Tải bản đầy đủ (.pdf) (19 trang)

Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội (1958 - 1975)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (437.44 KB, 19 trang )

Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội
(1958 - 1975)


Lưu Quốc Khánh


Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Luận văn Thạc sĩ ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Mã số: 60 22 56
Người hướng dẫn: TS. Lê Văn Thịnh
Năm bảo vệ: 2012


Abstract. Làm rõ sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển
hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 1958 - 1975. Phân tích và đánh giá những chuyển
biến của kinh tế nông nghiệp Hà Nội trong giai đoạn 1958 - 1975. Đưa ra một số
nhận xét về thành tựu và hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu trong
lãnh đạo tổ chức hợp tác xã nông nghiệp của Đảng bộ Hà Nội thời kỳ 1958 - 1975.

Keywords. Lịch sử Việt Nam; Hợp tác xã nông nghiệp; Đảng bộ Hà Nội; Đường lối
lãnh đạo

Content
LỜI MỞ ĐẦU
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, cũng như
nhiều địa phương khác trên miền Bắc, Thủ đô Hà Nội bước vào thời kỳ lịch sử mới - thời kỳ
khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, tiến hành cải tạo các thành phần kinh tế theo chủ nghĩa
xã hội, từng bước xây dựng hậu phương của chiến tranh cách mạng.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ Hà Nội đã xác định nông nghiệp
có vai trò, vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế Thủ đô. Sau ngày giải phóng, cùng


với lãnh đạo ổn định tình hình, củng cố hệ thống chính trị, Đảng bộ Thành phố tập trung chỉ
đạo đẩy mạnh cải cách ruộng đất, nhanh chóng vượt những thử thách, tạo điều kiện đưa
người nông dân tiến lên một bước trong sản xuất nông nghiệp. Thành ủy đã chủ trương vận
động nông dân xây dựng các tổ đổi công, đoàn kết giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn để phục
hóa, chống đói, chống hạn, phục hồi sản xuất.
Ngay khi phong trào tổ đổi công đang mở rộng, Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng thí điểm
HTX nông nghiệp. Ngày 22/6/1958, hợp tác xã Đại Từ (Đại Kim) là hợp tác xã nông nghiệp
đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội được thành lập. Đến cuối tháng 12/1958, cuộc vận động tổ
chức thí điểm hợp tác xã được mở rộng, đã xây dựng được 30 hợp tác xã ở 19 xã với 939 hộ,
là tiền đề đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp Thủ đô, góp phần cải thiện đời
sống người nông dân.
Trong quá trình bước đầu xây dựng CNXH, cùng với sự phát triển của các ngành kinh
tế, trong nông nghiệp miền Bắc nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng, các HTX nông
nghiệp chiếm một vị trí quan trọng, vừa cố kết người dân vào con đường làm ăn tập thể nhằm
xây dựng đời sống ấm no, vừa góp phần làm tròn vai trò là hậu phương lớn cung cấp sức
người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Để có thể thấy được rõ vị trí, vai trò của HTX nông nghiệp trong quá trình xây dựng
CNXH của miền Bắc thời kỳ 1954 - 1975, việc nhận thức khách quan quá trình lãnh đạo của
Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nhân dân thủ đô tiến hành xây dựng mô hình HTX ra
sao, sự phát triển từ HTX bậc thấp lên HTX bậc cao diễn tiến thế nào, qua đó đánh giá những
thành tựu, hạn chế của việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội là một việc làm hết
sức có ý nghĩa và cần thiết. Trên cơ sở đó, rút ra những nguyên nhân, bài học lịch sử từ quá
trình lãnh đạo chỉ đạo, xây dựng HTX là những kinh nghiệm quý báu cho thời kỳ đổi mới
nông nghiệp nông thôn hiện nay ở Hà Nội và cả nước. Vì vậy, chúng tôi chọn vấn đề “Xây
dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội (1958 - 1975)” làm đề tài luận văn Thạc sỹ của
mình.
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phần tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn gồm 3
chương:
Chương 1: Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội từ năm 1958 đến 1964
Chương 2: Hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội từ năm 1965 đến năm 1975

Chương 3: Một số nhận xét và kinh nghiệm

Chương 1: XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở HÀ NỘI TỪ NĂM 1958
ĐẾN NĂM 1964. Gồm 2 phần:
1.1. Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội từ năm 1958 đến năm 1960
1.1.1. Chủ trương chung của Đảng về xây dựng hợp tác xã nông nghiệp
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi mở ra cho đất nước thời kỳ phát triển
mới với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau ở 2 miền.
Đối với cách mạng miền Bắc, ngay từ những ngày đầu sau giải phóng, Nghị quyết Bộ
chính trị (9/1954) và Nghị quyết lần thứ 7 BCH Trung ương khóa II (5/1955) đã chỉ rõ: muốn
khôi phục kinh tế, trước hết cần hoàn thành cải cách ruộng đất. Thực hiện chủ trương đó của
Đảng, công cuộc cải cách ruộng đất đã được tiến hành một cách nhanh chóng và đến năm
1957 đã cơ bản hoàn thành, đưa nông nghiệp miền Bắc thoát khỏi sự cùm trói của phương
thức bóc lột phong kiến đã tồn tại trong nhiều thế kỷ; đưa nông dân nô lệ, làm thuê lên vị trí
người nông dân tự do.
Tuy nhiên cải cách ruộng đất đã tạo ra một vấn đề mới trong nông nghiệp nông thôn đòi
hỏi phải giải quyết khi xây dựng CNXH, đó là tình trạng nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất
nông nghiệp. Thực tế đó đòi hỏi Đảng phải có những chính sách nhằm cải tạo nền sản xuất
nhỏ cá thể của người nông dân, đưa họ tiến lên con đường làm ăn tập thể XHCN. Chính vì
vậy, khi tiến hành cải tạo XHCN ở miền Bắc, Đảng nhấn mạnh: chúng ta phải tiến hành hợp
tác hóa, xây dựng thành công HTX nông nghiệp.
Trước khi phát động phong trào hợp tác hóa, Đảng chủ trương phát triển hình thức đổi
công trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với việc phát triển tổ đổi công, trong thời gian này Đảng cũng chủ trương nhanh
chóng xây dựng thí điểm một số HTX nông nghiệp, lấy đó làm cơ sở thực tiễn để định hướng
công cuộc cải tạo XHCN đối với nông nghiệp. Cho đến tháng 10/1958 đã xây dựng 42 HTX
thí điểm. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm về mô hình xây dựng HTX nông nghiệp, hội nghị
Trung ương Đảng tháng 11/1958 đi đến kết luận: “Hợp tác hóa nông nghiệp là yêu cầu phát
triển khách quan của nông thôn, là nhiệm vụ trọng tậm của Đảng trong giai đoạn mới”. Đồng
thời Đảng cũng chỉ rõ, xây dựng HTX sản xuất nông nghiệp lúc này nhất thiết phải có 4 điều

kiện.
1. “Có cơ sở đổi công khá (tức là phải có tổ đổi công thường xuyên có bình công chấm
điểm làm nòng cốt).
2. Có cán bộ cốt cán (tức là chi bộ xã phải nắm và có những Đảng viên tích cực tham
gia và trực tiếp lãnh đạo).
3. Quần chúng thực sự yêu cầu (tức là quần chúng thấy HTX là tốt, là có lợi cho họ, họ
thật sự muốn tham gia).
4. Có cán bộ chính trị và cán bộ quản lý HTX.
Tổ chức tổ đổi công, HTX sản xuất nông nghiệp, phải luôn nắm vững ba nguyên tắc: tự
nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ”
Phương châm chung tổ chức phong trào hợp tác hóa hiện nay vẫn là tích cực lãnh đạo,
tiến bước vững chắc. Đến năm 1960, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (mở rộng) lần
thứ 16 tiếp tục khẳng định “Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp
tác hóa nông nghiệp tiến lên XHCN”.
1.1.2. Sự vận dụng của Đảng bộ Hà Nội và quá trình tổ chức thực hiện
Sau ngày giải phóng, cùng với lãnh đạo ổn định tình hình, củng cố hệ thống chính trị,
giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Đảng bộ Hà Nội tập trung chỉ đạo đẩy mạnh
cải cách ruộng đất, phục hồi và bước đầu phát triển kinh tế.
Ngay trong tiến trình thực hiện cải cách ruộng đất, thực hiện chủ trương của Đảng, từ
năm 1955 Đảng bộ Hà Nội đã chỉ đạo từng bước thực hiện tổ đổi công trong sản xuất nông
nghiệp.
Tại hội nghị về nhiệm vụ công tác năm 1958, trên cơ sở phân tích và nhận định tình
hình, Thành ủy đã chỉ đạo: “Chúng ta cần nhận định rằng tổ đổi công mặc dù đã có tác dụng
tốt đối với sản xuất nông nghiệp ngoại thành, so với làm ăn riêng lẻ của nông dân là tiến bộ
hơn nhiều nhưng bản thân tổ đổi công vẫn là dựa trên cơ sở kinh tế phân tán, không thể khắc
phục được khó khăn của nền sản xuất nông nghiệp tiến lên một cách vững chắc. Vì vậy đã
đến lúc phải xây dựng dần dần HTX sản xuất nông nghiệp thí điểm để sang năm 1959 sẽ phát
triển đúng mức hơn làm cơ sở cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa dần nông thôn
vào con đường CNXH…
Ngay khi phong trào tổ đổi công đang mở rộng, Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng thí điểm

