1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC
NGUYỄN THANH MAI
TÌM HIỂU THỰC TRẠNG GIÁO DỤC
ĐẠO ĐỨC CHO TRẺ MẪU GIÁO LỚN
THÔNG QUA CÁC TÁC PHẨM VĂN
HỌC DÀNH CHO THIẾU NHI Ở CÁC
TRƯỜNG MẦM NON KHU VỰC TP
VĨNH YÊN- VĨNH PHÚC
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Giáo dục học
HÀ NỘI- 2011
2
LỜI CẢM ƠN
Em xin chân thành cảm ơn các thầy giáo cô giáo trường ĐHSP Hà Nội
2, các thầy cô trong khoa Giáo dục Tiểu học đã giúp đỡ em trong quá trình
học tập tại trường và tạo điều kiện cho em thực hiện khóa luận tốt nghiệp.
Đặc biệt em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy giáo-
ThS.GVC.Đỗ Xuân Đức- người đã tận tình hướng dẫn chỉ bảo cho em trong
quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành khóa luận này.
Qua đây, em xin gửi tới Ban giám hiệu và các cô giáo trường mầm non
Hoa Sen, trường Mầm non Tích Sơn và trường Mầm non Ngô Quyền thành
phố Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc cùng các bạn sinh viên trong khoa Giáo dục Tiểu
học lời cảm ơn chân thành nhất.
Với điều kiện thời gian nghiên cứu và vốn kiến thức còn hạn chế, chắc
chắn đề tài của em sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Em kính mong nhận
được sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô và các bạn để đề tài của em thực sự
có chất lượng và hữu ích.
Em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2011
Sinh viên
Nguyễn Thanh Mai
3
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Những số
liệu và kết quả nghiên cứu trong khóa luận là hoàn toàn trung thực. Đề tài
chưa được công bố trong bất cứ một công trình khoa học nào khác.
Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2011
Sinh viên
Nguyễn Thanh Mai
4
MỤC LỤC
Lời cảm ơn
Lời cam đoan
Mục lục
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu của đề tài 2
3. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3
4. Khách thể nghiên cứu của đề tài 3
5. Đối tượng nghiên cứu của đề tài 3
6. Giới hạn phạm vi nghiên cứu 3
7. Giả thuyết khoa học 3
8. Kế hoạch triển khai 3
9. Nội dung của đề tài 3
B. PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Cơ sở lí luận một số vấn đề về giáo dục đạo
đức cho trẻ mẫu giáo lớn thông qua các tác phẩm văn
học dành cho thiếu nhi
5
1.1. Một số vấn đề về đạo đức 5
1.2. Một số vấn đề về giáo dục đạo đức và giáo dục đạo đức
cho trẻ mẫu giáo lớn:
5
1.2.1. Khái niệm và ý nghĩa giáo dục đạo đức 5
1.2.2. Các nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo 6
1.2.3. Nội dung giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo 8
1.2.4. Phương pháp giáo dục đạo đức 10
1.3. Một số đặc điểm tâm sinh lí của trẻ mẫu giáo lớn: 13
1.3.1. Đặc điểm sinh lí 13
5
1.3.2. Đặc điểm tâm lí 14
1.4. Những nét đặc trưng cơ bản của tác phẩm văn học dành
cho thiếu nhi:
16
1.5. Văn học thiếu nhi đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ
mẫu giáo lớn
23
Chương 2: Thùc tr¹ng việc giáo dục đạo đức cho trẻ em
mẫu giáo lớn thông qua các tác phẩm văn học dành cho
thiếu nhi ở các trường Mầm non khu vực Vĩnh Yên
29
2.1. Thực trạng đội ngũ giáo viên 29
2.2. Thực trạng nhận thức của giáo viên về vai trò của các
tác phẩm văn học đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ
31
2.3. Thực trạng thực hiện nội dung giáo dục đạo đức cho trẻ
mẫu giáo lớn thông qua các tác phẩm văn học dành cho
thiếu nhi
32
2.4. Thực trạng việc khai thác các tác phẩm văn học dành
cho thiếu nhi để giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn
33
2.5. Thực trạng về kết quả giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu
giáo lớn thông qua các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi
35
Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng
giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn thông qua các tác
phẩm văn học dành cho thiếu nhi
43
3.1. Nguyên nhân của thực trạng: 43
3.2. Biện pháp: 44
C. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
46
Phụ lục 49
Tài liệu tham khảo 52
6
PHẦN A- MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài:
“ Tiên học lễ, hậu học văn”
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở tầng lớp học sinh, sinh
viên cũng như những người làm công tác giáo dục về nhiệm vụ của mình:
đến trường điều đầu tiên cần học, cần dạy là lễ nghi, phép tắc, là đạo đức sau
đó mới đến kiến thức khoa học. Cần phải học những điều bình thường trước
sau đó mới mong làm được những điều phi thường. Người cũng đã từng nói “
Kẻ có tài mà không có đức là kẻ vô dụng, kẻ có đức mà không có tài thì làm
việc gì cũng khó”.
Thật vậy, đức và tài phải luôn đi liền nhau song cái đức lại là cái cần
phải có trước và được hình thành trước. Muốn có một thế hệ tương lai tài đức
vẹn toàn thì phải giáo dục ngay từ khi thế hệ đó còn là những mầm non vì trẻ
ở lứa tuổi mầm non nhân cách bắt đầu hình thành. Tuy chưa hoàn toàn định
hình nhưng nó đã có cơ sở tương đối ổn định trong việc tiếp tục và hoàn thiện
nhân cách. Các công trình nghiên cứu về tâm lý học cho thấy những nét tính
chất cơ bản của trẻ đã được hình thành trong thời kì này và ảnh hưởng tới đạo
đức về sau của trẻ. Giáo dục đạo đức là nội dung quan trọng trong giáo dục
nhân cách con người phát triển toàn diện. Chính vì vậy mà việc nâng cao chất
lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường mầm non là rất cần thiết.
Hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo có thể theo nhiều con
đường, nhiều hoạt động khác nhau. Song con đường giáo dục đạo đức cho trẻ
thông qua các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi mang lại hiệu quả cao và
góp phần to lớn vào việc hình thành nên nhân cách tốt cho trẻ và giúp trẻ có
một phẩm chất đạo đức trong sáng. Việc đưa những câu chuyện, những bài
thơ vào nội dung chương trình giảng dạy cho trẻ mẫu giáo với mục đích giáo
dục đạo đức cho trẻ đã được tiến hành ngay từ khi có trường mầm non ra đời
7
bởi khả năng giáo dục mà nó mang lại là rất lớn, nó để lại những ấn tượng
không thể nào phai mờ trong tâm trí trẻ. Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo có trí tưởng
tượng vô cùng phong phú, bay bổng nhất là trẻ mẫu giáo lớn. Ở độ tuổi này,
tư duy trẻ đã khá phát triển, trẻ có thể hiểu được khá đầy đủ nội dung và ý
nghĩa của những câu chuyện, bài thơ trẻ có thể tự rút ra bài học cho bản
thân và ý thức được hành vi của mình. Chính vì thế việc giáo dục đạo đức
cho trẻ mẫu giáo lớn là rất quan trọng.
Từ những lí do trên tôi đã chọn đề tài “Tìm hiểu thực trạng giáo dục
đạo đức cho trẻ em mẫu giáo lớn thông qua các tác phẩm văn học dành cho
thiếu nhi ở các trường Mầm non khu vực Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc” làm đề tài
nghiên cứu khóa luận cho bản thân.
2. Lịch sử nghiên cứu của đề tài:
Bàn về giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo có nhiều tác giả đề cập :
Đào Thị Mi “Văn học thiếu nhi với giáo dục đạo đức cho trẻ tuổi mầm
non”, Đại học Sư phạm Hà Nội 2000.
Nguyễn Văn Tuân “ Sự hình thành các giá trị đạo đức ở trẻ mẫu giáo 5-
6 tuổi” Đại Học Sư Phạm Hà Nội 1997.
Muôn Thị Xuyến “ Nghiên cứu mức độ lĩnh hội một số kinh nghiệm
đạo đức quy tắc hành vi qua hình ảnh của trẻ mẫu giáo 3-6 tuổi” Đại Học Sư
Phạm Hà Nội năm 1998.
Nguyễn Ánh Tuyết trong cuốn “ Giáo dục mầm non những vấn đề lí
luận và thực tiễn” cũng đưa ra vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của
trẻ thơ
Còn rất nhiều tác giả nghiên cứu vấn đề này nhưng chưa có tác giả nào
đề cập cụ thể đến thực trạng giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn thông qua
các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi ở các trường mầm non khu vực Vĩnh
Yên- Vĩnh Phúc.
8
3. Mục đích nghiên cứu của đề tài:
Phát hiện ra thực trạng giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn thông
qua các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi ở các trường Mầm non khu vực
Vĩnh Yên và nguyên nhân dẫn đến thực trạng. Trên cơ sở đó đề xuất những
giải pháp nhằm khắc phục thực trạng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn.
4. Khách thể nghiên cứu của đề tài:
Vấn đề giáo dục đạo đức
5. Đối tượng nghiên cứu của đề tài:
Thực trạng giáo dục đạo đức
6. Giới hạn phạm vi nghiên cứu:
- Thông qua các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi
- Các trường Mầm non khu vực Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc.
7. Giả thuyết khoa học:
Việc giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn thông qua các tác phẩm
văn học dành cho thiếu nhi tại các trường Mầm non Vĩnh Yên còn nhiều hạn
chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do chưa khai thác
hết khả năng giáo dục đạo đức của các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi
và hình thức tổ chức giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn thông qua các tác
phẩm văn học dành cho thiếu nhi là chưa hợp lý.
8. Kế hoạch triển khai:
Tháng 11-12: Nhận đề tài và hoàn thành đề cương
Tháng 12-2/2011: Tìm hiểu cơ sở lí luận
Tháng 2-4/2011: Tìm hiểu thực trạng
Tháng 5/2011: Hoàn thành đề tài nghiên cứu và bảo vệ
9. Nội dung của đề tài:
9
Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục, Nội dung khóa luận bao
gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận một số vấn đề về giáo dục đạo đức cho trẻ
mẫu giáo lớn thông qua các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi
1.1. Một số vấn đề về đạo đức
1.2. Một số vấn đề về giáo dục đạo đức và giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo
lớn:
1.3. Một số đặc điểm tâm sinh lí của trẻ mẫu giáo lớn:
1.4. Những nét đặc trưng cơ bản của tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi:
1.5. Văn học thiếu nhi đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn
Chương 2: Thùc tr¹ng việc giáo dục đạo đức cho trẻ em mẫu giáo
lớn thông qua các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi ở các trường
Mầm non khu vực Vĩnh Yên
2.1. Thực trạng đội ngũ giáo viên
2.2. Thực trạng nhận thức của giáo viên về vai trò của các tác phẩm văn học
đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ:
2.3. Thực trạng thực hiện nội dung giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn
thông qua các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi:
2.4. Thực trạng việc khai thác các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi để
giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn
2.5. Thực trạng về kết quả giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn thông qua
các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi:
Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục
đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn thông qua các tác phẩm văn học dành cho
thiếu nhi
3.2. Nguyên nhân của thực trạng:
3.2. Biện pháp:
10
B- PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO
TRẺ MẪU GIÁO LỚN THÔNG QUA CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC
DÀNH CHO THIẾU NHI
1.1. Một số vấn đề về đạo đức
Đạo đức là tổ hợp những nguyên tắc hay là những quy tắc, những tiêu
chuẩn sinh hoạt chung trong xã hội nhằm điều chỉnh sự ứng xử của con người
trong mọi lĩnh vực của đời sống, đảm bảo cho xã hội một trật tự nhất định cần
thiết cho sự tồn tại và phát triển của nó.
