SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
ĐỀ TÀI:
"MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHỌN LỌC VÀ BỒI DƯỠNG HỌC
SINH GIỎI MÔN VĂN Ở CÁC LỚP BAN KHOA HỌC TỰ NHIÊN
ĐỂ ĐẠT KẾT QUẢ CAO"
1
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1. Hơn mười năm ra trường và được phân công về trường THPT Hoằng Hóa 3 làm nhiệm
vụ giảng dạy, dù công tác ở một địa bàn đóng xa trung tâm, “xa phủ”, “xa tỉnh” với hơn
80% học sinh bãi ngang, dù vị rí xếp loại toàn đoàn luôn nằm trong Top khiêm tốn của
Tỉnh nhưng những năm gần đây, môn Văn luôn đóng góp một lực lượng học sinh giỏi
hùng hậu, luôn mang về cho trường 8 đến 9 giải mỗi năm với việc chọn lọc học sinh giỏi
ở đa dạng các khối lớp. Trong đó có phải kể đến sự góp mặt ngày càng nhiều về lượng và
chất của các học sinh giỏi môn Văn đến từ các lớp ban Khoa học Tự nhiên (KHTN). Là
ban học của những lớp có học sinh mũi nhọn chủ yếu theo hai khối A, B nhưng bằng
nhiệt tình, bằng “con mắt xanh” trong cách nhìn nhận và đánh giá, chỉ trong một thời gian
ngắn với vẻn vẹn 3,4 tiết/ tuần trong phân phối cho phép, chúng tôi cũng đã ươm mầm và
bồi dưỡng được một số học sinh cùng đứng trong đội tuyển học sinh giỏi (HSG) của
trường và đã gặt hái những thành công nhất định.
2. Người giáo viên trực tiếp đứng lớp luôn tâm niệm và xác định một điều rằng: Một
trong những mục tiêu quan trọng của nghề dạy học là đào tạo ra những học sinh giỏi và
một trong những niềm sung sướng, vinh dự, hạnh phúc nhất trong cuộc đời người thầy là
đào tạo và bồi dưỡng được những học sinh giỏi. Muốn vậy, thì ngoài năng lực, tố chất
của học sinh còn cần có những kinh nghiệm để phát hiện, nhìn nhận và có những cách
thức bồi dưỡng phù hợp nhất dành cho đối tượng ấy để đem lại hiệu quả tốt nhất có thể.
Giỏi văn không chỉ là năng khiếu thiên bẩm. Cổ nhân có câu: “ngọc bất trác bất thành
khí”. Vậy nên dù lí luận về phương pháp dạy học có đề cao vai trò tích cực chủ động
sáng tạo của học sinh đến thế nào chăng nữa thì người thầy - nhất là người thầy dạy môn
Văn vẫn đóng một vai trò cực kì quan trọng.
3. Văn học là một loại hình nghệ thuật mà nghệ thuật thì "không phải là bánh mì mà là
thứ rượu của cuộc đời”(Butler). Văn học vốn rất gần gũi với cuộc sống, mà cuộc sống
bao giờ cũng bề bộn và vô cùng phong phú. Mỗi tác phẩm văn chương là một mảng cuộc
sống đã được nhà văn chọn lọc phản ánh. Vì vậy môn văn trong nhà trường có một vị trí
rất quan trọng: Nó là vũ khí thanh tao đắc lực có tác dụng sâu sắc đến tâm hồn tình cảm
của con người, nó bồi đắp cho con người trở nên trong sáng, phong phú và sâu sắc hơn.
M.Goóc-ki nói: ''Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin
vào bản thân mình và làm nảy nở con người khát vọng hướng tới chân lý". Văn học là
“khoa học về lòng người” (Nguyễn Khải). Với bản chất là một môn học vừa có tính nghệ
thuật, vừa có tính Sư phạm như vậy, môn Văn trong nhà trường luôn song hành cùng mọi
2
học sinh ở mọi khối lớp, mọi phân ban - dù là ban khoa học xã hội (KHXH) hay KHTN
trên con đường hình thành nhân cách, hướng các em tới đỉnh cao của chân, thiện, mỹ.
Vì thế đến trường thông qua việc đọc - học tác phẩm văn chương, những cảm xúc
thẩm mỹ của các em phải được uốn nắn, sửa chữa và bồi dưỡng, nâng lên thành năng lực
cảm thụ thẩm mỹ chân chính. Điều đó muốn khẳng định rằng bồi dưỡng học sinh không
những là việc làm đúng đắn mà còn là công việc có tầm quan trọng trong nhà trường phổ
thông. Nó góp phần phát hiện bồi dưỡng để tiến tới đào tạo một phẩm chất, một lực
lượng lao động đặc biệt của xã hội, lao động sáng tạo nghệ thuật. Nó kích thích cổ vũ
mạnh mẽ ý thức tự giác, lòng say mê và ý chí vươn lên trong học tập, tu dưỡng của học
sinh nói chung. Nó còn là một việc làm thiết thực góp phần nâng cao trình độ chuyên
môn nghiệp vụ cho giáo viên và tạo nên bề dày thành tích, “thương hiệu” cho các nhà
trường Phổ thông hiện nay.
Xuất phát từ bản chất bộ môn, thực tế của rất nhiều nhà trường hiện nay có học sinh giỏi
văn được chọn lọc ở các lớp khối A, B và từ những kết quả thành công bước đầu của bản
thân có được qua hai khóa học liên tiếp với việc phát hiện, chọn lọc và bồi dưỡng học
sinh giỏi văn ở các lớp ban KHTN, tôi ấp ủ và mong muốn có một sự sẻ chia nho nhỏ
những kinh nghiệm của mình. Tôi chọn đề tài: Một số kinh nghiệm chọn lọc và bồi
dưỡng học sinh giỏi môn Văn ở các lớp ban Khoa học Tự nhiên để đạt kết quả cao.
II. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Bồi dưỡng học sinh giỏi là một việc làm cần thiết đối với tất cả các cấp học trong nhà
trường, ở đây tôi chỉ nghiên cứu trong phạm vi hẹp. Đó là bàn về một số biện pháp, hình
thức bồi dưỡng học sinh giỏi, cụ thể là bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn ở các lớp ban
KHTN.
III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phương pháp tự nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.
- Phương pháp thực nghiệm và đối chứng.
- Phương pháp thống kê tổng hợp.
B. NỘI DUNG
I. CƠ SỞ LÍ LUẬN
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ rất quan trọng, đầy những khó
khăn, bởi vì học sinh giỏi là những học sinh có tố chất đặc biệt về khả năng cảm thụ, khả
năng tư duy và nhất là khả năng viết. Người giáo viên phải có quá trình tích lũy kinh
3
nghiệm, sự chuẩn bị và đầu tư nhiều hơn để có thể đạt hiệu quả và thuyết phục học sinh,
làm cho các em thực sự hứng thú và tin tưởng.
Một trong những nhiệm vụ trong tâm của các nhà trường là không ngừng nâng cao chất
lượng mũi nhọn bởi chính chất lượng đào tạo mũi nhọn hằng năm phản ánh phần nào
hiệu quả của công tác quản lí và chất lượng dạy - học nói chung của thầy trò nhà trường.
Điều đó vừa là trọng trách, cũng vừa là động lực kích thích sự nỗ lực và sáng tạo không
ngừng của thầy và tạo ra khí thế hăng say vươn lên học tập giành những đỉnh cao trong
học sinh ở các kì thi HSG để mang lại vinh quang cho bản thân, niềm vui cho thầy, cô,
bạn bè và nhà trường.
II. THỰC TRẠNG HỌC SINH GIỎI VĂN Ở CÁC LỚP BAN KHTN
Những năm gần đây, với việc học sinh được lựa chọn học theo chương trình phân
ban, nhiều trường THPT trên toàn tỉnh đều đứng trước một thực trạng chỉ có duy nhất ban
KHTN hoặc các lớp cơ bản nhưng theo khối A,B. Trường chúng tôi may mắn hơn vẫn
còn tồn tại những lớp Cơ bản C, D và vì vậy lộ trình tuyển chọn và bồi dưỡng không chỉ
ở môn Văn mà các môn xã hội nói chung gặp không ít khó khăn. Nhân tài vốn đã ít ỏi
“như lá mùa thu”, thêm nữa một số lớn có năng khiếu văn, có tư chất, có say mê nhưng
vẫn buộc phải lựa chọn vào học các lớp ban KHTN vì nhiều lí do nên chúng tôi phải cố
gắng để thu nhặt những nhân tố rải rác ở các lớp “không hề theo Văn” ấy. Phải khổ công
vừa dạy vừa dỗ, vừa làm cho học sinh yêu, tin, say mê và nỗ lực hết mình để có thể
không chỉ theo kịp mà còn vượt xa những “con gà chọi” từ học sinh văn ở các lớp chuyên
và các lớp Khối C, D để đại diện cho toàn trường “mang chuông đi đánh xứ người” trong
kì thi HSG cấp tỉnh.
Vậy việc bồi dưỡng học sinh môn Văn không nằm ở trường chuyên, lớp theo khối có
môn Văn như vậy, chúng tôi gặp khó khăn gì?
1. Trước hết là việc dạy của người thầy. Do phải bám sát việc thực hiện theo phân
phối chương trình, người thầy không có điều kiện đầu tư về chiều sâu trong giờ giảng;
thời gian tập trung bồi dưỡng cho HSG cũng không nhiều (thường thì những em được
chọn đi thi HSG chỉ được tập trung bồi dưỡng 8 - 10 buổi). Về phía học sinh, ngoài vấn
đề năng khiếu - chất lượng đầu vào chưa cao, còn có một đặc thù nữa là các em phải
dành hết thời gian và tâm sức cho các môn Tự nhiên (Khối A, B) mà sau này sẽ chon để
thi Đại học. Thiết nghĩ, việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi nếu được đầu tư một
cách thích đáng và tiến hành bài bản, kết quả sẽ khả quan hơn, kéo theo đó là hứng thú
học văn sẽ phần nào được cải thiện nên phát hiện bồi dưỡng năng khiếu văn chương.
4
2. Về phía học sinh, do nhiều nguyên nhân (chủ quan và khách quan), học sinh
không còn mặn mà với môn văn và số đông đã lựa chọn vào học các môn Tự nhiên để
tìm kiếm một cơ hội việc làm tốt hơn cho tương lai.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đời sống con người
được nâng cao, chúng ta được tiếp cận với nhiều loại hình giải trí khác nhau và lĩnh hội
thông tin bằng nhiều hình thức nhanh chóng qua internet, điện thoại di động làm cho văn
hóa nghe nhìn dường như đã lấn át văn hóa đọc khiến học sinh lười đọc sách, lười suy
nghĩ, suy nghĩ hời hợt, quan tâm đến những lợi ích vật chất trước mắt hơn những giá trị
nhân văn sâu bền, thụ động trong tiếp thu, phụ thuộc vào những bài văn mẫu. Nạn “văn
mẫu” đã làm thui chột tư duy, thui chột sự sáng tạo trong tiếp nhận văn học của phần lớn
học sinh.
