Tải bản đầy đủ (.pdf) (135 trang)

Vấn đề tiếp nhận tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn giai đoạn 1986 - 2010

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (711.59 KB, 135 trang )

( Word Converter - Unregistered )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nguyễn Khải là một trong những nhà văn hàng đầu của văn xuôi đương đại
sớm thành công và có cá tính sáng tạo. Ông là nhà văn luôn bám sát, tìm kiếm và
phát hiện những vấn đề có ý nghĩa xã hội, đạo đức sâu xa gắn liền với thực tiễn cách
mạng. Ở thể loại nào nhà văn cũng tỏ rõ tài năng và thế mạnh của mình trong việc
khám phá hiện thực đời sống, con người. Bám sát vào dòng chảy của đời sống, ngòi
bút của Nguyễn Khải luôn xuất hiện ở những nơi và vào những lúc cuộc sống có
những bước chuyển quan trọng. Tác phẩm của ông đã phản ánh những bước đi của
đời sống chính trị, xã hội, đất nước và con người. Vì vậy, tác phẩm nào của Nguyễn
Khải ra đời cũng được giới nghiên cứu, phê bình văn học và đông đảo bạn đọc quan
tâm, chú ý. Nhìn lại chặng đường dài sáng tạo của ông, chúng ta càng nhất trí với
nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Muốn hiểu con người thời đại, với tất cả những
cái hay cái dở của họ, nhất là muốn hiểu cách nghĩ của họ, đời sống tinh thần của
họ phải đọc Nguyễn Khải” [35, 61-62]. Với những đóng góp to lớn cho nền văn học
nước nhà, ông đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học
Nghệ thuật - năm 2000.
Ngoài ra, tác phẩm của Nguyễn Khải đã “gây được sự chú ý” chủ yếu là vì
“tính vấn đề”, những suy nghĩ thông minh, những nhận xét sắc sảo đôi khi làm “giật
mình người đọc” (Chu Nga). Rất nhiều nhà nghiên cứu có tên tuổi đã có những
công trình nghiên cứu, bài phát biểu đánh giá sâu sắc về ông trong những công trình
khoa học như: Vương Trí Nhàn, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức,
Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến… Bên cạnh những bài viết đi sâu vào một tác
phẩm cụ thể còn có những bài viết đề cập đến các khía cạnh riêng của ngòi bút
Nguyễn Khải như giọng điệu, nhân vật, cốt truyện, nghệ thuật trần thuật…
Những năm 80 trở lại đây, Nguyễn Khải lại có những tìm tòi và khám phá
mới ở riêng thể loại truyện ngắn và để lại những ấu ấn mới mẻ và đặc sắc. Ông đã
đem lại cho văn chương của mình ở riêng thể loại này một sắc điệu mới, bộc lộ sự
vận động đổi mới của nhà văn trong tư duy nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con


