ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
VŨ THU TRANG
PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH
NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI Ở VIỆT
NAM HIỆN NAY
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Hà Nội – 2011
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
VŨ THU TRANG
PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH
NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI Ở VIỆT
NAM HIỆN NAY
Chuyên ngành : Luật Kinh tế
Mã số : 60 38 50
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Tuyến
Hà nội – 2011
MỤC LỤC
Trang
Lời mở đầu
1
1.
Lý do chọn đề tài
1
2.
Tình hình nghiên cứu đề tài
2
3.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài
2
4.
Mục đích nghiên cứu của đề tài
3
5.
Phương pháp nghiên cứu đề tài
3
6.
Kết quả mới đạt được của luận văn
3
7.
Bố cục của luận văn
4
Chƣơng 1. Những vấn đề lý luận về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm
dân sự của chủ xe cơ giới
5
1.1.
Tổng quan về bảo hiểm trách nhiệm dân sự
5
1.1.1.
Cơ sở ra đời và tồn tại của bảo hiểm
5
1.1.2.
Khái niệm bảo hiểm trách nhiệm dân sự
7
1.1.3.
Đặc điểm của bảo hiểm trách nhiệm dân sự
8
1.1.4.
Các loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự
13
1.1.5.
Những nguyên tắc chung của nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự
16
1.2.
Tổng quan về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
19
1.2.1.
Khái niệm và các hình thức bảo hiểm xe cơ giới
19
1.2.2.
Khái niệm và đặc trưng của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của
chủ xe cơ giới
20
1.2.3.
Vai trò của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
22
1.2.4.
Các nội dung cơ bản của chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự
của chủ xe cơ giới
24
1.3.
Khái quát về pháp luật bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe
cơ giới ở Việt Nam
34
1.3.1.
Khái niệm, đặc điểm của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm
dân sự của chủ xe cơ giới
34
1.3.2.
Cấu trúc pháp luật bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ
giới
36
1.4.
Pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
của một số nước trên thế giới
37
1.4.1.
Vài nét về pháp luật điều chỉnh hoạt động bảo hiểm bắt buộc trách
nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ở một số nước trên thế giới
37
1.4.2.
Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam từ thực tế điều chỉnh pháp luật
của Trung Quốc và Nhật Bản
41
Kết luận chương 1
43
Chƣơng 2. Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về
bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ở Việt
Nam
44
2.1.
Thực trạng pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ
xe cơ giới ở Việt Nam hiện nay
44
2.1.1.
Những nội dung chủ yếu của pháp luật hiện hành về bảo hiểm bắt buộc
trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ở Việt Nam………….
44
2.1.2.
Đánh giá thực trạng pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự
của chủ xe cơ giới ở Việt Nam
49
2.2.
Thực tiễn thi hành pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự
của chủ xe cơ giới
73
Kết luận chương 2
96
Chƣơng 3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp
luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ở
Việt Nam
97
3.1.
Các kiến nghị liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm
97
3.1.1.
Hoàn thiện khung pháp lý cho chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm
dân sự của chủ xe cơ giới
97
3.1.2.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh
nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
104
3.1.3.
Xây dựng các thiết chế hỗ trợ quản lý nhà nước về bảo hiểm bắt buộc
trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
107
3.2.
Các giải pháp liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm
109
3.3.
Các giải pháp liên quan đến người tham gia bảo hiểm và Hiệp hội bảo
hiểm
112
Kết luận chương 3
115
Kết luận chung
116
Tài liệu tham khảo
118
1
LỜI MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài :
Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là một loại hình bảo hiểm mà
theo đó doanh nghiệp bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm các
khoản tiền nằm trong giới hạn bảo hiểm mà người được bảo hiểm có nghĩa vụ phải
trả cho những thiệt hại về người và tài sản phát sinh từ những rủi ro bất ngờ trong
quá trình hoạt động của xe cơ giới.
Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới có vai trò quan trọng góp phần
ổn định tài chính, khắc phục hậu quả khi rủi ro xảy ra cho người tham gia bảo hiểm
đồng thời cũng là một trong các biện pháp hỗ trợ, có ý nghĩa quan trọng trong việc
hạn chế, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông và xây dựng văn hoá giao thông lành
mạnh.
Trên thực tế, khi có tai nạn xảy ra, chủ phương tiện giao thông nhiều trường
hợp không có khả năng tài chính để khắc phục sẽ để lại hậu quả lâu dài cho bản
thân và người không may gặp tai nạn. Nhưng khi mua bảo hiểm, DNBH sẽ đứng ra
giải quyết hậu quả bằng việc bồi thường tai nạn, giúp đỡ chủ phương tiện và người
bị nạn giảm tổn thất về tài chính trên cơ sở sử dụng tiền phí bảo hiểm của nhiều
người, giúp đỡ những người không may gặp rủi ro. Mặt khác, các DNBH cũng sử
dụng chính số tiền mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để thực hiện
công tác đề phòng và hạn chế tai nạn giao thông như xây dựng hành lang an toàn
giao thông, hỗ trợ xây dựng biển báo… góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Với ý nghĩa xã hội to lớn đó của bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới,
ở nước ta, chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong thời gian qua
đã được Nhà nước quan tâm triển khai. Tuy nhiên do một số lý do khách quan và
chủ quan từ phía người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý
nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, các Bộ, ngành có liên quan và sự hạn chế, thiếu
tính khả thi của một số quy định pháp luật nên pháp luật về bảo hiểm bắt buộc
TNDS của chủ xe cơ giới chưa thực sự được doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới
2
tuân thủ đầy đủ, do vậy chưa phát huy được hết giá trị xã hội của loại hình bảo hiểm
này.