Đạo đức được nảy sinh từ nhu cầu của xã hội, điều hoà và thống nhất
các mâu thuẫn giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Để giải quyết các mâu
thuẫn đó, xã hội đề ra các yêu cầu dưới dạng chuẩn mực giá trị, được mọi
người công nhận và được củng cố bằng sức mạnh của phong tục, tập quán, dư
luận, lương tâm,
1.2. Một số vấn đề về giáo dục đạo đức và giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu
giáo lớn:
1.2.1. Khái niệm và ý nghĩa của giáo dục đạo đức:
Đức dục là một hoạt động chuyên biệt, có mục đích của nhà giáo dục
nhằm xây dựng cho trẻ em những nét tính cách, những phẩm chất đạo đức và
bồi dưỡng cho các em những tiêu chuẩn và quy tắc hành vi quy định thái độ
của chúng đối với nhau, đối với gia đình, đối với người khác, đối với nhà
nước và Tổ quốc.
Giáo dục đạo đức có ý nghĩa rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp
giáo dục con người mới.
Việc hình thành cơ sở về phẩm chất đạo đức của con người bắt đầu
ngay ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Giáo dục mẫu giáo là khâu đầu tiên của
11
việc đào tạo nhân cách con người mới có nhiệm vụ hình thành những cơ sở
ban đầu của nhân cách con người tạo tiền đề cho sự phát triển về sau.
Những khác biệt bẩm sinh trong các kiểu hoạt động thần kinh cấp cao
không quyết định trước sự phát triển của những phẩm chất đạo đức. Bởi vậy,
trong điều kiện xã hội- XHCN, nếu có phương pháp giáo dục đúng đắn và
bằng sự tác động sư phạm tích cực có thể đảm bảo hình thành những phẩm
chất đạo đức phù hợp với những mục đích và nhiệm vụ giáo dục cộng sản chủ
nghĩa cho con người.
Ở tuổi mẫu giáo, được sự hướng dẫn của người lớn, trẻ tiếp thu những
kinh nghiệm đầu tiên về hành vi, về quan hệ với người thân, bạn bè, với các
đồ vật và thiên nhiên, lĩnh hội các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội mới, có khả
năng to lớn trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo thông qua các hình
thức hoạt động khác nhau, có thể hình thành tốt một số phương thức điều
khiển các hành vi của mình, tính tích cực và tính độc lập, sự quan tâm đến các
quan hệ xã hội.
Những ấn tượng đầu tiên của thời thơ ấu để lại dấu vết trong suốt cả
cuộc đời sau này. So với việc giáo dục thì việc cải tạo (hay giáo dục lại) là
một quá trình lâu dài và khó khăn hơn nhiều. Giáo dục đúng đắn sẽ hạn chế
sự tích luỹ kinh nghiệm tiêu cực của trẻ, ngăn cản sự phát triển các kĩ xảo và
thói quen hành vi xấu mà có ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành những
phẩm chất đạo đức của trẻ.
1.2.2. Các nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo:
Nhiệm vụ cơ bản của giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo là hình thành ở
trẻ tình cảm đạo đức, kĩ xảo và thói quen hành vi đạo đức trong sự thống nhất
với những biểu tượng đạo đức và động cơ hành vi.
Trong quá trình giáo dục đạo đức, việc hình thành những tình cảm đạo
đức có vị trí quan trọng đầu tiên đối với trẻ từ những năm đầu. Điều đó phù
12
hợp với sự xuất hiện những nhu cầu mang tính chất xã hội đầu tiên ở trẻ thể
hiện trong nhu cầu giao tiếp. Lòng tốt phải trở thành cơ sở để hình thành ở trẻ
những tình cảm đạo đức khác.
Cần nhấn mạnh đặc biệt đến sự chân thành trong tình cảm với hành
động của trẻ, ở các độ tuổi khác nhau, tình cảm phải được phát triển ở một
mức độ cao hơn.
Việc hình thành các kĩ xảo và thói quen đạo đức cho trẻ mẫu giáo có
tầm quan trọng hàng đầu trong quá trình đức dục. Đặc điểm ở trẻ mẫu giáo là
khả năng bắt chước. Trong khi đó, trẻ chưa thực sự phát triển tính tự giác của
hành vi, chưa biết kiểm tra hành động của mình, chưa hiểu nội dung đạo đức
của hành vi, điều đó có thể dẫn đến những hành động xấu. Bởi vậy, phải hình
thành ở trẻ những kĩ xảo và thói quen hành vi khác nhau thể hiện lòng kính
trọng đối với người lớn( nghe lời, chào hỏi, cảm ơn) thái độ tốt với bạn bè
(quan tâm, nhường nhịn) ý thức giữ gìn các đồ vật (bảo vệ, xếp dọn, giữ gìn
các đồ chơi, sách vở) và ý thức hành vi văn hoá ở nơi công cộng (không nói
to, không làm ảnh hưởng đến người khác, quần áo lịch thiệp )
Ở các độ tuổi khác nhau, yêu cầu và kĩ xảo về thói quen đạo đức cần
được nâng cao dần.
Quá trình giáo dục đạo đức có nhiệm vụ hình thành ở trẻ những biểu
tượng( khái niệm) có tiêu chuẩn đạo đức của xã hội XHCN khi giáo dục các
kĩ xảo và thói quen hành vi đạo đức, cô giáo phải tiến hành giải thích để trẻ
hiểu rõ ích lợi, sự công bằng, tính chất đúng đắn của hành động mà cô yêu
cầu các em làm. Giáo viên có nhiệm vụ phát triển các khái niệm đạo đức sơ
đẳng ở trẻ và trên cơ sở đó hình thành các động cơ hành vi. Bằng các dẫn
chứng cụ thể giáo viên giải thích cho các em nên hành động như thế nào.
