiều bài báo và công trình, trong
đó có cuốn Phương Pháp hình thức trong nghiên cứu văn học(1928). Voloshinov
không chỉ nghiên cứu ngôn ngữ và tâm lý học, mà còn sáng tác và giảng dạy âm


nhạc. Ông là tác giả của nhiều công trình, trong đó có Học thuyết Freud : một
phác thảo phê phán (1927) và Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ (1929).
Bakhtin công bố vẻn vẹn một bài báo nhỏ nhan đề « Nghệ thuật và trác nhiệm »,
in trên «День искусства» (Ngày nghệ thuật), một tờ báo địa phương của Nevel
(1919).
Năm 1929, khi Bakhtin đã bị bắt, chờ đi đày ở Siberi vì tội chống chính quyền,
nhờ sự tổ chức của Medvedev, một cuốn sách mang tên Bakhtin được xuất bản
với nhan đề Những vấn đề sáng tác của Dostoievski, trong đó Bakhtin đột ngột
chuyển sang xu hướng Marxist với những ý tưởng rất giống các ý tưởng của
Medvedev trong Phương Pháp hình thức trong nghiên cứu văn học và của
Voloshinov trong Học thuyết Freud : một phác thảo phê phán và Chủ nghĩa Marx
và triết học ngôn ngữ. Nhờ cuốn sách và sự vận động của bạn bè, đặc biệt là của
Voloshinov và Medvedev, Bakhtin được giảm án. Năm 1936, Bakhtin được phép
rời nơi lưu đày, còn Voloshinov mất vì bệnh lao phổi. Bakhtin về Leningrad gặp
Medvedev và được Medvedev xin cho một chân dạy học ở Saransk. Năm 1938,
Medvedev bị Stalin xử tử. Năm 1946, Bakhtin bảo vệ luận án phó tiến sĩ về
Rabelais. Sau đó, cả Medvedev, Voloshinov và Bakhtin đều bị lãng quên cho đến
năm 1963, khi cuốn sách của Bakhtin về Dostoievskiđược tái bản có sửa chữa.
Năm 1965 – luận án tiến sĩ của Bakhtin về Rabelais cũng được xuất bản. Hai cuốn
sách này nhanh chóng làm cho Bakhtin nổi tiếng khắp thế giới.
Trong nửa cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, với sự hỗ trợ của các học trò,
Bakhtin tuyên bố rằng ông là tác giả đích thực của hai cuốn sách Học
thuyết Freud: một phác thảo phê phán, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữcủa
Voloshinov cùng với cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn
học” của Medvedev và hầu hết các bài báo quan trọng của hai tác giả này. Mặc
dù chỉ dựa trên những lời nói miệng của Bakhtin mà không hề có bất cứ bằng
chứng thực sự nào, giới học giả (trừ một số người như Matejka, Titunik, Morson
và Emerson) đã nhanh chóng tin tưởng và lan truyền huyền thoại này. Việc lắp
ghép các công trình kiệt xuất của Voloshinov và Medvedev vào sự nghiệp của
Bakhtine biến Bakhtin thành nhà tư tưởng vĩ đại bậc nhất thế kỷ XX không chỉ

trong nghiên cứu văn học mà còn cả về triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học, ký
hiệu học… Còn Voloshinov và Medvedev, trái lại, bị biến thành học trò của
Bakhtin, những tác giả xoàng xĩnh, xu thời, thậm chí vô liêm sỉ. Voloshinov còn
bị cho là đến khi chết vẫn chưa bảo vệ được luận án tiến sĩ.
Tuy nhiên, mối nghi ngờ ngày càng tăng lên trong thập niên 1980, khi hàng loạt
công trình “tái phát hiện” của Bakhtin được công bố. Người ta thấy sự khác biệt
rất lớn về phong cách giữa những tác phẩm ký tên Bakhtin, Medvedev và
Voloshinov. Các tác phẩm ký tên Bakhtin thường rối rắm, tối nghĩa, lỏng lẻo,
thậm chí là tự mâu thuẫn. Trong khi đó cuốn Phương pháp hình thức trong
nghiên cứu văn học của Medvedev và các tác phẩm ký tên Voloshinov lại rất chặt
chẽ, mạch lạc và nhất quán về tư tưởng. Voloshinov và Medvedev là những nhà
Marxist đầy sáng tạo (vì thế, họ trở thành nạn nhân của Stalin), còn Bakhtin, như
trên đã nói, là người sùng đạo và chống Marx cho đến tận cuối đời. Không
những thế, trong các tác phẩm ký tên Bakhtin trước 1929 không hề có bóng dáng
những “luận điểm Bakhtin” như nguyên lý đối thoại, diễn ngôn, thể loại lời nói,
liên văn bản…, trong khi các luận điểm này lại được trình bày rất sớm, rất hệ
thống và khúc chiết, trong các tác phẩm của Voloshinov và Medvedev. Chẳng lẽ
tác phẩm cùng thời của một người lại có thể chống nhau về quan điểm như vậy?
Câu trả lời dần dần hình thành sau khi Liên Xô sụp đổ. Hàng loạt nghiên cứu các
tài liệu lưu trữ (hồ sơ, văn bản, phong cách…) cũng như các thư từ, phỏng vấn
của Bakhtin buộc người ta phải từ bỏ cách hình dung tiêu cực về Voloshinov và
Medvedev và khẳng định tác quyền của họ đối với những tác phẩm ký tên họ[2].
Nhưng câu trả lời toàn diện nhất, cũng gây sốc nhất, được đưa ra năm 2011.
Trong cuốn sách công phu dày 630 trang, Bakhtine démasqué – Histoire d’un
menteur, d’une escroquerie et d’un délire collectif (Lột mặt nạ Bakhtin, câu
chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể),
Jean – Paul Bronckart và Cristian Bota khẳng định rằng Bakhtin là kẻ lừa dối,
rằng huyền thoại về “Nhóm Bakhtin” và về tư cách tác giả của Bakhtin đối với
“các tác phẩm tranh cãi” chỉ là “trò bịp bợm” dựa trên thái độ vô trách nhiệm và
sự u mê của giới học giả, cái mà họ gọi là một “cơn mê sảng tập thể”. Trên Tạp

