Tải bản đầy đủ (.pdf) (94 trang)

Đặc điểm truyện ngắn Thế Lữ trong văn học giai đoạn 1932-1945

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (715.6 KB, 94 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN






NGUYỄN THỊ HẢO







ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN THẾ LỮ
TRONG VĂN HỌC GIAI ĐOẠN 1932 - 1945








LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam










Hà Nội - 2014

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN






NGUYỄN THỊ HẢO







ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN THẾ LỮ
TRONG VĂN HỌC GIAI ĐOẠN 1932 - 1945







Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 01 21



Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS. Lƣu Khánh Thơ








Hà Nội - 2014

Lời cảm ơn
Để hoàn thành luận văn này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban
giám hiệu trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia
Hà Nội đã tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình học.
Đồng thời, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô trong khoa Văn
học đã giúp đỡ tôi rất nhiệt tình trong việc học tập cũng như tìm kiếm các tài
liệu, thông tin phục vụ việc học tập và làm luận văn.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới người hướng dẫn
PGS.TS Lưu Khánh Thơ, cảm ơn sự tận tụy, nhiệt tình mà Cô đã dành cho tôi
trong suốt quá trình thực hiện luận văn này.
Tôi xin tỏ lòng biết ơn tới gia đình, bạn bè, những người đã động viên,

khích lệ và giúp đỡ tôi hoàn thành tốt luận văn.
Hà Nội, tháng 6 năm 2014.
Học viên cao học
Nguyễn Thị Hảo













MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài. 1
2. Lịch sử vấn đề. 2
3. Phạm vi nghiên cứu. 5
4. Mục đích nghiên cứu. 5
5. Phương pháp nghiên cứu 5
NỘI DUNG 6
CHƢƠNG 1: THỂ LOẠI TRUYỆN NGẮN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN 1932-1945 VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA THẾ LỮ. 6
1.1. Thể loại truyện ngắn trong văn học giai đoạn 1932-1945 6
1.1.1. Dòng truyện ngắn trữ tình 6

1.1.2. Dòng truyện ngắn hiện thực 10
1.2. Sự nghiệp sáng tác của Thế Lữ 17
1.2.1. Vài nét về con người Thế Lữ 17
1.2.2. Thế Lữ, người mở đầu một trào lưu thơ ca. 19
1.2.3. Thế Lữ với văn xuôi 24
1.2.4. Thế Lữ với sân khấu kịch nói. 29
CHƢƠNG 2: TRUYỆN NGẮN THẾ LỮ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NỘI DUNG 33
2.1. Truyện kinh dị khác thường( truyện huyễn tưởng) 33
2.2. Truyện trinh thám. 46
2.3. Truyện ngắn theo khuynh hướng lãng mạn. 57
2.4. Truyện ngắn hiện thực gắn với số phận con người 60
CHƢƠNG 3: TRUYỆN NGẮN THẾ LỮ NHÌN TỪ PHƢƠNG DIỆN NGHỆ
THUẬT 66
3.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện 66
3.2. Nghệ thuật kể chuyện. 71
3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 76
3.4. Giọng điệu 81
KẾT LUẬN 85
TÀI LIỆU THAM KHẢO 88

1
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài.
Trong những năm 1932-1945, xã hội Việt Nam có những chuyển biến
mạnh mẽ, sâu sắc. Cùng với sự thay đổi đó của xã hội, văn học cũng có sự
chuyển mình to lớn và đạt được nhiều thành tựu. Công cuộc hiện đại hóa văn
học bắt đầu từ thế kỷ XX đã được tiến hành và đến giai đoạn này đã đạt được
những thành tựu hết sức to lớn. Đây cũng là chặng cuối cùng của cuộc hiện
đại hóa văn học. Văn học Việt Nam đã thay đổi từ hình thức tới nội dung với

nhiều đề tài, thể loại mới được hình thành và phát triển; thêm vào đó, chặng
đường này cũng tạo được một đội ngũ đông đảo các nhà văn sung sức và phát
triển đều trên khắp mọi lĩnh vực văn chương. Thế Lữ là một trong những đại
diện tiêu biểu đó.
Thế Lữ là một người tài hoa trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Người ta gọi ông là người khởi điểm của những “khởi điểm” bởi ông không
chỉ là người mở đầu cho phong trào Thơ mới mà còn là người khai phá nền
kịch nói Việt Nam; ông cũng là cây bút đầu tiên của một vài thể loại văn xuôi
mới. Ông là một trong số ít những nhà văn đầu tiên góp phần vào quá trình
hiện đại hóa văn học bằng loại truyện trinh thám và truyện kinh dị, với cách
viết riêng, một lối viết mới của văn xuôi Việt Nam 1930-1945 nói chung và
Tự lực văn đoàn nói riêng. Ở bất kỳ thể loại nào của văn chương, ông luôn
cho độc giả thấy những điều mới mẻ cả về nội dung và nghệ thuật để bộc lộ
vai trò người đi “tiên phong” của mình.
Sự thay đổi về thể loại đồng thời kéo theo sự thay đổi về thế giới nghệ
thuật trong các sáng tác của Thế Lữ. Nếu ở địa hạt Thơ Mới, ông thích ngao
du trên cõi tiên thì ở truyện trinh thám ông ưa mạo hiểm vào cõi đời và ở
truyện ly kỳ rùng rợn, ông lại thích phiêu lưu vào cõi âm.
Cho tới hiện tại, đã có một số công trình nghiên cứu về sự nghiệp văn
chương của Thế Lữ, nhưng với sự say mê và cảm phục một tác giả tài hoa,

2
chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu một cách đầy đủ và hệ thống các sáng tác
truyện ngắn của nhà văn. Chúng tôi muốn đặt các sáng tác của ông trong sự
phát triển nhanh chóng của văn xuôi Việt Nam trong những năm 1932-1945,
trong sự phát triển đa dạng của các thể loại và đề tài, trong sự so sánh với các
nhà văn cùng thời để tìm hiểu và khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp của Thế
Lữ trong sự phát triển của văn xuôi nói riêng và công cuộc hiện đại hóa văn
học dân tộc nói chung.
2.Lịch sử vấn đề.

Thế Lữ thuộc vào số ít những nghệ sỹ đa tài của nền văn học nghệ thuật
trước Cách mạng. Ông không chỉ là người mở đầu cho phong trào Thơ mới
mà còn là cây bút đầu tiên của một vài thể loại văn xuôi nghệ thuật như
truyện kinh dị, truyện trinh thám, truyện đường rừng… Song hoạt động
nghiên cứu về sự nghiệp văn xuôi của Thế Lữ vẫn chưa thực sự được chú ý.
Vũ Ngọc Phan là người đầu tiên nghiên cứu văn xuôi của Thế Lữ. Trong cuốn
Nhà văn hiện đại Vũ Ngọc Phan viết : “Về thơ, người ta thấy rõ các thi cốt,
các chân tài của Thế Lữ. Về tiểu thuyết, tuy loại truyện trinh thám ông chưa
thành công, nhưng về những loại truyện ghê sợ, ông đã chứng tỏ là một tiểu
thuyết gia có biệt tài”[3, tr.403]. Cũng trong cuốn sách đó ông cho rằng:
“Vàng và máu của Thế Lữ là một tiểu thuyết mà tác giả tỏ ra một văn gia có
biệt tài. Nghệ thuật viết tiểu thuyết của Thế Lữ ở đây đã lên tới trình độ cao.”
Chúng ta còn thấy ý kiến đánh giá về truyện ngắn Thế Lữ trong Lời giới
thiệu tuyển tập Thế Lữ của Lê Đình Kỵ: “Loại sáng tác này cho ta thấy một
Thế Lữ có tài quan sát, óc phân tích sắc bén, có trí tưởng tượng dồi dào, cho
nên dù ít đề cập đến vấn đề gì quan trọng về xã hội và nhân sinh, nó vẫn được
đón nhận và tìm đọc một cách thích thú. Cho đến nay, trong lịch sử văn học
Việt Nam, không có tên tuổi nào đáng được xếp cạnh Thế Lữ trong loại sáng
tác khá độc đáo này”[17].
Đánh giá về văn xuôi Thế Lữ trong Tự lực văn đoàn, trong cuốn Việt
Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm cho rằng: “Về thể văn tiểu thuyết

