Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Báo cáo Những thách thức của việc kết hợp nghiên cứu với đào tạo khoa học xã hội và nhân văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (152.37 KB, 11 trang )

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA VIỆC KẾT HỢP
NGHIÊN CỨU VỚI ĐÀO TẠO KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
TS. TRẦN VĂN HẢI
Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học KHXH&NV
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Lý do nghiên cứu
Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã và đang trở thành lực lượng sản xuất
trực tiếp và là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, việc đào tạo
gắn kết với nghiên cứu khoa học là một xu thế, một biện pháp tích cực của nền giáo
dục năng động và sáng tạo.
Quan niệm lạc hậu cho rằng trường đại học chỉ là nơi đào tạo đã bị thực tiễn
loại bỏ, quan niệm hiện đại cho rằng trường đại học có hai chức năng song hành là
đào tạo và nghiên cứu khoa học, hai chức năng này luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau để
nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học nhằm trang bị cho
người học một lượng kiến thức cơ bản cần thiết, phương pháp luận để sau khi tốt
nghiệp người học có thể tiếp tục học tập, có khả năng giải quyết những vấn đề do
thực tế đề ra. Đào tạo qua nghiên cứu là nguyên tắc quán triệt xuyên suốt toàn bộ
quá trình học tập.
Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về KH&CN đã chỉ rõ tầm quan trọng
của Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) đối với sự nghiệp công nghiệp
hóa và hiện đại hóa đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng này, các trường đại
học thuộc khối KHXH đã có những bước tiến đáng kể trong việc kết hợp nghiên cứu
với đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nghị quyết số 05- NQ/BCSĐ ngày
06.01.2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ rõ đổi mới cơ quan
quản lý và triển khai nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng, hình
thành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Giáo dục đại học và Vụ Khoa học, Công
nghệ và Môi trường để hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ xã hội trở thành
nhiệm vụ thường xuyên của các cơ sở đào tạo đại học.
Tuy nhiên, công tác kết hợp nghiên cứu với đào tạo cũng đã bộc lộ những
mặt yếu kém nhất định thể hiện trên các mặt nhân lực KH&CN, kinh phí chi cho
nghiên cứu khoa học, khả năng ứng dụng trong thực tế các nghiên cứu về


KHXH&NV do các trường đại học tiến hành…
Bởi vậy, việc nghiên cứu Những thách thức của việc kết hợp nghiên cứu với
đào tạo KHXH&NV là cần thiết.
Trong bài tham luận này, chúng tôi sử dụng:
- Các văn bản quy định có liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học;
- Các số liệu được khảo sát tại Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc
gia Hà Nội.
- Các số liệu khác.
- Bài tham luận không khảo sát về nhân lực KH&CN vì nó đã được các tham
luận khác trong Hội thảo đề cập.
1. Cơ sở lý thuyết của chuyên đề
1.1. Quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu
Do đặc điểm của KHXH&NV, các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực
KHXH&NV chỉ được coi là tác phẩm khoa học và được bảo hộ quyền tác giả với
các nội dung:
- Quyền nhân thân không thể chuyển giao đối với đề tài nghiên cứu, bao gồm:
quyền đặt tên cho đề tài nghiên cứu, quyền đứng tên đối với đề tài nghiên cứu,
quyền bảo vệ sự toàn vẹn của đề tài nghiên cứu. Tác giả - người nghiên cứu khoa
học luôn luôn nắm giữ quyền này, kể cả trong trường hợp có người khác đầu tư tài
chính cho tác giả tiến hành nghiên cứu.
- Quyền nhân thân có thể chuyển giao đối với đề tài nghiên cứu, đó là quyền
công bố hoặc cho phép người khác công bố đề tài nghiên cứu; Quyền tài sản đối với
đề tài nghiên cứu. Các quyền này thuộc về chủ sở hữu – người đầu tư hoặc người
được chuyển nhượng kết quả nghiên cứu.
Sở dĩ phải bàn đến quyền tác giả trong chuyên đề này, vì nó liên quan đến
việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong đào tạo, một số người không
hiểu rõ quy định về quyền tác giả khi cho rằng cần phải giữ bí mật, độc quyền đối
với kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KHXH&NV, quan niệm này là sai
lầm. Bởi vì trong các nội dung được bảo hộ quyền tác giả, không hề quy định việc
quyền của tác giả và chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học có quyền ngăn cấm