Xuất phát từ thực tế đó thì việc nghiên cứu đề tài để tiếp tục đưa ra những
giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hiểm bắt
buộc TNDS của chủ xe cơ giới là vấn đề cần thiết. Với lý do đó, tác giả đã lựa chọn
đề tài: PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY để làm luận văn thạc sĩ của
mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Việc nghiên cứu pháp luật về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới ở
Việt Nam hiện nay mới chỉ được đề cập dưới dạng các bài viết được đăng tải rải rác
trên các tạp chí hoặc dưới hình htức các ý kiến tản mạn của các chuyên gia, các đại
diện của cơ quan quản lý nhà nước trong các cuộc trả lời phỏng vấn của các cơ quan
báo chí.
Vì vậy, đề tài “Pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của
chủ xe cơ giới ở Việt Nam hiện nay” là một đề tài độc lập và không trùng lặp với
các đề tài đã được nghiên cứu từ trước đến nay. Tuy nhiên, tác giả luôn có ý thức kế
thừa, học hỏi những kết quả mà các công trình khoa học, các bài viết và các ý kiến
của các chuyên gia cũng như các kinh nghiệm thực tiễn có liên quan đến đề tài
trong quá trình thực hiện đề tài.
3. Phạm vi nghiên cứu đề tài
Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn chọn những yếu tố ảnh hưởng tới
việc triển khai thực hiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới
làm đối tượng nghiên cứu. Từ đó tìm hiểu sự ảnh hưởng của các yếu tố đó tới quá
trình thực hiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình thực
hiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là rất phong phú và
phức tạp. Việc nghiên cứu ảnh hưởng của tất cả các yếu tố đó là không phù hợp
3
trong khuôn khổ của bản luận văn này. Vì thế, tác giả chỉ lựa chọn những yếu tố chủ
yếu (được trình bầy trong chương 2) làm đối tượng nghiên cứu của luận văn.
4. Mục đích nghiên cứu đề tài:
Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về bảo hiểm bắt buộc
TNDS của chủ xe cơ giới, đề tài đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành
pháp luật về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới hiện nay ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm mục đích đưa bảo hiểm bắt
buộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới thực sự được triển khai một cách rộng rãi tại
Việt Nam và phát huy được ý nghĩa xã hội to lớn của nó.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu đề tài:
Phương pháp được luận văn sử dụng nghiên cứu là các phương pháp phổ
biến để nghiên cứu luật học đặt trên phương pháp luận duy vật biện chứng và duy
vật lịch sử, đó là:
- Phương pháp khai thác tài liệu sẵn có bởi các bài viết, các kết quả nghiên
cứu của các tác giả đã nghiên cứu trong những lĩnh vực có liên quan đến đề tài.
- Phương pháp thống kê
- Phương pháp phân tích và so sánh luật
- Phương pháp diễn dịch và phương pháp tổng hợp.
6. Kết quả mới đạt đƣợc của luận văn
- Làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ
xe cơ giới: khái niệm, đặc điểm, vai trò của bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ
giới để rút ra ý nghĩa xã hội to lớn của loại hình bảo hiểm bắt buộc này.
- Đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về bảo hiểm
bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới hiện nay ở Việt Nam, qua đó đưa ra được những
hạn chế, thiếu xót dẫn đến loại hình bảo hiểm này chưa được phổ biến và đi sâu vào
mọi tầng lớp dân cư ở Việt Nam
- Đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm mục đích đưa bảo hiểm bắt buộc
trách nhiệm của chủ xe cơ giới thực sự được triển khai một cách rộng rãi tại Việt
Nam và phát huy được ý nghĩa xã hội to lớn của nó.
4
7. Bố cục của luận văn
Luận văn có bố cục gồm 3 chương:
i) Chương 1: Những vấn đề lý luận về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe
cơ giới.
ii) Chương 2: Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về bảo
hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới ở Việt Nam hiện nay.
iii) Chương 3: Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới ở Việt Nam .
Với trình độ của tác giả còn hạn chế, đề tài luận văn lại liên quan đến một
lĩnh vực tương đối rộng nên luận văn khó tránh khỏi những thiếu sót. Tuy nhiên, tác
giả cũng đã nỗ lực cố gắng trình bầy các ý tưởng của mình một cách có hệ thống,
làm rõ những tồn tại, thiếu xót ảnh hưởng đến quá trình triển khai pháp luật về bảo
hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra được
những giải pháp, kiến nghị nhằm đưa loại hình bảo hiểm này đi vào cuộc sống. Hy
vọng luận văn sẽ giúp ích đôi chút cho công cuộc đưa bảo hiểm bắt buộc TNDS của
chủ xe cơ giới triển khai một cách rộng rãi tại Việt Nam và là tài liệu hữu ích cho
những người đang nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến đề tài.
5
CHƢƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM
DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI
1.1. TỔNG QUAN VỀ BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
1.1.1. Cơ sở ra đời và tồn tại của bảo hiểm
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, loài người luôn phải đối
mặt với rất nhiều rủi ro như thiên tai, địch họa, tai nạn, bệnh tật… và cao hơn nữa là
những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội… gây xáo trộn cuộc sống, thậm chí đe
doạ tới tính mạng và của cải của mình. Chính vì vậy, con người luôn luôn tìm cách
để bảo vệ mình khỏi những tác động không mong muốn đó, cũng như dự trữ tài
chính để bù đắp cho những thiệt hại có thể xảy ra nhằm nhanh chóng ổn định cuộc
sống và công việc.
Ngay từ xa xưa, con người đã biết dự trữ lương thực để đề phòng mất mùa, hạn
hán…, đóng góp thành lập các quỹ dự trữ chung cho cộng đồng để đề phòng những
thảm họa, hoặc những tổn thất lớn liên tiếp ngoài sự chống đỡ của mỗi cá nhân, mỗi
gia đình. Đời sống kinh tế xã hội của loài người càng phát triển, các rủi ro tiềm ẩn
mà loài người có thể gặp phải càng phức tạp, khó lường và vì thế mà nhu cầu được
bảo vệ, được an toàn của con người ngày càng cao. Ngành bảo hiểm ra đời chính là
để đáp ứng nhu cầu đó của con người. Vậy bảo hiểm là gì và nó đã hình thành và
phát triển như thế nào?
