HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
-----------------------
Tô Thị Nhung
Vấn đề giáo dục đạo đức cho thanh niên
ở Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay
Chuyên ngành : Triết học
Mã số : 60 22 80
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: TS LÊ THỊ THỦY
HÀ NỘI - 2006
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thanh niên là một lực lựợng xã hội đặc biệt, có vai trò rất quan trọng
trong lịch sử, trong các giai đoạn cách mạng cũng như trong hiện tại và tương
lai. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với
thanh niên. Khi đánh giá về thanh niên Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên là
người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một
phần lớn là do các thanh niên. Nhận thức đúng vị trí, vai trò của thanh niên
Đảng ta khẳng định:
Sự nghiệp của đất nước ta thành công hay không, đất nước ta bước vào
thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không chủ yếu là
do lực lượng thanh niên ngày nay quyết định. Tương lai của dân tộc Việt Nam,
sự phát triển của đất nước tuỳ thuộc vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh
niên [62, tr.7].
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã và đang đem
lại những kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những
thành tựu phát triển kinh tế, xã hội đã và đang tạo điều kiện, cơ hội cho thanh
niên được rèn luyện, phấn đấu và khẳng định mình. Song, bên cạnh những
chuyển biến tích cực đó, sự tác động mạnh mẽ từ mặt trái của cơ chế thị trường
cũng là mảnh đất mầu mỡ làm nảy sinh lối sống ích kỷ, vụ lợi, những thói hư tật
xấu, làm rạn nứt những khuôn mẫu, những giá trị đạo đức, huỷ hoại nét đẹp văn
hoá truyền thống. Ảnh hưởng từ mặt trái của kinh tế thị trường đã tạo ra trong xã
hội một lớp người không nhỏ trong đó có thanh niên chạy theo lối sống thực
dụng, buông thả, phai nhạt lý tưởng bất chấp những quy phạm đạo đức, truyền
thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Hàng loạt vấn đề đặt ra đối với thanh niên là,
làm thế nào để thanh niên trong tương lai đủ sức đáp ứng yêu cầu của đất nước
đặt ra? Làm thế nào để họ có thể tự định hướng đúng, hình thành và rèn luyện
phẩm chất đạo đức trong đời sống kinh tế thị trường hiện nay? Làm thể nào để
những ảnh hưởng tiêu cực không làm suy giảm nguồn lực trẻ...? Do vậy, việc
giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục đạo đức cho thế hệ thanh niên, là một
2
vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển con người của Đảng được toàn xã
hội quan tâm. Yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, từng bước thực hiện mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh đã khách quan hoá tầm
quan trọng và tính bức thiết của việc giáo dục đạo đức cho thanh niên.
Thanh Hoá là một trong những địa phương có số lượng dân cư tương đối
lớn, 3,67 triệu người, trong đó thanh niên chiếm hơn 1 triệu người. Đây là lực
lượng nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng và cả
nước nói chung.
Theo suốt chiều dài lịch sử và truyền thống văn hoá của dân tộc, Thanh
Hoá nổi tiếng là vùng "đất học", "địa linh, nhân kiệt", với những tên người, tên
đất lẫy lừng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự
lãnh đạo của Đảng, lớp lớp các thế hệ thanh niên Thanh Hoá đã góp phần to lớn
vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và xây dựng miền
Bắc XHCN, xây dựng quê hương Thanh Hoá anh hùng. Thời kỳ đổi mới, thế hệ
thanh niên Thanh Hoá đã có những cống hiến to lớn với những tấm gương anh
hùng trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất. Điều đó đã có tác dụng lôi
cuốn, giáo dục thanh niên nói chung và thanh niên trong tỉnh nói riêng.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, sự chuyển biến mạnh mẽ của những
điều kiện kinh tế - xã hội đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thanh niên, lớp
người trẻ tuổi nói chung và thanh niên Thanh Hoá nói riêng. Một mặt, nền kinh
tế thị trường, xu thế toàn cầu hoá, nền kinh tế tri thức, việc mở rộng giao lưu hội
nhập với thế giới, đang tạo nhiều cơ hội, điều kiện cho thanh niên ở Thanh Hoá
phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình. Mặt
khác, trong thanh niên đã nảy sinh nhiều hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống,
chỉ coi trọng đồng tiền, bất chấp đạo lý, chỉ đề cao giá trị vật chất mà xem
thường giá trị tinh thần dẫn đến thanh niên rơi vào tội lỗi và các tệ nạn xã hội.
Đó vừa là nguyên nhân vừa là biểu hiện làm suy giảm nguồn lực trẻ của tỉnh, là
nỗi nhức nhối của từng gia đình, địa phương và xã hội.
Giáo dục đạo đức và vai trò của đạo đức đối với sự phát triển thanh niê
Thanh Hoá gắn với những nét đặc thù của địa phương là một vấn đề bức xúc,
3
nảy sinh từ thực tiễn đòi hỏi phải được quan tâm, nghiên cứu một cách hệ thống.
Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài "Vấn đề giáo dục đạo đức cho thanh niên Thanh
Hoá trong giai đoạn hiện nay" để nghiên cứu.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề đạo đức nói chung và đạo đức thanh niên nói riêng trong những
năm gần đây đã có nhiều tác giả nghiên cứu. Chẳng hạn: "Tìm hiểu định hướng
giá của thanh niên Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường" đề tài KX - 07,
Hà nội, 1994 của Thái Duy Tuyên; "Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh
niên hiện nay", Hà Nội, 2001 của Phạm Đình Nghiệp; "Sự thay đổi giá trị đạo
đức trong nền kinh tế thị trường với việc xây dựng đạo đức mới cho cán bộ quản
lý ở nước ta hiện nay" Hà Nội, 1999 của Nguyễn Chí Mỳ; "Giáo dục đạo đức
đối với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam trong giai đoạn
hiện nay" Luận án tiến sĩ Triết học của Trần Sĩ Phán năm 1999; "Vai trò của đạo
đức với sự hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam hiện nay"
Luận án tiến sĩ Triết học của Lê Thị Thuỷ năm 2001; "Quan hệ biện chứng giữa
truyền thống và hiện đại trong giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam hiện
nay" Luận án tiến sĩ Triết học của Lê Thị Hoài Thanh năm 2002; "Quan hệ kinh
tế và đạo đức với việc xây dựng đạo đức mới cho thế hệ trẻ hiện nay ở Việt Nam"
Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Đình Quế, năm 2000; "Vấn đề giáo dục đạo đức
truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay" Luận văn thạc sĩ của Doãn Thị
Chín năm 2004...