người khác ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn, sau nữa giới hạn của quyền
tác giả cho thấy mọi người có quyền tự sao chép cho mình một bản sao kết quả
nghiên cứu khoa học dùng trong đào tạo, nghiên cứu mà không bị coi là xâm phạm
quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học.
1.2. Vai trò của nghiên cứu khoa học đối với đào tạo
Luật Giáo dục 2005 quy định chức năng của trường đại học: “Thực hiện việc
tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu chương
trình giáo dục. Thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát
triển công nghệ… và thực hiện các dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ, sản
xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề đào tạo theo quy định của pháp luật”.
Về bản chất, đào tạo là việc truyền bá các kiến thức khoa học (chứ không
phải truyền bá kinh nghiệm), mà kinh nghiệm chỉ có thể được kiểm nghiệm tính
đúng đắn qua quá trình nghiên cứu khoa học. Điểm này là vô cùng quan trọng đối
với lĩnh vực KHXH&NV, bởi vì người ta có thể mang thí nghiệm hoặc áp dụng
trong thực tiễn một kinh nghiệm thuộc lĩnh vực tự nhiên hoặc công nghệ, nhưng
không ai có quyền (và không thể) mang thí nghiệm một kinh nghiệm đối với xã hội,
bởi vậy mọi kinh nghiệm trong lĩnh vực xã hội nhất thiết phải được khoa học kiểm
chứng mới được phép ứng dụng nó trong thực tế.
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học là một trong các tiêu chí của
khoa học. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong giáo dục và đào tạo là
con đường ngắn nhất của quá trình chuyển giao kết quả khoa học từ khu vực nghiên
cứu sang khu vực ứng dụng.
Xét trên góc độ kinh tế thì quá trình chuyển giao kết quả khoa học từ khu vực
nghiên cứu sang khu vực ứng dụng trong lĩnh vực đào tạo hoàn toàn miễn phí không
những đối với kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV mà còn ở cả các lĩnh
vực còn lại của khoa học. Nhà nước đã chi vài tỷ VNĐ cho nghiên cứu một đề tài
KHXH&NV, nhưng pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định nhà trường và các nhà khoa
học hoàn toàn có quyền lấy (miễn phí) các kết quả nghiên cứu trên dùng trong đào
tạo và nghiên cứu khoa học.
Trình độ, năng lực của giảng viên là một trong những yếu tố quyết định chất

