KHÁI NIỆM LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
)
Trong khoa học pháp lý tồn tại quan điểm cho rằng cơ sở phát sinh trách nhiệm pháp luật
dân sự là các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật dân sự. Một trong những yếu tố cấu thành
đó là lỗi của người vi phạm. Theo nguyên tắc chung thì lỗi là điều kiện cần thiết để áp
dụng trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự. Chính vì vậy mà quy phạm về trách nhiệm
do có lỗi được đưa vào Bộ Luật dân sự. Khoản 1 Điều 309 Bộ Luật dân sự 1995 (BLDS)
quy định rằng, người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải
chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý trừ trường hợp có thoả thuận khác
hoặc pháp luật có quy định khác. Mặc dù pháp luật dân sự coi lỗi là điều kiện tiên quyết để
áp dụng trách nhiệm dân sự nhưng lại không đưa ra định nghĩa rõ ràng về lỗi. Điều này đã
gây ra một số bất cập trong việc xác định trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật dân
sự, đặc biệt là trong trách nhiệm dân sự liên đới.
Trong một số giáo trình luật dân sự cũng như trong một số ấn phẩm pháp lý khác các tác
giả định nghĩa lỗi như là căn cứ để xác định trách nhiệm dân sự dựa trên trạng thái tâm lý
và mức độ nhận thức của một người đối với hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó
gây ra [1]. Khi so sánh khái niệm lỗi ở trên với định nghĩa lỗi trong khoa học luật hình sự
cũng như so sánh khoản 2 Điều 309 BLDS 1995 với Điều 9 và Điều 10 Bộ Luật hình sự
1985 (BLHS) chúng ta nhận thấy rằng các tác giả trên và người soạn thảo khoản 2 Điều
309 BLDS 1995 đã lấy toàn bộ ý tưởng dùng để xây dựng yếu tố lỗi trong cấu thành tội
phạm được quy định trong BLHS. Theo quan điểm của chúng tôi thì cách xác định và đánh
giá lỗi để áp dụng trách nhiệm dân sự hoàn toàn khác với cách xác định và đánh giá lỗi để
truy cứu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là hai chế định
hoàn toàn khác nhau và được xây dựng trên những nguyên tắc hoàn toàn khác nhau, vì vậy
không thể xây dựng định nghĩa lỗi trong trách nhiệm dân sự dựa trên cơ sở định nghĩa lỗi
trong trách nhiệm hình sự.
Theo quan điểm của chúng tôi thì cần thiết phải có một định nghĩa đúng đắn về lỗi trong
pháp luật dân sự.
Theo Luật La Mã, lỗi (Culpa) là sự không tuân thủ hành vi mà pháp luật yêu cầu:
“Không có lỗi nếu như tuân thủ tất cả những gì được yêu cầu”. Trong Luật La Mã, lỗi cũng
được phân chia thành lỗi cố ý (dolus) và lỗi vô ý (culpa) và nói chung giống quy định của
khoản 2 Điều 309 BLDS Việt Nam. Tuy nhiên trong Luật La Mã có một điều khác biệt đó
là trong trường hợp lỗi cố ý thì thỏa thuận của các bên về miễn trừ trách nhiệm không có
hiệu lực. Trong Luật La Mã lỗi vô ý được nói đến nhiều hơn bởi rằng lỗi cố ý đã quá rõ
ràng để áp dụng trách nhiệm. Được coi là lỗi vô ý nếu như không nhìn thấy trước được
những gì mà mọi người chu đáo, cẩn thận có thể nhìn thấy. Lỗi vô ý cũng được chia thành
hai loại. Lỗi vô ý không đáng kể tức là người có lỗi không thể hiện mức độ quan tâm chu
đáo mà một người chủ nhân hậu hay một người đứng đầu chu đáo phải có. Lỗi vô ý
nghiêm trọng tức là khi người có lỗi không thể hiện được mức độ quan tâm cần phải có ở
tất cả mọi người trong hoàn cảnh tương tự, mà trong hành động (không hành động) của họ
không thể hiện được sự hiểu biết tất cả những gì mà những người bình thường khác đều
biết được [2].
