Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

Sử dụng thí nghiệm để tổ chức dạy học một số bài trong chương trình sinh học trung học phổ thông

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.45 MB, 23 trang )

ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUẾ
KHOA SINH HỌC
TIỂU LUẬN
Chuyên đề: Sử dụng thí nghiệm trong dạy học sinh học
Đề tài: " Sử dụng thí nghiệm để tổ chức dạy học một số bài trong chương trình sinh học
trung học phổ thông "
Cán bộ hướng dẫn: Học viên:
TS. Trịnh Đông Thư Lê Hà Quý Tâm
Huế, 2014
PHẦN 1: MỞ ĐẦU
Đối với bộ môn Sinh học, thí nghiệm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức,
phát triển giáo dục như một bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy - học. Thí
nghiệm là cơ sở của việc học và để rèn kĩ năng thực hành. Thông qua thí nghiệm, học
sinh nắm kiến thức một các hứng thú, vững chắc và sâu sắc hơn. Thí nghiệm trong dạy
học sinh học còn có tác dụng phát triển tư duy, giáo dục thế giới quan duy vật biên chứng
và củng cố niềm tin khoa học cho học sinh, giúp hình thành những đức tính tốt: Thận
trọng, ngăn nắp, trật tự, gọn gàng, cần cù, kiên trì, có ý thức kỷ luật, Đặc biệt với
việc thay đổi nội dung chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học mới theo
hướng tích cực hoá hoạt động của học sinh như hiện nay thì thí nghiệm càng được coi
trọng, nhất là các thí nghiệm được tiến hành thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu, học
sinh nghiên cứu thí nghiệm do giáo viên biểu diễn hoặc nhóm học sinh tự nghiên cứu thí
nghiệm để rút ra được kiến thức cần lĩnh hội.
Vì vậy, để làm tốt điều này thì người giáo viên cần có kinh nghiệm và biết sử dụng
thí nghiệm sao cho phù hợp với nội dung kiến thức và mục tiêu của bài học nhằm phát
huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, khi giáo viên tiến
hành thực hiện các thí nghiệm biểu diễn thì phải đảm bảo các thí nghiệm đó thành công ở
mức cao nhất.
Xuất phát từ mục tiêu và vai trò quan trọng của thí nghiệm như đã nêu trên, đồng
thời mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng, sự thành công trong thí nghiệm, tôi lựa
chọn đề tài: “Sử dụng thí nghiệm để tổ chức dạy học một số bài trong


chương trình Sinh học trung học phổ thông”.
PHẦN 2: NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Thí nghiệm là gì?
Theo từ điển Wikipedia thì thí nghiệm là một bước trong phương pháp
khoa học dùng để phân minh giữa mô hình khoa học hay giả thuyết. Thí
nghiệm cũng được sử dụng để kiểm tra tính chính xác của một lý
thuyết hoặc một giả thuyết mới để ủng hộ chúng hay bác bỏ chúng. Thí
nghiệm hoặc kiểm nghiệm có thể được thực hiện bằng phương pháp khoa
học để trả lời một câu hỏi hoặc khảo sát vấn đề.
Theo Klaus (từ điển triết học Leipig 1976) thí nghiệm là cách thức là
phương pháp mà bằng cách nào đó con người tác động có ý thức, hệ thống
lên các sự vật hiện tượng xảy ra trong một điều kiện nhất định.
Theo lý thuyết thông tin, thí nghiệm là một hệ thống thông tin. Nó bao
gồm một thiết bị thí nghiệm tác động qua lại chặt chẽ với bộ phận thứ hai
của hệ là hiện thực khách quan, tức đối tượng thí nghiệm (chẳng hạn một
quá trình sinh học).
Như vậy thí nghiệm là những thử nghiệm được tiến hành trong điều
kiện hay một số điều kiện được thay đổi nhằm đánh giá ảnh hưởng của các
tác động. Các chỉ số được theo dõi, ghi chép lại để phân tích nhằm kiểm
chứng, khám phá hay chứng minh sau bài học.
Trong sinh học, thí nghiệm có thể được tiến hành trong lớp, trong
phòng thí nghiệm, vườn trường, hay ở nhà. Thí nghiệm có thể do giáo viên
biểu diễn hoặc do học sinh thực hiện. Hiện nay, trong thực tế dạy học thì thí
nghiệm thường được sử dụng trong các buổi thực hành trên lớp hoặc để giải
thích minh họa cho những kiến thức lý thuyết. Giáo viên có thể căn cứ vào
nội dung kiến thức cũng như điều kiện thực tế trong qua trình giảng dạy mà
sử dụng các thí nghiệm ở các khâu lĩnh hội tri thức, củng cố hay kiểm tra
đánh giá, từ đó rèn luyện cho học sinh phẩm chất của một nhà khoa học và
làm cho các em thêm yêu môn học.

