Tải bản đầy đủ (.pdf) (84 trang)

Hình tượng con người cô đơn và sự vận động của nó trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (585.81 KB, 84 trang )


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI II





NGUYỄN THỊ HOA








HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI CÔ ĐƠN VÀ SỰ VÂN ĐỘNG
CỦA NÓ TRONG THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU





Chuyên ngành : LÍ LUẬN VĂN HỌC














Hà Nội 2009

1

I- PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Tính vấn đề.
1.1.1 Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá
thế giới, tác giả của truyện Nôm nổi tiếng Đoạn trường tân thanh hay còn gọi là
Truyện Kiều. Nghiên cứu về Nguyễn Du và tác phẩm của ông, lý giải về con
người và số phận của ông là một công việc mà giới nghiên cứu đã làm nhiều và
đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống, vẫn còn
những mạch ngầm chưa được đi sâu, khơi kỹ.
1.1.2. Để hiểu về con người Nguyễn Du, người ta thường dựa vào Truyện
Kiều. Song tác phẩm này lại được nhà thơ chuyển thể từ Kim Vân Kiều truyện
của Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc và hầu như tác giả truyện Nôm đã
giữ những yếu tố cơ bản về nhân vật, cốt truyện, nên việc làm đó sẽ còn nhiều
khuyết thiếu. Cần khai thác hiệu quả gia phả dòng họ Tiên điền và đặc biệt qua
các bài thơ chữ Hán, đó thực sự là bằng chứng trung thực nhất nhà thơ để lại.
1.1.3. Có thể xem phần thơ chữ Hán với ba tập thơ: Thanh hiên thi tập,
Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục là cuốn nhật ký về cuộc đời Nguyễn
Du từ năm ông 21 tuổi đến 49 tuổi( trước khi chết 5 năm). Trong đó, mỗi bài thơ
là một lời tâm sự. Bức chân dung tinh thần được dựng lên và dần hoàn thiện khi

kết thúc cả ba tập thơ. Ở đây, chúng ta thấy, gần như độc chiếm thi giới chữ Hán
Nguyễn Du là con người cô độc, sầu não, con người triền miên trong suy tưởng
u ám về cõi người, cõi đời.
1.1.4. Hình tượng con người cô đơn, con người lạc thời chính là mạch
ngầm, là năng lượng của toàn bộ sáng tác chữ Hán của Nguyễn Du. Và nó xuất
hiện cùng với sự vận động nội tại hướng tới sự trưởng thành trong nhận thức và
tư tưởng. Vấn đề này đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu về Nguyễn Du và
thơ chữ Hán của ông, nhưng chưa được đi sâu xứng đáng. Khai thác triệt để khía
cạnh này sẽ tạo ra những thuận lợi đáng kể cho việc nghiên cứu toàn diện con
người và tác phẩm của Nguyễn Du.
2

1.2. Tình hình nghiên cứu
1.2.1. Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1954
Trong giai đoạn này, thơ chữ Hán Nguyễn Du chưa được sưu tầm và giới
thiệu rộng rãi. Những người mở đường nghiên cứu là Lê Thước, Đào Duy Anh,
đã khơi lên nhiều tâm sự sâu kín mà Nguyễn Du gửi gắm trong thơ chữ Hán.
1.2.2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1975
Thời kỳ này đất nước đang bị chia cắt, tình hình nghiên cứu về thơ chữ
Hán của Nguyễn Du ở mỗi miền có sự khác nhau. Miền Bắc đạt được nhiều
thành tựu hơn.
Từ Trương Chính, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Kỷ, giá trị nhân đạo và khuynh
hướng hiện thực trong thơ chữ Hán Nguyễn Du đã được khẳng định. Tiếp sau có
thể kể đến Xuân Diệu với sự quan tâm nhiều hơn đến chiều sâu của nỗi đau đời,
Lê Trí Viễn với sự đề cao khuynh hướng phê phán xã hội và tinh thần nhân đạo,
Nguyễn Huệ Chi với phát hiện tác giả chính là một hình tượng nghệ thuật trong
thơ của mình, Vũ Đình Liên và nhận thức Nguyễn Du là một tâm hồn lạc loài
trong xã hội phong kiến, bắt nguồn từ niềm khát khao về cái đẹp đẽ trong tâm
hồn chứ không chỉ là nỗi đau đời trong thơ ông. Tiếp theo là khẳng định của
Nguyễn Lộc trong “Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII”, mục “Thơ chữ

Hán Nguyễn Du và tâm sự của nhà thơ”; Nguyễn Du không phải là nhà thơ chỉ
biết đến số phận riêng của cá nhân mình…, chỉ quan tâm đến triều đại này, triều
đại khác mà Nguyễn Du là nhà thơ biết đặt lòng mình nơi những con người đau
khổ. Và nổi bật trong giai đoạn này là những nhận định của Lê Đình Kỵ về con
người hiện thực Nguyễn Du. Và ta thấy vấn đề cuộc đời mới là trung tâm những
suy nghĩ, day dứt của ông, đồng thời cội nguồn sức sống của tác phẩm chính là
tư tưởng nhân đạo.
1.2.3. Giai đoạn từ năm 1975 đến nay
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã được giới nghiên cứu quan tâm xứng
đáng. Nhiều công trình đã khám phá, khẳng định được các vấn đề trên cả diện
rộng và bề sâu.
3

Đặng Thanh Lê, trong giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII-
nửa đầu thế kỷ XIX rất quan tâm đến sự phong phú của nguồn đề tài và cảm
hứng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Tác giả đã nêu lên những vấn đề lớn;
thân thế long đong, đau khổ của nhà thơ, cảm quan lịch sử và cảm quan thế sự,
một số bài còn mang đậm cảm quan tôn giáo; song bao trùm lên tất cả là tâm
hồn nghệ sĩ luôn trân trọng và xót xa cho những giá trị tốt đẹp của cuộc sống bị
chà đạp. Đây là sự nhận thức sâu sắc hơn về nỗi đau của một tâm hồn nghệ sĩ.
Năm 1996, cuốn Nguyễn Du toàn tập do Mai Quốc Liên chủ biên đã
khẳng định:” Những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm
năng vô tận về ý nghĩa mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ ca của ông
cha ta đã đành, mà cũng mới lạ và độc đáo so với thơ chữ Hán Trung Quốc
nữa”. Các tác giả cũng thấy rằng, nhìn vào các thi tập có thể thấy những biến đổi
lớn trong tư tưởng nhân văn, từ chỗ buồn chán trước cuộc đời vô nghĩa, ông đã
nhìn đời một cách khác…mạnh khoẻ hơn và chứa đầy những ý tưởng lớn.
Bên cạnh đó là những khám phá, đánh giá của Lê Đình Kỵ, Trần Đình Sử,
Trần Nho Thìn, và một số luận văn, luận án như Con người Nguyễn Du qua thơ
chữ Hán của Nguyễn Thị Nương, Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du

của Lê Thu Yến…
Đó là những lý do khiến người viết lựa chọn đề tài Hình tượng con
người cô đơn và sự vận động của nó trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
2. Mục đích nghiên cứu
2.1. Làm rõ sự thể hiện của hình tượng con người cô đơn trong thơ chữ
Hán của Nguyễn Du qua từng thi tập.
2.2. Làm rõ sự vận động của hình tượng con người cô đơn trong tương
quan với sự trưởng thành về tư tưởng nhân văn của nhà thơ.
2.3. Làm rõ hình tượng con người cô đơn như một sự phát triển nổi bật
của mạch riêng giữa dòng chung- chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam;
đó là hành trình khám phá và khát khao thể hiện cái Tôi nội cảm của thi sĩ mọi
thời.
4

3. Nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đi sâu khai thác một khía cạnh thể hiện của hình tượng thơ, của nhân
vật trữ tình trong thơ, đó là hình tượng con người cô đơn trong tổng thể bức
chân dung tinh thần của nhà thơ qua ba thi tập chữ Hán.
3.2. So sánh, đánh giá sự thể hiện của hình tượng con người cô đơn trong
ba tập thơ để thấy được quá trình vận động trưởng thành về tư tưởng của
Nguyễn Du.
3.3. So sánh, đối chiếu với một số tác giả và tác phẩm cùng đề tài, cùng
thời đại để định hình nhận thức vấn đề trong cái nhìn tổng thể có tính lịch sử của
mạch chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam, mở rộng so sánh để thấy
hình tượng con người cô đơn còn mang đặc điểm của thơ ca phương Đông và là
một “ tiền nhận thức” của cái TÔI trữ tình sẽ phát triển trong văn học Việt Nam
ở giai đoạn sau.
3.4. Đi sâu khai thác hình tượng con người cô đơn trong thơ Nguyễn Du
để chúng ta thấy sự vượt trước thời gian của một tư duy thơ siêu việt, và sự bộc
lộ chân nhân cách đáng trọng của một tấc lòng đời quý hoá; những điều làm nên

một đại thi hào dân tộc, đồng thời là nguồn gốc, căn nguyên của một kiếp cô
đơn, lạc thời.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Giống như việc nhìn vào tâm hồn thông qua đôi mắt, chúng tôi chỉ chọn
một khía cạnh nhỏ nhưng là nơi tập trung năng lượng tinh thần thi phẩm, là vấn
đề có tính chất “ chìa khoá vàng”; Hình tượng con người cô đơn trong thơ chữ
Hán của Nguyễn Du, để bước đầu khảo cứu, phân tích và đánh giá.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu chính mà người viết lựa chọn là ba tập thơ: Thanh
Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Ngoài ra, chúng tôi có
liên hệ với Truyện Kiều, một số tác giả, tác phẩm cùng đề tài hoặc cùng thời và
một số tác phẩm thơ Đường
5

5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp phân tích tác phẩm
5.2. Phương pháp hệ thống, tổng hợp
5.3. Phương pháp so sánh
6. Giả thuyết khoa học
- Khái quát về hình tượng con người cô đơn trong thơ chữ Hán của
Nguyễn Du qua ba thi tập; Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành
tạp lục. Qua đó, thấy được sự vận động, phát triển, trưởng thành từ nỗi cô đơn
của kẻ tha hương, thất thế đến nỗi cô đơn của một nhân cách lạc thời, bất đắc chí
và cuối cùng là nỗi cô đơn vĩ đại của một tấc lòng đời quý hoá.
- Góp phần cụ thể hơn về một nét chân dung tinh thần của vị đại thi hào
dân tộc.
6

II. NỘI DUNG

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.1. Hình tượng trữ tình và sự vận động của hình tượng thơ
1.1.1. Hình tượng nghệ thuật
Nghệ thuật là một trong những dạng của ý thức xã hội và văn hóa tinh
thần của loài người. Như các dạng khác, trong đó có khoa học, nghệ thuật là
phương tiện nhận thức đời sống. Và nghệ thuật bao giờ cũng phản ánh và lý giải
đời sống nằm ngoài giới hạn của nó theo cách riêng. Vậy, đâu là đặc điểm của
nghệ thuật, cho phép phân biệt nó với khoa học và các dạng của ý thức xã hội,
hay nói một cách khác, đâu là thuộc tính đặc trưng của nó? Trước hết, sự khác
biệt là nằm trong các phương tiện mà khoa học và nghệ thuật dùng để biểu hiện
nội dung của chúng. Điều đập ngay vào mắt trước hết là khoa học sử dụng các
khái niệm còn nghệ thuật thì sử dụng các hình tượng.
V.G. Bêlinxki viết về sự khác nhau giữa triết học và khoa học với nghệ
thuật: “Nhà triết học nói bằng phép tam đoạn luận, nhà thơ nói bằng các hình
tượng và bức tranh…Nhà kinh tế- chính trị được vũ trang bằng các số liệu thống
kê, dùng chứng minh để tác động vào trí tuệ của người đọc và người nghe…Nhà
thơ được vũ trang bằng sự miêu tả sống động và rõ nét, tác động tới trí tưởng
tượng của người đọc bằng cách trình bày hiện thực trong một bức tranh chân
thực…Một người chứng minh, một người trình bày, cả hai đều thuyết phục, chỉ
có khác là một dằng thì bằng các kết luận logic, một đằng bằng các bức tranh”.
Còn G.V.Plekhanop nói; Nghệ thuật không chỉ biểu hiện tình cảm mà còn
biểu hiện tư tưởng của nghệ sĩ nữa, và biểu hiện chúng qua “ những hình tượng
sinh động”.
Vậy, với tư cách là phương tiện biểu hiện nội dung của nghệ thuật nói
chung, và văn học nói riêng, đồng thời là phương tiện giao tiếp giữa nghệ sĩ và
bạn đọc, hình tượng nghệ thuật có vai trò rất quan trọng- quyết định giá trị nghệ
thuật của tác phẩm.
7