người, phương thức thể hiện. Khi nghiên cứu tác phẩm của Nguyễn Khải ở thể loại
này, đã có nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về cả hai chặng đường sáng tác của ông,
có thể kể đến những bài viết của Vương Trí Nhàn, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng
Mạnh, Nguyễn Văn Long, Đào Thủy Nguyên, Nguyễn Thị Bình, Bích Thu, Nguyễn
Hữu Sơn Các bài viết và các công trình nghiên cứu trên đã đề cập đến nhiều vấn
đề trong truyện ngắn của Nguyễn Khải như: hiện thực cuộc sống, nhân vật, cốt
truyện, không gian, thời gian, giọng điệu
Xem xét nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Khải cả giai đoạn trước và
sau 1975, nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến sự thống nhất chung: nhân vật trong
truyện ngắn của Nguyễn Khải là những nhân vật còn dang dở, không hoàn chỉnh.
Giáo sư Phong Lê cho rằng: “Làm gì có nhân vật, chỉ có lời và lời. Lời nào cũng
thông minh và lắm lí sự” [39]. Còn PGS Nguyễn Văn Long thì lại nhận thấy: “Nhân
vật của Nguyễn Khải vẫn bị coi là những bức vẽ còn dang dở, đó là những phác
thảo khá sắc nét và tài tình, nhưng tác giả chưa bao giờ vẽ cho hoàn hảo” [41], bởi
vì :“Với Nguyễn Khải, nhân vật trước hết và chủ yếu là đưa ra được vấn đề” [41].
Đào Thủy Nguyên nhận định: “Nguyễn Khải ít xây dựng nhân vật tính cách mà
thường xây dựng nhân vật tư tưởng” [53], còn Đoàn Trọng Huy thì nhận xét:“Nhân
vật của Nguyễn Khải thường hay tranh cãi, lí sự. Nó suy đoán, phán xét, bình phẩm,
biện luận và triết lí. Nhiều khi con người độc thoại trầm ngâm, suy ngẫm thế sự,
băn khoăn với những tiếc nuối, day dứt với những hồi tưởng để tự phán xét, tranh
luận với chính mình” [21]. Nguyễn Hữu Sơn thì khẳng định: “Nguyễn Khải không
chỉ sống với nhân vật mà còn chiêm nghiệm nhân vật nữa” [66]. Nhà nghiên cứu
Nguyễn Đăng Mạnh và Nguyễn Thị Bình đều thống nhất ở nhận định, nhân vật của
Nguyễn Khải đều tinh khôn, tháo vát, ham suy nghĩ, triết lý, “người nào cũng khôn
ngoan, từng trải, thạo đời, lõi đời và thích dạy đời”; “Trí tuệ là phẩm chất hàng đầu
của các nhân vật có khả năng thích ứng với thời thế” [4]. Còn Chu Nga khi nghiên
cứu về nhân vật Nguyễn Khải sau này lại thấy: “Sự xuất hiện hàng loạt nhân vật là
những con người bình thường của cuộc sống hàng ngày ( ) trong bức tranh hiện
thực của nhà văn, chân dung con người ngày một trở nên đầy đặn, giản dị chân thật
và sống động”[ 50].

Về cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Khải, một vài bài viết đã đưa ra
nhận định đánh giá nhưng đều là những ý kiến mang tính khái quát chứ chưa đi vào
các kiểu cốt truyện, cách tổ chức các sự kiện, các thành phần của cốt truyện. Các ý
kiến đều thống nhất, cốt truyện của Nguyễn Khải lỏng lẻo, không chặt chẽ, không
theo kết cấu truyền thống. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng: “Nhà văn
thường không để ý đến cốt truyện, đến hình dáng của câu chuyện mà tập trung vào
làm nổi nhân vật, một kiểu người, một cách sống” [22]. Lê Thanh Hà khẳng định:
“Nhà văn đã cấu tạo cốt truyện linh hoạt, không theo qui tắc, chuẩn mực nào cả.
Cốt truyện mà ông lựa chọn luôn phù hợp với nội dung tư tưởng chính luận và triết
luận của tác phẩm” [14].
Về giọng điệu, nhiếu ý kiến cho rằng giọng văn Nguyễn Khải “sắc sảo nhưng
lạnh, thiếu chất trữ tình” (Đoàn Trọng Huy). Ngược lại, Nguyễn Văn Hạnh lại thấy:
“Bên cạnh một Nguyễn Khải ghi chép sự việc một cách tỉnh táo có thêm một Nguyễn
Khải đằm thắm” [15]. Trong giáo trình Văn học Việt Nam 1945-1975, Đoàn Trọng
Huy nhận xét: “Không chỉ kể bằng giọng của mình, bằng lời của người dẫn chuyện,
tác giả còn biến hóa thành nhiều giọng điệu phong phú khác nhau: có đối thoại, có
ngôn ngữ trực tiếp, có ngôn ngữ nửa trực tiếp ( ), đôi khi nghị luận nhiều rồi,
Nguyễn Khải lại đưa vào lời nói mộc mạc, dung dị thông tục thường ngày của quần
chúng” [21]. Theo Nguyễn Bích Thu, giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn
Nguyễn Khải rất đa dạng: “giọng tác giả, giọng nhân vật, giọng người kể chuyện với
nhiều sắc thái, âm điệu khác nhau hòa trộn đan xen, tranh cãi và đối lập, tạo dựng
một lối văn đa thanh và hiện đại” [64]. Cùng với ý kiến này, Nguyễn Thị Bình nhận
thấy: “Gắn với nhu cầu đối thoại, bàn bạc tranh luận, giọng văn Nguyễn Khải là
giọng đa thanh, trong lời kể thường có nhiều lời kể, trong một giọng kể thường bao
hàm nhiều giọng” [4]. Còn Lại Nguyên Ân thấy trong văn của Nguyễn Khải còn có
cả “giọng phong tục” [1].
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu, các bài viết đã xem xét phương diện
nghệ thuật trong các sáng tác của Nguyễn Khải ở nhiều góc độ và bình diện khác
nhau: kết cấu, cốt truyện, giọng điệu, nhân vật… Dù sao, đó mới chỉ là các bài viết
rời rạc về thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Khải, chưa có công