HTX nông nghiệp. Ngày 22/6/1958, HTX Đại Từ (Đại Kim) là HTX nông nghiệp đầu tiên
được thành lập. Tháng 8 - 1958, xây dựng thêm HTX trồng rau ở Vĩnh Tuy. Cuối tháng 12 -
1958, cuộc vận động tổ chức thí điểm HTX được mở rộng, đã xây dựng được 30 HTX ở 19
xã với 939 hộ, đạt tỷ lệ 3,8% tổng số nông hộ ngoại thành [9; tr.350].
Quá trình xây dựng thí điểm HTX nông nghiệp gặp không ít khó khăn do việc truyền
đạt chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Thành ủy chưa chu đáo, cán bộ còn bỡ ngỡ
chưa có nhiều kinh nghiệm, tư tưởng nông dân còn nhiều dao động và lựa chọn giữa con
đường làm ăn riêng lẻ với con đường làm ăn tập thể. Thành ủy đã quyết tâm lãnh đạo các
quận, các ngành, nâng cao nhận thức về đường lối chính sách, nâng cao giác ngộ XHCN cho
toàn thể cán bộ, đảng viên, xã viên, đề cao ý thức trách nhiệm ra sức phấn đấu khắc phục tư
tưởng bi quan, dao động, ngại khó, ỷ lại.
Nghị quyết số 115 ngày 21/3/1959 của Thường vụ Thành ủy đã chỉ rõ: Cuối năm 1958,
chúng ta đã xây dựng thí điểm HTX, theo quy định của Thành ủy thì sang năm 1959, chúng
ta sẽ phấn đấu để căn bản hoàn thành việc tổ chức các HTX sơ cấp và đưa 1 phần HTX sơ
cấp lên HTX cao cấp. Đó là yêu cầu phát triển khách quan của nông thôn ngoại thành, lại là
một khâu chính trong nhiệm vụ chính trị của Đảng ta trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, trong 6 tháng đầu năm 1960 công tác xây dựng củng
cố HTX nông nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực.
Các HTX đã tiến hành áp dụng kỹ thuật mới, cụ thể: đa số HTX dùng cày cải tiến, cày
2 lượt sâu 13, 15 phân, bừa 3 lượt ở những nơi ruộng cao.
Trong quá trình cải tạo nông nghiệp ngoại thành, Thành ủy đã thực hiện phương châm
kết hợp giữa thủy lợi hóa và hợp tác hóa, chỉ đạo bước đầu thí điểm cơ khí hóa nông nghiệp,
tạo điều kiện giúp đỡ nông dân sản xuất, trang bị công cụ cầm tay, cho vay vốn, gây được
niềm tin và phấn khởi trong nông dân, động viên nông dân yên tâm, tích cực xây dựng HTX.
Ngoài ra một số HTX đã giải quyết đưa ruộng đất của xã viên còn ở ngoài vào HTX,
định lại giá thuê công trâu bò, tính công điểm cho hợp lý.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng HTX còn nhiều thiếu sót nên ngay khi
HTX đang ở giai đoạn mở rộng thì sản xuất nông nghiệp Hà Nội giảm sút so với các năm
trước. Chỉ tính riêng trong hai ngành sản xuất chính: Sản lượng lương thực năm 1960 chỉ
bằng 81% của năm 1959 và bằng 95% so với năm 1958. Vụ chiêm năm 1960 có 19/179 HTX

không có công lao động, giảm gần 50% số hộ so với trước; 769 hộ xin ra khỏi HTX [25; tr.4].
Cho đến cuối năm 1960, Hà Nội đã căn bản hoàn thành xây dựng HTX nông nghiệp.
Tổng số HTX nông nghiệp đã xây dựng được là 279 HTX với trên 19.000 hộ nông dân,
chiếm 86,1% số hộ và 82,6% diện tích canh tác; trong đó có 33 HTX bậc cao, 32/43 xã căn
bản hoàn thành HTX bậc thấp [9; tr.350].
Nhận xét: Có thể nói thắng lợi của phong trào HTX ở các tỉnh miền Bắc và Hà Nội là
thắng lợi có tính chất toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội là cơ sở để phát
triển nông nghiệp, công nghiệp hóa XHCN. Nó xóa bỏ căn bản chế độ chiếm hữu cá thể xây
dựng chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất chủ yếu, biến lối sản xuất riêng lẻ, phân tán
sang hình thức lớn XHCN. Đặc biệt qua phong trào hợp tác hóa đã làm cho người nông dân
giác ngộ XHCN, củng cố và đoàn kết nông thôn, xây dựng nông thôn thêm vững mạnh về
mọi mặt.
Mặc dù còn tồn tại những hạn chế, song những thắng lợi bước đầu trong quá trình xây
dựng các HTX nông nghiệp ở Hà Nội những năm 1958 - 1960 có thể khẳng định rằng công
cuộc cải tạo nông nghiệp nông thôn theo hướng CNXH của Hà Nội đã căn bản hoàn thành.
Với gần 300 HTX được xây dựng, chiếm 86% số hộ nông dân chính là tiền đề và điều kiện
căn bản để ngoại thành Hà Nội tiếp tục mở rộng quy mô HTX, đẩy mạnh sản xuất nông
nghiệp thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm 1961 - 1965.
1.2. Tăng cường chỉ đạo đưa hợp tác xã nông nghiệp Hà Nội từ bậc thấp lên bậc
cao từ năm 1961 đến năm 1964
1.2.1. Chủ trương chung của Đảng
Tháng 9 năm 1960 Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội toàn quốc lần thứ III. Trên cơ
sở thành tựu của ba năm cải tạo XHCN ở miền Bắc, Đại hội quyết định: BCH Trung ương có
nhiệm vụ vạch ra kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) nhằm mục tiêu xây dựng bước
đầu cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, thực hiện một bước công nghiệp hóa XHCN, đưa
miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH.
Trong kế hoạch 5 năm này, vấn đề nông nghiệp được Đảng hết sức quan tâm, thể hiện ở
những chủ trương của Đảng về củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất mới XHCN đã được hình
thành trong nông nghiệp nông thôn.
Ngày 27/1/1961, Bộ Chính trị (khóa III) đã ra nghị quyết chỉ đạo củng cố HTX nông