lượng của giáo dục và đào tạo. Trình độ, năng lực của giảng viên có thể tích lũy qua
kinh nghiệm giảng dạy, điểm này có thể gần đúng đối với giáo dục ở cấp thấp như
tiểu học, nhưng không thể đúng đối với giáo dục và đào tạo ở cấp cao hơn, đặc biệt
là đối với đào tạo đại học. Quá trình nghiên cứu khoa học đóng góp phần không nhỏ
đối với việc nâng cao trình độ, năng lực của giảng viên. Bởi vậy, kể cả trong trường
hợp không thể chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học ra ngoài khu vực
nghiên cứu và đào tạo, thì nghiên cứu khoa học cũng có tác động không nhỏ đến
chất lượng đào tạo.
2. Những thách thức của việc kết hợp nghiên cứu với đào tạo khối khoa
học xã hội và nhân văn
2.1. Chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của KHXH&NV
Nhận xét về giáo dục đại học, Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27.2.2010 của
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ “…giáo dục đại học cũng bộc lộ nhiều hạn chế và yếu
kém: chất lượng đào tạo nhìn chung còn thấp, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh
tế xã hội của đất nước; cơ chế quản lý của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại
học và sự quản lý của các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất hợp lý kéo dài,
chưa tạo ra động lực đủ mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và sự tự chịu trách
nhiệm của đội ngũ giảng viên, các nhà quản lý và sinh viên để đổi mới mạnh mẽ,
căn bản giáo dục đại học. Tiềm năng đầu tư của xã hội và các nhà đầu tư nước
ngoài để phát triển giáo dục đại học chưa được phát huy có hiệu quả. Có nhiều
nguyên nhân của tình hình trên, nhưng nguyên nhân căn bản chính là sự yếu kém
trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học và sự yếu kém trong quản lý của bản
thân các trường đại học, cao đẳng”.
Các trường đại học khối KHXH&NV cũng không nằm ngoài tình trạng vừa
nêu, nhưng các trường này còn chịu sự chi phối của xã hội nhìn nhận về
KHXH&NV, đó là sự phát triển không đồng đều của các khoa học, trong khi khoa
học tự nhiên và công nghệ có những bước tiến đáng kể thì KHXH&NV lại không có
được những bước tiến như vậy, sự coi thường của xã hội (tất nhiên có cả một bộ
phận các nhà quản lý nữa) đối với KHXH&NV, như việc đầu tư tài chính cho
nghiên cứu KHXH không đáng kể so với việc đầu tư cho nghiên cứu các khoa học

khác, điểm đầu vào của các trường đại học khối KHXH&NV thấp, sinh viên tốt
nghiệp đại học các ngành KHXH&NV ít có cơ hội kiếm được việc làm so với tốt
nghiệp các ngành khác… Quan niệm lệch lạc này đã dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho
xã hội, đó là con người không hiểu biết ngay chính bản thân mình, tạo thành những
nghịch lý, ví dụ thành tựu của khoa học tự nhiên và công nghệ phát triển bao nhiêu
thì mối nguy hiểm cho con người lại lớn lên bấy nhiêu (sự phát triển đô thị kéo theo
hậu quả tàn phá môi trường, công nghệ chẩn đoán giới tính thai nhi tạo sự mất cân
bằng giới tính tự nhiên…), đạo đức xã hội xuống cấp…
Tình trạng yếu kém và bị coi thường của KHXH&NV, nhất là trong lĩnh vực
giáo dục đại học là có thật, làm cho những ai quan tâm đến tương lai đất nước phải
lo ngại. Mọi người đều biết rằng những sai lầm về công nghệ, kỹ thuật để lại hậu
quả lớn, nhưng vẫn có thể khắc phục được trong một thời gian nhất định, nhưng
những sai lầm thuộc về lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục… tức là
KHXH&NV sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng và lâu dài, trong nhiều trường
hợp là không thể khắc phục được.
Một bộ phận lớn trong lĩnh vực KHXH&NV thuộc các khoa học cơ bản
(không thuộc diện “nhu cầu trước mắt”của xã hội) đòi hỏi phải có sự đầu tư thích
đáng của Nhà nước. Nhưng có thể thấy, trong một số văn bản về quản lý giáo dục và
đào tạo chỉ nhắc đến đào tạo theo nhu cầu của xã hội, mà không định nghĩa rõ thế
nào là nhu cầu của xã hội. Có thể dẫn chứng Nghị quyết số 05- NQ/BCSĐ ngày
06.01.2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại mục 2.3.4. đã viết:
“Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội: Sơ kết 3 năm (2008-2010) việc triển khai
thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội và xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc đào tạo
theo nhu cầu xã hội cấp quốc gia, tại mỗi địa phương và mỗi cơ sở đào tạo”.
Điểm này dẫn đến hiện tượng, nhiều trường đại học bỏ qua mảng
KHXH&NV, bởi vậy việc kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo của các trường đại
học này bị bỏ ngỏ. Mặt khác, cũng từ đây, chính các cơ quan quản lý giáo dục và
đào tạo cũng xem nhẹ KHXH&NV.
2.2. Kinh phí chi cho nghiên cứu KHXH&NV
Sự xem nhẹ KHXH&NV dẫn đến hệ quả là kinh phí chi cho nghiên cứu ngay