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều khái niệm khác nhau về bảo hiểm. Dưới góc
độ tài chính, “bảo hiểm là một hoạt động dịch vụ tài chính nhằm phân phối lại
những chi phí mất mát không mong đợi”, dưới góc độ pháp lý, giáo sư Hemard đưa
ra khái niệm “bảo hiểm là một nghiệp vụ, qua đó, một bên là người được bảo hiểm
chấp nhận trả một khoản tiền (phí bảo hiểm hay đóng góp bảo hiểm) cho chính
mình hoặc cho một người thứ ba khác để trong trường hợp rủi ro xảy ra, sẽ được trả
một khoản tiền bồi thường từ một bên khác là người được bảo hiểm, người chịu
trách nhiệm đối với toàn bộ rủi ro, đền bù những thiệt hại theo Luật Thống kê” [18,
tr.10].
6
Tuy nhiên, khái niệm có nội dung đầy đủ và logic nhất đó là: “bảo hiểm là
phương pháp chuyển giao rủi ro được thực hiện qua hợp đồng bảo hiểm, trong đó
bên mua bảo hiểm chấp nhận trả phí bảo hiểm và DNBH cam kết bồi thường hoặc
trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm” [20, tr. 16]. Như vậy, thực chất của
hoạt động bảo hiểm là quá trình phân phối lại tổng sản phẩm xã hội giữa những
người tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính phát sinh khi sự kiện bảo hiểm xảy
ra đối với người tham gia bảo hiểm.
Ý niệm về dự trữ và nguồn gốc của bảo hiểm đã có từ hàng trăm năm trước
công nguyên, nhưng hợp đồng bảo hiểm chính thức đầu tiên được phát hiện cho đến
nay được ký kết năm 1347 tại Italia. Đó là hợp đồng bảo hiểm hàng hải đầu tiên. Sự
ra đời của bảo hiểm và bảo hiểm hàng hải đã có vai trò hỗ trợ rất lớn đối với cuộc
“cách mạng thương mại” diễn ra vào thế kỷ 15 khi châu Âu thực hiện cuộc viễn
chinh vào châu Á và châu Mỹ.
Tiếp theo bảo hiểm hàng hải, năm 1666, ở Anh đã xảy ra một vụ cháy lớn, một
thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử, đã thiêu huỷ trên 13.000 toà nhà, dẫn đến nhu cầu
bảo hiểm hoả hoạn trở nên cần thiết, và đầu năm 1667 công ty bảo hiểm hỏa hoạn
đầu tiên được thành lập tại nước Anh [20, tr. 39].
Dần dần, bảo hiểm đã được mở rộng với nhiều loại hình khác nhau như bảo
hiểm nhân thọ, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo
hiểm nông nghiệp…
Như vậy, bảo hiểm xuất hiện do sự tồn tại khách quan của các rủi ro và từ
mong muốn được bảo đảm an toàn về mặt tài chính của con người. Đó là một hình
thức phân tán rủi ro áp dụng theo nguyên lý cộng đồng. Bảo hiểm thực chất là việc
những người tham gia bảo hiểm đóng góp làm hình thành nên một quỹ chung để từ
đó thực hiện chi trả cho những trường hợp rủi ro xảy ra đối với các thành viên.
Ban đầu bảo hiểm ra đời một cách tự phát, một nhóm người đứng ra thu phí và
nhận trách nhiệm thanh toán bồi thường cho những người tham gia bảo hiểm trong
trường hợp rủi ro, quy mô bảo hiểm nhỏ và cũng chỉ ở một số lĩnh vực hạn hẹp.
7
Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, để đáp ứng các yêu cầu bảo hiểm ngày
càng đa dạng, với độ phức tạp ngày càng cao, đòi hỏi sự ra đời của các công ty bảo
hiểm có tổ chức khoa học, chặt chẽ và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp.
1.1.2. Khái niệm bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Trước khi đưa ra được khái niệm bảo hiểm TNDS, cần tìm hiểu TNDS là gì?
TNDS thường được các luật gia hiểu là một loại trách nhiệm pháp lý – trách
nhiệm pháp lý được cho là việc một chủ thể phải gánh chịu những hậu quả bất lợi
theo quy định của pháp luật do có hành vi vi phạm pháp luật. TNDS không phải là
một sự trừng phạt mà là một biện pháp buộc người có hành vi vi phạm pháp luật
vào nghĩa vụ bồi thường cho người bị tổn hại do hành vi đó gây ra. Vì TNDS được
coi là trách nhiệm pháp lý nên nhiều quan điểm cho rằng, TNDS cũng có các đặc
điểm như trách nhiệm pháp lý, bao gồm: (1) chỉ được áp dụng khi có hành vi vi
phạm pháp luật và chỉ áp dụng đối với người có hành vi vi phạm đó; (2) là một hình
thức cưỡng chế nhà nước và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng; và (3)
luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật (3).
Trong chế độ bảo hiểm TNDS thì TNDS cũng được hiểu theo nghĩa là nghĩa vụ
dân sự của người được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm mà nghĩa vụ dân sự đó
phát sinh.
Theo nghĩa này, TNDS được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:
- Có hành vi trái pháp luật;
- Có thiệt hại xảy ra trong thực tế;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra;
- Có lỗi của người vi phạm.
Tuy nhiên, yếu tố lỗi không phải là bắt buộc trong mọi trường hợp.
Có rất nhiều cách hiểu về bảo hiểm TNDS. Có quan điểm cho rằng, bảo hiểm
TNDS là bảo hiểm cho nghĩa vụ dân sự của người được bảo hiểm khi có sự kiện
8
bảo hiểm mà nghĩa vụ dân sự đó phát sinh. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho
rằng, bảo hiểm TNDS là loại hình bảo hiểm bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm mà
đối tượng bảo hiểm là phần TNDS của người được bảo hiểm đối với người thứ ba
phát sinh có nguyên nhân từ những rủi ro khách quan.