1.2. Phân loại thí nghiệm
Thí nghiệm vừa là phương tiện vừa là nguồn cung cấp tri thức mới có vai
trò đặc biệt đối với sự phát triển tư duy sáng tạo của học sinh. Thí nghiệm có
thể sử dụng ở những khâu khác nhau của quá trình dạy học. Chẳng hạn, sử
dụng thí nghiệm trong khâu đặt vấn đề, hình thành kiến thức mới, củng cố
ôn tập. Trên thực tế có nhiều cách phân loại thí nghiệm khác nhau tùy thuộc
vào dấu hiệu này hay dấu hiệu khác để phân loại.
1.2.1. Phân loại trong nghiên cứu khoa học
Trong nghiên cứu khoa học, nhằm đánh giá đối tượng bằng các tác động
vào hiện tượng tự nhiên hay tạo ra các hiện tượng trong những điều kiện
khác nhau để có thể quan sát chính xác hơn hay có thể kiểm chứng một giả
thuyết. Thí nghiệm có thể chia thành các dạng sau:
- Thí nghiệm trực tiếp: Là thí nghiệm ngay trên đối tượng được khảo sát
hay các đối tượng cùng loại hoặc tiến hành cùng một thí nghiệm nhưng
trong các điều kiện khác nhau.
- Thí nghiệm gián tiếp: Khi một giả thuyết không thể kiểm chứng trực
tiếp thì sẽ được kiểm chứng gián tiếp bằng cách dùng phép diễn dịch, suy từ
giả thiết ra những kết quả rồi kiểm chứng những kết quả đó. Vì vậy phương
pháp này còn có tên là phương pháp diễn dịch hay phương pháp suy luận
thực nghiệm.
- Thí nghiệm chứng minh: Là những thí nghiệm bố trí để làm sáng tỏ
một giả thuyết phải kiểm chứng, buộc phải kiểm soát được các hợp phần và
sản phẩm của thí nghiệm cũng như các điều kiện chi phối thí nghiệm cả về
định tính và định lượng làm sáng tỏ giả thuyết đặt ra.
- Thí nghiệm đối chứng: Là thí nghiệm bố trí song song với thí nghiệm
chứng minh chỉ khác ở một hợp phần tham gia hay một điều kiện chi phối
thí nghiệm để so sánh rút ra sai khác tin cậy được và có thể lặp lại để đạt kết
quả tương tự. Vì thí nghiệm sinh học có tính chất phức tạp nên phải theo
phương pháp phân tích tách từng phần chỉ tiêu cấn so sánh thành từng cặp
thí nghiệm chứng minh và thí nghiệm đối chứng song song rồi tổng hợp

chúng lại để chứng minh giả thuyết.
- Thí nghiệm lặp lại: Mỗi thí nghiệm phải bố trí lặp lại nhiều lần để độ
tin cậy cao theo xác xuất thống kê.
1.2.2. Phân loại theo mục đích sử dụng
- Thí nghiệm mở bài: Là những thí nghiệm được tiến hành vào đầu bài
học hay đầu một vấn đề nhằm định hướng vấn đề nghiên cứu. Sử dụng để
tạo tình huống có vấn đề, tạo sự hứng thú, tạo động cơ học tập cho học sinh.
- Thí nghiệm trong khâu dạy bài mới: Bao gồm thí nghiệm nghiên cứu
và thí nghiệm minh họa.
- Thí nghiệm nghiên cứu: Là những thí nghiệm nhằm đi tới phát hiện và
tìm ra những thuộc tính của sự vật hiện tượng. Con đường nhận thức trong
trường hợp này là con đường quy nạp, thường là không đầy đủ. Tuy nhiên,
học sinh lại được bắt gặp những vấn đề mới lạ, những điều bất ngờ lý trú
trong thí nghiệm, mà chính nó gây ra và duy trì hứng thú cho học sinh tiếp
tục đi tìm kiến thức mới.
- Thí nghiệm minh họa: Là thí nghiệm nhằm xác định kết quả đã có bằng
những thí nghiệm và những phép tư duy logic. Vì vậy con đường nhận thức
trong trường hợp này là con đường suy luận diễn dịch. Chính những thí
nghiệm này đã củng cố niềm tin khoa học cho học sinh.
- Thí nghiệm củng cố: Là thí nghiệm được sử dụng vào cuối mỗi phần
bài học hoặc cuối giờ học nhằm củng cố khắc sâu các kiến thức, kỹ năng đã
được học, tập dượt trước đó.
- Thí nghiệm về nhà: Là những thí nghiệm yêu cầu học sinh làm ở nhà
thường dưới dạng một bài tập vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã có hoặc
để giải thích các hiện tượng thực tế, nhờ đó có thể đào sâu mở rộng kiến
thức, kỹ năng của học sinh, cũng có thể tìm hiểu trước một thí nghiệm liên
quan đến những bài học sau.
- Thí nghiệm thực hành: Là những thí nghiệm được tiến hành tại lớp, sau
một bài học, cuối mỗi chương hay một vài chương. Các thí nghiệm này
thường được tiến hành theo nhóm. Trong đó các nhóm có thể cùng tiến hành