trình nghiên cứu mở rộng, có hệ thống về thế giới đó như một chỉnh thể nghệ thuật
ở cả hai chặng đường sáng tác của nhà văn trước và sau 1975. Vấn đề còn bỏ ngỏ
này là gợi ý cho người viết đi vào “Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải”.
Chúng tôi hy vọng có thể nghiên cứu những sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Khải
như một chỉnh thể nghệ thuật để góp phần làm rõ tư tưởng nghệ thuật và tài năng
của nhà văn.
2. Mục đích nghiên cứu
Khi triển khai đề tài: “Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Khải”, chúng
tôi nhằm những mục đích sau:
Tìm hiểu đặc điểm hiện thực cuộc sống trong truyện ngắn Nguyễn Khải ở cả
hai chặng đường sáng tác trước và sau 1975, sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật
về con người của nhà văn và các loại hình nhân vật mà ông sáng tạo nên.
Tìm hiểu về nghệ thuật tổ chức cốt truyện, ngôn ngữ, giọng điệu và phương
diện tổ chức hình tượng không gian, thời gian Từ đó, thấy được những đổi mới,
những nét đặc sắc trong quan niệm nghệ thuật về con người cũng như tài năng nghệ
thuật của tác giả trong cách xây dựng hình tượng truyện ngắn.
Nhìn chung, mục đích của chúng tôi là khám phá những giá trị tư tưởng nghệ
thuật của truyện ngắn Nguyễn Khải, qua đó góp phần tìm hiểu phong cách nghệ
thuật và những đóng góp của nhà văn trong công cuộc đổi mới nền văn học Việt
Nam hiện đại.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Hiện thực cuộc sống và con người trong truyện ngắn của Nguyễn Khải
Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Khải và các loại hình nhân
vật.
Phương thức biểu hiện truyện ngắn Nguyễn Khải ở các khía cạnh: ngôn ngữ,
giọng điệu, nghệ thuật tổ chức cốt truyện và tổ chức hình tượng thời gian, không
gian.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng mà luận văn đề cập đến là thế giới nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn
Khải được thể hiện qua các khía cạnh: hiện thực cuộc sống và con người, các loại

hình nhân vật. Các phương thức biểu hiện trong truyện ngắn của ông như: ngôn ngữ
và giọng điệu; nghệ thuật tổ chức cốt truyện; hình tượng không gian, thời gian. Để
triển khai đề tài này, luận văn đã khảo sát toàn bộ truyện ngắn Nguyễn Khải từ
trước tới nay, song tập trung chủ yếu vào những sáng tác sau năm 1975, vì đây là
những sáng tác có giá trị, thể hiện sự đổi mới, cách tân của nhà văn nặng lòng với
cuộc sống hôm hay.
Phạm vi nghiên cứu: Luận văn đã khảo sát những tập truyện ngắn sau:
* Mùa lạc (1960).
* Hãy đi xa hơn nữa (1965).
* Một người Hà Nội (1990).
* Một thời gió bụi (1993).
* Hà Nội trong mắt tôi (1995).
*Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải - NXB Hội nhà văn 2002.
Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo một số tiểu thuyết của Nguyễn Khải,
những bài viết về chuyện nghề của ông được in rải rác trên các báo để phục vụ cho
công việc thực hiện đề tài này.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện được mục đích nghiên cứu chúng tôi đã sử dụng đồng thời các
phương pháp sau:
Phương pháp thống kê, phân tích tác phẩm dựa vào những đặc trưng thể loại
(thể loại truyện ngắn, loại tự sự ).
Phương pháp hệ thống: Luận văn khảo sát, phân tích các hiện tượng văn học
như những bộ phận của một cấu trúc, những yếu tố của một hệ thống.
Phương pháp so sánh khi xem xét sự vận động của quá trình văn học, sự đổi
mới trong sáng tác của tác giả trước và sau năm 1975 và của các nhà văn khác.
6. Dự kiến đóng góp mới
Luận văn phân tích một cách tương đối hệ thống, có tính chỉnh thể về thế giới nghệ
thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải ở cả hai khía cạnh nội dung và hình thức:
khám phá hiện thực cuộc sống con người và nét đặc sắc trong quan niệm nghệ thuật
về con người giúp nhà văn lựa chọn loại hình nhân vật, tổ chức cốt truyện, tổ chức

