Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

RỪNG XÀ NU- Nguyễn Trung Thành

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.07 KB, 7 trang )

RỪNG XÀ NU Nguyễn Trung Thành
I. Kiến thức cơ bản:
1. Tác giả Nguyễn Trung Thành:
Là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, gắn bó mật thiết
với mảnh đất Tây Nguyên.
2. Tác phẩm:
a) Nội dung:
- Hình tượng cây xà nu:
+ Cây xà nu là một phần máu thịt trong đời sống vật chất và tinh
thần của người dân làng Xô Man.
+ Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận của nhân dân
Tây Nguyên trong chiến tranh Cách mạng.
- Hình tượng nhân vật Tnú:
+ Là người gan góc, dũng cảm, mưu trí.
+ Là người có tính kỉ luật cao, tuyệt đối trung thành với Cách
mạng.
+ Là người có trái tim yêu thương và sục sôi căm thù giặc.
+ Cuộc đời bi tráng và con đường đến với cách mạng của Tnú
điển hình cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên, góp
phần làm sáng tỏ chân lí của thời đại: phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt
bạo lực phản cách mạng; đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải
phóng.
- Hình tượng rừng xà nu và Tnú có mối quan hệ khăng khít, bổ sung cho
nhau. Rừng xà nu chỉ giữ được màu xanh bất diệt khi có những con người biết
hi sinh như Tnú; sự hi sinh của những con người như anh góp phần làm cho
những cánh rừng mãi mãi xanh tươi.
b) Nghệ thuật:
- Không khí, màu sắc đậm chất Tây Nguyên thể hiện ở bức tranh thiên
nhiên, ở ngôn ngữ, tâm lí, hành động của các nhân vật.
- Xây dựng thành công các nhân vật vừa có những nét cá tính sống động
vừa mang những phẩm chất có tính khái quát, tiêu biểu.


- Khắc họa thành công hình tượng cây xà nu tạo nên màu sắc sử thi và
sự lãng mạn bay bổng cho truyện.
- Lời văn giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu, khi thâm trầm, khi tha thiết,
trang nghiêm…
c) Ý nghĩa văn bản:
Ngợi ca tinh thần bất khuất, sức mạnh quật khởi của đồng bào các dân
tộc Tây Nguyên nói riêng; đất nước, con người Việt Nam nói chung trong cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định chân lí của thời đại: để giữ gìn sự
sống của đất nước và nhân dân, không có cách nào khác là phải cùng nhau
đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù.
II. Luyện tập:
Bài tập 1: Hãy tóm tắt ngắn gọn tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn
Trung Thành.
Gợi ý:
Tác phẩm kể về cuộc đời Tnú và câu chuyện nổi dậy của làng Xô Man.
- Sau 3 năm đi “lực lượng”, Tnú về thăm làng. Trên đường dẫn Tnú về
làng, bé Heng kể lại những đổi thay sau khi Tnú đi vắng. Tnú chợt nhớ đến
những kỉ niệm về Mai, người vợ đã bị giặc giết hại. Về đến làng, anh được mọi
người đón tiếp nồng nhiệt. Trong đêm mừng Tnú trở về, bên bếp lửa nhà rông,
cụ Mết - già làng - đã kể lại chuyện cuộc đời Tnú cho dân làng nghe.
- Từ nhỏ, Tnú đã mồ côi bố mẹ, anh lớn lên trong sự đùm bọc của dân
làng Xô Man. Còn bé, Tnú và Mai đã góp phần tích cực trong việc nuôi giấu
cán bộ Đảng - anh Quyết. Anh Quyết dạy Tnú học chữ. Tnú học hay quên
nhưng đi rừng làm liên lạc thì sáng lạ lùng. Một lần Tnú vượt thác Đắc Năng
thì bị giặc bắt, bị tra tấn, bị giam vào ngục.
- Tnú vượt ngục trở về làng. Anh Quyết đã hi sinh. Thực hiện lời dặn dò
của anh Quyết trước lúc mất, Tnú lãnh đạo thanh niên trong làng mài giáo
chuẩn bị chiến đấu. Nghe tin đó, thằng Dục dẫn một tiểu đội đến vây ráp làng.
Quyết bắt cho bằng được Tnú, bọn giặc đã tra tấn mẹ con Mai đến chết. Tay
không ra cứu vợ con, Tnú bị giặc bắt, bị đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa xà