một thí nghiệm hay mỗi nhóm tiến hành một thí nghiệm khác nhau và sau đó
hoán đổi vị trí các nhóm theo thời gian thực hành.
1.2.3. Phân loại thí nghiệm theo người tiến hành
Trong dạy học nói chung có thể phân loại thí nghiệm theo người tiến
hành như sau:
- Thí nghiệm của giáo viên: Là thí nghiệm do giáo viên tiến hành cho
học sinh quan sát. Thông thường các thí nghiệm này thường phức tạp, nguy
hiểm và đòi hỏi thời gian nhanh. Khi tiến hành thí nghiệm giáo viên cần chú
ý sử dụng các thiết bị có kích thước lớn để học sinh dễ dàng quan sát.
Trong thực tế, không phải lúc nào các thí nghiệm cũng có thể tiến hành
trên mẫu vật thật để học sinh quan sát trực tiếp bằng các giác quan, mà một
số thí nghiệm rất khó hoặc không thể thực hiện được với các đối tượng sống.
Với các thí nghiệm có tính chất như trên, muốn để học sinh hiểu biết sâu sắc
hơn về quá trình hay hiện tượng sinh học diễn ra bên trong đối tượng sống
người ta có thể sử dụng các thí nghiệm sau:
* Thí nghiệm ảo: Là tập hợp các tài nguyên số đa phương tiện dưới hình
thức đối tượng học tập, nhằm mô phỏng các hiện tượng vật lý, sinh học,…
xảy ra trong tự nhiên hay trong phòng thí nghiệm, có đặc điểm là có tính
năng tương tác cao, giao diện thân thiện với con người và có thể mô phỏng
những quá trình, điều kiện khó xảy ra trong tự nhiên hay khó thu được trong
phòng thí nghiệm. Thí nghiệm ảo giúp giảm thiểu việc học chay, dạy chay
thường gặp do thiếu phương tiện, điều kiện thí nghiệm giúp người học chủ
động học tập phù hợp với tinh thần người học là trung tâm của giáo dục
hiện đại.
* Thí nghiệm mô phỏng: Trong sinh học, để giúp cho người học hiểu rõ
bản chất của một vấn đề khoa học mà người học không thể tư duy trực tiếp
bằng các giác quan thì chúng ta có thể sử dụng thí nghiệm mô phỏng.
Theo Lawrence Leemis, thí nghiệm mô phỏng được sử dụng bắt chước
theo một hệ thống điển hình nào đó. Mặc dù không nhất thiết phải được
thực hiện trên máy tính. Thí nghiệm mô phỏng khác với mô hình mẫu,

trong đó người điều khiển được vận hành tại một môi trường thực tế. Đối
với thí nghiệm mô phỏng, các mô hình được góp nhặt từ những thông tin
mà hệ thống quan tâm và sau đó phát triển thành các phương trình và các
thuật toán để mô phỏng theo hệ thống
Theo định nghĩa này thì bản chất của thí nghiệm mô phỏng không phải
là một thí nghiệm thật hoặc thay đổi hệ thống thực. Thay vào đó làm việc
với một mô hình toán học của hệ thống thực tế.
- Thí nghiệm của học sinh: Thí nghiệm do học sinh tiến hành với các
biến dạng sau
+ Thí nghiệm biểu diễn bài học mới.
+ Thí nghiệm luyện tập trong quá trình vận dụng kiến thức lĩnh hội.
+ Thực hành trong phòng thí nghiệm thường tổ chức sau một loạt bài và
vào cuối kỳ mang tính chất tổng hợp.
+Thí nghiệm tại nhà, một hình thức thực nghiệm đơn giản nhưng dài
ngày giao cho học sinh tự làm tại nhà.
1.3. Vai trò của thí nghiệm
Mục đích giáo dục ở nhà trường không chỉ đào tạo ra những con người
nắm vững các kiến thức khoa học, mà còn cần giỏi thực hành, có bàn tay
khéo léo để thực hiện những điều bộ óc suy nghĩ. Nếu không có những điều
đó thì những hiểu biết của con người chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết lí
thuyết, chưa tác động vào thực tiễn để tái tạo thế giới và cải tạo nó. Nhận
thức lý luận và vận dụng lý luận vào thực tiễn là hai mặt của một quá trình
nhận thức nhưng giữa chúng có khoảng cách rất xa mà chúng ta không thể
vượt qua nếu không thông qua hoạt động thực hành, thí nghiệm.
Trong quá trình thí nghiệm, thực hành, các kiến thức lý thuyết mà học
sinh tiếp thu được trên lớp thường ở dạng hỗ trợ làm cho chúng trở nên sinh
động , làm lộ rõ bản chất và khả năng của chúng. Nhờ vậy học sinh sẽ thấy
rõ vị trí, vai trò của từng kiến thức trong hoạt động thực tiễn.
Như vậy, thí nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình dạy
học nói chung và dạy học sinh học nói riêng, bởi sinh học là môn khoa học

