Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Báo cáo Du lịch Văn hóa tại Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (163.14 KB, 12 trang )


68
ISSUES RELATED TO CULTURAL TOURISM DEVELOPMENT
IN VIETNAM
With more than 4000 year of history, consisting of 55 different nations, and
playing an important role in economic-cultural exchange of the world during its
history, Vietnam has been known as a country of diverse and profound culture. Culture
is considered an essential resource contributing to the tourism development in
Vietnam. Such cultural tourism development in Vietnam offers advantages to the
preservation and promotion of cultural values. However, tourism produces risks and
threats to cultural heritage. This article mentions current issued related to cultural
tourism development in Vietnam and suggests recommendations for the sustainable
development of such tourism.


MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HÓA
TẠI VIỆT NAM
Phạm Trương Hoàng
1

Phạm Thị Thanh Hường
2

Với hơn 4000 năm lịch sử, là nơi sinh sống của 55 dân tộc khác nhau cùng với
vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế và văn hóa của thế giới trong suốt chiều dài lịch
sử, Việt Nam được biết tới như một đất nước có nền văn hóa phong phú, giầu bản sắc.
Văn hóa là một nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển du lịch tại Việt Nam. Phát
triển du lịch văn hóa tại Việt Nam đem lại nhiều tích cực cho bảo tồn và phát huy các
giá trị văn hóa. Tuy vậy, du lịch cũng mang tới không ít những rủi ro và nguy cơ cho
những di sản văn hóa. Bài viết này đề cập tới một số vấn đề đặt ra trong phát triển du
lịch văn hóa tại Việt Nam hiện nay và đề xuất một số ý kiến nhằm phát triển bền vững


loại hình du lịch nhiều ý nghĩa này.


1
TS, Đại học Kinh tế Quốc dân
2
Văn phòng UNESCO Hà Nội

69
1. Du lịch văn hóa và phát triển du lịch văn hóa
Du lịch văn hóa (Cultural Tourism) là loại hình du lịch chuyên biệt đang ngày
càng trở nên phổ biến. Du lịch văn hóa dựa trên nhu cầu của khách du lịch tới tìm
hiểu, khám phá những giá trị văn hóa của điểm đến du lịch, khám phá những nét đẹp
trong đời sống xã hội của địa phương từ lịch sử tới hiện tại. Nó đem lại cho khách du
lịch những hiểu biết mới lịch sử, lối sống, về lao động, sáng tạo, về trí tuệ và tài hoa
của con người; làm giầu thêm kiến thức của họ về đời sống xã hội nhân loại. Chính bởi
những ý nghĩa này, du lịch văn hóa được xem là loại hình du lịch « cao cấp », phục vụ
những nhu cầu du lịch hướng tới những giá trị tinh thần sâu sắc.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO, 2011) đưa ra hai định nghĩa du lịch văn
hóa. Hiểu theo nghĩa hẹp, du lịch văn hóa bao gồm « hoạt động của những người với
động cơ chủ yếu là văn hóa như các tua (tour) nghiên cứu, nghệ thuật biểu diễn, các
tua văn hóa, du lịch tới các lễ hội và các sự kiện văn hóa khác, thăm các di tích và di
chỉ, du lịch nghiên cứu thiên nhiên văn hóa hoặc nghệ thuật dân gian và hành hương ».
Theo nghĩa rộng, du lịch văn hóa « là toàn bộ những hoạt động của con người bởi vì
các hoạt động đó thỏa mãn nhu cầu cần sự đa dạng, có xu hướng nâng tầm văn hóa của
cá nhân và làm dầy lên kiến thức, kinh nghiệm và dẫn đến những sự giao thoa mới. »
Ở Việt Nam, khái niệm Du lịch văn hóa được định nghĩa «là hình thức du lịch dựa vào
bản sắc văn hoá dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các
giá trị văn hoá truyền thống” (Luật Du lịch Việt Nam 2005).
Những giá trị văn hóa được kết tinh trong quá trình phát triển của loài người,