3. Trường tôi đứng chân trên khu vực bãi ngang tám xã ven biển của huyện Hoằng Hóa
nên kinh tế còn nghèo nàn, khó khăn, dân trí thấp. Việc đầu tư cho con em học hành còn
nhiều hạn chế. Chất lượng đầu vào ở những trường vùng biển còn rất thấp so với mặt
bằng chung trong huyện và trong tỉnh. Đa số học sinh chỉ đạt học lực trung bình, trung
bình yếu, lượng khá giỏi thì rất ít. Học sinh phần lớn chưa ham học, chưa tự giác. Số ít
những học sinh khá giỏi, học đồng đều các môn lại chỉ chăm chú giành thời gian nhiều
cho các môn KHTN để ưu tiên cho mục tiêu thi Đại học nên có tâm lí đối phó với môn
Văn.
Trong "cái khó ló cái khôn", làm sao để học sinh từ lơ là đến say mê, từ bằng lòng đến
quyết tâm thể hiện khả năng còn tiềm ẩn của bản thân, từ bị thuyết phục đến tự nguyện
để rồi điều kì diệu là những học sinh ấy sau lần gặt hái được thành công tại kì thi học sinh
giỏi tỉnh đã quyết định thi Đại học bằng những khối thi có môn Văn? Đó là những câu
hỏi đặt ra, là những kết quả đã có trong thực tế mà tôi muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp -
không ít người đã làm được như tôi và hơn tôi rất nhiều để chúng ta cùng cảm thấy mình
được an ủi vì niềm tin mà học sinh đã mang lại cho môn Văn.
III. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phát hiện và chọn lọc học sinh giỏi ở các lớp ban KHTN
Muốn bồi dưỡng HSG trước hết người giáo viên phải biết phát hiện, chọn lọc và đặc biệt
đối với môn văn ở các lớp ban KHTN thì phải còn cần kiên nhẫn thuyết phục các em
chọn mình và có quyết tâm theo đuổi niềm say mê bộ môn. Thực tế cho thấy việc đánh
giá về học sinh giỏi văn và khả năng nhìn thấy được những tiềm năng để đánh thức ở mỗi
một giáo viên là khác nhau vì học sinh giỏi văn ở các lớp ban KHTN thực chất là những
viên ngọc thô còn chưa được mài giũa.
5
Một trong những căn cứ quan trọng để phát hiện học sinh giỏi chính là qua những bài
kiểm tra của các em. Tôi thường ra những đề thi nghị luận văn học ở mức cơ bản nhất
theo yêu cầu chung của ban KHTN và đề thi nghị luận xã hội thì tùy theo khối lớp mà
mức độ khó khác nhau nhưng luôn cho phép các em được thể hiện quan điểm, mong
muốn, những điều ấp ủ, được trải lòng trong trong cuộc sống. Qua đó tìm ra được những
học sinh có khả năng lập luận, vốn kiến thức văn học và có một đời sống nội tâm sâu sắc
với những kiến giải thuyết phục trước một vấn đề nào đó. Đó hứa hẹn sẽ là những học
sinh có thể đi xa hơn nữa nếu được bồi dưỡng bài bản, dài hơi.
Thứ nữa là tôi không chỉ chọn những học sinh tạo ấn tượng ở ngay bài làm đầu tiên hoặc
có kiến thức nhưng lại đều đều, không tiến, không lùi qua các bài kiểm tra mà tôi chọn
những học sinh có sự trưởng thành rõ rệt theo thứ tự các bài kiểm tra số 1, số 2, số 3
đặc biệt là ở hai năm học lớp 11 và lớp 12 - là năm nội dung học cũng là phạm vi nội
dung thi trong chương trình thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đó là những học sinh yêu văn và
có những nỗ lực trong việc thể hiện mình và biết tìm tòi, trân trọng với các đề bài kiểm
tra do cô giáo giao.
Thực tế trong các trường THPT hiện nay cho thấy phải rất khó khăn để một giáo viên
Văn dạy các lớp ban KHTN có thể động viên, bồi dưỡng để các em chịu “gật đầu” mọt
cách tự nguyện và coi việc mình được cô giáo lựa chọn là một trọng trách để nghiêm túc
“bớt chút” thời gian đầu tư cho công tác ôn luyện cùng đội tuyển của trường. Bản thân
giáo viên dạy cũng phải luôn tạo được hứng thú bộ môn và hiểu học sinh để đánh thức
niềm say mê, sự miệt mài trong các em, hướng các em thi đua để tạo được những thành
tích. Người ta thường nói “khiển tướng không bằng khích tướng”, tôi luôn làm công tác
tư tưởng với các em trong mỗi giờ học, khích lệ các em và kêu gọi lớp học đó cùng tôi cổ
vũ và tạo điều kiện cho các bạn tham gia trước hết là dạt mục tiêu thi đua với các bạn
khối C, D trong toàn trường, sau đó là vì mục tiêu cao hơn ở kì thi cấp tỉnh.
Sau khi đã phát hiện và chọn lọc được HSG, công việc tiếp theo là làm sao để tổ chức tốt
các hoạt động bồi dưỡng riêng cho các em cùng với HSG ở các khối lớp khác giúp các
em mạnh dạn khi ôn luyện chung với với các bạn, bỏ được mặc cảm tự ti mình là dân
khối A. Hoạt động đó bao gồm: Cung cấp kiến thức, hướng dẫn tự học và rèn luyện kỹ
năng cho các em.