3
trong các truyện dài Vàng và máu hoặc Bên đường thiên lôi, ông thường công
kích những điều mê tín dị đoan. Muốn đạt được chủ đích ấy ông đặt những
câu chuyện có vẻ rất rùng rợn làm cho người đọc ghê sợ, rồi đến đoạn kết
ông đem các lẽ khoa học mà giải thích các việc đã xảy ra một cách đơn giản
và tự nhiên” [13, tr.469].
Nhận xét về truyện ngắn Thế Lữ, trong bài viết Những đóng góp của Thế
Lữ về truyện ngắn, Nguyễn Thành đã viết: “Nhìn chung, nghệ thuật viết

truyện trinh thám, truyện kinh dị của Thế Lữ khá chặt chẽ, hấp dẫn. Ông
thường mở đầu bằng một sự việc nào đó xảy ra đột ngột, bất ngờ gây sự chú
ý, sau đó kể nguyên nhân xảy ra sự việc thông qua quá trình tìm hiểu, dò
thám, lập mưu để khiến cho vấn đề được nhanh chóng làm sáng tỏ và thường
là có cơ sở khoa học” [32, tr.74]. Ở bài viết này, tác giả không những chỉ ra
đặc điểm nổi bật của loại truyện kinh dị và truyện trinh thám mà còn khẳng
định đóng góp lớn của Thế Lữ cho truyện ngắn hiện đại Việt Nam 1930-1945.
Trong cuốn Việt Nam văn học giản ước tân biên, tác giả Phạm Thế Ngũ
đã dành 11 trang nói về truyện kinh dị lãng mạn và truyện trinh thám của Thế
Lữ. Theo Phạm Thế Ngũ, bên cạnh một Thế Lữ mở đường cho Thơ mới còn
có một Thế Lữ văn xuôi đặc sắc.
Từ giữa những năm 80 tới nay, trong không khí đổi mới mạnh mẽ của xã
hội, nhiều tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, nhiều tập thơ lãng mạn được tái
bản với số lượng lớn. Trong số đó, văn xuôi của Thế Lữ nói chung cũng như
các truyện kinh dị, truyện trinh thám của Thế Lữ được đánh giá rất cao.
Báo Văn Nghệ số 23 ra ngày 3/6/1989 đăng bài Thương tiếc nhà thơ Thế
Lữ, Tế Hanh viết: “Ở nơi anh cái chất mở đường đi tiên phong thật rõ ràng,
trong thơ, trong truyện, trong báo chí, trong sân khấu” [3, tr.108].
Trong lời giới thiệu bộ sách tám tập Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-
1945, Nguyễn Hoành Khung viết: “Ngôi sao rực rỡ nhất của phong trào Thơ
mới thời kì đầu cũng là cây bút văn xuôi đặc sắc, dồi dào, đề tài và bút pháp
khá đa dụng. Ông được biết trước hết là ở loại truyện kinh dị (…) rồi loại

4
truyện tình lãng mạn đường rừng (…) và nhất là loại truyện trinh thám, ông
là một trong những người dẫn đầu về thể loại tiểu thuyết nước ta …” [16].
Năm 1991, trong cuốn sách Thế Lữ - cuộc đời trong nghệ thuật, tác giả
Hoài Việt có bài Thế Lữ như tôi biết, Hoài Việt đã đánh giá rất cao những
truyện quái dị của Thế Lữ so với các nhà văn cùng thời. Ông khẳng định:
“Thế Lữ là một nhà thơ, nhà văn giàu tưởng tượng, giàu mộng mơ nhưng ông

lại rất tỉnh táo trong phương pháp suy luận khoa học”[39].
Tiếp đến, trên tạp chí Văn học số 7 năm 1997, Phan Trọng Thưởng có
bài Thế Lữ nghệ sĩ hai lần tiên phong. Tác giả đã khẳng định: “Với loại
truyện ly kỳ rùng rợn, Thế Lữ đã đạt đỉnh cao của loại truyện này”, chỉ sau
khi tập Mấy vần thơ ra đời được ít lâu, Thế Lữ dần chuyển sang lĩnh vực văn
xuôi với hai sở trường là tiểu thuyết ly kỳ rùng rợn và tiểu thuyết trinh thám
như Vàng và máu (Đời nay, 1937), Bên đường thiên lôi (1936), Mai Hương
và Lê Phong (1937)… Với Vàng và máu, ông có thể được coi là tác giả đạt
đỉnh cao nghệ thuật của loại truyện này. Cũng trong bài viết này, Phan Trọng
Thưởng đã khẳng định công lao to lớn của Thế Lữ trong việc mở ra khuynh
hướng mới cho văn chương Tự lực văn đoàn: “Cùng với Lan Khai và một vài
tác giả khác chuyên viết về loại truyện đường rừng bí hiểm, văn xuôi Thế Lữ
mở ra một khuynh hướng mới của văn chương Tự lực văn đoàn” [35].
Năm 2003, trên tạp chí Văn học số 8, Phạm Đình Ân có bài viết Thế Lữ
trong Tự lực văn đoàn, trong bài viết đó, tác giả khẳng định vị trí, vai trò và
đóng góp của Thế Lữ với nhóm Tự lực văn đoàn; bên cạnh đó, tác giả cũng
viết : “Văn xuôi nghệ thuật của Thế Lữ có một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn cho thấy
một khía cạnh đáng lưu ý ở tài năng của Thế Lữ.” [4]
Nhìn chung trong nhiều năm qua, văn xuôi của Thế Lữ được học tập và
nghiên cứu một cách đơn giản và chưa tương xứng với vị trí của nó. Trong
phạm vi nhà trường, học sinh không được tiếp cận với các tác phẩm văn xuôi,
ít được biết đến Thế Lữ ở phương diện nhà văn, nhà dịch thuật, nhà nghệ sỹ
đa tài, nhà đạo diễn sân khấu. Ở luận văn này, chúng tôi muốn đi sâu nghiên