của mỗi dân tộc, mỗi địa phương và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
thông qua những di sản văn hóa. Đó có thể là công trình, công cụ, đồ vật … hữu hình
hay thông qua những truyền thống, lối sống, điệu hát, tín ngưỡng … phi vật thể. Di sản
văn hóa giúp cho chúng ta nhận thức được giá trị văn hóa của quá khứ và hiện tại, hiểu
được sự thăng trầm của lịch sử. Những giá trị xác thực của văn hóa, của lịch sử được
thể hiện qua những di sản văn hóa.
Các di sản văn hóa với những giá trị nổi bật của chúng là những tài sản mà con
người được thừa kế từ những thế hệ trong quá khứ, đã trở thành những nguồn lực to
lớn không thể thay thế cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch. Phát triển du lịch văn

70
hóa là một trong những định hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia, đặc biệt đối
với những nước có giầu bản sắc văn hóa như Việt Nam.
Biểu đồ tăng trưởng du lịch thế giới đến năm 2030 chỉ ra hai khu vực tăng
trưởng mạnh mẽ nhất về du lịch, đặc biệt là lượt khách quốc tế đến ở Đông Bắc Á và
Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng có thể đạt tương ứng 9,1 và 5,9%/năm. Kế đến là
châu Âu và Trung Đông trong top 5 thế giới về thị trường khách quốc tế, bất chấp sự
suy giảm của nền kinh tế thế giới. Điều thú vị trên những biểu đồ này, là sự trùng khớp
của top những điểm đến và sự tăng trưởng mạnh về du lịch với những khu vực có mật
độ cao về di sản văn hóa thế giới. Trong vòng 5 năm qua, du lịch Việt Nam liên tục
tăng trưởng với tốc độ 2 con số, cao hơn tốc độ tăng trưởng du lịch trung bình của khu
vực Đông Nam Á từ 3-5 lần.
Du lịch văn hóa đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương và quốc gia,
không chỉ thông qua những lợi ích kinh tế, đem lại công ăn việc làm, thu nhập, mà còn
tạo ra những môi trường giao lưu, trao đổi văn hóa, khôi phục và phát huy những giá
trị văn hóa địa phương (UNESCO và ITF 2007), truyền bá hình ảnh và bản sắc của địa
phương. Thu nhập từ du lịch được đánh giá là một trong những nguồn thu cơ bản cho
các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa. Không chỉ có vậy, thu nhập và việc làm từ
du lịch góp phần nâng cao ý thức xã hội về di sản văn hóa, khuyến khích người dân
bảo vệ và phát huy các di sản. Bên cạnh đó, giao lưu trong du lịch văn hóa cũng tạo

điều kiện cho các giá trị văn hóa có cơ sở để tồn tại và phát triển, thích ứng trong sự
vận động không ngừng và phát triển mới của nhân loại.
Tuy vậy, du lịch văn hóa cũng đi kèm với những nguy cơ tiềm ẩn và áp lực lớn
đối với di sản vật thể của văn hóa địa phương, đồng thời tác động dẫn tới sự biến đổi
những giá trị bản sắc văn hóa, du nhập những lối sống mới làm thay đổi những lối
sống truyền thống của địa phương (UNESCO và ITF 2007). Nếu thiếu sự định hướng
và kém hiệu quả trong quản lý, du lịch văn hóa cũng có thể đưa lại những nguy cơ đối
với sự phát triển bền vững bởi các di sản văn hóa – những tài nguyên du lịch lại là
những yếu tố mong manh, dễ bị tổn thương hoặc ít nhiều mất đi giá trị. Tăng trưởng
quá "nóng" và thiếu kiểm soát du lịch là nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải làm
xuống cấp của các công trình văn hóa được khai thác vào hoạt động du lịch. Các hoạt
động du lịch không được kiểm soát hiệu quả cũng dẫn tới những sai lệch trong khai