2. Cách thức bồi dưỡng.
2.1. Các giờ dạy chính khóa:
Theo phân phối chương trình bộ môn Văn, số tiết dạy chính khoá trong tuần của giáo
viên ở các lớp ban KHTN khối 12 là 3 tiết/ tuần (ở các lớp theo chương trình Nâng cao là
4 tiết/ tuần) và không bằng 1/2 số tiết dạy của giáo viên trường chuyên. Thời lượng để
6
dạy một tác phẩm cũng ít hơn rất nhiều. Vì vậy, giáo viên không có điều kiện đi sâu,
giảng kỹ tác phẩm; học sinh ít có cơ hội để được ôn luyện bài bản như học sinh ở các lớp
Xã hội và ở trường chuyên. Đây là một thực tế hết sức bất lợi cho cả thầy và trò trường
không chuyên trong những kì thi HSG tỉnh vì cả học sinh trường chuyên và không
chuyên đều cùng thi chung một đề (dĩ nhiên, những học sinh trường chuyên là những học
sinh đã được tuyển chọn kỹ lưỡng lúc vào trường lại được học tập, bồi dưỡng có hệ thống
sẽ có lợi thế hơn nhiều so với các em ở lớp heo ban KHTN trường không chuyên). Tuy
nhiên, dù khó khăn bao nhiêu chúng tôi cũng phải tìm được một cách giải, một lối thoát
cho mình.
Ở các lớp ban KHTN, vì số tiết giảng dạy trên lớp quá ít, việc Đọc - hiểu sâu kĩ các tác
phẩm lại cần nhiều thời gian nên gần như khi lên lớp, giáo viên phải tranh thủ từng giây
từng phút để truyền đạt đến các em nội dung cơ bản cô đọng nhất, giúp các em nắm chắc
trước hết là những kiến thức cơ bản để về nhà thực hành các bài viết. Vì vậy giờ giảng
văn trên lớp có một ý nghĩa cực kì quan trọng để tạo hứng thú và niềm say mê cho các
em.
Lồng vào trong mỗi giờ Đọc - hiểu, người giáo viên phải hướng dẫn các em cách
dẫn dắt vào đề, cách hành văn sao cho vừa nhẹ nhàng, uyển chuyển vừa chắc chắn chững
chạc mà không rơi vào sáo rỗng. Chẳng hạn như khi dẫn vào các tác phẩm, giáo viên có
thể đưa thêm vào những định ngữ, phụ chú sau tên tác phẩm như : "Đây thôn Vĩ Dạ" -
một bài thơ trong trẻo và đầy bí ẩn"; "Việt Bắc" - khúc trữ tình chính trị xuất sắc - một
thứ men say có sức ngấm sâu vào nhiều thế hệ độc giả". Dẫn vào tác phẩm "Chí Phèo"
của nhà văn Nam Cao, ta có thể dùng câu chữ như: Là nhà văn tuy đến với văn đàn hiện
thực phê phán khá muộn nhưng đã sớm tìm cho mình một lối đi riêng. Ông đã biết lách
ngòi bút của mình vào chỗ da non nhất của lòng người để từ đó bật lên những tiếng tơ
đàn thánh thiện. "Chí Phèo" là một tác phẩm tiêu biểu cho lối viết ấy. Tác phẩm được
đánh giá là "Một thứ quả lạ của một phong cách chín ngay từ đầu"
Một ví dụ khác: Ta có thể bắt đầu lời dẫn vào "Vội vàng" của Xuân Diệu bằng một
câu nói nổi tiếng của Anhxtanh: "Nếu đi ngang với vận tốc thì tháng ngày sẽ trở lên vĩnh
cửu", hay bằng chính một câu nói của Xuân Diệu : "Thời gian chỉ là sự cử động. Nếu tôi
đứng - nếu máu tôi ngừng thời gian của tôi không còn nữa". Với "Đây thôn Vĩ Dạ" của
Hàn Mặc Tử chúng ta có thể dẫn vào bằng một câu nói rất nổi tiếng của Pôn Valêri : "Cái
đẹp làm ta tuyệt vọng"
Từ thực tế giảng dạy chúng tôi thấy rằng, khi dẫn vào bài với những câu từ như vậy
có thể tạo ấn tượng mạnh cho học sinh, đánh thức những tâm hồn phẳng lặng còn thờ ơ
với môn văn, các em sẽ tỏ thái độ trầm trồ xuýt xoa và sau đó là sự hào hứng, hồ hởi
bước vào bài mới.
7
Giáo viên cũng nên hướng học sinh giỏi vào việc tư duy trọng tâm các vấn đề trong tác
phẩm. Ví dụ khi giảng "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử, chúng ta không thể không
gieo vào tâm tư suy nghĩ, khơi dậy trong các em những khám phá tìm tòi cắt nghĩa, lí giải
về cấu trúc đặc biệt của bài thơ này. Bài thơ có ba khổ thơ, mỗi khổ thơ là một câu hỏi
gắn liền với đại từ phiếm chỉ "Ai?", "Vườn ai?", "Thuyền ai?", "Ai biết tình ai?". Và để
rồi giúp các em hiểu ra rằng: Cả bài thơ là một niềm dõi theo đến đau đáu, một khát khao
đến đớn đau mong được giao cảm, được cứu vớt trong chiều sâu của một cõi lòng cô độc,
bơ vơ vv. Trong giờ giảng văn, giáo viên còn cần chú ý đến giọng điệu phải như thế nào
để có thể trước hết là lôi cuốn, thu hút sự chú ý của học sinh sau đó là góp phần tạo cho
các em tâm lí tiếp nhận văn chương một cách tự giác.
