MỘT SỐ BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ LÒNG YÊU NƯỚC
Bài văn 1 :
Đề bài: em hãy phát biểu những suy nghĩ của mình về
lòng yêu quê hương, đất nước.
Nói về lòng yêu nước, nhà văn I-li-a Ê-ren-bua nói: Dòng
suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga,
con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm,
yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Em hiểu câu nói
trên như thế nào? Liên hệ bản thân
Bài làm
Ai quên cho được mái tranh nâu
Luống đất bờ ao với nhịp cầu
Mồ mả ông chôn giữa đất
Lòng người, lòng đất cảm thông nhau.
(Tình quê tình nước — Kiên Giang)
Con người, bất cứ ai, sinh ra, lớn lên cũng đều gắn mình với
một mái ấm tình thương, một bờ ao, một luống đất, một dòng
sông, một khu phố, một con đường… với biết bao tình cảm
mến thương khăng khít. Chính tình yêu đối với những sự vật
nhỏ bé cụ thể ấy góp lại trở thành tình yêu quê hương, đất
nước. Thật đúng như lời nhà văn Xô Viết I-li-a Ê-ren-bua nối:
"Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga,
con sông Von -ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu
miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” Câu nói nổi tiếng này có ý
nghĩa sâu sắc như thế nào?
Ai cũng biết, tình yêu đất nước là một khái niệm trừu tượng
khó hình dung. Người ta có thể tỏ bày tình yêu đất nước, Tổ
quốc của mình bằng ước mơ hoài bão. Thế nhưng hiểu cụ thể,
đầy đủ, rõ ràng thế nào là lòng yêu đất nước thì thật là khó
khăn. Bởi vậy, ở đây, nhà văn giúp chúng ta hiểu thấu được
khái niệm trên bằng một hình ảnh so sánh sinh động và cụ thể:
đó là hình ảnh “dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường
giang Von- ga, con sông Von-ga đi ra biển" cũng chẳng khác
chi: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng
yêu Tổ quốc". Với hình ảnh so sánh này nhà văn cho rằng lòng
yêu đất nước được hình thành trên cơ sở biểu hiện hết sức cụ
thể, từ những việc làm nhỏ nhặt nhất góp lại. Nói rõ hơn tình
yêu Tổ quốc cụ thể là “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền
quê” góp lại.
Cách “định nghĩa” của nhà văn Ê-ren-bua thật dễ hiểu. Con
người, bất cứ ai cũng hiểu được là mình đã và đang yêu đất
nước mình, Tổ quốc mình, bởi vì như đã nói ở bên trên, ai
chẳng có một tình yêu đối với mái tranh nâu, với luống đất, bờ
ao, nhịp cầu mồ mả ông bà, những người thân thuộc, nghĩa
xóm tình làng và một miền quê gắn bó không rời cùng ta từ
thuở lọt lòng đến khi khôn lớn. Đúng như một nhà văn đã nói:
“Người ta có thể tách bước khỏi quê hương, nhưng không thề
nào tách rời con tim mình khỏi quê hương được". Như thế, yêu
nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê, là tình cảm hết sức tự nhiên
của con người. Nhưng do đâu mà nói là yêu Tổ quốc? Điều
này thật dễ hiểu. Con người, bất cứ ai – cũng sinh ra, lớn lên
trong một môi trường cụ thể là gia đình, làng xóm, miền quê.
Đó là những con người, những cảnh vật gần gũi, gắn bó máu
thịt. Bởi vậy, nếu mỗi chúng ta không có tình yêu đối với các
bậc sinh thành mình thì làm sao có được tình yêu đối với nhân
dân rộng rãi. Không có chút xúc động nào trước cảnh vật: mái
tranh nâu, bờ ao, luống đất, nhịp cầu… khăng khít với mình
suốt tuổi bé thơ và trong cả cuộc đời thì làm gì có được tình
yêu đất nước, tình yêu Tổ quôc. Bác Hồ nặng lòng yêu xứ
Nghệ (đến độ trước phút đi xa, Bác còn thèm nghe một câu hò
ví dặm) yêu mảnh đất “xứ dân gầy” non xanh nước biếc như
tranh họa đồ nên Bác mới một đời tận tụy hi sinh, đấu tranh vì
độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân:
“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta. Thương cuộc đời chung
thương cỏ hoa. Chí biết quên mình cho hết thảy. Như dòng
sông chảy phù sa'" (Bác ơi – Tố Hừu). Nhà thơ trẻ Đỗ Trung
Quân cũng từng định nghĩa tình yêu quê hương:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông…
Chính tình yêu đối với chùm khế ngọt, đường đi học, con diều
biếc trên đồng, con đò nhỏ ven sông… góp lại trở thành tình
yêu một miền quê, tình yêu đất nước và tình yêu Tổ quốc.
Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ
quốc
Nhà văn nói “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” là
“yêu Tố quốc” cũng có ý phê phán một thứ lòng yêu
nước chung chung, mơ hồ rỗng tuếch mà không biểu hiện
bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực và gần
gũi.
“Ai yêu nước Việt hơn người Việt
Nhau rốn chôn sâu giữa đất lành”“.
(Tình quê tình nước — Kiên Giang)
Là người Việt Nam, chúng ta yêu đất nước Việt Nam của
chúng ta hơn ai hết, dù đất nước này còn nghèo nàn, thiếu
thốn. Chiến tranh đã đi qua hơn hai mươi năm, nhưng hậu quả
của bom đạn tàn phá xưa đâu phải đã hết. Nhân dân ta xây
dựng chủ nghĩa xã hội từ một cơ sở vật chất yếu kém, lạc hậu,
nên với sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân từ ngày
đất nước hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là với công cuộc đổi
mới do Đảng lãnh đạo, thực hiện từ mười năm nay – đã bù đắp
phần nào mất mát, hàn gắn lại các vết thương chiến tranh xưa,
và đem lại một số thành tựu đáng kể.
Tuy nhiên, một số mặt tiêu cực trong quản lí kinh tế, trong đời
sống xã hội chưa thể khắc phục ngay được. Trong tình hình
ấy, tinh thần yêu nướccủa mỗi người chúng ta, hơn bao giờ
hết, phải được thể hiện bằng những tình cảm, những việc làm
cụ thể, thiết thực góp phần đổi mới và xây dựng đất nước, chứ
không thể nói chung chung, phải biến tình cảm cao quý thiêng
liêng này thành một vật báu trưng bày trong tủ kính chứ đừng
cất giấu kĩ trong rương, trong hòm như trong bài “Tinh thần
yêu nước của nhân dân ta” Hồ Chủ tịch đã nói. Rất đỗi tự hào
về truyền thống anh hùng của dân tộc, tinh thần nồng nàn yêu
nước của biết bao thế hệ người Việt Nam và tin tưởng vững
chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất
nước hiện nay, mỗi người học sinh chúng ta phải làm gì để thể
hiện một cách cụ thể, sinh động tinh thần yêu nước nồng nàn
của mình?
Chúng ta hãy yêu thương những người thân gần gũi nhất của
mình là ông bà, cha mẹ, họ hàng nội ngoại, thầy cô giáo, bạn
hữu và thể hiện lòng yêu thương ấy bằng thái độ chăm sóc,
vâng lời, lễ độ, giúp đỡ nhau… Phải biết vị tha, không nên chỉ
đòi hỏi mọi người phải đặc biệt quan tâm chăm sóc đến riêng
mình một cách vị kỉ. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết yêu quý
với ý thức giữ gìn các vật dụng bình thường nhất, gần gũi nhất
trong đời sống của mình: đồ dùng trong gia đình, tài sản công
cộng, biết gắn bó với làng xóm, khu phố mình đang sống.
Trong thời đại chúng ta, đặc biệt đất nước chúng ta hôm nay,
yêu Tổ quốc chính là yêu chủ nghĩa xã hội, hòa mình vào mọi
hoạt động đổi mới và xây dựng đất nước làm cho dân giàu
nước mạnh. Khi còn là học sinh, tình yêu quê hương đất nước
của chúng ta phải biểu hiện cụ thể bằng những việc làm thiết
thực như chăm học, chăm làm, tu dưỡng rèn luyện mình để
mai sau trở thành một người công dân tốt, phải biết yêu quý
gìn giữ của công, tham gia tích cực vào mọi hoạt động xã hội
công ích do nhà trường và địa phương tổ chức. Chính trên cơ
sở đó, tình yêu đất nước nhân dân của chúng ta sẽ được bồi
dưỡng thêm ngày càng sâu sắc hơn với một nhận thức rõ rệt là
lòng yêu Tổ quốc ngày nay phải gắn chặt với việc xây dựng
đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiên tiến.
Tóm lại, lòng yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng, cao quý
của mỗi con người chúng ta được nhà văn Ê-ren-bua nêu lên
bằng những biểu hiện cụ thể nhằm nhắc nhở chúng ta tình yêu
ấy phải gắn liền với những hành động và việc làm cụ thể trong
các hoàn cảnh cụ thể. Mỗi học sinh chúng ta cần hiểu sâu sắc
câu nói nổi tiếng này của nhà văn để ra sức rèn luyện, tu
dưỡng, phấn đấu trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà
trường để biểu hiện một cách cụ thể lòng yêu Tổ quốc của
mình.