Các Luật gia La Mã xây dựng kiểu người chu đáo và cần mẫn để làm tiêu chuẩn khi xác
định mức độ quan tâm, chu đáo của người vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình
cũng như mức độ trách nhiệm của họ. Vì lỗi vô ý không đáng kể là sự không tuân thủ
những tiêu chuẩn do các luật gia La Mã quy định nên loại lỗi này được gọi là lỗi theo tiêu
chuẩn trừu tượng.
Các nhà làm luật La Mã còn nói đến một loại lỗi vô ý nữa tức là lỗi được xác định theo tiêu
chuẩn cụ thể. Khi người vi phạm không thực hiện sự quan tâm phải có như khi thể hiện nó
trong công việc của mình.
Như vậy Luật La Mã không đả động gì đến trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi
của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra khi xác định lỗi. Chúng ta thấy rằng các luật gia
La Mã trên cơ sở các điều kiện thực tế thời bấy giờ đã đưa ra khái niệm lỗi hợp lý trong
trách nhiệm dân sự.
Khái niệm lỗi trong Luật dân sự cũng như trong khoa học pháp luật dân sự của các
nước Châu Âu lục địacơ bản giống với khái niệm lỗi được định nghĩa trong luật dân sự
La Mã. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi rằng các hệ thống pháp luật nói trên được xây dựng
trên cơ sở các quy định của Luật La Mã.
Pháp luật của các nước Châu Âu lục địa coi lỗi của người vi phạm nghĩa vụ là điều kiện cơ
bản của trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ. Luật dân sự của các nước này xuất pháp
từ nguyên tắc suy đoán có lỗi, tức là người vi phạm phải chứng minh rằng mình không có
lỗi. Ví dụ: Điều 1147 BLDS Cộng hòa Pháp, Mục 282 BLDS của Đức, đều quy định:
người có quyền chỉ phải chứng minh rằng người có nghĩa vụ không thực hiện hay thực
hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Mặc dù pháp luật của các nước nói trên không định nghĩa khái niệm lỗi, nhưng có quy định
các hình thức lỗi khác nhau: Cố ý và vô ý. Để phân biệt các hình thức lỗi, người ta sử dụng
tiêu chí là mức độ quan tâm chu đáo mà người có nghĩa vụ cần phải thể hiện khi thực hiện
nghĩa vụ. Ở đây các nhà làm luật không nói đến khả năng của một người có nghĩa vụ cụ
thể mà chỉ nói đến những tiêu chuẩn trừu tượng: Đó là sự thể hiện sự quan tâm lo lắng phù
hợp với tập quán lưu thông dân sự hoặc đặc trưng của người chủ cần mẫn. Trong luật dân
sự của Đức tiêu chuẩn quan tâm đúng đắn của thương gia lương thiện được sử dụng để xác
định lỗi của người vi phạm nghĩa vụ (Mục 346 BLDS Đức). Trong một số nghĩa vụ riêng
biệt mang tính chất không hoàn lại người ta sử dụng tiêu chí ít khắt khe hơn trong việc
đánh giá hành vi của người vi phạm nghĩa vụ, cụ thể là mức độ quan tâm mà người có
nghĩa vụ thể hiện trong công việc của chính mình, để thay thế cho tiêu chuẩn trừu tượng là
sự quan tâm đặc trưng của người chủ tốt hoặc phù hợp với tập quán của lưu thông dân sự
kinh tế. Quan điểm này được thể hiện trong các quy phạm điều chỉnh trách nhiệm dân sự
theo hợp đồng gửi giữ, ủy quyền và một số loại khác.
Đặc điểm chung của pháp luật các nước Châu Âu lục địa là trao cho các bên của quan hệ
nghĩa vụ quyền tự xác định cơ sở miễn trừ trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên theo nguyên tắc
thì thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm dân sự của các bên do lỗi cố ý được coi là không có
hiệu lực. Ví dụ: Mục 276 BLDS Đức.
Trong mọi trường hợp khi người vi phạm muốn được miễn trách nhiệm do không thực
hiện nghĩa vụ thì họ phải chứng minh rằng mình không có lỗi. Theo nguyên tắc, người vi
phạm nghĩa vụ đạt được mục đích này chỉ trong trường hợp nếu họ chứng minh được rằng
nghĩa vụ không được thực hiện là do những yếu tố khách quan không phụ thuộc họ gây ra.