nu nhưng anh nghiến răng không thèm kêu van. Trước sự tàn bạo của giặc, cụ
Mết đã cùng thanh niên trong làng với rựa, mác… xông ra tiêu diệt bọn giặc.
Sau đó, Tnú đi “lực lượng”.
- Sau đêm về thăm làng, sáng hôm sau, cụ Mết và Dít tiễn Tnú lên
đường trở về đơn vị.
Bài tập 2: Trình bày hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề của tác phẩm
Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành.
Gợi ý:
1. Hoàn cảnh ra đời:
Mùa hè năm 1965, Nguyễn Trung Thành viết truyện ngắn Rừng xà nu
trong hoàn cảnh Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và tăng cường đánh phá miền
Bắc, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới. Ông
muốn viết một bài Hịch tướng sĩ của thời chống Mỹ cứu nước. Hình ảnh những
con người Tây Nguyên bất khuất và những cánh rừng xà nu chợt hiện về mãnh
liệt khi nhà văn đặt bút viết truyện ngắn Rừng xà nu .
2. Ý nghĩa nhan đề:
- Rừng xà nu là hình ảnh gắn bó máu thịt của tác giả với những kỉ niệm
sâu sắc trong cuộc đời chiến đấu và sáng tác của nhà văn tại chiến trường Tây
Nguyên.
- Nhan đề được hình thành trên cơ sở một hình tượng xuyên suốt và
mang ý nghĩa biểu tượng của tác phẩm- hình tượng rừng xà nu: Rừng xà nu
xuất hiện ở đầu tác phẩm, được láy lại ở cuối truyện và nhắc đi nhắc lại nhiều
lần trong suốt chiều dài của truyện với nghệ thuật chiếu ứng cây - người biểu
tượng cho cuộc sống và phẩm chất của dân làng Xô Man: dẫu trong đau thương
vẫn rất đỗi kiên cường, bất khuất, ham tự do.
- Nhan đề đã thể hiện chủ đề và gợi tính sử thi của truyện ngắn.
Bài tập 3: Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng rừng xà nu trong
tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Gợi ý:
1. Giới thiệu khái quát về tác phẩm và hình tượng rừng xà nu

2. Phân tích, cảm nhận hình tượng rừng xà nu:
- Xà nu là một hình tượng nổi bật và xuyên suốt trong tác phẩm, đóng
vai trò như một biểu tượng nghệ thuật:
+ Mở đầu và kết thúc tác phẩm, người đọc đều bắt gặp cây xà
nu: từ đồi xà nu đến rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời (hình ảnh của sức
sống, sức trỗi dậy mãnh liệt từ trong đau thương)
+ Xà nu hiện diện trong suốt câu chuyện về Tnú và làng Xô Man,
có mặt trong đời sống hàng ngày, tham dự vào những sự kiện quan trọng của
dân làng.
+ Hình tượng được xây dựng đầy chất thơ hùng tráng, tác giả
luôn miêu tả xà nu trong sự chiếu ứng với con người, gợi ra biểu tượng về số
phận, phẩm chất của người dân làng XôMan.
- Ý nghĩa biểu tượng của cây xà nu:
+ Xà nu đau thương dưới sự tàn bạo của kẻ thù (làng trong tầm
đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần…; Cả rừng
xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương; Có cây bị chặt đứt
ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão…) cũng như dân làng Xô
Man quằn quại đau thương trước tội ác của quân xâm lược (anh Xút bị treo cổ,
bà Nhan bị chặt đầu, Dít bị tra tấn, mẹ con Mai bị hành hạ đến chết, Tnú bị
đốt mười đầu ngón tay…)
+ Xà nu kiên cường, có sức sống mãnh liệt, không gì tàn phá nổi
(cạnh một cây mới ngả gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn;
Có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những
con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những
vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng…) cũng
như dân làng Xô Man bất khuất, kiên trung trước kẻ thù (các thế hệ làng Xô
Man, lớp này tiếp lớp khác đứng lên: anh Quyết hi sinh đã có Tnú, Mai ngã
xuống đã có Dít thay thế , bé Heng , thế hệ tương lai đang lớn lên, trưởng
thành, tiếp nối vẻ vang sự nghiệp của cha anh…)
+ Cây xà nu ham ánh sáng và khí trời (ít có loại cây ham ánh

sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng…) cũng
như Tnú, như dân làng Xô Man yêu tự do, quí Cách mạng (nuôi giấu cán bộ
Đảng, mài giáo chuẩn bị đánh giặc, đồng khởi bảo vệ buôn làng…)
3. Đánh giá, cảm nhận:
- Sự thành công của tác giả khi xây dựng hình tượng.
- Cảm hứng sử thi, chất thơ hào hùng, tráng lệ được gợi ra từ hình
tượng.
Bài tập 4: Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng
xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Gợi ý:
1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm và hình tượng nhân vật.
2. Phân tích hình tượng Tnú.
a) Tnú có số phận bất hạnh, nhiều đau thương bởi sự tàn bạo của
kẻ thù.
- Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, được dân làng yêu thương, đùm bọc, xây dựng
được tổ ấm gia đình với Mai nhưng tổ ấm ấy bị kẻ thù đập nát (Mai và đứa con
nhỏ mới sinh bị giặc tra tấn đến chết)
- Bản thân Tnú bị bắt giam (khi làm liên lạc), bị tra tấn dã man (lưng
Tnú đầy thương tích sau lần bị bắt - vượt ngục, bị đốt mười đầu ngón tay…)
- Số phận của Tnú mang tính điển hình cho người dân làng XôMan, con
đường đi của anh cũng là con đường tất yếu.
b) Vẻ đẹp phẩm chất của Tnú.
- Gan góc, táo bạo, dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù: biểu hiện nhất
quán từ nhỏ (làm liên lạc, lựa chỗ có nước mạnh mà vượt thác) cho đến lớn
(lãnh đạo thanh niên mài giáo chuẩn bị đánh giặc, nghiến răng không thèm
kêu van trước kẻ thù, mỗi ngón tay chỉ còn hai đốt vẫn xiết cổ bọn thằng
Dục…)
- Yêu Đảng, trung thành với cách mạng, có tính kỉ luật cao (nuôi giấu
cán bộ đảng, nghe theo lời cán bộ…)
- Giàu tình yêu thương với vợ con, dân làng (che chở cho mẹ con Mai,

xúc động khi về thăm làng, chân tình với người làng…) và sục sôi căm thù giặc
(mang trong tim ba mối thù: thù của bản thân, thù của gia đình, thù của buôn
làng)
- Tnú là hình ảnh kết tinh vẻ đẹp phẩm chất mang tính truyền thống của
dân làng Xô Man- Tây Nguyên.
c) Cuộc đời bi tráng và con đường đến với cách mạng của Tnú
điển hình cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên.
3. Đánh giá:
- Hình tượng Tnú mang tính điển hình, tiêu biểu cho đồng bào Tây
nguyên trong kháng chiến, biểu hiện rõ nhất vẻ đẹp mang tính truyền thống của
người dân Tây nguyên: bất khuất, kiên trung, một lòng theo Đảng.
- Hình tượng nhân vật được tác giả khắc họa mang tính sử thi và cảm
hứng lãng mạn rõ nét với những chi tiết giàu sức gợi (đặc biệt là hình ảnh bàn
tay Tnú)
Bài tập 5: Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói của cụ Mết – nhân
vật trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành: “Chúng nó đã
cầm súng, mình phải cầm giáo”?.
Gợi ý:
- Câu nói của cụ Mết là lời dặn dò của một già làng đối với dân làng Xô
Man trong đêm mừng Tnú trở về, là sự chiêm nghiệm, đúc rút từ câu chuyện bi
tráng của cuộc đời Tnú.
- Qua lời nhân vật cụ Mết, bằng cách nói giàu hình ảnh, tác giả đã đề
cập đến tư tưởng chủ đạo trong đường lối Cách mạng của Đảng lúc bấy giờ:
phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, vũ trang
chiến đấu là con đường tất yếu để tự giải phóng của nhân dân.
- Chân lý về con đường giải phóng của quần chúng nhân dân trong thời
đại Cách mạng được tác giả khắc họa sinh động qua câu chuyện của Tnú và
cuộc đồng khởi của dân làng Xô Man: Trước sự tàn bạo của kẻ thù, Tnú đã
nhảy ra cứu vợ con, chống lại bọn giặc được trang bị vũ khí hiện đại bằng đôi
bàn tay không tất sẽ chuốc lấy thất bại, anh không những không cứu được vợ