Theo viện Từ điển học và bách khoa thư, hình tượng nghệ thuật là phạm
trù cơ bản của mĩ học, dùng để chỉ một hình thức phản ánh hiện thực đặc thù
bằng các phương tiện nghệ thuật( Từ điển thuật ngữ văn học). Hình tượng nghệ
thuật khác với các phạm trù của tư duy khoa học( khái niệm, phán đoán, diễn
dịch), do tính chất trực tiếp của nó. Đồng thời, nó cũng khác với các phạm trù
khác như: cảm giác, tri giác, biểu tượng, vì ngoài sự phản ánh trực tiếp hiện
thực, nó còn nhằm tổng hợp các hiện tượng của đời sống theo một kiểu riêng.
Nó thâm nhập vào bản chất của các hiện tượng đó và làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa
của chúng. Hình tượng nghệ thuật làm xuất hiện trong một sự thống nhất khăng
khít các yếu tố của nhận thức trực quan tích cực và tư duy trừu tượng, nhưng
đồng thời nó cũng khác về bản chất với cả cái này và cái kia.
Hình tượng nghệ thuật có ba đặc điểm chủ yếu:
1, Vừa phản ánh cái điển hình vừa có cá tính.
2, Vừa có tính khách quan của hiện thực, vừa có tính chủ quan, thể hiện
tình cảm và những suy nghĩ của tác giả.
3, Vừa xúc cảm, vừa duy lý, thể hiện một thái độ đúng đắn đối với đối
tượng được thể hiện.
Hình tượng nghệ thuật là phương tiện nghệ thuật nhằm thể hiện cuộc
sống. Phát sinh từ cuộc sống, các hình tượng nghệ thuật trở về với cuộc sống,
tác động vào tình cảm, thức tỉnh tư duy, giúp cho con người ý thức được mình, ý
thức được mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, giữa cá nhân và xã hội, giữa
hiện thực và lý tưởng. Hình tượng nghệ thuật là điều kiện đầu tiên để tạo nên giá
trị của tác phẩm nghệ thuật.
Với văn chương, hình tượng là trọng tâm giá trị của một tác phẩm. Được
xây dựng bằng chất liệu ngôn từ với tất cả những khả năng nghệ thuật kỳ diệu
của nó, hình tượng văn học thể hiện đầy đủ và sâu sắc nhất mọi bình diện của
quan niệm về hình tượng nghệ thuật nói chung ở trên.
1.1.2. Hình tượng trữ tình.
8


Đối tượng chính của nhận thức nghệ thuật trong trữ tình là tính cách của
bản thân “người mang lời nói”, trước hết là thế giới nội tâm của anh ta, tâm
trạng và thái độ, xúc cảm của anh ta đối với cuộc đời. Tất nhiên, nhà thơ trữ tình
hoàn toàn có thể thay đổi ngôi cách, hoàn toàn có thể ghi nhận một cách nghệ
thuật những tâm trạng vốn thuộc về một người nào đó mà nói theo cách của Fet:
biết “làm cho mình phút chốc cảm thấy là người khác”- là một trong những đặc
tính của năng khiếu thơ.
Nhưng ở đa số trường hợp, trữ tình thường ghi nhận tâm trạng của bản
thân nhà thơ. Những bài thơ mà chủ thể trữ tình đồng nhất hoặc gần gũi nhiều
nhất với bản thân nhà thơ được gọi là thơ “tự thuật tâm trạng”. Và sáng tác trữ
tình về căn bản là tự thuật tâm trạng. Đó là căn cứ để có thể xác lập được một
quan niệm sáng rõ và đầy đủ về thế giới trí tuệ và cảm xúc của bản thân tác giả.
Tính chất trực tiếp và thẳng thắn của “ tự biểu cảm” là một trong những
thuộc tính quan trọng nhất của trữ tình. Theo Heghen, nhà thơ trữ tình có thể tìm
kiếm sự kích thích sáng tạo và tìm kiếm nội dung ở bên trong bản thân mình, tập
trung vào những tình thế, trạng thái, xúc cảm và dục vọng nội tại nơi trái tim và
tinh thần mình. Nhà thơ Đức, Johannes Becher khẳng định; nhà thơ trữ tình là
“ người tự biểu hiện mình. Bản thân anh ta là nhân vật trong thiên trữ tình của
mình.”
Tuy nhiên cần lưu ý, những tâm trạng được thể hiện một cách trữ tình
không phải là sự sao chép y nguyên những gì nhà thơ đã trải qua. Trữ tình tuyệt
nhiên không phải là sự “tốc ký” những tình cảm mà tác giả đã được nếm trải
trong cuộc đời thực. Những tâm trạng không đúng tâm trạng của tác giả hay tâm
trạng của người khác cũng xuất hiện nhiều trong thơ. Nhân tố tự thuật tâm trạng
và nhân tố nhập vai của sáng tác trữ tình như thế gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhà
thơ trữ tình, theo E. Vinokurop, là một sự thống nhất trong hai con người. Thứ
nhất, là một con người có số phận nhất định, một kinh nghiệm sống nhất định,
những tâm trạng và quan điểm nhất định; thứ hai, là nhân vật của chính những
bài thơ của mình. Việc biến những nét nhân cách của nhà thơ thành hình tượng
9


nhân vật trữ tình là thuộc tính quan trọng nhất của trữ tình. Cảm xúc được thể
hiện bằng trữ tình là khái quát của “ khái quát hóa” nghệ thuật; Theo cách hiểu
của J. Becher; Khi thể hiện bản thân mình, nhà thơ trữ tình biểu hiện vấn đề của
thời đại mình, thêm nữa…, nhân cách nhà thơ cần phải lớn lên thành một tính
cách đại diện cho thời đại. Đồng thời, tác phẩm trữ tình, giống như bất cứ tác
phẩm nào khác, bao giờ cũng bao gồm việc nhà thơ lý giải cuôc sống- đó sẽ là
công việc của thế giới nội tâm của cá nhân nhà thơ.
Tiếp nhận tác phẩm trữ tình- nghĩa là để tâm trạng nhà thơ thấm vào
mình, cảm thấy như mình đang sống với tâm trạng ấy; lời thơ trữ tình có sức
mạnh khêu gợi và ám ảnh lớn. Do vậy, các hình tượng trữ tình dễ dàng vượt qua
sự ngăn cách của các thời đại và được tiếp nhận như là những hình tượng trữ
tình của con người nói chung.
1.1.3. Sự vận động của hình tượng thơ
Tình cảm trong thơ là yếu tố trực tiếp xây dựng hình tượng thơ. Tình cảm
trong thơ không ở trạng thái tĩnh mà luôn có xu hướng vận động để phát triển và
hình thành trọn vẹn một tứ thơ, một ý tưởng trong thơ. Sự vận động của hệ
thống cảm xúc rất đa dạng. Ngay trong những thể thơ có những quy thức ngặt
nghèo nhất, vẫn phải tìm đến sự vận động cho tình cảm và tư tưởng trong thơ
phát triển.
Trong sự vận động của cảm xúc thơ, có một hình thái vận động rất phổ
biến là vận động từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ những rung động trực tiếp đến
chiều sâu của nhận thức. Đôi khi, chất suy nghĩ được bộc lộ kín đáo trong chiều
sâu của những cảm xúc đằm thắm và chất cảm xúc được biểu hiện bên trong của
những suy nghĩ tưởng như khô khan, trừu tượng. Nếu như thơ Nadim Hichmet
giàu cảm xúc và sự hiểu biết về cuộc đời, thì thơ Becston Brech lại đậm chất tư
duy. Và Tố Hữu thật sâu sắc khi nhận ra “ Đốt cháy trái tim đến cùng, nó thành
trí tuệ đó là Nadim Hichmet. Đốt cháy trí tuệ đến cùng nó thành trái tim là
Becton Brech đây rồi.”
10