5
cứu những đóng góp của Thế Lữ trong mảng văn xuôi mà đặc biệt là truyện
trinh thám và truyện kinh dị - hai thể loại mà Thế Lữ được coi là người đi tiên
phong.
3.Phạm vi nghiên cứu.
Để thực hiện đề tài này, luận văn sẽ đi sâu vào nghiên cứu một cách cụ

thể những sáng tác truyện ngắn của Thế Lữ trong giai đoạn 1932-1945.
Những truyện này được in trong các tập Vàng và máu (1934) , Bên đường
thiên lôi (1936), Lê Phong phóng viên (1937), Mai Hương và Lê Phong
(1937), Đòn hẹn (1937), Gói thuốc lá (1940), Gió trăng ngàn (1941), Trại Bồ
Tùng Linh (1941), Thoa (truyện ngắn, 1942).
4.Mục đích nghiên cứu.
Nghiên cứu truyện ngắn của Thế Lữ về phương diện nội dung và nghệ
thuật để thấy rõ những đổi mới trong các sáng tác của ông. Bên cạnh đó,
chúng tôi muốn làm rõ vai trò tiên phong của Thế Lữ trong loạt truyện kinh
dị, trinh thám của nước ta. Một lần nữa, chúng tôi cũng muốn khẳng định vị
trí, vai trò của Thế Lữ trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam trong
giai đoạn 1932-1945.
5.Phƣơng pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận văn này, chúng tôi đã tiến hành các phương pháp :
- Phương pháp lịch sử
- Phương pháp trần thuật
- Phương pháp phân tích tổng hợp
- Phương pháp đối chiếu so sánh
6.Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3
chương :
Chƣơng 1: Thể loại truyện ngắn trong văn học Việt Nam 1932-1945
và sự nghiệp sáng tác của Thế Lữ
Chƣơng 2: Truyện ngắn Thế Lữ nhìn từ góc độ nội dung.
Chƣơng 3: Truyện ngắn Thế Lữ nhìn từ phƣơng diện nghệ thuật.



6
NỘI DUNG

CHƢƠNG 1: THỂ LOẠI TRUYỆN NGẮN
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1932-1945
VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA THẾ LỮ.

1.1. Thể loại truyện ngắn trong văn học giai đoạn 1932-1945
1.1.1. Dòng truyện ngắn trữ tình
Có thể nói dòng truyện ngắn trữ tình 1932-1945 được hình thành và phát
triển, để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ là nhờ đội ngũ đông đảo các nhà văn
có tài năng và phong cách nghệ thuật với nhiều điểm tương đồng. Trước hết là
sự góp mặt của các thành viên chủ chốt trong nhóm Tự lực văn đoàn như
Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam… Sau đó là các cây bút nổi
bật như Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Đỗ Tốn, Xuân Diệu, Ngọc Giao,
Thanh Châu… Sự sáng tạo trong phong cách nghệ thuật của họ đã làm nên
một dòng truyện ngắn in đậm dấu ấn trong nền văn học dân tộc.
Có thể nói sự ra đời và phát triển của dòng truyện ngắn trữ tình có sự
đóng góp và dấu ấn mạnh của nhóm Tự lực văn đoàn. Bởi không khó để nhận
ra rằng: dòng truyện ngắn trữ tình chỉ phát triển mạnh mẽ từ khi phong trào
Thơ mới và văn chương Tự lực văn đoàn đạt đến đỉnh cao. Như vậy, việc
truyện ngắn trữ tình ra đời muộn hơn đã giúp nó kế thừa được những thành
quả rực rỡ mà dòng văn học lãng mạn thời kì này đã đạt được. Những thành
viên trong Tự lực văn đoàn đã có công rất lớn trong việc chống lễ giáo phong
kiến, dám đấu tranh chống lại những tư tưởng cổ hủ, những quan niệm đã tồn
tại lâu đời trong xã hội. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đã đưa những tư tưởng
mới, đấu tranh cho tự do, hạnh phúc và cả những cái tôi của cá nhân vào văn
học. Một loạt tiểu thuyết đã ra đời với một màu sắc mới về cả tư tưởng, bút
pháp và văn phong thể hiện. Đó không chỉ là việc cách tân về nội dung mà sự
ra đời của thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn của nó cũng mang đầy màu sắc

7
mới, hai thể loại này đã mang nền văn xuôi Việt Nam hoàn thành công cuộc

hiện đại hoá một cách nhanh nhất cũng như gia nhập vào trào lưu văn học thế giới.
Tự lực văn đoàn có tám thành viên chính thức thì có đến bảy người viết
văn xuôi. Mỗi người đều mang phong cách riêng, nhưng nếu xếp vào nhóm có
phong cách gần nhau thì Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo có sự tương
đồng, sau đó là Thạch Lam và Xuân Diệu. Các tác giả thuộc nhóm thứ nhất
mà chúng ta nói đến trên đây gặt hái được nhiều thành công trong sáng tác
hơn cả: Nhất Linh với các tập Anh phải sống (1934), Tối tăm (1936), Hai buổi
chiều vàng (1937); Khái Hưng với Dọc đường gió bụi (1936), Tiếng suối reo
(1937), Đợi chờ (1939), Đội mũ lệch (1941); Hoàng Đạo với tập Tiếng đàn
(1941). Nhìn chung văn chương của nhóm này đậm chất lãng mạn cùng
những rung cảm, sự phong phú trong tâm hồn tác giả qua những câu chuyện
về tình bạn, tình yêu, tình người, quê hương cũng như cảm nhận về sự thay
đổi trước các sự kiện, hiện tượng của cuộc sống.
Vũ Ngọc Phan đã từng nhận xét về phong cách viết văn của Nhất Linh:
là “thứ truyện tâm tình rất nhẹ nhàng và rất trong sáng”. Nhất Linh đã gửi
đến độc giả câu chuyện tình đẹp của Sư cô và Dũng trong Thế rồi một buổi
chiều để thấy được khát vọng yêu đương tưởng chừng đã bị vùi sâu chôn chặt.
Tháng ngày qua lại là một câu chuyện khẳng định sự bền bỉ của tình yêu
thương qua thời gian, khi mà nhân vật chính phải lựa chọn giữa rung động
tâm hồn với những ràng buộc, quy định của giáo lý. Về Khái Hưng, Vũ Ngọc
Phan cho rằng: “Văn Khái Hưng cho người đọc thấy được khoái lạc của mọi
việc rồi ghi lại bằng lời văn gọn gàng, sáng suốt, làm cảm người ta bởi những
việc mình dàn xếp, mình làm cho khi nổi, khi chìm, chứ không phải cám dỗ
người ta bởi những thuyết mình tưởng là cao cả” [29]. Thật vậy, ở Sóng gió
Đồ Sơn, Tình Điên: tác giả đã tìm thấy vẻ đẹp với chiều sâu tâm lý trong tâm
hồn lớp thanh niên thế hệ mới, họ là những con người có tâm hồn trong sáng
có điều kiện để hưởng thụ cuộc sống như Bạch Tuyết, Thu Cúc, Văn Hải
(Sóng gió Đồ Sơn) hay Giao và Cúc (Tình Điên). Bên cạnh đó lại có cô Mơ