Nghiên cứu các khía cạnh tác động của đạo đức và giáo dục, rèn luyện
đạo đức với sự phát triển con người, nhân cách nói chung và thanh niên nói
riêng cũng có nhiều tác giả đã đề cập. Trong các tạp chí có những bài: "Quan hệ
kinh tế và đạo đức trong việc định hướng các giá trị đạo đức hiện nay" của
Nguyễn Thế Kiệt, Tạp chí Triết học số 6, 1996; "Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
và vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức trong nền kinh tế thị trường" của Hoàng
Trung, Tạp chí Triết học số 5, 1998; "Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo với sự
hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện nay" của Lê Thị Thuỷ, Tạp chí
Nghiên cứu lý luận số 6 tháng 12 năm 1999; "Giáo dục đạo đức với việc phát
4
huy nguồn lực con người trong sự nghiệp CNH - HĐH" của Lê Thị Thuỷ, Tạp
chí Giáo dục lý luận số 3, 2000; "Giá trị đạo đức và sự biểu hiện của nó trong
đời sống xã hội" của Mai Xuân Lợi, Tạp chí Triết học số 3- 2001; "Kết hợp chặt
chẽ giáo dục lý luận với xây dựng đạo đức mới của người cán bộ lãnh đạo quản
lý", của Nguyễn Ngọc Long, Tạp chí Lý luận chính trị số 4- 2001; "Lý tưởng
đạo đức và việc giáo dục lý tưởng đạo đức cho thanh niên trong điều kiện hiện
nay" của Đoàn Văn Khiêm, Tạp chí Triết học số 2 - 2001; "Một số biểu hiện của
sự biến đổi giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay và
giải pháp khắc phục" của Nguyễn Đình Tường, Tạp chí Triết học số 6 - 2002;
"Để có nguồn lực đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ mới, phải giáo dục, bồi
dưỡng thế hệ trẻ phát triển toàn diện" của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Tạp chí
Thanh niên số 15, 2002; "Đổi mới hình thức tuyên truyền giáo dục thanh niên"
của Lương Ngọc Vĩnh, Tạp chí Thanh niên số 9, 2004; "Kết hợp giáo dục lý
luận với giáo dục lý tưởng đạo đức cho sinh viên hiện nay" của Nguyễn Ngọc
Thu, Tạp chí Cộng sản số 92, 2005; "Xây dựng lối sống văn hoá cho thanh niên
hiện nay" của Nguyễn Thị Mỹ Trang, Tạp chí Cộng Sản số 6, 2006 và rất nhiều
bài viết về con người, thanh niên, về nhân cách, đạo đức, giáo dục đạo đức đối
với thế hệ trẻ.
Những kết quả nghiên cứu của các tác giả này là nguồn tư liệu quý giá để
chúng tôi tham khảo và kế thừa trong quá trình thực hiện đề tài luận văn của
mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích:
Trên cơ sở phân tích thực trạng đạo đức và việc giáo dục đạo đức cho
thanh niên ở Thanh Hoá, nguyên nhân của nó, từ đó đề xuất một số giải pháp cơ
bản nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đạo đức cho thanh
niên ở Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay.
* Nhiệm vụ:
Để đạt được mục đích trên luận văn cần thực hiện những nhiệm vụ sau:
5
- Làm rõ tầm quan trọng, nội dung giáo dục đạo đức cho thanh niên ở
Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay.
- Tìm hiểu, phân tích thực trạng đạo đức và giáo dục đạo đức cho thanh
niên ở Thanh Hoá hiện nay và nguyên nhân của thực trạng đó.
- Nêu lên những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất một số giải
pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục đạo đức cho thanh
niên ở Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu:
Tình hình đạo đức thanh niên và giáo dục đạo đức cho thanh niên ở Thanh
Hoá trong giai đoạn hiện nay.
* Phạm vi nghiên cứu:
Đạo đức và giáo dục đạo đức là vấn đề phức tạp và tinh tế, đòi hỏi phải
được nghiên cứu từ nhiều góc độ, nhiều nhân tố và nhiều khía cạnh khác nhau.
Trong khuôn khổ luận văn cao học chúng tôi chỉ đề cập đến một số nhân tố, điều
kiện chủ yếu tác động đến giáo dục đạo đức cho thanh niên ở Thanh Hoá trong
giai đoạn hiện nay. Các số liệu, tài liệu khảo sát chủ yếu đề cập từ năm 2000 trở
lại đây.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận:
Luận văn chủ yếu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên,
nguồn nhân lực, vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức cho thanh niên, đồng thời
kế thừa có chọn lọc các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khác có liên
quan.
* Phương pháp nghiên cứu:
Luận văn đã vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kết hợp phương pháp lịch sử và lôgíc, phân
tích và tổng hợp. Ngoài ra luận văn còn sử dụng các phương pháp cụ thể như: so
6
sánh, thống kê và điều tra xã hội học để thực hiện mục đích và nhiệm vụ mà đề
tài đặt ra.
6. Đóng góp khoa học và ý nghĩa của luận văn
Góp phần làm rõ thực trạng đạo đức thanh niên Thanh Hoá từ đó đưa ra
những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lựơng đạo đức thanh niên trong
điều kiện hiện nay.
Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể làm tài liệu tham khảo trong việc
nghiên cứu và giảng dạy môn đạo đức học.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được
bố cục thành 2 chương, 5 tiết.
7
Chương 1. TẦM QUAN TRỌNG VÀ YÊU CẦU, NỘI DUNG GIÁO DỤC
ĐẠO ĐỨC CHO THANH NIÊN Ở THANH HOÁ TRONG GIAI
ĐOẠN HIỆN NAY
1.1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO THANH NIÊN
Ở THANH HOÁ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
1.1.1. Đạo đức là một chuẩn mực, là cơ sở của sự hình thành và phát triển
nhân cách thanh niên
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, một trong những giá trị tinh thần
mà xã hội loài người đã sáng tạo ra. Đó là một hệ thống chuẩn mực, quan niệm,
giá trị và nguyên tắc được hình thành trong đời sống xã hội nhằm điều chỉnh
hành vi của con người, qua đó điều chỉnh mối quan hệ giữa người này với người
khác, giữa cá nhân với xã hội, được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, truyền
thống, tập quán và sức mạnh của dư luận xã hội.
Bản chất của đạo đức là quan hệ lợi ích, biểu hiện ở sự quan tâm, tự
nguyện, tự giác của mỗi người đối với lợi ích của người khác và lợi ích của xã
hội, từ đó hình thành những phẩm chất, những đức tính của cá nhân thông qua
việc thực hiện các hành vi phù hợp với chuẩn mực, nguyên tắc, giá trị và yêu
cầu của xã hội.
Đạo đức hình thành và phát triển trong quá trình con người hoạt động, lao
động sản xuất, từ những quan hệ con người với con người trong quá trình hoạt
động. Sự hình thành những phẩm chất đạo đức của con người gắn với tình cảm
gia đình, với ý thức cộng đồng, giai cấp, dân tộc và nhân loại. Trong tác phẩm
Chống Đuy Rinh, Ph.Ăngghen đã viết: "Xét cho đến cùng, mọi học thuyết về
đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội
lúc bấy giờ" [38, tr.137].
Những phẩm chất đạo đức như lòng nhân ái, trung thành, dũng cảm...
được khẳng định như những giá trị, phẩm chất, nhân cách con người nói chung
và thanh niên nói riêng. Với tư cách là phương thức điều chỉnh hành vi con
người và quan hệ giữa cá nhân với xã hội, đạo đức có chức năng nhận thức,
8
chức năng giáo dục, và chức năng điều chỉnh hành vi. Mỗi chức năng có vai trò,
vị trí nhất định đồng thời có mối liên quan mật thiết, tác động lẫn nhau. Trong
đó, chức năng giáo dục và chức năng điều chỉnh hành vi có vai trò quan trọng.
Nhờ các chức năng này mà con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình, bảo
đảm hài hoà quan hệ lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận
giữa phát triển cá nhân và phát triển xã hội.