13
Các nhiệm vụ giáo dục tình cảm đạo đức, hình thành các khái niệm đạo
đức, thói quen đạo đức và động cơ hành vi được thực hiện thống nhất trong
quá trình giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo.
1.2.3. Nội dung giáo dục đạo đức
a) Giáo dục lòng nhân ái( tình thương) và những nhân tố sơ đẳng của lòng
yêu nước:
Sống trong tình thương( được mọi người yêu mến và yêu mến mọi
người) là hạnh phúc của trẻ thơ. Giáo dục tình thương cũng đồng thời đáp ứng
một nhu cầu sống của trẻ. Tình thương suy cho đến cùng, cũng là gốc đạo đức
của con người. Vì vậy giáo dục lòng nhân ái cần đựơc coi là nhiệm vụ trung
tâm của công tác giáo dục đạo đức cho trẻ.
Giáo dục lòng nhân ái cho trẻ bao gồm những nội dung cơ bản sau:
Giáo dục tình yêu gia đình: trẻ cần hiểu mọi người trong gia đình đều
gắn bó với nhau trong tình ruột thịt, cần thường xuyên sống hoà thuận và
quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Trong gia đình, ai cũng làm việc hoặc học hành,
đó là những việc làm nghiêm túc có ích cho gia đình và xã hội, cần được tôn
trọng (chẳng hạn không quấy rầy, vòi vĩnh khi bố mẹ đang làm việc, anh hoặc
chị đang học)
Giáo dục tình yêu và thái độ quan tâm đối với mọi người yêu mến và
sẵn sàng giúp đỡ cô giáo và các bạn trong lớp, kính trọng và quan tâm, giúp
đỡ người già yếu, yêu mến, nhường nhịn, chăm sóc các em nhỏ, niềm nở với
mọi người.
Giáo dục tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống yêu cây cỏ, chim
muông, các súc vật có ý thức bảo vệ thiên nhiên không hành hạ, làm đau
đớn các sinh vật.
14
Cùng với việc giáo dục lòng nhân ái, cần chú ý từng bước nhẹ nhàng
những nhân tố sơ đẳng tạo nên nền tảng ban đầu cho việc giáo dục lòng yêu
nước thực sự có ý thức sau này khi trẻ đủ khôn lớn.
Đối với trẻ mẫu giáo cần giáo dục tình yêu đối với Bác Hồ, biết lá cờ
Tổ quốc, quan tâm đến các ngày lễ lớn hoặc những sự kiện quan trọng trong
nước hoặc ở địa phương, những thắng cảnh hoặc di tích lịch sử ở địa phương,
những truyền thuyết lịch sử, những biến đổi tích cực trong đời sống địa
phương Tất nhiên sự hiểu biết của trẻ ở đây còn rất nhiều hạn chế, nhưng sự
đồng cảm mang ý nghĩa xã hội đó của trẻ dù còn non nớt và chưa thực sự hình
thành, cũng có những tác dụng tiềm năng, tích cực đối với sự phát triển tình
cảm đạo đức của trẻ.
b) Giáo dục quan hệ bè bạn, xây dựng lớp đoàn kết thân ái:
Đến lứa tuổi mẫu giáo, trẻ bắt đầu cùng chơi với nhau. Một quan hệ
mới giữa các trẻ bắt đầu hình thành và phát triển đồng thời có ảnh hưởng sâu
sắc đến việc hình thành nhân cách, đến bộ mặt đạo đức của từng trẻ. Đó là
quan hệ bạn bè.
Giáo dục quan hệ bạn bè cho lứa tuổi mẫu giáo vừa là một nhiệm vụ
đức dục quan trọng vừa là một công vịêc phức tạp, tế nhị đòi hỏi cô giáo phải
nắm vững nội dung cơ bản theo từng độ tuổi để có những tác động thích hợp
và kịp thời.
c) Giáo dục những quy tắc lễ phép văn hoá; những tính tốt:
Giáo dục cho trẻ những quy tắc lễ phép (chào hỏi, thưa gửi, xin và cảm
ơn ) những quy tắc hành vi có văn hoá ở những nơi công cộng, những cách ứng
xử tốt đẹp với mọi người.
Những nhiệm vụ giáo dục đạo đức nêu trên cần kết hợp chặt chẽ với
nhiệm vụ giáo dục những tính tốt cho trẻ. Đối với trẻ mẫu giáo cần kịp thời phát
triển, biểu dương, nuôi dưỡng và phát triển những tính tốt của trẻ ngay khi nó có
15
biểu hiện manh nha. Ngược lại cần tìm ra nguyên nhân và kiên quyết ngăn chặn,
uốn nắn khi thấy ở trẻ bắt đầu xuất hiện một tính xấu nào đó. Một số tính tốt cần
đặc bịêt cần chú ý rèn luyện cho trẻ là: tính tự lập; tính mạnh dạn; tính ngăn nắp;
tính kỉ luật;
Cuối cùng, cần chú ý là giáo dục những quy tắc hành vi, những nét tính
cách cho trẻ phải phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, không làm cho trẻ mất đi cái
ngây thơ, hồn nhiên của lứa tuổi. Một nền tảng đạo đức tốt khiến trẻ càng dễ hoà
mình vào cuộc sống xung quanh, tạo nên cái thoải mái, hạnh phúc của tuổi thơ,
tuyệt nhiên không làm cho trẻ thêm xét nét, lo hãi, sống mất hồn nhiên “già
trước tuổi”.
1.2.4. Phương pháp giáo dục đạo đức:
* Khái niệm và sự phân loại:
Phương pháp giáo dục đạo đức là cách thức tác động, cách thức tổ chức
hoạt động cho trẻ của nhà giáo dục nhằm hình thành ở trẻ những phẩm chất đạo
đức cộng sản theo mục đích giáo dục.