nghiệp, trong đó nêu 3 nội dung cần phải tập trung giải quyết: củng cố HTX; mở rộng quy
mô HTX; phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện; trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ
mở rộng quy mô HTX để phát triển lực lượng sản xuất, đưa HTX từ bậc thấp lên bậc cao với
quy mô từ 150 đến 200 hộ xã viên
Trung ương Đảng chỉ rõ: việc chuyển HTX bậc thấp lên bậc cao phải theo đúng ba
điều kiện mà nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 16 đã quy định.
1. Năng suất của HTX đã được nâng cao, phần chia cho lao động đã được tăng lên khá
nhiều và những xã viên già yếu, ít sức lao động cũng đuợc đảm bảo về đời sống.
2. Việc giáo dục tư tưởng XHCN cho xã viên làm được tốt, nâng cao được ý thức
đoàn kết, giúp nhau giữa các xã viên.
3. Việc quản lý HTX làm tốt, cán bộ quản lý được bồi dưỡng về nghiệp vụ, thực hiện
đúng nguyên tắc quản lý dân chủ, được quần chúng xã viên tín nhiệm.
Trong ba điều kiện đó, điều kiện tăng năng suất, tăng thu nhập là điều kiện căn bản
nhất.
Ngoài cuộc vận động mở rộng quy mô HTX và đưa dần HTX bậc thấp lên bậc cao,
cuối năm 1962 đầu năm 1963, Bộ chính trị đã quyết định mở cuộc vận động “cải tiến quản lý
HTX, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững
chắc”. Mục đích của cuộc vận động này là nhằm cải thiện đời sống của nông dân xã viên và
của nhân dân nói chung, tăng cường lực lượng của HTX sản xuất nông nghiệp và bảo đảm
nhu cầu nhà nước, bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
1.2.2. Sự vận dụng của Đảng bộ Hà Nội và quá trình tổ chức thực hiện
Thực hiện nghị quyết Đại hội III của Đảng và nghị quyết của Bộ Chính trị về củng cố
và mở rộng HTX nông nghiệp, Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ II (đầu năm 1961) đã xác
định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong 2 năm 1961 - 1962 như sau:
Tập trung củng cố làm cho HTX thật vững mạnh. Vừa mở rộng quy mô HTX theo
đơn vị thôn bao gồm từ 100 đến 200 hộ trong 2 năm căn bản hoàn thành đưa lên bậc cao, vừa
tăng cường quản lý, tích cực đào tạo cán bộ, thực hiện tốt 3 khoán.
Phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, lấy lương thực và thực
phẩm làm trọng tâm (đặc biệt chú ý chăn nuôi).
Căn cứ vào tình hình thực tế của phong trào hợp tác hóa của Hà Nội, tháng 4/1961,

Thành ủy mở cuộc vận động hợp nhất các HTX để mở rộng quy mô, đưa HTX lên bậc cao.
Năm 1962 tiến hành hai đợt hợp nhất 56 HTX nhỏ thành 25 HTX toàn thôn. Ngoại thành Hà
Nội đến tháng 6 - 1962 có 503 HTX sản xuất nông nghiệp, gồm 72.077 hộ xã viên đạt tỷ lệ
90,6% số hộ nông nghiệp. Trong đó có 164 HTX bậc cao gồm 26.400 hộ đạt 36,68% so với
tổng số hộ xã viên.
Về quy mô HTX, bình quân HTX cấp thấp 143 hộ, cấp cao 162 hộ; có 286 HTX toàn
thôn, trong đó có 2 HTX có trên 500 hộ, đã có 5 HTX toàn xã.
Qua việc củng cố, mở rộng quy mô HTX và đưa HTX lên bậc cao tinh thần làm chủ
tập thể XHCN, ý thức giác ngộ của nông dân ngày càng được nâng cao. Đây thực sự là một
quá trình biến đổi cách mạng sâu sắc ở nông thôn Hà Nội. Với việc chuyển HTX nông nghiệp
từ bậc thấp lên bậc cao tàn dư cuối cùng của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất đã bị xóa bỏ.
Những tư liệu sản xuất chủ yếu bao gồm ruộng đất, trâu bò, nông cụ đều được tập thể hóa
hoàn toàn.
Các HTX nông nghiệp thời kỳ này tuy đã thu hút đông đảo nông dân nhưng phương
thức quản lý, tổ chức lao động kém, tình trạng tham ô lãng phí tương đối phổ biến, việc điều
hành sản xuất còn nặng về dong công phóng điểm, năng suất lao động thấp, thu nhập của xã
viên kém; nông dân thiếu phấn khởi.
Để khắc phục tình trạng trên, tháng 6/1962 Thành ủy tiến hành thí điểm cải tiến quản
lý, cải tiến kỹ thuật ở 15 HTX. Qua đợt vận động các HTX đã căn cứ vào chủ trương kế
hoạch cụ thể của Thành ủy để đưa ra phương hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với địa
phương mình và kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung nên sản xuất trong các HTX cuối năm
1962 đầu năm 1963 có chuyển biến tốt. Tuy nhiên còn nhiều HTX chưa xác định được
phương hướng sản xuất cụ thể, trình độ quản lý còn thấp so với yêu cầu phát triển phong trào.
Sang năm 1963, thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị, Thành ủy ra Nghị quyết về
nhiệm vụ tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, coi cuộc vận động
này là công tác trọng tâm thường xuyên ở nông thôn. Cuộc vận động chia làm 2 vòng, vòng
một tiến hành trong hai năm 1963 - 1964, diễn ra trong 4 đợt.
Thành ủy nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc vận động: “Cuộc vận động cải tiến
quản lý HTX nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật là 1 cuộc vận động cách mạng rộng lớn và có ý
nghĩa sâu sắc về nhiều mặt nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện…” [10; tr.10].

Sau hai năm tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý, kỹ thuật trong các HTX nông
nghiệp (1963 - 1964) ngoại thành đã hoàn thành lần thứ nhất, với những thắng lợi về nhiều
mặt: qui vùng sản xuất cho các xã, phương hướng sản xuất của HTX sơ bộ được xác định cụ
thể, HTX được củng cố, các mặt quản lý được tăng cường hơn; các biện pháp kỹ thuật và cơ
sở vật chất kỹ thuật có tiến bộ, sản xuất, chăn nuôi tập thể phát triển mạnh.
Về quan hệ sản xuất cũng được củng cố thêm, năm 1964 phát triển thêm gần 1000 hộ
nên đã đạt 92,88% số hộ vào HTX nông nghiệp. Số hộ vào HTX bậc cao từ 36,8% số hộ xã
viên năm 1962 lên 60,82% số hộ xã viên; số HTX loại kém giảm bớt.
Tuy nhiên so với mục đích yêu cầu của cuộc vận động như Trung ương đề ra, cuộc
vận động lần thứ nhất mới làm được một phần. Những mặt đề ra trong nghị quyết làm còn
yếu, còn có khuyết điểm (vấn đề lao động, tài vụ, kỹ thuật…); có mặt làm còn khó khăn, vì
trình độ có hạn chưa có kinh nghiệm (chăn nuôi tập thể, quản lý kinh tế, trình độ kỹ thuật…),
lực lượng lao động và ruộng đất nhỏ bé, phân tán, nhiều HTX vốn còn ít, công cụ thô sơ.
Nhận xét: Nhìn chung phong trào hợp tác hóa nông nghiệp Hà Nội tính đến cuối năm
1964 đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt là sau khi hoàn thành thắng lợi cuộc vận
động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong HTX nông nghiệp lần thứ nhất.
Chuyển biến đầu tiên trong các HTX nông nghiệp là đã tăng cường thêm một bước sự
nhất trí về chính trị, tư tưởng, bước đầu tạo ra một khí thế cách mạng, ý thức lao động cần cù,
ý thức làm chủ tập thể.
Quan hệ sản xuất XHCN ở nông thôn được củng cố và hoàn thiện.
Trình độ quản lý HTX về các mặt được nâng cao thêm một bước, đa số các HTX đã
xác định được phương hướng phát triển của mình theo hướng lấy sản xuất thực phẩm là chính
đặc biệt chú trọng chăn nuôi, thâm canh tăng năng suất, tăng vụ.
Sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với sản xuất
trong HTX nông nghiệp cũng được tăng cường thêm một bước.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì phong trào sản xuất trong HTX nông nghiệp Hà
Nội cũng còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục để tiếp tục đưa phong trào đi lên cụ thể:
Thứ nhất, quy mô HTX đã được mở rộng phù hợp với yêu cầu sản xuất và đang phát
huy tác dụng tốt nhưng trình độ quản lý của cán bộ còn yếu, cách tổ chức và sử dụng lao
động chưa thực sự hiệu quả.