Điều này có nghĩa là các yếu tố khách quan nói trên làm cho việc thực hiện nghĩa vụ trở
thành không thể được. Các yếu tố miễn trừ trách nhiệm dân sự của người vi phạm nghĩa vụ
do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo pháp luật của các nước Châu
Âu lục địa được gọi là yếu tố bất khả kháng.
Theo nguyên tắc này, người vi phạm được miễn trừ trách nhiệm nếu chứng minh được
rằng việc thực hiện nghĩa vụ là hoàn toàn không thể được. Luật pháp và thực tiễn xét xử ở
các nước này luôn theo nguyên tắc: Pacta sunt servanda (ví dụ Điều 1134 BLDS Pháp), tức
là không có lỗi, không có trách nhiệm. Tòa án không xem xét những viện cớ của người vi
phạm nghĩa vụ về các lý do như: sự thay đổi giá cả thị trường, điều kiện kỹ thuật, việc
người thứ ba không thực hiện nghĩa vụ đối với người vi phạm, và những yếu tố khác làm
cho việc thực hiện nghĩa vụ trở nên khó khăn hơn. Nguyên tắc Pacta sunt servanda phù hợp
với các nước công nghiệp phát triển bởi vì nền kinh tế ở các nước này tương đối ổn định,
không có những cuộc khủng hoảng trầm trọng, sự tự do cạnh tranh được pháp luật bảo đảm
ở một mức độ cao [3].
Khác với pháp luật của các nước châu Âu lục địa, pháp luật của các nước Anh –
Mỹ không coi lỗi là điều kiện tiên quyết để áp dụng trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ. Mức
độ và hình thức của lỗi hoàn toàn không có ý nghĩa trong việc xác định phạm vi mức độ
của trách nhiệm.
Trên góc độ pháp lý đối với người vi phạm nghĩa vụ hoàn toàn không quan trọng khi sự vi
phạm là có chủ ý, vô ý hay hoàn toàn không có lỗi. Những ngoại lệ của nguyên tắc này
không đề cập đến những quy định chủ yếu của trách nhiệm dân sự. Lỗi chỉ được xem xét
khi xác định phạm vi bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm ngoài hợp đồng, nhưng chỉ
trong một số trường hợp. Như vậy nguyên tắc lỗi không ảnh hưởng đến phạm vi bồi
thường thiệt hại vẫn là nguyên tắc bất biến.
Nguyên tắc cơ bản của pháp luật Anh là hợp đồng phải được thực hiện trong mọi trường
hợp và không phụ thuộc vào lỗi của người vi phạm. Nếu một người nào đã nhận lấy nghĩa
vụ theo hợp đồng thì không thể từ chối thực hiện nó. Nguyên tắc này được gọi là trách
nhiệm tuyệt đối. Trách nhiệm tuyệt đối về mặt lôgic xuất phát từ nội dung và bản chất của
hợp đồng trong luật pháp Anh. Hợp đồng được coi như là lời hứa, sự đảm bảo của bên con
nợ đối với chủ nợ. Ở đây con nợ không phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thực tế mà chỉ
bảo đảm việc nhập vào tài sản của chủ nợ một số tiền nhất định. Theo quan điểm này thì
việc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ không thể xảy ra, bởi vì tiền bao giờ cũng có
thể trả được, trừ trường hợp con nợ bị phá sản.
Pháp luật Mỹ không điều chỉnh thủ tục áp dụng các hình thức lỗi khác nhau đối với một số
loại nghĩa vụ hợp đồng riêng biệt mà quy định cơ sở miễn trừ trách nhiệm do không thực
hiện nghĩa vụ. Ví dụ: Điều 2 – 613 Bộ Luật thương mại thống nhất của Mỹ quy định rằng
để thực hiện hợp đồng cần phải có hàng hóa tại thời điểm ký kết hợp đồng. Trong trường
hợp hàng hóa bị thiệt hại không phải do lỗi của bất kỳ một bên nào trước thời điểm rủi ro
được chuyển cho người mua, nếu hàng hóa bị thiệt hại toàn bộ thì hợp đồng mất hiệu lực;
nếu hàng hóa bị thiệt hại một phần và không còn phù hợp với điều kiện của hợp đồng thì
người mua có thể yêu cầu kiểm tra hàng hóa và theo sự lựa chọn của mình hoặc coi hợp
đồng mất hiệu lực hoặc tiếp nhận hàng hóa và yêu cầu giảm giá, tuy nhiên trong trường
hợp này người mua sẽ mất quyền yêu cầu đối với người bán về chất lượng của hàng hóa.