hình tượng thời gian, không gian và cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
KHÁI QUÁT VỀ THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT VÀ HÀNH TRÌNH
SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN KHẢI
1.1. Khái quát về thế giới nghệ thuật và thế giới nghệ thuật trong sáng tác của
Nguyễn Khải
1.1.1. Khát quát về thế giới nghệ thuật
Một tác phẩm toàn vẹn xuất hiện như một thế giới nghệ thuật, một khách thể
thẩm mĩ. Từ xưa, người Trung Quốc đã biết gọi tác phẩm thơ là một “cõi ý”(cõi
cảnh), “cõi thơ”(thơ đích cảnh giới). V.Bêlinxki từng nhận xét: “mọi sản phẩm nghệ
thuật đều là một thế giới riêng, mà khi đi vào thì ta đều buộc phải sống theo các qui
luật của nó, hít thở không khí của nó”. Nhà văn Sêđrin cũng nói: “Tác phẩm văn
học là một vũ trụ thu nhỏ, mỗi sản phẩm nghệ thuật là một thế giới khép kín trong
bản thân nó”. Đó là những nhận xét hết sức sâu sắc và có ý nghĩa. Như vậy, thế giới
nghệ thuật là: “Khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm,
một loại hình tác phẩm, sáng tác của tác giả, một trào lưu). Thế giới nghệ thuật
nhấn mạnh rằng, sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được sáng tạo ra theo
nguyên tắc tư tưởng, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lí của con
người mặc dù nó phản ánh các thế giới ấy. Thế giới nghệ thuật có không gian riêng,
thời gian riêng, có qui luật tâm lí riêng, có quan hệ xã hội riêng, quan niệm đạo
đức, bậc thang giá trị riêng chỉ xuất hiện một cách có ước lệ trong sáng tác nghệ
thuật” [13, 251-252].
Thế giới nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của con người. Về mặt tâm lí học
nó phục tùng qui luật sau: con người sống trong thế giới khách thể bốn chiều (ba
chiều không gian và một chiều thời gian), nó phải thích nghi với ba chiều không
gian và sự biến đổi của thời gian. Mọi cảm xúc, tri giác đều gắn với thế giới đó,
không thể miêu tả sự sống mà không miêu tả thế giới của con người”. Sáng tạo thế
giới tinh thần là nhu cầu của con người. A.Einstein nói: “Con người muốn sáng tạo
cho mình một bức tranh thế giới đơn giản và rõ ràng theo một cách thức giống thật