Trong cấu trúc nhân cách, đạo đức một bộ phận đặc biệt, là nét đặc trưng,
là thuộc tính căn bản. Theo tác giả Bandzelaze: "Đạo đức là nội dung cốt yếu
của tính cách con người". Sự khác nhau giữa nhân cách này hay nhân cách khác
là khác nhau về đạo đức. Trong điều kiện hiện nay để thực hiện mục tiêu xây
dựng CNXH đòi hỏi phải có con người với tư cách là nguồn nhân lực, động lực
của sự nghiệp CNH - HĐH là con người phát triển toàn diện: Có tri thức khoa
học, được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực sáng tạo trong tiếp thu
và ứng dụng những thành tựu KHCN hiện đại cùng những phẩm chất đạo đức
cần thiết.
Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh là
động cơ, là xúc cảm đạo đức thôi thúc các thế hệ, các cá nhân nỗ lực hoạt động
trên mọi lĩnh vực đề làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Lợi ích cá nhân chính
đáng được thực hiện trong sự thống nhất biện chứng với lợi ích xã hội. Sự quan
tâm đến lợi ích xã hội, tới sự giàu có cho quê hương, đất nước là tiêu chí đánh
giá mọi hoạt động của cá nhân. Chính vì vậy, những giá trị đạo đức như yêu
nước, lòng nhân ái, ý thức cộng đồng, tình yêu lao động, tính trung thực, tận tụy,
ý chí tự lực, tự cường vẫn giữ vai trò chi phối mọi hoạt động của con người, đặc
biệt là đối với thanh niên. Yêu cầu của một nhân cách phát triển toàn diện là
những con người "có lý tưởng cao đẹp, ý thức, trách nhiệm công dân, có tri thức,
có sức khoẻ và lao động giỏi, sống có văn hoá và có tình nghĩa, giàu lòng yêu
nước và tinh thần quốc tế chân chính" [7, tr.83].
Trong sự nghiệp đổi mới, sự phát triển nền kinh tế thị trường cùng với
quá trình giao lưu hội nhập quốc tế là những tác nhân mạnh mẽ hình thành
những giá trị mới, quan niệm và chuẩn mực mới trong sự phát triển của thanh
9
niên. Thay cho mẫu người hiền lành, nhẫn nại nhưng "lệ thuộc", "thụ động"
đang hình thành những nhân cách mới năng động, chủ động, tích cực và sáng
tạo trong lập thân, lập nghiệp. Đó là những thanh niên mạnh dạn, tự tin, dám
nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro và dám chịu trách nhiệm. Họ đang nỗ lực
trong mọi hoạt động lao động, học tập, nghiên cứu khoa học để làm giàu một
cách chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Sự cống hiến tài năng, trí tuệ
và sức lực cho xã hội thông qua hoạt động trên lĩnh vực chuyên môn của mình
để khẳng định sự trưởng thành về những phẩm chất xã hội, đặc biệt là phẩm chất
đạo đức. Đồng thời, đó cũng là biểu hiện của sự phát triển tính cách, nhân cách
của thanh niên. Thực tế cho thấy, sự năng động, linh hoạt và sáng tạo của mỗi cá
nhân nếu không dựa trên nền tảng những giá trị phẩm chất đạo đức sẽ không đưa
đến sự phát triển và hoàn thiện nhân cách. Thiếu sự rèn luyện theo các chuẩn
mực đạo đức sẽ dẫn đến sự lệch lạc, biến dạng về nhân cách như là một sự "tha
hoá" mà biểu hiện đó là chủ nghĩa cá nhân cực đoan, lối sống thực dụng, bất
chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng chà đạp lên tất cả chỉ vì đồng tiền, địa vị và
quyền lực cho riêng mình. Nó là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng tiêu
cực và tệ nạn xã hội như tham nhũng, quan liêu, buôn lậu, trốn thuế, cờ bạc,
trộm cắp, ma tuý, mại dâm... Vì vậy, đạo đức là một thành tố quan trọng, là
nguồn lực nội sinh bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 Khoá VIII Đảng ta nhấn
mạnh:
Chăm lo văn hoá là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần xã hội. Theo nền
tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ
giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát
triển kinh tế xã hội bền vững [9, tr.55].
Nhân cách thanh niên được hình thành và phát triển trong lao động, học
tập và rèn luyện. Thông qua các hình thức hoạt động mà thanh niên nhận thức
được mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Động cơ thúc đẩy cá
nhân hoạt động là lợi ích của chính họ. Nhưng, những lợi ích cá nhân được thực
hiện một cách chân chính mới là động lực phát triển nhân cách của họ. Ngược
10
lại, lợi ích cá nhân thực hiện bằng cách trà đạp làm tổn hại đến lợi ích của người
khác sẽ làm thanh niên tha hoá nhân cách của họ.
Những tác động mạnh mẽ của những điều kiện kinh tế - xã hội trong giai
đoạn hiện nay, đặc biệt là tác động của cơ chế thị trường đã cho thấy: Nếu chưa
thực sự trưởng thành về phẩm chất đạo đức, ý thức pháp luật, trình độ giác ngộ
về nghĩa vụ và trách nhiệm thì mỗi người nói chung và thanh niên nói riêng
chưa thể trở thành một nhân cách phát triển và hoàn thiện.
Kinh tế thị trường càng phát triển, sự nghiệp CNH - HĐH càng được đẩy
mạnh, quá trình hội nhập quốc tế càng được mở rộng và nền kinh tế tri thức hình
thành, con người càng trở nên thông minh, năng động hơn, học vấn cao hơn...
thì việc giáo dục đạo đức, rèn luyện những phẩm chất đạo đức là điều kiện, là cơ
sở cho sự phát triển toàn diện nhân cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn
mạnh vai trò của đạo đức và giáo dục đạo đức trong việc giáo dục và đào tạo
con người. Người coi: "Đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng", "Đạo
đức là sức mạnh, có đạo đức thì mới có sức mạnh, nhờ đó người cách mạng mới
đi được xa". Tuy công việc của mỗi người khác nhau nhưng ai giữ được phẩm
chất đạo đức là người cao thượng.
Đạo đức là một giá trị bền vững, là chuẩn mực cơ bản và là thành phần
nền tảng của sự phát triển và hoàn thiện nhân cách. Vai trò của đạo đức với sự
phát triển nhân cách con người đã khách quan hoá tầm quan trọng của giáo dục
đạo đức đối với sự phát triển nhân cách của thanh niên.
"Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát
triển thể chất và tinh thần của một đối tượng nào đó làm cho đối tượng ấy dần
dần có được những phẩm chất và năng lực theo yêu cầu đặt ra" [62, tr.203].
Theo đó, giáo dục đạo đức là quá trình tác động đến đối tượng của giáo dục
nhằm hình thành ở họ ý thức, tình cảm, niềm tin, lý tưởng, hành vi đạo đức, đó
là những phẩm chất đạo đức cần thiết theo yêu cầu của xã hội, trong từng giai
đoạn phát triển nhất định.
Giáo dục đạo đức là con đường, là cách thức cơ bản và chủ yếu để hình
thành những phẩm chất đạo đức cho thanh niên. Giáo dục đạo đức góp phần
11
chuyển những quan niệm đạo đức, những chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức từ
yêu cầu xã hội thành sự thôi thúc nội tâm của mỗi thanh niên, giúp cho họ nhận
thức một cách đầy đủ, đúng đắn và chủ động nội dung, yêu cầu, quy tắc đạo đức,
qua đó góp phần điều chỉnh hành vi của thanh niên cho phù hợp yêu cầu của xã
hội.