chí Khoa học (ĐHQGHN) chúng tôi đã có một bài dài điểm cuốn sách quan
trọng này[3], ở đây chỉ xin nhắc lại, rằng theo Paul Bronckart và Cristian Bota,
Bakhtin không chỉ khai man lý lịch, đạo văn, ngụy tạo thời điểm viết các tác
phẩm được coi là “tái phát hiện”, mà còn nói xấu về tài năng và nhân cách của
Voloshinov và Medvedev – hai người bạn, cũng là hai ân nhân của ông. Tất cả
đều nhằm chiếm đoạt tác phẩm của họ.
2. Phản ứng từ những người sùng bái Bakhtin: Những lập luận buồn cười của
ông Zenkin, người mê sảng
Những người hâm mộ Bakhtin phản ứng như thế nào đối với cuốn sách của Jean
– Paul Bronckart và Cristian Bota? Theo chúng tôi là khá yếu ớt. Bài đáng kể nhất
có lẽ là “Những kẻ vạch mặt thiếu chuyên môn” (Некомпетентные
разоблачители) của Zenkin[4]. Bài viết của Zenkin sau đó được Trần Nho Thìn
tóm tắt trong bài “Về một quả bom” sai lệch[5], trước khi được Trần Đình Sử và
Lã Nguyên dịch trọn vẹn dưới nhan đề Những kẻ lột mặt nạ thiếu hiểu biết[6].
Trong bài này, các đoạn trích Zenkin được sử dụng từ bản dịch đó, nếu không có
chú thích khác.
Zenkin có vạch ra được một vài thiếu sót của Bronckart và Bota, như giọng điệu
gay gắt, sự nhầm lẫn vài cái tên riêng, và nhất là việc họ chủ yếu dùng các tư liệu
dịch chứ không phải nguyên bản tiếng Nga, do vậy một số lỗi dịch hoặc những
chỗ dịch không sát nghĩa có thể dẫn đến những suy diễn sai lầm. Điều đó là
chính xác, nhưng theo tôi, chỉ là những chi tiết nhỏ. Thêm nữa, vì chủ đề chính
của cuốn sách là vấn đề tác quyền của các tác phẩm «tranh cãi», chứ không phải
là nội dung tác phẩm của Bakhtin, việc sử dụng tài liệu của nhiều tác giả bằng
nhiều thứ tiếng là đương nhiên. Các lập luận khác trong bài viết hoàn toàn
không thuyết phục. Có những lập luận buồn cười, cho thấy tác giả vẫn chưa ra
khỏi cơn mê sảng. Dù gay gắt, bài viết của Zenkin thực chất là củng cố những
luận điểm chính của Bronckart và Bota.
Lập luận buồn cười đầu tiên là sự so sánh Bakhtin với Homer và Shakespeare.
Câu chuyện về Homer hoàn toàn khác. Cho đến nay, người ta vẫn không thể
biết, liệu có một người tên là Homer hay không, và nếu có thì ông ta sống vào

thời đại nào. Còn câu chuyện về Shakespeare thì gần gũi hơn, nhưng lại được so
sánh một cách ngược đời. Có một ông Shakespeare bằng xương bằng thịt quê ở
vùng Stratford, đã sống, đã làm thơ, viết kịch, đã trực tiếp biểu diễn và in ấn
những vở kịch nổi tiếng ký tên mình. Thế rồi, hơn hai thế kỷ sau, có người đặt
vấn đề, ai là tác giả thật của những vở kịch ấy. Tuy nhiên, vì không có bằng
chứng thuyết phục, không ai có thể tước tác quyền của Shakespeare. Tương tự,
Voloshinov và Medvedev là hai người thật, đã sống, đã sáng tác, biểu diễn, giảng
dạy, và công bố nhiều tác phẩm. Thế rồi, mấy chục năm sau khi họ mất, một
người bạn là Bakhtin bắt đầu tự nhận là tác giả thật của các tác phẩm mà họ ký
tên. Tự nhận mà tuyệt nhiên không có bằng chứng gì.
Như vậy, những người ở địa vị của Shakespeare phải là Voloshinov và
Medvedev. Thế nhưng Zenkin và những người như ông lại đánh tráo Bakhtin
vào đó. Sự đánh tráo quả là thành công: Người ta không dừng lại ở việc tin rằng
Bakhtin là tác giả thật của những tác phẩm ký tên Voloshinov và Medvedev,
không dừng lại ở việc mô tả Voloshinov và Medvedev như là hai kẻ bất tài, vô
liêm sỉ, mà còn đi xa hơn, cho rằng Voloshinov và Medvedev chưa từng tồn
tại[7].
Thật là khó tin rằng giới học thuật khắp thế giới lại nhẹ dạ như vậy. Nhưng đó
lại là sự thật. Bakhtin nhanh chóng trở thành người hùng, một bậc “đại trí, đại
dũng” (từ của dịch giả Phạm Vĩnh Cư[8]), dám từ chối hợp tác, và thậm chí đối
mặt, với chính quyền Xô Viết. Tuy nhiên, những nghiên cứu hồ sơ và văn bản
sau này cho thấy một sự thật hoàn toàn khác: Bakhtin khá hăng hái hợp tác với
chính quyền. Chẳng hạn, trong bản gốc của công trình “Vấn đề thể loại lời nói”
(1952-1953), mà thực chất là sự triển khai những ý tưởng của Voloshinov trong
cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, Bakhtin đứng trên lập trường của
Stalin trong Về ngôn ngữ học (1951) để phê phán Marr. Ông viết hẳn một Lời nói
đầu với rất nhiều đoạn trích dẫn Stalin. Makhlin (2004) và Lähteenmäki (2005)
chỉ ra rằng trong bản in năm 1979, Lời nói đầu và tất cả những đoạn trích dẫn
Stalin đều được cẩn thận xóa đi. (Bronckart và Bota, tr. 38; 559).
Một khi Bakhtin đã trở thành một vị thánh, không ai còn có quyền nghi ngờ ông