Theo chúng tôi, bảo hiểm TNDS có thể hiểu một cách chung nhất như sau: Bảo
hiểm TNDS là một loại bảo hiểm mà theo đó DNBH cam kết bồi thường phần
TNDS của người được bảo hiểm theo cách thức và mức độ đã được hai bên thoả
thuận trong hợp đồng khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh với điều kiện người tham
gia bảo hiểm phải nộp một khoản phí cho DNBH.
1.1.3. Đặc điểm của bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Bảo hiểm trách nhiệm có một số đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, bảo hiểm TNDS có bản chất là một loại hình của bảo hiểm phi nhân
thọ, bảo hiểm thiệt hại.
Bảo hiểm thiệt hại có nghĩa là bảo hiểm đối với thiệt hại mà bên mua bảo hiểm
đã gây ra cho người thứ ba trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm và theo giới hạn
bảo hiểm đã được các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
- Thiệt hại về tài sản gồm: tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn
chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại về sức khỏe bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng,
phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập
thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của
người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu
nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị
mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt
hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao
gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Ngoài ra, xâm phạm sức
khỏe của người khác còn phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp
9
tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh
thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba
mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu
chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc
mai táng; tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Người xâm phạm tính mạng của người khác còn phải bồi thường thiệt hại một
khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc
hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì
người mà người bị thiệt hại phải trực tiếp nuôi dưỡng, người phải trực tiếp nuôi
dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn
thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa
không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Bảo hiểm TNDS chính là bảo hiểm cho những khoản chi phí cần thiết để khắc
phục hậu quả của tai nạn, rủi ro cho người bị thiệt hại. Mặc dù việc bồi thường của
DNBH không phải là những thiệt hại trực tiếp về tính mạng, sức khỏe, tài sản của
người được bảo hiểm mà là những thiệt hại về tài chính của người được bảo hiểm
đối với người thứ ba căn cứ vào những tổn thất về tài sản, sức khỏe, tính mạng mà
họ đã gây ra cho bên thứ ba. DNBH bồi thường trên cơ sở quy định của pháp luật
hoặc quy định trong hợp đồng đối với số tiền tối đa bằng với thiệt hại của người thứ
ba.
Thứ hai, đối tượng của bảo hiểm bắt buộc TNDS mang tính trừu tượng, không
nhìn thấy được, không tồn tại hiện hữu – là TNDS của người được bảo hiểm đối với
người bị thiệt hại. TNDS ở đây là trách nhiệm bồi thường về tài sản mà người được
bảo hiểm phải đảm nhận do đã gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho
người khác. Khác với các loại bảo hiểm khác, ví dụ như bảo hiểm tài sản có đối
tượng là tài sản - phần lớn được thể hiện dưới dạng vật chất hữu hình, còn trách
nhiệm hay nghĩa vụ bồi thường các thiệt hại rất trừu tượng. Chúng ta không thể
10
nhìn thấy được, không thể cảm nhận bằng các giác quan của con người vì thực tế
chúng không hiện hữu trong không gian. Đối với bảo hiểm tài sản, người bảo hiểm
có thể xác định giới hạn tổn thất tối đa của tài sản khi giao kết hợp đồng còn TNDS
đó là bao nhiêu cũng không xác định được ngay lúc tham gia bảo hiểm. Nếu có sự
cố xảy ra thì mức TNDS phát sinh bao nhiêu cũng khó xác định mà thường phải dựa
trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên và dựa vào các quy định của pháp luật và căn
cứ vào mức độ lỗi của người gây thiệt hại và thiệt hại thực tế của người thứ ba. Ví
dụ, theo căn cứ Phụ lục 6 bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người ban
hành kèm theo Thông tư 126/2009/TT-BTC ngày 22/12/2008 để xác định mức bồi
thường thiệt hại về người. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những trường hợp toà
án sẽ không căn cứ vào mức độ lỗi để phán xử mà căn cứ vào khả năng tài chính
của người gây ra thiệt hại. Những trường hợp này thường hay gặp ở các nước áp
dụng hệ thống thông luật (gọi theo tên tiếng Anh là common law), ví dụ như ở nước
Mỹ.
Thứ ba, trong bảo hiểm TNDS, yếu tố lỗi có vai trò rất quan trọng.
Lỗi của người tham gia bảo hiểm khi thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người
thứ ba chính là cơ sở để phát sinh TNDS của người tham gia bảo hiểm đối với
người thứ ba và do đó cũng làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của bên bảo hiểm
đối với người thứ ba.
Theo cách hiểu thông thường thì lỗi là những sai sót trong xử xự, về bản chất
lỗi được các ngành luật quy định giống nhau – đó là quan hệ giữa chủ thể thực hiện
hành vi trái pháp luật với xã hội mà nội dung của nó là sự phủ định những yêu cầu
của xã hội đã được thể hiện thông qua các quy định của pháp luật: khi một người có
đủ nhận thức và điều kiện để lựa chọn cách xử sự sao cho xử sự đó phù hợp với
pháp luật, tránh gây thiệt hại cho người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi gây thiệt
hại thì người đó bị coi là có lỗi. Như vậy, lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi
gây thiệt hại phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành
vi mà họ đã thực hiện. Khái niệm về lỗi chưa được luật hóa mà các nhà làm luật
11
mới chỉ xác định biểu hiện ở hai hình thức là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Theo quy định tại
khoản 1 Điều 308 BLDS 2005 thì: “Người không thực hiện hoặc thực hiện không
đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu TNDS do lỗi vô ý hay lỗi cố ý, trừ trường hợp có
thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, có thể suy ra rằng nếu
không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì chỉ khi nào
người vi phạm nghĩa vụ có lỗi mới phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên về nguyên
tắc, lỗi trong dân sự là lỗi suy đoán. Vì vậy mà người gây thiệt hại chỉ không phải
bồi thường nếu họ chứng minh được thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng
hoặc hoàn toàn do lỗi của bên kia. Ví dụ, theo quy định tại khoản 3, Điều 623
BLDS 2005 thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn
nguy hiểm cao độ sẽ không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp nạn nhân lao
vào ô tô với ý định tự tử.