thực nghiệm, kiến thức lý thuyết luôn gắn liền với giải quyết vấn đề của thực
tiễn đời sống xã hội. Do đó việc nâng cao hiệu quả của thí nghiệm trong dạy
học sinh học là hết sức cần thiết.
Từ đó ta có thể thấy được vai trò của thí nghiệm như sau:
- Thí nghiệm là mô hình đại diện cho hiện tượng khách quan, là cơ sở,
điểm xuất phát cho nhận thức của học sinh. Từ đây xuất phát quá trình nhận
thức cảm tính của trò, để rồi từ đó diễn ra sự trừu tượng hóa và tiến lên sự
trừu tượng cụ thể trong tư duy.
Các hiện tượng sinh học có thể mô phỏng lại dưới dạng các thí nghiệm.
Học sinh trực tiếp tiến hành các thí nghiệm, tự lực tìm hiểu cấu tạo trong
mối quan hệ với chức năng, tìm ra bản chất của các sự vật hiện tượng và trực
tiếp giúp cho các em tin tưởng và hiểu sâu sắc tri thức được lĩnh hội. Trong
quá trình thực hành, thí nghiệm học sinh phải sử dụng nhiều cơ quan cảm
giác, đồng thời học sinh phải động não suy nghĩ giúp phát triển tư duy sáng
tạo ở học sinh. Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng là con đường
nhận thức cơ bản mà học sinh cần hướng tới.
- Thí nghiệm do giáo viên trình bày sẽ là mẫu mực về thao tác cho học
trò học tập mà bắt chước, để rồi sau đó khi làm thí nghiệm học sinh sẽ học
được cách thức làm thí nghiệm.
- Thí nghiệm là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn. Vì vậy nó là phương
tiện duy nhất giúp học sinh hình thành kĩ năng, kỹ xảo thực hành và tư duy
kỹ thuật.
Qua hoạt động thực hành, thí nghiệm, học sinh hiện thực hóa được
những kiến thức lý thuyết đã học, làm cho những kiến thức đó trở nên thiết
thực và gần gũi với thực tiễn. Được tự mình tiến hành các thí nghiệm, suy
nghĩ tìm tòi bản chất của các sự vật hiện tượng giúp cho học sinh có những
hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về các vấn đề sinh học, thực tiễn. Do những yêu
cầu chặt chẽ của thí nghiệm đã giúp học sinh hình thành nên những phẩm
chất tốt đẹp của người lao động, hình thành và phát triển các kỹ năng, kỹ xão
và tư duy lao động kỹ thuật.

- Thí nghiệm giúp học sinh đi sâu tìm hiểu bản chất của các sự vật hiện
tượng, các quá trình.
Do các hiện tượng sinh học thường xảy ra đồng thời trong mối quan hệ
phức tạp, nên để phát hiện các mối quan hệ nhân quả, tìm hiểu quy luật của
hiện tượng người ta phải tổ chức các thí nghiệm trong đó chủ thể nhận thức
chủ động đề xuất giả thuyết và trên cơ sở đó tách ra hiện tượng để nghiên
cứu cho đơn giản hơn, sau đó đặt nó vào hệ thống vốn có của sự vật để cuối
cùng nhận thức đầy đủ.
- Thí nghiệm có thể được sử dụng để tổ chức hoạt động nhận thức của
học sinh với các mức độ tích cực, tự lực và sáng tạo khác nhau.
Thí nghiệm có thể sử dụng được trong cả 5 phương pháp dạy học: Các
phương pháp dạy học dùng trong nghiên cứu tài liệu mới; các phương pháp
dạy học dùng trong củng cố kiến thức; các phương pháp dạy học dùng khi
vận dụng phức hợp kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo; các phương pháp dạy học
dùng trong khái quát hóa và hệ thống hóa kiến thức; các phương pháp dạy
học dùng trong kiểm tra – đánh giá. Thí nghiệm biểu diễn của giáo viên có
thể sử dụng trong 3 khâu của quá trình dạy học:
+ Trong khâu nghiên cứu tài liệu mới.
+ Trong khâu củng cố hoàn thiện kiến thức.
+ Trong kiểm tra – đánh gái kiến thức.
- Ngoài ra, thí nghiệm còn giúp học sinh them yêu môn học, có đức tính
của người lao động: cần cù, kiên trì, có ý thức kỷ luật,…
1.4. Yêu cầu của thí nghiệm
Khi tiến hành thí nghiệm, giáo viên cần chú ý đến một số nguyên tắc
sau:
- Đảm bảo tính an toàn cho cả giáo viên và học sinh.
- Đảm bảo tính khoa học của thí nghiệm: Sự chuẩn bị chu đáo, thí
nghiệm nên lặp lại nhiều lần để chọn ra điều kiện tốt nhất, giải thích được
diễn biến và kết quả thí nghiệm.
- Bố trí thí nghiệm ở vị trí sao cho cả lớp đều có thể quan sát được. Đặc

