Tải bản đầy đủ (.doc) (27 trang)

BÀI TẬP NHÓM MÔN TÀI CHÍNH QUỐC TẾ KHỦNG HOẢNG NỢ CÔNG CHÂU ÂU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (251.25 KB, 27 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BÀI TẬP NHÓM MÔN TÀI CHÍNH QUỐC TẾ
Tên đề tài:
KHỦNG HOẢNG NỢ CÔNG CHÂU ÂU
Giảng viên hướng dẫn : PGS.TS. Lê Phan Thị Diệu Thảo
Nhóm thực hiện : Nguyễn Thanh Tùng
: Nguyễn Quang Minh Châu
: Quách Tố Hoàng
: Vũ Tiến Hùng
: Nguyễn Thị Thủy
: Bùi Thị Ngọc Ẩn
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 06/2014
Mục Lục
BÀI TẬP NHÓM MÔN TÀI CHÍNH QUỐC TẾ 1
NỘI DUNG
1. Hệ thống tiền tệ Châu Âu
1.1. Lịch sử hình thành đồng EURO:
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Châu Âu đã nhận thức rõ được tính tất
yếu của xu hướng vận động đó là hội nhập kinh tế hay cao hơn là liên kết kinh tế.
Thực tế đến nay cho thấy, mối liên kết kinh tế giữa các nước, các khu vực ngày
càng phát triển, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Sau nhiều năm quan hệ thương mại
của các nước thành viên Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) đã phát triển mạnh mẽ,
các nước này lo ngại rằng sẽ là bất lợi cho tiến trình phát triển thương mại giữa các
nước nếu như tỷ giá không ổn định. Chính sự mất ổn định tiền tệ trong những năm
1920 và 1930 đã làm cho nhu cầu về một đồng tiền chung trở nên ngày càng mạnh
mẽ. Trong thời gian này, Hệ thống tỷ giá cố định Bretton Woods vẫn đang tồn tại và
gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới.
Cuối những năm 1960, những cuộc tranh luận về kinh tế và chính trị ở Châu
Âu đã bắt đầu xoay quanh vấn đề tỷ giá, một phần là do những thất bại liên tiếp của
Hệ thống Bretton Woods trong việc duy trì sự ổn định tiền tệ. Việc Pháp và Đức lần


lượt phá giá đồng FR và DM của mình trong những năm 1969 đã đe dọa sự ổn định
của các đồng tiền Châu Âu khác đến mức Thủ tướng Đức lúc đó là ông W. Brandt
đã đề nghị phải khôi phục lại các kế hoạch về Liên minh tiền tệ Châu Âu theo đó
liên kết các đồng tiền của các nước EEC vào một đơn vị tiền tệ thống nhất gọi là
“Đơn vị tiền tệ Châu Âu – ECU” và hình thành cơ chế tỷ giá của EMS “con rắn
trong hang”. Mỗi đồng tiền trong EMS đều có mức tỷ giá trung tâm theo ECU và tỷ
giá giữa các đồng tiền được xác định theo tỷ giá chéo trung tâm và duy trì tỷ giá
trong biên độ +- 2.25% so với tỷ giá trung tâm. Mục tiêu nhất thể hóa châu Âu cả về
kinh tế và chính trị, việc sử dụng một đồng tiền chung sẽ giúp tự do hóa kinh tế, các
quốc gia khối liên minh châu Âu có thể tự do trao đổi hàng hóa và các nhân tố sản
xuất. Về chính trị thì mong muốn có sự liên kết chặt chẽ, hình thành theo mô hình
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các nước Châu Âu vẫn không thể thỏa mãn với cơ chế tỷ giá này.
Riêng pháp và Italy thì phá giá đồng tiền, EMS sụp đổ. Dù thế các nước châu Âu
vẫn không từ bỏ mục tiêu ổn định tiền tệ châu Âu. Năm 1991 các thành viên EU
1
thông qua hiệp định Maastricht xác lập liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) và bắt đầu
sử dụng tiền chung Euro kể từ tháng 01/1999 với việc thành lập Ngân hàng Trung
Ương Châu Âu (ECB) chịu trách nhiệm vận hành chính sách tiền tệ chung trong
toàn bộ khu vực đồng EURO. Đến năm 2002, Châu Âu chính thức tung vào lưu
thông tiền tệ đồng EURO và chấm dứt sự tồn tại của các đồng tiền quốc gia thành
viên EU. Sự kiện này được đánh giá là bước chuyển đổi tiền tệ lớn nhất trong lịch
sử.
Euro không chỉ là đồng tiền đứng thứ hai thế giới về mua bán ngoại tệ mà
còn là đồng tiền dự trữ đối với nhiều nước trên thế giới. Euro là đồng tiền chính
thức của 17 trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Một số nước
trong EU như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch tiếp tục lưu hành và sử dụng đồng tiền
riêng do lo ngại sử dụng đồng Euro sẽ làm giảm bớt chủ quyền. Bên cạnh các thành
viên chính thức, một số quốc gia hay địa phận khác cũng đã tự quyết định chọn
Euro làm tiền tệ chuẩn (không có quyết định của EU) như Montenegro, Andorra,

Kosovo. Các thành viên không chính thức này đã từ bỏ tiền tệ riêng hay từ bỏ một
trong số những tiền tệ trước đây và thay vào đó là dùng Euro, do đó các thành viên
này không còn độc quyền tiền tệ nhưng lại không có ảnh hưởng đến chính sách lãi
suất của ECB.
ECB là ngân hàng điều phối, quyết định chính sách tiền tệ đối với tất cả các
nước khu vực Eurozon. ECB phải đưa ra quyết định giống nhau đối với tất cả các
nước, mặc dù mỗi nước có điều kiện kinh tế khác nhau. Do đó, thường xảy ra các
cuộc tranh luận giữa một bên muốn ổn định hơn, trong khi bên kia khẳng định chính
sách có ý nghĩa hơn tăng trưởng kinh tế.
1.2. Những điều kiện đặt ra cho các nước muốn gia nhập đồng EURO là:
Thứ nhất: Lạm phát phải ở cùng một mức trung bình dưới 2.72%, lạm phát
ngắn hạn không vượt quá 1.5% so với mức lạm phát bình quân của 3 nước thành
viên có tỷ lệ lạm phát thấp nhất.
Thứ hai, tỷ lệ lãi suất tiết kiệm của các nước thành viên không được khác
nhau quá nhiều. Tỷ lệ lãi suất dài hạn cả trung hạn không vượt quá 2% so với lãi
suất bình quân của 3 nước có tỷ lệ lãi suất thấp nhất.
Thứ ba, các khoản thâm hụt ngân sách của chính phủ không vượt quá 3%
GDP.
2
Thứ tư, nợ chính phủ không vượt quá 60% GDP
Thứ năm, phải duy trì một tỷ giá trao đổi ổn định nằm trong khuôn khổ cho
phép của cơ chế tỷ giá hối đoái (ERM) ít nhất là 2 năm.
Chính những điều kiện nghiêm ngặt này, đã tạo ra một cuộc chạy đua của
các quốc gia trong việc tìm mọi cách để gia nhập vào khối liên minh châu Âu, điều
này cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu
năm 2009.
Việc tuân thủ những thỏa thuận của Hiệp ước không chỉ diễn ra một lần. Các
kiến trúc sư của đồng EURO biết rằng, trách nhiệm vủa chính sách tài khóa chỉ có ý
nghĩa khi nó đước duy trì liên tục nên EU đã soạn thảo “hiệp ước tăng cường và ổn
định”, Hiệp ước này nhằm trừng phạt những nước trong khu vực đồng tiền chung có