Ngoài vai trò xác định xem người gây thiệt hại có phải bồi thường không,
DNBH có phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm không thì lỗi còn có ý nghĩa trong việc
xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Căn cứ vào mức độ lỗi mà tòa án xác
định người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ, một phần hay liên đới bồi thường
- từ đó mà TNDS thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm của mình.
Thứ tư, bảo hiểm TNDS bao giờ cũng có mối liên quan đến chủ thể thứ ba.
Quan hệ giữa người bảo hiểm, người được bảo hiểm là quan hệ hợp đồng mà ở
đó người bảo hiểm phải bồi thường thay cho người được bảo hiểm khi TNDS của
họ phát sinh đó chính là trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại cho người thứ ba.
Trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người thứ ba là bất kể cá nhân, tổ chức
nào bị thiệt hại. Trong bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, có hai loại hợp đồng
được thiết lập: hợp đồng giữa người được bảo hiểm với người thứ ba và hợp đồng
giữa người bảo hiểm với người được bảo hiểm; người thứ ba ở đây mang tính cụ thể
hơn và trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm có thể xác định trước mức
độ tối đa. Giữa người thứ ba và người bảo hiểm không có mối quan hệ hợp đồng mà
họ là bên có quyền đối với người được bảo hiểm. Theo quy định tại khoản 1 Điều
12
53 Luật KDBH năm 2000: “DNBH chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường khi người
được bảo hiểm nhận được yêu cầu phải bồi thường của người bị thiệt hại”. Nếu đã
phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng người thứ ba không đòi người
được bảo hiểm phải bồi thường và người được bảo hiểm không phải trả tiền bồi
thường thì do đó DNBH cũng không phải chịu trách nhiệm đối với người được bảo
hiểm. Khi xảy ra rủi ro về trách nhiệm, người gây thiệt hại phải chịu TNDS trước
pháp luật, nhưng DNBH không có trách nhiệm trực tiếp với người bị thiệt hại. Như
vậy hợp đồng bảo hiểm chỉ tồn tại giữa người bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm
(đồng thời là người được bảo hiểm).
Thứ năm, trong bảo hiểm TNDS có thể áp dụng giới hạn trách nhiệm hoặc
không.
Như ở trên đã đề cập, TNDS là rất trừu tượng, những thiệt hại xảy ra thường
chưa thể xác định được ngay tại thời điểm tham gia bảo hiểm và thiệt hại đó có thể
là rất lớn. Do vậy, để đảm bảo lợi ích kinh doanh và nâng cao trách nhiệm của
người tham gia bảo hiểm, các công ty bảo hiểm thường đưa ra các giới hạn trách
nhiệm, tức là các mức bồi thường tối đa của bảo hiểm (số tiền bảo hiểm). Khi gây
thiệt hại, mức TNDS của người được bảo hiểm đối với người thứ ba có thể là rất lớn
nhưng về nguyên tắc công ty bảo hiểm chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho
người thứ ba trong phạm vi giới hạn trách nhiệm đã cam kết theo hợp đồng bảo
hiểm.
Hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm TNDS đều áp dụng hạn mức trách nhiệm,
nghĩa là số tiền bảo hiểm được ấn định trước theo thỏa thuận, DNBH chỉ bồi thường
tối đa bằng số tiền này như bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với người thứ
ba, bảo hiểm TNDS của chủ sử dụng lao động đối với người lao động, trách nhiệm
chủ hãng vận chuyển đối với hành khách, hàng hoá… Ưu điểm của loại hình bảo
hiểm này là DNBH đánh giá được mức độ bồi thường tối đa, chủ động trong việc đề
phòng các tình huống xảy ra; giảm mức phí bảo hiểm phải đóng. Tuy nhiên, người
được bảo hiểm không được bảo vệ hoàn toàn, phải tự bảo hiểm một phần trách
13
nhiệm vượt quá số tiền bảo hiểm trong hợp đồng.
Trên thực tế, cũng có một số nghiệp vụ bảo hiểm TNDS không áp dụng giới
hạn trách nhiệm nhưng ít được triển khai (thiệt hại TNDS phát sinh bao nhiêu, công
ty bảo hiểm bồi thường bấy nhiêu) ví dụ bảo hiểm TNDS của chủ tàu, tuy nhiên,
hạn chế của loại hình bảo hiểm này là nhà bảo hiểm có nguy cơ bị đẩy đến phá sản
khi có nhiều tổn thất lớn liên tiếp. Do đó, phải dùng mọi biện pháp để phân tán rủi
ro.
Thứ sáu, trong bảo hiểm TNDS, DNBH chỉ có trách nhiệm bồi thường bảo
hiểm cho người thứ ba khi TNDS được cấu thành bởi các yếu tố sau:
- Có thiệt hại thực tế của bên bị hại;
- Có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật của bên gây hại (người tham gia bảo
hiểm TNDS);
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại trái pháp luật của bên gây
hại và thiệt hại thực tế của bên bị hại;
- Có lỗi của người gây thiệt hại (người tham gia bảo hiểm).
1.1.4. Các loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Bảo hiểm TNDS có thể phân loại dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau.
• Căn cứ vào tính pháp lý thì bảo hiểm TNDS được chia thành: (i) Bảo hiểm
TNDS bắt buộc; (ii) Bảo hiểm TNDS tự nguyện.