Thứ hai, cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX chưa được xây dựng nhiều. Các mặt quản lý
sản xuất, quản lý tài vụ đã có tiến bộ nhưng vẫn còn yếu kém.
Thứ ba, ý thức làm chủ HTX của quần chúng xã viên đã được nâng lên, tuy nhiên
chưa cao, nhiều nơi lãnh đạo chưa tạo điều kiện cho quần chúng xã viên thực hiện tốt và phát
huy đầy đủ quyền làm chủ của họ đối với việc xây dựng HTX.
Thứ tư, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với HTX chưa thật sát, nhất là
của chi bộ chưa thực sự mạnh dạn, chưa đi sâu vào hai mặt của nông nghiệp là quản lý và kỹ
thuật.
HTX nông nghiệp những năm 1961 - 1964 tuy còn tồn tại nhiều hạn chế song những
thành tựu trên góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp và nông thôn ngoại thành Hà Nội,
bước đầu đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc lớn mạnh làm
hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó, trước yêu cầu cao
của sản xuất nông nghiệp XHCN và nhất là trước tình hình cả nước có chiến tranh, đế quốc
Mỹ từ cuối năm 1964 bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, đặt ra cho
nông nghiệp Hà Nội nhiệm vụ hết sức to lớn, đòi hỏi Đảng bộ Hà Nội phải tiếp tục phát huy
những thắng lợi, khắc phục những hạn chế để đưa phong trào sản xuất nông nghiệp phát triển
trong điều kiện có chiến tranh, vừa đảm bảo đời sống nhân dân vừa chi viện cho chiến trường
chống Mỹ.

Chương 2: HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở HÀ NỘI TỪ NĂM 1965 ĐẾN NĂM
1975. Gồm 2 phần
2.1. Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội những năm chống chiến tranh
phá hoại (1965 - 1972)
2.1.1. Chủ trương chung của Đảng
Đầu tháng 8 năm 1964 bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã gây ra sự kiện “Vịnh
Bắc Bộ” thực hiện leo thang chiến tranh đánh phá ác liệt miền Bắc đồng thời đưa quân vào
trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam. Trước những âm mưu và hành động mới của
đế quốc Mỹ ở hai miền Nam - Bắc, cục diện cách mạng cả nước ngày càng diễn biến phức
tạp đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết định chiến lược đúng đắn, kịp thời.
Để tiếp tục xây dựng củng cố miền Bắc trong điều kiện mới, Hội nghị Trung ương

Đảng lần thứ 11 (3/1965) đã quyết định chuyển hướng về tư tưởng, tổ chức, kinh tế, quốc
phòng, tiếp tục xây dựng CNXH ở miền Bắc trong điều kiện cả nước có chiến tranh.
Trong nội dung của sự chuyển hướng kinh tế, Đảng khẳng định: phải tích cực đẩy
mạnh phát triển nông nghiệp. Để làm được điều đó, Đảng chủ trương phải tiếp tục củng cố
HTX nông nghiệp để góp phần thiết thực củng cố hậu phương miền Bắc và chi viện sức
người sức của cho cách mạng miền Nam. Ngày 21/8/1965, Ban Bí thư đã ra chỉ thị số 107-
CT/TW “về việc tiếp tục một bước mới cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ
thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp” hay còn gọi là cuộc vận động “cải tiến đợt hai”, một
bước tiếp nối và nâng cao cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong hai năm
trước (1963 - 1964).
Tiếp theo đó, tháng 12/1965, Hội nghị lần thứ 12 BCH TW Đảng khẳng định lại “Phải
tiếp tục thực hiện triệt để những nhiệm vụ mà Hội nghị BCH TW Đảng 11 đã đề ra”. Trung
ương Đảng cũng nhấn mạnh “Để nông nghiệp tiến lên phải không ngừng củng cố HTX, tăng
cường kinh tế tập thể, phát huy lực lượng của HTX, tăng cường tự giải quyết các yêu cầu đến
mức cao nhất” [54; tr.522].
Sự chuyển hướng xây dựng miền Bắc của Đảng thể hiện trong Hội nghị lần thứ 11 và
12 đã giải quyết được vấn đề cơ bản là chuyển hướng các mặt công tác cho thích ứng với
hoàn cảnh cả nước bước vào thời kỳ có chiến tranh ác liệt. Với tinh thần chủ động, tự tin,
chắc thắng, với sự nhất trí và quyết tâm sắt đá, nhân dân miền Bắc đã từng bước tiến lên, chia
lửa với miền Nam, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc và
“Chiến tranh cục bộ” miền Nam.
2.1.2. Sự vận dụng của Đảng bộ Hà Nội và quá trình tổ chức thực hiện
Đối với nông nghiệp, bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thường vụ Thành ủy xác
định: “dù trong tình huống nào, nông nghiệp ngoại thành cũng phải chuyển mạnh sang sản
xuất thực phẩm hơn nữa, đồng thời coi trọng đúng mức sản xuất lương thực, nhằm cung cấp
ngày càng nhiều hơn nhu cầu thực phẩm của thành phố, nâng cao đời sống và bồi dưỡng sức
chiến đấu của nông dân” [12; tr.3].
Trên cơ sở nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp ngoại thành, phương hướng, nhiệm vụ
công tác hợp tác hóa nông nghiệp 1966 được Đảng bộ Hà Nội xác định “Tập trung mọi lực
lượng tiến hành tốt về tiếp tục một bước mới cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ

thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội”. Cuộc vận động lần này phải là
một cuộc phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng ở cơ sở, kết hợp với việc cải tiến và
tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển
hướng kinh tế và đảm bảo hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước trong hai năm 1966 -
1967.
Qua hơn 1 năm (từ tháng 2/1966 đến tháng 6/1967) thực hiện cuộc vận động cải tiến
quản lý HTX lần 2, HTX nông nghiệp Hà Nội đạt được một số kết quả.
Mặc dù trong những năm 1966 - 1967, nông nghiệp ngoại thành phải đương đầu với
thiên tai và địch họa nhưng sản xuất vẫn phát triển đúng hướng. Giá trị tài sản cố định trong
HTX tăng 51%. Năng suất lúa toàn ngoại thành đã đạt bình quân 5.170 tấn thóc/ ha cả năm
(là tỉnh thứ 2 sau Thái Bình đạt bình quân 5 tấn trên toàn miền Bắc). Đời sống nông dân xã
viên được cải thiện. Ngoại thành đã đưa hầu hết số HTX lên bậc cao.
BCH Đảng bộ Thành phố chỉ ra những tồn tại của cuộc vận động cần được khắc phục
“Phương hướng sản xuất của nhiều HTX chưa toàn diện, ổn định, còn gò ép, thiếu vững chắc,
quản lý lao động còn yếu, chế độ công khai tài chính chưa phổ biến và chưa được thường
xuyên; sản xuất của HTX tăng chậm.
Ngay sau khi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ kết thúc
(11/1968), bước sang giai đoạn 1969 - 1972, nhiệm vụ trọng tâm và cốt yếu của thành phố là
phục hồi và phát triển kinh tế.
Việc phát triển nông nghiệp được Thành ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó
phát triển kinh tế HTX tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Thành ủy chỉ đạo phải đẩy mạnh phát
triển sản xuất, tăng năng suất lao động, tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất, chuyển mạnh sang
sản xuất thực phẩm là chính (đặc biệt coi trọng chăn nuôi).
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Thành ủy đã chỉ đạo tiến hành cuộc vận động
đưa Điều lệ vào HTX sản xuất nông nghiệp. Hội nghị Ban chấp hành Thành ủy từ 16 -
18/9/1970 đã nêu rõ nội dung của cuộc vận động nhằm làm cho xã viên được bàn và quyết
định các vấn đề lớn của HTX: vấn đề quản lý và sử dụng tư liệu sản xuất, định hướng kế
hoạch sản xuất, thực hiện bầu cử dân chủ…
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và cấp ủy Đảng đã dấy lên nhiều phong trào thi đua
sôi nổi trong nông nghiệp. Xã viên HTX thi đua “cánh đồng 6 tấn thóc, 20 tấn rau”, “đàn lợn