Cùng với việc nâng cao trình độ nhận thức các chuẩn mực, giá trị đạo
đức, giáo dục đạo đức là một phương thức để xây dựng những quan điểm, phẩm
chất đạo đức mới, quan niệm và lẽ sống tích cực cho thanh niên. Đồng thời,
thông qua giáo dục đạo đức giúp cho họ nhận diện phê phán và đấu tranh loại bỏ
những biểu hiện vi phạm đạo đức, những quan niệm đạo đức sai lầm, lạc hậu,
lệch chuẩn hay không còn phù hợp với điều kiện mới.
Giáo dục đạo đức là truyền lại cho thế hệ đang lớn lên những giá trị đạo
đức truyền thống. Trên cơ sở đó họ sẽ nhận thức được những giá trị đích thực
của cuộc sống hiện tại, đó là tính nhân bản, nhân ái và nhân văn sâu sắc. Giáo
dục đạo đức góp phần to lớn nhân đạo hoá môi trường sống của thanh niên, củng
cố những phẩm chất, những giá trị bền vững. Chẳng hạn, thông qua giáo dục
chủ nghĩa yêu nước mà hình thành nên niềm tự hào dân tộc, yêu hoà bình, độc
lập, tự do, sẵn sàng đấu tranh, hy sinh bảo vệ Tổ quốc và tôn trọng chủ quyền
của dân tộc khác.
Thông qua giáo dục đạo đức, hình thành những xúc cảm, tình cảm đạo
đức như tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người, tôn trọng lao
động. Chính tình cảm đạo đức là động lực thúc đẩy thanh niên thực hiện những
hành vi đạo đức, là động lực làm tăng thêm sự phong phú, sâu sắc và tinh tế của
thế giới nội tâm, thúc đẩy con người vươn lên trong cuộc sống. Có được tình
cảm đạo đức là nguồn sức mạnh tinh thần giúp thanh niên phấn đấu cho những
giá trị Chân, Thiện, Mỹ.
Giáo dục đạo đức không chỉ hình thành những phẩm chất đạo đức mà gắn
liền với việc hình thành và phát triển tài năng. Tài và đức, phẩm chất và năng
lực là hai mặt không thể tách rời. Tài năng được khẳng định và phát triển trên cơ
sở đạo đức. Không có những phẩm chất, những giá trị đạo đức làm cơ sở làm
12
nền tảng thì tài năng khó đem lại những giá trị chân chính, thậm chí có khi dẫn
đến những hành vi lệch lạc, phản đạo đức, gây tai hoạ cho người khác. Tài năng
được bộc lộ, được phát triển khi nó thực hiện có mục đích tích cực, chủ động,
sáng tạo, tạo ra những giá trị xã hội, với năng xuất, chất lượng và hiệu quả cao,
đó là biểu hiện về mặt đạo đức. Đồng thời, người có đạo đức không chỉ thể hiện
ở thái độ, động cơ mà khẳng định ở kết quả, hành động, thống nhất giữa động cơ
và hiệu quả. Như vậy, đạo đức được thể hiện ở tài năng và tài năng phải dựa trên
cơ sở đạo đức.
Sự thống nhất giữa tài năng và đạo đức đã khẳng định tầm quan trọng của
giáo dục đạo đức, bao hàm cả sự phát triển về tài năng, thống nhất giữa phẩm
chất và năng lực là yêu cầu và biểu hiện của nhân cách phát triển toàn diện của
thanh niên hiện nay.
Tầm quan trọng của giáo dục đạo đức cho thanh niên Thanh Hoá hiện nay
được quy định bởi vai trò của đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân
cách thanh niên . Đồng thời, việc giáo dục đạo đức cho thanh niên Thanh Hoá
cần được quan tâm, chú trọng còn bởi đặc điểm và vai trò của thanh niên Thanh
Hoá đối với sự phát triển kinh thế - xã hội.
1.1.2. Đặc điểm và vai trò của thanh niên ở Thanh Hoá trong sự nghiệp
phát triển kinh tế - xã hội
1.1.2.1. Đặc điểm của thanh niên Thanh Hoá
Thanh niên là lực lượng quan trọng luôn mang trong mình những tính đa
dạng của thế hệ đang lớn. Vì thế, trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử nhân
loại, vấn đề thanh niên đã được tất cả các quốc gia và nhân loại coi là vấn đề có
tầm quan trọng đặc biệt. Khi nói đến thanh niên có rất nhiều khái niệm khác
nhau tuỳ thuộc vào từng cách tiếp cận của vấn đề này, nó phụ thuộc vào trình độ
phát triển kinh tế chính trị, đặc điểm truyền thống, tuổi thọ bình quân... mà mỗi
quốc gia có quy định độ tuổi thanh niên khác nhau. Hầu hết, các nước trên thế
giới đều có sự thống nhất tuổi thanh niên bắt đầu từ 14 hoặc 15 tuổi và kết thúc
13
ở tuổi nào thì có sự khác biệt. Có nước quy định là 25 tuổi, có nước quy định là
30 và cũng có nước quy định là 40 tuổi.
Ở Việt Nam đã có giai đoạn tuổi thanh niên được hiểu gần như đồng nhất
với tuổi đoàn viên (15 đến 28 tuổi). Ngày nay, do điều kiện kinh tế, chính trị, xã
hội phát triển, thời gian học tập, đào tạo cơ bản của tuổi trẻ dài hơn nên tuổi
thanh niên được xác định là 15 đến 30 tuổi. Tương lai độ tuổi của thanh niên
Việt Nam có thể sẽ tăng vì theo khoản 2 điều 1 của dự thảo luật thanh niên, độ
tuổi của thanh niên từ 16 đến 35. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác
nhau. Tuỳ thuộc vào nội dung và góc độ nghiên cứu mà có nhiều cách quan
niêm khác nhau về thanh niên. Trong thực tế Việt Nam có rất nhiều cách định
nghĩa khác nhau về thanh niên.
Hồ Chí Minh, khi nói đến thanh niên Người đã đưa ra một khái niệm đầy
hình ảnh: "Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ
là mùa xuân của xã hội" [42, tr.69]. Hồ Chí Minh cho rằng thanh niên là lứa tuổi
sống động nhất, mạnh mẽ và đẹp đẽ nhất của cuộc đời.
Trong cuốn: "Tìm hiểu một số thuật ngữ về công tác thanh niên" - "Thanh
niên là một tầng lớp người - xã hội đặc thù, với độ tuổi nằm trong giới hạn từ 14,
15 đến trên dưới 30 tuổi" [49, tr.179]. Trong đề tài nghiên cứu "Tình hình tư
tưởng thanh niên và công tác giáo dục của đoàn thanh niên giai đoạn hiện nay",
quan niệm "Thanh niên là nhóm nhân khẩu - xã hội đặc thù có độ tuổi nhất định
được phân bố rộng khắp trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, trong các ngành
kinh tế xã hội của đất nước" [45, tr.37].
Từ những quan niệm khác nhau về thanh niên, chúng tôi cho rằng cần có
cách tiếp cận liên ngành khoa học. Thanh niên là đối tượng nghiên cứu đặc thù,
là lực lượng xã hội đặc biệt. Khái quát hệ thống những quan niệm và tiếp cận về
thanh niên ta thấy ở họ có những đặc điểm phát triển đạo đức riêng, gắn liền với
đặc trưng, tâm lý lứa tuổi, các phẩm chất tốt và xấu, tích cực và hạn chế... đan
xen nhau cùng tồn tại, song hành với nhau.
