Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

CÁC NGHỀ VÀ NHÓM NGHỀ TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (85.7 KB, 3 trang )

CÁC NGHỀ VÀ NHÓM NGHỀ TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH
ThS. Đào Kim Quế, CN. Nguyễn Thị Lợi
1. Khái niệm nghề
- Nghề là công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội.
- Nghề nghiệp: tri thức và kĩ năng lao động mà người lao động có được trong quá trình
huấn luyện chuyên môn hoặc qua thực tiễn cho phép người đó có thể thực hiện được một loạt hoạt
động nhất định trong hệ thống phân công xã hội.
- Nghề nghiệp là một lĩnh vực sử dụng sức lao động vật chất và tinh thần của con người
một cách có giới hạn cần thiết cho xã hội (do sự phân công lao động xã hội mà có). Nó tạo cho
con người khả năng sử dụng lao động của mình để thu lấy những phương tiện cần thiết cho việc
tồn tại và phát triển.
- Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó nhờ được đào tạo con người có
được tri thức, kĩ năng, thái độ để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng
được những nhu cầu của xã hội.
Như vậy, nghề là dạng lao động vừa mang tính xã hội (sự phân công xã hội) vừa mang
tính cá nhân (nhu cầu bản thân) trong đó con người là chủ thể hoạt động. Con người hoạt động có
mục đích là tạo ra các sản phẩm vật chất hay tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu của xã hội và bản
thân. Mỗi một nghề đều tạo ra một lượng sản phẩm nhất định.
Đặc điểm chuyên môn của nghề gồm các yếu tố:
+ Đối tượng lao động của nghề
+ Công cụ và phương tiện lao động của nghề
+ Sản phẩm của nghề
+ Những yêu cầu đặc trưng tâm sinh lí của người hành nghề
Từ đó chúng tôi cho rằng du lịch là một lĩnh vực hoạt động sản xuất bao gồm nhiều nhóm
nghề và nghề (chuyên môn hẹp) khác nhau cùng chung mục đích làm hài lòng du khách, cơ sở để
thu hút du khách, nâng cao hiệu quả kinh tế.
2. Phân loại nghề và nhóm nghề trong lĩnh vực du lịch
Phân loại nghề là công việc khó và phức tạp về số lượng nghề và chuyên môn nghề quá
lớn. Hơn nữa cùng với sự phát triển kinh tế thì luôn xuất hiện những nghề mới, có những nghề
còn mất đi. Theo thống kê vài năm gần đây, thế giới đã có 500 nghề mất đi đồng thời xuất hiện
bao nghề mới. Đến nay nhiều tác giả đã tiến hành phân loại nghề với các tiêu chí khác nhau.


- Phân loại nghề theo lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp, nông
nghiệp, dịch vụ.
- Phân loại nghề theo hướng sáng tạo và không sáng tạo. Thực tế, nghề nào cũng sáng tạo.
- Phân loại nghề theo yêu cầu của nghề đối với người lao động. Theo cách này, các nghề
được phân vào 8 nhóm sau:
(1) Nhóm nghề thuộc lĩnh vực hành chính như văn phòng, đánh máy,… yêu cầu lao động
có đức tính thận trọng, tỉ mỉ.
(2) Nhóm nghề thuộc lĩnh vực tiếp xúc với con người như thầy thuốc, giáo viên, phục vụ
khách sạn. Yêu cầu lao động có tác phong ứng xử hòa nhã, ân cần, cởi mở,…
(3) Nghề thợ (công nhân): nghề thợ rất đa dạng. Họ làm việc trong công nghiệp, trong lĩnh
vực dịch vụ. Yêu cầu lao động có tư duy kĩ thuật, tác phong, công nghiệp…
(4) Nhóm nghề trong lĩnh vực kĩ thuật là nghề của các kĩ sư thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất.
Yêu cầu lao động có lòng say mê thiết kế và vận hành kĩ thuật, nắm chắc tri thức khoa học hiện
đại, có khả năng tiếp cận với công nghệ mới.
(5) Nhóm nghề trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Yêu cầu lao động có cảm hứng sáng
tác, sự tinh tế và nhạy bén trong cảm thụ cuộc sống.
(6) Nhóm nghề thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Yêu cầu lao động phải có lòng say
mê tìm hiểu chân lí, tôn trọng sự thật, khách quan trước đối tượng nghiên cứu.
(7) Nhóm nghề tiếp xúc với thiên nhiên như chăn nuôi, trồng trọt… Yêu cầu lao động phải
yêu thiên nhiên, cần cù, thích nghi với hoạt động ngoài trời.
(8) Nhóm nghề có điều kiện lao động đặc biệt như lái máy bay, thám hiểm. Đòi hỏi lao
động phải có lòng quả cảm, ý chí kiên định.
- Phân loại theo công thức nghề với 4 dấu hiệu:
+ Đối tượng lao động
+ Mục đích lao động
+ Công cụ lao động
+ Điều kiện lao động
Những nghề có cùng công thức được xếp vào một loại.
- Phân loại nghề theo lĩnh vực quản lí lãnh đạo có 10 nhóm nghề:
+ Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và các bộ phận trong các cơ quan đó.