Trong hướng vận động của cảm xúc và suy nghĩ trong thơ có những
phong cách thơ hoặc những bài thơ nghiêng hẳn về phía triết lý suy tưởng hoặc
bình luận, chính luận.
Trên đây, có thể hiểu là những hình dung về mặt cắt ngang của sự vận
động của hình tượng thơ; Đó là những đặc điểm, quy luật tất yếu trong nội tại
hình tượng thơ.
Và sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nghiên cứu sự vận động của hình
tượng thơ trên mặt cắt dọc của nó- nơi gắn kết toàn bộ sản nghiệp của một nhà
thơ với quá trình sống và trưởng thành- quá trình vận động trong tình cảm, tư
tưởng của người sinh thành ra thơ.
Nếu như lấy điểm tựa ở sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ trước cuộc
đời; Thơ gắn với chiều sâu thế giới nội tâm; thơ bộc lộ nhận thức của nhà thơ về
cuộc đời, thì một thi sĩ năm mươi tuổi khác rất nhiều chính bản thân anh ta thời
đôi mươi, mười tám. Thời gian không chỉ nuôi những tế bào sinh học phân chia
và lớn lên mà còn nuôi trái tim và khối óc trưởng thành. Sự trưởng thành và độ
trưởng thành được đo bằng chính những nhận thức về cuộc đời được thể hiện
trong thơ của họ.
Hình tượng trữ tình thường là chính nhà thơ. Và sự vận động của hình
tượng thơ chính là quá trình trưởng thành về mặt tư tưởng của thi sĩ.
1.2. Hình tượng con người cô đơn và sự thể hiện của nó trong thơ
trung đại
Văn học trung đại, đó là lãnh địa của phi ngã. Mà con người thì làm sao
có thể tồn tại, làm sao có thể sống với những cái không phải là mình? Có chăng,
ở một bình diện nào đó, họ là những con người giả dối. Vậy ngay từ bản thức,
họ đã cô đơn rồi. Và những ai ý thức được điều đó- tức ý thức được về mình là
những con người cô đơn hơn cả.
Dù ở thời đại nào, bản chất của con người là vận động không ngừng vượt
lên trên giới hạn của chính nó. Nhưng , như IU.M.Lotman quan niệm, khi anh đi
trên con đường này, đồng thời anh đã đánh mất những con đường khác. Bị đóng
11

khung trong những giới hạn, con người luôn khao khát vượt qua. Nhưng con
người là một thực thể phức tạp, đầy bí ẩn. Mỗi người lại ở những giới hạn khác
nhau, nên khao khát của họ rất khác nhau. Con đường vươn tới sự hoàn hảo của
mỗi người, bởi vậy, không giống ai, vì thế mà con người cô đơn.
Tư tưởng Nho giáo trung đại muốn khuôn đúc tất cả đàn ông trong vòng
tam cương ngũ thường và tất cả đàn bà trong vòng tam tong tứ đức. Song điều
đó chỉ được thực hiện trên hình thức. Để rồi, đó lại chính là lý do của nỗi cô đơn
không tránh khỏi trong sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người. Nhưng sức mạnh
của lễ giáo đủ sức kìm giữ những cựa quậy của con người thực sự đằng sau mỗi
con người nghi thức, mỗi con người xã hội kia. Phi ngã vẫn là dòng chủ đạo- là
tinh thần chính, phổ biến của văn học trung đại. Và không dàn phủ trên diện
rộng, cái Tôi tỏa nội năng xuống bề sâu. Không nhiều, chỉ thấp thoáng nhưng
quyết liệt, những bóng dáng độc hành của cái Tôi chân thật. Và hầu hết, họ di
chuyển trong cô đơn.
Từ những kẻ lạc thời ấy, đã kết đọng nên hình tượng con người cô đơn
trong văn học trung đại nói chung và thơ trung đại nói riêng.
Đó có thể là hình ảnh người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng
Trần Côn- Đoàn Thị Điểm. Ta bắt gặp một nỗi cô đơn quánh đặc cả không gian
lẫn thời gian.
“ Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi…
…Buồn rầu chẳng nói lên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương
…Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”
Cuộc sống như vón cục bởi nỗi cô đơn tột cùng. Người chinh phụ không
tìm được một điểm tựa tâm giao- mọi sự vật xung quanh hữu hình mà vô hồn
đến tàn nhẫn. Chỉ còn “ bóng người khá thương” thì chao ôi, nhân vật đã đi hết
12
vòng cuộc sống để tìm tri kỷ, mà cái đích cuối cùng vẫn chỉ là điểm xuất phát

thôi, chỉ mình tự thương mình trong nỗi hoang côi, vắng lạnh.
Hình tượng con người cô đơn trong Chinh phụ ngâm được tác giả xây
dựng trên phông nền cuộc sống không sự sẻ chia và thấu hiểu. Tất cả mọi sự vật
xung quanh đều lảng tránh, quay lưng với nỗi cô đang cào xé trong lòng người.
Không gian vô cùng mà bức bách khắc nghiệt, bức bách bởi sự lặng im vô cảm
của không gian, thời gian, để với nỗi cô đơn, người chinh phụ suốt đời đi tìm-
một hành trình vô vọng và đơn độc.
Nguyễn Gia Thiều lại xây dựng con người cô đơn ở một góc tiếp cận cuộc
sống khác. Đó là lời của người cung nữ miêu tả nỗi thê thảm trong cuộc sống cô
đơn, tù túng. Từ sự phản ánh hiện thực với lòng phẫn nộ và sự oán hờn, nàng triết lí
về cuộc đời ảo mộng, dối trá, phù du và tuyệt vọng:
“Trăm năm còn có gì đâu.
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”.
Thế là sau hành trình cuộc đời, con người ta chỉ nghiệm ra một điều, đó là
sự cô đơn từ lúc sinh ra đến khi thân cát bụi lại trở về cát bụi. Hình tượng con
người cô đơn đó được đặt trên nền không gian bưng bít của chốn tiêu phòng
lạnh lẽo, thời gian chủ yếu là mùa thu và bóng đêm, cảnh thường được lồng qua
màn sương hồi ức và tưởng tượng.
Cuộc đời dài vì cuộc đời vô nghĩa; dằng dặc một nỗi cô đơn không điểm
tận cùng. Con người sống giữa đồng loại của mình mà “như cây mọc bên
tường”( Nguyễn Huy Thiệp)- không liên kết, rời rạc và vô cảm.
Và ở đây, Nguyễn Gia thiều đã xây dựng hình tượng con người cô đơn-
mượn lời cung nữ để nói lên tâm sự bế tắc của mình, cũng là sự bế tắc của lớp
nhà nho thời đại ông, chán chường, mệt mỏi.
Ta cũng có thể bắt gặp một sự thể hiện khác về hình tượng con người cô
đơn trong thơ Cao Bá Quát. Trong bài Sa hành đoản ca có đoạn:
“ Trường sa phục trường sa
Nhật bộ nhất hồi khước
13
Nhật nhập hành vị dĩ