thâm hụt ngân sách quá mức. Nếu một nước có thâm hụt ngân sách quá 3% GDP thì
nước đó phải đặt cọc một khoản tiền không được hưởng lãi tại ECB trong suốt thời
gian tiến hành điều chỉnh. Số tiền phạt bằng 0.2% GDP năm phát sinh thâm hụt
ngân sách quá mức cộng với 0.1% số chênh lệch thâm hụt ngân sách vi phạm. Giới
hạn tối đa của số tiền này là 0.5% GDP. Nếu như sau 2 năm nước này cải thiện
được tình trạng thâm hụt ngân sách sẽ được ECB hoàn trả lại. Còn nếu không cải
thiện được tình hình thì Ủy Ban Châu Âu sẽ coi đó là khoản tiền phạt vĩnh viễn
đóng góp cho ngân sách liên minh. Tuy vậy nước vi phạm sẽ được hưởng trường
hợp ngoại lệ nếu nước này trong giai đoạn suy thoái.
1.3. Những lợi ích và hạn chế của đồng tiền chung đối với Châu Âu
1.3.1. Lợi ích
Thứ nhất, đồng EURO ra đời đã tạo ra điều kiện thuận lợi để nâng cao vị thế
của EU trên thế giới. Sức mạnh của EU hiện nay là sự tổng hợp sức mạnh của các
nước thành viên và EU sẽ hành động vì lợi ích chung của toàn liên minh chứ không
phải lợi ích của một số nước trụ cột như trước đây. Như vậy, các nước EU sẽ trở
thành một khối kinh tế vững mạnh hơn, liên kết chặt chẽ hơn và do đó, địa vị của
EU sẽ được nâng cao, nhất là trong quan hệ với Mỹ.
Thứ hai, đồng EURO ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho ổn định chính trị và
thúc đẩy phát triển kinh tế các nước EU.
+ Loại bỏ rủi ro tỷ giá: Lợi ích đầu tiên dễ nhận thấy của đồng EURO là nó
sẽ loại bỏ được rủi ro tỷ giá giữa 12 đồng tiền Châu Âu. Cùng với việc giảm rủi ro
về tỷ giá sẽ giúp cho việc thông thương hàng hóa, dịch vụ và các luồng vốn đầu tư
3
giữa các quốc gia trong khối có điều kiện di chuyển tự do và thuận lợi hơn. Điều
này có tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế của EU.
+ Giảm chi phí giao dịch: Khi công ty ở một nước trong EU bán hàng cho
một công ty ở một nước khác trong khu vực thì rất có thể tiền họ thu về không phải
là đồng bản tệ. Vì vậy mà họ phải đổi tiền. Việc đổi tiền tiến hành thông qua các tổ
chức tài chính lớn, rất khó ước tính chính xác các chi phí giao dịch này nhưng đối
với Châu Âu, một lục địa mà thương mại nội khối có vai trò sống còn thì những chi

phí này rất lớn. Những chi phí này thực sự là gánh nặng cho các công ty ở những
nước nhỏ với thị trường ngoại hối có độ thanh khoản không cao và hệ thống ngân
hàng chưa phát triển.
+ Nâng cao tính minh bạch trong giá cả: Những sự khác biệt trong giá cả
hàng hóa, dịch vụ, tiền lương sẽ trở nên rõ ràng hơn khi tính bằng một đồng tiền
chung. Người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn mua hàng trên toàn bộ khu vực
đồng EURO. Các công ty cũng có thể tùy ý bán hàng tới bất kỳ nơi nào trong khu
vực này. Cạnh tranh cao hơn giữa các nhà sản xuất, sự lựa chọn nhiều hơn, đa dạng
hơn, dễ dàng hơn đối với người tiêu dùng sẽ thúc đẩy cả sản xuất lẫn tiêu dùng phát
triển, từ đó đem lại động lực mới cho nền kinh tế.
+ Lãi suất thấp: Lãi suất trong khu vực đồng tiền chung sẽ thấp hơn khi đồng
EURO ra đời. Nhiệm vụ hàng đầu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) là
ổn định giá cả. ECB cam kết duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 2%. Lạm phát thấp hơn
cũng sẽ gây sức ép làm giảm lãi suất. Khi lãi suất giảm thì chi phí cho việc vay
mượn trên thị trường chứng khoán Châu Âu sẽ giảm, và kết quả là sẽ thúc đẩy sự
tăng trưởng của các thị trường này.
+ Khuyến khích các chương trình cải tổ cơ cấu: Những nước muốn tham gia
đồng EURO phải tiến hành các chương trình cải tổ cơ cấu kinh tế triệt để nhằm đáp
ứng các tiêu chí kinh tế hội tụ do Hiệp ước Masstricht quy định. Sau đó, họ còn phải
tuân thủ Hiệp ước tăng trưởng và ổn định – một hiệp ước giới hạn việc chi tiêu, vay
mượn của chính phủ và quy định phạt những nước vượt quá những giới hạn này.
+ Địa vị đồng tiền dự trữ: Các nhà lãnh đạo và kinh tế Châu Âu hy vọng với
tiềm lực kinh tế của toàn khu vực, đồng EURO sẽ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế
ngang bằng với đồng USD trong tương lai không xa.
+ Ổn định kinh tế vĩ mô: Đồng EURO đã thiết lập một cơ chế mới với lạm
phát thấp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ chế này được đảm bảo bởi một ECB độc
4
lập thống nhất trong lịch sử với mục tiêu hàng đầu là ổn định giá cả. Sự ra đời của
đồng EURO sẽ mở ra một thời kỳ ổn định lâu dài cho toàn khu vực. Nó sẽ giúp cho
các nước thành viên tránh được sức ép của việc phá giá đột ngột các đồng tiền quốc

gia cũng như việc các nhà đầu cơ tranh thủ sự ổn định của đồng tiền để đầu cơ lâu
dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định của toàn khối.
1.3.2. Những hạn chế đối với việc áp dụng một đồng tiền chung:
+ Chi phí chuyển đổi: Từ năm 1999 đến năm 2002, các tổ chức, cơ quan của
các Chính phủ các nước đã chi tiêu rất tốn kém để điều chỉnh nhằm thích ứng với
một đồng tiền mới. Sản xuất và phân phối tiền mới cũng tiêu tốn hàng tỷ USD.
+ Mất việc làm: Để đáp ứng tiêu chí gia nhập EMU, các chương trình cải tổ
cơ cấu hà khắc đã đẩy rất nhiều người lao động vào đội ngũ thất nghiệp. Thâm hụt
ngân sách của Chính phủ, nợ Chính phủ bị giới hạn nên các chính phủ phải thực
hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu ngân sách. Hậu quả là sẽ có
thêm rất nhiều người bị mất việc làm. Mặc dù vấn đề này chỉ mang tính chất ngắn
hạn nhưng nó có thể tạo nên sự bất ổn chính trị xã hội ở các nước thành viên.
+ Mất chủ quyền trong hoạch định và thực thi chính sách: Khi tham gia vào
EMU các nước phải từ bỏ quyền tự chủ trong chính sách tiền tệ. Việc ECB điều
hành chính sách tiền tệ chung của cả khối sẽ làm các nước mất đi công cụ để điều
tiết nền kinh tế và sẽ rất khó khăn cho các nước này mỗi khi nền kinh tế gặp khủng
hoảng. Đây là vấn đề khiến nhiều người chỉ trích đồng tiền chung, thậm chí ngay cả
các nước tham gia EMU cũng cảm thấy lo ngại về vấn đề này.
2. Khủng hoảng nợ công châu Âu
Theo chu kỳ của nền kinh tế, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những cuộc
khủng hoảng, dù lớn hay nhỏ đều để lại những hậu quả nhất định và những bài học
quý báu. Cuộc khủng hoảng gần đây nhất là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu mà
bắt nguồn từ Hy Lạp gây ra sự hoảng loạn tài chính, ảnh hưởng không chỉ đến nền
kinh tế của cả khối còn tác động đến cả vị thế của đồng Euro trên thương trường
quốc tế. Vậy nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp là gì? Tại sao một
nước thuộc một khối kinh tế được coi là lý tưởng hàng đầu trên thế giới lại trở thành
“Người khổng lồ nợ như chúa Chổm” như vậy?
2.1. Khái quát về nợ công và khủng hoảng nợ công
5
Một cách khái quát nhất, có thể hiểu “nợ chính phủ, nợ công hoặc nợ quốc