Bảo hiểm TNDS bắt buộc: Là loại hình bảo hiểm TNDS theo đó bên tham gia
bảo hiểm bắt buộc phải ký kết hợp đồng bảo hiểm với một bên bảo hiểm nào đó
đang hoạt động tại Việt Nam. Loại hình bảo hiểm này có mục đích nhằm đảm bảo
thực hiện nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm trong việc bồi thường tổn thất cho
người khác, do hành vi của mình gây ra và phòng ngừa, hạn chế, khắc phục thiệt hại
đảm bảo ổn định tài chính cho người được bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi cho phía nạn
nhân, bảo vệ lợi ích công và an toàn xã hội. Theo quy định tại Điều 8 Luật KDBH
năm 2000: “Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm do pháp luật quy định về điều
14
kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà các tổ chức, cá
nhân tham gia bảo hiểm và DNBH có nghĩa vụ thực hiện. Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp
dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an
toàn xã hội”. Bảo hiểm TNDS bắt buộc thường liên quan đến các hoạt động mà
nguy cơ rủi ro cao, nạn nhân thường bị thiệt hại lớn nếu có rủi ro ấy – đó là các hoạt
động như:
+ Hoạt động có nguy cơ gây tổn thất cho nhiều nạn nhân trong cùng một sự cố
(kinh doanh vận chuyển hành khách);
+ Những thiệt hại mà chỉ cần có một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến thiệt hại
trầm trọng về người (hoạt động của bác sĩ);
+ Những hoạt động cung cấp dịch vụ trí tuệ có thể gây thiệt hại lớn về tài chính
(môi giới bảo hiểm, tư vấn pháp luật).
Ở Việt Nam, theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật KDBH năm 2000 thì bảo
hiểm TNDS bắt buộc bao gồm:
- Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, bảo hiểm TNDS của người vận chuyển
hàng không đối với hành khách;
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Ngoài ra, còn có chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của người kinh doanh vận tải
hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa theo quy định tại
Nghị định 125/2005/NĐ-CP ngày 07/10/2005 của Chính phủ và Quyết định
99/2005/QĐ-BTC ngày 22/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành
quy tắc, biểu phí và mức TNDS bảo hiểm bắt buộc của chế độ bảo hiểm trên.
Các chủ thể là đối tượng tham gia các loại nghiệp vụ bảo hiểm TNDS trên đều
phải tham gia theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm TNDS tự nguyện: Là các nghiệp vụ bảo hiểm TNDS mà việc tham
15
gia bảo hiểm hay không là tùy thuộc vào ý chí của mỗi khách hàng. Loại hình bảo
hiểm này gồm có: bảo hiểm TNDS của chủ sử dụng lao động đối với người lao
động, bảo hiểm TNDS đối với sản phẩm của người sản xuất, kinh doanh…
• Căn cứ vào TNDS phát sinh, bảo hiểm TNDS được chia làm hai loại: (i) Bảo
hiểm TNDS phát sinh từ hợp đồng; (ii) Bảo hiểm TNDS phát sinh ngoài hợp đồng.
Bảo hiểm TNDS phát sinh từ hợp đồng: Trách nhiệm hợp đồng phát sinh khi
hợp đồng không được thực hiện gây thiệt hại cho bên bị vi phạm và bên bị vi phạm
đòi bồi thường. Trách nhiệm này có thể được đưa ra trên cơ sở quy định chung của
pháp luật nhưng cũng có thể chỉ là những thỏa thuận riêng. Ví dụ, trong một hợp
đồng dịch vụ pháp lý, hai bên thỏa thuận rằng bên tư vấn phải bồi thường cho bên
yêu cầu tư vấn trong trường hợp nội dung tư vấn không đảm bảo tính pháp lý hoặc
không đáp ứng yêu cầu của bên yêu cầu tư vấn. Trong trường hợp này, bên tư vấn
phải chịu trách nhiệm bồi thường ngay cả khi anh ta không có lỗi. Như vậy, bảo
hiểm TNDS phát sinh từ hợp đồng chính là bảo hiểm cho phần trách nhiệm mà các
bên đã cam kết thực hiện trong hợp đồng.
Bảo hiểm TNDS phát sinh ngoài hợp đồng: Trách nhiệm ngoài hợp đồng phát
sinh khi một người có lỗi gây thiệt hại cho một người khác và người bị thiệt hại đòi
hỏi sự bồi thường. Khác với trách nhiệm hợp đồng, TNDS phát sinh ngoài hợp đồng
được thực hiện trên cơ sở những quy định chung của pháp luật hoặc có thể các bên
có hợp đồng nhưng việc gây thiệt hại không liên quan đến việc thực hiện hợp đồng
đó. Ví dụ, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, khi một cá nhân điều khiển
phương tiện xe cơ giới gây thiệt hại cho chủ thể khác đi trên đường phải bồi thường
thì được coi là bảo hiểm TNDS phát sinh ngoài hợp đồng.
• Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm cụ thể, bảo hiểm TNDS được chia thành
nhiều loại sau:
- Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới;
- Bảo hiểm trách nhiệm công cộng;
16
- Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm;
- Bảo hiểm TNDS của chủ sử dụng lao động đối với người lao động;
- Bảo hiểm trách nhiệm hàng không;
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
- Bảo hiểm TNDS của chủ tàu;
- Các loại hình bảo hiểm trách nhiệm khác.
1.1.5. Những nguyên tắc chung của nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Cũng giống như bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào, ngoài việc đáp ứng cho
các nhu cầu an toàn của con người thì lợi nhuận là mục tiêu của hoạt động bảo hiểm
TNDS. Bởi vậy, có một số nguyên tắc phải được tuân thủ khi tiến hành hoạt động
bảo hiểm TNDS.