trăm cân”.
Đến đầu năm 1970, sản xuất nông nghiệp của thành phố cũng có nhiều tiến bộ. Giá trị
sản lượng nông nghiệp năm 1970 vượt kế hoạch 5,7%; so với năm 1969 tăng 16,8%; rau đạt
10 vạn tấn; giống lợn lai đã được nhân rộng. Hơn một nửa số HTX đã có điện cho sản xuất,
các HTX nông nghiệp được trang bị 271 máy bơm, gần 500 máy xay xát, tuốt lúa. Nông
trường quốc doanh được củng cố và phần nào giảm được lỗ.
Quán triệt và vận dụng sự chỉ đạo của Trung ương về phát triển nông nghiệp tại Hội
nghị Trung ương Đảng 19 (1971) và 20 (1972), Thành ủy chủ trương chuyển hướng thực
phẩm đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính nhằm khắc phục chuyển biến chậm của
thời kỳ trước.
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng kể nhưng chủ trương đưa chăn nuôi lên thành
ngành sản xuất chính chưa đạt yêu cầu. Đàn lợn tăng chậm, chăn nuôi phụ thuộc trồng trọt,
năng suất trong chăn nuôi thấp, chăn nuôi tập thể lỗ vốn, dịch bệnh nhiều. Mặt khác trong
chăn nuôi chỉ chú trọng tới lợn, không chú ý tới các loại gia cầm, trâu bò [82; tr.51].
Thực hiện chỉ thị số 181/CT của Ban Bí thư Trung ương Đảng, BCH Đảng bộ Thành
phố đã chỉ đạo tiến hành điều tra tình hình quản lý các HTX nông nghiệp ở 30 HTX nông
nghiệp (bằng 9,7% số HTX nông nghiệp) ở 4 huyện ngoại thành Hà Nội. Cuộc điều tra lần
này nhằm đánh giá đúng tình hình tổ chức và quản lý HTX sản xuất nông nghiệp, nhận rõ
những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác quản lý và có biện pháp cụ thể để tăng cường
quản lý HTX.
Nhận xét: Có thể thấy rằng xây dựng HTX nông nghiệp ở Hà Nội giai đoạn 1965 -
1972 diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn với thiên tai, địch họa nhưng dưới sự lãnh đạo
của Thành ủy, sự cố gắng nỗ lực của nông dân xã viên, phong trào HTX của Hà Nội giai
đoạn này vẫn có những thành tựu đáng kể. Qua cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến
kỹ thuật lần 2 (1966 - 1967), ngoại thành đã chuyển hầu hết các HTX lên bậc cao, hoàn thiện
quan hệ sản xuất mới ở các khu phố, đặc biệt năm 1967 nông nghiệp đã đạt năng suất 5,16
tấn trên 1ha.
Mặc dù quá trình xây dựng HTX nông nghiệp của Hà Nội giai đoạn (1965 - 1972) vẫn
còn tồn tại những hạn chế: phương hướng sản xuất của HTX chưa toàn diện, ổn định, sản
xuất của HTX tăng chậm, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, quy mô HTX chưa phù hợp, cuộc

vận động đưa điều lệ HTX về làng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nông dân xã viên còn
hạn chế… song không thể phủ nhận những kết quả đạt được của công cuộc xây dựng HTX.
HTX nông nghiệp Hà Nội thời kỳ này đã làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn chi viện sức
người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, ổn định đời sống xã viên, góp phần cùng quân dân
Thủ đô làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm buộc đế quốc Mỹ phải
ký kết hiệp định Pari về Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.
2.2. Củng cố hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội từ năm 1973 đến năm 1975
2.2.1. Chủ trương chung của Đảng về củng cố tổ chức, phát triển sản xuất nông
nghiệp
Chiến thắng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Thủ đô Hà
Nội đã góp phần quyết định vào việc buộc đế quốc Mỹ phải ký kết hiệp định Pa - ri về Việt
Nam ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh, phải rút quân về nước. Từ đây, nhân dân miền
Bắc bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và ổn định kinh tế - xã hội,
góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 22 (1974) chỉ rõ: “Phương hướng phát triển nông
nghiệp ở miền Bắc là phải tiến lên phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng chuyên canh
và thâm canh, đi lên sản xuất lớn, đưa chăn nuôi lên thành ngành chính”.
Hội nghị cũng chỉ rõ: Việc hợp nhất, mở rộng quy mô HTX phải theo đúng tinh thần
chỉ đạo của Trung ương theo Nghị quyết lần thứ 19 và ý kiến của Bộ Chính trị về nhiệm vụ
khôi phục và phát triển kinh tế 1973 - 1975 đã đề ra: “Phải làm chắc chắn, thận trọng, bảo
đảm các điều kiện: yêu cầu sản xuất, trình độ lãnh đạo và quản lý, quần chúng tự nguyện. Khi
hợp nhất một HTX nào thì nhất thiết phải do đại hội xã viên quyết định và quản lý phải tốt,
sản xuất phải tiến bộ hơn hẳn trước”.
Ngày 16/9/1974, Ban Bí thư đã ra chỉ thị số 208-CT/TW về việc tổ chức lại sản xuất
nông nghiệp và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất
lớn XHCN.
Chỉ thị nêu rõ: Để chấn chỉnh và tăng cường hoạt động của HTX, làm cho HTX đẩy
mạnh được sản xuất, tăng thu nhập của HTX, rút kinh nghiệm tổ chức sản xuất và quản lý
nông nghiệp từ cơ sở, Ban Bí thư nhấn mạnh: “một trong những công tác cấp bách hiện nay
là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp từ cơ sở, từng bước thực hiện chuyên môn hóa sản

xuất kết hợp với hợp tác hóa một cách hợp lý… bảo đảm quản lý thống nhất và có hiệu lực
của Nhà nước đề cao trách nhiệm và quyền làm chủ tập thể XHCN của quần chúng xã viên”
[62; tr.371].
2.2.2. Sự vận dụng của Đảng bộ Thành phố và quá trình tổ chức thực hiện
Sau khi hiệp định Pa - ri được ký kết (1/1973), cùng với miền Bắc, Hà Nội thực sự
bước vào thời kỳ mới: từ phân tán trở về tập trung, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình.
Nhiệm vụ to lớn cấp bách của Thủ đô là nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến
tranh, khôi phục kinh tế.
Thực hiện Chỉ thị 208/CT của Ban Bí thư, ngày 26/3/1975, BCH Đảng bộ Thành phố
đã ra Nghị quyết số 18-NQ/ĐBHN thí điểm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở 18 HTX
(chiếm 6% số HTX nông nghiệp, 13,1% diện tích canh tác). Mục đích của việc tổ chức lại
sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp từ cơ sở là: “bố trí lại sản xuất một cách hợp lý nhất
theo phương hướng chuyên canh, thâm canh sản xuất lớn để tăng nhanh năng suất lao động,
từng bước thực hiện phân công lao động mới ở nông thôn, tăng cường quan hệ sản xuất mới
ở nông thôn, nâng cao đời sống nông dân xã viên” [13; tr.4].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải
tiến một bước quản lý nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội đã đạt được một số kết quả sau:
- Thu hồi được một số đất đai bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai chính sách.
- Kế hoạch sản xuất được điều chỉnh lại cho hợp lý, ruộng đất được phân bổ theo
nguyên tắc “liền khoanh, tiện cư, tiện canh” dễ quản lý và áp dụng các biện pháp kỹ thuật
- Quản lý theo các hướng tập trung thống nhất nên giảm được nhiều cán bộ gián tiếp.
- Về quản lý lao động cũng được chặt chẽ và đi vào nề nếp hơn trước, xã viên được
phân công, lao động sản xuất theo định mức, khi xong có nghiệm thu, hiện tượng làm dối làm
ẩu chạy theo công điểm được đấu tranh tích cực nên dần dần đã đưa phong trào lao động vào
làm ăn có kỷ luật, có kỹ thuật, chú ý tới hiệu quả.
- Vật tư tiền vốn sử dụng tập trung nên được quản lý chặt chẽ, những trường hợp vi
phạm tài sản tập thể được xử lý nghiêm khắc.
Tuy đạt được một số kết quả trên, nhưng việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp vẫn
còn nhiều tồn tại cần khắc phục.
Việc quy hoạch, quy vùng thửa ruộng một số nơi quá máy móc (quy đinh cứ đặt 1