tại các trường đại học khối KHXH&NV cũng ít hơn mức độ trung bình chi cho
nghiên cứu nói chung. Chúng tôi dẫn số liệu ngân sách Nhà nước chi cho nghiên
cứu của Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN – một trường đại học được coi là
có tiềm lực hàng đầu trong nghiên cứu KHXH&NV, từ đây có thể suy ra các trường
hợp khác để có cái nhìn khái quát.
Nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa
học của Đại học Quốc gia Hà Nội thể hiện qua bảng sau đây (đơn vị tính: triệu
đồng):
Đơn vị 2004 2005 2006 2007 2008
1.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
14.789 15540 16805 20.465 14.947
2.
Trường Đại học Ngoại ngữ
1.520 1.620 1.780 5.350 5.712
3.
Trường Đại học Công nghệ
2.440 3.180 4.430 6.400 4.325
4.
Trường ĐHKHXH&NV
1.540 1.740 1.830 2.210 2.830
5.
Trường Đại học Kinh tế
260 360 580 630 1.680
6.
Trường Đại học Giáo dục
230 330 380 410 807
7.
Khoa Luật
350 360 490 600 541

(Nguồn: Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Để tiện so sánh mức đầu tư ngân sách cho nghiên cứu khoa học giữa các đơn
vị thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi xin đưa ra biểu đồ hình cột,
trong biểu đồ này không thống kê Khoa Luật, mà chỉ thống kê Trường đại học thành
viên.
So sánh mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học
từ ngân sách nhà nước giữa các lĩnh vực khác nhau
Như vậy việc ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học khối
KHXH&NV là ít so với các lĩnh vực khác, đặc biệt nguồn kinh phí này chỉ bằng
17,67% so với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thậm chí kinh phí chi cho
nghiên cứu KHXH&NV còn ít hơn cả với ngành gần là Trường Đại học Ngoại ngữ.
Hiện tượng đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực nghiên cứu
KHXH&NV không chỉ diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội, mà còn diễn ra ở nơi
khác nữa, ví dụ theo số liệu của Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh, trong tổng
kinh phí 30,5 tỉ đồng chi cho nghiên cứu khoa học của Thành phố Hồ Chí Minh năm
2003, phần dành cho khoa học xã hội chỉ đạt 1,4 tỉ đồng, tức chưa đầy 5%. Ngay
trong phạm vi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các đề tài nghiên cứu
khoa học xã hội vào năm 2004 cũng chỉ chiếm tỷ lệ 1/6 trong tổng kinh phí cấp cho
các đề tài trọng điểm cấp bộ (560 triệu đồng so với 3.443 triệu đồng)
1
.
Qua nghiên cứu so sánh định lượng, chúng ta thấy ở đâu đó có những phát
biểu cho rằng quan tâm đến lĩnh vực KHXH&NV, nhưng thực chất lĩnh vực này
hiện đang bị xem nhẹ, kinh phí chi ít như vậy nên dẫn đến kết quả nghiên cứu khoa
học không cao và hậu quả là chất lượng đào tạo các ngành thuộc khối KHXH&NV
không theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội là lẽ đương nhiên.
Chúng tôi tiếp tục đưa ra số liệu kinh phí cho nghiên cứu khoa học mà
Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN huy động được từ các nguồn ngoài ngân
sách Nhà nước để thấy rõ mức độ quan tâm đến kết quả nghiên cứu KHXH&NV của
Nhà nước và của các tổ chức khác.