nhất để có thể tách mình khỏi thế giới của cảm giác, để trong chừng mực nào đó có
thể thay thế nó bằng bức tranh được sáng tạo con người sẽ chuyển trọng tâm đời
sống tinh thần của nó vào bức tranh đó để có thể đạt được sự yên tĩnh và niềm tin,
điều mà nó không tìm thấy trong cuộc đời riêng chật hẹp và quay cuồng đến chóng
mặt.” (Tập hợp tác phẩm vật lý học - Tập 2).
Thế giới nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, chỉ có trong tác
phẩm, trong cảm thụ, ngoài ra không đâu có cả. Nó mang tính cảm tính, có thể thấy
được và là một kiểu tồn tại đặc thù, vừa trong chất liệu vừa trong cảm nhận của
người thưởng thức, là sự thống nhất của nhiều yếu tố trong tác phẩm văn học. Thế
giới nghệ thuật còn là chỉnh thể với những qui luật vận động nội tại. Đi vào thế giới
ấy là đi vào một cấu trúc lôgic có tổ chức bên trong, có sự thống nhất biện chứng
của các mặt đối lập, có sự hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật
“chịu sự chi phối của quan niệm nghệ thuật của tác giả về thế giới như một qui luật
tuyệt đối” (Trần Đình Sử) và do đó, nó có thể có tính ước lệ so với thế giới thực tại.
Khám phá một thế giới nghệ thuật cụ thể cũng có nghĩa là chúng ta đã nghiên cứu
văn học từ góc độ thi pháp. Đây là một hướng nghiên cứu mới mẻ đang rất được
quan tâm hiện nay. Hướng nghiên cứu này khám phá vẻ đẹp của văn học từ phương
diện bản thể của nó, từ cấu trúc, cách biểu hiện nội dung. Nó giúp chúng ta thoát
khỏi cách tiếp cận xã hội học đang trở thành lối mòn trong nghiên cứu văn học.
1.1.2. Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm Nguyễn Khải
Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của một nhà văn là một thế giới sống
động, gồm nhiều yếu tố cấu thành như tư tưởng, đề tài, nhân vật và các phương
thức biểu hiện. Nhưng nhìn chung, nó thường được khám phá theo những cách thức
khác nhau. Thí dụ, có thể khám phá bình diện cái tôi độc đáo của nhà văn được thể
hiện qua không gian, thời gian nghệ thuật và các phương thức biểu hiện khác như
ngôn ngữ, giọng điệu, tổ chức cốt truyện hoặc cũng có thể khám phá hình tượng
cái tôi độc đáo của nhà văn bộc lộ qua thế giới hình tượng được miêu tả và ngôn
ngữ biểu hiện.
Tuy nhiên, cho đến nay, cách khám phá đó mới chỉ được vận dụng trong các
công trình nghiên cứu thơ ca mà ít thấy trong các sáng tác của tác phẩm tự sự. Vì

vậy chúng tôi cũng không được thừa hưởng những kinh nghiệm đáng kể nào. Chúng
tôi chỉ bước đầu đưa ra một mô hình nghiên cứu về thế giới trong truyện ngắn của
Nguyễn Khải trên hai phương diện:
- Hiện thực cuộc sống và con người trong truyện ngắn của Nguyễn Khải. Từ đó
làm rõ cách khám phá hiện thực cuộc sống và thấy được sự biến đổi trong quan
niệm nghệ thuật về con người của ông ở hai giai đoạn sáng tác trước và sau năm
1975.
- Một số phương diện nghệ thuật đặc sắc như: ngôn ngữ người kể chuyện, giọng
điệu, không gian thời gian và nghệ thuật tổ chức cốt truyện.
Chúng tôi ý thức được rằng, thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của
Nguyễn Khải có thể còn phong phú hơn nữa mà những phương diện nghệ thuật kể
trên chưa thể đã nói được đầy đủ.
1.2. Hành trình sáng tác của Nguyễn Khải
Nguyễn Khải (1930-2008) tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải. Ông sinh tại
Hà Nội nhưng quê nội ở phố Hàng Than, thành phố Nam Định; quê ngoại ở xã Hiếu
Nam, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Thủa nhỏ, ông sống ở quê ngoại, có thời gian
học ở Hải Phòng và Hà Nội.
Nguyễn Khải là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi cách
mạng sau 1975. Ông thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đặc biệt có nhiều thành tựu từ những năm sau hòa bình.
Nguyễn Khải sáng tác bằng nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, ký,
tạp văn nhưng nhìn lại chặng đường sáng tác của ông, lại thấy Nguyễn Khải bén
duyên hơn với truyện ngắn. Tác phẩm của ông luôn phản ánh được những nhiệm vụ
cơ bản của mỗi giai đoạn cách mạng, những bước phát triển mới của đất nước. Tài
năng của Nguyễn Khải thiên về lý trí. Ông có một năng lực phân tích và óc phê
phán sắc sảo. Tác phẩm của ông vì thế thường mang tính vấn đề, nhìn vào ngõ
ngách nào của cuộc sống, Nguyễn Khải cũng có thể rất nhanh nhạy phát hiện ra vấn
đề. Ông luôn chọn những nơi cuộc sống diễn ra sôi nổi, quyết liệt, tiêu biểu cho hiện
thực cách mạng của đất nước để làm cơ sở cho việc phản ánh và sáng tạo văn học.
Sau một số sáng tác đầu tay chưa thực sự gây sự chú ý của bạn đọc như: Ra