thửa 1 ha), đưa cả diện tích cao, trung gộp lại trong một thửa, không tiện việc tưới tiêu.
Các đội chuyên được thành lập một cách tùy tiện, trái nghề, bố trí còn nhiều lúng
túng, gò ép… gây lãng phí sức người sức của, tình trạng vô trách nhiệm, ỷ lại lan tràn.
Cùng với cuộc vận động tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, năm 1975 Đảng bộ Thành
phố tiếp tục chủ trương mở rộng quy mô HTX, hợp nhất HTX nông nghiệp quy mô toàn xã.
Phương hướng và kế hoạch hợp nhất cụ thể là: “Việc mở rộng quy mô HTX toàn xã phải đảm
bảo yêu cầu chủ yếu là tích cực tăng cường lực lượng của HTX; có lợi cho đoàn kết, lợi cho
phát triển sản xuất, lợi cho việc củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông nghiệp”
[20; tr.4].
Tính đến năm 1975, qua 3 đợt hợp nhất HTX quy mô toàn xã, Hà Nội có 98,1% số hộ
nông dân đã vào HTX, trong đó có 342 HTX bậc cao (kể cả 35 HTX khu phố). Có 23 HTX
quy mô xã, còn quy mô thôn và liên thôn. Ruộng đất đã được tập thể hóa. Bình quân mỗi
HTX có 85 ha ruộng đất canh tác và 400 lao động.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật trang bị cho
HTX. Năm 1975, trong tổng số 334 HTX nông nghiệp ở ngoại thành có 235 HTX có máy
bơm nước, 205 HTX có máy xay xát, 260 HTX có máy tuốt lúa, 138 HTX có máy nghiền
thức ăn gia súc.
Kết quả: Giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1974 đạt 92,1 triệu đồng tăng 4,3% so với
năm 1965 (thời kỳ trước chiến tranh). Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh đúng theo hướng lấy
sản xuất thực phẩm là chính. Năng suất lúa bình quân 6,4 tấn/ha.
Đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn XHCN thay đổi từng bước.
Người nông dân tin tưởng vào chế độ, vào con đường XHCN.
Tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng HTX nông nghiệp Hà Nội giai
đoạn 1965 - 1975 vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém:
Cơ sở vật chất kỹ thuật bước đầu mặc dù tăng lên rõ rệt song hầu hết các HTX chưa
khai thác, phát huy có hiệu quả những tiềm năng sẵn có.
Diện tích gieo trồng bị giảm sút, hệ số sử dụng đất thấp, lãng phí. Chi phí sản xuất
tăng vọt, vượt quá mức thu nhập.
Sản xuất lương thực ở các HTX nhiều lúc dậm chân tại chỗ, bình quân lao động đầu
người và thu nhập xã viên ngày càng thấp. Tệ nạn tham ô, lãng phí và hiện tượng thất thoát,

hư hao tiền vốn, vật tư ở các HTX còn ở mức nghiêm trọng.
Tóm lại, mặc dù HTX nông nghiệp Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải
quyết nhưng những thành tựu mà HTX đạt được trong những năm 1965 - 1975 là điều kiện
quan trọng để nông dân xã viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công cuộc xây
dựng HTX nông nghiệp trong hoàn cảnh mới của đất nước.
Chương 3: MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
3.1. Một số nhận xét
Trên cơ sở khái quát quá trình xây dựng HTX nông nghiệp của Hà Nội, sau hơn 15 năm
xây dựng và phát triển (1958 - 1975), có thể rút ra một số ưu điểm:
3.1.1. Ưu điểm:
Một là, hợp tác xã nông nghiệp Hà Nội góp phần nâng cao đời sống nhân dân, làm cho
bộ mặt nông thôn ngoại thành ngày càng đổi mới
Hai là, quá trình xây dựng và phát triển hợp tác xã nông nghiệp Hà Nội cũng là quá
trình xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất XHCN trong ngành nông nghiệp
Ba là, cùng với HTX nông nghiệp trên toàn miền Bắc, HTX nông nghiệp Hà Nội đã
góp phần thực hiện tốt vai trò là hậu phương trong chiến tranh cách mạng
3.1.2. Hạn chế
Tuy nhiên, quá trình xây dựng HTX nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội những năm
1958 - 1975 vẫn còn tồn tại những hạn chế:
Một là, trong quá trình xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp, Đảng bộ Hà Nội còn
mắc căn bệnh chủ quan duy ý chí
Hai là, chưa tìm ra được hình thức tổ chức và quản lý HTX phù hợp
Những tồn tại trên của HTX nông nghiệp ở Hà Nội là do những nguyên nhân sau:
Một là, xây dựng HTX là một vấn đề mới, hơn nữa do chưa có thực tiễn và thiếu kinh
nghiệm nên việc xây dựng mô hình tập thể hóa nông nghiệp còn nhiều bất cập
Hai là, do bị chi phối bởi cuộc chiến tranh
Ba là, trong quá trình xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, Đảng bộ đã không chú ý
những đặc điểm kinh tế, xã hội ở địa bàn nông thôn Hà Nội.
3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu
Thực tiễn xây dựng HTX nông nghiệp của Hà Nội có thể rút ra những kinh nghiệm chủ

yếu sau đây:
Một là, kiên trì công tác vận động và tổ chức quần chúng vận dụng sát đúng chủ trương
của Đảng vào hoàn cảnh địa phương
Hai là, trong quá trình tổ chức thực hiện, thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát hiện kịp
thời những hạn chế, yếu kém và kiên quyết khắc phục.
Ba là, việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp phải xuất phát từ
nhu cầu của sản xuất, phù hợp với trình độ của người lao động



KẾT LUẬN
Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội đối với việc xây dựng
và phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 1958 - 1975, luận văn đã rút ra một số kết luận sau:
1. Trước hết, phải khẳng định rằng, HTX nông nghiệp ở Hà Nội giai đoạn 1958 - 1975
có vai trò quan trọng trong công cuộc cải tạo XHCN, góp phần xây dựng nông thôn Hà Nội
vững mạnh. Đó là bước đi tất yếu để mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, đẩy nhanh
cách mạng kỹ thuật, từng bước xây dựng quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Mặc
dù đó không là một công việc dễ dàng, lại diễn ra trong điều kiện vừa có hòa bình, vừa có
chiến tranh, nhưng với sự nỗ lực của nhân dân Hà Nội cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của
Đảng bộ, công cuộc đó đã giành được những thắng lợi to lớn.
HTX nông nghiệp được xây dựng, củng cố và hoạt động có hiệu quả là cơ sở để Hà
Nội góp phần củng cố miền Bắc vững chắc và làm tròn vai trò hậu phương lớn, chi viện sức
người, sức của cho tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
2. Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Hà Nội cũng như các địa phương khác trên
toàn miền Bắc diễn ra trong không khí thi đua sôi nổi với mục tiêu nhanh chóng đưa sản xuất
nhỏ lẻ của người nông dân vào con đường làm ăn tập thể XHCN.
Từ việc xây dựng thí điểm HTX ở Đại Từ (Đại Kim) năm 1958, đến năm 1960, phong
trào xây dựng HTX nông nghiệp ở Hà Nội đã căn bản hoàn thành tạo điều kiện đưa nông
nghiệp ngoại thành Hà Nội phát triển theo định hướng XHCN. Đây thực sự là cuộc cách
mạng trong nông nghiệp nông thôn Hà Nội, cuộc cách mạng này đã tấn công vào nghèo nàn,

lạc hậu, tấn công vào những quan hệ sản xuất lỗi thời, đấu tranh trên mặt trận kinh tế mà
người chiến sĩ tiên phong ở đây chính là những người nông dân. Quá trình xây dựng HTX
nông nghiệp cũng là quá trình xây dựng chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động,
chuyển lối làm ăn nhỏ lẻ, phân tán ở nông thôn nông nghiệp Hà Nội sang sản xuất hợp tác,
làm cho năng suất lao động trong nông nghiệp tăng, đời sống nông dân xã viên được đảm
bảo, góp phần tạo ra sự ổn định về mặt chính trị ở nông thôn Hà Nội.
3. Bên cạnh đó, cũng như các tỉnh miền Bắc, HTX nông nghiệp Hà Nội cũng không
tránh khỏi những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng thể hiện trên một số mặt như
quản lý sản xuất, phân phối còn nhiều yếu kém, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thô sơ, trình độ
quản lý và tổ chức của cán bộ, đảng viên trong HTX còn yếu. Ngoài ra, quá trình xây dựng và
củng cố HTX chưa thực sự bảo đảm tính dân chủ, nhiều nơi vi phạm nguyên tắc xây dựng
HTX. Nhận thức của Đảng về xây dựng HTX còn đơn giản. Một số chủ trương như chuyển
hướng sang sản xuất thực phẩm, quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng các nông trường chăn
nuôi của Thành ủy đều không đạt hiệu quả. Nhiều nơi người nông dân không tin tưởng vào
sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, số xã viên xin ra HTX còn nhiều, nhất là lúc sản xuất gặp khó
khăn… Tuy nhiên những bất cập này đã được Đảng tìm ra và giải quyết một cách kịp thời,
nên HTX nông nghiệp giai đoạn này đã đạt được những thành tựu đáng kể.
4. Nhìn vào quá trình hình thành, phát triển của HTX nông nghiệp Hà Nội 1958 -
1975 chúng ta có thể thấy được sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, sự chỉ
đạo, vận dụng và hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội cũng như nỗ lực của các cấp các ngành và
nhân dân Hà Nội trong sản xuất cũng như chiến đấu. Đó là nơi phát huy cao nhất nguồn lực
con người trong giai đoạn cách mạng hào hùng của dân tộc. Thông qua phong trào này đã
làm cho chúng ta hiểu thêm truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần hăng hái tích cực
trong lao động, sản xuất của người nông dân. Họ thực sự là những người anh hùng trong
chiến đấu và xây dựng.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn hiện nay của
cả nước cũng như ở Hà Nội việc phát huy những thành tựu khắc phục những hạn chế, yếu
kém của HTX nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Để tiếp tục phát triển HTX nông nghiệp
trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ của Đảng là cần giải quyết tốt hơn nữa một số vấn đề đang
đặt ra đó là: cần phải đa dạng hóa các loại hình HTX, phải công nghiệp hóa - hiện đại hóa

