Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHÁP LUẬT: GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆC ĐẨY NHANH TỐC ĐỘ XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.67 KB, 11 trang )

GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆC ĐẨY NHANH
TỐC ĐỘ XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH
TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY
NGUYỄN VĂN HIỂN
Viện Nghiên cứu khoa học Pháp lý
Theo Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa
X thì việc xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội,
UBTVQH trong thời gian qua là chậm so với yêu cầu
của thực tiễn. Mặt khác, chất lượng của một số văn
bản luật, pháp lệnh chưa cao, chưa có tính khả thi,
vẫn còn có những nội dung mang nặng lợi ích cục bộ
của bộ, ngành, địa phương… chủ trì soạn thảo dự án.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng trên, Tờ trình
UBTVQH về dự kiến Chương trình xây dựng luật,
pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI
(2002-2007) nêu rõ “Một trong những nguyên nhân
của tình trạng nêu trên là Nhà nước ta chưa xây dựng
được chiến lược phát triển toàn diện hệ thống pháp
luật dài hạn; quy trình ban hành văn bản quy phạm
pháp luật tuy đã có đổi mới nhưng vẫn còn bất cập so
với yêu cầu thực tế; vai trò, trách nhiệm, tính tích
cực, chủ động của một số cơ quan chủ trì soạn thảo
và các cơ quan tham gia soạn thảo chưa cao; trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công
tác xây dựng pháp luật nói chung còn bị hạn chế, việc
kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm cho các ban soạn
thảo cũng chưa được tiến hành thường xuyên, kịp
thời”.
Theo chúng tôi, bên cạnh các nguyên nhân kể trên
còn có những nguyên nhân rất quan trọng không thể
không nhắc tới, đó là tính chuyên nghiệp trong công


tác xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao (điều này xuất
phát từ tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động của
Quốc hội, Chính phủ nước ta), còn thiếu một cơ chế
thu hút các chuyên gia giỏi, những người trực tiếp thi
hành pháp luật, chưa huy động được trí tuệ của nhân
dân, các tổ chức xã hội, hiệp hội nghề nghiệp vào
hoạt động xây dựng pháp luật.
Trước yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn thì việc đẩy
nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng xây dựng luật,
pháp lệnh là một nhu cầu cấp bách. Vậy giải pháp
nào cho việc đẩy nhanh tốc dộ xây dựng luật, pháp
lệnh? Làm thế nào để “mỗi năm ban hành được số
lượng văn bản pháp luật gấp 2 đến 3 lần so với hiện
nay?”1.
Xung quanh vấn đề này có khá nhiều quan điểm khác
nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng cần chuyển Quốc hội
sang hoạt động thường xuyên. Chúng tôi cho rằng,
quan điểm này chưa khả thi trong điều kiện hiện nay.
Việc chuyển Quốc hội sang hoạt động thường xuyên
sẽ động chạm đến các nguyên tắc lớn trong tổ chức
và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Việc thực hiện
các “giải pháp” này sẽ kéo theo sự thay đổi lớn trong
tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Do vậy,
các giải pháp trên cần có thời gian dài nghiên cứu
thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.
Quan điểm thứ hai cho rằng cần giảm dần “gánh nặng
lập pháp của Chính phủ”, đổi mới quy trình, cơ chế
làm luật theo hướng Quốc hội, UBTVQH chủ trì quá
trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh… Vấn đề này

cũng chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay. Mặc dù
Hiến pháp 1992 (sửa đổi) quy định Quốc hội có chức
năng lập hiến, lập pháp nhưng thực tế Quốc hội,
UBTVQH khó có thể trực tiếp chủ trì soạn thảo phần
lớn các dự án luật, pháp lệnh (bao gồm các khâu
chuẩn bị, dự thảo, lấy ý kiến và thông qua) mà thực
chất Quốc hội chỉ thông qua luật. Công việc chuẩn bị,
soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh chủ yếu do Chính
phủ đệ trình. Thực tế này cũng không ngoại lệ so với
công tác xây dựng pháp luật của nhiều nước trên thế
giới.
Như vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải đẩy
nhanh tốc độ xây dựng luật, pháp lệnh trong điều
kiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội như hiện nay
(Quốc hội không hoạt động thường xuyên, công tác
làm luật của Quốc hội chỉ được tiến hành qua 2 kỳ
họp thường kỳ hàng năm, công tác chuẩn bị các dự
án luật, pháp lệnh vẫn do Chính phủ đảm nhận là
chính) mà không làm xáo trộn lớn đến các nguyên tắc
tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đã được
quy định trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi) và các Luật
về tổ chức bộ máy nhà nước (Luật tổ chức Quốc hội
2001, Luật tổ chức Chính phủ 2001…).
Do vậy, theo chúng tôi, trong điều kiện hiện nay để
đẩy nhanh tốc độ xây dựng luật, pháp lệnh chúng ta
cần có những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế.
Qua nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, chúng tôi
mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
1/ Cần có sự thay đổi linh hoạt về mức độ, phạm vi
điều chỉnh của luật, pháp lệnh đối với các nhóm quan