gia là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa
phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách, vì thế, nợ chính phủ,
nói cách khác, là thâm hụt ngân sách luỹ kế tính đến một thời điểm nào đó. Để dễ
hình dung quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng
bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”. Nợ chính phủ thường
được phân thành: Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và
nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước).
Đối với nhiều quốc gia, nợ công không phải là điều đáng lo ngại nhất. Điều
cần quan tâm nhất là làm thế nào để chủ động ở mức cao nhất trong nợ công, sử
dụng sao cho hiệu quả và không phải chạy theo chủ nợ, đồng thời đảm bảo khả
năng trả nợ đúng hạn. Khủng hoảng nợ công xảy ra khi một quốc gia vay nợ không
thể trả được những khoản nợ đến hạn, đặc biệt là nợ nước ngòai và bị nhấn chìm
trong vòng xoáy nợ nần, nói cách khác khủng hoảng nợ xuất hiện khi khoản vay nợ
của quốc gia lớn hơn khả năng trả nợ. Nợ công là vấn đề của mọi quốc gia, dù phát
triển hay đang phát triển. Một số nước đã bị nhấn chìm trong vòng xoáy khủng
hoảng nợ công, gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại như hạng mức tín nhiệm của quốc
gia bị hạ bậc, kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hệ thống tài chính bất ổn
và đặc biệt là an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề khi các Chính phủ thực hiện cắt
giảm chi tiêu công nhằm khắc phục khủng hoảng và trang trải nợ nần mà điển hình
gần đây nhất chính là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu mà Hy Lạp chính là ngòi
nổ bắt đầu.
2.2. Diễn biến
Dưới đây là những mốc quan trọng trong khủng hoảng nợ châu Âu tính từ
tháng 11/2009 khi chính phủ mới của Hy Lạp khiến thế giới chấn động với việc
tuyên bố nâng gấp đôi ước tính về thâm hụt ngân sách năm 2009.
Bắt đầu từ cuối năm 2009, Các quốc gia liên minh Châu Âu công bố mức
thâm hụt ngân sách ở mức cao, và Hy Lạp là quốc gia điển hình với mức thâm hụt
ngân sách năm 2009 đạt 12.5% GDP, cao gấp đôi con số công bố trước đó, số nợ
lên tới 112.6% GDP (2009), Ngay cả Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, cũng
đẫm mình trong nợ với mức 73.1% GDP. Tình hình của Italy lại còn đáng buồn hơn

6
với mức nợ công lên tới 114.6 % GDP. Tất cả còn lớn hơn GDP và thâm hụt ngân
sách vượt xa mức quy định (-3%) của EU…Khi nợ công tăng cao và vượt quá xa
giới hạn an toàn thì nền kinh tế rất dễ bị tổn thương và chịu nhiều sức ép cả bên
trong và bên ngoài nước. Theo đó các cơ quan xếp hạng tín nhiệm như Moody,
Standard & Poor… liên tục hạ mức tín nhiệm của Hy Lạp xuống mức thấp hơn.
Chính phủ các nước chủ động lên kế hoạch bình ổn, các nước thuộc khu vực đồng
tiền chung châu Âu chấp thuận kế hoạch hỗ trợ 30 tỷ Euro cho Hy Lạp tuy nhiên
quốc gia này không đồng ý.
Đến ngày 02/5/2010 Hy Lạp phải cầu cứu IMF và EU và nước đầu tiên tại
khu vực đồng tiền chung châu Âu được hỗ trợ. Tuy nhiên để đạt được thỏa thuận
với EU và IMF để nhận được gói giải cứu, đổi lại nước này phải giảm chi tiêu 30 tỷ
euro trong 3 năm tới. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu đưa ra kế
hoạch khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro để hỗ trợ thị trường tài chính và vực dậy đồng
euro, ngăn đồng tiền này chịu ảnh hưởng tệ hại từ khủng hoảng nợ Hy Lạp. Gói giải
cứu bao gồm 440 tỷ euro từ các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, 60 tỷ
euro từ công cụ nợ của châu Âu, IMF đóng góp 250 tỷ euro, tổng số tiền lên tới 750
tỷ euro tương đương khoảng gần 1.000 tỷ USD tính theo tỷ giá ở thời điểm đó.
Trước tình đó, các quốc gia thuộc liên mình châu Âu như Đức, Tây Ban Nha,
Ý, Bồ Đào Nha…thông qua kế hoạch thắt chặt ngân sách để đưa mức thâm hụt
ngân sách về mức thấp hơn. Việc thắt chặt ngân sách như trên đã khiến hàng ngàn
người biểu tình để phản đối đã dẫn đến sự bất ổn trong hoạt động kinh tế của khối
liên minh châu Âu….
3. Nguyên nhân
3.1. Thâm hụt ngân sách trầm trọng và nợ công cao:
3.1.1. Hậu quả của việc chi tiêu vô độ của một số quốc gia dẫn đến thu
ngân sách không đủ chi
Nợ tại những nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha hay Italy trở
thành gánh nặng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do sự hoang phí trong chi tiêu
của chính phủ và các thành phần kinh tế. Sau khi gia nhập Eurozone, mỗi nước đều

hưởng một thập kỷ lãi suất thấp.Tín dụng dễ dãi, các hộ gia đình và công ty trong
lĩnh vực tài chính mạnh tay vay nợ. Hoạt động tín dụng liên biên giới phát triển
mạnh.
7
Điển hình trong việc chi tiêu không hợp lý là trường hợp của Hy Lạp. Gia
nhập khu vực đồng tiền chung Euro năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp
cận với thị trường vốn quốc tế. Dễ dàng hút vốn đầu tư nước ngoài, chính phủ Hy
Lạp đã liên tục bán trái phiếu thu về hàng trăm tỷ euro. Số tiền này lẽ ra có thể giúp
kinh tế Hy Lạp tiến xa nếu Chính phủ có kế hoạch chi tiêu và trả nợ hợp lý. Nhưng
Chính phủ chỉ biết chi tiêu, mà phần lớn cho cơ sở hạ tầng mà hầu như không quan
tâm đến các kế hoạch trả nợ. Điển hình là công tác tổ chức Thế vận hội Olympic
Athens 2004, một thế vận hội hoành tráng nhất và tốn kém nhất trong lịch sử (chi
đến 12 tỷ Euro, cao hơn tới 10 tỷ so với dự kiến). Chỉ riêng ngân sách quốc gia năm
2004 đã thâm hụt tới 6,1% so với GDP trong khi giới hạn mà EU cho phép là 3%.
Bộ máy công quyền không ngừng lớn mạnh về số lượng, nhưng chất lượng,
hiệu quả công việc lại giảm đi rất nhiều. Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, trong năm
2009, Bộ này đã tuyển dụng tổng cộng khoảng 27.000 công chức mới, trong khi số
lượng thực sự cần thiết chỉ chiếm 2/3. Rõ ràng, ngân sách quốc gia Hy Lạp đang
phải gánh chịu một lượng công chức khổng lồ mà không có cách nào giảm tải được
bởi trong Hiến pháp nước này có điều khoản cấm việc sa thải công chức.
3.1.2. Chi tiêu kích cầu kinh tế sau khủng hoảng năm 2008 làm trầm
trọng thêm vấn đề nợ công.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tình trạng thất nghiệp trở nên tồi tệ
hơn, chi phí phúc lợi xã hội tăng cao. Chính phủ một số nước như Ireland hay Tây
Ban Nha cần phải tìm được nguồn tiền để vực dậy các ngân hàng. Việc gia tăng
mạnh chi tiêu từ ngân sách nhà nước, lương và chi phí hoạt động của bộ máy nhà
nước ở các cấp có xu hướng ngày càng phình to, các chương trình kinh tế, xã hội,
văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng không
ngừng tăng,… đặc biệt, hậu quả to lớn của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế
toàn cầu vừa qua đã buộc nhiều nước phải chi rất nhiều để khắc phục. Trong khi đó,