Thứ nhất, thanh niên là một nhóm nhân khẩu xã hội đặc thù có độ tuổi từ
14, 15 đến trên dưới 30 tuổi. Thanh niên dù xét bất cứ dưới góc độ nào, phương
14
diện nào cũng thuộc phạm trù con người, phạm trù xã hội. Họ là một lớp người,
một thế hệ sống trong cộng đồng xã hội với những đặc điểm chung, riêng trong
quan hệ với chính họ, với giai cấp và với xã hội
Thứ hai, thanh niên là giai đoạn đang trưởng thành có khả năng phát triển
về trí tuệ và nhân cách mạnh mẽ cùng với sự phát triển nhanh chóng về thể chất.
Đây là giai đoạn đầu của người lớn, là những năm tháng sung sức đẹp đẽ nhất
của đời người và cũng có những đặc điểm tâm sinh lý đặc trưng của lứa tuổi.
Về sinh lý, lứa tuổi thanh niên được coi là một cấp độ phát triển hoàn
thiện về mặt thể chất. Sự hoàn thiện này thể hiện ở tất cả các mặt như; chiều cao,
cân nặng, sự phát triển hoàn thiện của các cơ quan chức năng; hệ cơ, hệ xương,
hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh dục...Sự phát triển này là điều kiện để thanh
niên tự khẳng định vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong xã hội.
Về tâm lý, thanh niên luôn là những người giàu ước mơ, hoài bão, đầy
lòng nhiệt tình, hăng say, ý chí, nghị lực, luôn có nhu cầu tìm hiểu, thích khám
phá, sáng tạo, giàu óc tưởng tượng, thích giao tiếp, thích tham gia các hoạt động
xã hội, thích công bằng, ghét bất công, có nhu cầu cao về tình bạn, tình yêu nam
nữ và lập gia đình. Mặt khác, thanh niên ngày nay do điều kiện sinh hoạt vật
chất ngày càng được nâng cao nên con người sinh lý, tố chất sinh học đã phát
triển chín muồi nhưng những phẩm chất xã hội thì chưa hoàn thiện, chưa ổn
định vững vàng. Trong đời sống cá thể của thanh niên, nhiều khi sự trưởng
thành về mặt xã hội thường chậm hơn so với sự phát triển về mặt sinh học của
họ. Sự tác động của giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội chỉ mới hình
thành ở họ khung nhân cách ban đầu. Do đặc điểm này, bên cạnh những ưu điểm
nổi trội trong thanh niên vẫn tiềm ẩn những nhân tố tiêu cực và những hạn chế
nhất định, bên cạnh sự dám nghĩ, dám làm là tính bồng bột thiếu kinh nghiệm,
thậm chí cả sự liều lĩnh; giàu ước mơ, hoài bão và lạc quan nhưng khi gặp thất
bại thì hoài nghi, dao động, tự ti và chán nản; có tính tự lập, tự khẳng định cao
nhưng cũng dễ tự cao, tự đại, kiêu ngạo và nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản
chất, giữa đúng và sai, thật và giả; họ có khát vọng về tự do dân chủ nhưng cũng
rất dễ có hành vi vô chính phủ, vô kỷ luật; giàu óc tưởng tượng, nhạy cảm
15
nhưng hay thần tượng hoá, dễ thay đổi, chính vì vậy mà họ dễ tiếp thu những hệ
tư tưởng này hay hệ tư tưởng khác kể cả tích cực hay tiêu cực. Tóm lại, đặc
điểm của tuổi trẻ là nhiệt tình, năng động, giàu sinh lực, ham hiểu biết và khám
phá cái mới, tiềm tàng năng lực sáng tạo, coi trọng lẽ phải và sự công bằng. Tâm
hồn dễ xúc động, khá nhạy cảm với sự chân thành, mạnh mẽ và cao thượng; say
sưa trong hành động nhưng lại thiếu kinh nghiệm và hiểu biết trong cuộc sống.
Đây là một trong những điểm để kẻ xấu lợi dụng và mua chuộc họ. Điều đó cho
thấy lứa tuổi thanh niên rất cần đến những tác động tích cực của xã hội. Với đối
tượng giáo dục là thanh niên xét về bản chất thì dễ giáo dục, dễ cảm hoá, dễ
thuyết phục, nhất là từ những tác động tinh tế của văn hoá.
Thứ ba, thanh niên là đối tượng có mặt ở tất cả các vùng miền, các thành
phần kinh tế, xã hội. Tuỳ theo môi trường hoạt động và đặc điểm nghề nghiệp
mà thanh niên được phân thành nhiều nhóm khác nhau, các đối tượng xã hội
khác nhau: thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên học sinh -
sinh viên, thanh niên trí thức, thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo... Mỗi một
nhóm này lại có đặc điểm nhu cầu, sở thích riêng, nguyện vọng riêng.
Ngoài những đặc điểm của thanh niên nói chung, do ảnh hưởng của điều
kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, phong
tục, tập quán của địa phương, thanh niên Thanh Hoá có những đặc điểm riêng.
Hiện nay, Thanh Hoá có hơn 1 triệu thanh niên, chiếm 33% dân số, 55%
lực lượng lao động xã hội, với nhiều thành phần thanh niên, trong đó thanh niên
nông thôn chiếm 70% tổng số thanh niên của tỉnh. Đây là lực lượng lao động
đông đảo góp phần không nhỏ trong quá trình CNH - HĐH đất nước.
Một là, thanh niên Thanh Hoá, thế hệ được sinh ra và lớn lên trên dải đất
miền Trung của Tổ quốc, hầu hết họ đều xuất thân từ những gia đình nông thôn,
vốn giàu truyền thống cách mạng, nên họ luôn là những người yêu chuộng hoà
bình, ghét chiến tranh, thích công bằng, ưa dân chủ, chuộng cái mới. Được sự
giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, thanh niên Thanh Hoá luôn mang
trong mình niềm tự hào về truyền thống quê hương, họ đã và đang phát huy
16
truyền thống của cha, anh và luôn luôn là lực lượng xung kích trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, thanh niên Thanh Hoá hiện nay có trình độ học vấn cao hơn trước.
Họ là những con người luôn khiêm tốn, ham hiểu biết, chịu khó học hỏi và giúp
nhau tiến bộ; có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, sống
có nghĩa có tình và luôn vượt khó khăn vươn lên. Đại đa số thanh niên đồng tình
và ủng hộ sự nghiệp đổi mới của Đảng, ham học, ham làm, sẵn sàng tình nguyện
thực hiện những nhiệm vụ khó khăn vì lợi ích của xã hội. Tính năng động, sáng
tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chịu thương, chịu khó... đã giúp
họ vươn lên lập thân, lập nghiệp và khẳng định mình trước sự phát triển của xã
hội. Nhiều thanh niên đã nhanh chóng nhập cuộc và đã tìm thấy chỗ đứng của
mình ở những hoạt động học tập, nghiên cứu và ứng dụng KHCN, lao động sản
xuất, phát huy tốt khả năng và sức lực của mình vì sự phát triển của quê hương,
đất nước. Có nhiều người đã vượt qua được những khó khăn và thử thách khắc
nghiệt của cuộc sống và trở thành những người có học vấn cao, những người trí
thức giỏi, những nhà quản lý đầy tài năng, những chủ doanh nghiệp lớn có uy tín
và nhân cách làm ăn phát đạt. Chính những con người đó đã làm rạng danh
truyền thống của quê hương, đất nước, trở thành những tấm gương tiêu biểu cho
thế hệ thanh niên trong tỉnh và cả nước.