Các phương pháp giáo dục gây nên một tác động tổng hợp phức tạp lên
trẻ, ít khi chúng đựơc sử dụng riêng lẻ, tách rời nhau. Do sự phát triển của lí
luận, người ta tập hợp và phân loại các phương pháp giáo dục để xem xét vấn đề
phương pháp có hệ thống hơn, song đó cũng chỉ là những quy ước. Trong lí luận
và thực tiễn sư phạm hiện nay, người ta phân loại các phương pháp giáo dục đạo
đức thành hai nhóm chủ yếu:
1) Nhóm các phương pháp hình thành các khái niệm, niềm tin gồm
có: Phương pháp giải thích và thuyết phục, phương pháp nêu gương.
2) Nhóm các phương pháp rèn luyện kĩ năng kĩ xảo và thói quen hành
vi là phương pháp tổ chức hoạt động thực tiễn gồm các hình thức luyện tập và
thực hành trong cuộc sống (rèn luyện).
16
- Bên cạnh hai nhóm phương pháp giáo dục cơ bản ở trên, người ta còn sử
dụng nhóm phương pháp hỗ trợ, đó là các phương pháp động viên và đánh giá
gồm các phương pháp khen ngợi và chê trách, nhận xét và phê bình.
* Tổ chức hoạt động thực tiễn giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục đạo
đức cho trẻ mẫu giáo. Việc tổ chức kinh nghiệm đạo đức thực tiễn thể hiện trong
các hình thức luyện tập và rèn luyện. Luyện tập là đặt trẻ vào những tình huống
do giáo viên tạo ra để trẻ phải hành động phù hợp với các tiêu chuẩn và quy tắc
hành vi.
Còn rèn luyện là thực hành trong cuộc sống những khái niệm, tiêu chuẩn,
quy tắc hành vi.
* Các nhóm phương pháp cụ thể:
1) Nhóm phương pháp hình thành khái niệm và niềm tin đạo đức hay là
phương pháp thuyết phục có nhiều phương pháp cụ thể:
Phương pháp giảng giải giúp trẻ hiểu ý nghĩa của các hành động cụ thể và
quy tắc hành vi, nhận thức đựơc ý nghĩa của sự cần thiết phải thực hiện chúng
trong cuộc sống bình thường của tập thể. Trong giảng giải cũng cần nêu lên động
cơ của hành động, sự cần thiết và lợi ích của hành động để thuyết phục trẻ về
tính đúng đắn của các quy tắc đạo đức.
Nêu gương là một phương pháp đạo đức được sử dụng nhiều đối với trẻ
mẫu giáo. Cơ sở tâm lí của phương pháp này là khuynh hướng bắt chước được
thể hiện rõ ở trẻ, là nguyện vọng muốn hành động để được khen ngợi. Những
tấm gương của các bạn đựơc cô khen ngợi, tấm gương của chính giáo viên đều
có ý nghĩa giáo dục quan trọng. Thái độ, cử chỉ nhẹ nhàng, lịch thiệp, vui vẻ của
cô giáo; một cử chỉ nhường nhịn của một em nhỏ, tính cẩn thận sắp xếp đồ dùng
của một em khác đều có tác động trực tiếp đến các trẻ nêu gương giúp ta có thể
giáo dục trẻ bằng những hành động và việc làm cụ thể, có sức tác động một cách
trực quan dễ hiểu. Những tấm gương của người lớn trong hoạt động xã hội và
17
trong cuộc sống, những tấm gương trong các tác phẩm nghệ thuật cũng có tác
động mạnh mẽ đến trẻ em.
2) Bên cạnh các nhóm phương pháp cơ bản ở trên, trong quá trình giáo
dục đạo đức cũng cần phải sử dụng các phương pháp hỗ trợ.
Khen ngợi và chê trách những hành động của trẻ hay của những người
xung quanh trẻ là phương pháp giáo dục đựơc sử dụng để giúp trẻ hiểu rõ các
hành động nào là tốt, xấu; đúng, sai hiểu rõ yêu câu của các quy tắc đạo đức,
cùng những nét tính cách đẹp. Khen ngợi gây cho trẻ lòng mong muốn làm điều
tốt và thể hiện hành động, hành vi. Còn chê trách gây cho trẻ cảm xúc hối hận,
giúp ngăn ngừa những hành động xấu. Khen ngợi phải kịp thời công bằng, vừa
biểu lộ yêu cầu vừa biểu lộ tôn trọng đối với khả năng của trẻ. Khen ngợi vừa
phải căn cứ vào kết quả vừa căn cứ mức cố gắng của trẻ. Khi chê trách phải tìm
hiểu rõ động cơ của hành động để đánh giá trẻ chính xác, chê trách phải nhằm
mục đích ngăn ngừa xảy ra các hành động xấu là chủ yếu.
Nhận xét và phê bình là các phương pháp giáo dục cần thiết. Nhận xét
được áp dụng khi các hành vi còn dễ sửa chữa, không có tác hại đến bản thân trẻ
cũng như đến các em khác (chẳng hạn nhận xét một em đùa nghịch lúc xếp hàng
đi dạo, một em rung rinh ghế ngồi trong bữa ăn ). Còn phê bình được sử dụng
khi hành vi đã lặp lại nhiều lần, khó sửa chữa cô giáo phải phê bình để thể hiện
sự đánh giá những hành động xấu.
Cưỡng bức với tư cách là một phương pháp giáo dục được áp dụng khi tất
cả các phương pháp giáo dục khác đã sử dụng không đem lại kết quả. Một vài
em cá biệt nào đó vẫn không thay đổi theo chiều hướng tốt, trẻ vẫn nói tục, trêu
chọc bạn, không tuân theo yêu cầu của người lớn, vi phạm nội quy Cưỡng bức
là phương pháp giáo dục đồng thời cũng là biện pháp chừng phạt. Cô giáo bắt trẻ
không đựơc chơi hay ở gần cô, nếu trẻ cản trở bạn, trêu trọc bạn, cướp đồ chơi
của bạn Cưỡng bức luôn đi với giải thích để các em luôn hiểu rõ vì sao bị phạt,
18
thuyết phục các em về tính cần thiết phải thực hiện những quy tắc chung của mọi
người. Song tuyệt đối không trừng phạt các em về thể xác như bắt nhịn ăn, đánh
đập, đe doạ, nhốt trẻ vào trong một nơi không thích hợp
3) Hệ thống các phương pháp đựơc kết hợp khi sử dụng cho phù hợp
với trẻ em ở từng độ tuổi. Mỗi phương pháp đều có tác động riêng, không có
phương pháp nào là vạn năng, là thích hợp với mọi hoàn cảnh khi tiếp xúc với
trẻ. Giáo viên phải biết kết hợp đúng đắn các phương pháp khác nhau. Khi sử
dụng luôn chú ý đến đặc điểm lứa tuổi, các đặc điểm cá nhân, trình độ đựơc giáo
dục của mỗi trẻ em và của toàn lớp.