hệ xã hội. Bên cạnh việc xây dựng các Bộ luật, luật
có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, điều chỉnh đồng bộ
một nhóm quan hệ xã hội như hiện nay, chúng ta
cũng cần ban hành các đạo luật linh hoạt hơn, phạm
vi điều chỉnh hẹp, tập trung vào những vấn đề bức
xúc nhưng cần thiết phải có sự điều chỉnh của luật.
Chẳng hạn ban hành các đạo luật chỉ liên quan đến
từng lĩnh vực thương mại cụ thể, từng lĩnh vực xử lý
vi phạm hành chính cụ thể… Đây cũng là cách làm
luật của nhiều nước trên thế giới và điều này là một
trong những lý do giải thích tại sao nghị viện của các
nước một năm có thể thông qua hàng trăm đạo luật2.
2/ Về phía Chính phủ (cơ quan chủ yếu chuẩn bị các
dự án luật, pháp lệnh) để đảm bảo đẩy nhanh tốc độ
và chất lượng các văn bản trước khi trình Quốc hội
thì việc soạn thảo các dự án cần mang tính chuyên
nghiệp hơn. Thực tế cho thấy, khi soạn thảo mỗi dự
án luật, pháp lệnh chúng ta lại thành lập một ban soạn
thảo “mang tính lâm thời”, do vậy chưa có tính
chuyên nghiệp trong việc soạn thảo các dự án. Để
khắc phục tình trạng này thì trong mỗi Bộ, cơ quan
ngang bộ cần phải có một Thứ trưởng phụ trách công
tác xây dựng pháp luật chuyên trách. Ở cấp Chính
phủ cần thành lập một Hội đồng Thứ trưởng của các
bộ, ngành. Hội đồng này có nhiệm vụ thảo luận,
chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh trước khi đưa ra cuộc
họp của Chính phủ. Ở cuộc họp của Chính phủ chỉ
thảo luận, quyết định những vấn đề mang tính quan
điểm, chính sách lớn và những vấn đề mà Hội đồng
Thứ trưởng còn có ý kiến khác nhau. Mặt khác,

Chính phủ cũng cần dành thời gian thích đánh để
xem xét và thông qua các dự án, bên cạnh các phiên
họp thường kỳ hàng tháng, Chính phủ có thể tổ chức
thêm các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
3/ Cần đổi mới cơ bản các nội dung thảo luận về dự
án luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ
Quốc hội, tránh trường hợp “làm văn tập thể” như
hiện nay, Quốc hội không xem xét các vấn đề về kỹ
thuật lập pháp, các vấn đề về câu chữ. Tại các phiên
họp của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, các
đại biểu chỉ thảo luận những vấn đề lớn còn có ý kiến
khác nhau do ban soạn thảo đưa ra. Đồng thời, thay
vì thời gian thảo luận dự án ở tổ quá nhiều như hiện
nay, Quốc hội cần tăng cường thời gian làm việc tại
hội trường đi vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm
của dự án cần thông qua.
Quốc hội cần có phương án bố trí hợp lý số đại biểu
hoạt động chuyên trách, trong đó tập trung vào lĩnh
vực xây dựng pháp luật. Trong thời gian 5 đến 10
năm tới, thay vì mỗi năm họp 2 phiên họp thường kỳ
như hiện nay, Quốc hội có thể họp một năm 3 kỳ với
thời gian họp hợp lý.
4/ Mở rộng quyền trình sáng kiến lập pháp theo
hướng mọi tổ chức, công dân có quyền đề nghị sáng
kiến lập pháp của mình, các sáng kiến này được gửi
tới các cơ quan chức năng của Chính phủ (cụ thể là
Bộ Tư pháp) hoặc Quốc hội (có thể là Viện nghiên
cứu lập pháp nếu cơ quan này được thành lập). Các
cơ quan này có trách nhiệm xem xét, tổng hợp. Nếu
những đề xuất của công dân, tổ chức là chính đáng

thì các cơ quan này có trách nhiệm xây dựng thành
các dự án luật, pháp lệnh hoàn chỉnh trình Quốc hội.
5/ Bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp cụ thể
hỗ trợ cho việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng luật, pháp
lệnh như: xây dựng cơ chế thu hút rộng rãi các Viện
nghiên cứu, các trường Đại học và các chuyên gia
giỏi vào quá trình xây dựng pháp luật, tăng cường
năng lực của bộ máy giúp việc của Quốc hội trong
công tác lập pháp, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng
chúng ta cần thành lập Viện nghiên cứu lập pháp
(trực thuộc Ủy ban pháp luật hoặc Văn phòng Quốc
hội). Cơ quan này có trách nhiệm hỗ trợ về mặt kỹ
thuật lập pháp cho các đại biểu Quốc hội, cung cấp
các thông tin cần thiết liên quan đến dự án luật, pháp
lệnh cho các đại biểu Quốc hội, tổng hợp các sáng
kiến lập pháp của công dân, tổ chức…
Trên đây là một số ý kiến mang tính gợi mở, nhằm
góp phần đưa ra các giải pháp thiết thực cho việc đẩy
nhanh tốc độ xây dựng luật, pháp lệnh ở nước ta
trong điều kiện hiện nay.·
1 Dự thảo Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật
đến năm 2010.
2 Theo báo cáo của Đoàn khảo sát Ban chỉ đạo liên
ngành “Đánh giá nhu cầu phát triển toàn diện hệ
thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010” tại Liên
bang Nga và Cộng hòa Hungari vào tháng 4/2002 thì
trung bình mỗi năm Duma quốc gia Nga thông qua
khoảng 100 đạo luật, có năm lên tới 150 đạo luật, ở
Cộng hòa Hunggari là khoảng 140 đạo luật hàng
năm.


×