Bài văn 2 : Lòng yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay :
Với thế hệ trẻ, có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước chân
chính của mình. Cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành
nhiệm vụ học tập của mình hay tham gia nghiên cứu khoa học,
đó là yêu nước; tự giác thực hiện chính sách, pháp luật, tôn trọng
kỷ cương, đó cũng là yêu nước. Lựa chọn được một nghề nghiệp
phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì
công việc, đó là yêu nước. Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu
chính đáng, đó là yêu nước. Có khi lại là việc nhỏ như không vứt
rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muông
thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn
cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình,
cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Những việc làm không chỉ
thể hiện ý thức công dân của mỗi người, mà còn là trách nhiệm
xã hội, và thông qua đó, thế hệ trẻ chúng ta thể hiện lòng yêu quê
hương, xứ sở của mình một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất.
Ngày nay, lòng yêu nước đã có thêm những nội dung phong phú
hơn khi đất nước đang hội nhập toàn diện với thế giới. Trong
thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tiến công
vào mặt trận kinh tế, làm giàu cho đất nước được xem như nhiệm
vụ then chốt của thanh niên. Ngày hôm nay, trên khắp mọi miền
Tổ Quốc đã xuất hiện hàng loạt gương thanh niên vượt khó vươn
lên. Góp phần làm cho "nước mạnh". Những con người như
Nguyễn Chiến Sang- anh thanh niên nhặt ve chai trở thành triệu
phú, hay Nguyễn Văn Sỹ - làm giàu cho quê mình nhờ chiếc
máy phát điện tự chế đang là những hình ảnh lý tưởng cho
thanh niên học tập và noi theo. Chỉ cần mỗi thanh niên chúng ta
dám nghĩ dám là thì chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều những
Nguyễn Chiến Sang hay Nguyễn Văn Sỹ hơn nữa.
Chúng ta thực sự yêu nước khi tâm lý "chuộng hàng ngoại xa xỉ
" bị xóa bỏ và tâm lý “ Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được
đặt lên hàng đầu, phấn đấu cho hàng Việt Nam mang tính cạnh
tranh cao góp phần giúp sản xuất trong nước ngày càng phát
triển.
Chúng ta yêu nước là khi góp phần xây dựng quyền lực mềm của
văn hóa Việt nam để đất nước ngày một trở nên hấp dẫn, thu hút
bạn bè quốc tế .
Chúng ta yêu nước khi học sinh thuộc sử Việt Nam:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”
Chúng ta tiếp thu văn minh hiện đại của nước bạn trên thế giới
trên phương châm “hòa nhập chứ không hòa tan.”
Trên thực tế, đã có không ít thanh niên nghĩ rằng phải làm một
việc gì thật "to lớn" cho Tổ quốc mới là yêu nước. Nhưng thực
sự là lòng yêu nước không cần biểu hiện ra trong từng lời nói,
câu chuyện hàng ngày mà nó lắng đọng trong những việc làm
lặng lẽ âm thầm tưởng như hết sức bình thường. Có những tình
nguyện đến công tác ở những miền rừng núi xa xôi nhất khi vừa
mới tốt nghiệp ra trường. Có những thanh niên miệt mài bên
chiếu chèo truyền thống trong khi giới trẻ đang ồn ào với "Pop",
"Rock". Có những thanh niên ngày ngày dầm mưa dãi nắng,
không quản ngại để dọn sạch phố phường ở họ đều toát lên
một tinh thần rất Việt Nam - cống hiến, hy sinh mà không cần ai
ca ngợi, không đòi hỏi phải được đền đáp, ghi danh. Vào ngày lễ
Quốc khánh hay ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người người
nhà nhà treo cờ kết hoa.
Còn các mạng xã hội, giới trẻ thể hiện lòng yêu nước bằng cách
đổi hình đại diện thành hình cờ Tổ quốc, ảnh Bác hoặc đăng
những dòng chữ thể hiện tình cảm của mình chúc mừng ngày lễ
lớn của đất nước.
Bên cạnh đó là những thanh niên có nhận thức hết sức lệch lạc.
Họ cũng biết hỏi rằng tại sao nước ta lại nghèo, lại thua kém
nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng bản thân họ lại không biết
phải làm gì và không làm gì để “cải thiện tình hình". Một số
thanh niên đang chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa,
lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức. Bây giờ là thời đại hiện
đại hoá, đầy rẫy trên mạng là những bài báo viết về bệnh vô cảm
của giới trẻ, trong đó có cả sự vô cảm đối với ngay cả đất nước
mình.