biệt là kết quả thí nghiệm.
- Thí nghiệm đơn giản, vừa sức học sinh.
- Thời gian cho mỗi thí nghiệm được tính toán cẩn thận và không kéo dài
nhằm đảm bảo thời gian chung cho cả tiết học.
- Nếu làm thí nghiệm để minh họa thì nội dung của thí nghiệm phải phù
hợp với chủ đề bài học.
CHƯƠNG 2: SỬ DỤNG THÍ NGHIỆM TRONG DẠY HỌC SINH
HỌC
2.1 Hệ thống thí nghiệm sử dụng trong dạy học Sinh học
2.1.1 Thí nghiệm 1: Xác định chất khí tạo ra trong quá trình là chế tạo
tinh bột
* Mục đích:
Nhận biết được chất khí thải ra trong quá trình lá chế tạo tinh bột
* Phương tiện thí nghiệm:
- Rong đuôi chó (cây thủy sinh khác)
- 2 chai nhựa
- 2 bong bóng ( loại vừa) chưa bơm khí
- Nước lọc
- Bóng đèn 500W
- 1 Bì đen to
- Que đóm
* Cách tiến hành:
- Bước 1: Cắt khoảng 5 đoạn rong đuôi chó lầy ở phần non khoảng chừng 5 -
7cm. Đặt vào phễu sao cho phần cuống của cành rong hướng quay lên phía
nắp chai, đổ nước đầy 2 chai nhựa.
- Bước 2: Dùng bong bóng bịp hai đầu chai nhựa. Một chai nhựa dùng bì
đen bịp kín (A), chai nhựa còn lại (B) dùng bóng đèn 500W chiếu sáng
(quan sát hiện tượng).
- Bước 3: Khoảng 10 - 15 phút, quan sát 2 chai nhựa, ta thấy: Từ những cành
rong trong chai nhựa B có những bọt khí bám ở thành chai, bong bóng dựng

thẳng đứng và phòng to. Còn những cành rong trong cốc A không có hiện
tượng đó.
- Bước 4: Dùng tay bịp khí bong bóng bình B, đưa bong bóng ra khỏi chai.
Để xác định chất khí do cây rong đã thải ra bằng cách: đưa nhanh que đóm
vừa tắt ( chỉ còn tàn đỏ) phía trên miệng bong bóng, ta thấy que đóm lại
bùng cháy.
* Hướng dẫn học sinh quan sát:
Quan sát hình dạng bong bóng trước và sau thí nghiệm, những dấu hiệu
bên trong chai nhựa khi đã tiến hành thí nghiệm.
* Kết quả, yêu cầu:
Sau một thời gian thấy có bọt khí xuất hiện và ngày càng nhiều. Cho đến
khi quan sát thấy bong bóng phồng to chứa khí thì từ từ lấy bong bóng ra
khỏi miệng chai bằng cách dùng ngón tay cái bịt kín miệng bong bóng rồi
lấy ra khỏi chai nước. Chuẩn bị một que diêm đang cháy còn phần than đỏ
và đưa que diêm đến gần miệng bong bóng hé ngón tay ra thì que diêm bùng
cháy. Chứng tỏ khí chứa trong bong bóng là khí oxy.
2.1.2 Thí nghiệm2 : Thí nghiệm sự dẫn truyền nước
* Mục đích:
- Quan sát được sự vận chuyển các chất trong thân.
* Phương tiện thí nghiệm:
- Bình nhựa chứa nước pha màu ( mực xanh, đỏ, tím, ), nước cất
- Cành hoa trắng ( hoa cúc, hoa hồng, hoa cẩm chướng, )
- Dao, kính lúp
* Cách tiến hành:
- Pha dung dịch mực màu xanh hoặc đỏ cho vào 2 cốc có chiều cao tương tự
nhau (Cốc A và B).
- Cho vào cốc A một bông hoa (nguyên cành), sao cho phần thân ngập trong
dung dịch mực. Cho vào cốc B một bông hoa tương tự nhưng đã đốt cháy ở
phần gốc.
- Tiến hành tương tự ở cốc C, nhưng thay dung dịch mực bằng nước cất.