nữa. Nói theo cách của hai Giáo sư Trần Đình Sử và Lã Nguyên, “Một kẻ tầm
thường thì khó có thể có tư tưởng lớn, mà người có tư tưởng lớn thì nhân cách
không thể tầm thường” (Mấy suy nghĩ về việc nghiên cứu Bakhtin, Phê bình văn
học, 20/06/2014). Ta có thể hỏi: người thường xuyên nói dối có phải là kẻ tầm
thường không? Về những tuyên bố không trung thực của Bakhtin, không chỉ về
lý lịch, chúng tôi sẽ có một bài riêng, bởi vì chúng quá nhiều, đến mức N.L.
Vasiliev, sau khi nghiên cứu, ngay từ năm 2003, đã phải nhận xét: “Tình hình nêu
trên buộc chúng ta phải thận trọng hơn nhiều mỗi khi diễn giải các tuyên bố của
Bakhtin về các bạn ông – Medvedev và Voloshinov, cũng như về tác phẩm của
họ”[9].
Tuy nhiên, Zenkin và nhiều fan của Bakhtin đã không còn đủ tỉnh táo để suy
luận một cách bình thường. Khi các khảo sát của Pankov (1993), Konkin (1994),
Lisov & Trusova (1996) được công bố, các nhà nghiên cứu gọi đó là “những sự
thiếu chính xác”. Còn bây giờ, Zenkin cũng công nhận rằng Bakhtin khai man lý
lịch học thuật, rằng trước năm 1929 xu hướng quan điểm của Bakhtin là sùng
đạo và hiện tượng luận, vì thế, để chuyển sang “quan niệm chung”, cần phải có
một bước ngoặt đột ngột. Nhưng Zenkin lập luận rằng, có nhiều trường hợp
không cần bằng cấp vẫn có thể trở thành thủ lĩnh một trường phái (như
Shklovski là thủ lĩnh Chủ nghĩa hình thức Nga), và có nhiều trường hợp thay đổi
quan niệm đột ngột và thành công (như trường hợp Walter Benjamin, Jean – Paul
Sartre hay chính các thành viên trong nhóm bạn của Bakhtin như Pumpianski và
Voloshinov). Những trường hợp Zenkin dẫn ra là chính xác, nhưng ở tất cả các
nhân vật này, người ta đều thấy có quá trình. Còn ở Bakhtin, nếu căn cứ vào
những nghiên cứu của Brian Poole và nhiều người khác, quá trình chuyển tiếp ấy
không có. Và vấn đề còn ở chỗ khác: những điều Bronckart và Bota đưa ra chỉ là
hai trong nhiều dữ liệu để đối chiếu. Khi các dữ liệu này phù hợp với nhau (và
trên thực tế chúng phù hợp với nhau), thì chúng phải nói lên điều gì đó.
Zenkin lý luận rằng tác phẩm của Voloshinov và Medvedev cũng có cách tiếp
cận giống nhau, tại sao lại không đặt vấn đề đạo văn hay đánh tráo tác giả ở họ?
[10] Câu trả lời thật ra rất hiển nhiên: như chúng ta đều biết, Voloshinov và

Medvedev làm việc cùng nhau, trong cùng một nhóm nghiên cứu, cùng một
chương trình nghiên cứu về ngôn ngữ và văn chương, thuộc cùng một trường
đại học, và tác phẩm của họ là kết quả của chương trình nghiên cứu chung ấy.
Còn Bakhtin? Ông không phải là thành viên của chương trình ấy, cũng không hề
làm việc trong một cơ sở nghiên cứu và đào tạo đại học nào.
Về giả thuyết “tất cả thuộc về Bakhtin”, Zenkin khẳng định: Ivanov được Viện sĩ
Vinogradov “cho biết” về tác giả thật của Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn
ngữ của Voloshinov từ năm 1956, còn Kozhinov “nghe nói” về tác giả thật
củaPhương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học của Medvedev từ
Vinogradov, Berkovski và Shklovski, và trong hồi ký chưa in của mình, O.
Phreidenberg (đã chết năm 1955), có khẳng định rằng “cuốn sách ngôn ngữ học”
của Voloshinov do người khác viết. Tất cả chỉ là “nghe nói”, thông qua Ivanov và
Kozhinov, hai đồng tác giả của giả thuyết “tất cả thuộc về Bakhtin”; Cả
Vinogradov và Shklovski đều là “đối thủ” của Medvedev và Voloshinov. Còn về
O. Phreidenberg, Zenkin không nói hết: người phụ nữ này bị đuổi việc, cuốn hồi
ký (chưa in) của bà đầy giọng bất mãn đối với nhiều người, trong đó có
Voloshinov. Hơn nữa, “người khác” của Phreidenberg cũng không phải là
Bakhtin. Đó là lý do khiến Alpatov cho rằng nó không đáng tin cậy.
Zenkin viết, rằng về “các văn bản còn tranh cãi”, Bakhtin chưa bao giờ tự mâu
thuẫn, bởi lẽ “… chưa bao giờ ông tuyên bố thẳng thừng, rằng ông không
viếtnhững văn bản tranh cãi, hoặc chỉ viết một mình, không có ai khác tham gia”.
Thật là một lối tư duy không thể kỳ quặc hơn: làm như thể Bakhtin là người duy
nhất trên trái đất này chưa bao giờ tuyên bố thẳng thừng, rằng mình không
viết những văn bản ký tên Voloshinov và Medvedev!
Nhưng khẳng định đó không trung thực. Bakhtin tự mâu thuẫn nhiều lần.
Chúng tôi chỉ xin nhắc vài trong số đó: Năm 1961, Bakhtin viết trong thư gửi
Kozhinov, rằng hai cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học (của
Medvedev) và Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ (của Voloshinov) và cuốn
nghiên cứu về Dostoievski của ông “cùng dựa trên một quan niệm chung về
ngôn ngữ và tác phẩm ngôn từ (“положена общая концепция языка и