nông nghiệp nông thôn, cần phải có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và các cấp các
ngành… coi đây là những nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Đối với Hà Nội, Thủ đô của cả nước, mảnh đất anh hùng nghìn năm văn hiến, Đảng
bộ và chính quyền cũng phải luôn quan tâm sát sao đến nông nghiệp, đến đời sống của người
nông dân ở nông thôn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp ngoại thành vững mạnh, tạo ra sự
tương xứng giữa kinh tế nội - ngoại thành Hà Nội, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN.


References
1. Ban Chấp hành Trung ương (1965), Chỉ thị về việc tiếp tục một bước mới cuộc vận
động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp ở tỉnh
đồng bằng và trung du, Hà Nội.
2. Ban Chấp hành Trung ương (1970), Chỉ thị về việc điều tra tình hình quản lý các hợp
tác xã sản xuất nông nghiệp, Hà Nội.
3. Ban Chấp hành Trung ương (1971), Đề cương hướng dẫn thi hành chỉ thị 181CT/TW
về điều tra tình hình công tác quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Hà Nội.
4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (1961), Nghị quyết Hội nghị
Trung ương lần thứ 5 (tháng 7/1961) về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm
lần thứ nhất (61- 65), Hà Nội.
5. Ban Chấp hành Thành phố Hà Nội (1975), Báo cáo đánh giá công tác thí điểm tổ
chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản
xuất lớn xã hội chủ nghĩa, Hà Nội.
6. Ban Chấp hành Thành phố Hà Nội (1968), Dự thảo báo cáo tổng kết bước mới cuộc
vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp ngoại
thành Hà Nội, Hà Nội.
7. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1963), Đề án đẩy mạnh công tác xây
dựng Đảng bộ 4 tốt ở xã trong cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật
nhằm phát triển sản xuất nông toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, Hà Nội.
8. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1971), Kế hoạch tiến hành điều tra tình

hình quản lý các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Hà Nội.
9. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (2004), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà
Nội (1930 - 2000), Nxb Hà Nội, Hà Nội.
10. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1963), Nghị quyết của Thành ủy về
nhiệm vụ tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp ở ngoại thành Hà
Nội, Hà Nội.
11. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1965), Nghị quyết của Thường vụ
Thành ủy về tiếp tục một bước mới cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ
thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội, Hà Nội.
12. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1972), Nghị quyết của Thường vụ
Thành ủy về việc tổng kết điều tra tình hình quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở ngoại
thành, Hà Nội.
13. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1975), Nghị quyết của Thường vụ
Thành ủy về việc thi hành chỉ thị 208/CT của Trung ương về việc tổ chức lại sản xuất nông
nghiệp và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn
XHCN, Hà Nội.
14. Ban Chấp hành Huyện Đông Anh (1963), Báo cáo kiểm điểm công tác cải tiến quản
lý, cải tiến kỹ thuật đợt II, Hà Nội.
15. Ban Chấp hành Huyện ủy Gia Lâm (1964), Báo cáo tổng kết cải tiến quản lý hợp
tác xã, cải tiến kỹ thuật đợt III/1964, Hà Nội.
16. Ban chấp hành Huyện ủy Thanh Trì (1963), Báo cáo sơ kết công tác tuyên truyền
phục vụ cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, Hà Nội.
17. Ban Chỉ đạo cải tiến quản lý hợp tác xã Hà Nội (1963), Thông báo cuộc vận động
cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp của Hà Nội - đợt II mùa thu
năm 1963, Hà Nội.
18. Ban Chỉ đạo cải tiến quản lý hợp tác xã Hà Nội (1963), Thông báo tình hình cải tiến
quản lý hợp tác xã cải tiến kỹ thuật ở ngoại thành Hà Nội, Hà Nội.
19. Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ thị 208 (1975), Báo cánh đánh giá công tác thí điểm tổ
chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản
xuất lớn XHCN, Hà Nội.

20. Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ thị 208 (1975), Tích cực củng cố HTX sản xuất nông
nghiệp, tạo điều kiện mở rộng quy mô HTX toàn xã ở ngoại thành Hà Nội, chuẩn bị thực hiện
việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và cải tiến 1 bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo
hướng tiến lên sản xuất lớn XHCN, Hà Nội.
21. Ban Công tác nông thôn (1958), Báo cáo tổng kết xây dựng thí điểm hợp tác xã sản
xuất nông nghiệp ở ngoại thành, Hà Nội.
22. Báo cáo của Ban công tác nông thôn Trung ương tại Hội nghị quản lý HTXNN
(1963), Cải tiến công tác quản lý HTXNN, xuất bản lần 2, Nxb Sự thật, Hà Nội.
23. Ban Công tác nông thôn Hà Nội (1962), Báo cáo tổng kết đợt thí điểm cải tiến công
tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp ở ngoại thành, Hà Nội.
24. Ban Công tác nông thôn Hà Nội (1958), Kế hoạch cụ thể mở rộng xây dựng thí
điểm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Hà Nội.
25. Ban Công tác nông thôn Hà Nội (1960), Dự thảo báo cáo kiểm điểm công tác củng
cố HTX nông nghiệp đợt mùa hè ở ngoại thành Hà Nội, Hà Nội.
26. Ban Công tác nông thôn (1962), Thông báo về 1 số kinh nghiệm bước đầu của cuộc
vận động cải tiến quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Hà Nội.
27. Ban Công tác nông thôn Hà Nội (1963), Thông báo tình hình cải tiến quản lý hợp
tác xã nông nghiệp ngoại thành Hà Nội, Hà Nội.
28. Ban Công tác nông thôn Hà Nội (1963), Thông báo về tình hình công tác cải tiến
quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội tính đến ngày 10/4/1963, Hà
Nội.
29. Ban Nông nghiệp thành phố (1966), Báo cáo tình hình kết hợp 3 cuộc vận động
quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch nhà nước năm 67, thực hiện nghị quyết cuộc vận
động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật và việc tổ chức lấy ý kiến
quần chúng phê bình sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn, Hà Nội.
30. Ban Nông nghiệp thành phố Hà Nội (1967), Báo cáo tổng kết đợt 3 cuộc vận động
cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kinh tế phát triển sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành Hà
Nội, Hà Nội.
31. Ban Nông nghiệp thành phố Hà Nội (1968), Báo cáo tình hình kiểm tra phát huy kết
quả cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Hà Nội.