71
thác các giá trị văn hóa, làm tầm thường hóa thậm chí là dẫn tới suy vong những giá
trị, bản sắc văn hóa. Sự xuất hiện của khách du lịch tại mỗi nơi cũng tiềm ẩn những
nguy cơ đối với quan niệm, suy nghĩ về các hệ giá trị và có thể cả lối sống của người
dân địa phương.
2. Những vấn đề đặt ra với du lịch văn hóa tại Việt Nam
Cũng không quá khi nói rằng trong con mắt khách du lịch, nói tới Việt Nam là
nói tới văn hóa. Theo một điều tra về hình ảnh du lịch Việt Nam được thực hiện vào
năm 2011 (Vtoco, 2011), văn hóa được xem là yếu tố số 1 khi nói về hình ảnh du lịch
của Việt Nam trong con mắt khách du lịch quốc tế. Với 7 khu di sản thế giới trong đó
có 5 khu di sản văn hóa thế giới và 2 khu di sản thiên nhiên, cùng 5 di sản văn hóa phi
vật thể được thế giới công nhận, và hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa, chưa kể đời
sống xã hội giầu bản sắc của Việt Nam, du lịch văn hóa được phát triển rộng trên đất
nước, chiếm một vị trí quan trọng trong ngành du lịch. Tuy vậy, sự phát triển của du
lịch văn hóa Việt Nam cũng đi kèm với nhiều vấn đề cần được xem xét.
Trước hết, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các di sản đối với
phát triển du lịch cần được quan tâm. Một vấn đề hay được nhắc tới là mối quan hệ

giữa bảo tồn và phát triển, trong đó có phát triển du lịch. Khai thác các giá trị văn hóa
như thế nào và tới đâu để vừa đảm bảo yêu cầu phát triển, vừa bảo tồn được giá trị văn
hóa. Một ví dụ điển hình là tục lệ đâm trâu của đồng bào các dân tộc ở tây nguyên.
Một tục lệ gắn liền với vừa gắn liền với đời sống cộng đồng, vừa thể hiện một tín
ngưỡng của cư dân tây nguyên. Tính bi tráng của lễ hội gắn liên với tục « khóc trâu »,
con vật vừa gần gũi, vừa linh thiêng được hiến tế cho thần linh rất hấp dẫn và đã trở
thành một sản phẩm du lịch độc đáo đối với du khách may mắn tới đúng dịp lễ hội sau
mỗi mùa rẫy. Nhưng những lễ hội đâm trâu mang tính “biểu diễn” được dàn dựng cho
du khách xem. Không phủ nhận là nhiều người được hiểu thêm giá trị văn hóa rất giầu
bản sắc của các dân tộc thiểu số ở các buôn làng Tây Nguyên qua lễ hội đâm trâu
nhưng phát triển du lịch theo cách này sẽ làm tầm thường hóa một lễ hội vốn gắn liền
với đời sống tâm linh và niềm tin của cộng đồng. Lễ hội Đền Hùng cũng vậy. Một lễ
rước Tổ cũng bị xem nhẹ khi trở thành một sản phẩm hàng hóa, tách rời khỏi không
gian văn hóa tín ngưỡng gốc của nó để phục vụ cho những người có tiền đặt hàng biểu
diễn.

72
Phát triển du lịch văn hóa cũng gắn liền với việc tạo ra và phân chia lợi ích. Du
lịch văn hóa giúp đem lại nguồn thu nhập to lớn, nhưng vấn đề quan trọng hơn được
đặt ra là thu nhập đem lại cho ai và sẽ được phân phối như thế nào. Ở các điểm đến di
sản thế giới như Hội An, Mỹ Sơn và ở nhiều địa phương khác, thu nhập từ du lịch mà
trước hết là doanh thu từ vé tham quan đem lại một đóng góp lớn cho ngân sách cả
Trung ương và địa phương. Tuy vậy tỷ lệ doanh thu này được phân phối trở lại, trực
tiếp cho việc tu bổ các công trình văn hóa không nhiều, thậm chí là rất nhỏ. Vẫn biết
có nhiều ưu tiên, nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương, đặc biệt là ở những vùng điều kiện kinh tế còn nghèo ; nhưng
việc dành lại một khoản kinh phí tái đầu tư vốn văn hóa hợp lý không chỉ giúp bảo tồn
các giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tại
mỗi điểm du lịch, có tính thuyết phục cao với du khách và duy trì tính sự phát triển du
lịch bền vững.