* Hướng dẫn học sinh quan sát:
Sau khoảng 15' cho học sinh quan sát sự thay đổi màu sắc hoa.
* Kết quả, yêu cầu:
- Cốc A: Bông hoa đổi thành màu xanh hoặc đỏ. Lúc đầu chỉ xuất hiện các
chấm li ti, sau đó mở rộng dần.
- Cốc B và C: Hoa không đổi màu
2.1.3 Thí nghiệm 3: Quan sát tế bào và mô
* Mục đích:
Học sinh chuẩn bị được tiêu bản tạm thời tế bào
mô cơ vân. Quan sát và vẽ được các tế bào
trong tiêu bản làm sẵn.
* Phương tiện thí nghiệm:
- Bộ tiêu bản động vật: (mô
biểu bì, mô sụn, mô xương,
mô cơ trơn)
- 1 bộ đồ mổ (1 dao mổ, 1 kim
nhọn, 1 kim mũi mác)
- 1 kính hiển vi độ phóng đại
từ 100 – 200 (10 x 10 hoặc 10 x 20) 2 lam với 2 lamen
- 1 khăn lau, giấy thấm
- 1 lọ đựng dung dịch sinh lí 0,65 % NaCl có 1 ống hút
- 1 lọ đựng dung dịch axit axetic 1% có ống hút
* Cách tiến hành:
Làm tiêu bản mô cơ vân:
- Rạch đại diện phát biểu, bổ sung đùi ếch, lấy 1 bắp cơ
- Dùng kim nhọn rạch dọc bắp cơ, dùng ngón trỏ và ngón cái ấn 2 bên mép
rạch, lấy kim mũi mác gạt nhẹ và lấy 1 sợi mãnh.
- Đặt sợi mãnh mới tách lên lam kính, nhỏ dung dịch sinh lí 0,65% NaCl
- Đậy lamen, nhỏ dung dịch axit axetic, quan sát.
* Hướng dẫn học sinh quan sát:

Quan sát dưới kính hiển vi: Tế bào mô cơ vân
* Kết quả, yêu cầu:
Quan sát được tế bào mô cơ vân
2.1.4. Thí nghiệm 4: Mổ và quan sát cấu tạo trong của cá
* Mục đích:
- Nhận dạng được một số nội quan của cá trên mẫu mổ
- Rèn luyện kĩ năng mổ động vật có xương sống
* Phương tiện thí nghiệm:
- Cá chép
- Bộ đồ mổ và khay mổ. Đinh ghim
- Tranh vẽ các nội quan cá
* Cách tiến hành:
- Cắt một vết trước hậu môn và mổ bắt đầu từ dọc bụng cá cho tới cuối phần
nắp mang. Nâng mũi kéo tránh cắt vào các nội quan vùng bụng và tim nằm ở
gần vùng vây ngực.
- Cát tiếp theo một đường vòng theo
nắp mang, sau đó cắt theo đường qua
các xương sườn, dưới cột sống và lật
bỏ.
- Cắt xương nắp mang để lộ toàn bộ
nội quan.
- Dùng mũi mác, gỡ dần ruột, tách mỡ
dính vào ruột. Ghim vào gia mổ để thấy rõ dạ dày, gan, túi mật, các tuyến
sinh dục, bóng hoi. Tìm hai thận màu tím đỏ ở sát sống lưng hai bên cột
sống, trên bóng hơi. Tim nằm gần mang, ngang với vây ngực
* Hướng dẫn học sinh quan sát:
Quan sát kĩ các bước mổ, thao tác mổ.
Đổ nước ngập cơ thể cá, dùng kim mũi mác nhẹ nhàng tách nội quan cá ra như hình
dưới đây rồi quan sát tìm: tim, mang, ruột, gan, mật, thận, bóng hơi, cơ quan sinh sản,
- Đường mổ thứ nhất: a → b

- Đường mổ thứ hai: a→e→c→d
- Đường mổ thứ ba: c → b → b
'
* Yêu cầu:
Xác định vị trí của: lá mang, tim, dạ
dày, ruột, gan, mật, thận, tinh hoàn,
buồng trứng, bóng hơi.
2.1.5. Thí nghiệm 5: Mổ và quan sát
cấu tạo trong của ếch
* Mục đích:
- Nhận dạng các cơ quan của ếch trên
mẫu mổ
- Rèn luyện kĩ năng mổ động vật có xương sống
* Phương tiện thí nghiệm:
- Ếch
- Bộ đồ mổ và khay mổ. Đinh ghim
- Tranh vẽ các nội quan ếch
* Cách tiến hành:
- Chọc tủy cho ếch liệt
- Dùng kẹp gắp phần da lên, lấy kéo cắt một đường dưới lên chữ V (phía
trên ngực) đến mút mõm, cắt da ở các phần đùi để lộ toàn phần thân. Dùng
ghim cố định lớp da trên khay mổ
- Cắt cơ ở phần ngực và bụng , chú ý khi cắt nâng cho mũi kéo hướng lên
trên để không hỏng các nội quan
- Tách tấm cơ, đổ nước ngập cơ thể ếch, dùng kim mũi mác nhẹ nhàng tách
các nội quan.
* Kết quả:
Quan sát các nội quan: hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ bài tiết, cơ quan sinh
sản.
2.2. Sử dụng thí nghiệm trong dạy học Sinh học