Khách tử lệ giao lạc”.
( Bãi cát dài lại bãi cát dài
Đi một bước như lùi một bước
Mặt trời đã lặn, chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi).
Không gian và thời gian như đe dọa, như dồn lữ khách tới cái bi thương
của hoàn cảnh: ngày sắp tàn mà không gian vẫn trải mở dằng dặc, mênh mang
cát trắng. Nổi bật trên nền đó là hình ảnh con người nhỏ bé, mong manh, cô đơn
giữa biển cát- cuộc đời.
Tiếp đến góc nhìn khác:
“ Cổ lai danh lợi nhân
Bôn tẩu lộ đồ trung
Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu
Tỉnh giả thường thiểu túng giả đồng”
( Xưa nay phường danh lợi
Tất cả trên đường đời
Đầu gió hơi men thơm quán rượu
Người say vô số, tỉnh bao người).
Sắc sảo trong cách nhìn và tỉnh táo trong phán xét, Cao Bá Quát đã dựng
lên bức tranh cuộc đời. Ở đó, những câu thơ của thi sĩ họ Cao như chiếu một góc
nhìn trong tâm thế vừa thầm lặng cô đơn, lại cũng vừa thầm lặng kiêu hãnh; nỗi
cô đơn và niềm kiêu hãnh của một con người không muốn và không thể tan hòa
trong đám chúng sinh bon chen cầu danh lợi. Mượn những hình ảnh hiện hữu
đơn phương như “ danh lợi nhân”, Cao tiên sinh đã tạo nên thế tương phản, đối
lập thầm lặng mà quyết liệt giữa cái tầm thường với cái thanh cao; giữa cái ồn ã
sục sôi từ thiên hạ với cái lặng lẽ, cao ngạo từ con người bản thể của mình.
Cao Bá Quát cũng đồng thời nói lên một sự thực mang tính quy luật:
người tỉnh trên cõi thế giữa thời loạn luôn là người gánh chịu nỗi cô đơn. Cô
14
đơn nên mới một mình vất vưởng trên sa mạc mà cũng là hoang mạc- thời đại,

người nghệ sĩ, kẻ chân chính cũng phải biết chấp nhận cô đơn, đau buồn mới tạo
cho mình một tư thế khả dĩ đối mặt với đời.
Nguyễn Trãi cũng xây dựng hình tượng con người cô đơn qua bài thơ Cây
chuối; “ Tự bén hơi xuân tốt lại them
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem”.
Ta bắt gặp một Nguyễn Trãi cô đơn, tình tứ, đang ngắm nhìn những đọt
chuối non mà hình dung ra một bức thư tình còn phong kín.
Một khoảnh khắc khác: “ Một cày, một cuốc thú nhà quê
Hái cúc, ương sen, vãi đậu kê”.
Đây lại là cái cô đơn thanh thản của một con người đang mang tâm thế
lánh đời, muốn lánh đục về trong.
Và như thế, bên dòng trôi phi ngã của văn học trung đại, ta vẫn thấy liên
tục và liền mạch sự thể hiện của bản ngã- cái Tôi cá nhân, trong hành trình cô
đơn, lạc lõng ngay trong thời đại của mình. Vậy, hình tượng con người cô đơn
đã có nguồn gốc biện chứng của nó.
Dù thể hiện với cách này hay cách khác, ở góc độ này hay góc độ kia thì
hình tượng con người cô đơn cũng đã được xác định tồn tại cụ thể và logic trong
dòng văn học trung đại. Nó không phổ quát nhưng sâu, nó không đại trà nhưng
tập trung nhiều năng lượng. Hầu như tác giả trung đại nào cũng có một góc đối
diện với chính mình và nhận ra nỗi cô đơn đích thực đang thật thà cựa quậy
trong sự ổn định của tư tưởng Nho giáo. Cô đơn thường đi liền với bất an, bế tắc
và tuyệt vọng. Mỗi tác giả trung đại trên đây đều đã xây dựng hình tượng con
người cô đơn theo cách riêng của mình. Và trong dòng trôi liền mạch đó, không
thể không kể đến một cái tên lớn, đó là đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
15
1.3. Hình tượng con người cô đơn trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du-
Mạch riêng giữa dòng chung.
1.3.1. Hình tượng con người cô đơn trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

“ Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
( Độc Tiểu Thanh ký)
Đó là những vần thơ tột cùng cô đơn của Nguyễn Du- một hồn thơ tài hoa
bạc mệnh. Nó vút lên như lời tiên cảm của người luôn sợ mình phải làm kẻ lữ
hành cô độc trên cõi nhân gian. Nguyễn Du cảm thấy mình cô độc trong cuộc
đời, không có ai là tri âm, tri kỷ. Nhà thơ cất tiếng hỏi vọng về một tương lai xa
xôi, những ba trăm năm nữa, mà rồi hình như ông cũng không tin có một tương
lai nào đó, nhân loại sẽ hiểu mình.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du, đó là nơi hội tụ đầy đủ nhất, sáng rõ nhất
con người tinh thần của Nguyễn Du. Trong nỗ lực tìm lại di sản của đại thi hào
dân tộc, các nhà nghiên cứu văn học lần lượt giải mã được bộ phận thơ chữ Hán.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng phức tạp như chính con người Nguyễn Du. Và
khi soi rọi chúng dưới ánh sáng của thi pháp học, các nhà học thuật sững sờ tìm
thấy một khúc xạ khá hoàn hảo, chân thực toàn bộ tâm sự, tư tưởng và khát vọng
của Nguyễn Du, phục diện sống động cả thể phách lẫn tinh anh một con người
thi ca. Chúng ta nhận ra, bao trùm các thi tập chữ Hán là nỗi đau buồn của một
con người bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời dâu bể. Tâm hồn Nguyễn Du chìm
trong những bàng hoàng, day dứt, sầu muộn mênh mông và cô đơn tận cùng.
Để làm nổi rõ hình tượng con người cô đơn trong thơ chữ Hán của
Nguyễn Du, ta có thể đặt nó trong tương quan đồng điệu với cảm thức cô đơn
trong thơ Đỗ Phủ (712- 770) của Trung Hoa. Cùng sự lêch pha thời gian hơn
mười thế kỷ nhưng thơ ca của họ có khá nhiều nét tương đồng.
Nghiên cứu Đỗ Phủ, có thể thấy những ám ảnh về nỗi cô độc dường như
đã được báo trước từ thủa thiếu thời đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Bàng bạc trong
thơ ca ông là nỗi lòng cô đơn bi tráng của một con người khát khao đi tìm lẽ
16
sống đích thực của đời mình. Trên cái nền trầm lắng của sự cô độc, ứng với mỗi
giai đoạn, nỗi cô đơn của nhà thơ có những sắc thái biểu hiện khác nhau.
Thời kỳ đầu, cảm hứng cô đơn trong thơ Đỗ Phủ không phải của một