Thứ hai là tính nguyên vẹn và xác thực của di sản văn hóa. Trong du lịch văn
hóa, nhu cầu của khách du lịch không chỉ là thăm cảnh quan mà họ muốn được nhìn
thấy "một tấm gương phản chiếu văn hóa của loài người qua nhiều thế hệ" được thể
hiện thông qua di sản văn hóa. Một câu hỏi thường trực trong khách du lịch là "ngày
xưa di sản này có thực sự như thế không ?" bởi đây chính là căn cứ để họ hiểu về quá
khứ, về giá trị văn hóa truyền thống và để họ tin rằng cách hiểu của họ là chính xác.
Một di sản chỉ thực sự có giá trị khi nó bảo tồn được những giá trị chân thực và đích
thực của nó.
Trong khi các di sản văn hóa rất mong manh, dễ bị tổn thương và dễ mất đi, nếu
khai thác không hiệu quả thì di sản văn hóa sẽ bị biến dạng và không thể phản ảnh
nguyên vẹn và xác thực những giá trị văn hóa của nó. Bản thân các di sản văn hóa, nếu
không được trùng tu, bảo quản cũng sẽ tự bị hủy hoại do thiên nhiên và thời gian.
Cũng tương tự như vậy, di sản văn hóa phải được để con người biết đến và chiêm
ngưỡng mới thực sự phát huy giá trị của nó. Một yêu cầu cơ bản trong các hoạt động
trùng tu di sản và phát triển du lịch là làm thế nào để xác định, trùng tu và khai thác
các di sản mà vẫn giữ nguyên được giá trị xác thực của nó.
Việc xác định đúng giá trị của di sản không phải là một việc làm dễ dàng. Ngay
đến các nhà chuyên môn cũng không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau về giá trị

73
của di sản. Bản thân di sản cũng có giá trị qua từng thời kỳ lịch sử mà đôi khi để giữ
gìn được giá trị này ta phải hy sinh giá trị khác. Xác định chính xác giá trị của di sản
đã khó, thực hiện các biện pháp can thiệp bảo tồn đối với di sản còn khó hơn, nhất là
với các di sản phi vật thể. Việc dàn dựng lại những buổi tế lễ, cầu cúng hay lễ hội mà
tách ra khỏi không gian văn hóa và ý nghĩa tinh thần của hoạt động sẽ làm méo mó giá
trị đích thực của các di sản này. Chính vì lẽ đó, UNESCO chủ trương không khuyến
khích phát triển những sản phẩm mô phỏng mà để du khách trải nghiệm giá trị nguyên
gốc của các di sản phi vật thể. Xác định giá trị và biện pháp bảo tồn đòi hỏi quá trình
trao đổi, thảo luận và phản biện của giới chuyên môn.
Khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, của cộng đồng địa phương

trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và thực hiện công tác bảo tồn di sản là một trong
những biện pháp chính được UNESCO khuyến khích sử dụng. Ở mức độ thấp, việc
tham gia có thể thông qua cách đưa ra ý kiến tham vấn khi được hỏi. Ở mức độ cao
hơn, các bên củng tham gia trong một chu trình xây dựng chiến lược và thực hiện bảo
tồn và phát huy di sản, từ việc xác định giá trị di sản đến việc giám sát quá trình bảo
tồn và phát huy di sản.
Thứ ba là việc đa dạng hóa sản phẩm các sản phẩm du lịch văn hóa tại Việt
Nam. Nếu như mục đích chính của việc bảo tồn các di sản văn hóa không chỉ đơn
thuần để công nhận mà là để bảo tồn, phát huy giá trị thông qua việc phổ biến và nâng
cao nhận thức của công chúng, bao gồm cả người dân địa phương về di sản, thì du lịch
có ý nghĩa đặc biệt với vai trò là công cụ hiệu quả trong việc phát huy các giá trị di
sản. Nhưng không hẳn chỉ ở góc độ khai thác, phát huy, mà chính du lịch là một công
cụ hữu hiệu đóng góp cho bảo tồn, thông qua việc đem lại nguồn lực tài chính cho các
hoạt động bảo tồn, giáo dục ý thức cho du khách và cộng đồng, nâng cao nhận thức
của các bên liên quan về việc giữ gìn di sản. Để thể hiện hiệu quả các vai trò này, du
lịch văn hóa phải hấp dẫn, phải phát triển đa dạng các sản phẩm để thu hút khách du
lịch.
Trong du lịch di sản, chính giá trị nổi bật của di sản là điểm lôi cuốn khách tới
du lịch, kể cả khi sản phẩm du lịch chưa được hình thành. Thậm chí khách du lịch còn
có thể tìm đến với di sản trước cả những người bảo tồn, những người làm kinh doanh
du lịch. Tuy vậy, để phát triển du lịch văn hóa, chỉ có di sản không thôi vẫn chưa đủ.