Nhưng không! Đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ thanh niên. Lòng
yêu nước được dân tộc Việt Nam nuôi dưỡng từ đời này qua đời
khác, dù có biến đổi nhưng không bao giờ mất đi. Những thanh
niên đó, đứng trước tiếng gọi của non sông và thời đại, sớm
muộn cũng sẽ nhận thức được về vai trò và nghĩa vụ của mình,
sẽ tìm được ra lối đi đúng đắn. Lúc ấy, lại chính lòng yêu nước
sẽ nâng đỡ họ, đưa họ vượt qua những xấu xa, cám dỗ và làm
được nhiều việc có ích cho bản thân, xã hội. Bởi vậy, ta hoàn
toàn có thể tin tưởng vào sự trong sạch, vững mạnh của đội ngũ
thanh niên Việt Nam. Và trong tương lai, chắc chắn họ sẽ còn
làm được nhiều hơn nữa. Lòng yêu nước truyền thống của cha
ông sẽ được phát huy để dù là ở đâu hay bất cứ lúc nào, lòng yêu
nước đó cũng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy thanh
niên Việt Nam đạt được những thành tích diệu kỳ, thực hiện
thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa , hiện đại hóa, đem lại vinh
quang cho Tổ quốc.
Lòng yêu nước đã thực sự trở thành động lực, thúc giục bao
thanh niên ưu tú ngày đêm phấn đấu không ngừng để giành lấy
vinh quang về cho nước nhà. Lòng tự hào với truyền thống cha
ông, ý chí tự lực tự cường và ý thức tự tôn dân tộc cùng với ước
mơ, khao khát cháy bỏng được góp sức mình đưa Việt Nam tiến
lên ngang hàng với các cường quốc năm châu đã, đang và sẽ đưa
thanh niên đi xa hơn nữa.
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ SỰ VÔ CẢM
Bài văn 1
Bệnh vô cảm
Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn
cũng là do những phát minh vĩ đại của con người . Một trong số
đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng
được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con
người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó
nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các
nhà khoa học đang "vò đầu bứt tóc" không biết làm sao có thể
tạo ra một con chip "tình cảm" để khiến "những cỗ máy vô tình"
biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con
người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự
xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng
lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào
mọi tầng lớp xã hội - bệnh vô cảm.
Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm
tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ,
không say mê, không thích thú . Thấy cảnh tượng bi thương lại
thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy
đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ
máy?
Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể
bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng
ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây
cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ; một người con gái dịu hiền, yêu
kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường
hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ mà hầu hết là những dòng người
tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Lúc ấy
cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ
đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ
càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn
biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày
mai?
Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã
không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước
những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng
băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành
động ác độc, vô lương tâm, con người ta cũng cảm thấy bình
thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với
những nạn nhân bị hại. Một tháng trước, tôi đọc được một bài
báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi
bị xe tải cán. Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau
đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để
ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại
cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường
nhạt thếch, sáo mòn của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ
hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi
thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe
nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua
đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô
bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi
qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện. Có
những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy. Không
những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị
đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu
giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những
con người "không dại gì" và cũng chính "nhờ" những người
"không dại gì" đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính
lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.
Vô cảm còn là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái
ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người
bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người
ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm
của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng
mình mà thôi. Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường
mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé
còn ngây thơ, nhỏ tuổi? Tại sao một người còn chưa qua tuổi
trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải?
Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp
những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi
cho riêng mình. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn
nữa. Tất cả những điều vô lương tâm ấy đề xuất phát từ căn bệnh
vô cảm mà ra.
Chúng ta biết bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra
câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao? Suy cho cùng, tình
cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người
bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình
yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng
là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm
việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi
ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.
Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì
càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét,
bi ai và nó cũng như một ngọn lửa thổi bùng cháy mãnh liệt
trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Vì
vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh cô cảm
"không còn đất sống" là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm
nhận, biết yêu ghét, thương giận và chia sẻ những điều tinh túy
đó cho những người xung quanh mình.
Bài văn 2 :nghị luận về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay:
Dân tộc ta từng tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân
tương át:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Thế nhưng cùng với sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật
chất thì điều đáng buồn là những biểu hiện của truyền thống tốt
đẹp ấy lại mai một dần và chúng ta đang phải đối mặt với một
căn bệnh tinh thần đáng sợ. Đó là “bệnh vô cảm” hay còn gọi là
“makeno” (mặc kệ nó).
“Bệnh vô cảm” như một bệnh dịch lây lan trong toàn xã hội và
rất nhiều người mắc phải, không nặng thì nhẹ. Vô cảm là thái độ
thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các sự vật, hiện tượng xung
quanh, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Đây là thái
độ, là cách sống tiêu cực đáng phê phán vì nó trái ngược với
truyền thống đạo đức nhân ái, vị tha đã có từ bao đời của dân tộc
ta. Vô cảm vốn là một trạng thái tâm lí, nhưng hiện nay nó đã trở
thành một căn bệnh trầm kha khó chữa. Có thể nói thứ “vi rút”
nguy hiểm của căn bệnh này đã và đang xâm nhập vào tất cả các
tầng lớp, lứa tuổi mà tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn
có lối sống hiện đại.