8

dám từ bỏ cuộc sống phong lưu để gắn bó với đời hát chèo nay đây mai đó
(Đào Mơ, Dọc đường gió bụi).
Hoàng Đạo có khác một chút so với Nhất Linh và Khái Hưng, đó là
truyện của ông có phần nghiêng về hiện thực. Ngòi bút của ông thấm đẫm
tình người khi hướng đến những số phận đói khổ, thấp hèn, đáng thương, tội
nghiệp như cô gái giang hồ trong Tiếng đàn, Mịch trong Một làn sóng, Minh
trong Tiếng pháo xuân… Dù có khác nhau về cách xây dựng nhân vật nhưng
người đọc dễ dàng nhận ra nét chung của Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo
chính là: họ đều hướng về những cái đẹp thuần phác, nguyên sơ, đại diện cho
khuynh hướng lãng mạn trong thời kì đầu.
Với riêng Thạch Lam, ông đã rất xuất sắc khi kế thừa và phát huy những
điểm nổi bật của các tác giả Tự lực văn đoàn. Không những vậy, Thạch Lam
còn là người làm cho truyện ngắn trữ tình trở thành một khuynh hướng sáng
tác trên văn đàn hiện đại; để rồi sau đó tạo nên một sự phong phú về phong
cách, giọng điệu cùng với các tác giả Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ Tốn, Xuân
Diệu, Ngọc Giao, Thanh Châu Số lượng truyện của Thạch Lam không
nhiều, từ năm 1936 đến 1945, ông cho xuất bản ba tập truyện là Gió đầu mùa,
Nắng trong vườn, Sợi tóc và một số truyện lẻ khác. Nhân vật của ông thuộc
nhiều tầng lớp khác nhau, nhưng có điểm chung là thể hiện được sự nhẹ
nhàng, tinh tế. Đọc truyện của ông, người ta nhận ra cái đẹp len lỏi khắp nơi:
đó là cái đẹp của tình người, tình thương đồng loại và cách cư xử rất đúng
mực của Sơn trong Gió lạnh đầu mùa, Tân trong Đứa con đầu lòng, Thanh
trong Dưới bóng hoàng lan… Tinh tế hơn, Thạch Lam đặc biệt quan tâm đến
cái đẹp sâu thẳm trong tâm hồn ở thế giới tinh thần phong phú của họ bằng
những hình ảnh hết sức giản dị.
Bên cạnh những câu chuyện mang đầy nét lãng mạn thì Thạch Lam cũng
là người rất hiện thực. Ông hiểu rằng cái đẹp không thể là cứu cánh để xa rời
hiện thực. Vì thế, hiện thực là mảng thứ hai trong các sáng tác của ông. Tác
giả ðã nhìn về những số phận đau khổ, thiệt thòi mà đặc biệt là phụ nữ và trẻ


9
em. Cái nhìn hướng về hiện thực của thể hiện qua Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén,
Hai đứa trẻ, Tối ba mươi… Với cả hai hướng trên, chúng ta có thể nói rằng:
dù là hiện thực hay lãng mạn thì Thạch Lam vẫn nổi bật.
Dòng trữ tình còn có sự đóng góp không nhỏ của Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh,
Đỗ Tốn, Xuân Diệu, Thanh Châu. Thanh Tịnh được biết đến với tập Quê mẹ
xuất bản năm 1941. Mặc dù Thanh Tịnh là người rất gần với Thạch Lam
trong số các nhà văn viết truyện theo khuynh hướng trữ tình, nhưng nét đặc
biệt của ông thì không thể lẫn vào đâu được. Đó chính là nét riêng về không
gian rất riêng của Thanh Tịnh: làng Mỹ Lý. Không gian này gắn với các nhân
vật dù đó là anh trí thức tư sản, người dân quê, cô thôn nữ hay người lái đò.
Vẻ đẹp của nhân vật được thể hiện dưới ngòi bút của ông thật tinh tế từ tình
cảm cha con, vợ chồng hay tình quê hương. Phủ lên các sáng tác của Thanh
Tịnh là chất trữ tình sâu lắng, chất thơ bàng bạc thấm đẫm trên từng trang
viết. Chính nhờ vẻ đẹp thuần khiết, trong trẻo, gợi cảm đó đã ghi dấu ấn văn
xuôi Thanh Tịnh trong lòng độc giả.
Đọc văn Hồ Dzếnh, chúng ta thấy một phong cách mang nặng cảm xúc
trữ tình, thiên về kí ức, hoài cảm. Các truyện trong tập Chân trời cũ mang tính
chất tự truyện, hồi kí; mỗi câu chuyện là một đoạn lý lịch của tác giả hay
người thân trong gia đình. Mỗi nhân vật trong truyện đều mang tâm sự, nỗi
niềm riêng, cảm giác cô đơn, lạc lõng luôn đeo bám họ. Dường như nỗi buồn
đã chất chứa trong những trang văn của ông. Cũng giống như Thạch Lam và
Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh đi sâu khám phá những nét đẹp bình dị trong đời sống,
đặc biệt là đời sống nội tâm. Độc giả có thể tìm thấy cảm giác bằng an trong
bể khổ cuộc đời vì “văn ông viết về thập loại chúng sinh, dẫu trong bầm dập
vẫn ánh lên vẻ đẹp cao quý của nhân phẩm”.
Bạn đọc biết đến Đỗ Tốn bằng tập Hoa vông vang xuất bản năm 1941
với ba chủ đề chính là tình yêu, tình quê hương và thân phận con người.
Truyện của ông mang đậm âm hưởng, dư vị của những tình cảm trong sáng,
đẹp đẽ, những rung động sâu xa trong tâm hồn con người. Từ nhân vật


10
Phượng Trinh và Đỗ trong Hoa vông vang, Huân (Điệu thu ca) cho đến bà
cháu (Tình quê hương) đều mang hơi hướng cảm xúc, thể hiện chất trữ tình
đặc sắc.
Bên cạnh Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ Tốn thì còn có Xuân
Diệu với tập Phấn thông vàng (1939) đến với dòng truyện ngắn trữ tình. Xuân
Diệu vốn được biết đến với thơ. Dường như cái cái ham sống trong thơ mà
người đời đã quen thuộc tạo cho văn ông một nét rất riêng, rất Xuân Diệu.
Cũng nhờ con người của Thơ đó, ông phát hiện ra cái nhàm chán, tù đọng
đang có nguy cơ hủy hoại, bào mòn tâm hồn con người. Thế nên, để thay đổi
điều đó, toàn bộ tập truyện là sự vận động của thiên nhiên, đầy cảm xúc, giàu
chất thơ.
Ngoài các tác giả của dòng truyện ngắn trữ tình đã nói ở trên, chúng ta
còn biết đến Thanh Châu, Ngọc Giao - những người đã góp phần không nhỏ
vào dòng truyện ngắn trữ tình với những truyện đong đầy cảm xúc của họ.
Có thể nói: đội ngũ sáng tác với những gương mặt kể trên đã tạo nên
một dòng truyện mang màu sắc riêng, làm cho dòng truyện ngắn trữ tình trở
thành một bộ phận quan trọng góp phần làm phong phú diện mạo của văn học
hiện đại trước Cách mạng và giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa văn học
dân tộc.
1.1.2. Dòng truyện ngắn hiện thực
Hiện thực đầy biến động của xã hội Việt Nam những năm 1932-1945 là
đề tài vô cùng phong phú, là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn khai
thác và phản ánh vào văn chương. Nhưng nhìn hiện thực đó theo cách như thế
nào lại do từng cá nhân. Chính vì thế, ngoài dòng truyện ngắn trữ tình đã nói
trên, dòng truyện ngắn hiện thực cũng là một bộ phận không thể thiếu góp
phần hoàn thiện quá trình hiện đại hóa văn học. Nếu như các nhà văn trữ tình
phản ánh cuộc sống bằng cái nhìn lãng mạn, kết hợp hiện thực và cảm xúc cá
nhân thì các tác giả hiện thực đã mang đến cho độc giả những vấn đề bức xúc,