74
Khách du lịch di sản có nhu cầu về trải nghiệm cao hơn so với nhiều loại hình du lịch
khác. Hó có nhu cầu tìm hiểu nhiều hơn, tham gia vào thực tế nhiều hơn để trải
nghiệm du lịch và di sản. Việc "thưởng thức" các sản phẩm du lịch văn hóa, trong đó
có di sản không như đối với những sản phẩm du lịch khác như thăm quan-giải trí, nghỉ
dưỡng, mua sắm, tắm biển … Mục tiêu cốt lõi của các sản phẩm di sản là đem lại hiểu
biết, sự hứng thú về những giá trị văn hóa.
Mặc dù sự hấp dẫn của bản sắc và tính đa dạng văn hóa của Việt Nam thường

được cho điểm cộng trong con mắt khách du lịch quốc tế, nhưng thực tế các sản phẩm
du lịch văn hóa chưa đa dạng. Nếu chỉ đơn thuần cho khách du lịch đi xem thì cho dù
có đội ngũ hướng dẫn viên di sản giới thiệu cho khách thật tốt, khách cũng vẫn chỉ
hiểu một phần nào đó mà thiếu đi việc trải nghiệm văn hóa đầy đủ. Đó là chưa kể hiện
tại, đội ngũ hướng dẫn viên của Việt Nam nói chung và hướng dẫn viên di sản nói
riêng còn rất hạn chế (Hoàng, 2011). Các giá trị di sản mới chỉ được khai thác ở khía
cạnh đơn giản nhất chứ chưa được sáng tạo thành các sản phẩm du lịch khác nhau. Nói
một cách rõ hơn, sự lúng túng thể hiện rõ ở nhiều điểm đến trong việc tìm các hình
thức diễn giải, biểu đạt và truyền tải giá trị văn hóa vào các hình thức, sản phẩm du
lịch cụ thể. Chẳng hạn, các sản phẩm thủ công truyền thống vốn được coi là hình thức
biểu đạt văn hóa sống động nhất, chứa đựng những giá trị về lối sống, lịch sử, quan
niệm thẩm mỹ, niềm tin…yếu kém cả về chất lượng lẫn thông tin mô tả và mối liên hệ
với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương. Hoặc hầu như còn vắng
bóng các hình thức cung cấp thông tin, hoạt động có tính tương tác và thúc đẩy sự
tham gia của du khách ở hầu hết các điểm đến. Ở nhiều nơi mà giá trị của trải nghiệm
không nằm ở cảnh quan hùng vĩ, mà ở những giá trị lịch sử, khảo cổ của di tích, sự
đơn điệu của các sản phẩm « xem » đã khiến các di tích mất đi tính hấp dẫn và trở
thành một điểm ghé qua chốc lát. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc quy
hoạch lại các tuyến tham quan – trải nghiệm, ví dụ theo chủ đề (khảo cổ , di tích lịch
sử văn hóa, làng quê, di sản – làng nghề, v.v…) có thể là một biện pháp hữu hiệu trong
việc đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của
khách cũng như gia tăng lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Điều này cho thấy
một khoảng cách lớn giữa kỳ vọng về những trải nghiệm có giá trị văn hóa sâu sắc của
du khách với khả năng đáp ứng hiện tại của du lịch Việt Nam.