Ba là, kế tiếp truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh, tuổi trẻ Thanh
Hoá mang trong mình hoài bão lớn lao, khát khao lý tưởng, ham muốn hoạt
động và giàu nghị lực phấn đấu. Lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần
đoàn kết, ý thức cộng đồng ngày càng được củng cố, tinh thần xung phong tình
nguyện, tính tích cực chính trị, xã hội của thanh nhiên được khơi dậy và phát
huy. Với ý thức tự lực, tự cường, thanh niên Thanh Hoá luôn chủ động nỗ lực
vươn lên trong cuộc sống để khẳng định mình.
Bốn là, Thanh Hoá là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi có cả ba vùng kinh
tế: rừng núi, đồng bằng và biển với những tài nguyên quý hiếm. Được thiên
nhiên ưu đãi nên con người Thanh Hoá nói chung và thanh niên nói riêng có
cách sống thoáng đạt, nhiệt tình, không vụ lợi, sống hết mình vì bạn bè, nhưng
17
cũng rất sòng phẳng và nghiêm khắc trong công việc. Mạnh mẽ, bộc trực, thẳng
thắn và trung thực là những nét tính cách nổi trội của thanh niên Thanh Hoá nói
riêng và con người nơi đây nói chung.
Tuy nhiên, do đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, là những nhân cách trẻ, đang
trưởng thành, chưa có sự hoàn thiện về những phẩm chất chính trị, đạo đức và
tài năng cho nên trong thanh niên vừa có những mặt tích cực như đã nêu ở trên
nhưng cũng tiềm ẩn những nhân tố tiêu cực hay những hạn chế không có lợi cho
sự phát triển của cá nhân và tập thể. Đây là biểu hiện tính hai mặt của tuổi trẻ.
Với thanh niên ở Thanh Hoá, những đặc điểm ấy được biểu hiện rõ nét hơn. Do
vậy, cần phải hiểu và nắm vững đặc điểm tâm sinh lý này của thanh niên để có
những biện pháp giáo dục và ứng xử một cách phù hợp. Đó là:
Tính dễ kích động, thiếu tự chủ, tính bồng bột, nôn nóng, hấp tấp, nhẹ dạ,
chủ quan bởi trình độ hiểu biết và kinh nghiệm sống chưa sâu sắc. Đặc điểm này
khiến cho thanh niên ở đây dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động
thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội.
Vì nhạy cảm, thích tiếp thu cái mới và không muốn thua kém bạn bè nên
thanh niên ở Thanh Hoá thường có biểu hiện thiếu cân nhắc, thiếu suy nghĩ cặn
kẽ, chọn lọc với những trào lưu được gọi là mang tính hiện đại từ bên ngoài vào.
Qua sách báo, phim ảnh, qua giao lưu, nhất là trong thời kỳ hiện nay sự phát
triển của công nghệ thông tin, sự hội nhập mở cửa, xu thế toàn cầu hoá, sẽ có
những mặt thuận lợi cho thanh niên phát triển cả về năng lực và phẩm chất đạo
đức, song có những vấn đề đạo đức không phù hợp với quy tắc, chuẩn mức đạo
đức của dân tộc, nếu không nói là độc hại đối với tâm hồn của lớp trẻ tràn vào
bằng nhiều kênh khác nhau làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân
cách, đạo đức của thanh niên.
Con người xứ Thanh chịu thương, chịu khó, thông minh, cần cù, sáng tạo
trong lao động, học tập, anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống
kẻ thù xâm lược, ngoan cường, vật lộn chiến thắng thiên tai; luôn luôn nỗ lực
vươn lên trong cuộc sống, trong lao động, học tập cũng như trên mọi lĩnh vực.
Thanh Hoá vốn nổi tiếng là vùng "đất học". Những phẩm chất đạo đức quý báu
18
của con người nơi đây đã được hình thành, tôi luyện và khẳng định trong gian
khó. Lớp lớp thanh niên Thanh Hoá lớn lên trên mảnh đất quê hương đã được
thừa hưởng, tiếp thu những giá trị truyền thống quý báu. Những giá trị truyền
thống ấy góp phần tạo nên nét tính cách cứng rắn, bản lĩnh, nghị lực và sự nhiệt
thành của tuổi trẻ Thanh Hoá.
Bước vào đổi mới, đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, những thành tựu
KHCN được ứng dụng vào sản xuất và cuộc sống, xu thế hội nhập quốc tế và
phát triển nền kinh tế tri thức đã tạo nhiều điều kiện và cơ hội phù hợp để tuổi
trẻ Thanh Hoá phát huy tiềm năng, trí tuệ, tính năng động, sáng tạo, lòng nhiệt
tình, hăng say. Đó là môi trường mới cho thanh niên ở Thanh Hoá rèn luyện
cống hiến và trưởng thành về mọi mặt. Đại bộ phận thanh niên Thanh Hoá đã kế
thừa và phát huy truyền thống của quê hương. Họ đang tham gia và có nhiều
đóng góp vào sự đổi mới của tỉnh Thanh Hoá với vai trò xung kích và là nguồn
lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Con người sinh ra và lớn lên đều chịu sự tác động của hoàn cảnh. Bên
cạnh những đặc điểm nổi trội trên, cũng như những mặt hạn chế của thanh niên
nói chung, thanh niên Thanh Hoá còn chịu ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên,
điều kiện lịch sử và điều kiện kinh tế xã hội mang tính đặc thù của địa phương.
Điều kiện tự nhiên có nhiều ưu đãi nhưng cũng không kém phần khắc
nghiệt như nắng nóng, gió lào, bão lụt... Nhân dân Thanh Hoá luôn phải vật lộn
chống thiên tai, lúc ruộng đồng khô hạn nứt nẻ, lúc lại phải "nghiêng đồng"
thoát nước, người dân Thanh Hoá quanh năm lam lũ, vất vả, cực nhọc "ăn cơm
bằng đèn đi cấy sáng trăng mà vẫn khó khăn, thiếu thốn. Sự khó khăn, vất vả ấy
làm cho con người nơi đây luôn bộc trực đến nóng nảy có phần cứng nhắc, vụng
về trong giao tiếp, ứng xử. Một bộ phận thanh niên ở Thanh Hoá cũng bộc lộ
những thiếu hụt về tri thức, mặt bằng chung về trình độ học vấn, việc làm, tay
nghề, kỹ thuật của một bộ phận thanh niên Thanh Hoá chưa đáp ứng được yêu
cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Đặc biệt, trên lĩnh vực đạo
đức, lối sống, bộc lộ biểu hiện những phong thái, hành vi lời nói... trái với chuẩn
mực đạo đức, nếp sống văn hoá của cộng đồng, của dân tộc. Đó là hiện tượng
19
thiếu ý thức chính trị xã hội, thiếu cầu tiến, chây lười lao động và học tập, tham
gia vào những tệ nạn xã hội, thái độ ngang ngạch, xấc xược, nói năng thô lỗ, tục
tằn, thiếu văn hoá.