ngoài (1951), Xây dựng (1951), Nằm vạ (1956); năm 1957, Nguyễn Khải cho ra
đời tác phẩm Xung đột, “ghi” lại cuộc đấu tranh gay gắt đang diễn ra ở nông thôn
ngay trong điều kiện hòa bình giữa cán bộ, bộ đội và nhân dân với bọn phản động
đội lốt tôn giáo nổi lên chống phá cách mạng. Không chỉ phản ánh về cuộc đấu
tranh giai cấp, Xung đột còn là bức tranh sinh động về đời sống của một vùng nông
thôn công giáo trong đó con người bị bọn phản động đội lốt thầy tu làm cho mê
muội, sống trong tâm lý chịu đựng, nhẫn nhục trong sự lạc hậu và cằn cỗi về tâm
hồn. Chủ nghĩa xã hội đến với họ thực khó khăn và nặng nề vì những cái nếp đã
định sẵn. Thông qua Xung đột tác giả đặt ra vấn đề sâu xa hơn và bức xúc hơn - vấn
đề giải phóng tinh thần con người, làm thế nào để con người nhận ra ánh sáng của
chân lý và vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Chủ đề của Xung đột, chủ đề của
cuộc đấu tranh giai cấp, còn được tác giả tiếp tục trong Xung đột, tập 2 (1960) và
Một chặng đường (1962) cũng như một số sáng tác của ông sau ngày miền Nam
hoàn toàn giải phóng.
Năm 1960, trong không khí cả miền Bắc hưởng ứng phong trào xây dựng
cuộc sống mới và hàn gắn vết thương chiến tranh, Nguyễn Khải đã lên Điện Biên
Phủ, đến với cuộc sống lao động khẩn trương nơi đây. Đó là thời kỳ lạc quan phơi
phới của cuộc sống cũng như của người sáng tác. Nhà văn đã cho ra đời các tập
truyện ngắn Mùa lạc (1960), Hãy đi xa hơn nữa (1963). Đó là những trang viết xúc
động mà ấm áp về một cuộc sống mới đang được xây dựng, về tình yêu và sự đổi
thay của số phận con người, về những quan hệ đạo đức mới xã hội chủ nghĩa đầy
tình thương và trách nhiệm giữa con người với con người.
Trong phong trào hợp tác hóa nhằm đưa nông thôn miền Bắc tiến lên sản
xuất lớn xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Khải viết Tầm nhìn xa, Người trở về, Chủ tịch
huyện và Gia đình lớn Nhà văn đã khai thác đề tài nông thôn và đặt ra vấn đề mối
quan hệ giữa quyền lợi tập thể, quyền lợi nhà nước và quyền lợi cá nhân; nêu lên
một quan niệm về cách nhìn nông thôn mới của ta, chỉ ra những yếu tố tích cực,
những yếu kém cần phải khắc phục của nông thôn trong quá trình đi lên xây dựng
chủ nghĩa xã hội
Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, Nguyễn Khải đã