Nguồn kinh phí này được thể hiện qua các năm như sau (đơn vị tính: triệu
đồng):
1
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết năm học 2003-2004 và phương hướng, nhiệm
vụ năm học 2004-2005.
2004 2005 2006 2007 2008
2.660 6.630 2.642 2.671 6.929
(Nguồn: Phòng Kế hoạch – Tài vụ)
Để so sánh mức đầu tư từ kinh phí nhà nước và từ các nguồn khác chi cho
nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KHXH&NV, chúng tôi đưa ra biểu đồ hình cột
dưới đây.
So sánh mức đầu tư từ ngân sách nhà nước
và từ các nguồn khác cho nghiên cứu KHXH&NV
Qua đó cho thấy nguồn tài trợ từ các tổ chức chi cho nghiên cứu KHXH&NV
lớn hơn so với mức đầu tư từ kinh phí nhà nước. Số liệu này nói lên rất nhiều, trong
đó cho thấy các tổ chức quan tâm đến lĩnh vực KHXH&NV hơn sự quan tâm của
Nhà nước đến lĩnh vực này (ít nhất cũng thể hiện qua số liệu định lượng).
2.3. Về tiêu chí đánh giá ứng dụng kết quả nghiên cứu KHXH&NV
Về tổng quát, giá trị của một kết quả nghiên cứu được hiểu là mức độ quan
trọng trong tính hữu ích về số lượng và chất lượng của những thông tin chứa đựng
trong kết quả nghiên cứu đó.
Về chi tiết, trước hết giá trị của kết quả nghiên cứu thể hiện ở giá trị tri thức
mà kết quả nghiên cứu đó mang lại, giá trị này không thể dựa trên số trang báo cáo
khoa học để đánh giá tính mới trong các tri thức khoa học mà kết quả nghiên cứu
mang lại. Sau nữa, cũng không thể dựa trên số lượng trích dẫn để đánh giá kết quả
nghiên cứu đó là hữu ích hay không hữu ích, bởi vì có thể trích dẫn để phê phán kết
quả nghiên cứu đó.
Nhiều nhà quản lý lấy tiêu chí đã được áp dụng để đánh giá kết quả nghiên
cứu, quan niệm này là sai lầm, nhất là đối với lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và lĩnh
vực KHXH&NV.

Kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH&NV không giống kết quả nghiên
cứu thuộc các lĩnh vực khác, bởi vậy, có thể chúng chưa được áp dụng hoặc thậm
chí không thể áp dụng nhưng chúng vẫn có những giá trị khoa học. Hơn nữa, nên
nhắc lại tính rủi ro là một trong những thuộc tính của khoa học, trong đó có
KHXH&NV.
Bởi vậy, không nên lấy tiêu chí đã được áp dụng để đánh giá kết quả nghiên
cứu KHXH&NV.
Mặt khác cần phân biệt kết quả nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng,
bởi vì Thông tư số 07/2009/TT-BKHCN quy định về quản lý đề tài KHXH&NV nêu
rõ chủ trì đề tài phải lấy giấy xác nhận của cơ quan/tổ chức sử dụng kết quả nghiên
cứu. Về điểm này, có mấy việc cần phải bàn:
- Kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KHXH&NV thuộc lĩnh vực ứng dụng thì mới
có thể chuyển giao cho một/những cơ quan, tổ chức ứng dụng nó. Nhưng quy định
này cũng chỉ mang tính tương đối, thật khó có thể kiểm định giá trị ứng dụng của kết
quả nghiên cứu nhiệm vụ KHXH&NV trong khoảng thời gian ngắn. Bởi vậy, việc
lấy văn bản xác nhận ứng dụng kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KHXH là không khó
(khi có nơi ứng dụng nó), nhưng giá trị thật của nó trong thực tiễn thì rất khó có thể
xác nhận được trong khoảng thời gian ngắn (để kịp cho nghiệm thu đề tài).
- Kết quả nhiệm vụ KHXH&NV thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản thì không
thể xác định được địa chỉ ứng dụng, việc sử dụng kết quả nghiên cứu nhiệm vụ
KHXH&NV thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản chỉ có thể thông qua việc công bố
hoặc đưa vào đào tạo dưới dạng giáo trình, bài giảng.
- Quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ KHXH&NV thực
hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và sở hữu trí tuệ, thì khi
kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KHXH&NV đã được công bố thì quyền sử dụng nó
thuộc về tất cả mọi người, thuật ngữ tất cả mọi người đều có quyền sử dụng cũng
khó xác định như việc không có ai sử dụng. Bởi vậy, không thể xác nhận được việc
sử dụng kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KHXH&NV thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ
bản. Nếu có, thì có thể là giấy xác nhận của một nhà xuất bản nào đó (việc xác nhận
này không có nghĩa là kết quả nhiệm vụ KHXH&NV đã được ứng dụng).