Sự phát triển của xã hội ngày nay một mặt mang lại cuộc sống
vật chất đầy đủ cho con người nhưng mặt khác nó lại làm nảy
sinh tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn “cái tôi” mà
quên mất “cái ta”. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực… là những
cám dỗ khiến con người đam mê đời sống vật chất mà coi nhẹ
đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho hoàn
cảnh khách quan. Với không ít người, “bệnh vô cảm” bắt nguồn
từ tính ích kỉ, từ nhận thức hạn hẹp, lệch lạc.
“Bệnh vô cảm” có rất nhiều biểu hiện khác nhau. Đó là sự thờ ơ
trước niềm vui hoặc nỗi buồn của những người xung quanh hay
thản nhiên trước một câu chuyện buồn trong sách báo hoặc trên
phim ảnh. Nhưng đáng sợ hơn cả là thái độ lạnh lùng đến tàn
nhẫn trước những đau thương, mất mát của đồng loại như trẻ em
mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn
nhân của thiên tai bão lụt… Trái tim của những kẻ mắc ‘bệnh vô
cảm” không hề băn khoăn, rung động trước những gì liên quan
tới lĩnh vực tinh thần. Họ không hiểu rằng lời mắng nhiếc, nhục
mạ của họ sẽ khoét sâu nỗi đau trong lòng một đứa trẻ bất hạnh
như thế nào. Một ánh mắt dửng dưng, khỉnh bỉ của họ trước một
người khuyết tật sẽ làm tăng thêm mặc cảm và nỗi buồn khó
nguôi ngoai.
“Bệnh vô cảm” còn biểu hiện qua thái độ dửng dưng hoặc cố
tình né tránh khi chứng kiến người gặp nạn trên đường. Không ít
kẻ vội vã bỏ đi, mặc kệ nạn nhân vì sợ mất thời gian, sợ liên lụy
tới mình. Ở trường, ở lớp, “bệnh vô cảm” thể hiện qua thái độ
thiếu quan tâm đối với các bạn yếu kém hoặc có hoàn cảnh khó
khăn. Vô cảm còn thể hiện trong cung cách ứng xử lạnh nhạt,
thiếu hòa đồng với bạn bè và người thân. Điều đó dẫn tới sự lỏng
lẻo trong các mối quan hệ và ngày càng đẩy kẻ mắc “bệnh vô
cảm” vào tình trạng cô độc, héo hắt về mặt tinh thần. Cuộc sống
nhạt nhẽo của họ thực ra chỉ là sự tồn tại vô nghĩa mà thôi.
Câu chuyện ngụ ngôn Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại
xuất hiện từ thuở xa xưa kể về một anh chàng khi nhà hàng xóm
liền vách bị cháy mà vẫn thản nhiên kéo chăn trùm đầu nằm ngủ,
còn tặc lưỡi tự nhủ là cháy nhà người khác chứ có phải cháy nhà
mình đâu mà sợ! Rốt cuộc, lửa cháy lan sang nhà anh ta, mọi thứ
tan thành tro bụi. Lúc đó, anh ta mới tỉnh ngộ, ân hận vò đầu, bứt
tai kêu khóc. Thờ ơ, lạnh nhạt đến ích kỉ như thế là tự chuốc họa
vào thân.
“Bệnh vô cảm” hiện nay khá phổ biến trong xã hội và biểu hiện
dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Một thanh niên không
nhường chỗ cho cụ già trên xe buýt. Một học sinh lớn thấy một
em nhỏ té ngã mà không đỡ dậy. Đường bị kẹt mà nhiều người
cứ cố tình luồn lách, không biết nhường nhau, vi phạm luật lệ
giao thông. Thấy người bị tai nạn mà không giúp đỡ. Quay lưng
ngoảnh mặt trước tình cảnh đau thương của đồng bào bị thiên tai,
bão lụt, trước số phận bất hạnh của hàng ngàn trẻ thơ mồ côi,
người già không nơi nương tựa… Đó là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt
đến tàn nhẫn. Thái độ ấy rất đáng phê phán và lên án. Nếu
không, nó sẽ thành hiện tượng bình thường được xã hội chấp
nhận và cứ thế lan rộng mãi như một bệnh dịch nguy hiểm.
Ở mức độ cao hơn, bệnh vô cảm đồng nghĩa với thái độ vô trách
nhiệm, gây ra tác hại không nhỏ cho xã hội, cho đất nước. Có thể
lấy một vài ví dụ trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông
vận tải, giáo dục, y tế… Đó là những người có chức có quyền kí
duyệt những dự án công trình lớn mà không nghĩ tới hậu quả sau
mười năm hai mươi năm, người dân trong vùng sẽ sống ra sao.