có mặt ở những nơi nóng bỏng của cuộc chiến đấu. Đến với các chiến sĩ ở đảo Cồn
Cỏ - nơi đầu sóng ngọn gió canh giữ biển trời của Tổ quốc, Nguyễn Khải cho ra đời
thiên ký sự Họ sống và chiến đấu, một trong những cuốn sách tràn đầy chủ nghĩa
anh hùng cách mạng của quân đội ta. Sau đó là Đường trong mây - viết về những
chiến sĩ công binh đang trấn giữ một địa điểm cực kỳ ác liệt ở Trường Sơn; vào đất
lửa Vĩnh Linh, đến với những con người xông pha, vượt mọi nguy hiểm để đưa
hàng tiếp tế ra Cồn Cỏ, viết Ra đảo; đi chiến dịch đường Chín - Nam Lào, viết
Chiến sĩ; tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, viết Tháng ba ở Tây Nguyên.
Sau chiến thắng 1975, đất nước được thống nhất, Nguyễn Khải viết về một
hiện thực hoàn toàn mới mẻ - cuộc sống ở miền Nam sau ngày giải phóng. Bên cạnh
niềm vui vì non sông đã được thu về một mối, con người được sống trong điều kiện
hòa bình đây còn là một sự thay đổi lớn trong suy nghĩ và tình cảm của mỗi người,
đặc biệt là những con người gắn bó sâu sắc với chế độ cũ tất sẽ không tránh khỏi
một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt và quyết liệt. Nhà văn giờ đây đã phát hiện
thêm một khía cạnh mới của hiện thực: thắng lợi của cuộc cách mạng trong nhận
thức của những người vốn gắn bó sâu sắc với chế độ Sài Gòn cũ và những suy nghĩ
day dứt của họ. Các tác phẩm: Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người
đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Cũng trong thời gian này, nhà văn cho ra đời những
tác phẩm như Cha và Con và , Điều tra về một cái chết để tiếp tục đề tài đã nêu ra
từ Xung đột. Lúc này thực tiễn đất nước đã giúp ông có điều kiện suy nghĩ, chiêm
nghiệm, tìm hiểu cả phương diện lạc hậu và bất lực của tôn giáo trong quá trình phát
triển của xã hội cũng như hướng hòa hợp cùng dân tộc.
Thời kỳ đất nước tiến hành đổi mới (năm 1986), đặc biệt là sự xuất hiện của
nền kinh tế thị trường kéo theo nhiều sự đổi thay về các quan hệ xã hội và quan
niệm về cuộc sống của con người. Hàng loạt truyện ngắn của Nguyễn Khải đã ra đời
trong thời điểm này và được in trong một số tập truyện như: Một người Hà Nội
(1990), Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu (1993), Một thời gió bụi (1993),
Hà Nội trong mắt tôi (1995). Trong những tác phẩm này, Nguyễn Khải đã thể hiện
nhiều loại người với cách nghĩ, cách sống và thái độ của họ trước những vấn đề đặt
ra trong thời cuộc vốn rất đa dạng và phức tạp, khác xa với “thời lãng mạn” đã qua.

Ngoài ra, nhà văn còn viết nhiều bút ký, tạp văn bàn về chuyện nghề, chuyện đời
thể hiện quan niệm sống và quan điểm sáng tác của tác giả.
Trong quá trình sáng tác của mình, Nguyễn Khải luôn nhằm thẳng vào đời
sống hiện tại. Ông muốn hướng vào hiện tại để thức tỉnh người đọc cùng suy nghĩ.
Ông luôn khát khao thể hiện được những vấn đề của hôm nay, trong tiểu thuyết Gặp
gỡ cuối năm, ông viết: “Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang bề bộn,
bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động bất ngờ mới
thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ”. Đó cũng chính là quan
điểm nghệ thuật của ông trong suốt cuộc đời sáng tác của mình.
CHƯƠNG 2
HIỆN THỰC CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN
NGẮN NGUYỄN KHẢI
2.1. Hiện thực cuộc sống trong truyện ngắn Nguyễn Khải
2.1.1. Quan niệm về hiện thực cuộc sống của Nguyễn Khải
Trong suốt quá trình lao động sáng tạo của mình, Nguyễn Khải đã có một
khối lượng khá lớn tác phẩm phản ánh được những nhiệm vụ cơ bản của mỗi giai
đoạn cách mạng, những bước phát triển của đất nước. Tác phẩm của ông vừa mang
tính thời sự nóng hổi, vừa có tầm khái quát cao, thể hiện nhiều vấn đề mang tính
triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng:
“Muốn hiểu con người thời đại, với tất cả những cái hay dở của họ, nhất là muốn
hiểu cách nghĩ của họ, đời sống tinh thần của họ, phải đọc Nguyễn Khải”[35,
61-62].
Đọc truyện ngắn của Nguyễn Khải, độc giả nhận thấy rõ cảm hứng chi phối
nhiều trong toàn bộ sáng tác của nhà văn là cảm hứng về cái hiện tại, cái hôm nay.
Bởi với Nguyễn Khải, “cái hôm nay” bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của
những người đương thời và trong nó bao giờ cũng giấu kín những điều mới mẻ. Phải
chăng vì quan niệm ấy mà Nguyễn Khải luôn gắn mình với thực tế, theo từng nhịp
đập của cuộc sống mới mẻ, sôi động và khẩn trương. Với tư cách của người cầm
bút, Nguyễn Khải đi đến nhiều miền đất khác nhau, tìm hiểu bao con người khác
nhau với mong ước tiếp cận một hiện thực còn “tươi rói, đỏ hồng”. Ông lên nông