11
nóng bỏng của xã hội đương thời một cách chân thực và sinh động. Những
vấn đề đó được miêu tả một cách khách quan với cảm hứng phê phán mãnh liệt.
Nguyễn Công Hoan là người đầu tiên khẳng định phương pháp hiện thực
phê phán trong lĩnh vực truyện ngắn. Ông rất nhạy cảm với tình trạng áp bức
bóc lột, tình trạng đạo đức bị đổ nát, phá hoại giá trị truyền thống. Xu hướng
của ông là “lật mặt trái” để phơi trần cái ác, cái xấu xa của bọn giàu từ địa chủ
cường hào ở quê đến những ông chủ, bà chủ, những tiểu thư gái mới đua đòi,
hư hỏng ở thành thị: Đồng hào có ma, Sáu mạng người, Báo hiếu trả nghĩa
mẹ, Đào kép mới Đằng sau tiếng cười giòn giã, sảng khoái của nhà văn
thường chất chứa niềm căm phẫn, thái độ căm ghét, ý thức vạch mặt sự hoành
hành của cái ác, cái xấu, cái đểu; cùng nỗi đau xót trước số phận khốn khổ
của người dân trong xã hội bất công. Răng con chó nhà tư sản, Kép Tư bền là
những truyện cho thấy sự thảm hại của người nghèo trong xã hội đồng tiền
lạnh lùng đó. Truyện của ông cho độc giả thấy: người nghèo không chỉ bị đói
rách khổ sở mà còn bị xúc phạm nhân phẩm, bị chà đạp một cách không
thương tiếc: Bữa no đòn, Thằng ăn cắp, Chị phu mỏ… cuối cùng ông lột tả
bức tranh xã hội nhố nhăng, đồi bại, bất công, áp bức, “người ăn thịt người”
thực ghê tởm (Thịt người chết).
Truyện ngắn Nam Cao đã phản ánh chân thực cảnh ngột ngạt, tăm tối của
xã hội Việt Nam trước Cách mạng; đồng thời cũng thể hiện những cảnh đời
éo le, những bi kịch đau đớn vật vã và bế tắc. Hai đề tài chính của Nam Cao
là người nông dân và trí thức nghèo. Ở đề tài trí thức nghèo nổi bật lên: Trăng
sáng, Mua nhà, Truyện tình, Cười, Đời thừa…Nhân vật chủ yếu của đề tài
này là các nhà văn, nhà giáo trường tư… sống dở vì cái nghèo, quan trọng
hơn họ luôn mâu thuẫn giữa sự sống, nhân phẩm, khát vọng sự nghiệp với cái
gánh nặng cơm áo tẹp nhẹp hằng ngày. Cuối cùng, họ trở thành những “kiếp
sống mòn” về tâm hồn và sa sút về nhân phẩm. Qua đó, nhà văn lên án xã hội
bóp nghẹt quyền sống, hủy hoại cả con người.


12
Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, Một bữa no, Một đám cưới… là những
truyện tiêu biểu viết về đề tài người nông dân. Nam Cao không phải là người
duy nhất viết về cái nghèo, nhưng chưa một tác giả nào viết về cái nghèo lại
có sức ám ảnh khủng khiếp đến thế. Nhân vật của Nam Cao bị xô đẩy đến
tình cảnh hết sức khốc liệt, có khi bị mất cả nhân tính. Nghèo đến thiếu ăn đủ
khổ rồi, họ bị biến thành lưu manh hóa còn khổ hơn. Đau đớn hơn nữa, họ
còn bị từ chối quyền làm người chỉ vì nghèo đói. Tuy vậy, với tấm lòng nhân
đạo sâu sắc, ngòi bút Nam Cao đã phát hiện, nâng niu bản chất tốt đẹp, lương
thiện ẩn sâu trong tâm hồn con người, hiểu được nguyên nhân làm cho họ bị
tha hóa.
Vũ Trọng Phụng đến với mảng hiện thực bằng quan điểm “tiểu thuyết là
sự thực ở đời”. Ông không đề cập đến những vấn đề rộng lớn của xã hội như
tiểu thuyết phóng sự nhưng những trang văn của ông đã toát lên những ý
nghĩa xã hội, nhân sinh sâu sắc lớn lao khi đề cập đến những khía cạnh bình
thường của xã hội như đạo đức, thế thái nhân tình trong cái xã hội đen tối, đảo
điên của xã hội thực dân phong kiến.
Trong Bộ răng vàng, Trúng số độc đắc, Một cái chết, Bà lão lòa nhà văn
thể hiện thái độ căm ghét thế lực và sức mạnh đồng tiền - thứ đã biến mọi
quan hệ của con người thành quan hệ mua bán khiến con người trượt dài trên
con đường tha hóa đạo đức. Tác giả cũng mỉa mai lối sống rởm đời, buông
thả, giả dối và đớn hèn; chế giễu lối sống ngông nghênh, vô nghĩa hết sức lố
bịch. Các tác phẩm của ông phanh phui, phơi bày bao nhiêu mặt trái đen tối,
những tệ nạn, thói hư tật xấu trong xã hội. Hơn tất cả, Vũ Trọng Phụng muốn
chế nhạo, báng bổ cái xấu xa, bần tiện của nhiều hạng người, đồng thời muốn
cắt bỏ ung nhọt của xã hội khốn nạn lúc bấy giờ.
Ở truyện của Nguyên Hồng, người đọc lại thấy được cuộc sống lam lũ,
cơ cực bần cùng của người lao động nghèo khổ ở các thành phố lớn như: Hà
Nội, Hải Phòng, Nam Định. Sự bóc lột hà hiếp ở nông thôn khiến họ phải bỏ

xứ ra đi; nhưng nào đã được yên ổn, họ tiếp tục bị ném vào vòng xoáy nghiệt

13
ngã chốn thị thành và trở thành đủ thứ loại người khác nhau. Tuy Nguyên
Hồng không miêu tả một cách trực tiếp mâu thuẫn xã hội nhưng ông lại miêu
tả một cách chân thực quá trình bần cùng hóa lưu manh hóa của dân nghèo
thành thị. Độc giả thấy xót xa, nhức nhối vô hạn của những kiếp người cùng
khổ. Có thể thấy: cảm hứng trong các sáng tác của Nguyên Hồng không
hướng đến sự phẫn nộ, lên án quyết liệt đến mức muốn thay đổi xã hội mà
ông muốn hướng tới chính là chủ nghĩa nhân đạo bằng cái nhìn đôn hậu, tươi
đẹp được thể hiện trong: Ngọn lửa, Hai mẹ con, Hơi thở tàn, Vực thẳm, Trong
cảnh khốn cùng.
Nếu như thế giới nhân vật của dòng trữ tình bao giờ cũng mang nét đẹp
bình dị, hồn nhiên, trong sáng với những cái tên nhẹ nhàng, đời sống nội tâm
phong phú, giàu có về tinh thần thì những nhà văn hiện thực xây dựng nhân
vật của mình gắn liền với bản chất giai cấp - xã hội. Nhân vật tồn tại với cái
nhìn đa chiều, trong tất cả những mối quan hệ phức tạp của cuộc đời. Chính vì
vậy, họ gần gũi hiện thực, mang hơi thở của đời sống và cũng thể hiện sự
phong phú đa dạng về con người.
Nhìn cuộc đời như một sân khấu kịch đầy rẫy sự đồi bại, Nguyễn Công
Hoan đã tái hiện xuất sắc điều đó bằng đủ mọi nhân vật với các tầng lớp khác
nhau. Ông chia nhân vật làm hai tuyến rõ rệt: tuyến chính là nhân vật thuộc
“hạng nghèo” của xã hội và tuyến phản diện là “tầng lớp trên” có quyền, tiền
và địa vị. Tuyến thứ nhất là những kiếp người cực khổ trăm đường, đói rách,
nhẫn nhục đến thê thảm (Hai cái bụng, thằng ăn cắp, Răng con chó nhà tư
bản…). Tuyến thứ hai là những ông, bà chủ hiện ra với tất cả thói hư tật xấu:
quan tham, đê tiện, dâm ô, đểu cáng, bất nghĩa vô đạo (Đồng hào có ma, Thịt
người chết, Đi giày, Mất cái ví, Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Báo hiếu trả nghĩa
cha…). Mặc dù nhân vật của Nguyễn Công Hoan chưa có chiều sâu tâm lý và
có phần đơn điệu nhưng ông đã khắc họa một thế giới đông đảo mang nhiều