người thường mà của một bậc kỳ tài.
Giấc mộng tiến thân bằng con đường thi cử không thành, cuộc đời nhà thơ
bắt đầu những chuỗi ngày lữ thứ phiêu linh, ăn nhờ, ở đậu quê người. Lưu vong
trong chiến loạn, Đỗ Phủ sống phiêu bạt cô đơn nơi đất khách. Nỗi lòng sầu xứ,
tâm trạng lưu đày, tâm thế bi thương cùng lúc đã phả vào thơ ông những hơi thở
thê lương, chua chát của một con người khát khao dấn thân lập chí giúp đời
nhưng bị gạt bỏ ra ngoài xã hội. Giờ đây, nỗi cô độc không còn là của người trẻ
tuổi tài cao “ kiêu ngạo, lạ lùng” như ngày trước mà là của con người bất đắc chí
đã nếm trải hết những thất bại, đau thương, đói khổ trong đời. Từ giai đoạn này
trở đi, trong thơ Đỗ Phủ xuất hiện hình ảnh một ông già côi quạnh, thường lui về
ở ẩn xóm bên sông, lấy cảnh tịch mịch, u buồn để sống nốt những ngày cuối đời:
“ Giang thôn độc quy xứ
Tịch mịch dưỡng tàn sinh”.
( Nay một mình về ở ẩn xóm bên sông
Lấy cảnh vắng nuôi cuộc đời còn lại).
( Phụng tế dịch trùng tống Nghiêm công tứ vận)
Tâm sự cô đơn, vô vọng kiểu Đỗ Phủ cũng xuất hiện nhiều trong sáng tác
chữ Hán của Nguyễn Du. Từ thời trai trẻ, thi nhân đã nhắc nhiều đến nỗi cô độc
của bản thân mình. Đó là nỗi niềm tâm sự của một con người cô đơn, mệt mỏi, u
sầu, mất đi niềm tin vào cuộc sống. Sinh ra trong cảnh loạn ly, chứng kiến bao
nhiêu bi hoan, tan hợp, Nguyễn Du chán ngán thế sự, âu lo về con đường tương
lai, không biết ngỏ cùng ai những ước nguyện hùng tâm tráng khí. Một mình
một bóng với bao cảnh thế sự thăng trầm, nhiễu nhương, đen bạc, với năm tàn
tháng tận, với tuổi già bóng xế, với mái tóc bạc trên đầu. Dễ thấy trong những
vần thơ chữ Hán của ông, hình ảnh một con người lặng im, vô ngôn, cô độc, tự
17
vùi chôn tâm sự vào đáy lòng mình. Hiếm khi Nguyễn Du tâm sự với một ai, chỉ
thấy những tấc lòng cô đơn không dễ gì lý giải:
“ Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ”
( Ta có tấc lòng không biết ngỏ cùng ai).

( Mi trung mạn hứng)
Hoặc: “ Nhất sinh u tứ vị tằng khai”
( Suốt đời ôm mối u sầu chưa từng gỡ ra được )
( Thu chí)
Tâm sự của Nguyễn Du không thoát được ra ngoài, không gửi được vào
thiên nhiên, không hòa điệu được cùng gió, trăng, mây, nước, mà cơ hồ đã thấm
vào máu thịt của người. Thi nhân chỉ còn biết đối diện với bốn mùa:
“ Tứ thời yên cảnh độc trầm ngâm”
( Mây khói bốn mùa một mình trầm ngâm)
( Thu dạ)
Với bóng đêm: “ Chung dạ bồi hồi tứ chuyển mê”
( Suốt đêm bồi hồi nghĩ ngợi miên man)
( Ngẫu hứng I)
Với bóng mình: “ Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ”
( Bồi hồi trước bóng một mình yên lặng ).
( La Phù giang thủy các, độc tọa)
Với ngọn đèn: “ Cô đăng tương đối đáo thiên minh”
( Ngọn đèn cô đơn đối diện với mình cho đến sáng)
( Mạc phủ tức sự)
Với cây trúc trước sân: “ Vô ngôn độc đối đình tiền trúc”
( Riêng mình lẳng lặng trước cây trúc ngoài sân)
( Ký hữu)
Rồi gặm nhấm cô đơn với nghẹn ngào rơi lệ.
“ Ky lữ đa niên đăng hạ lệ”
( Lâu năm làm khách xa nhà, lệ rơi dưới đèn)
18
( Xuân dạ)
Thời gian đi sứ Trung Quốc, lòng Nguyễn Du thảnh thơi, nhẹ nhõm hơn
đôi chút. Thế nhưng nỗi cô đơn vẫn cứ bám riết lấy nhà thơ. Hành trình trên đất
nước Trung Hoa cũng là hành trình của một trái tim cô đơn mang nỗi sầu lữ thứ.