nguồn thu thuế hạn chế, chi phí đè nặng lên nhà nước. Mức chi phí này tăng cao đặc
biệt tại những nước từng chứng kiến bong bóng bất động sản bùng nổ.
3.1.3. Tình trạng tham nhũng tràn lan và có hệ thống
Trong các bảng xếp hạng của Chỉ số minh bạch về tham nhũng, Hy Lạp luôn
xếp ở một trong những nước có chỉ số minh bạch thấp nhất. Theo tính toán, hàng
8
năm, nạn tham nhũng ở Hy Lạp đã lấy đi khoảng 10% GDP của nước này. Ngoài ra
là tình trạng thất thu thuế, tại Hy Lạp với dân số hơn 11 triệu người nhưng lại chỉ có
khoảng 15 nghìn người kê khai có mức thu nhập trên 100.000 euro, con số được
đưa ra là không đáng tin cậy.
3.1.4. Tiết kiệm trong nước thấp dẫn tới vay nợ nước ngoài cho chi tiêu
công.
Tỷ lệ tiết kiệm trong nước bình quân của Hy Lạp chỉ ở mức 10 – 12% GDP
thập niên 90 của thế kỷ XX, thấp hơn nhiều so với mức 22% GDP trong khối EU.
Tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Bồ Đào Nha cũng chỉ vào khoảng 15 – 16% GDP. Tây
Ban Nha và Italia có tỷ lệ tiết kiệm nội địa ở mức trung bình của toàn khối và đang
có xu hướng sụt giảm nhanh chóng. Do vậy, đầu tư trong nước phụ thuộc khá nhiều
vào các dòng vốn đến từ bên ngoài; Lợi tức trái phiếu liên tục giảm nhờ việc gia
nhập Liên minh châu Âu (năm 1981) và làn sóng bán tháo trái phiếu từ dân chúng
đã làm giảm kênh huy động vốn buộc Chính phủ Hy Lạp phải tăng cường vay nợ
nước ngoài để đảm bảo cho chi tiêu công.
 Hậu quả là ngân sách các nước này năm nào cũng bị bội chi. Thâm hụt
ngân sách liên tục tăng cao.
Bảng 1: So sánh rủi ro nợ công các nước
Quốc gia
Thâm hụt
ngân sách
2010 (%
GDP)
Nợ/GDP

2010
Nợ nước
ngoài (%
tổng nợ)
Nợ ngắn
hạn (%
GDP)
Tài khoản
vãng lai
2010 (%
GDP)
Hy Lạp -12.2 124.9 77.5 20.8 -10.0
Bồ Đào Nha -8.0 84.6 73.8 22.6 -9.9
Ireland -14.7 82.6 57.2 47.3 -1.7
Italy -5.3 116.7 49.0 5.7 -2.5
Tây Ban Nha -10.1 66.3 37.0 5.8 -6.0
9
Anh -12.9 80.3 22.1 3.3 -2.0
Mỹ -12.5 93.6 26.4 8.3 -2.6
Nguồn: European Commission, World Bank, IMF
Cụ thể đến năm 2010, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp đạt đến mức 12,2%
(theo quy định của EU, mức thâm hụt ngân sách ở các nước thành viên không được
quá 3%). Với mức thâm hụt lớn như vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi tổng số nợ
quốc gia của Hy Lạp lên tới con số 300 tỷ euro vào năm 2010, tương đương với
124,9% GDP một năm của Hy Lạp. Con số này không chỉ làm Chính phủ Hy Lạp lo
ngại mà ngay cả EU cũng phải vội vã tìm cách trợ giúp để cứu vãn nền kinh tế Hy
Lạp, tránh một sự phá sản Nhà nước có thể ảnh hưởng dây chuyền tới tất cả các
nước thành viên trong EU. Điều tương tự xảy ra với các nước còn lại dẫn đến tình
trạng khủng hoảng nợ xuất hiện.
3.2. Tổ chức tài chính và điều hành kinh tế của EU không có cơ chế kiểm

soát, không có công cụ trừng phạt các nước thành viên vi phạm hiệp
ước
Tham vọng tạo ra một khối kinh tế chung có sức ảnh hưởng đã khiến cho các
thành viên sáng lập EU lúc bấy giờ muốn có càng nhiều thành viên càng tốt. Điều
đó khiến các tham vọng chính trị va vấp với những thực trạng về nền kinh tế các
quốc gia. Bất chấp tất cả, các quốc gia châu Âu làm đẹp sổ sách bằng mọi giá để kịp
tiến độ gia nhập.
Theo tiêu chuẩn quy định đối với các thành viên trong nhóm được thông qua
như một phần của liên hiệp kinh tế và tiền tệ này thì nợ chính phủ không được vượt
quá 60% GDP vào cuối mỗi năm tài chính và thâm hụt ngân sách của chính phủ
hàng năm không được vượt quá 3% GDP. Tuy nhiên chỉ có 2 trong số 16 quốc gia
thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu là Phần Lan và Luxembourg đáp ứng đầy
đủ hai tiêu chí trên.Rõ ràng, mặc dù đã có những quy định cụ thể về mức thâm hụt
ngân sách cũng như nợ công, nhưng lại không có một cơ chế giám sát và quản lý
hiệu quả đối với từng quốc gia thành viên.
Lúc đó, con số thâm hụt 4% của Hy Lạp khiến một số người nghi ngờ. Thần
kỳ hơn khi Hy Lạp giảm được mức thâm hụt xuống còn 2,5% vào năm 1998 và dự
báo lúc bấy giờ nói thâm hụt chỉ còn 1,9% vào năm 1999. Cả châu Âu đã hoan hô
thành tích này, tung hô Hy Lạp như một câu chuyện thần kỳ khiến một số nước phải
10
ngưỡng mộ. Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha cũng cố gắng “đạt thành tích” thâm
hụt chỉ 3%.
Quả đúng như người ta nghi ngờ: Tháng 3 năm 2000, dưới một tiêu chuẩn kế
toán mới, cho thấy thâm hụt thực sự của Hy Lạp vào năm 1998 là 3,2%. Đến năm
2004 một báo cáo khác lại chỉ ra con số thâm hụt của Hy Lạp vào năm 1998 là
4,3%, bởi Hy Lạp đã nhập nhằng tiền chi tiêu mua sắm công với viện trợ chính phủ
đến 2 tỉ Euro.
Không chỉ thế, Hy Lạp còn cố ý không tính đến một số chi tiêu quân sự cũng
như y tế trong tổng chi chính phủ. Ngược lại, quốc gia này còn xem một số viện trợ
từ châu Âu là khoản thu vào của chính phủ. Với cách này, Hy Lạp đã “bùa” thâm

hụt ngân sách năm 2003 một cách khó tin. Vào tháng 3/2004, Hy Lạp công bố thâm
hụt ngân sách 2,6 tỉ euro tương đương 1,7%, tức thấp hơn nhiều so với mức trung
bình của EU là 2,7%. Điều đó khiến nhiều người nghi ngờ và EU gây áp lực khiến
Hy Lạp công bố lại.
Dưới áp lực từ châu Âu, Hy Lạp công bố là 3,2% bởi trước đó đã tính các trợ
cấp thuế ước tính của châu Âu vào nguồn thu chính phủ. Bốn tháng sau đó, Hy Lạp
thừa nhận đã bỏ qua một số khoản chi tiêu quân sự, tính cao lên giá trị thặng dư an
sinh xã hội cùng lãi suất thấp đi, nên con số thực phải là 4,6%. Đến tháng 3 năm
2005, Hy Lạp thông báo thâm hụt của năm 2003 là 5,2%. Và trong lần công bố cuối
cùng vào cuối năm đó, con số tăng lên mức 5,7%. Sau 18 tháng, số liệu thâm hụt
năm 2003 đã tăng từ 2,6 tỉ lên 8,8 tỉ Euro.
Theo ông Jean-Pierre Jouyet, chủ tịch uỷ ban Giám sát thị trường chứng
khoán Pháp và là cựu cố vấn trưởng của chủ tịch Uỷ ban châu Âu, vấn đề của Hy
Lạp cũng cho thấy thể chế tài chính của EU không đủ năng lực và chuyên môn để
kiềm chế những thành viên không tuân thủ hiệp ước của khối. Liên minh tiền tệ
EUROZONE đã được xem là công cụ cho liên minh chính trị, nên các sáng lập viên
chẳng hề quan tâm nhiều đến chuyện trừng phạt thành viên vi phạm quy chế chung.
Năm 1996, khi thảo luận xem liệu có cần thiết có những công cụ trừng phạt
những thành viên vi phạm hay không, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ
tướng Đức Helmut Kohl cho rằng nên dựa vào ý thức, và cuối cùng EU ủng hộ chủ
trương này. EU cho rằng các quốc gia sẽ phải tự điều tiết lấy. Không chỉ Hy Lạp,
vào năm 2002 đến 2004, Pháp và Đức vượt chuẩn thâm hụt thì các quốc gia EU
11
khác không có hành động gì. Chỉ đến khi Hy Lạp kêu van và lo sợ đồng Euro chết
yểu thì EU mới vào cuộc.
3.3. Áp dụng đồng tiền chung cho cả 17 quốc gia với trình độ phát triển
khác nhau nhưng không phối hợp chính sách kinh tế.
Về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, ngoài nguyên nhân
trực tiếp là do các quốc gia mắc nợ công cao (Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha…) đã
thiếu trách nhiệm đi vay quá nhiều do được hưởng lãi suất ưu đãi với tư cách là