Chỉ vì một mối lợi nhỏ, họ có thể xóa sạch nhiều khu rừng
nguyên sinh, biến thành trang trại trồng cà phê… nhưng cà phê
chưa thu hoạch được thì lũ đã tràn về, gây thiệt hại to lớn về
người và tài sản.
Rất nhiều công trình lớn xây dựng trên khắp đất nước lâm vào
tình trạng dở dang, hoang phế vì những quyết định sai lầm của
các vị lãnh đạo thừa nhiệt tình nhưng thiếu tài năng và kinh
nghiệm, gây ra sự lãng phí ghê gớm, làm thâm hụt ngân quỹ
quốc gia. Hiện tượng “rút ruột công trình” đến mức nguy hiểm là
hậu quả không chỉ của thói tham lam mà còn là hậu quả của thái
độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước con người. “Đại công trường” ở
tỉnh Hà Giang, cầu Văn Thánh, cầu Dần Xây, công trình nạo vét,
cải tạo kênh Nhiêu Lộc… ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt
nhà máy đường ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ xây xong “trùm
mền" để đấy… chứng minh cho sự thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc
nhở của những người có trách nhiệm quản lí. Rốt cuộc là “cha
chung không ai khóc”, chỉ có nhân dân, Nhà nước là chịu thiệt
thòi.
Vụ án tiêu cực PMU 18 làm chấn động dư luận trong và ngoài
nước xảy ra cách đây chưa lâu là bằng chứng chứng minh cho
“bệnh vô cảm” đã đến mức đồng nghĩa với tội ác. Những quan
chức tham nhũng, mất phẩm chất đã liều lĩnh tham ô hàng triệu
đô la để cờ bạc, cá độ bóng đá và ăn chơi sa đọa. Bao nhiêu cây
cầu, bao nhiêu con đường do PMU 18 chỉ đạo thiết kế và thi
công đều có vấn đề về chất lượng. Chắc chắn là họ luôn nghĩ đến
quyền lợi cá nhân, tìm mọi cách để “vinh thân phì gia” chứ
không nghĩ đến lợi ích to lớn và lâu dài của nhân dân, đất nước.
Trong tĩnh vực giáo dục, những hậu quả khôn lường xảy ra trước
mắt và lâu dài do thói thờ ơ, lạnh nhạt gây ra cũng không phải là
ít. “Bệnh thành tích”, nạn gian lận trong thi cử, nạn mua bán
bằng cấp… rồi tình trạng học sinh vùng sâu vùng xa phải học ba
ca, thậm chí không có trường để học, không có kí túc xá tử tế để
ở như báo chí thường phản ánh đã gây bức xúc và bất bình trong
nhân dân. Bộ Giáo dục – Đào tạo biết rất rõ những hiện tượng
tiêu cực đó và đã có những biện pháp hữu hiệu, nhằm hạn chế và
dần dần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực ấy.
“Bệnh vô cảm” biểu hiện thường xuyên và rõ nét trong tĩnh vực
y tế đến mức gần như là một tệ nạn khó dẹp. Lời thề Hy-pô-cơ-
rát và những quy định về y đức đã bị không ít thầy thuốc coi nhẹ
hoặc lãng quên trước ma lực ghê gớm của đồng tiền thời kinh tế
thị trường. Trái tim họ chai đá, không còn rung động bởi nỗi đau
đớn về thể xác, về tinh thần của bệnh nhân và gia đình bệnh
nhân. Vì thế mới xảy ra những chuyện đáng lên án như bỏ mặc
bệnh nhân nghèo đến chết vì không có tiền đóng viện phí. Hiện
tượng bác sĩ khám bệnh qua loa chỉ bằng một hai câu hỏi trong
vòng vài phút có thể nói là ở bệnh viện nào cũng có. Rồi việc kê
đơn vô tội vạ, móc ngoặc với các nhà thuốc, các hãng dược để
hưởng lợi bất chính trên sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Gần
đây, báo chí đưa tin Ban Giám đốc bệnh viện ở một tỉnh phía
Bắc thản nhiên lấy xe cấp cứu đi dự tiệc cưới, trong khi bệnh
viện thiếu xe để cấp cứu bệnh nhân. Những hiện tượng tiêu cực
đó cần phải bị lên án trước dư luận, không thể để ngang nhiên
tồn tại trong một xã hội văn minh, hiện đại.
Tuy không gây chết người như nhiều bệnh lí khác nhưng “bệnh
vô cảm” cũng dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Nó ảnh
hưởng xấu tới quá trình học tập và làm việc của mỗi cá nhân.
Một người khó có thể làm việc đạt chất lượng khi không giữ mối
quan hệ tốt đẹp, thân thiện với đồng nghiệp. Cũng như một học
sinh nếu hằng ngày đến lớp chỉ biết chỗ ngồi của mình mà thờ ơ
với bạn bè, trường lớp thì cũng khó mà học tốt vì không được
sưởi ấm bởi niềm vui và tình cảm chân thành của thầy cô, bè
bạn. Đáng buồn hơn cả là “bệnh vô cảm” đang dần dần làm mai
một truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt
Nam.