Trong quá trình vận động của xã hội hiện nay cũng có khá nhiều thanh
niên, hoặc không hội nhập được với những quy tắc khắt khe và nhiều lúc còn
"tàn bạo" của nền kinh tế thị trường, hoặc bị tập nhiễm những mặt tiêu cực và
sai lệch của nó mà đã trở nên lạc lõng hoặc mất phương hướng. Một nhóm thanh
niên đã bi quan chán nản khi không đủ sức để vươn lên đáp ứng những đòi hỏi
ngày càng cao của thực tế cuộc sống. Một số khác trước những thay đổi phức
tạp ở môi trường sống xung quanh đã không đủ sức mạnh để vượt qua chính
mình và trở nên sa ngã, tha hoá. Tư tưởng bằng lòng với cuộc sống hiện tại,
thiếu ý chí khắc phục khó khăn để vươn lên thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu... Điều
kiện kinh tế của tỉnh tuy có phát triển nhưng với tốc độ chậm dẫn đến tính trì trệ,
bảo thủ, kém năng động, sáng tạo vẫn diễn ra trong các thế hệ, do vậy vẫn còn
tồn tại trong họ cách sống, quan điểm và cách nghĩ lạc hậu.
Những ưu điểm và tồn tại, những mặt tích cực và những mặt còn hạn chế
cả khách quan và chủ quan trong từng đặc điểm, tính cách của thanh niên ở
Thanh Hoá đặt ra yêu cầu phải quan tâm, chú trọng đến việc giáo dục đạo đức
nhằm phát huy mặt tích cực và khắc phục những mặt còn hạn chế của thanh niên
ở Thanh Hoá, góp phần xây dựng thế hệ trẻ vừa đức vừa tài đáp ứng yêu cầu đất
nước trong giai đoạn hịên nay.
1.1.2.2. Vai trò của thanh niên Thanh Hoá trong sự phát triển kinh tế - xã hội
Tỷ lệ thanh niên ở Thanh Hoá chiếm 33% dân số, 55% lực lượng lao động
của toàn tỉnh, tương đương với tỷ lệ thanh niên cả nước nói chung (Thanh niên
cả nước chiếm 35,59% dân số và chiếm 55,5% lực lượng lao động xã hội). Cũng
như mọi tầng lớp thanh niên, thanh niên ở Thanh Hoá luôn được coi là rường cột
của đất nước, tương lai của dân tộc và hạnh phúc của mỗi gia đình. Họ luôn là
lực lượng xung kích trên tất cả các lĩnh vực: lao động sản xuất, học tập, nghiên
cứu và ứng dụng khoa học, cũng như trong các cuộc đấu tranh cách mạng. Họ
20
có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Trong sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc đã có hàng triệu thanh niên
lên đường ra trận, dũng cảm, chiến đấu hy sinh cuộc đời thanh xuân đẹp nhất
của mình, hàng triệu thanh niên niên xung phong không quản hy sinh gian khổ,
góp sức quan trọng cùng toàn dân tộc đánh thắng hai kẻ thù hùng mạnh của thời
đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Hoà
bình lập lại, trên mảnh đất Thanh Hoá anh dũng, kiên cường, bất khuất thế hệ
thanh niên cùng với nhân dân trong tỉnh ra sức khắc phục những vết thương do
chiến tranh để lại và đi lên xây dựng CNXH. Trong công cuộc đổi mới thanh
niên Thanh Hoá có bước trưởng thành to lớn, tiếp tục phát huy truyền thống của
Đảng của dân tộc hăng hái học tập, lao động xung kích đảm nhận những việc
khó, lĩnh vực mới góp phần xứng đáng vào những thắng lợi của sự nghiệp phát
triển kinh tế xã hội. Rất nhiều tấm gương sáng, những chiến công, những thành
tựu lớn đã xuất hiện trên mặt trận chiến đấu, sản xuất, công tác và học tập, thể
hiện rõ ý chí, sức mạnh và sự sáng tạo của họ trong từng lĩnh vực của cuộc sống
cũng như trong sự nghiệp đổi mới quê hương Thanh Hoá nói riêng và công cuộc
đổi mới đất nước nói chung.
Ngay từ khi thành lập đoàn thanh niên, các thế hệ thanh niên các dân tộc
vùng miền của Thanh Hoá đã cùng với đảng bộ và nhân dân vùng lên dành
chính quyền trong những ngày đầu lịch sử của mùa thu tháng Tám năm 1945.
Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới ngọn cờ vẻ
vang của Đảng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các thế hệ thanh
niên Thanh Hoá cùng với thanh niên cả nước đã không tiếc máu xương, xả thân
vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc đã tham gia trực tiếp chiến đấu
và phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động
địa cầu và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hoá có
55.792 ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ, 18.920 ngàn thanh niên tham gia
lực lượng thanh niên xung phong, 291.508 ngàn thanh niên tham gia lực lượng
dân công phục vụ trực tiếp các chiến dịch lớn.
21
Nhiều tấm gương anh dũng của tuổi trẻ Thanh Hoá, trở thành những tấm
gương của tuổi trẻ cả nước trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu như: Tô Vĩnh
Diện, Lò Văn Bường, Trần Đức, Lê Công Khai, Trương Công Man... Đó là
những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng sống mãi với truyền
thống của thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt dòng dã hơn 20 năm, theo tiếng
gọi thiêng liêng của non sông, các thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp tục xả thân
đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Riêng Thanh Hoá,
hơn 22 ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ, 40.000 thanh niên tham gia lực
lượng thanh niên xung phong. Nhiều tấm gương anh dũng của tuổi trẻ Thanh
Hoá đã khắc ghi đến cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Câu nói
bất hủ của anh Lê Mã Lương "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân
thù" là lời hiệu triệu thanh niên dốc lòng, dốc sức vì độc lập, tự do của dân tộc.
Với sự đóng góp của gần 200 ngàn đoàn viên, thanh niên tham gia quân đội, 40
ngàn thanh niên tham gia các hoạt động, phục vụ chiến đấu với tinh thần "Thà
hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Sự hy
sinh to lớn ấy đã góp phần tô thắm thêm ngọn cờ vẻ vang của Đảng vì khát vọng
cháy bỏng của cả dân tộc là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn hoà bình thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa
xã hội, tuổi trẻ Thanh Hoá tiếp nối truyền thống của quê hương, đem tài năng và
sức trẻ viết tiếp trang sử hào hùng mà thế hệ cha anh họ đã và đang làm, ra sức
khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương giàu đẹp. Bắt nhịp với quá
trình đổi mới đất nước, thanh niên Thanh Hoá là những hạt nhân tích cực luôn đi
đầu trong việc tiếp thu cái mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới
vào hoạt động lao động sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Thanh niên ngày
nay luôn có ý thức vươn lên, ngày càng khẳng định là lực lượng xung kích trong
quá trình CNH - HĐH quê hương. Từ hai phong trào lớn "thanh niên lập
nghiệp" và "tuổi trẻ giữ nước" và nay là phong trào "Thi đua tình nguyện xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc" tuổi trẻ Thanh Hoá đã hoàn thành và đạt được những
thành tích cao, biểu hiện tinh thần, đạo đức, ý chí và nghị lực của sức trẻ. Với
22
đội quân hùng hậu hơn 1 triệu người chiếm gần 33% dân số của tỉnh, 55% lực
lượng lao động xã hội, họ đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy khả năng của mình
trên tất cả các lĩnh vực. Điều đó được biểu hiện ở các thành phần thanh niên
trong tỉnh.