2.2. Các buổi phụ đạo, bồi dưỡng:
Ngoài thời gian hạn định trên lớp, tôi bố trí sắp xếp lịch cùng các em ôn luyện ở trường
vào một số buổi chiều mà lớp các em không ôn thi Đại học theo khối và ở nhà riêng vào
các chủ nhật. Tôi cung cấp các loại sách tham khảo, tài liệu đã chọn lọc trên mạng theo
chủ đề của từng bài và có các đề kèm theo sau đó để các em học, đọc đến đâu xong các
em thực hành luôn đến đó để khắc sâu kiến thức, nhuần nhuyễn kĩ năng và rèn luyện độ
trường sức, chữ viết, kinh nghiệm làm bài cho các em. Phát huy tối đa tinh thần tự học, tự
vận động của học sinh là chính trong thời gian bồi dưỡng. Sau mỗi buổi ôn luyện và cung
cấp tài liệu, ra đề bài đó, tôi cho các em một thời gian ấn định thu bài về chấm chữa kịp
thời để phát hiện những ưu và nhược điểm của mỗi học sinh. Chữa lỗi bài làm chủ điểm
để các em nhớ lâu và quyết tâm khắc phục. Cứ thế qua mỗi lần viết bài các em sẽ trưởng
thành rõ rệt và "quen tay" nhanh chóng.
Cụ thể công việc như sau:
2.2.1. Ngay sau khi thành lập đội tuyển cuối cùng, tôi tiến hành bồi dưỡng riêng theo
nhóm các em thuộc các lớp ban KHTN và xây dựng khung chương trình bồi dưỡng
theo chuyên đề cho các em
Buổi Tên bài dạy Bài thực hành
1 Khái quát VHVN từ đầu XX - 1945
2 Hầu trời và Tản Đà
3 Khái quát về Phong trào Thơ mới
4 Xuân Diệu
8
5 Hàn Mặc Tử với “Đây thôn Vĩ Dạ”
6 Huy Cận với “Tràng Giang”
7 Nguyễn Bính với “Tương tư”
8 Những bài Thơ mới khác
9 Khái quát về Văn xuôi lãng mạn VN 1930 - 1945
10 Thạch Lam với “Hai đứa trẻ”
11 Nguyễn Tuân với “Chữ người tử tù”
12 Khái quát về Văn học hiện thực phê phán 1930 -
1945
13 Vũ Trọng Phụng - “Hạnh phúc của một tang gia”
14 Nam Cao - Chí Phèo
15 Nam Cao - Đời thừa
16 Các tác phẩm của Hồ Chí Minh
17 Khái quát VHVN 1945 đến hết thế kỉ XX
18 Thơ Tố Hữu : Từ ấy, Việt Bắc
19 Thơ Kháng chiến chống Pháp: Tây Tiến, Đất Nước
20 Thơ Kháng chiến chống Mĩ: Tây Tiến, Đất Nước,
Sóng
21 Thơ sau 1975: Đàn ghi ta của Lorca
22 Truyện ngắn 1945 - 1954
23 Truyện ngắn 1955 - 1975
9
24 Truyện ngắn sau 1975: Chiếc thuyền ngoài xa
(Nguyễn Minh Châu)
25 Các dạng nghị luận xã hội và cách làm bài
2.2.2. Cách rèn luyện các dạng đề HSG:
Thực tế giảng dạy giúp tôi ý thức một cách sâu sắc rằng, việc ra đề là khâu quan
trọng đầu tiên của quá trình phát hiện, kiểm tra, đánh giá và lựa chọn HSG. Đề đúng và
hay sẽ phân hoá được trình độ học sinh, giúp người thầy nắm trúng điểm mạnh, điểm yếu
của mỗi học sinh từ đó có thể đánh giá khách quan, chính xác, công bằng năng lực, sự cố
gắng vươn lên của học sinh đồng thời tạo được niềm tin và hứng thú học tập cho học
sinh, khi hiểu được năng lực của mình. Ngược lại, đề thiếu chính xác, sáo mòn không
những không đánh giá được chính xác về năng lực học sinh mà còn làm giảm thiểu hứng
thú học văn, tính độc lập sáng tạo của các em. Và hậu quả là việc rèn kỹ năng sẽ trở nên
vô nghĩa.
Trong những năm gần đây, cùng với sự thay đổi chương trình, đề thi HSG cũng đã
có nhiều đổi mới. Ngoài các tác phẩm quen thuộc đề thi chú trọng nhiều đến các tác
phẩm mới đưa vào chương trình như: Đàn ghi ta của Lorca, Ai đã đặt tên cho dòng
sông?, Chiếc thuyền ngoài xa, Một người Hà Nội. Bên cạnh đó, đề thi còn có sự thay đổi
dễ nhận thấy là ngoài phần nghị luận văn học còn có phần nghị luận xã hội, đặc biệt là
nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí trong đó đề cập đến những vấn đề xã hội quan
tâm. Đây là sự đổi mới thật sự phù hợp với xu hướng đưa văn học gần với cuộc sống để
đề thi bớt đi tính hàn lâm và nặng kiến thức sách vở.
Tôi thường tìm tòi và cho các em làm quen dần với những dạng đề thi HSG của các
năm trước đó hoặc đề hay của các trường khác trong và ngoài tỉnh bạn theo mức độ từ dễ
đến khó. Nhìn chung, tinh thần nhất quán của đề thi HSG là theo sát chương trình. Từ
nhận thức đó, trong quá trình ra đề rèn luyện kỹ năng cho học sinh, tôi thường tập trung
vào một số dạng đề cơ bản sau:
Dạng đề Nghị luận văn học:
*Đề kiểm tra khả năng cảm thụ tác phẩm văn học
Dạng đề này phải gắn với những tác phẩm hay, có trong chương trình Sách giáo
khoa.
Ví dụ:
10
+ Bức tranh cảnh và người xứ Huế trong đoạn thơ đầu của bài Đây Thôn Vĩ Dạ
(Hàn mặc Tử).
+ Vẻ đẹp của dòng sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của
Hoàng Phủ Ngọc Tường.
+ Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân
vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao, Ngữ văn 11) và
chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong
đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12)
Qua dạng đề này có thể kiểm tra được kiến thức cơ bản của học sinh về tác phẩm:
nắm hệ thống chi tiết, hình ảnh; hiểu khái quát giá trị nội dung - nghệ thuật của tác phẩm;
năng lực chọn lựa và cảm thụ tác phẩm nghệ thuật ở nhiều cấp độ khác nhau: chỉnh thể
tác phẩm - hình tượng - chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ…
*Đề kiểm tra kiến thức về lý luận văn học trong từng tác phẩm cụ thể
Dạng đề này yêu cầu học sinh phải bao quát được những vấn đề cơ bản của lí luận
văn học và soi sáng nó vào những tác phẩm văn học cụ thể.
+ Phân tích cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến của Quang Dũng.
+ Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
+ Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung
Thành.
+ Nỗ lực cách tân thơ Việt của Thanh Thảo trong Đàn ghi ta của Lor-ca.
Các dạng đề Nghị luận xã hội
- Ở phần NLXH, Giáo viên cần ra những đề bàn về vấn đề tư tưởng đạo lí thường được
thể hiện trong kho tàng tục ngữ, ca dao của dân tộc và thế giới, các câu nói của các nhà
văn, nhà thơ, các nhà chính trị hay các đề bàn về một hiện tượng, sự việc con người…
có thật trong xã hội cả mặt tốt và mặt chưa tốt trên mọi phương diện của cuộc sống, cũng
có thể là các vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học.
*Đề bàn về vấn đề tư tưởng đạo lí thường được thể hiện trong kho tàng tục ngữ, ca
dao của dân tộc và thế giới.
Ca dao, tục ngữ, danh ngôn, cách ngôn thường thể hiện những nhận thức về các
quy luật, hiện tượng của thế giới tự nhiên mà con người bao đời đã đúc kết. Nó vừa hàm
súc vừa tinh tế, sâu sắc về ý nghĩa, uyển chuyển nhịp nhàng về vần điệu, rất giàu hình
ảnh, biểu tượng. Thông qua việc giải thích, chứng minh, bình luận các câu nói này học
sinh nhận được rất nhiều bài học từ cuộc sống.
11
Ví dụ:
+ Suy nghĩ của em về câu nói sau: "Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất
hương thơm"
+“Hãy học cách ứng xử của dòng sông: Gặp trở ngại, nó vòng tìm đường khác.”
Quan điểm của anh (chị ) về ý kiến trên như thế nào?
+ “Mẹ là trường học vĩ đại nhất của những người con”.
(Tục ngữ Tây Ban Nha)
*Đề bàn về câu nói của các nhà văn, nhà thơ, các nhà chính trị
Với dạng đề này, Giáo viên sẽ kiểm tra được tầm nhận thức của học sinh về nhiều
vấn đề, nhiều lĩnh vực trong cuộc sống có thể học sinh chưa có sự va chạm. Bài làm vì
thế sẽ mang màu sắc cá nhân rõ nét hơn.
Ví dụ:
+ “Trong mơ ước có mặt tốt hơn thực tại. Trong thực tại có mặt tốt hơn mơ ước” (L.
Tôn-xtôi).
Câu nói trên gợi sho em suy ngẫm gì về mối quan hệ giữa thực tế và ước mơ?
+ “Thành công là một người thầy tồi. Nó khiến những người thông minh cho rằng họ
không thể thất bại” (Bill Gates, dẫn theo Làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh, Nxb Phụ
nữ, 2009, tr. 31).
Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Có thể là dạng đề nghị luận xã hội đòi hỏi học sinh phải rút ra từ một câu chuyện, dạng
đề này mức độ khó hơn, vì vậy yêu cầu học sinh vừa hiểu, giải thích được câu chuyện ,
vừa có những liên hệ bàn bạc sắc sảo:
Chẳng hạn: Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày về suy nghĩ của anh
chị khi đọc đoạn văn sau:
“Nếu được gọi để làm một người phu quét đường, hãy quét đường như Mi-ken-lăng-giơ
đã vẽ tranh, hãy quét đường như Bét-tô-ven đã soạn nhạc và hãy quét đường như Sếch-
xpia đã làm thơ. Người phu quét đường cần phải quét những con đường sạch đến độ ai
cũng dừng lại để nói rằng: Đây là người quét đường vĩ đại, người đã làm thật tốt công
việc của mình.”
(Trích trong Bài học làm người – NXB Trẻ, 2006)
2.2.3. Rèn luyện kỹ năng phân tích đề
12
Phân tích đề là công việc trước tiên trong quá trình làm một bài văn nghị luận
nhưng lại là khâu mà phần lớn học sinh bỏ qua vì ngại khó và vì sợ mất thời gian làm bài.
Đây là khâu quan trọng giúp các em định hướng đúng đề và rèn kĩ năng tư duy lôgic cho
học sinh. Nếu học sinh không xác định được điều này, khi viết sẽ rơi vào tình trạng xa đề,
viết lan man hay viết mà không hiểu những gì mình đang viết.
Khi phân tích đề cần đọc kĩ đề bài, chú ý những từ ngữ then chốt để xác định yêu cầu
về nội dung và hình thức nghị luận, phạm vị tư liệu cần sử dụng.
Ví dụ : Cảm nhận của anh (chị) về tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình (bài II)?
+ Đây là dạng “đề mở” yêu cầu bàn về tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình
(bài II), nhưng chưa rõ, vì vậy đòi hỏi người viết phải tự xác định hướng triển khai.
+ Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình (bài II) là tâm sự về vấn đề gì? Tâm sự
đó được bộc lộ qua diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài Tự tình (bài II) ra
sao? Và được biểu hiện trong bài thơ Tự tình (bài II) như thế nào?
- > Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình (bài II) là tâm sự về tình duyên, về
hạnh phúc lứa đôi. Tâm sự đó được bộc lộ qua diễn biến tâm trạng: cô đơn, buồn tủi,
chán chường, đau khổ và cả sự phẫn uất, phản kháng.
+ Nêu cảm nghĩ của mình về tâm sự và diễn biến tâm trạng của Hồ Xuân Hương: cô đơn,
chán chường, đau khổ, phẫn uất, khát khao được sống hạnh phúc,…
+ Dẫn chứng, tư liệu: Học sinh lấy dẫn chứng trong bài thơ Tự tình (bài II) và từ chính
cuộc đời của Hồ Xuân Hương cũng như những bài thơ khác của bà có liên quan.
Như vậy, sau khi giáo viên hướng dẫn, học sinh đã có kĩ năng phân tích đề và hình
thành thói quen luôn biết cách phân tích đề khi bắt gặp bất kì dạng đề, kiểu đề nào trong
khi thi.
2.2.4. Rèn kỹ năng lập dàn ý
Để giúp học sinh thực hiện được yêu cầu trên, tôi thường hướng dẫn các em đi tuần
tự theo các bước sau:
+ Tìm yêu cầu trọng tâm của đề, các khía cạnh, phương diện cần triển khai.
+ Xác định quan hệ và vai trò của luận điểm: Những khía cạnh, phương diện ấy quan hệ
với nhau như thế nào? Phương diện nào thể hiện tập trung và rõ nét các yêu cầu trọng tâm
của đề?
+ Sắp xếp luận điểm sao cho hợp lí, lôgic nhất.
13
Ví dụ: Lập dàn ý cho đề văn "Vẻ đẹp độc đáo và đa dạng của sông Hương qua bút kí Ai
đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường".
Với đề bài trên, học sinh phải xác định được phạm vi đề và gạch chân dưới những
từ ngữ quan trọng, là nội dung trọng tâm đề yêu cầu. Đó là các từ: Vẻ đẹp độc đáo, đa
dạng của Sông Hương.
+ Giải thích và tìm dẫn chứng cho: Vẻ đẹp độc đáo (Con sông thuộc về một thành phố
duy nhất, Dòng chảy như điệu slow dành riêng cho Huế, trôi thực chậm cơ hồ như không
chảy, đẹp thơ mộng, là người con gái dịu dàng của đất nước ). Vẻ đẹp đa dạng trên
nhiều phương diện: Dòng sông cuả cảnh sắc thiên nhiên đa dạng - Từ rừng Trường Sơn,
Cánh đồng Châu Hóa đến Huế và rời khỏi kinh thành Huế, dòng sông của thi ca, âm
nhạc, lịch sử, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc
+ Đó còn là vẻ đẹp tài hoa, mê đắm của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường (Học sinh so sánh
với Nguyễn Tuân và vẻ đẹp của con sông Đà trong bài tùy bút trước đó).
Những nội dung này học sinh được suy nghĩ trong vòng 25-30 phút, sau đó học
sinh sẽ trình bày ngắn gọn bằng hình thức nói (yêu cầu phải nói rõ căn cứ để nhận thức
đề, đề xuất luận điểm và sắp xếp ý). Cuối cùng giáo viên mới chữa hoàn chỉnh.
Kỹ năng này nếu được làm một cách thường xuyên và khoa học sẽ hình thành được
ở học sinh khả năng chủ động và độc lập tư duy trong học tập, khắc phục dần tình trạng
học sinh làm bài theo kiểu ngẫu hứng, nghĩ đến đâu viết đến đó. Đây cũng là một trong
những biểu hiện của tính khoa học ở một bài văn HSG. Qua thực tế thấy rất rõ, các em
trong đội tuyển HSG có khả năng nhận diện đề và lập dàn ý khá nhanh và tự tin, có ý
thức rõ rệt cần phải thiết lập hệ thống luận điểm trước khi bắt tay vào viết bài.
2.2.5. Rèn luyện kỹ năng viết văn
Từ dàn ý được giáo viên sửa chữa, học sinh bắt tay vào việc dựng đoạn, liên kết
đoạn với việc vận dụng các thao tác lập luận: so sánh, phân tích, bình luận để viết thành
bài hoàn chỉnh. Muốn có một bài viết hay, học sinh phải biết trình bày những hiểu biết,
những rung động, suy nghĩ của mình một cách mạch lạc, sáng sủa và có sức thuyết phục.
Yêu cầu trước hết đối với học sinh là phải diễn dạt lưu loát rõ ý; chữ viết sạch sẽ, dễ đọc,
không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu. Từ đó nâng dần yêu cầu học sinh phải viết
được những đoạn văn hay, có cách dùng từ chính xác, sáng tạo, mới lạ, có giọng văn
riêng, thể hiện được dấu ấn, phong cách của người viết.
Học sinh cần làm một bài thi thử cùng đội tuyển trước khi thi 2- 3 ngày để xem xét lại
một cách toàn diện các kĩ năng đã được rèn luyện, trong đó đặc biệt lưu ý việc phân bổ
14
thời gian giữa các câu trong đề thi cho hợp lí, tránh tình tr ạng viết tùy hứng và viết
thừa, thiếu thời gian trong bài thi.