thành viên của khối Eurozone và chỉ tiêu thiếu kiểm soát, còn có nguyên nhân sâu
xa, nằm ở chính bản thân khối đồng tiền chung châu Âu. Khi một đồng tiền đơn lẻ
lại có thể làm đại diện chung cho cả 17 quốc gia có trình độ phát triển khác xa nhau
với các thể chế chính trị cho đến kinh tế, thậm chí cả các tập đoàn buôn bán thương
mại cũng ở các mức độ rất chênh lệch.
Để bù đắp thâm hụt ngân sách, các quốc gia khu vực đồng euro phát hành
trái phiếu bằng euro, và EBC xem những trái phiếu này là không có rủi ro. Các ngân
hàng được phép nắm giữ bất kỳ trái phiếu quốc gia nào mà không cần phải trích vốn
chủ sở hữu để dự phòng. EBC đối xử với tất cả trái phiếu từ khu vực euro bình đẳng
như nhau theo chính sách cho vay khẩn cấp, điều này khiến cho các NHTM có động
cơ sở hữu trái phiếu của các nước yếu nhất trong Eurozone.
Và khi chỉ số tín dụng cấp quốc gia khác nhau ở các nước trong khối
Eurozone thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không thể áp dụng cùng một
mức lãi suất cho vay giống nhau đối với cả 17 nước này. Khi được hưởng mức vay
ưu đãi, dễ dàng ngang bằng với Đức, Pháp thì việc Hy Lạp hay Ailen vay quá mức
để chi tiêu là điều hiển nhiên. Vấn đề cốt lõi của khủng hoảng nợ công châu Âu là
do sự lầm tưởng của các nhà lãnh đạo, khi cho rằng việc sử dụng đồng tiền chung
euro không cần phải phối hợp chính sách kinh tế, không cần phải đặt ra vấn đề đồng
nhất các khoản ngân sách chi tiêu công.
3.4. Phóng đại khủng hoảng nợ công Eurozone của một số quỹ đầu tư có ý
đồ trên thị trường vốn quốc tế.
Các nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha,Tây Ban Nha và Italia liên tiếp phải đối mặt
với hoạt động đầu cơ tài chính rất cao. Mục đích của đầu cơ là làm tăng lãi suất trái
phiếu chính phủ cao nhất có thể để thu lời. Trong thời điểm xảy ra khủng hoảng,
12
các tổ chức tài chính như Alpha Bank, Bank of America-Merrill Lynch, ngân hàng
thương mại ING và Société Genérale có nhiều cơ hội đầu cơ.
Theo đó, các cơ quan đánh giá rủi ro nhắm tới các nước Nam Âu, đầu tiên là
Hy Lạp với nền kinh tế yếu, nợ công cao. Các cơ quan đánh giá Standard & Poor’s
và Fitch bắt đầu đánh giá nợ của Hy Lạp, hạ thấp trái phiếu của nước này thành trái

phiếu rác. Kể từ đó, lãi suất trái phiếu của chính phủ Hy Lạp không ngừng tăng, thị
trường chứng khoán Hy Lạp liên tục giảm. Cuối tháng 4/2010, Moody’s cảnh báo
nợ công của Hy Lạp, hạ tiếp trái phiếu chính phủ Hy Lạp. Các trái phiếu 10 năm lãi
suất tăng lên 8.74% và trái phiếu 2 năm lãi suất tăng lên 10%. Sau đó Standard %
Poor’s tiếp tục hạ trái phiếu chính phủ làm tăng lãi suất trái phiếu 10 năm lên 10%
vào cuối tháng 4/2010. Tiếp đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy
Lạp liên tục tăng cao lên 9.73% tháng 07/2010, và nhảy vọt lên 26.65%/năm ở
tháng 07/2011. Chuyên gia kinh tế Joseph Stiglitz cũng cho rằng, các cơ quan đánh
giá rủi ro như Standard & Poors (S&P), Moody’s và Fitch là nhân tố góp phần vào
sự bất ổn của các thị trường, đẩy các nước vào khủng hoảng.
Bên cạnh các cơ quan đánh giá rủi ro trên là việc IMF đưa ra báo cáo ngày
22/4/2010, theo đó nền kinh tế Bồ Đào Nha đang xấu đi. Kinh tế Bồ Đào Nha sẽ
tăng trưởng thấp hơn dự báo và sẽ không giảm được thâm hụt: thâm hụt công sẽ là
7,5% GDP, dự báo trước đó là 6,6% thất nghiệp sẽ ở mức từ 10-11%. Hậu quả, các
trái phiếu 10 năm của Bồ Đào Nha vượt qua ngưỡng 4,77%. Bên cạnh đó các luồng
thông tin và dư luận cho rằng nền kinh tế Tây Ban Nha là yếu kém và điều này đã
làm cho thị trường chứng khoán nước này sụt giảm nghiêm trọng. Sau Hy Lạp, Bồ
Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, các nhà đầu cơ bắt đầu chĩa mũi nhọn vào Pháp.
Việc làm này đã làm cho thị trường ngoại hối giảm mạnh.
Ngoài ra, tập đoàn đầu tư và đánh giá Moody’s “đổ thêm dầu vào lửa” khi
cảnh báo tài chính công của Mỹ và Anh đang xấu đi. Khi mối đe doạ khủng khoảng
nợ công của Hy Lạp có thể lan sang các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Italia và
Bồ Đào Nha… để đối phó với khủng khoảng, các nhà đầu tư buộc phải rời khỏi các
nước này, làm cho các nước rơi vào cảnh thiếu tiền. Vốn đầu tư bị rút khỏi Hy Lạp
không ngừng tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2010 đã có 8 đến 10 tỷ Euro bị rút
khỏi Hy Lạp, con số này cao hơn số tiền trái phiếu mà chính phủ Hy Lạp đã phát
hành lần gần nhất.
13
4. Tác động
4.1. Tác động của khủng hoảng nợ công đến nền kinh tế Châu Âu và Thế