• Nguyên tắc số đông
Về bản chất, hoạt động của bảo hiểm nói chung và bảo hiểm trách nhiệm nói
riêng là bên bảo hiểm nhận một khoản tiền mà người ta gọi là phí bảo hiểm để rồi
có khả năng sẽ phải trả cho bên đã đóng góp khoản tiền phí đó một số tiền (bồi
thường, chi trả) lớn hơn gấp nhiều lần. Để làm được điều này, hoạt động bảo hiểm
trách nhiệm phải dựa trên nguyên tắc số đông. Đây là nguyên tắc xuyên suốt, không
thể thiếu được trong bất kỳ một nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm nào, theo đó hậu
quả của rủi ro xảy ra đối với một hoặc một số ít người sẽ được bù đắp bằng số tiền
gom được từ rất nhiều người có khả năng cùng gặp rủi ro như vậy.
Thông qua việc huy động đủ số phí cần thiết để giải quyết chi phí bồi thường cho
các tổn thất có thể xảy ra trong cộng đồng những người tham gia bảo hiểm, người bảo
hiểm đã thực hiện việc bù trừ rủi ro theo quy luật thống kê số lớn. Nguyên tắc số
đông bù số ít đòi hỏi rằng, càng nhiều người tham gia bảo hiểm thì quỹ bảo hiểm tích
tụ được càng lớn, việc chi trả càng trở nên dễ dàng hơn, rủi ro được san sẻ cho nhiều
người hơn. Thông thường một nghiệp vụ bảo hiểm chỉ có thể được triển khai khi có
nhiều nhu cầu của nhiều khách hàng về cùng một loại hình bảo hiểm đó.
17
• Nguyên tắc lựa chọn rủi ro
Hoạt động bảo hiểm trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho những cá
nhân và tổ chức có nhu cầu. Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp người
được bảo hiểm đều chấp nhận các yêu cầu bảo đảm. Hiếm có nhà KDBH nào lại dại
dột hứa sẽ bồi thường cho ông chủ một ngôi nhà trong trường hợp có cháy xảy ra
khi ngôi nhà đó chứa đầy hoá chất, không hề trang bị phòng cháy chữa cháy, và
nằm ngay cạnh một xưởng rèn. Cũng vậy, người bảo hiểm thật khó mà chấp nhận
bảo đảm cho những thiệt hại vật chất của một chiếc xe ô tô ở trong tình trạng không
an toàn về kỹ thuật hay không được phép lưu hành.
Nguyên tắc lựa chọn rủi ro là một nguyên tắc không thể thiếu được trong hoạt
động kinh doanh của nhà bảo hiểm. Theo nguyên tắc này, các rủi ro đã xảy ra, chắc
chắn hoặc gần như chắc chắn sẽ xảy ra thì bị từ chối bảo hiểm: hao mòn vật chất tự
nhiên, hao hụt thương mại tự nhiên, xe vi phạm nghiêm trọng luật giao thông, cố ý
tự tử… Nói cách khác, những rủi ro có thể được bảo hiểm phải là những rủi ro bất
ngờ, không lường trước được.
Để đảm bảo nguyên tắc này, trong đơn bảo hiểm luôn có các rủi ro loại trừ tuỳ
thuộc vào từng nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau; còn với các rủi ro được nhận bảo
hiểm lại được xem xét để phân loại, sắp xếp theo từng mức độ khác nhau (nếu cần
thiết) và áp dụng các mức phí thích hợp. Đối với các rủi ro có xác suất xảy ra lớn
hơn thì mức phí phải nộp cao hơn. Chẳng hạn, cùng là những người ở một độ tuổi
tham gia bảo hiểm nhân thọ nhưng những người bị bệnh tim sẽ phải đóng mức phí
khác với những người khoẻ mạnh. Chính vì vậy, một yêu cầu đặt ra đối với người
tham gia bảo hiểm là phải trung thực tuyệt đối khi khai báo rủi ro để bên bảo hiểm
có thể xác định chính xác bằng rủi ro đó có thể chấp nhận bảo hiểm hay không, nếu
có thì với mức phí như thế nào.
Nguyên tắc lựa chọn rủi ro nhằm tránh cho người bảo hiểm phải bồi thường cho
những tổn thất thấy trước mà với nhiều trường hợp như vậy sẽ chắc chắn dẫn đến phá
sản, đồng thời cũng giúp cho các công ty bảo hiểm có thể tính được các mức phí chính
18
xác, lập nên được một qũy bảo hiểm đầy đủ để bảo đảm cho công tác bồi thường.
Không chỉ bảo đảm quyền lợi cho phía bên bảo hiểm mà ngay chính những
người tham gia bảo hiểm cũng thấy công bằng hơn trong trường hợp có những rủi
ro không thuần nhất (xác suất không bằng nhau) khi nguyên tắc này được áp dụng.
• Nguyên tắc phân tán rủi ro (không để tất cả trứng vào một giỏ)
Là người nhận các rủi ro được chuyển giao từ người tham gia bảo hiểm, nhà
bảo hiểm lúc này sẽ là người phải đối mặt với những tổn thất có thể rất lớn nếu rủi
ro xảy ra. Mặc dù quỹ bảo hiểm là một quỹ tài chính lớn, được lập ra bởi sự đóng
góp của nhiều người theo nguyên tắc số đông và như vậy, với tư cách là người tập
trung và quản lý quỹ, các DNBH có khả năng thực hiện nhiệm vụ chi trả bảo hiểm.
Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào người bảo hiểm cũng luôn đảm bảo được
khả năng này, nhất là trong những trường hợp quỹ bảo hiểm tập trung được còn
chưa nhiều (DNBH mới thành lập hoặc DNBH có quy mô nhỏ) mà giá trị bảo hiểm
lại rất lớn hoặc trong những trường hợp có tổn thất lớn, liên tiếp xảy ra.