Trên đường đi, nhà thơ nhìn cảnh vật xứ người mà lòng dấy lên nỗi cô đơn da
diết. Đỉnh cao tâm trạng cô đơn của người đi xa trông về cố quốc, có lẽ là khi
nhà thơ đứng trước thành Tín Dương nghe tiếng kèn mùa thu ảo não, u buồn mà
cảm xúc trào dâng. Chừng như, Nguyễn Du đồng vọng với Thôi Hiệu năm xưa
khi đứng trên lầu Hoàng Hạc, bâng khuâng về một cánh hạc, hoài vọng cái đã
qua, trở về với chính mình, cảm nhận sự cô đơn của gót chân lãng du mà man
mác sầu nhớ quê hương:
“ Vạn lí hương tâm hồi thư xứ
Bạch vân nam hạ bất đăng đa”
( Ở nơi muôn dặm nhớ quê hương nghoảnh đầu nhìn lại
Chỉ thấy mây trắng bay về Nam không kể xiết )
Tìm hiểu nỗi buồn, cô đơn trong thơ Đỗ Phủ và thơ chữ Hán Nguyễn Du,
ta sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng. Trong cảm thức vũ trụ mênh mang, cõi đời
hư ảo, người đọc nhận ra nỗi lòng cô đơn ở những thiên tài “ độc bộ”, “ độc
hành” trên hành trình đi tìm kiếm sự hóa giải nội tâm. Đường đi và đích đến mỗi
người mỗi khác, nhưng cả hai đều trăn trở trong bể khổ nhân sinh, đều nhọc
nhằn tìm kiếm và nhiều khi nhuốm màu sắc bi hài với những trải nghiệm cá
nhân trước vòng xoay tạo hóa. Đó là nỗi cô độc của những con người có tài có
tâm, có ý thức phản tỉnh, tự ngẫm, tự suy xét lại bản ngã cá nhân mình.
Thực ra, cảm thức cô đơn không phải đợi đến thơ Đỗ Phủ và thơ chữ Hán
Nguyễn Du mới có, mà đã bàng bạc trong thơ ca trước đó. Nó được khởi phát từ
Tam Lư đại phu Khuất Nguyên thủa trước mà vọng về thẳm sâu trong tâm hồn
những con người bất đắc chí với đời. Nhưng có lẽ, phải đợi đến Đỗ Phủ ở Trung
Hoa và Nguyễn Du ở Việt Nam, những nhà thơ có tài, có tâm, có ý thức về vai
trò bản ngã cá nhân mình- cảm thức cô đơn mới xuất hiện một cách xúc động,
19
chân thực và sâu sắc. Đứng ở phương diện tiếp nhận văn học, nỗi buồn, cô đơn
của cái tôi trữ tình trong thơ Đỗ- Nguyễn cũng là nỗi buồn, cô đơn, chới với của
cả một giai đoạn, một thời đại, một dân tộc đang oằn mình “ trong trường dạ tối
tăm trời đất”, mang trong mình nhiều bi kịch lịch sử đau thương . Nó như những

lớp trầm tích văn hóa phương Đông xuôi chảy trong dòng thời gian cổ kim, thức
tỉnh được sự đồng vọng, cảm thông của biết bao người đời xưa, đời nay và cả
mai sau.
1.3.2. Mạch riêng giữa dòng chung
Với tất cả sự thể hiện của mình, hình tượng con người cô đơn trong thơ
chữ Hán của Nguyễn Du đã xác lập được “bộ mã ADN”- con đẻ của hình tượng
con người cô đơn trong văn học trung đại Việt Nam nói riêng và thơ ca phương
Đông nói chung. Hình tượng con người cô đơn trong thơ Nguyễn Du cũng đồng
hành với những hình tượng con người cô đơn trong tác phẩm của các tác giả
khác. Nhưng chưa bao giờ, người ta thấy nó đầy đủ, đa chiều và sâu sắc như thế.
Hơn nữa, nó còn thể hiện cả quá trình vận động phát triển trong nội tại nhân tố
nghệ thuật và phản ánh rõ nét sự trưởng thành trong nhận thức của thi nhân.
Với tư cách mạch riêng giữa dòng chung ấy, hình tượng con người cô đơn
trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du không chỉ dừng lại ở tư cách một yếu tố nghệ
thuật văn học mà còn là một chứng nhân tâm hồn về con người Việt Nam trong
xã hội Việt Nam ở một thời kỳ lịch sử.
20
Chương 2
HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI CÔ ĐƠN TRONG THƠ CHỮ HÁN CỦA
NGUYỄN DU

2.1. THANH HIÊN THI TẬP: NỖI CÔ ĐƠN CỦA KẺ THA HƯƠNG,
THẤT THẾ
2.1.1. Mười năm gió bụi: kiếp long đong, nỗi nhớ quê nhà và niềm u uất.
Năm 1784, Nguyễn Khản anh cả của Nguyễn Du trốn lên Sơn Tây, gia
đình lớn của Nguyễn Du bắt đầu tan tác, mỗi người mỗi ngả. Nguyễn Du không
đỗ đạt cao, được nhận một chức quan tập ấm nhỏ bé do cha nuôi để lại. Đến khi
Tây Sơn đánh lên Bắc Hà, ông trôi dạt về quê vợ ở Quỳnh Côi, huyện Hải An,
tỉnh Thái Bình và bắt đầu Mười năm gió bụi.
Nơi đất khách quê người, nơi ăn nhờ ở đậu, và những nghèo khó, bệnh tật

làm ông càng cô đơn, phẫn uất. Nguyễn Du đã phải “đày thân” giữa chốn dị
hương xa lạ, không người ruột thịt, thiếu vắng tri âm. Ngay với bài thơ đầu tiên,
ta đã cảm nhận được sự cô đơn ấy.
“Hồng lĩnh vô gia huynh đệ tán
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên”
(tan tác anh em Hồng Lĩnh vắng
Ngậm ngùi năm tháng bạc đầu rồi)
(Quỳnh Hải nguyên tiêu – Đêm rằm tháng riêng ở Quỳnh Hải)
Cảnh đẹp của không gian, thời gian hiện tại chỉ làm kẻ tha hương thêm
xót xa, tủi phận. Ngay đầu tập thơ, ta đã bắt gặp hình ảnh “tóc bạc”, thời gian vô
tình cũng là mối hận của thi nhân.
“Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Tiệu tiêu bạch phát mộ phong xuy”
(Danh phận chưa thành, sức yếu ngay
Lơ thơ tóc bạc gió chiều bay)
(Than Mình I)
21
Mới là những bài thơ đầu tiên, mà ta đã thấy ước mơ, lý tưởng, khát vọng
đã không còn chút sinh khí. Tóc đã bạc rồi mà công chưa thành danh chưa toại.
Nỗi sầu thất thế, lại của kẻ tha hương làm hình ảnh trữ tình hiện lên uể oải, phờ
phạc, yếu đuối và cô đơn quá! Câu thơ như tiếng thở dài não ruột.Để rồi, cuối
bài thơ là một lời trôi về vô hướng – bất lực và tuyệt vọng :
“Tất cánh phiêu linh hà sứ quy?”
(Biết đến nơi nào lạc bước đây)
Với Tự thán II, ta gặp một hình ảnh tương tự :
“Thư kiếm vô thành sinh kế xúc
Xuân thu đại tự bạch đầu tân”
(Dở dang thư kiếm cơn cùng quẫn
Lần nữa xuân thu tóc bạc rồi)
Nỗi cô đơn, thiếu vắng tri âm, lại cơ tủi trong sự sa, thất thế, khiến những