1.3. Một số đặc điểm tâm sinh lí của trẻ mẫu giáo lớn:
1.3.1. Đặc điểm sinh lí:
Ở trẻ mẫu giáo lớn, sự phát triển diễn ra chậm hơn so với giai đoạn
trước. Về số lượng: chiều cao trung bình cao từ 4- 6 cm đạt 105,5- 125,5cm;
về cân nặng tăng khoảng 15,7kg. Có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng.
Về hệ thần kinh, trẻ 5-6 tuổi, cường độ và tính linh hoạt của các quá
trình thần kinh tăng rõ rệt. Trẻ có thể tập trung chú ý vào một đối tượng nhất
định trong thời gian 15- 20 phút. Đồng thời ở lứa tuổi này vai trò của hệ thống
tín hiệu ngày càng tăng. Tư duy ngày càng tăng, ngôn ngữ bên trong xuất
hiện. Chức năng khái quát hoá của từ đã có bước nhảy vọt gần như ở người
lớn ở chỗ, sự khái quát hoá được thể hiện theo hoạt động với đồ vật. Vì thế, tư
duy bằng hành động vẫn giữ vai trò quan trọng trong thần kinh cấp cao của
trẻ. Ở lứa tuổi này trẻ có thể học đọc và học viết. Ngoài ra, do sự phát triển
của hệ thần kinh nên số lần ngủ trong ngày và thời gian ngủ của trẻ cũng giảm
xuống còn 11 giờ trong ngày.
Về hệ vận động, trẻ 5- 6 tuổi có sự phối hợp vận động của nhiều nhóm
cơ như người lớn. Còn việc tiếp thu những thói quen vận động còn phụ thuộc
vào đặc điểm của từng cơ thể trẻ, nhất là luyện tập phù hợp.
19
Về hệ tuần hoàn, thành phần máu của trẻ 5- 6 tuổi cũng tăng lên và biến
đổi về chất: huyết sắc tố: 80-90%, hồng cầu 4,5-5 triệu đơn vị, bạch cầu: 7-10
nghìn, tiểu cầu 200- 300 nghìn. Ngoài ra, tần số co bóp của tim cũng tăng lên
từ 80- 110 lần trong phút.
Về hệ hô hấp, nhịp thở của trẻ giảm dần, cơ quan phát âm của trẻ cũng
phát triển và hoàn thiện làm cho ngôn ngữ của trẻ cũng phát triển.
1.3.2. Đặc điểm tâm lí:
Trẻ mẫu giáo lớn đã sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt
hàng ngày. Trẻ nắm vững ngữ âm và ngữ điệu khi sử dụng tiếng mẹ đẻ. Trẻ
mẫu giáo lớn đã biết sử dụng ngữ điệu một cách phù hợp với nội dung giao
tiếp. Trẻ thường sử dụng ngữ điệu êm ái để biểu thị tình cảm yêu thương trìu
mến. Ngược lại, khi giận giữ trẻ lại dùng ngữ điệu thô và mạnh.
Phát triển vốn từ và cơ cấu ngữ pháp. Vốn từ của trẻ mẫu giáo lớn tích
luỹ được khá phong phú.
Vì thế, trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo lớn đã có thể hiểu phần lớn các nội dung
câu chuyện mà trẻ được nghe và thể hiện chúng khá sinh động khi tham gia các
tiết kể lại chuyện hay đóng kịch. Trẻ hiểu nội dung nên dễ dàng tiếp nhận các bài
học rút ra từ câu chuyện cũng như tự mình hiểu được trong câu chuyện nhân vật
nào đáng khen, nhân vật nào đáng chê, đáng khen, đáng chê ở điểm nào, cần
phải học tập ai và phê bình ai.
Khi mới bước vào tuổi mẫu giáo, đứa trẻ chưa hiểu biết gì mấy gì về bản
thân mình và những phẩm chất của mình. Nhưng đến cuối tuổi mẫu giáo trẻ mới
hiểu được mình là người như thế nào, có những phẩm chất gì, những người xung
quanh đối xử với mình ra sao, và tại sao mình có hành động này hay hành động
khác… Ý thức bản ngã hay sự tự ý thức được thể hiện rõ nhất trong sự tự đánh
giá về thành công hay thất bại của mình, về những ưu điểm hay khuyết điểm của
bản thân, về những khả năng và cả sự bất lực nữa.
20
Để đánh giá bản thân một cách đúng đắn, đầu tiên đứa trẻ phải học cách
đánh giá người khác và nghe những người xung quanh đánh giá về mình như thế
nào.
Thoạt đầu sự đánh giá của trẻ về người khác (cử chỉ, phẩm chất) còn phụ
thuộc nhiều vào tình cảm của nó đối với người này. Trẻ mẫu giáo thường lĩnh
hội những chuẩn mực và quy tắc hành vi như là những thước đo để đánh giá
người khác và đánh giá bản thân. Nhưng do tình cảm còn chi phối mạnh nên
không cho phép nó dùng thước đo ấy để đánh giá hành vi của những người khác
cũng như của chính mình một cách khách quan. Đến tuổi mẫu giáo lớn, trẻ mới
nắm được kĩ năng so sánh mình với người khác, điều này là cơ sở để tự đánh giá
một cách đúng đắn hơn và cũng là cơ sở để trẻ noi gương những người tốt, việc
tốt.