75
Thứ tư là vấn đề về cơ chế quản lý, phối hợp và lồng ghép chính sách. Hiện tại
ở Việt Nam có nhiều cơ quan có liên quan tới phát triển du lịch văn hóa, từ chính
quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch cho tới cơ quan quản lý ngành di sản văn
hóa từ trung ương đến các ban quản lý các khu di sản. Trong các cơ quan kể trên, đơn

vị trực tiếp thực hiện công việc quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy di sản là các Ban
quản lý.
Sự phân cấp quản lý cũng không đồng nhất trong cả nước ngay cả đối với các
Di sản thế giới. Một số Khu di sản có Ban Quản lý trực thuộc UBND cấp tỉnh và được
trao nhiều quyền hơn trong việc hoạch định, thực thi các chính sách bảo tồn, khai thác
tại điểm di sản. Trong khi đó, Ban Quản lý một số di sản thế giới lại chỉ là một đơn vị
cấp huyện, trực thuộc UBND cấp huyện và nằm dưới sự quản lý chuyên môn của
Phòng Văn hóa Thông tin cấp huyện. Do đó, thực tế là nhiều ban quản lý di sản ở
nhiều nơi, ví dụ như tại Mỹ Sơn, không có thực quyền trong việc phát triển khu du sản
trong đó có phát triển du lịch. Thậm chí chức năng của một số ban quản lý chỉ gọn lại
trong vai trò là "người bảo vệ" thực hiện vai trò trông coi di tích trong khi vai trò xây
dựng chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch, kế hoạch phát triển các sản phẩm dịch
vụ du lịch, thậm chí trùng tu, bảo tồn di tích và thực hiện các chính sách đều do các cơ
quan quản lý cấp huyện và tỉnh thực hiện.
Một hiện trạng khác là sự đan xen trong việc quản lý các thành phần có liên
quan tới du lịch di sản tại điểm du lịch, thực tế chưa đảm bảo tính nhất thể hóa trong
quản lý. Ví dụ như tại Hội An, trong khi công tác bảo tồn được giao cho Trung tâm
Quản lý bảo tồn di sản Hội An, thì việc khai thác cho du lịch do Phòng Thương mại-
Du lịch quản lý và các hoạt động, sản phẩm văn hóa du lịch do cả Trung tâm Văn hóa
– Thể thao và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản (đơn vị sự nghiêp) thực hiện. Mặt
khác, việc xét duyệt nội dung của các hoạt động bởi hai Trung tâm này (đơn vị hành
chính) thường lại do Phòng Văn hóa - Thông tin quản lý. Tại Hoàng thành Thăng
Long cũng vậy. Trong cùng một quần thể di tích nhưng một bên do Ban quản lý di tích
Hoàng thành Thăng Long quản lý, một bên do ngành Khảo cổ thực hiện. Những đan
xen này nhiều khi dẫn tới những việc "không ăn khớp" giữa hai bên do mục tiêu và kế
hoạch không đồng nhất. Mô hình Ban quản lý di tích Cố đô Huế giải quyết được vấn
đề này bằng việc tăng cường quyền hạn cho ban quản lý di tích không chỉ ở vai trò là

76
cơ quan trực thuộc tỉnh mà còn ở chức năng bao trùm lên các hoạt động tại quần thể di