con mà đôi bàn tay ấy còn bị bọn giặc đốt bằng nhựa xà nu đến tật nguyền.
Song chỉ bằng giáo, mác, rựa, cụ Mết đã cùng thanh niên trong làng giết được
tiểu đội thằng Dục, cứu được Tnú, bảo vệ buôn làng.
- Chân lý trên cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong toàn tác phẩm. Chủ
đề ấy đã thể hiện nội dung sử thi, chi phối việc xây dựng hệ thống hình tượng,
ngôn ngữ, giọng điệu của truyện ngắn.
Bài tập 6: Tại sao có thể nói tác phẩm Rừng xà nu - Nguyễn Trung
Thành thể hiện khuynh hướng sử thi rõ nét?
Gợi ý:
Tính sử thi của truyện được thể hiện trên hầu hết các phương diện nội
dung và nghệ thuật tác phẩm, nhưng nổi bật ở nghệ thuật trần thuật, hình tượng
nhân vật và hình tượng thiên nhiên, ở đề tài và chủ đề tác phẩm:
1. Đề tài: đề cập đến vấn đề số phận và con đường giải phóng của dân
làng Xô Man cũng chính là tiêu biểu cho số phận và con đường chiến đấu để
giải phóng của nhân dân miền Nam, của cả dân tộc.
2. Chủ đề, tư tưởng: Ca ngợi truyền thống bất khuất, sự gắn bó sâu nặng
với cách mạng của nhân dân Tây Nguyên đồng thời đề cập đến chân lý về con
đường giải phóng của quần chúng nhân dân trong thời đại cách mạng: phải
dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, vũ trang chiến
đấu là con đường tất yếu để tự giải phóng của nhân dân.
Như vậy, tác phẩm đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa sinh tử đối với dân tộc,
với cách mạng miền Nam lúc đó.
3. Hệ thống nhân vật trong truyện được lựa chọn để đại diện cho các thế
hệ nối tiếp nhau trong cuộc chiến đấu giải phóng nhân dân. Nhân vật chính -
Tnú mang tính tiêu biểu cho số phận và kết tinh vẻ đẹp của đồng bào Tây
Nguyên trong thời đại cách mạng. Các nhân vật được phân tuyến đối lập rạch
ròi theo nhãn quan ý thức hệ, các nhân vật tích cực đều được ít nhiều lý tưởng
hóa.
4. Hình tượng thiên nhiên - rừng xà nu vừa hiện thực lại vừa mang đậm
ý nghĩa biểu tượng, đồng thời tạo nên bối cảnh hùng vĩ, hoành tráng góp phần

làm nên chất sử thi lãng mạn của tác phẩm
5. Nghệ thuật trần thuật của truyện cũng mang đậm tính sử thi: câu
chuyện được kể như một hồi tưởng bên bếp lửa nhà rông, qua lời già làng kể
cho lũ làng nghe với ngôn ngữ trang trọng, đầy xúc cảm tự hào gợi nhớ tới lối
kể khan ở các dân tộc Tây Nguyên.
Bài tập 7: Người anh hùng được cụ Mết kể trong tác phẩm Rừng xà
nu của Nguyễn Trung Thành là ai? Người anh hùng ấy có những phẩm
chất gì đáng quí?
Gợi ý:
- Nhân vật Tnú;
- Nét phẩm chất đáng quí:
+ Gan góc, táo bạo, dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù;
+ Yêu Đảng, trung thành với cách mạng, có tính kỉ luật cao;
+ Tnú là hình ảnh kết tinh vẻ đẹp phẩm chất mang tính truyền thống
của dân làng Xô Man- Tây Nguyên.
Bài tập 8: Hình ảnh Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc của
Tnú có ý nghĩa như thế nào?
Gợi ý:
- Bằng chứng cho sự tàn bạo, man rợ của kẻ thù;
- Khẳng định tinh thần gan góc, lòng trung thành với Đảng, với Cách
mạng của Tnú;
- Khơi dậy ngọn lửa căm thù và lòng quyết tâm đánh giặc bảo vệ quê
hương, bản làng của dân làng XôMan- Tây Nguyên;
- Góp phần làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng Cách mạng của nhân dân
Tây Nguyên trong thời đại chống Mĩ.

×