cá tính sinh động như: Kép Tư bền, Sáng, Anh xẩm, Thằng Quýt, Cụ chánh
Bá, mà tiêu biểu là nhân vật huyện Hinh trong Đồng hào có ma.

14
Đặt con người trong tinh thần giai cấp, con người bản năng, con người
vô nghĩa lý, nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng mang đủ màu sắc của thói
hư tật xấu. Có thể kể đến: hai anh em trong Bộ răng vàng là những kẻ bất
hiếu, khốn nạn, ti tiện, đểu cáng; sự lố bịch, giả dối, bê tha của gia đình họa
sỹ Khôi Kỳ trong Hồ sê líu, hồ líu sê sàng; mưu mô, thủ đoạn của Phách
trong Đoạn tuyệt hay ích kỉ tầm thường của nhân vật tôi trong Một đồng bạc.
Tác giả đã khắc họa tính cách nhận vật khá sắc sảo, đầy đặn và có chiều sâu
tâm lý.
Nhân vật của Nam Cao luôn đứng trước sự tấn công dữ dội, nghiệt ngã
của hoàn cảnh sống đến mức cả sự sống bị đe dọa và nhân cách có nguy cơ bị
tha hóa. Họ phải đấu tranh trong sự tuyệt vọng chỉ để tồn tại. Chính vì điều
đó, nhân vật luôn mang trong mình một tâm hồn đau đớn, dai dẳng khôn cùng
và đó cũng là bi kịch chung cho cả giai cấp, tầng lớp. Điền, Hộ tiêu biểu cho
lớp trí thức tiểu tư sản bị xã hội phong kiến bóp chết ước mơ, khát vọng về sự
nghiệp khiến họ phải “sống mòn”. Lão Hạc điển hình cho người nông dân bị
bần cùng hóa, Chí Phèo điển hình cho tầng lớp nông dân lưu manh, tha hóa.
Quả thực, nhân vật của Nam Cao đạt đến sự điển hình của tính cách, trở nên
bất hủ trong văn chương.
Cùng hướng về hiện thực cuộc sống, nhưng nhân vật của Nguyên Hồng
lại được tác giả phát hiện, nâng niu vẻ đẹp trong chính những mảnh vỡ tâm
hồn của những con người dưới đáy xã hội. Họ có thể là gái điếm, lưu manh
như Bảy Hựu, Chín Huyền trong các tác phẩm cùng tên; phu phen, thợ
thuyền: Nhân (Đây bóng tối); Những kẻ ăn mày đầu đường xó chợ: Điều, Tý
Sáu (Con chó vàng); hoặc là những người đàn bà buôn thúng, bán mẹt, hàng
cơm, hàng nước: Vịnh (Hàng cơm đêm)… Người lao động đã làm việc một
cách cực nhọc mà vẫn đói khổ, bị rẻ rúng về thân phận, chịu bao đau khổ

trước cái ngột ngạt của xã hội. Đáng thương nhất là thế hệ trẻ em nghèo côi
cút. Hình ảnh những em bé lúc nào cũng lén lút, lo sợ bởi cuộc sống quá tối
tăm đầy sự đe dọa của đói rét, áp bức: Thao (Giọt máu), Thằng Bùng, cái Tý

15
(Bố con nhà lão đen) hay chính nhân vật tôi (Những ngày thơ ấu) đã làm cho
người đọc ám ảnh, suy nghĩ rất nhiều.
Xét về cốt truyện, có thể khẳng định: đây là yếu tố được đặt lên hàng đầu
tạo nên sự thành công của mỗi nhà văn. Cốt truyện trong các tác phẩm hiện
thực đều mang hơi thở của thực tế cuộc sống, thể hiện những mâu thuẫn và
xung đột trong các mối quan hệ và trong bản thân mỗi cá nhân; lồng vào đó là
cách nhìn và ý đồ sáng tác của mỗi tác giả. Điều đó tạo nên sự độc đáo của
nhà văn với những kiểu cốt truyện phù hợp với các phong cách và sở trường
khác nhau.
Cốt truyện của Nguyễn Công Hoan được xây dựng nhờ cách miêu tả
hành động bên ngoài và sự xâu chuỗi những diễn biến của sự kiện, tình huống
bất ngờ tạo nên sự ly kì, hấp dẫn và trào phúng của truyện. Ý nghĩa sâu xa và
thú vị của nội dung xuất phát từ những mâu thuẫn có tính hài hước được phát
huy cao độ trong khi tổ chức cốt truyện. Nhà văn không trình bày sự kiện một
cách phức tạp mà chủ yếu là đơn giản, cô đọng và chân thực. Ông tập trung
thể hiện quá trình phát triển tính cách trong một vài nhân vật chính hay một
đoạn trong cuộc đời nhân vật.
Nhìn chung, cốt truyện của Vũ Trọng Phụng đơn giản, gọn gàng và súc
tích nhưng vẫn mang nhiều kịch tính. Sự phong phú của cuộc sống được ông
phản ánh qua tình tiết, sự kiện được tổ chức một cách liền mạch, chặt chẽ; từ
đó tỏa ra trên bề rộng tạo nên sự phong phú của cuộc sống được phản ánh. Tự
do là câu chuyện giản dị, trong sáng, nói lên sự mong muốn được tự do của
loài chim. Như hình ảnh của hai con chim chào mào con: một con tìm lại
được tự do, về với bầu trời ca hát, một con không có cách nào thoát ra được
đành “tuyệt thực chết” . Mới đọc qua, chúng ta dễ nhầm tưởng Vũ Trọng

Phụng đề cập vấn đề môi trường và kêu gọi bảo vệ loài chim, song ngẫm kĩ
lại mới thấy cái ý nghĩa khái quát về một bài học nhân sinh: ý nghĩa của sự tự
do và sự tự do của chính con người.