Ở tuổi mẫu giáo lớn, sự tự ý thức còn được thể hiện rõ trong sự phát triển
giới tính của trẻ. Ở tuổi này trẻ không những nhận ra mình là trai hay gái mà còn
biết rõ ràng nếu mình là trai hay gái thì hành vi phải thể hiện như thế nào cho
phù hợp với giới tính của mình. Ở đây tấm gương của người lớn tác động rất
mạnh đến trẻ.
Vì thế, giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn đã dễ dàng hơn rất nhiều vì
trẻ đã lớn hơn, hiểu biết hơn, ý thức và tự ý thức cũng phát triển. Trẻ không còn
phụ thuộc nhiều vào người khác nữa, trẻ đã biết tự suy nghĩ về hành động của
bản thân cũng như của người khác và đánh giá chúng một cách khá chính xác.
Ở tuổi mẫu giáo lớn việc đặt mục đích cho hành động và lập kế hoạch để
thực hiện hành động thường được thể hiện rất rõ nét. Điều đó thúc đẩy các hành
động định hướng bên trong (tức là các quá trình tâm lí) phát triển mang tính chủ
định rõ ràng
Tuổi mẫu giáo lớn là thời kì trẻ đang phát tiến vào bước ngoặt với sự biến
đổi của hoạt động chủ đạo. Hoạt động vui chơi vốn giữ vai trò chủ đạo trong
21
suốt thời kì mẫu giáo, nay những yếu tố của hoạt động học tập bắt đầu nảy sinh
để tiến tới giữ vị trí chủ đạo ở giai đoạn sau bước ngoặt 6 tuổi.
Bước ngoặt 6 tuổi là một sự kiện quan trọng khiến các nhà giáo dục cần
phải quan tâm, một mặt là để giúp trẻ hoàn thiện những thành tựu phát triển tâm
lí trong suốt thời kì mẫu giáo, mặt khác là tích cực chuẩn bị cho trẻ có đủ điều
kiện để làm quen dần với hoạt động học tập và cuộc sống ở trường phổ thông.
Một mặt quan trọng của trình độ chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lí cho việc
học tập là làm sao cho trình độ phát triển ý chí của trẻ đủ sức để có thể điều
chỉnh hành vi của mình tuân theo nội quy của nhà trường và thực hiện những
yêu cầu của giáo viên hay của tập thể lớp đề ra, tự giác tuân theo quy định nơi
công cộng.
Những hoạt động trí tuệ như quan sát, trí nhớ, tư duy… cần phải được đạt
tới một mức độ nhất định để có thể lĩnh hội các tri thức khoa học một cách dễ
dàng.
Cuối cùng, trình độ chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lí cho việc học tập ở
trường phổ thông bao gồm những phẩm chất của nhân cách giúp trẻ nhanh
chóng gia nhập vào tập thể lớp, tìm được vị trí của mình trong tập thể đó, có ý
thức trách nhiệm khi tham gia vào hoạt động chung. Đó là những động cơ xã hội
của hành vi, là cách ứng xử với người xung quanh, là kĩ năng xác lập và duy trì
những mối quan hệ qua lại lẫn nhau với các bạn cùng lứa tuổi.
Chính vì thế khi giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo lớn người ta đã chú ý
để giáo dục trẻ các quy tắc, lễ nghi, phép lịch sự cần có cũng như trang bị cho trẻ
một số kĩ năng cần thiết… để trẻ tự tin bước vào một môi trường mới với hoạt
động chủ đạo mới.
1.4. Những nét đặc trưng cơ bản của tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi:
Văn học thiếu nhi nằm trong nghệ thuật sáng tác văn học nói chung, vì
thế, nó cũng mang đầy đủ những đặc điểm của sáng tác nghệ thuật ngôn từ.
22
Nhưng do đối tượng phục vụ chủ yếu là trẻ em nên nó có những đặc điểm được
nhấn mạnh.
Trước hết tính giáo dục được coi là một trong những đặc trưng cơ bản
nhất của văn học dành cho thiếu nhi. Văn học thiếu nhi có vai trò vô cùng to lớn
trong việc giáo dục toàn bộ nhân cách trẻ em, cả về đạo đức, trí tuệ và thẩm mĩ.
Nhà văn Tô Hoài- người có nhiều kinh nghiệm trong sáng tác cho các em đã
khẳng định tầm quan trọng của chức năng này: “Nội dung một tác phẩm văn học
viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người.
Nói thì thừa, cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính và có giá trị
đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của
bạn đọc ấy.”
Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, tác phẩm văn học phải thực sự là
người bạn đồng hành, người đối thoại với các em. Nhà văn không thể nói với các
em bằng những lời giáo thuyết khô khan mà phải bằng hình tượng nghệ thuật,
bằng ngôn ngữ giản dị, trong sáng để khơi gợi, dẫn dắt các em tìm hiểu và khám
phá thế giới. Các em phải biết phân biệt cái hay, cái dở; cái cao quý, cái thấp hèn
trong cuộc sống. Văn học phải mang lại cho trẻ thơ cái đẹp, cái cao quý, cái
chân, thiện. Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan chức năng giáo dục của văn
học dành cho thiếu nhi. Không nên nghĩ rằng sau khi đọc một tác phẩm là ngay
lập tức các em có thể trở thành người tốt hay người xấu. Những ảnh hưởng của
văn học tới các em là một quá trình lâu dài và bền bỉ. Nó tác động một cách từ từ
nhưng giá trị nhân văn của nó thì có thể tạo nên sức mạnh., ảnh hưởng sâu sắc
tới sự hình thành và phát triển nhân cách của con người.