Thanh niên nông thôn chiếm 72,9% trong số thanh niên toàn tỉnh. Phần
lớn họ là những người lao động chuyên cần, chịu khó, có tinh thần học hỏi, dám
nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp. Là lực lượng lao động
đông đảo, năng động trong sản xuất, tích cực tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ
khoa học kỹ thuật, công nghệ, biết làm giàu từ điều kiện tự nhiên, thế mạnh của
địa phương mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, sự tạo điều
kiện và giúp đỡ của các cấp, ngành trong tỉnh đối với thanh niên nông thôn ở
Thanh Hoá, nhiều thanh niên đã tìm ra con đường xoá đói, giảm nghèo ngay tại
quê hương và trở thành các mô hình kinh tế tiêu biểu là tấm gương cho thanh
niên noi theo học tập, tiêu biểu như: Nguyễn Văn Dũng (Quảng Xương), Lưu
Bằng Nam (CẩmThuỷ), Cầm Bá Tuấn (Triệu Sơn), Lê Thanh Hải (Nông
Cống)... Bằng khả năng thức tế và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ họ đã từng bước
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH - HĐH
quê hương, đất nước. Thanh niên nông thôn ngày nay không chỉ bó hẹp trong
mảnh đất nhỏ của gia đình, họ đã biết vận dụng cơ chế, chính sách của Đảng và
Nhà nước để vươn dài cánh tay, làm giàu chính đáng. Thanh niên nông thôn ở
Thanh Hoá đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh ở cơ
sở.
Thanh niên công nhân, đô thị và đội ngũ trí thức trẻ có điều kiện thuận
lợi về mọi mặt, kinh tế, văn hoá, học tập và rèn luyện, được tiếp thu kịp thời
những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thanh niên công nhân là
lực lượng cơ bản tiếp nối truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công
nhân Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng Tổ quốc,
thanh niên công nhân luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước do
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động: Từ phong trào ba sẵn sàng,
23
năm xung phong trước đây cho tới phong trào Thanh niên tình nguyện ngày nay
mà cụ thể là những phong trào "Tuổi trẻ lao động sáng tạo, luyện tay nghề, thi
thợ giỏi"; phong trào CKT (chất lượng, kiểu dáng, tiết kiệm)... đã góp phần quan
trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của các cơ
quan, đơn vị, xí nghiệp. Riêng thanh niên công nhân ở Thanh Hoá, bằng tài năng
và óc sáng tạo, khối thanh niên này đã có hàng trăm công trình thanh niên cấp
đoàn cơ sở, 400 công trình cấp chi đoàn, 174 đề tài nghiên cứu khoa học kỹ
thuật, 343 sáng kiến lớn được ứng dụng vào sản xuất làm lợi cho nhà nước hàng
chục tỉ đồng. Điển hình là đoàn thanh niên Công ty xi măng Bỉm Sơn, đoàn
thanh niên Nhà máy thuốc lá Thanh Hoá, đoàn thanh niên Công ty đường Lam
Sơn...Từ những thành công đạt được họ đã từng bước làm chủ kỹ thuật, công
nghệ hiện đại, tình nguyện tham gia đảm nhận những khâu then chốt trong sản
xuất, kinh doanh, mong muốn được học tập nâng cao trình độ chuyên môn
nghiệp vụ hơn nữa để nhanh chóng khẳng định mình trong cuộc sống. Vượt lên
khó khăn, thử thách, được đào tạo và rèn luyện nên họ là những người có kỷ luật
lao động, có ý chí nghị lực cách mạng, không cam chịu đói nghèo lạc hậu, luôn
có xu hướng vươn lên lập thân, lập nghiệp.
Thanh niên các lực lượng vũ trang luôn giữ vững và phát huy bản chất tốt
đẹp, truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, đảm bảo an ninh chính trị và
trật tự an toàn xã hội. Được nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật để đáp ứng
nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện
đại, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thanh niên sinh viên, học sinh nhận thức được những đòi hỏi khắt khe
của người trí thức hiện đại nên họ đã chủ động học tập, nghiên cứu và phát triển
tài năng, tự giác rèn đức, luyện tài. Năm học 2004 - 2005 Thanh Hoá có 144.060
học sinh PTTH, 9050 học sinh trung học chuyên nghiệp, 7007 sinh viên cao
đẳng, đại học và 6800 học sinh được đào tạo công nhân kỹ thuật. Hàng năm,
Thanh Hoá có hàng nghìn học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và
trung học chuyên nghiệp. Có nhiều gương thanh niên, đoàn viên học giỏi và đạt
24
những thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia cũng như quốc tế như: Bùi Văn
Anh - huy chương bạc môn toán, Đỗ Quang Yên - huy chương vàng môn toán,
Nguyễn Thành Vinh - huy chương bạc môn hoá và giải nhì chung kết cuộc thi
Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Phi Lê - huy chương bạc môn toán quốc tế và
nhiều giải trong các kỳ thi quốc gia và cấp tỉnh góp phần nâng cao trí tuệ tuổi trẻ
Thanh Hoá lên tầm cao mới.
Là đội ngũ trí thức trẻ trong tương lai, nhiều tiềm năng, giàu nhiệt huyết,
nếu được định hướng tốt về lý tưởng, đạo đức, được trang bị kiến thức chuyên
môn nghiệp vụ, họ sẽ là nguồn nhân lực hùng hậu mạnh mẽ để xây dựng sự
nghiệp CNH - HĐH địa phương và đất nước.
Trong lĩnh vực thể dục, thể thao thanh niên Thanh Hoá là những người
không đứng ngoài thành công vang dội của những cuộc thi đấu quốc tế, xuất
hiện nhiều vận động viên tài năng như: Lưu Văn Hùng, Nguyễn Thị Dung,
Trịnh Thị Mùi, Đào Xuân Thắng... họ là những người góp phần đem vinh quang
về cho quê hương đất nước.
Thanh niên dân tộc, thiểu số và tôn giáo phấn khởi trước chính sách đại
đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, có ý chí vươn lên, có nguyện vọng
được học tập, nâng cao dân trí, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống. Cùng với sự
phát triển chung đối tượng thanh niên này nhạy bén, sắc sảo và năng nổ hơn các
thế hệ cha ông của họ rất nhiều trong tư duy kinh tế cũng như trong chính những
hoạt động lao động làm giàu cho bản thân và xã hội.
Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, thanh niên ở
Thanh Hoá không những phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước chân chính mà
còn tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động từ thiện, thể hiện đạo lý:
"Thương người như thể thương thân", tinh thần tương thân, tương ái, của dân
tộc, đồng thời cũng thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng sâu sắc. Trên khắp
quê hương Thanh Hoá, các phong trào lớn như: "Uống nước nhớ nguồn"; "Đền
ơn đáp nghĩa", chương trình "áo lụa tặng bà", "Phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh
hùng", "Tuổi trẻ Thanh Hoá với nhà ở cho hộ nghèo"... Trong năm 2005 toàn
tỉnh đã quyên góp được gần 2,9 tỷ đồng và 150 ngàn ngày công, xây dựng 572
25