2.2.6. Tiến hành chấm và chữa bài
Đối với các em HSG Văn ở các lớp ban KHTN. Khi chấm, giáo viên phải chỉ ra các
lỗi cụ thể về dùng từ, viết câu, tổ chức ý, chữ viết, hành văn… phân tích cho học sinh
hiểu nguyên nhân và định hướng cách chữa để học sinh có thể tự sửa chữa các lỗi của
mình. Ưu điểm nổi bật ở các HSG môn Văn ban KHTN là khả năng diễn đạt gãy gọn,
trong sáng, tiếp thu kiến thức nhanh, chính xác nhưng đôi khi lại sa vào khô khan, kém
độ uyển chuyển, mượt mà trong cách dẫn dắt vấn đề và ít có được những câu văn giàu
hình ảnh làm lay động cảm xúc của người đọc. Giáo viên phải là người nắm được điểm
mạnh, điểm yếu để các em hoàn thiện và sửa chữa kịp thời. Và để tạo hứng thú, giáo viên
có thể tổ chức hướng dẫn học sinh đọc và chữa bài cho nhau để kích thích tinh thần "đọc
văn người, sửa văn mình".
Vì số lượng HSG tham gia đội tuyển của nhà trường không nhiều, lại rải rác ở từng
lớp nên tôi thường tranh thủ thời gian chấm chữa luôn trên lớp, lúc không có giờ dạy
hoặc thời gian ra chơi. Cuối giờ, gặp gỡ từng em, cô trò cùng trao đổi và lại bắt tay vào
ngay bài viết mới mà giáo viên đã in sẵn đề theo bài học chính khóa. Việc chấm chữa chi
tiết, kịp thời sẽ giúp các em tiến bộ h nhanh chóng sau mỗi bài viết.
IV. KIỂM NGHỆM
Với việc sử dụng một số biện pháp, hình thức bồi dưỡng học sinh giỏi ở các lớp
ban KHTN đã thực hiện trong thời gian qua, tôi đã đạt được kết quả khả quan sau đây :
Năm học 2011– 2012: - Số học sinh tham gia dự thi là: 1 em
- Số học sinh đạt giải: 1 em
Năm học 2012 – 2013: - Số học sinh tham gia dự thi là: 2 em
- Số học sinh đạt giải: 2 em
Cụ thể số học sinh đạt học sinh đạt giải HSG cấp tỉnh môn Ngữ văn ở các lớp ban
KHTN là:
Năm học Họ và tên học sinh Lớp Giải
2011-2012 Trần Văn Đạo 12a4 Ba
2012-2013
Lê Thị Hải Yến 12a1 Ba
15
Lê Thị Luyến 12a2 KK
Trong số 3 em học sinh học các lớp ban KHTN đạt giải trên đã có 2 em nửa cuối
Học kì 2 của lớp 12 đã quyết định chuyển sang khối thi có môn Văn.
Kết quả này cho thấy: Số học sinh ở các lớp ban KHTN tham gia chưa nhiều và chưa đạ
giải cao nhưng ở một nhà trường vẫn còn lực lượng đông đảo HSG môn Văn được chọn ở
các lớp khối C, D thì con số trên là điều đáng để tự hào. Và rõ ràng bước tiến qua hằng
năm về số lượng học sinh tham gia cũng như tỉ lệ 100% học sinh tham gia thi đều đạt giải
đã phản ánh được hiệu quả của những phương pháp, hình thức lựa chọn, phát hiện để bồi
dưỡng học sinh giỏi mà tôi đã nêu ra ở trên
C. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. KẾT LUẬN
Dạy Văn vừa là khoa học Sư phạm vừa là là một nghệ thuật. Người giáo viên khi đã chọn
nghề dạy học là phải có tâm yêu nghề, say sưa với chuyên môn, miệt mài với học sinh dù
là có thể chỉ là công việc “đãi cát tìm vàng”. Mục tiêu hướng tới và là niềm hạnh phúc
nhất trong cuộc đời của người thầy là đào tạo bồi dưỡng được thật nhiều học trò giỏi. Đó
là tâm nguyện của tôi cũng như bao nhiêu đồng nghiệp khác. Tuy nhiên để có được thành
quả tốt đẹp thì không chỉ dựa vào khả năng vốn có của học sinh mà mỗi người giáo viên
chúng ta phải luôn tìm tòi, sáng tạo, trăn trở và nỗ lực không ngừng với nhiều cách thức
và phương pháp tối ưu nhất theo mình để giảng dạy, bồi dưỡng cho các em.
Hy vọng rằng những kinh nghiệm nho nhỏ trong bài viết này sẽ nhận được các ý kiến trao
đổi quý báu từ các đồng nghiệp để chúng ta hoàn thiện mình và học hỏi lẫn nhau góp
phần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi - đặc biệt là bồi
dưỡng học sinh giỏi ở các lớp theo ban KHTN, một công tác rất vất vả, nặng nề nhưng
cũng rất đỗi tự hào của người giáo viên dạy Văn.
II. KIẾN NGHỊ
- Tạo điều kiện về thời gian và tài liệu hỗ trợ hơn nữa cho giáo viên dạy Văn ở các
lớp ban KHTN có HSG.
- Tăng cường giao lưu trao đổi và học hỏi kinh nghiệm với các trường khác trong và
ngoài tỉnh.
- Có cơ chế ưu tiên thời gian đặc biệt, động viên khuyến khích đối với các học sinh ban
KHTN tham gia bồi dưỡng HSG môn Văn nói riêng và các bộ môn Xã hôi nói chung.
16
- Thư viện nhà trường cần cố gắng hơn nữa để có được một số tài liệu tham khảo thiết
yếu ưu tiên cho học sinh đang trong giai đoạn ôn luyện mượn về tự đọc và học. Ngoài ra
cũng cần bổ sung tranh ảnh minh họa về các tác giả, các địa danh giúp cho việc giảng dạy
môn Văn gần gũi, sinh động và hứng thú với học sinh hơn.
17