2.2.1 Thí nghiệ m 1 : Xác định chất khí tạo ra trong quá trình là chế tạo
tinh bột
2.2.1.1. Mục đích: Sử dụng thí nghiệm
trong khâu nghiên cứu tài liệu mới
Khi dạy bài 20, Quang hợp - sinh học 6, mục II: Xác định chất khí thải ra
trong quá trình chế tạo tinh bột.
2.2.1.2. Tiến trình tổ chức:
Bước 1: Cho HS quan sát thí nghiệm (GV sử dụng máy tính và máy chiếu Projector). Thí
nghiệm được giáo viên chiếu 2 lần.
Bước 2: Tổ chức cho HS thảo luận các câu hỏi sau khi quan sát thí nghiệm:
- Cành rong trong cốc nào chế tạo được tinh bột? Vì sao?
- Những hiện tượng nào chứng tỏ cành rong trong cốc đó đã thải ra chất khí? Đó là
khí gì?
Bước 3: Sau khi HS thảo luận, GV chính xác hóa kiến thức:
- Chỉ có cành rong trong cốc được chiếu sáng mới tạo được tinh bột.
- Hiện tượng cành rong trong cốc được chiếu sáng đã tạo ra được chất khí vì có bọt khí
thoát ra ở đáy ống nghiệm. Đó là khí oxi vì đã làm que đóm còn tàn đỏ phát sáng.
* Kết luận: Lá cây đã nhả khí oxi đồng thời với quá trình chế tạo tinh bột.
2.2.2. Thí nghiệm2 : Thí nghiệm sự dẫn truyền nước
2.2.2.1. Mục đích
- Sử dụng trong khâu đặt vấn đề: Bài 18 ( Sinh học 10) Vận chuyển các chất
qua màng sinh chất. Mục II. Vận chuyển chủ động.
- Sử dụng trong khâu ôn tập củng cố: Bài 18 ( Sinh học 10) Vận chuyển các
chất qua màng sinh chất.
2.2.2.2. Các bước tiến hành
- Sử dụng trong khâu đặt vấn đề: Bài 18 ( Sinh học 10) Vận chuyển các chất
qua màng sinh chất. Mục II. Vận chuyển chủ động.
+ Giáo viên nêu vấn đề: Ở mục I chúng ta đã tìm hiểu về quá trình vận
chuyển thụ động. Vậy các bạn hãy giải thích thí nghiệm sau đây.
+ Giáo viên giới thiệu và tiến hành thí nghiệm 4.

+ Giáo viên định hướng vấn đề: Vì sao màu sắc hoa lại có sự thay đổi
như vậy? Quá trình này có phải theo cơ chế vận chuyển thụ động hay
không? Để tìm hiểu chúng ta cùng nghiên cứu nội dung tiếp theo.
- Sử dụng trong khâu ôn tập củng cố: Bài 2 (Sinh học 11) Vận chuyển các
chất trong cây.
Sau khi dạy xong nội dung kiến thức, giáo viên đưa ra thí nghiệm 4
nhằm củng cố kiến thức cho học sinh:
+ Hiện tượng gì xảy ra trong thí nghiệm?
+ Giải thích hiện tượng xảy ra ở thí nghiệm ?
+ Trong thực tế ta có thể bắt gặp hiện tượng này ở đâu?
* Kết luận: Sự vận chuyển các chất trong cây nhờ mạch gỗ.
2.2.3. Thí nghiệm3 : Quan sát tế bào và mô
2.2.3.1. Mục đích: Sử dụng thí nghiệm trong khâu cũng cố hoàn thiện kiến
thức để kiểm tra đánh giá. Bài 5 ( Sinh hoc 8) Thực hành - Quan sát tế bào
và mô.
2.2.3.2. Tiến trình tổ chức:
- Các nhóm tiến hành làm tiêu bản như hướng dẫn, yêu cầu:
+ Lấy sợi thật mảnh.
+ Không bị đứt.
+ Rạch bắp cơ phải thẳng.
+ Đậy lamen không có bọt khí.
- Các nhóm nhỏ axit axetic 1%, hoàn thành tiêu bản đặt trên bàn để GV kiểm
tra.
- Các nhóm điều chỉnh kính, lấy ánh sáng để nhìn rõ mẫu.
- Đại diện các nhóm quan sát đến khi nhìn rõ tế bào.
- Cả nhóm quan sát, nhận xét: Thấy được: màng, nhân, vân ngang, tế bào
dài.
- Các nhóm đặt tiêu bản, điều chỉnh kính để quan sát rõ.
Các thành viên lần lượt quan sát, vẽ hình và đối chiếu với hình vẽ SGK và
hình trên bảng.