giới
4.1.1. Khủng hoảng nợ công ảnh hưởng đến đồng EURO
Đầu tư vào đồng EURO, khi thị trường tài chính khu vực Châu Âu, với thành
viên Hy Lạp bất ổn, xu hướng đầu tư mạo hiểm thoái trào cũng là lúc trái phiếu, cổ
phiếu của các quốc gia Châu Âu và đồng tiền sử dụng trong khu vực kinh tề
Eurozone cũng bị giới đầu tư không ưa chuộng.
Điều này sẽ làm mất ổn định lãi suất liên ngân hàng của đồng Euro, khiến
nhà đầu tư mất lòng tin vào đồng tiền chung Euro và có thể liên đới đến các nước có
tình trạng nợ công tương tự như Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha. Vì vậy, một đợt
tháo chạy với quy mô lớn trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu các ngân hàng khu
vực châu Âu là hoàn toàn có thể. Điều này có thể gây nên hiện tượng tương tự như
“hòn tuyết lăn” hay hiệu ứng sụp đổ hàng loạt ở các nền kinh tế khác.
4.1.2. Khủng hoảng phủ bóng đen lên phục hồi kinh tế thế giới
Trước tiên, có thể thấy sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Âu sẽ chậm hơn
và khá khiêm tốn khi mà Đức và Pháp sẽ phải chia sẻ gánh nặng lớn từ gói cứu trợ
những thành viên khó khăn trong cộng đồng do vậy nguồn lực cho những chính
sách tài khóa trong nước họ sẽ ít hơn.
Sự hồi phục nhanh của kinh tế Mỹ vì thế cũng không chắc chắn, đặc biệt khi
tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trở lại gần mức 2 con số (9.9% trong tháng 4 từ mức 9.7%
trong thời gian này.
Một số nước cho vay trong khu vực lại lo ngại rằng các vấn đề của châu Âu
sẽ gây tác động tiêu cực tới toàn bộ hệ thống tài chính, khiến các ngân hàng thắt
chặt cho vay trong thời gian ngắn hạn và làm cho các khoản tiền cứu trợ của chính
phủ khó tiếp cận doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mặc dù châu Á dường như vẫn đủ mạnh mẽ để vượt qua những
rắc rối làm điên đảo Hy Lạp và châu Âu, song vẫn không thể không lo ngại về hậu
quả của cuộc khủng hoảng nợ nần này gây ra. Các thị trường chứng khoán châu Á
đã thiệt hại khá lớn do sự sụt giảm cổ phiếu ở Mỹ và châu Âu.
4.1.3. Giá vàng tăng mạnh
14

Những hệ quả ban đầu mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ công châu
Âu đang ngày một lan rộng. Điều này đã gây hoang mang và khiến các nhà đầu tư
trở về với kim loại quý như một giải pháp an toàn. Giá bạc trên thị trường cũng đạt
mức cao hơn, tuy nhiên giá bạch kim lại giảm. Vàng giao tháng 12/2009 tăng 5,5
USD, tương đương 0,4%, lên 1.357,8 USD/ounce. Giá bạc giao tháng 12 cũng tăng
28,2 cent, tương đương 1%, lên mức 27,461 USD /
ounce. Giá bạch kim giao tháng một tăng 15. 6
USD, đạt mức 1,655.5 USD / ounce.
4.1.4. Tỷ lệ thất nghiệp tăng
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay tiếp
tục nối dài chuỗi ngày khó khăn trên thị trường
việc làm. Tính đến tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp trong
khu vực Eurozone đạt 10%. Tây Ban Nha là quốc
gia khó tìm việc nhất cho giới trẻ khi tỷ lệ thất
nghiệp trong nhóm này lên tới 40%. Tỷ lệ này
cũng lên tới 2 con số tại Slovakia, Cộng hòa Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Pháp.
Biểu đồ (phải) cho thấy thu nhập bình quân của người lao động toàn thời gian tại
châu Âu trong năm 2009 (đơn vị: EUR, số liệu của Eurostat)
4.2. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đến nền kinh tế
Việt Nam
4.2.1. Xuất khẩu khó khăn
Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kéo theo một loạt hệ quả tất yếu: tốc độ phục
hồi kinh tế thế giới chậm lại, đặc biệt khu vực châu Âu sẽ phải chứng kiến tình hình
thất nghiệp và lạm phát tăng cao, đồng Euro mất giá, tăng trưởng GDP giảm sút,
làm cho thu nhập thực tế người dân và cầu tiêu dùng với hàng nhập khẩu giảm
mạnh.
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai
của Việt Nam chỉ sau Mỹ khi tiêu thụ khoảng 15,8% sản phẩm do Việt Nam sản
xuất trong năm 2010. Riêng 11 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam vào
EU đạt 16,5 tỉ USD, tăng trưởng khá cao với 45,4%. Năm 2012, với những dự báo

các nền kinh tế trong khu vực Eurozone sẽ tiếp tục khó khăn (thu nhập của người
15
dân suy giảm, lạm phát cao, gia tăng thất nghiệp ) dẫn đến xu hướng thắt chặt chi
tiêu dùng của người dân là chắc chắn. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ bị
ảnh hưởng nhất định.
Bên cạnh đó, các nước EU cũng tăng cường chính sách bảo hộ hàng sản xuất
trong nước, do đó hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp phải các rào cản từ vấn đề này
cũng như sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác. Tuy nhiên, có một lợi thế: các
mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU chủ yếu là nhu yếu phẩm như nông - lâm
- thuỷ sản, thực phẩm chế biến có giá thành khá rẻ, nên dự báo nhu cầu suy giảm
sẽ không cao. Nhưng riêng các mặt hàng khác như gỗ mỹ nghệ, may mặc, da giày
thì khả năng sẽ giảm sút bởi xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân
Theo số liệu tính toán từ mô hình ước lượng cho thấy, cuộc khủng hoảng nợ
công châu Âu sẽ có những tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của
Việt Nam, với mức suy giảm khoảng 1,7% GDP trong năm 2010, cao thứ ba chỉ sau
Trung Quốc (2,8%) và Anh (1,9%). Vì vậy, nếu không có những chính sách phản
ứng kịp thời hỗ trợ xuất khẩu thì triển vọng trung hạn đối với xuất khẩu của Việt
Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
4.2.2. Lãi suất cao, doanh nghiệp thiệt nặng
Do lo ngại tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ công, nhiều ngân hàng trung
ương các nước phát triển vẫn duy trì mức lãi suất sàn thấp lịch sử nhằm kích thích
sự phục hồi kinh tế và chấp nhận lạm phát trong chừng mực nhất định. Lãi suất cơ
bản tiệm cận 0% ở hầu hết các nước: FED (Mỹ): 0,25%; ECB (EU): 1%; BOE
(Anh): 0,5%; (Nhật Bản) 0,1%.
Ngược lại ở Việt Nam, lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay vẫn đứng ở
mức cao. Các doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất khoảng 14-16%/năm với kỳ
hạn ngắn và khoảng 14,5-17%/năm với kỳ hạn trung, dài hạn.
Nếu tính đến lạm phát ước cho năm 2010 là dưới 10%, doanh nghiệp phải
đạt mức tỷ suất lợi nhuận trên 24-27%, là mức cao so với tỷ suất lợi nhuận trên vốn
chủ sở hữu bình quân của các ngành trong năm 2009 (khoảng 20%).

4.2.3. FDI và tín nhiệm quốc gia suy giảm
Khủng hoảng nợ công châu Âu có thể tạo ra hai tác động trái chiều hoàn toàn
với luồng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu. Trong những quốc gia có trình độ phát
triển tương đương với các nước thuộc EU sẽ hưởng lợi do nguồn vốn FDI sẽ dịch
16
chuyển từ châu Âu sang các quốc gia này khi nhà đầu tư muốn tránh thuế thu nhập
doanh nghiệp đang có xu hướng tăng cao tại các quốc gia châu Âu.
Ngược lại, các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam lại hoàn toàn
không được hưởng lợi từ việc dịch chuyển luồng vốn FDI khỏi châu Âu do sự
chênh lệch quá lớn về trình độ công nghệ, trong khi luồng vốn từ các nhà đầu tư
châu Âu vào các quốc gia này giảm sút do cuộc khủng hoảng nợ.
Việt Nam hiện đang được đánh giá là nhóm các quốc gia đang phát triển mới
nổi (cùng với Indonesia, Nam Phi) và chỉ xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và
Nga. Nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) thì hiện chỉ số môi trường
kinh doanh của Việt Nam đang sụt giảm (xếp thứ 98 trong 183 nền kinh tế, tụt 8 bậc
so với năm 2010) thể hiện sự suy giảm lòng tin của các NĐT ngoài vào môi trường
kinh doanh tại Việt Nam. Sự sụt giảm này được nhận định một phần do Việt Nam
chịu những tác động từ thị trường quốc tế qua sự bất ổn của kinh tế Mỹ và khủng
hoảng nợ châu Âu.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã khiến các NĐT cũng như
các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quan tâm hơn đến vấn đề nợ công của các quốc gia
đang phát triển trên thế giới. Ba nhóm chỉ tiêu căn bản cảnh báo bao gồm: (i) nợ
quá nhiều thể hiện ở chỉ số nợ công/GDP cao, (ii) chi tiêu quá mức thể hiện ở mức
thâm hụt ngân sách lớn so với GDP và (iii) tốc độ tăng GDP sụt giảm. Năm 2011,
với mức nợ công chiếm 54,6% GDP, bội chi ngân sách ở mức 4,9% GDP, Việt
Nam đang được các tổ chức tín nhiệm đánh giá có mức độ rủi ro cao nhất so với
các nước trong khu vực ASEAN với mức tín nhiệm của S&P là BB- (giảm so với
đầu năm là BB). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút các nguồn
vốn đầu tư, nguồn vốn vay nước ngoài, mà còn gia tăng chi phí vay cho các khoản
tín dụng từ các tổ chức tài chính thế giới.