tích. Thực tế là cơ chế quản lý các khu du sản ảnh hưởng nhiều thới hoạt động phát
triển du lịch tại đây.
Một khía cạnh khác cũng rất quan trọng đó là sự tham gia của các bên trong
phát triển du lịch. Nếu du lịch văn hóa có nhiều yếu tố phức tạp trong quản lý du lịch
do sự tham gia của nhiều bên thì việc quản lý này còn trở nên phức tạp hơn nữa tại
những khu di sản có người dân sinh sống. Làm thế nào để quản lý sự phối hợp và tham
gia của các bên là bài toán không hề đơn giản.
Một trong những giải pháp được UNESCO đưa ra và hỗ trợ thực hiện là xây
dựng phát triển kế hoạch du lịch tại điểm (khu di sản/khu bảo tồn) với sự tham gia của
nhiều bên, trong đó cộng đồng địa phương tham gia ngay từ ban đầu. Ngành du lịch
phối hợp với các cac cơ quan trong công tác văn hóa và bảo tồn như phòng văn hóa
thông tin, trung tâm bảo tòn thực hiện việc nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển
và quản lý du lịch di sản. Việc này không chỉ được thực hiện tại các di sản văn hóa mà
mở rộng sang cả các khu di sản thiên nhiên.
Trong công tác quản lý, việc tham gia của giới doanh nghiệp cũng cần được
quan tâm. Hiện nay, các doanh nghiệp thu được lợi nhuận nhờ khai thác các giá trị văn
hóa di sản đa phần thường « quên » việc đóng góp lại cho địa phương, cho cộng đồng
để tái đầu tư vốn văn hóa cho khả năng đem lại doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.
Tăng cường đóng góp của doanh nghiệp là một nguồn lực cho phát triển bền vững du
lịch di sản. Một số nước ở châu Phi làm rất tốt việc này bằng cách yêu cầu các công ty
nộp thuế cao. Doanh thu từ du lịch cũng cần chú trọng mở rộng ra thành các loại
nguồn thu khác ngoài vé. Vấn đề chia sẻ lợi ích vốn khá phức tạp và cần được quan
tâm. Một ví dụ điển hình ở Việt Nam là tại Mỹ Sơn khi mà nguồn thu từ vé vào cửa
được nộp lại cho ngân sách trung ương và Tỉnh, từ đó được cấp ngược lại theo hệ
thống ngân sách hành chính từ trung ương đến tỉnh, đến huyện. Tuy vậy khi nguồn
ngân sách được phân bổ lại ở cấp huyện, phần lớn lại được đầu tư vào các hoạt động
khác ngoài di tích Mỹ Sơn trong đó có cả các hoạt động xóa đói giảm nghèo. Còn ngay
tại điểm di sản đang được khai thác du lịch này, các đầu tư cho sản phẩm du lịch, kể cả
thông tin du lịch từ ngân sách rất hạn chế.


77
3. Để phát triển bền vững du lịch văn hóa
Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu cơ bản trong phát triển du lịch
ngày nay. Với mục tiêu phát triển mà “không ảnh hưởng tới những lợi ích của thế hệ
sau”, quá trình phát triển bền vững gắn với cả ba yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội.
Đối với du lịch những mục tiêu chính cho phát triển bền vững là tăng cường các giá trị
tự nhiên và nhân tạo là cơ sở cho hoạt động du lịch; phù hợp với giá trị và nguyện
vọng của cộng đồng trong cả ngắn hạn và dài hạn, đóng góp vào đời sống và sự phát
triển của cộng đồng; phát triển và xúc tiến một cách thích hợp để tạo ra sự phân biệt và
cạnh tranh, thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu hiện tại và tương lai; tăng cường
đống góp của du lịch vào kinh tế địa phương, khuyến khích phát triển các ngành trong
dài hạn; tăng cường sức hấp dẫn của điểm đến, nâng cao hình ảnh, tăng lượng khách
quay lại, tăng danh tiếng của điểm đến để tăng doanh thu du lịch (Wray et al., 2010).
Có nhiều yêu cầu cho sự phát triển bền vững của một điểm du lịch văn hóa. Bài viết
này đề cập tới ba phạm vi là chuyên môn (kỹ thuật), chính sách và quản lý, và sự hợp
tác của các bên liên quan.
Chuyên môn là yếu tố quan trọng đầu tiên cần được nhắc tới khi phát triển loại
hình du lịch văn hóa. Du lịch văn hóa gắn liền với công tác nghiên cứu và bảo tồn các
giá trị văn hóa - một công việc trước hết là của những nhà chuyên môn ngành văn hóa.
Đầu tư trong nghiên cứu để xác định chính xác những giá trị văn hóa, trên cơ sở đó, có
những biện pháp bảo tồn tốt nhất là những việc rất cần thiết đối với Việt Nam hiện
nay. Thực tế, lĩnh vực này đòi hỏi không ít đầu tư và đặc biệt là chuyên môn. Nếu
không có những định hướng rõ ràng của cấp quản lý sẽ rất khó để có thể huy động đủ
nguồn lực cho công tác này.
Ngay cả khi những nghiên cứu và kiến thức về di sản văn hóa đã được thu
lượm, những kiến thức này không chỉ bó hẹp trong phạm vi của giới chuyên môn mà
cần được phổ biến rộng rãi tới các bên liên quan. Đây là công việc phối hợp giữa
ngành văn hóa - di sản với các lĩnh vực khác.
Chính sách phát triển du lịch văn hóa không chỉ nhằm mục tiêu gắn kết phát
triển du lịch với bảo tồn văn hóa mà cần được cụ thể hóa thành các biện pháp quản lý