- Các nhóm đổi tiêu bản cho nhau để lần lượt quan sát 4 loại mô.
GV đặt câu hỏi: Hình dạng, cấu tạo tế bào cơ vân và tế bào cơ tim giống và
khác nhau ở những điểm nào?
* Kết luận: Các tế bào cơ dài, xếp thành bó, lớp. Tế bào có nhiều nhân, có
vân ngang.
2.2.4. Thí nghiệm4 : Mổ và quan sát cấu tạo trong của cá
2.2.4.1. Mục đích: Sử dụng thí nghiệm trong khâu Kiểm tra – đánh giá kiến
thức của học sinh về cấu tạo của cá chép, đặc biệt là cấu tạo trong. Bài 32
(Sinh hoc 7) Thực hành - Mổ cá
2.2.4.2. Tiến trình tổ chức: GV yêu cầu HS:
- Xác định các phần của cá (đầu, ngực, bụng, hậu môn, các loại vây…).
- Trình bày cách mổ và làm mẫu các thao tác mổ (có thể kết hợp với tranh,
hình vẽ).
- Các nhóm HS báo cáo về các hệ cơ quan, các nhóm khác bổ sung.
2.2.5. Thí nghiệm 5 : Mổ và quan sát cấu tạo trong của ếch
2.2.5.1. Mục đích: Sử dụng thí nghiệm trong khâu Kiểm tra – đánh giá kiến
thức của học sinh về cấu tạo của ếch, đặc biệt là cấu tạo trong. Bài 36 (Sinh
hoc 7) Thực hành - Quan sát cấu tạo trong của ếch đồng trên mẫu mổ.
2.2.5.2. Tiến trình tổ chức:
Giáo viên tiến hành thí nghiệm
- Quan sát da
+ GV hướng dẫn HS sờ tay lên bề mặt da ếch, quan sát mặt trong ếch và
nhận xét?
+ Nêu vai trò của da ếch?
- Quan sát các nội quan bên trong
+ GV yêu cầu học sinh xác định các cơ quan của ếch
+ GV yêu cầu HS nghiên cứu bảng đặc điểm cấu tạo trong của ếch thảo luận:
Vì sao ếch đã xuất hiện phổi mà vẫn trao đổi khí qua da?
- Trình bày những đặc điểm thích nghi với đời sống trên cạn được thể hiện ở
cấu tạo trong của ếch?

PHẦN 3: KẾT LUẬN
Trong dạy học sinh học, rèn luyện và phát triển kỹ năng là một trong ba nhiệm
vụ trọng tâm. Xét riêng về mặt kỹ năng, có thể nói thông qua thực hành thí nghiệm
việc rèn luyện và trau dồi kỹ năng được bộc lộ một cách rõ nét nhất. Thí nghiệm
giúp đi sâu nghiên cứu cơ chế của các hiện tượng sinh học, qua đó nhằm phát hiện
ra các mối tương quan đồng thời tìm hiểu được tính quy luật của các hiện tượng.
Thông qua việc làm thí nghiệm không chỉ rèn luyện được các thao tác thực hành
mà kỹ năng làm thí nghiệm sẽ phát triển lên ở mức biết bố trí thí nghiệm, thay đổi
đối tượng cũng như các điều kiện tác động để nghiên cứu và phân tích kết quả, đối
chiếu, so sánh và kiểm chứng giả thuyết đã đề ra ban đầu.
Thí nghiệm là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, là tiêu chuẩn để đánh giá
chân thực của kiến thức, hổ trợ đắc lực cho tư duy sáng tạo và nó là phương tiện
duy nhất hình thành ở học sinh kỹ năng kỹ xảo thực hành và tư duy kỹ thuật. Vì
thông qua thí nghiệm sẽ hình thành kiến thức bộ môn (kỹ năng sử dụng kính hiển
vi, kỹ năng làm thí nghiệm ), rèn luyện một số kỹ năng vận dụng vào thực tiễn và
kỹ năng tư duy (phân tích điều kiện thí nghiệm, nguyên nhân và kết quả đạt được
của thí nghiệm).
Để khai thác hết giá trị dạy học của thí nghiệm, phát huy được tính tích
cực chủ động, sáng tạo của học sinh, gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp học
sinh hiểu rõ bản chất của các sự vật hiện tượng sinh học thì giáo viên cần
thường xuyên sử dụng và sử dụng có hiệu quả các thí nghiệm trong quá trình
dạy học Sinh học. Sử dụng thí nghiệm trong là phương pháp dạy học quan trọng,
không thể thể thiếu trong dạy học nói chung, dạy học Sinh học nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trịnh Đông Thư (2010), chuyên đề: Sử dụng thí nghiệm trong dạy sinh
học, Huế.
2. Phan Đức Duy, Nguyễn Khoa Lân, Nguyễn Bá Lộc, Biền Văn Minh,
Đặng Thị Dạ Thủy (2005), Một số vấn đề về dạy học sinh học ở trường
trung học phổ thông, NXB Giáo dục.
3. Nguyễn Quang Vinh (chủ biên) (2000), “Dạy học sinh học ở trường trung học

cơ sở”, tập 1, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Trần Thị Thúy (2007), Sử dụng bài tập thực hành để rèn luyện một số các kỹ
năng tư duy thực nghiệm trong dạy – học Sinh học THPT, luận văn thạc sĩ giáo
dục học, trường Đại học Sư phạm, Huế.
5. Sách giáo khoa, sách giáo viên Sinh học lớp 6, 7, 8, 11.
6. Nguyễn Quang Vinh (tổng chủ biên) - Hoàng Thị Sản (chủ biên) - Nguyễn Phương
Nga - Trịnh Bích Ngọc. Sinh học 6. NXB Giáo dục, H. 2002.
7. />nghiem-trong-day-hoc-sinh-hoc-te-bao-sinh-hoc-10-33541/
8. />

×