Làm thế nào để có phương thuốc đặc biệt chữa trị “bệnh vô
cảm"? Trước hết vẫn phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân. Chúng ta
hãy sống có lí tưởng, mục đích đúng đắn, sống tử tế và hãy luôn
nhớ rằng mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình đều phải
xuất phát từ lòng nhân ái. Hãy làm giàu tâm hồn bằng các tác
phẩm văn chương nghệ thuật hoặc tích cực tham gia vào những
phong trào, những hoạt động mang ý nghĩa xã hội rộng lớn…
Chỉ cần có một tâm hồn cởi mở và một trái tim nhân hậu, biết
thương người như thể thương thân là bạn sẽ chữa dứt được
“bệnh vô cảm” đáng ghét và đáng phê phán ấy. Chúng ta hãy
sống theo quan điểm đúng đắn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy
và nêu gương sáng: Mình vì mọi người, mọi người vì mình thì
chắc chắn mọi bi kịch của số phận sẽ lùi xa.
Có một giai thoại cảm động về Các Mác mà nhiều người trên thế
giới đều biết. Đó là một lần trò chuyện cùng con gái, khi con gái
hỏi điều gì làm cho ba quan tâm nhất, Mác đã trả lời: Tất cả
những gì liên quan đến con người đều không xa lạ đối với ba.
Quả thật, phải có sự quan tâm sâu sắc và tình thương yêu nhân
loại vô bờ bến thì Mác mới viết được những tác phẩm bất hủ để
bênh vực giai cấp bị bóc lột trong xã hội tư bản đầy áp bức, bất
công.
Nếu như lòng vị tha và tình đoàn kết được mọi người ca ngợi và
cổ vũ bao nhiêu thì bệnh vô cảm, thói thờ ơ, lạnh nhạt với con
người bị phê phán và lên án bấy nhiêu. Cái thiện, điều tốt cần
được nhân rộng; cái ác, cái xấu phải bị diệt trừ. Cả hai vấn đề
trên nếu thực hiện đồng bộ và triệt để thì tin chắc rằng chẳng bao
lâu nữa, đất nước Việt Nam sẽ tự hào sánh vai với các cường
quốc năm châu như Bác Hồ từng mong ước và hi vọng.
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MÔI TRƯỜNG
Bài văn 1 : Nghị luận xã hội về vấn đề ô nhiễm môi trường
Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm
trọng hơn ở Việt Nam. Trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày,
chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi
trường bị ô nhiễm. Bất chấp những lời kêu gọi bảo vệ môi trường, tình trạng ô
nhiễm càng lúc càng trở nên trầm trọng. Điều này khiến ta phải suy nghĩ…
{Biểu hiện}
Môi trường đang kêu cứu!
Từ đầu năm đến nay, đã có thêm không biết bao nhiêu thống kê mới về
tình trạng môi trường ở Việt Nam ta. Và đáng buồn thay, đó là những con
số gây thất vọng…
{-Chỉ số chung}
Theo bản tổng kết môi trường toàn cầu do Chương trình Môi trường Liên
Hợp Quốc (UNEP) Hà Nội và Tp. HCM nằm trong danh sách 6 thành phố
ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Về nồng độ bụi, hai thành
phố lớn nhất Việt Nam này chỉ đứng sau Bắc Kinh, Thượng Hải, New
Delhi và Dhaka. Mối đe doạ tiềm tàng này chắc chắn sẽ cản trở quá trình
phát triển hơn nữa của các thành phố này. Cũng theo một nghiên cứu về
các chỉ số môi trường ổn định do Trường Đại học Yale (Mỹ) thực hiện,
Việt Nam đứng thứ hạng thấp nhất trong số 8 nước Đông Nam Á.
{-Ô nhiễm môi trường nước}
Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải,
nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công
nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động. Trong tổng số 183 khu công
nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử
lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn
được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên
chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường…Hầu hết lượng nước thải
chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là
510.000m3/ngày. Một ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai
không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất
thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Điều
này khiến cho con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống
của nhiều người dân ở xung quanh. Một ví dụ khác chính là việc ô nhiễm
hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc.