cụ thể. Một trong những khía cạnh đó là việc phân cấp quản lý và phân cấp kinh phí

78
hiệu quả, để phát huy vai trò của các ban quản lý các điểm di sản, các khu di tích. Các
ban quản lý không chỉ bó hẹp ở nhiệm vụ "gác cổng" mà là phát triển các hoạt động
khai thác và phát huy di sản cho kinh doanh du lịch bền vững. Để làm được như vậy,
cần nâng cao kiến thức và chuyên môn của người quản lý di sản về giá trị và công tác
bảo tồn khu di sản văn hóa. Thêm vào đó, họ cũng cần được đào tạo về các kỹ năng
phát triển và quản lý các sản phẩm du lịch di sản hiệu quả, không chỉ đơn giản là bảo
vệ mà phát triển những ý tưởng mới về cách trưng bày, về dịch vụ, về sản phẩm sao
cho vừa phát huy được giá trị của di sản, vừa thu hút được khách du lịch.
Các biện pháp quản lý các khu di sản cũng cần được hoàn thiện từ các biện
pháp kỹ thuật (làm tường bao, làm đường đi, xây dựng hệ thống…) cho tới các biện
pháp tổ chức (tuyên truyền cho khách du lịch, đưa ra các quy định nên làm và không
nên làm, các quy định về thưởng phạt, hướng dẫn tại điểm di sản…). Cần nghiên cứu
xác định những nguy cơ với khu di sản do tác động của du lịch để xác định những giải
pháp kỹ thuật và tổ chức thích hợp.
Cuối cùng là tăng cường sự hợp tác của các bên không chỉ tại khu vực điểm di
sản mà rộng hơn là tất cả những giới quan tâm tới giá trị và sự phát triển bền vững của
di sản. Các bên tham gia là những nhà chuyên môn, người quản lý điểm di sản, cơ
quan quản lý địa phương, người dân và mở rộng ra là các công ty du lịch, khách du
lịch… Hợp tác và tham gia của các bên thể hiện trực tiếp từ khâu nghiên cứu, phố biến
giá trị của di sản cho tới lập kế hoạch phát triển du lịch tại khu di sản và kiểm tra, giám
sát việc thực hiện các quy định này. Xây dựng những chiến lược phát triển du lịch bền
vững tại các điểm di sản với sự tham gia của nhiều bên là một chương trình mà
UNESCO đã thử nghiệm, bước đầu có những kết quả tốt và đang muốn tiếp tục nhân
rộng ra tại Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo
1. Pedersen, A. UNESCO 2006, World Heritage manual - Managing Tourism at World

Heritage sites
2. Phạm Trương Hoàng, 2011, Vai trò của hướng dẫn viên trong phát triển du lịch di sản,
Tạp chí du lịch Việt Nam, Số 7,8/2011

79
3. UNESCO, ITF, 2007, Tài liệu giảng dạy quản lý điểm du lịch di sản
4. UNWTO, 2011 Tourism towards 2030
5. UNWTO, 2010 annual report : A year of recovery
6. VTOCO, 2012, Báo cáo về hình ảnh và cạnh tranh du lịch Việt Nam
7. Wray, Meredith, Dianne Dredge, Carmen Cox, Jeremy Buultjens, Mary Hollick,
Diane Lee, Michael Pearlman, Carol Lacroix
8. 2010, Sustainable regional tourism destinations: best practice for management,
development and marketing, CRC

×