Tóm lại, pháp luật Anh - Mỹ không coi lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự, vì vậy
họ không đưa ra định nghĩa khái niệm lỗi. Còn Luật La Mã và các nước Châu Âu lục địa
coi lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự, tuy nhiên họ không định nghĩa lỗi trên cơ sở
trạng thái tâm lý của chủ thể mà khi xem xét lỗi họ dựa trên tiêu chuẩn mức độ quan tâm
của chủ thể đến việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Trở lại với khái niệm lỗi trong khoa học pháp lý cũng như trong pháp luật dân sự
Việt Nam. Theo quan điểm của chúng tôi trong Luật dân sự không thể coi lỗi là trạng thái
tâm lý, là nhận thức của chủ thể đối với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra. Ví dụ
theo hợp đồng mua bán hàng hóa thì người mua phải trả tiền khi nhận hàng. Nếu người
mua không trả tiền tức là có lỗi và phải chịu trách nhiệm dân sự do luật định. Không thể
dùng trạng thái tâm lý để định giá lỗi của người mua như quan niệm truyền thống về lỗi.
Để xác định lỗi của người mua chúng ta sử dụng tiêu chí khác, tiêu chí đó là đối với người
bình thường khi mua hàng thì phải thanh toán, thế nhưng người này đã không thanh toán
tiền mua hàng, vì vậy bị coi là có lỗi, lỗi này được coi là lỗi cố ý. Một ví dụ khác, một
người cho người khác (không có bằng lái) mượn xe máy nhưng không hỏi người này có
bằng lái hay chưa, và người này khi lưu thông gây tai nạn. Đương nhiên theo luật thì người
cho mượn xe phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cùng người mượn xe.
Chúng ta hãy xem xét lỗi của từng người. Lỗi của người cho mượn xe là không xử sự như
những người bình thường khác, tức là đã không quan tâm đến việc người mượn xe có bằng
lái hay không, rõ ràng lỗi ở đây được thể hiện bằng mức độ quan tâm chứ không phải sự
nhận thức đối với hành vi. Giả sử người cho mượn xe biết người mượn xe không có bằng
lái nhưng vẫn cho mượn thì theo quan niệm lỗi là trạng thái tâm lý thì người cho mượn
nhận thức được hành vi cho mượn của mình và nhận thức được hậu quả có thể xảy ra khi
người điều khiển xe máy không có bằng lái. Sự nhận thức ở đây mang tính trừu tượng và
không dựa trên một tiêu chí cụ thể nào. Còn nếu xem xét lỗi là mức độ quan tâm của chủ
thể thì sẽ đơn giản hơn nhiều và có tiêu chí cụ thể để đánh giá sự quan tâm đó. Tiêu chí đó
được thể hiện là không một người bình thường nào lại cho người không có bằng lái mượn
xe máy khi mà theo quy định của pháp luật người điều khiển xe máy phải có bằng lái. Như
vậy người cho mượn xe đã không hành động như những người bình thường khác, vì vậy bị
coi là có lỗi.
Đối với người mượn xe xác định theo mức độ quan tâm cẩn thận của chủ thể thì tiêu chí để
xác định lỗi của người này là: Tất cả những người bình thường khác sẽ không điều khiển
xe máy phân khối lớn khi không có bằng, vì vậy không có bằng lái vẫn điều khiển xe máy
thì bị coi là có lỗi.
Trong Luật dân sự, nhiều trường hợp hành vi vi phạm nghĩa vụ diễn ra trong một quá trình
và có thể nói là không liên quan gì đến trạng thái tâm lý hay nhận thức của người vi phạm.