16
Nam Cao xây dựng cốt truyện dựa trên sự miêu tả những đấu tranh,
xung đột nội tâm của nhân vật. Hệ thống sự kiện xuất hiện với vai trò là
nguyên nhân, nguồn gốc của những cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của nhân
vật; sự vận động xảy ra ở thế giới nội tâm nhân vật. Vì thế, cách mở đầu, kết
thúc hay những sự kiện biến cố có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời nhân
vật đều thể hiện những xung đột nội tâm hay diễn biến tâm lý của nhân vật.
Ví dụ điển hình là nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên. Hắn điên
khùng và bất lực khi bị cô lập trước đồng loại, cách duy nhất để giải tỏa tâm
trạng u uất cùng cực đó là vừa đi vừa chửi ngay mở đầu thiên truyện; hành
động đó mang dấu ấn tâm lý rõ nét. Sự thay đổi nhận thức cùng những diễn
biến tâm lý của Chí Phèo là một quá trình dài: ban đầu là một nông dân lương
thiện, sau khi ở tù về thì trở thành nỗi khiếp sợ trong mắt mọi người; rồi cuộc
gặp gỡ và tình yêu với Thị Nở đã làm sống dậy những mơ ước bình dị nhất;
để rồi bị từ chối tàn nhẫn và cuối cùng là giết Bá Kiến và tự sát.
Ngoài cốt truyện, nhân vật thì ngôn ngữ, giọng điệu góp phần không nhỏ
vào sự thành công của dòng truyện ngắn hiện thực. Nét chung nhất của các
nhà văn thuộc dòng này là sự khách quan đôi khi đến lạnh lùng. Tuy vậy, mỗi
tác giả tạo dấu ấn riêng nhờ phong cách cá nhân của mình.
Nguyễn Công Hoan sử dụng ngôn ngữ quần chúng với sự chọn lọc và
nâng cao, đậm đà màu sắc cuộc sống. Giọng văn của ông có sắc thái sinh
động đặc biệt khiến người đọc có cảm giác nhà văn đang nói chuyện với
mình. Văn phong của Nguyễn Công Hoan trong sáng, linh hoạt, sống động
được biểu hiện bằng một giọng điệu trào phúng với nhiều cung bậc, sắc thái:
có cả hài hước, mỉa mai, diễu cợt, lên án… (Gái tân thời, Thật là phúc, Đào
kép mới, Đàn bà là giống yếu…).

Nhờ sự am hiểu sâu sắc về nhiều hạng người trong xã hội mà ngôn ngữ
trong truyện Vũ Trọng Phụng có sự sống động của cuộc đời. Nhà văn để nhân
vật phát ngôn thứ ngôn ngữ đặc trưng của từng hạng người. Giọng điệu của

17
ông mang sắc thái khi bi hài, khi gai góc, sắc cạnh, khi lại đầy suy tưởng triết
lý (Bộ răng vàng, Đoạn tuyệt, Lấy vợ xấu, Ăn mừng, Đời là một cuộc chiến đấu).
Ngôn ngữ của Nam Cao rất linh hoạt: lúc giàu suy tưởng triết lý, lúc lại
bình dị, gần gũi, chân thực biểu đạt ý chính xác, tự nhiên. Nhìn chung, giọng
điệu của Nam Cao có sự tổng hợp nhiều giọng điệu khác nhau được tác giả
thể hiện tùy vào đối tượng: có khi khách quan đến lạnh lùng, tàn nhẫn; khi
suy tư, lúc hài hước mang niềm chua xót buồn thương. Hơn tất cả, bằng giọng
điệu rất riêng, ông thể hiện tấm lòng yêu thương, cảm thông cho số phận
người nông dân, trí thức phải sống trong cảnh đau khổ, bế tắc (Chí Phèo, Lão
Hạc, Đời thừa, Trăng sáng…).
Sự bao quát trên đây tuy chưa thực sự đầy đủ, nhưng chúng ta có thể
thấy được những đặc trưng cơ bản cũng như phong cách sáng tác khác nhau
của các tác giả tiêu biểu trong cả hai dòng truyện ngắn trữ tình và hiện thực.
Hơn nữa, chúng tôi cũng muốn khẳng định vị trí vai trò của hai dòng truyện
ngắn này vào công cuộc hiện đại hóa văn học nói riêng và sự phát triển của
văn xuôi hiện đại nói chung.
1.2. Sự nghiệp sáng tác của Thế Lữ
1.2.1. Vài nét về con người Thế Lữ
Thế Lữ sinh ngày 6 tháng 10 năm 1907 trong một gia đình viên chức
nhỏ tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Ban đầu ông có tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ,
sau đó đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì là con thứ. Khi anh trai ông mất ở tuổi 11,
gia đình lấy lại tên Nguyễn Đình Lễ. Một thời gian sau ông lấy lại tên Nguyễn
Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại thành Nguyễn Thế Lữ, rồi rút gọn thành Thế
Lữ. Ngoài ra, ông còn dùng bút danh Lê Ta để viết báo. Lúc còn nhỏ ông
sống ở Lạng Sơn, sau đó về Hải Phòng học, đến năm 22 tuổi, ông thi đỗ dự

thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học được một năm thì bỏ.
Ông viết truyện, làm thơ từ khá sớm và bắt đầu đóng kịch từ năm 1928. Đến
năm 1932, ông được mời làm báo Phong hóa rồi gia nhập Tự lực văn đoàn, là

18
một trong những người sáng lập văn phái này. Ông là nhân vật chủ chốt cho
cả Phong hóa và Ngày nay, là cây bút có lối viết sắc sảo và tinh tế.
Trong lĩnh vực thơ ca, Thế Lữ được biết đến nhiều nhất là bài Nhớ rừng
(1934) ông đã trở thành nhà thơ tiêu biểu nhất của buổi đầu thơ mới và là
người góp phần quan trọng nhất để bắt đầu phong trào Thơ mới lúc bấy giờ.
Không chỉ thơ, Thế Lữ còn quan tâm đến nhiều ngành nghệ thuật khác nhau
như văn xuôi, kịch nói. Là thành viên Tự lực văn đoàn, ông vẫn giữ vai trò
quan trọng trong việc viết bài, biên tập, sáng tác các tác phẩm văn chương;
nhưng bên cạnh đó, kịch nói và sân khấu vẫn là một niềm đam mê. Cùng một
lúc ông đảm nhận nhiều công việc trong đoàn kịch như viết kịch bản, làm
diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật. Ông tham gia ban kịch Tinh hoa, xây
dựng ban kịch Thế Lữ, rồi ban kịch Anh Vũ. Bên cạnh đó, ông còn dịch nhiều
tài liệu nước ngoài về sân khấu và kịch các loại.
Ngay từ khi còn trẻ, Thế Lữ đã có tư tưởng tiến bộ, ông tham gia Thanh
niên cách mạng đồng chí hội khi mới hai mươi mốt tuổi. Trước Cách mạng,
khi Tự lực văn đoàn ngừng hoạt động, ông đã chỉ đạo đoàn nghệ thuật đi phục
vụ dọc miền đất nước, đưa đoàn kịch vào chiến khu để phục vụ kháng chiến.
Năm 1948, ông được bầu làm Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành tại Đại
hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Thế Lữ cũng là trưởng đoàn sân khấu
Việt Nam năm 1948-1949.
Cuối năm sau đó, Thế Lữ phụ trách đoàn kịch Chiến thắng, tổ chức đi
biểu diễn ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Năm 1955, ông là trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật sân khấu Việt
Nam, đồng thời là trưởng đoàn Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, tham
gia hội diễn ở Nhà hát nhân dân thành phố Hà Nội. Ông chỉ đạo đoàn Ca múa

nhân dân Trung ương đi biểu diễn ở Trung Quốc, Liên Xô, Ba Lan.
Từ năm 1957-1977, Thế Lữ giữ cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân
khấu Việt Nam từ ngày đầu thành lập. Ông là một trong những hội viên sáng
lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.