словесного художественного творчества”), nhưng quan niệm chung ấy, cũng
như quan hệ chặt chẽ của họ trong khi làm việc, không hề làm giảm tính độc lập
cũng như tính độc đáo của mỗi cuốn trong ba cuốn sách đó (“Наличие
творческого контакта и совместной работы не лишает самостоятельности и
оригинальности каждую из этих книг). Bakhtin cũng khẳng định: “Còn về các
công trình khác của Medvedev và Voloshinov, chúng nằm trên một bình diện
khác và không phản ánh quan niệm chung: tôi hoàn toàn không tham gia vào
quá trình viết nên chúng” (Cristian và Bota, 240-241). Thế nhưng trong cuộc trò
chuyện với Bocharov (1974), Bakhtin lại nói rằng ông là người đã “viết từ đầu
đến cuối” hai cuốn sách trên, cùng cuốn Học thuyết Freud và bài báoNgôn từ
trong đời sống và ngôn từ ngôn trong thơ của Voloshinov. Thậm chí, Bakhtin còn
nói rằng với Kozhinov, rằng các tác phẩm ký tên Voloshinov và Medvedev viết
không được kỹ, vì ông đọc cho người khác chép!
Zenkin phê phán Bronckart và Bota rằng họ “không làm việc bằng những tư liệu
mới. Họ không tìm thấy bất kì một chứng cớ hay văn bản nào đó chưa ai biết,
không khảo sát các tài liệu vẫn chưa có ai nghiên cứu. Tuy chê các nhà Bakhtin
học đi trước, rằng họ, bằng cách này hay cách khác, đã đồng lõa với “cơn điên rồ
tập thể”, nhưng chính hai ông này lại chủ yếu sử dụng các tư liệu thực tế và văn
bản do họ sưu tập”. Cá nhân tôi cho rằng đó lại chính là cái hay của cuốn sách.
Rất nhiều tác giả khác đã phát hiện nhiều điểm mâu thuẫn hoặc đáng ngờ,
nhưng không đủ minh mẫn và lòng dũng cảm để nghi ngờ. Bronckart và Bota
mới đầu cũng là những người hâm mộ Bakhtin, nhưng cuối cùng họ đã có được
sự minh mẫn và lòng dũng cảm cần thiết ấy. Họ đã phân tích, so sánh, đối chiếu
một cách hệ thống một khối lượng tư liệu khổng lồ từ rất nhiều nguồn, để đi tìm
sự thật. Xin lưu ý rằng, cả ở đây nữa, Zenkin cũng cố tình đánh lạc hướng, khi
viết: “mục đích của chuyên khảo là tước bỏ từ di sản của Bakhtin ngay cả phần
đã được mọi người thừa nhận”. Thật ra, mục đích của cuốn sách là khảo sát vấn
đề tác quyền của những công trình ký tên Voloshinov và Medvedev, còn giả
thuyết về vai trò đồng tác giả của Voloshinov (và có thể cả Medvedev) đối với
cuốn sách về Dostoievski của Bakhtin chỉ là một ý nhỏ, chiếm vẻn vẹn có vài

trang trong tổng số 630 trang của cuốn sách. Chính các tác giả cũng chỉ coi đó là
giả thuyết chứ không khẳng định. Họ nhận thấy có nhiều điểm phù hợp với giả
thuyết, nhưng vẫn viết thêm một cách thận trọng: “Nhưng hiện thời, về vấn đề
này, chúng tôi không có nhân chứng, cũng không có bất kỳ một chứng cớ vật
chất nào” (Bronckart và Bota, 591).
3. Một tiếng nói khác: Điều ẩn giấu đằng sau vụ Bakhtin
Trong một bài tranh luận trước đây, khi bàn về sự thần thánh hóa Bakhtin, chúng
tôi có chia sẻ một ý nghĩ cá nhân: có lẽ bầu không khí của thời Chiến tranh Lạnh
đã đóng một vai trò quan trọng. Khi đó, tất cả những gì “ngoài luồng”, hay như
cách nói ngày nay, những gì thuộc “lề trái”, ở Liên Xô rất dễ được tung hô, nhất
là ở phương Tây. Gần đây, khi nghiên cứu, tôi phát hiện thấy nhà triết học Pháp
Lucien Sève[11] cũng có cách tiếp cận tương tự: trong bài viết “Từ vụ Bakhtin đến
trường hợp Vưgotski. Marx, nhà tư tưởng về cá tính con người” (De l’affaire Bakhtine
au cas Vygotski. Marx penseur de l’individualité humaine” ông so sánh vụ
Bakhtin với trường hợp Vưgotsky để lý giải nguyên nhân của “cơn mê sảng tập
thể” liên quan đến Bakhtin. Cũng đề cập đến bài viết của Zenkin, Lucien Sève
viết:
“Trên Tạp chí thế giới Nga Serge Zenkin có một bài viết uyên bác dài, điểm cuốn
sách một cách khắt khe để cố khẳng định rằng “muốn chứng minh quá nhiều, J
P Bronckart và C. Bota đã chẳng chứng minh được gì.” Ở đây, chúng ta sẽ
nhường cho các tác giả và người phê bình việc tranh luận và phản bác thêm
trước các chuyên gia. Chúng ta sẽ chỉ bàn về cái gốc của vấn đề: có hay không,
Bakhtin có phải là tác giả của những tác phẩm lớn ký tên Medvedev và
Voloshinov, như huyền thoại về Bakhtin vẫn không ngừng khẳng định, hay
không? Serge Zenkin buộc phải thừa nhận, mặc dù bằng những ngôn từ mà
chúng ta phải ngưỡng mộ về nghệ thuật dùng uyển ngữ: “Có một thời, đó thực
sự là ý kiến áp đảo, nhưng bây giờ con lắc đã xoay chiều: ngày càng ít người
ủng hộ quan điểm coi Bakhtin là tác giả các “văn bản tranh cãi”; bản thân những
văn bản ấy cũng được tái bản và nghiên cứu với tư cách là tác phẩm của những
người ký tên khi chúng xuất hiện và không thấy có trongTổng tập trước tác của