32. Ban Nông nghiệp thành phố Hà Nội (1966), Kế hoạch mở cuộc vận động cải tiến
tập trung thuộc các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp của các khu phố, Hà Nội.
33. Ban Nông nghiệp thành phố (1968), Kế hoạch tổng kết cuộc vận động cải tiến quản
lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, Hà Nội.
34. Ban Tuyên giáo Thành phố Hà Nội, Báo cáo sơ kết công tác tuyên truyền, giáo dục
đợt I cải tiến quản lý HTXNN ở ngoại thành, Hà Nội, 9/1963.
35. Ban Tuyên giáo Thành phố Hà Nội (1964), Báo cáo tổng kết công tác tuyên truyền,
giáo dục nhân dân trong đợt II cải tiến quản lý HTX nông nghiệp ở ngoại thành, Hà Nội.
36. Ban Tuyên huấn thành phố Hà Nội (1963), Kế hoạch tuyên truyền giáo dục về cuộc
vận động cải tiến quản lý hợp tác xã cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện,
mạnh mẽ, vững chắc, Hà Nội.
37. Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp Hà Nội (1968), Báo cáo kiểm điểm công tác
quản lý ở các HTX nông nghiệp Hà Nội, Hà Nội.
38. Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp Trung ương (1970), Hướng dẫn việc tổng hợp,
báo cáo kết quả điều tra các HTX nông nghiệp, Hà Nội.
39. Báo cáo tổng kết công tác phát triển và củng cố HTXNN đợt xuân hè ở ngoại thành
Hà Nội của Ban công tác nông thôn Hà Nội từ ngày 7/7/1960, Hồ sơ 158/160, lưu trữ Văn
phòng UBND thành phố.
40. Nguyễn Văn Bích (CB), Chu Tiến Quang (1994), Đổi mới quản lý kinh tế nông
nghiệp - Thành tựu, vấn đề và triển vọng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
41. Trường Chinh (1969), Kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đưa
phong trào hợp tác hóa nong nghiệp vững bước tiến lên, Nxb Sự thật, Hà Nội.
42. Chính sách luật lệ về hợp tác xã (1964) (Lưu hành nội bộ). Học viện kiểm sát nhân
dân tối cao xuất bản.
43. Đinh Thu Cúc (1976), Bước đầu tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển tư
tưởng làm chủ tập thể của người nông dân Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2.
44. Đinh Thu Cúc (1977), Tìm hiểu quá trình từng bước củng cố và hoàn thiện quan hệ
sản xuất XHCN trong các họp tác xã sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc nước ta, Tạp chí
Nghiên cứu lịch sử, số 175.
45. Nguyễn Sinh Cúc (1995), Nông nghiệp Việt Nam (1945 - 1995), Nxb Thống kê, Hà

Nội.
46. Trần Đức Cường (1979), Nhìn lại quá trình chuyển hóa hợp tác xã sản xuất nông
nghiệp từ bậc thấp lên bậc cao ở miền Bắc nước ta, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 187.
47. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Báo cáo về nhiệm vụ kế hoạch 3 năm (1958 -
1960) phát triển và cải tạo kinh tế quốc dân, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội.
48. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Chỉ thị của Ban bí thư về việc đẩy mạnh phong
trào hợp tác hóa nông nghiệp, bảo đảm hoàn thành thắng lợi vụ sản xuất đông xuân 1958,
Văn kiện Đảng toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
49. Đảng Cộng sản Việt Nam (1960), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III,
kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (9/1960), Hà Nội.
50. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 (khóa III), Văn kiện
Đảng toàn tập, tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
51. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Nghị quyết hội nghị lần thứ 6, Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
52. Đảng Cộng sản Việt Nam (1963), Nghị quyết Bộ chính trị về cuộc vận động cải tiến
quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững
chắc, Nxb Sự thật, Hà Nội.
53. Đảng Cộng sản Việt Nam (1963), Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 về kế hoạch
phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Nxb Sự thật, Hà Nội.
54. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 26 (1965), Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
55. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29 (1968), Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
56. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30 (1969), Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
57. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32 (1971), Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
58. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 33 (1972), Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.

59. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34 (1973), Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
60. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35 (1974), Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
61. Đảng Cộng sản Việt Nam với phong trào hợp tác xã, tập 1 (2005), Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
62. Đảng Cộng sản Việt Nam với phong trào hợp tác xã, tập 2 (2005), Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
63. Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1964), Báo cáo sơ kết kinh nghiệm lãnh đạo và
phương pháp công tác của chi bộ HTX nông nghiệp, Hà Nội.
64. Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1974), Báo cáo của Ban chấp hành trước Đại hội Đại
biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ VI (4/1974).
65. Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1970), Nghị quyết Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc
thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về cuộc vận động tăng cường chế độ
làm chủ tập thể ở nông thôn, Hà Nội.
66. Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1972), Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về việc phát
triển chăn nuôi lớn phấn đấu sớm đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính trong nông
nghiệp, Hà Nội.
67. Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần
thứ VI (họp từ 8 - 12/4/1974).
68. Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1966), Tiếp tục bước mới cải tiến quản lý HTX, cải
tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất chống Mỹ cứu nước (NQ số 76 - NQ ĐBHN ngày 20/2/1965
của Thường vụ Thành ủy, Hà Nội.
69. Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1963), Tổng kết đợt 1 cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ
thuật ở ngoại thành, Hà Nội.
70. Trần Đức (1991), Hợp tác xã và thời vàng son của kinh tế gia đình, Nxb Văn hóa
Thông tin - văn hóa, Hà Nội.
71. Nguyễn Hữu Khiển (1964), 1 số kinh nghiệm chủ yếu của các HTX nông nghiệp
tiên tiến, Nxb Sự thật, Hà Nội.
72. Phạm Thị Kim Lan (2006), Đảng bộ Thái Bình lãnh đạo xây dựng và phát triển hợp

tác xã nông nghiệp (1958 - 1975), Luận văn Thạc sỹ, Hà Nội.
73. Chử Văn Lâm (1992), Hợp tác hóa nông nghiệp Việt Nam - Lịch sử - vấn đề - triển
vọng, Nxb Sự thật, Hà Nội.
74. Lý luận về hợp tác hóa kinh nghiệm lịch sử và sự vận dụng ở nước ta (1990), Nxb
Sự thật, Hà Nội.
75. Hồ Chí Minh (1975), Về hợp tác xã nông nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội.
76. Lenin (1961), Bàn về hợp tác hóa nông nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội.
77. Lưu Thị Bích Ngọc (1996), Sự chuyển biến của các HTX nông nghiệp trong quá
trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam (1981 - 1995), Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội.
78. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ V - tháng 4/79 (1979), Hà Nội.
79. Những kết luận bước đầu về thâm canh tăng năng suất rau của nhân dân ngoại
thành Hà Nội (1968), Sở nông nghiệp, Hà Nội.
80. Nông nghiệp nông thôn trong sự nghiệp đổi mới hiện nay (1993), Thông tin chuyên
đề, Trung tâm thông tin tư liệu, học viện thị quốc gia HCM thông tin chuyên đề.
81. Phát huy dân chủ, mở rộng khí thế cách mạng tiến công, tiến lên giành thắng lợi to
lớn nhất trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng Thủ đô XHCN (1968), (Báo cáo
của BCH Đảng bộ trước Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố).
82. Sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội đối với ngành nông nghiệp Thủ đô 1955 - 1990
(1993), Hà Nội.
83. Thành ủy Hà Nội (1972), Báo cáo kết quả điều tra tình hình quản lý ở 30 HTX sản
xuất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội, Hà Nội.
84. Thành ủy Hà Nội (1964), Dự thảo báo cáo tổng kết lần thứ nhất cuộc vận động cải
tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong các hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội, Hà Nội.
85. Thành ủy Hà Nội (1958), Nghị quyết về việc vận động xây dựng hợp tác xã sản
xuất nông nghiệp thí điểm ở ngoại thành, Hà Nội.
86. Thành ủy Hà Nội (1959), Nghị quyết về kế hoạch xây dựng củng cố hợp tác xã sản
xuất nông nghiệp, củng cố và đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi, Hà Nội.
87. Nguyễn Chí Thanh (1963), 10 kinh nghiệm về công tác chính trị tư tưởng trong
công tác tổ chức Đảng ở nông thôn và hợp tác xã nông nghiệp, Báo Nhân dân ngày
25/7/1963, trường Trần Phú Hà Tĩnh.

88. Lê Đình Thắng, Phạm Văn Khôi (1995), Đổi mới và hoàn thiện 1 số chính sách
phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
89. Lương Thị Phương Thảo (1996), Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo, tổ chức hợp tác hóa
nông nghiệp (1954 - 1975), Luận văn Thạc sỹ, Hà Nội.
90. Bùi Công Trừng - Lưu Quang Hà (1960), Hợp tác hóa nông nghiệp miền Bắc Việt
Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội.
91. Vụ nông nghiệp - Tổng cục thống kê (1991), Số liệu thống kê nông nghiệp 35 năm
(1956 - 1990), Nxb Thống kê, Hà Nội.
92. Hồ Văn Vĩnh, Mô hình phát triển HTX nông nghiệp ở Việt Nam (2005), Nxb Nông
nghiệp, Hà Nội.
93. 20 năm xây dựng và phát triển kinh tế văn hóa thủ đô (1976), Hà Nội.



×