cảm thức thời gian cũng nhuốm màu chua xót, tái tê :
“Bất mị thính hàn canh
Hàn canh bất khẳng tận”
(Không ngủ nghe đêm lạnh
Đêm lạnh càng kéo dài)
(Bất mị)
Trong cái mông lung, quánh đặc của đêm đen, trong cái tê buốt, sắt se của
giá lạnh, trong cái không cùng, sâu thẳm của thời gian, con người như bé nhỏ đi,
yếu đuối hơn và cô đơn, lạc lõng đến tội tình. Và đau khổ hơn, nhân vật trữ tình
lại trong trạng thái “không ngủ”. Dẫu không muốn, con người ấy vẫn cứ phải
đối diện với tình cảnh khắc nghiệt kia, gặm nhấm nỗi cô đơn trong sự cô đơn, ý
thức sự thất thế trong sự thất thế.
Và như một tất yếu, kẻ đơn côi xa xứ ấy tìm đến một điểm nương tựa cho
tâm hồn bằng nỗi nhớ quê hương, hướng về quê hương.
“Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ
Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ
22
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt
Bất kiến bình an nhất chỉ thư”
(Lòng quê lai láng gương thiềm giọi
Lệ cũ đầm đìa tiếng nhạn qua
Xa cách các em tin tức vắng
Bình yên mấy chữ thấy đâu mà)
(Sơn cư mạn hứng)
Nỗi nhớ quê hương là một tình cảm mạnh mẽ, da diết luôn trào dâng trong
xúc cảm của ông. Nó vừa như một niềm hoài cổ lại vừa như một cách chạy trốn
thực tại, tự ru vỗ lòng mình. Những giọt lệ chan hòa kia không chỉ là nỗi nhớ,
không chỉ là nỗi tự thương mình mà còn là cách giải tỏa bất đắc dĩ của những kẻ
cô đơn. Nhưng liệu con người ta có thể sống tự thỏa hiệp mãi được không? Mọi
cái đều có giới hạn riêng của nó.

“Trú cửu đốn vong thân thị khách
… Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục
Lưu lạc bạch đầu thành để sự”
(Ở trọ lâu ngày bẵng quên mình là khách
… Ở đất khách giả vụng về để phòng thói tục
… Xiêu dạt đến bạc đầu có thành việc gì đâu)
(U cư I - ở nơi u tịch)
Dường như, con người ấy đang bị trượt vào bi kịch “tha nhân”. Sống
không còn là chính mình – tồn tại không phải với con người thực của mình - ấy
là cô đơn tận cùng, lẻ loi tận cùng … Con người ấy đang đứng bên bờ của sự
tiêu biến, vô nghĩa.
Vẫn tâm sự ấy :
“Thập tải phong trần khứ quốc xa
Tiêu tiêu bạch phát kí nhân gia
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu
Nhất nhất xuân hàn cựu bệnh đa
23
Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch
Hoang trì thủy hạc xuất hà ma”
(Mười năm trọn quê người nấn ná
Nương nhà người tóc đã điểm sương
Bạn thưa, ngày muộn, đường trường
Một nhà xuân lạnh khá thương bệnh nhiều
Vách nát trăng sáng, rắn mối leo quanh
Ao hoang, nước cạn, ếch nhái nhảy ra)
(U cư II)
Cô đơn trong không gian, cô đơn giữa thời gian và cô đơn giữa tất thảy sự
vật xung quanh mình, lại bệnh tật, ốm yếu… Khung cảnh hiện lên thật thê
lương, thảm hại. Mệt mỏi và bi lụy như níu nặng tâm trí và xúc cảm con người.
Mọi sự vật đều trôi theo chiều tuyệt vọng và bế tắc. Kẻ tha hương, thất thế kia

như đang lênh đênh trôi dạt về điểm tận cùng của cõi hư vô.
Một lần nữa, tâm hồn kia lại níu bậu vào nỗi nhớ cố hương để thức tỉnh tri
giác và xúc cảm như đã gần tê liệt :
“Ky lữ đa niên đăng hạ lệ
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm”
( Lâu năm đất khách, ngồi dưới đèn những rơi lệ
Quê nhà xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng)
(Xuân dạ - đêm xuân)
Rồi những khổ đau yếu đuối kia trở nên quyết liệt, mạnh mẽ hơn :
“Thiên lý xích thân vi khách cửu
… Nhất sinh u tứ vị tằng khai”
(Ngàn dặm năm chầy thân khách trọi
… Nỗi riêng u uất chửa từng khuây)
( Thu chí – Thu đến)
Nỗi cô đơn, niễm tủi phận như dồn tích, nén nặng trong lòng, theo thời
gian, nó bị ép lại và biến thành sự phẫn uất, niềm uất hận. Lệ tuôn trào cũng không
24
kịp giải tỏa nỗi cô đơn tủi khuất; thời gian đằng đẵng vô tình khắc nghiệt và không
gian mù ảo tít tắp bóng cố hương chỉ càng giỡn đùa, trêu ngươi kẻ tha hương
thất thế. Thêm vào đó là già nua và bệnh tật càng dày vò, hành hạ kiếp cô nhân.
“ Tối thị thiên nhai quyện du khách
Cùng niên ngọa bệnh tuế giang tân”
( Ngán nỗi bên trời lê đã mỏi
Tuế giang nằm bệnh suốt năm chày)
(Thu dạ I – Đêm thu I)
Nhiều tóc bạc, nhiều ốm đau, nhiều nhớ nhung, nhiều nước mắt … Cô
đơn, cô đơn tê tái, tủi khuất, tủi khuất nghẹn ngào … Đó là Nguyễn Du của
Mười năm gió bụi – Đó là Nguyễn Du ở tâm thế của một kẻ tha hương, thất thế.
Hình tượng con người cô đơn với những biểu hiện ấy là những lộ trình đầu tiên
của một vận động nghệ thuật.

2.1.2. Dưới chân núi Hồng: Những giả hướng trốn đời bất khả thi
Năm 1796, Nguyễn Du trở lại quê nhà : đi câu cá ở bể Nam, đi săn ở
Hồng Lĩnh, lấy tên là Nam Hải Điếu Đồ và Hồng Sơn Liệp Bộ - Nhà thơ có vẻ
một ẩn sĩ. Nhưng cuộc sống ngay ở chốn quê nhà cũng chẳng có gì sáng sủa hơn
vẫn cô đơn, bệnh tật và nghèo đói.
Thực tế đó chưa đúng là điều ông mong muốn, nhưng quê nhà là đây,
ông không còn chốn cụ thể hữu thực nào cho tâm hồn nương tựa. Ông tìm đến
những giả hướng trốn đời bất khả thi như : hướng về một người bạn phương xa
lúc vô danh, lúc hữư danh, nhưng lời thơ chỉ như những độc thoại( Ký Huyền hư
tử, Biệt Nguyễn Đại lang), lúc lại Ký mộng như một kẻ lãng du vô thức, ngoài
ra còn có một số bài có tính ẩn dật thoát ly và hưởng lạc. Ở đây, ta gặp một tâm
trạng hoàn toàn mất phương hướng, ngơ ngác, cô đơn đến tội tình.
Ngay ở bài thơ đầu tiên, Giang Đình hữu cảm ta đã thấy sự xác lập thái độ
của nhà thơ :
“Nhất tự y thường vô mịch sứ
Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi”

×