Bakhtin”[12]. Hóa ra, điều chúng ta đang chứng kiến không phải là sự phá sản
của một sự ngụy tạo, mà chỉ là một “sự trở lại của con lắc” đơn thuần cơ học…
Trong mọi trường hợp, kết quả đã rõ, ngay cả với những môn đệ hiếu chiến của
Bakhtin: Bakhtin, người đã đích thân tham gia vào trò bịp bợm văn học kếch xù
này, không phải là tác giả của Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học –
cuốn sách đó chắc chắn là của Pavel Medvedev -, cũng không phải là tác giả
của Học thuyết Freud và Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ – những cuốn
sách này là của Valentin Voloshinov, không thể phủ nhận -, và thậm chí ngay cả
cuốn Dostoievski, có lẽ, cũng có phần đóng góp đáng kể của các học giả Marxist
trẻ tuổi về mặt định hướng lý luận[13], điều mà về sau Bakhtin, người rất xa lạ
với chủ nghĩa Marx, sẽ phủ nhận. Có thật là Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota
đã “không chứng minh được gì”? Thật vậy ư? Ít nhất, họ cũng đã khẳng định
được điều này: chúng ta đã chứng kiến một sự đánh tráo phi thường”.
“Làm sao giải thích sự chuyển hóa một vụ biển lận di sản bẩn thỉu thành một
hiện tượng tư tưởng – văn hóa quốc tế to lớn như vậy?” – Sève đặt câu hỏi. Và
đưa ra câu trả lời. Đâu thế kỷ XX, ở Liên Xô, có hai thứ chủ nghĩa Marx, một bên
là thứ chủ nghĩa Marx bị Stalin hóa, trở nên máy móc, nghèo nàn, và bên kí là
một chủ nghĩa Marx trẻ trung, thám hiểm, sáng tạo, đôi khi thậm chí vượt lên
trước hàng thập niên so với những trào lưu tư tưởng trước đó. Các tác phẩm của
Medvedev và Voloshinov trong ngôn ngữ và văn học, cũng như của Vưgotsky
trong tâm lý học Eisteinstein trong điện ảnh… rất đặc trưng cho xu hướng thứ
hai. Sève viết:
“Nhưng chắc chắn, người ta vẫn chưa tổng kết được di sản khổng lồ của lý luận
Marxist ở Liên Xô thập niên 1920, đã được báo trước ngay từ trong cơn bùng nổ
tri thức đầu thế kỷ, thời điểm Cách mạng 1905. Và theo tôi, chúng ta vẫn còn
chưa đánh giá đúng mức sự nở rộ phi thường của những ý tưởng mới mẻ được
khơi dậy bởi cuộc Cách mạng Tháng Mười 1917 mà không lâu nữa chúng ta sẽ
kỷ niệm một trăm năm. Nếu thử đánh giá sơ bộ về những gì đã phôi thai ở Nga
trong phần ba đầu tiên của thế kỷ XX – từ các khoa học nhân văn đến sáng tạo
thi ca, văn học, sân khấu, hội họa, âm nhạc hay điện ảnh, từ các sơ sở của khoa

học vũ trụ và các lý thuyết phi tuyến tính đến khoa học giáo dục – người ta sẽ
không thể không có một ấn tượng mãnh liệt. Xuyên qua những biến động xã hội
chưa từng có và một cuộc nội chiến đẫm máu bậc nhất, động lực tuyệt vời của ý
tưởng “cải biến thế giới” đã nâng tinh thần biết bao người vượt lên chính mình
và thúc đẩy họ đến tận cùng sáng tạo”.
Thứ chủ nghĩa Marx sáng tạo ấy đã bị chủ nghĩa Stalin tiêu diệt. “Khi đánh giá
những gì chủ nghĩa Stalin đã phá hủy, Sève viết, cần phải dùng thước đo này:
một trong những thời kỳ sáng tạo văn hóa rực rõ nhất của lịch sử hiện đại, và ở
trung tâm của toàn bộ tính sáng tạo ấy có cảm hứng từ Marx”. Tuy nhiên, ở
Phương Tây, người ta đã đánh đồng chủ nghĩa Stalin với chủ nghĩa Marx. “Vì
vậy, Sève viết, kể từ năm 1970, dịch và xuất bản những cuốn sách này ở phương
Tây dưới tên Bakhtin không chỉ là một hoạt động trí tuệ tiện lợi mà còn là một
thương vụ béo bở. Thêm nữa, đó cũng là sự chỉ trích ngầm hiệu quả nhất, bằng
cách nói đổng, đối với chủ nghĩa Marx chính thống của cả Paris lẫn Moskva”.
Tóm lại, đó chính là một thứ logic đơn giản nhưng khá phổ biến: Chủ nghĩa
Marx là chủ nghĩa Stalin. Chủ nghĩa Stalin là máy móc, giáo điều. Những tác
phẩm ký tên Voloshinov và Medvedev không những không máy móc, giáo điều,
mà còn cực kỳ sáng tạo, vậy chúng không thể là tác phẩm Marxist, mà phải do
một người khác, chống Marx viết ra. Người đó là Bakhtin, vì Bakhtin chống
Marx… Sève viết tiếp: “Nhưng từ thời điểm các môn đồ của Bakhtin quyết định
đi xa hơn và cuối cùng để lộ ra tư tưởng thật, mang tính tôn giáo, ở vĩ nhân của
họ, đặc biệt với việc xuất bản cuốn Tiến tới một triết lý về hành vi, cái huyền
thoại kia đã bị xói lở không gì ngăn cản được. Một khi đã phát hiện ra rằng bản
chất của Bakhtin từ đầu đến cuối là một nhà tư tưởng tôn giáo, rằng ông ta thậm
chí dị ứng và thù địch với chủ nghĩa Marx, mà bằng chứng, trong số những bằng
chứng khác, là những chỉnh sửa ông ta thực hiện trong lần tái bản năm 1963
cuốn Dostoievski, thì cái giả thuyết rằng ông ta là tác giả đích thực của các công
trình của Medvedev và Voloshinov đương nhiên mất hết tính khả tín”. Và đó
cũng là lý do “Đột nhiên, thái độ các môn đồ của Bakhtin về các cuốn sách, mà
tác quyền nay phải phục hồi cho Medvedev và Voloshinov, xoay ngược hẳn lại:

khi được gán cho Bakhtin, đó là những kiệt tác; từ khi Bakhtin không còn là tác
giả, người ta bỗng phát hiện ra rằng không nên đánh giá chúng quá cao, và thêm
nữa, thực ra, đó là thứ chủ nghĩa Marx kém cỏi hơn nhiều so với những gì người ta
từng nói… Ở đây, chúng ta sẽ không dấn sâu vào một cuộc tranh luận thứ cấp
xung quanh sự đánh giá mới lạ này về cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn
ngữ. Chúng tôi chỉ nói điều này: vào năm 1929, nhà nghiên cứu trẻ Voloshinov
đã quả cảm biết chừng nào khi khởi sự khai phá một miền đất mới của ngôn ngữ
học, nhất là khi ông không hề có một tấm bản đồ; như Voloshinov đã viết trong
dòng đầu tiên của Lời nói đầu, ‘Cho đến nay, vẫn chưa có một tác phẩm Marxist
nào về triết học ngôn ngữ’…. Chỉ cần có một chút ý niệm về tình trạng gần như
bằng không trong nghiên cứu về chủ nghĩa Marx ở phương Tây, chẳng hạn ở
Pháp, vào năm 1929, ta cũng có thể đánh giá được, tác phẩm này là một ví dụ
tiên phong xuất sắc đến mức nào của chủ nghĩa Marx sống động”.
4. Kết luận
Bài viết của Zenkin, như chúng tôi đã viết ở trên, thực chất cũng gián tiếp khẳng
định những kết luận chính của Bronckart và Bota.
Bakhtin có khai man lý lịch không?
– Có. Zenkin viết: “…Bakhtin quả có khai man về lý lịch (về nguồn gốc xã hội, về
học vấn)…”[14] Các học giả Trần Đình Sử và Lã Nguyên cũng công nhận như
vậy[15].
Bakhtin có đạo văn không?
– Có. Điều đó chẳng có gì phải nghi ngờ, và nhiều học giả đã chỉ ra, cho dù
Zenkin gọi đó là những “chỗ vay mượn kín đáo”[16].
Bakhtin có ngụy tạo các tác phẩm “tái phát hiện” hay không?
– Có. Trên thực tế, ông và các học trò không chỉ thay đổi thời điểm sáng tác, mà
còn chỉnh sửa nội dung. Câu chuyện về những đoạn trích Stalin trong lời nói đầu
công trình Vấn đề thể loại lời nói đã nhắc ở trên chỉ là một trong rất nhiều ví dụ.
Cuối cùng, quan trọng nhất, Bakhtin có phải là tác giả của các công trình ký tên
Medvedev và Voloshinov hay không?
– Không. Hiện nay, điều đó là chắc chắn. Đó là lý do khiến chính Zenkin cũng

viết: “Nhưng bây giờ con lắc đã xoay chiều: ngày càng thưa vắng những người
ủng hộ quan điểm xem các “văn bản còn tranh cãi” đều thuộc bản quyền của
Bakhtin; bản thân những văn bản ấy được tái bản và nghiên cứu như những tác
phẩm đứng tên các tác giả khi chúng xuất hiện và không thấy hiện diện
trong Tổng tập trước tác của Bakhtin[17].
Cuốn sách của Bronckart và Bota dĩ nhiên không hoàn hảo. Nhưng mục đích
chính của nó đã đạt được một cách thuyết phục. Mục đích đó hoàn toàn không
phải là phủ nhận đóng góp của Bakhtin về lý luận văn học, nhất là ở những công
trình cuối đời của ông. Lucien Sève viết về vấn đề này: “Nhân đây, xin nhấn
mạnh rằng J P. Bronckart và C. Bota không phủ nhận mọi đóng góp cá nhân của
Bakhtin, mặc dù chúng ta buộc phải công nhận rằng ông ta là một kẻ lừa dối
nhiều lần tái phạm. Những ai đọc cuốn sách về Rabelais của ông (M.
Bakhtine, L’œuvre de François Rabelais et la culture populaire au Moyen Age et sous la
Renaissance, Gallimard, 1970) vẫn lưu giữ ấn tượng về một công trình có sức
nặng. Điều mà người đọc nói chung không biết, đó là mức độ những gì cuốn
sách đó mắc nợ Ernst Cassirer, bởi lẽ Bakhtin không chỉ là một kẻ lừa dối, mà còn
là kẻ đạo văn cố ý (xem sách của J P. Bronckart và C . Bota, mục 3.3 của Chương
VI, “Niềm đam mê đạo văn của Bakhtin”). Về phần mình, chúng tôi đã viết trong
nhiều dịp khác, rằng Medvedev, Voloshinov và Bakhtin là một nhóm bạn tài
năng kỳ lạ. Vấn đề là phải công bằng trong việc xác định vai trò của mỗi thành
viên trong nhóm. Bởi lẽ, có một thực tế là phần lớn những ý tưởng làm nên danh
tiếng của nhóm đều nằm trong ba cuốn sách ký tên Voloshinov – Chủ nghĩa
Freud: Một phác thảo phê phán (1927); Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn
ngữ (1929) và Medvedev – Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn
học (1928) và các bài báo khác của họ. Tất cả các công trình này đều in trước cuốn
sách về Dostoievski (1929) của Bakhtin.
Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm túc và quan trọng, bởi nó không chỉ liên quan
đến khoa học và lịch sử khoa học, mà còn là vấn đề về đạo đức và danh dự.
[1] Trần Đình Sử, trong “Lời giới thiệu” bản dịch “Những vấn đề thi pháp
Đôxtôiepxki” (Nhà xuất bản Giáo dục, H. 1998) viết: “Bản lĩnh khoa học khác