Một kinh nghiệm trong hoạt động của các nhà bảo hiểm trách nhiệm là tránh
nhận những rủi ro quá lớn, vượt quá khả năng tài chính của công ty. Chính vì vậy,
phải phân tán bớt các rủi ro đã nhận là nguyên tắc quan trọng giúp cho các nhà bảo
hiểm có thể đảm bảo nhận các rủi ro lớn, tránh được điều tối kị là từ chối bảo hiểm,
vừa vẫn đảm bảo được hoạt động kinh doanh. Để thực hiện được nguyên tắc phân tán
rủi ro, các nhà bảo hiểm đã sử dụng hai phương thức: đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm.
Nếu trong đồng bảo hiểm, nhiều nhà bảo hiểm cùng nhận bảo đảm cho một rủi ro lớn
thì tái bảo hiểm lại là phương thức trong đó, một nhà bảo hiểm nhận được bảo đảm
cho một rủi ro lớn, sau đó chuyển bớt một phần hoặc toàn bộ rủi ro cho một hoặc
nhiều nhà bảo hiểm khác thông qua hợp đồng tài bảo hiểm.
• Nguyên tắc trung thực tuyệt đối
Nguyên tắc này được thể hiện ngay từ khi người bảo hiểm nghiên cứu để soạn
thảo một hợp đồng bảo hiểm đến khi phát hành, khai thác bảo hiểm và thực hiện
giao dịch kinh doanh với khách hàng (người tham gia bảo hiểm).
19
Trước hết, nguyên tắc trung thực tuyệt đối đòi hỏi người bảo hiểm phải có trách
nhiệm cân nhắc các điều kiện, điều khoản để soạn thảo hợp đồng bảo đảm cho
quyền lợi của hai bên. Sản phẩm cung cấp của nhà bảo hiểm là sản phẩm dịch vụ
nên khi mua sản phẩm này, người tham gia bảo hiểm không thể cầm nắm nó trong
tay như các sản phẩm vật chất khác để đánh giá chất lượng và giá cả… mà chỉ có
thể có được một hợp đồng hứa sẽ đảm bảo. Chất lượng sản phẩm bảo hiểm có bảo
đảm hay không, giá cả (phí bảo hiểm) có hợp lý hay không, quyền lợi của người
được bảo hiểm có đảm bảo đầy đủ, công bằng hay không… đều chủ yếu dựa vào sự
trung thực của bên bảo hiểm. Ngược lại, nguyên tắc này cũng đặt ra một yêu cầu đối
với người tham gia bảo hiểm là phải khai báo rủi ro trung thực khi tham gia bảo
hiểm để giúp cho người bảo hiểm xác định mức phí phù hợp với rủi ro mà họ đảm
nhận. Thêm vào đó, các hành vi gian lận nhằm trục lợi bảo hiểm khi thông báo, khai
báo các thiệt hại để đòi bồi thường (khai thác lớn hơn thiệt hại thực tế, sửa chữa
ngày tháng của hợp đồng bảo hiểm…) sẽ được xử lý theo pháp luật.
Ngoài các nguyên tắc cơ bản trên, trong mỗi một loại hình bảo hiểm trách
nhiệm sẽ có thêm các nguyên tắc khác phù hợp với đặc điểm của từng loại bảo hiểm
này, ví dụ như nguyên tắc bồi thường, nguyên tắc khoán…
1.2. TỔNG QUAN VỀ BẢO HIỂM BẮT BUỘC TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA
CHỦ XE CƠ GIỚI
Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là một hình thức của bảo hiểm xe
cơ giới, bên cạnh sản phẩm bảo hiểm vật chất xe.
1.2.1. Khái niệm và các hình thức bảo hiểm xe cơ giới
Bảo hiểm xe cơ giới là loại hình bảo hiểm theo đó khách hàng mua bảo hiểm đối
với phương tiện giao thông của mình trong trường hợp tổn thất hoặc hư hỏng xảy ra
đối với chính phương tiện đó và TNDS của khách hàng đối với người thứ ba phát
sinh trong quá trình sử dụng phương tiện.
Xe cơ giới là một loại xe chạy trên đường bộ, bằng động cơ của chính nó và có
ít nhất một chỗ ngồi. Xe cơ giới bao gồm rất nhiều loại xe khác nhau: xe mô tô 2
20
bánh, 3 bánh, xe ô tô chở người, chở hàng hoá, vừa chở người vừa chỏ hàng hoá và
các loại xe chuyên dụng khác.
Xe cơ giới được sử dụng rộng rãi trong giao thông đường bộ. Hoạt động của xe
cơ giới được coi là một loại nguồn nguy hiểm cao độ, rất dễ gây tai nạn. Bảo hiểm
xe cơ giới có vị trí rất quan trọng trong hoạt động KDBH ở nhiều nước trên thế giới.
Hậu quả do tai nạn giao thông gây ra hàng năm là rất lớn và sự ra đời của các
nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới góp phần khắc phục một phần hậu quả do tai nạn
giao thông gây ra, giúp cho chủ xe cơ giới cũng như người bị nạn nhanh chóng ổn
định cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh.
Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới bao gồm các loại chính sau:
- Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba.
- Bảo hiểm vật chất thân xe.
- Bảo hiểm tai nạn lái, phụ và người ngồi trên xe.
Trong ba loại trên, bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba là
loại hình bảo hiểm bắt buộc (được quy định tại Luật KDBH và các Nghị định của
Chính phủ) mà đối tượng bảo hiểm là những thiệt hại về người và tài sản do người
sử dụng xe gây ra cho người khác và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của
pháp luật.
1.2.2. Khái niệm và đặc trƣng của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của
chủ xe cơ giới
Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là hoạt động bảo hiểm có đối tượng
bảo hiểm là TNDS của chủ xe cơ giới đối với người ba.
Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là một loại bảo hiểm mà theo đó,
DNBH cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm các khoản tiền nằm trong giới
hạn bảo hiểm mà người được bảo hiểm có nghĩa vụ phải trả cho những thiệt hại về
người và tài sản phát sinh từ những rủi ro bất ngờ trong quá trình hoạt động của xe
cơ giới.