4.2.4. Giá vàng bùng nổ hút vốn đầu tư
Các nhà đầu tư trên thế giới tìm vàng như một nơi trú ẩn an toàn trước nguy
cơ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ngày một lan rộng, làm cho giá vàng trong thời
gian qua tăng mạnh, lên mức trên 1.300 USD/ounce. Điều này phản ánh nhu cầu về
dự trữ an toàn hơn so với đồng tiền giấy, sau khi nhiều cá nhân và tổ chức ở châu
Âu, châu Á đua nhau mua vàng, mua bạch kim và bạc.
17
Việc giá vàng tăng cùng với xu hướng tăng mạnh của đồng USD là điều ít
khi xảy ra. Rất có thể sẽ tăng tới một kỷ lục mới trong thời gian tới và tạo sự tách
biệt hoàn toàn giữa giá tài sản vàng và các tài sản khác.
Điều này sẽ tác động xấu đến đầu tư toàn thế giới và Việt Nam bởi một khi
vàng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của các tổ chức thì cũng đồng nghĩa
với việc các danh mục khác như cổ phiếu, trái phiếu sẽ bị giảm mạnh. Như vậy,
luồng vốn đầu tư gián tiếp càng trở nên hạn chế.
4.2.5. Tăng rủi ro hối đoái và biến động tỷ giá
Khủng hoảng nợ châu Âu cũng tạo ra những biến động khó lường về tỷ giá.
Đồng USD và đặc biệt là đồng Yên tiếp tục đà tăng mạnh so với đồng Euro do tính
an toàn từ phía các đồng tiền này. Từ khi cuộc khủng hoảng có dấu hiệu nghiêm
trọng, đồng Euro mất giá tương đối so với USD.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh trong khi thâm hụt thương mại của Việt
Nam gia tăng, cộng với thời điểm đáo hạn của các khoản vay tín dụng ngoại tệ, đã
gia tăng sức ép tăng rủi ro hối đoái và biến động tỷ giá vào các tháng cuối năm
2010.
Thêm vào đó, đồng USD tăng giá tương đối so với EUR sẽ làm giảm sức
cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào khu vực EU do chủ yếu hàng xuất
khẩu được tính giá bằng USD. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên trong khi thâm
hụt thương mại của Việt Nam sẽ gây áp lực lên dự trữ ngoại hối quốc gia.
 Với những tác động khá lớn trên, các chuyên gia kinh tế cũng đã có
những khuyến nghị đối với Chính phủ cũng như các DN hoạt động trong các lĩnh
vực có liên quan: đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng là nhu yếu phẩm, nông lâm

thuỷ sản, thực phẩm chế biến, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu thông
qua việc cải tiến chất lượng sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị
trường… để xuất khẩu của Việt Nam không bị giảm mạnh về giá trị.
Ngoài ra, cần cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh
bạch hóa và đảm bảo quyền lợi của NĐT cũng như ổn định về kinh tế vĩ mô và cơ
sở hạ tầng nhằm nâng cao uy tín quốc gia cũng như hạn chế sự suy giảm các nguồn
lực bên ngoài vào hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước. Nếu có những giải pháp cụ thể
giải quyết một cách triệt để các vấn đề nêu trên, những thách thức đó sẽ trở thành cơ
hội cho Việt Nam khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
18
5. Sự can thiệp của Eurozon và phản ứng từ các chính sách của các nước
thành viên
Nếu sự sụp đổ của đồng tiền chung châu Âu diễn ra, thì đó sẽ là thảm họa
kinh tế tác động đến các quốc gia trong khối Eurozone nói riêng và ảnh hưởng tiêu
cực đến các quốc gia khác trên toàn thế giới nói chung. Do vậy, việc kéo các quốc
gia châu Âu ra khỏi tình trạng khủng hoảng nợ công là việc làm cần thiết. Tuy
nhiên, thực hiện nhiệm vụ này là việc làm khó khăn, tốn kém.
Để hỗ trợ các quốc gia trong khối Eurozone vượt qua khủng hoảng, tháng
5/2010 EU đã thành lập Quỹ bình ổn tài chính châu Âu EFSF (European Financial
Stability Facility). Đây là Quỹ có giá trị 440 tỷ Euro được lập ra nhằm giúp các
quốc gia khủng hoảng tài chính vượt qua khó khăn thông qua các khoản cho vay và
bảo lãnh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng mở rộng và diễn biến
phức tạp, tháng 02/2012 các nước EU đã thống nhất thay thế Quỹ Bình ổn tài chính
châu Âu bằng “Cơ chế Bình ổn châu Âu” (ESM). Nhiệm vụ của ESM là hỗ trợ tài
chính cho các thành viên Eurozone vào thời điểm khó khăn nhằm duy trì sự ổn định
tài chính của khu vực. Các nước thành viên Eurozone đang gặp khó khăn về tài
chính sẽ có thể vay tiền từ ESM để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công. Đổi lại,
những nước này phải tiến hành các cải cách tài chính và tái cơ cấu nhằm lấy lại
niềm tin nơi các nhà đầu tư. Ngoài việc cứu trợ các nước gặp khó khăn, ESM còn
có thể bơm tiền trực tiếp cho những ngân hàng thiếu vốn trong Eurozone, đồng thời

cũng được phép mua trái phiếu tại thị trường thứ cấp, nhằm giúp giảm sức ép đối
với các nước Eurozone gặp khó khăn khi phải vay mượn tiền với lãi suất quá cao.
Khủng hoảng nợ công do các quốc gia thành viên Eurozone gây nên. Do đó,
bên cạnh sự hỗ trợ của EU và IMF, các quốc gia thành viên phải có những nỗ lực
của riêng mình. EU đã yêu cầu các quốc gia này có những lộ trình rõ ràng và chi tiết
nhằm cắt giảm việc thâm hụt ngân sách.
Tại Hy Lạp, kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách được hoạch định thành 5 đợt,
cụ thể như sau:
Đợt đầu tiên vào tháng 02/2010, chính phủ quyết định không tăng lương
công chức, cắt giảm 10% phụ cấp, cắt lương làm thêm giờ…
Đợt thứ hai diễn ra vào tháng 03/2010, tiền phụ cấp giảm tiếp 12%, lương
công chức cũng giảm 7%, thuế giá trị gia tăng tăng từ 19% lên 21%, cùng hàng loạt
các loại thuế mới được đặt thêm.
19
Đợt thứ 3 diễn ra vào tháng 05/2010. Lần này chính phủ giảm cả lương hưu,
tăng tuổi về hưu, thuế giá trị gia tăng lại tăng tiếp lên 23%.
Sang đến giữa năm 2011, lương hưu lại tiếp tục bị cắt giảm, các đối tượng có
thu nhập cao bị đánh thuế mạnh hơn, cùng với việc gia tăng thuế bất động sản cùng
các tài sản có giá trị khác.
Cuối cùng đầu năm 2012, chính phủ lại tiếp tục cắt giảm tiền lương tối thiểu,
sửa đổi luật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh nhiều hơn và sa thải
được nhiều nhân công hơn, các chi tiêu cơ bản cho y tế và quốc phòng cũng bị cắt
giảm.
Tương tự như Hy Lạp, Ireland cũng phải thi hành những chính sách cứng rắn
và khắc khổ để cắt giảm chi tiêu công và gia tăng nguồn thu ngân sách của mình.
Cụ thể thông qua việc giảm lương tối thiểu, cắt giảm biên chế trong các tổ chức
công, tăng thuế giá trị gia tăng, đánh thuế mạnh vào bất động sản và các tài sản có
giá trị, đồng thời thiết lập hàng loạt các loại thuế mới. Bên cạnh đó, Ireland cũng bắt
tay vào việc tái thiết lại hệ thống ngân hàng. Các quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Ý
hay Tây Ban Nha cũng đều phải thực hiện những chính sách tương tự.