{-Ô nhiễm môi trường không khí}
{-Ô nhiễm môi trường đất}
Không chỉ có môi trường nước mà môi trường không khí và môi trường
đất cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Môi trường không khí ở hầu hết các đô
thị Việt Nam đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép.Riêng tại thành phố Hồ
Chí Minh, kết quả đo đạc tại 6 trạm quan trắc không khí cho thấy 89%
mẫu kiểm tra không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép, luôn ở mức nguy
hại cao cho sức khỏe, trong đó lượng bụi lơ lửng đang là nhân tố gây ô
nhiễm nghiêm trọng hàng đầu trên địa bàn. Bên cạnh đó, tình trạng ô
nhiễm không khí do chì cũng gia tăng nhanh chóng, cụ thể nồng độ chì đo
đượ cừ đầu năm 2009 đến nay thường dao động ở ngưỡng 0,22 –
0,38g/m³, quá chuẩn cho phép khoảng 1,5 lần. Về môi trường đất, kết quả
của một số khảo sát cho thấy hàm lượng kim loại nặng trong đất gần các
khu công nghiệp đã tăng lên trong những năm gần đây. Như tại cụm công
nghiệp Phước Long (Bình Phước) hàm lượng Cr cao gấp 15 lần so với
tiêu chuẩn, Cd cao từ 1,5 đến 5 lần, As cao hơn tiêu chuẩn 1,3 lần.
(Cr,Cd,As: các chất hoá học độc hại) Thuốc bảo vệ thực vật cũng gây ảnh
hưởng đến đất. Mặc dù khối lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở
Việt nam còn ít, trung bình từ 0,5-1,0 kg/ha/năm, tuy nhiên, ở nhiều nơi
đã phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đất.
{Nguyên nhân}
Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu?
{-Sự thiếu ý thức của người dân}
Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân
mà đặc biệt là các bạn trẻ. Nhiều người nghĩ rằng những việc mình làm là
quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người khác lại cho
rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính
quyền mà không phải là của mình. Số khác lại nghĩ rằng việc môi trường
đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô
nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều…Thấy vậy
nhưng không phải vậy! Việc phá hoại môi trường của một người tuy chỉ
ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Trách nhiệm bảo vệ
môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa phần lại là
của người dân. Và những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy hiện
giờ ta chưa thấy được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều.
{- Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận bất chấp hậu quả}
{- Sự quản lý của nhà nước còn chưa chặt chẽ}
Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách
nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận,
không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể
gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc
quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi
phá hoại môi trường tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy
định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn
vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở thành nơi tiếp
nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn
nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy
hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày càng nhiều ở
nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.
{Hậu quả}
Điều này đã để lại hậu quả gì?
{-Làng ung thư}.
{-Tỉ lệ người chết do ô nhiễm bầu không khí???}
{-Tài nguyên sinh vật cạn kiệt}
{-Thiếu nước sinh hoạt.}
Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi
trường. Điển hình như “làng ung thư” Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm
người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn
nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng
năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên
quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn
có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác
không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa
sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ
cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại
vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình
Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những
bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên
mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là
nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong
tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do
lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều…
{Hướng giải quyết}
Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ?
Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi
trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải
có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ
chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc
sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người
dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao
lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã…
Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa
ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi
trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em
biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp
bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình
nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công
cộng, làm sạch bãi biển…
{Tổng kết – Nhận xét riêng của bản thân}
Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể
cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi
trường. Vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô
nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của
chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau!
NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ TRÁCH NHIỆM
Đề bài:Nghị luận về lối sống có trách nhiệm
Bài làm
Từ xưa đến nay, con người vẫn được xem là tế bào cấu thành nên
một xã hội. Vai trò của con người trong công cuộc đổi mới và xây
dựng đất nước vô cùng quan trọng. Ý thức và trách nhiệm của mỗi
cá nhân là vô cùng quan trọng. Đó là yếu tố thiết yếu giúp chúng ta
vừa có trách nhiệm với bản thân vừa có trách nhiệm với xã hội. Bởi
vậy sống có trách nhiệm chính là lối sống lanh mạnh và cần phải
phát huy.
Sống có trách nhiệm là gì? Sống có trách nhiệm chính là lối sống làm
tròn bổn phẩn, nghĩa vụ, chức trách đối với bản thân mình, với gia
đình và xã hội. Hơn hết còn phải có trách nhiệm với những suy nghĩ,
hành động và việc làm của bản thân mình. Mỗi người chúng ta có
trách nhiệm làm, có trách nhiệm gánh vác, có trách nhiệm nhận sai
khi gây ra lỗi lầm. Đó mới chính là một công dân tốt và có ích cho xã
hội.
Biểu hiện của lối sống có trách nhiệm hiện nay rất đa dạng và phong
phú, xuất phát từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày.
Bác Hồ đã từng bảo rằng trẻ nhỏ thì làm việc nhỏ, vậy thi lối sống
trách nhiệm cũng xuất phát từ những việc bình dị, nhỏ nhặt như thế.
Hằng ngày chúng ta có rất nhiều việc phải làm với mình, với gia đình,
với nhà trường, xã hội.