+ Lãnh đạo doanh nghiệp
+ Cán bộ kinh tế, kế hoạch tài chính, thống kê, kế toán.
+ Cán bộ kĩ thuật công nghiệp
+ Cán bộ kĩ thuật nông – lâm nghiệp
+ Cán bộ khoa học giáo dục
+ Cán bộ văn hóa nghệ thuật
+ Cán bộ y tế
+ Cán bộ, luật pháp, kiểm soát
+ Thư kí các cơ quan và một số nghề lao động trí óc
- Phân theo lĩnh vực sản xuất có 23 nhóm nghề: Thương nghiệp cung ứng vật tư phục vụ
ăn uống; phục vụ công cộng và sinh hoạt….
Du lịch là một lĩnh vực kinh tế, một lĩnh vực hoạt động sản xuất, có nhiều nghề và nhóm
nghề khác nhau. Dù là nhóm nghề nào thì các nghề trong lĩnh vực du lịch cũng có đặc điểm chung
là hoạt động mang tính dịch vụ. Bằng hành động lời nói của mình làm sao để du khách hài lòng,
hấp dẫn, thu hút du khách. Tuy vậy, trong hoạt động du lịch có những nghề mà người lao động
khi làm việc thiên về hoạt động tư duy, có những nghề mà người lao động khi làm việc thiên về
hoạt động chân tay (cơ học). Đây là điểm khác biệt giữa nhóm nghề quản lí (lãnh đạo) và nhóm
nghề phục vụ (nghiệp vụ). Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng mỗi một nghề đều cho một loại sản
phẩm đặc trưng, đòi hỏi người lao động phải có tri thức kĩ năng phù hợp. Đây là điểm khác biệt
giữa các nghề trong cùng một nhóm nghề. Từ đó chúng tôi cho rằng để phân loại nghề, nhóm
nghề trong lĩnh vực du lịch phải sử dụng tổ hợp các tiêu chí sau:
- Đối tượng làm việc
- Phương tiện làm việc
- Sản phẩm
- Môi trường làm việc
Dựa vào 4 tiêu chí trên, chúng tôi thấy lĩnh vực du lịch có các nghề và nhóm nghề:
(1) Nhóm nghề quản lí (lãnh đạo)
- Đối tượng làm việc: đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, tài nguyên du
lịch.
- Phương tiện làm việc: thiên về tư duy

- Sản phẩm: kế hoạch, chiến lược kinh doanh
- Môi trường làm việc: không gian không hạn chế
Ở nhóm nghề này có hai nghề khác nhau về sản phẩm:
- Nghề quản lí: quản trị, điều hành chiến lược kinh doanh, du lịch
- Nghề chuyên môn, tư vấn: xây dựng chiến lược kinh doanh du lịch
(2) Nhóm nghề nghiệp vụ du lịch
- Đối tượng làm việc: hữu hình
- Phương tiện làm việc: thiên về cơ học
- Sản phẩm: dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của du khách
- Môi trường làm việc: không gian hạn chế
Thuộc nhóm nghề này có các nghề sau:
- Nghề lễ tân
- Nghề kế toán
- Nghề chế biến món ăn
- Nghề hướng dẫn viên du lịch
- Nghề phục vụ buồng, bàn, bar
- Nghề lái xe đưa đón du khách
- Bảo vệ
Số lượng nghề trong nhóm nghề nghiệp dịch vụ du lịch luôn tăng lên hay giảm đi đều phụ
thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung, của lĩnh vực du lịch nói riêng trong đó có vấn
đề qui mô phát triển của doanh nghiệp du lịch. Như vậy tính chuyên môn hóa không cao. Nó hạn
chế Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hùng (chủ biên) (2008), Sổ tay tư vấn hướng nghiệp và chọn nghề. NXB Giáo dục Hà
Nội.
2. Nguyễn Ngọc Hiếu (2010), Biện pháp quản lí đào tạo nghề ở trường trung cấp xây dựng Uông
Bí, Quảng Ninh. Đại học Thái Nguyên - Đại học Sư phạm.
3. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 3 (2003), NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
4. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1992), Từ điển Tiếng Việt. Trung tâm từ điển ngôn ngữ Hà
Nội.

×