6. Bài học
Thứ nhất, các nước Asean sắp tới sẽ thành lập một cộng đồng kinh tế (cộng
đồng kinh tế Asean - chung như mô hình của khu vực châu Âu. Do vậy, việc ngăn
ngừa khủng hoảng nợ công của các nước trong cộng đồng là việc làm cần thiết để
có thể ngăn ngừa được tính lan truyền đến các nền kinh tế trong khu vực. Bởi lẽ khi
đã thành lập một khu vực kinh tế có nghĩa là mức độ thông suốt và phụ thuộc vào
nhau sẽ rất lớn. Các yếu tố về nguồn vốn, nhân lực sẽ được khuếch đại lên nhiều lần
để dạt được lợi thế trong sản xuất, thương mại. Tuy vậy, việc khuếch đại như vậy
cũng có nghĩa là khi xảy ra khủng hoảng thì nó cũng khuếch đại lên nhiều lần, cũng
như mức độ thiệt hại sẽ nhiều hơn. Do đó, ta phải có cơ chế để ngăn ngừa và cách ly
các nước có nguy cơ bị đổ vỡ do nợ công để nó không lan truyền sang các nước
khác. Ta có thể thấy kinh nghiệm của châu Âu là bài học kinh nghiệm cho chúng ta,
dù chưa biết nó có hiệu quả hay không. Các cách để cộng đồng này có thể áp dụng
được khi gặp khó khăn về nợ công là:
• Tăng trưởng kinh tế
20
• Điều chỉnh tài khóa – Thắt chặt
• Chính thức vỡ nợ hoặc cơ cấu lại nợ
• Tạo ra lạm phát
• Tạo ra suy thoái tài chính lẫn lạm phát.
Thứ hai, Khi nhìn vào thực tế nợ công tại châu Âu thì có thể rút ra một số
gợi ý để giải quyết vấn đề nợ công tại Việt Nam. Chính phủ phải thường xuyên
đánh giá mức độ quản lý nợ, sự minh bạch, sử dụng ngân sách hợp lý, chính sách
kinh tế hài hòa và tăng cường giám sát thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân
các cấp. Một chính phủ có tài chính tốt là tiền đề cơ bản để ngăn ngừa khủng hoảng
nợ. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải xây dựng lòng tin ở các nhà đầu tư để ổn
định hóa dòng vốn và, nếu có khủng hoảng thì việc tiếp cận thị trường vốn cũng dễ
dàng hơn. Thị trường trái phiếu trong nước nhờ đó mới được phát triển để hỗ trợ
cho hệ thống tài chính công phát triển.
Thứ ba, trong một thế giới phát triển, khủng hoảng nợ không chỉ là vấn đề

của một quốc gia đơn thuần; mà hơn thế nữa nó có thể bị gây ra bởi sự phụ thuộc về
hệ thống kinh tế của các nước. Do đó, Việt Nam cũng cần phải hợp tác với quốc tế
để phát triển các thể chế, hướng dẫn sự quản lý khu vực tài chính mang tính nhất
quán để ngăn ngừa khủng hoảng nợ, (ví dụ như các khoản cho vay chống lại chu kỳ,
quỹ đệm khu vực).
Cuối cùng, một bài học lớn phải được rút ra trong suốt quá trình quản lý,
ngăn chặn bùng nổ nợ công, cho đến giải quyết hậu quả trong trường hợp vỡ nợ là
bài học “Tự lực cánh sinh”, tự mình làm, tự mình chịu, khi ấy sẽ biết quý và thận
trọng từng đồng tiền trong chi tiêu. Ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Văn
phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam cho rằng có 3 bài học mà các nước
đang phát triển, trong đó có Việt Nam cần rút ra từ câu chuyện của Hy Lạp và
Ireland: “Tôi nghĩ có 3 bài học đặt ra cho Việt Nam. Thứ nhất là cần sử dụng các
khoản đầu tư công hiệu quả. Nếu bạn muốn vay tiền đầu tư vào lĩnh vực công, bạn
phải chắc chắn rằng đầu tư này có hiệu quả và giải quyết các nhu cầu thực sự của
nền kinh tế. Thứ 2 là một vấn đề hơi vĩ mô. Đó là mức thâm hụt ngân sách so với
nợ công. Ở trường hợp của Việt Nam, thâm hụt ngân sách của Chính phủ tăng khá
mạnh tổng thể lên tới hơn 9% GDP năm ngoái. Tôi nghĩ rằng phải giảm được thâm
21
hụt ngân sách đến một mức độ chấp nhận được. Điều thứ ba cần được thực hiện từ
khủng hoảng Hy Lạp và Ireland là chính phủ nên tăng cường sức cạnh tranh của nền
kinh tế. Bởi chỉ có tăng trưởng mới có thể chống được rủi ro và khủng hoảng”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoa Hữu Cường (2010), Khủng hoảng nợ công tai châu Âu, những tác động và
bài học đối với nền kinh tế Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 8.
2. Phương Nhung (2010), Bức tranh phúc lợi xã hội ở châu Âu hậu khủng hoảng
nợ công, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 9.
3. Nguyễn Nhâm (2010), Khủng hoảng nợ công ở châu Âu – phản ứng của các
nước lớn, Tạp chí nghiên cứu châu Âu, số 10.
4. Bài phỏng vấn của BTV Nguyễn Hà với TS.Nguyễn An Hà (2010), Khủng
hoảng nợ công EUROZONE, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 12.

5. Phạm Đỗ Chí (2010), Rút bài học sớm từ khủng hoảng nợ châu Âu, Thời báo
kinh tế Sài Gòn, ngày 11/6.
6. ATP Việt Nam (2010), Tác động từ khủng hoảng nợ châu Âu, ngày 19/5.
7. Hà Chí (2010), Đồng euro phải chăng đang gãy chết”, Vietnamnet, ngày 19/6.
8. Phạm Quốc Trụ, Nợ công tràn lan ở nhiều nước đe dọa nền kinh tế thế giới,
/>9. Phạm Thị Thanh Bình, Nợ công Hy Lạp – nguyên nhân và bản chất. Tạp chí
điện tử
/>co_id=30671&cn_id=452967
10. Châu Âu – nỗi lo nợ, />no/201012/161988.vov
11. TTXVN, Eurozone trước nguy cơ lâm khủng hoảng nợ công, Thứ sáu,
26/11/2010.
12. Khủng hoảng Hy Lạp đẩy ngân hàng châu Âu vào thế hiểm,
/>13. Khủng hoảng nợ nguy cơ lan rộng khắp châu Âu,
/>22
14. Những con nợ khổng lồ của thế giới, Nguồn: Báo điện tử doanh nhân
toàn cầu. />15. Những mốc chính của khủng hoảng nợ châu Âu,
/>au.htm
16. Toàn cảnh khủng hoảng tài chính châu Âu,
/>17. Các website: vnexpress.net; taichinhthegioi.com; vietnamnet;
tgvn.com.vn; sgttonline.com; tapchicongsan.org.vn; x-cafevn.org
23

×