Nếu tính giáo dục là một đặc trưng có tính chất sống còn của văn học
thiếu nhi thì khả năng khơi gợi, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ cũng
là một đặc điểm không thể thiếu trong văn học viết cho các em. Hơn bất cứ loại
hình nghệ thuật nào, sáng tác văn học thiếu nhi phải đặc biêt quan tâm tới đặc
23
điểm tâm lí của lứa tuổi thiếu nhi. Chính điều này cũng làm nên sự khác biệt
giữa văn học thiếu nhi và văn học cho người lớn. Tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ,
tâm hồn trong sáng dạt dào cảm xúc và trí tưởng tượng phong phú. Các em cảm
nhận thế giới bằng cái nhìn “vật ngã đồng nhất”, bầu bạn với hết thảy vạn vật
xung quanh Chính vì vậy mà tưởng tượng là một yếu tố không thể thiếu trong
các tác phẩm văn học viết cho các em. Muốn vậy, nhà văn viết cho các em phải
thực sự hòa nhập với cuộc sống của trẻ thơ, hiểu và sống hết mình với tuổi thơ
mới có thể tạo ra được sự cộng hưởng với trẻ thơ trong sáng tác.
Văn học viết cho trẻ em lứa tuổi mầm non do đối tượng phục vụ chủ yếu
là những “bạn đọc” còn chưa biết đọc, biết viết nên ngoài những tiêu chí chung
của văn học nó còn có những đặc điểm được nhấn mạnh, phù hợp với tâm sinh lí
đặc thù của lứa tuổi này. Có thể kể ra một số đặc trưng cơ bản sau:
Hồn nhiên và ngây thơ vốn là bản tính của trẻ thơ và những sáng tác của
các em thực sự cuốn hút người đọc chính bởi sự hồn nhiên, ngây thơ, trong trẻo
của các em. Ví dụ:
Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con.
(Phan Thị Vàng Anh)
Người lớn muốn viết cho các em phải học được sự hồn nhiên, ngây thơ ấy
thì tác phẩm mới hi vọng đem lại sự thành công. Tất nhiên không phải là sự hồn
nhiên theo kiểu “cưa sừng làm nghé”, kiểu cố tình làm ra vẻ ngây thơ (trở thành
ngây ngô) mà phải thực sự hiểu để có thể hóa thân sống cùng con trẻ.
Ngắn gọn và rõ ràng
Sự ngắn gọn không chỉ thể hiện ở dung lượng của tác phẩm mà còn thể
hiện trong cả câu văn, câu thơ. Văn xuôi thường thể hiện bằng câu đơn, ngắn, ít
24
khi dùng câu phức hợp. Nhan đề của tác phẩm bao giờ cũng cụ thể, thường đúc
kết ngay ý nghĩa giáo dục, có khi là tên nhân vật chính, hoặc một câu hỏi mang
tính định hướng, ví dụ: Bó hoa tặng cô, Cái bát xinh xinh, Ai đáng khen nhiều
hơn, Bài học tốt… Truyện thường có kết cấu theo kiểu đối lập, tương phản rất rõ
ràng, giúp trẻ dễ nắm được cốt truyện, dễ hiểu nội dung, ý nghĩa của câu chuyện
và có thể kể lại một cách dễ dàng. Ví dụ: Chú dê đen, Ai đáng khen nhiều hơn,
Ba cô gái, Bác Gấu đen và hai chú thỏ…
Dạng phổ biến của thơ viết cho các em là thể thơ 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ, rất
gần với đồng dao, một thể loại văn học dân gian phù hợp với trẻ thơ, câu thơ
ngắn, vui nhộn; các em vừa đọc, vừa chơi, dễ thuộc, dễ nhớ. Ví dụ:
Cây dây leo
Bé tí teo
Ở trong nhà
Lại bò ra
Ngoài cửa sổ
Và nghển cổ
Lên trời cao
Hỏi: “Vì sao?”
Cây trả lời:
- Ra ngoài trời
Cho dễ thở…
(Xuân Tửu- Cây dây leo)
Bên cạnh đó, truyện thường có kết cấu đối lập tương phản với hai loại
nhân vật thiện- ác, tốt- xấu (kiểu kết cấu của cổ tích) phù hợp với lối tư duy cụ
thể của trẻ dễ nắm được cốt truyện, dễ hiểu nội dung, ý nghĩa của câu chuyện và
có thể kể lại một cách dễ dàng. Ví dụ: Chú dê đen, Ai đáng khen nhiều hơn, Ba
cô gái, Bác gấu đen và hai chú thỏ…
25
Giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu:
Những hình ảnh đẹp, rực rỡ cùng với vần điệu và nhạc điệu vui tươi làm
cho tác phẩm thêm sinh động, có sức hấp dẫn và lôi cuốn sự chú ý của các em.
Có thể nói vần là một yếu tố không thể thiếu trong thơ viết cho các em (điều này
rất khác với thơ viết cho người lớn, nhiều khi vần không phải là yếu tố thật quan
trọng). Thơ không chỉ có vần mà còn phải có cách gieo vần thật phù hợp với sự
tiếp nhận của các em. Ví dụ:
Bắp cải xanh
Xanh mát mắt
Lá cải sắp
Sắp vòng tròn
Búp cải non
Nằm ngủ giữa.
(Phạm Hổ- Bắp cải xanh)
Chữ cuối của câu thứ nhất (xanh) được lặp lại trong chữ đầu của câu thứ
hai; chữ cuối của câu thứ ba (sắp) được lặp lại ở chữ đầu cảu câu thứ tư gợi lên
hình dáng của cây bắp cải với những lá xanh xen kẽ, cuộn vòng tròn…
Bài thơ Mời vào của Võ Quảng như một hoạt cảnh vui không chỉ vì sự
xuất hiện ngộ nghĩnh của các nhân vật cùng vơi các sự kiện mà còn bởi sự kết
hợp của các thanh trắc, thanh bằng tạo nên nhạc tính của bài:
- Cốc, cốc, cốc!
- Ai gọi đó?
- Tôi là thỏ
- Nếu là thỏ
Cho xem tai.
- Cốc ,cốc, cốc!