19
Năm 1962, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Thế Lữ được bầu làm Ủy
viên Ban Chấp hành.
Năm 1977, ông nghỉ hưu.
Thế Lữ lập gia đình riêng từ khá sớm, khi mới mười bảy tuổi. Ông chỉ có
con với người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Khương. Người con cả của họ sống ở
miền Bắc, có thời gian đi theo bố, được truyền nghề cộng thêm tố chất sẵn có,
đã trở thành nhà đạo diễn kịch nói nổi tiếng Việt Nam, đó là Nghệ sĩ nhân dân
Nguyễn Đình Nghi. Nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi đã qua đời năm 2001. Vợ
Nguyễn Đình Nghi, nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng theo nghiệp
sân khấu.
Cuối năm 1938, Thế Lữ kết hôn với người vợ thứ hai là diễn viên kịch
nói Song Kim, bà sinh năm 1913 tại Hà Đông. Từ đó, họ vừa là bạn đời, vừa
là bạn nghề. Do tài năng vốn có cộng với sự dìu dắt của Thế Lữ, Song Kim đã
trở thành một nghệ sỹ có tên tuổi, được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân
dân. Bà đang sống tại Hà Nội, từng sở hữu một số tài liệu quý về sự nghiệp
sáng tác của Thế Lữ.
Năm 1979, Thế Lữ vào Thành phố Hồ Chí Minh sống với người vợ đầu
và các con. Mười năm sau ông qua đời ở đó do tuổi già, hưởng thọ tám mươi
hai tuổi.
Năm 2001, Thế Lữ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
và nghệ thuật với hai tác phẩm Cụ đạo, Sư ông và Đề Thám. Đó là hai vở kịch
ông tham gia với vai trò diễn viên, đạo diễn, viết kịch bản, được công diễn
nhiều lần từ kháng chiến chống thực dân Pháp cho tới sau này.
1.2.2. Thế Lữ, người mở đầu một trào lưu thơ ca.

Thế Lữ đã ra mắt độc giả hơn 50 bài thơ, chủ yếu được sáng tác trước
năm 1945 và được in trên báo Phong hóa và Ngày nay, sau tập hợp vào hai
tập thơ: Mấy vần thơ (1935), Mấy vần thơ (tập mới, 1941). Có rất nhiều người
đánh giá vai trò của ông với thơ mới, đáng chú ý là ý kiến của Vũ Ngọc Phan
: “ Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến

20
thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho ta tin cậy ở tương
lai của thơ mới” [3, tr.171]. Một ý kiến khác của Hoài Thanh, Hoài Chân
trong Thi nhân Việt Nam: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao
đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam” [3, tr.163].
Có thể thấy, Thế Lữ là nhà thơ tiên phong mở đầu cho phong trào Thơ
mới. Ông đã mang đến cho thơ mới những sáng tác đầy giá trị. Vào buổi đầu
ấy, ông đã thổi hồn mới vào thơ mà đối với lớp người cũ người ta chỉ quen
ngâm thơ Tản Đà, Á Nam, đọc Truyện Kiều,… Bắt đầu từ Nhớ rừng, sau đó
là Cây đàn muôn điệu, Tiếng sáo thiên thai…Trong lúc vấn đề cũ và mới
trong thơ chưa được phân định thì sự cách tân táo bạo cả về hình thức và nội
dung của Nhớ rừng đã mang lại sự thắng thế hoàn toàn cho thơ mới. Nhà phê
bình Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Thế Lữ không bàn về thơ mới, không
bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ
điềm nhiêm bước những bước vững vàng trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ
xưa phải tan vỡ” [3, tr.163]. Tiếp theo Thế Lữ là cả một thế hệ, một phong
trào thi ca sáng tạo và tân tiến như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận,…
Thế Lữ là người đi đầu trong phong trào Thơ mới. Ông đã đưa ra một
quan niệm có tính tuyên ngôn: thơ phải là cây đàn muôn điệu, phải vang lên
những khúc nhạc, giai điệu trong đời.
Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ
Nét mong mang, thấp thoáng cánh hoa bay
Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy;
Thú xán lạn mơ hồ trong ảo mộng;

Chí hăng hái đua ganh đời náo động
Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê
( Cây đàn muôn điệu)
Có thể nói, thơ và cuộc đời có mối liên hệ, cuộc sống là chất liệu của thơ,
nhà thơ cần biết khai thác. Nhưng với Thế Lữ, thơ không phải là sự ghi chép
tìm tòi về cuộc đời mà ông muốn tìm đến cái đẹp về vật chất và tinh thần.
Theo Hoài Thanh, vẻ đẹp thực của trần gian chính là đặc sắc trong thơ Thế
Lữ. Người đọc có thể tìm thấy những hình sắc và âm thanh của cuộc đời trong

21
thơ. Những nét gần gũi như: cảnh bên bờ suối, bình minh cây xanh, tiếng ve
ran trong bóng cây râm mát… vẻ đẹp đó vốn là của trần thế, của tự nhiên
nhưng nó dường như cũng ở trong mong ước của nhà thơ.
Đọc thơ Thế Lữ, độc giả thấy được sự khao khát sống tự do, không bị bó
buộc trong cuộc đời. Ông thích những cảnh đời rộng mở, nơi mà con người
sống với nhau bằng tấm lòng nhân hậu, không phải đề phòng, không có hận
thù. Có lẽ vì vậy, suy nghĩ đó được biểu hiện bằng nhiều cách trong thơ ca.
Không đơn giản chỉ là trốn khỏi hiện thực mà là thoát khỏi không gian chật
hẹp để đến với bao la. Dù có những bài bắt đầu từ cảnh đời chật hẹp nhưng
sau đó lại được mở rộng vút bay lên. Âm thanh trong thơ đã vút bay lên tập
chốn cao xanh:
Khi cao vút tận mây mờ
Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh
(Tiếng sáo thiên thai)
Có khi nó lại được nhà thơ dùng để giãi bày, giải tỏa nỗi u buồn và đi
tìm chân lý của cuộc sống. Điều này được thể hiện trong bài thơ Nhớ rừng,
tác phẩm để đời của Thế Lữ. Bài thơ đã thể hiện những tình cảm và khát vọng
về tự do. Đặt nhân vật của mình vào con hổ dũng mãnh bị nhốt trong vườn
bách thú chật hẹp, tâm trạng nhớ rừng, nhớ những ngày tung hoành giữa thiên
nhiên bao trùm cả bài thơ. Trong bài thơ, ông đã tạo nên sự tương phản giữa

tự do và tù túng, cảnh đời tầm thường giả dối và thiên nhiên hũng vĩ, quá khứ
và hiện tại,… Và cuối cùng, nổi lên tâm trạng u uất, chán chường về cuộc
sống và một khát vọng tự do mãnh liệt. Hình ảnh con hổ, loài chúa sơn lâm
của núi rừng, là một biểu tượng uy nghi đối lập với cái tầm thường nhỏ bé.
Hình tượng này có sức chiếm lĩnh, làm cho giọng điệu thơ hùng tráng nhưng
không kém phần thiết tha. Chỉ một cặp câu thơ: “Nào đâu những đêm vàng
bên bờ suối/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”, theo nhà thơ Vũ Đình
Liên cũng có sức mạnh như một tuyên ngôn.

×