- Quyền cho phép ứng dụng kết quả nghiên cứu là quyền tài sản theo điều 20
Luật SHTT, quyền này chỉ thuộc về chủ sở hữu chứ không thuộc tác giả (chủ trì đề
tài). Nếu Nhà nước đầu tư kinh phí thì nó thuộc về Nhà nước, quy định rằng chủ trì
đề tài phải có nghĩa vụ lấy giấy xác nhận đã chuyển giao kết quả nghiên cứu là trái
với pháp luật về SHTT.
2.4. Về tiêu chí đánh giá công bố kết quả nghiên cứu KHXH&NV
Điều 19.6.a. Thông tư số 07/2009/TT-BKHCN quy định về đánh giá kết quả
vượt trội của đề tài KHXH&NV: “Có ít nhất 01 bài báo khoa học được công bố
trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín hoặc có giấy xác nhận về số
tạp chí và thời gian đăng của tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế này”.
Kết quả nghiên cứu khoa học tự nhiên và công nghệ có thể dễ dàng đăng trên
các tạp chí khoa học quốc tế vì tính phổ quát của khoa học tự nhiên và công nghệ rất
cao, một nghiên cứu ở Việt Nam có thể ứng dụng được ở các quốc gia khác.
Nhưng khác với khoa học tự nhiên và công nghệ, một số ngành KHXH&NV
có tính đặc thù rất cao, làm nên sự khác biệt giữa các quốc gia, ví dụ rất khó có một
tạp chí quốc tế nào lại đăng kết quả nghiên cứu về thi pháp trong thơ Nguyễn Đình
Chiểu. Bởi vậy, quy định này là không hợp lý.
Cũng cần nhắc lại là một số nhà quản lý đã so sánh về các bài báo được công
bố trên các tạp chí quốc tế, thấy rằng có ít kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực
KHXH&NV được công bố trên các tạp chí quốc tế so với lĩnh vực khoa học tự nhiên
và công nghệ, đã vội kết luận về sự yếu kém của KHXH&NV là không có cơ sở,
hay nói rõ hơn là không hiểu tiêu chí phổ quát và tiêu chí đặc thù của khoa học.
3. Kết luận
Trên cơ sở lý luận về quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực
KHXH&NV, vai trò của nghiên cứu khoa học đối với việc nâng cao hiệu quả đào
tạo trong lĩnh vực KHXH&NV, bài tham luận đã phân tích những thách thức của
việc kết hợp nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực KHXH&NV, qua đó khuyến nghị
các cơ quan quản lý:
3.1. Về tổng thể:
- Cần có cách nhìn đúng đắn để nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của

KHXH&NV đối với sự phát triển trên mọi mặt của đất nước, trong đó đặc biệt nhấn
mạnh đến chính trị, tư tưởng, an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội;
- Cần có mức đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu KHXH&NV để nâng cao chất
lượng nghiên cứu, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo KHXH&NV;
3.2. Về chi tiết:
Chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nghiên cứu trong lĩnh
vực KHXH&NV, trong đó:
- Thay đổi tiêu chí đánh giá ứng dụng kết quả nghiên cứu KHXH&NV;
- Thay đổi tiêu chí đánh giá công bố kết quả nghiên cứu KHXH&NV.
Hy vọng rằng, bài tham luận này góp phần nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả của việc
kết hợp nghiên cứu với đào tạo KHXH&NV.,.

×