thường của Bakhtin là dựa trên nền tảng triết học vững chắc là chủ nghĩa Mac,
vượt qua những vấn đề sáo mòn, mạnh dạn đề xuất một loạt vấn đề mới một
cách độc lập” (tr. 9). Điều này gián tiếp khẳng định rằng Bakhtin không thể là tác
giả của những công trình ký tên Voloshinov và Medvedev, bởi khi được
Bocharov hỏi, có khi nào ông bị hấp dẫn bởi chủ nghĩa Marx hay không, chính
Bakhtin trả lời: “Không bao giờ. Tôi có quan tâm nhiều thứ, trong đó có học
thuyết Freud, thậm chí cả thuật thông linh. Nhưng chủ nghĩa Marx thì không
bao giờ, dù ở bất kỳ mức độ nào” (“Позже я спрашивал (21. XI. 1974): “М. М.,
может быть, вы увлекались какое-то время марксизмом?” – “Нет никогда.
Интересовался, как и многим другим, — фрейдизмом, даже спиритизмом.
Но марксистом никогда не был ни в какой мере”». Бочаров С. Г. Указ. соч. tr.
76-77). Trích theo N.L. Vasiliev, tr. 75.
[2] Chúng tôi sẽ có bài riêng về những khảo sát này (NTL).
[3] Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 30, Số 1
(2014) 62-71).
[4] Bản gốc của bài điểm sách có bàn đến bài “Những kẻ vạch mặt thiếu chuyên
môn” của Zenkin. Tuy nhiên, trong bản in trên Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, để
tập trung vào việc tổng thuật cuốn sách, chúng tôi đã bỏ phần đó, chỉ giữ lại
đường link ở mục tài liệu tham khảo.
[5] Báo Văn nghệ, số 26, ngày 28-6-2014.
[6] Tôi không rõ bản dịch đã được đăng trên báo giấy chưa, nhưng bản trên Phê
bình văn học có chú thích: “Nguồn: Bản dịch giả gửi”. Xem
< />[7] Đầu năm 2014, khi nghe tác giả bài viết này nói đến cuốn sách của Bronckart
và Bota, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy ngạc nhiên: “Tôi tưởng Voloshinov và
Medvedev chỉ là hai cái tên giả của Bakhtin?” Nhà lý luận Trương Đăng Dung
cũng hỏi tương tự: “Vậy Voloshinov và Medvedev là hai người thật chứ không
phải là bút danh của Bakhtin à?”
[8] Bakhtin, M. “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết”, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn và
dịch, in lần thứ hai, Hội nhà văn, Hà Nội, 2003, tr. 7.
[9] Nguyên văn: “Указанные обстоятельства заставляют нас гораздо

осторожнее комментировать высказывания Бахтина по поводу его друзей –
Медведева и Волошинова, а также их трудов”. (N.L. Vasiliev. Đã dẫn. tr. 83).
[10] Nguyên văn: “Но, поскольку в данном случае речь идет об отношениях
Медведева и Волошинова друг с другом, а не с Бахтиным, авторы
монографии не изобличают их в плагиате или подмене автора” (Nhưng, bởi
vì ở đây đang nói về quan hệ giữa Medvedev và Volosinov với nhau, chứ không
phải với Bakhtin, nên các tác giả cuốn chuyên khảo đã không vạch mặt họ trong
việc đạo văn hoặc đánh tráo tác giả). Zenkin cho rằng Bronckart và Bota có ác ý
với Bakhtin. Trong bản dịch, Trần Đình Sử và Lã Nguyên đã cố tình làm mờ ý
này).
[11] Lucien Sève (sinh 1926) là một nhà triết học Pháp. Tốt nghiệp Thạc sĩ Triết
học (agrégé de philosophie) tại Đại học Sư phạm (ENS) năm 1949, ngoài giảng
dạy và viết sách, ông tích cực tham gia phong trào cộng sản, được bầu vào Ban
chấp hành trung ương Đảng cộng sản Pháp (từ 1961 đến 1994). Năm 1969, công
trình « Marxisme et théorie de la personnalité” (Chủ nghĩa Marx và lý thuyết về
nhân cách) làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi với Louis Althusser. Từ năm
1970 đến 1982, ông lãnh đạo nhà xuất bản Éditions socialescủa Đảng cộng sản
Pháp.
[12] “Некоторое время это мнение было практически господствующим, но
сегодня маятник качнулся назад: сторонников бахтинского авторства
«спорных текстов» становится меньше, сами эти тексты переиздаются и
изучаются как произведения тех, за чьей подписью они появились, и не
фигурируют в Собрании сочинений Бахтина”
[13] Chú thích của Luvien Sève: “Không những các cuốn sách ký tên Medvedev
và Voloshinov không phải là “món quà” do Bakhtin hào phóng tặng bạn, mà rất
có thể là chính Medvedev và Voloshinov mới là những người hào phóng tặng
bạn một phần cuốn Dostoievski, mà một mình Bakhtin ký tên”. Xin lưu ý rằng
cuốn sách “Những vấn đề sáng tác của Dostoievski” ký tên Bakhtin là do
Medvedev tổ chức in khi Bakhtin đã bị đi đày.
[14] Nguyên văn: “…ему случалось сообщать ложные сведения о своей

биографии (о социальном происхождении, образовании)…”. Trần Đình Sử
và Lã Nguyên cố tình dịch chệch cho mềm đi, thành “Bakhtin có thể buộcphải
đưa ra những thông tin giả…” (NTL)
[15] Trần Đình Sử và Lã Nguyên viết trong bài Mấy suy nghĩ về việc nghiên cứu
Bakhtin (Phê bình văn học, 20/06/2014): “…dựa theo những điều chúng tôi biết
được, về nhân thân, M. Bakhtin sau chuyến bị đày, đã được mời làm giảng viên
ĐHSP tại Saransk, Mondova; ông lại đã bảo về luận án PTS tại Viện văn học thế
giới tháng 11 năm 1946. Thế tức là ông có lí lịch rõ ràng, không bịa đặt. Lại nữa,
ông phải tốt nghiệp đại học thì mới có tư cách bảo vệ luận án. Bakhtin muốn bảo
về luận án Tiến sĩ, nhưng vì bị dính vào “tiền án tiền sự”(ông bị bắt giam vì dính
đến hoạt động tôn giáo), nên ông chỉ được nhận học vị Phó tiến sĩ. Vì thế rất khó
tin cái nhận định bảo rằng, ông là người chưa tốt nghiệp đại học. Nên nhớ thời
ấy, khi Stalin còn sống, chế độ thẩm định nhân thân hết sức chặt chẽ và khắt khe,
không đùa được”. Ba ngày sau, họ đã thay đổi quan điểm: “…đúng là hiện
không có hồ sơ ông là sinh viên, không có bằng tốt nghiếp đại học, nhưng ông có
nói là đã dự giờ các giáo sư nổi tiếng ở đại học”. (Mấy suy nghĩ về việc nghiên
cứu Bakhtin, bổ sung ngày 23 – 6 – 2014)
[16] Chú thích số 23 trong bài viết của Zenkin có đoạn: “Брайан Пул, изучая
скрытые референции ранних сочинений Бахтина…” (Brian Poole, khi nghiên
cứu các tài liệu mà Bakhtin kín đáo tham khảo trong các tác phẩm của giai đoạn
đầu…). Ở đây nữa, Trần Đình Sử và Lã Nguyên cũng cố tình làm mềm đi bằng
cách dịch thành: “Braian Pul khi nghiên cứu các tài liệu tham khảo bí mật dành
cho những tác phẩm thời kì đầu của Bakhtin…” (NT.L nhấn mạnh)
[17] Chú thích của Zenkin: “Пятый том этого Собрания сочинений,
вышедший хронологически первым, в 1997 г., включал в себя редакционный
проспект, обещавший поместить в одном из последующих томов тексты
«бахтинского круга». Сегодня издание Бахтина в семи книгах завершено
(шесть томов, один из них в двух частях), но данное обещание осталось
невыполненным”. (Thông báo biên tập trong tập 5 của Tổng tập trước tác nói
trên, tập sách phát hành đầu tiên theo trình tự thời gian, vào năm 1977, hứa hẹn

là sẽ đăng ở một tập tiếp theo các văn bản của “nhóm Bakhtin”. Hiện nay, ấn bản
Bakhtin gồm 7 tập đã hoàn tất (sáu tập, có một tập được chia thành hai phần),
nhưng lời hứa hẹn nói trên đã không được thực hiện).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Бахти́н, M.M. (под маской), москва, лабиринт, 2000, tr. 349-486.
2. Bakhtin, M. “Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki”, Trần Đình Sử, Lại Nguyên
Ân, Vương Trí Nhàn dịch, tái bản lần thứ nhất, Giáo dục, Hà Nội, 1998.
3. Bakhtin, M. “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết”, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn và
dịch, in lần thứ hai, Hội nhà văn, Hà Nội, 2003, tr.
4. Bronckart J-P và Bota C., “Bakhtine démasqué – Histoire d’un menteur, d’une
escroquerie et d’un délire collectif”, Droz, Genève, 2011.
5. Derrida, J. “Différance”, in “Literary Theory: An Anthology”. Ed. Julie Rivkin
and Michael Ryan. Malden: Blackwell, 1998. 385-407.
6. Ngô Tự Lập, “Đọc sách ‘Lột mặt nạ Bakhtin – câu chuyện về một kẻ lừa dối,
một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể’”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN:
Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 30, Số 1 (2014) 62-71).
7. Sève, Lucien. “De l’affaire Bakhtine au cas Vygotski. Marx penseur de
l’individualité humaine”, Entretemps, 24/11/2013
8. Titunik, I.R. “The Formal Method and the Sociological Method (M. M. Bakhtin,
P. N. Medvedev, V. N. Voloshinov) in Rusian Theory and Study of Literature”, in
V.V. Voloshinov, “Marxism and the Philosophy of Language”, Trans. Ladislav
Matejka and I. R. Titunik, Harvard U.P., Cambridge, 1986.
9. Trần Nho Thìn, “Về một quả bom sai lệch”, Văn nghệ, số 26, ngày 28-6-2014.
10. ВАСИЛЬЕВ, Н. Л., “История вопроса об авторстве «спорных текстов»,
приписываемых М. М. Бахтину”, trong Орехова Б. В. (ред), “Хронотоп и
окрестности”, Уфа: Вагант, 2011, tr. 68-106.
11. Зенкин, Се. “Некомпетентные разоблачители”,
Bản dịch của Trần Đình Sử – Lã Nguyên: < />ke-lot-mat-na-thieu-hieu-biet/>
Nguồn: Đã in trên Tạp chí “Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật”, số 33, 5-
2015. Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu về triết học ngôn

ngữ Bakhtin do Quỹ Nafosted tài trợ. Bản đăng trên Phê bình văn học do tác giả gửi

×