trường Điện Biên, về Phú Thọ, xuống Đồng Tháp Mười để tìm cảm hứng sáng tác.
Con người ấy luôn luôn, lúc nào cũng khao khát có mặt trong đời sống hiện tại, lúc
nào cũng như đang sống giữa dòng thác của cuộc đời để tìm hiểu và khám phá nó.
Chính tại những nơi, những mảnh đất nóng bỏng ấy, nhà văn đã nhìn thấy bao vấn
đề được đặt ra cho đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Đó không chỉ là hiện
thực và con người của những sự kiện đang tồn tại mà còn là nhận thức, là tư tưởng
của con người nữa. Cho nên,“cái hôm nay” ấy với Nguyễn Khải không chỉ là những
câu chuyện thời sự mà nó còn là quan niệm của một nhà văn ưa tìm tòi, khám phá,
chiêm nghiệm thế giới tinh thần của con người. Nhà văn luôn lựa chọn những đề tài
là hiện thực đời sống hôm nay, là vấn đề tư tưởng hay tâm trạng của con người hôm
nay. Nơi ấy sẽ là chỗ cho một ngòi bút giàu tính hiện thực, tính chiến đấu thả sức
khai vỡ, tiếp cận đời sống. Nguyễn Khải không chỉ dừng lại ở cái bề mặt, ở mức độ
nêu vấn đề, đưa vấn đề mà nhà văn như muốn nhìn, muốn phát hiện những cái
người khác chưa nhìn thấy và phân tích vấn đề trong bản chất của nó, để đi tới
khẳng định cuộc sống theo cách riêng của mình. Phan Cự Đệ đã rất đúng khi cho
rằng: “Nguyễn Khải là cây bút trí tuệ, luôn suy nghĩ sâu lắng về những vấn đề mà
cuộc sống đặt ra và cố gắng tìm một lời giải đáp thuyết phục theo cách riêng của
mình. Cho nên thông qua những tác phẩm của nhà văn, thông qua những sự kiện xã
hội chính trị có tính thời sự nóng hổi, bao giờ cũng nổi lên những vấn đề khái quát
có ý nghĩa triết học và đạo đức nhân sinh” [7]. Vì vậy, những sáng tác của Nguyễn
Khải luôn cuốn hút được độc giả. Ở những giai đoạn cách mạng khác nhau, cái nhìn
nghệ thuật về hiện thực cuộc sống của tác giả cũng khác nhau cho phù hợp với hoàn
cảnh thực tiễn. Nhờ đó, người đọc luôn nhận thấy ở tác phẩm của Nguyễn Khải một
thái độ mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề thiết cốt của cuộc sống ở những giai
đoạn hiện thực ấy.
Trước năm 1975, hiện thực đất nước trải qua những giai đoạn mới mẻ. Đó là
thời kỳ hàn gắn vết thương sau chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc,
chiến đấu chống Mỹ. Cái nhìn nghệ thuật về hiện thực cuộc sống của nhà văn như
nhiều nhà nghiên cứu nhận xét là cái nhìn tỉnh táo, sắc lạnh, nghiêm ngặt, đơn chiều.
Nhà văn luôn khai thác hiện thực cuộc sống trong thế xung đột, đối lập giữa cái cũ

và cái mới, cái riêng - cái chung, tiến bộ và lạc hậu, tốt - xấu, ta - địch. Qua đó,
khẳng định xu thế vận động từ bóng tối ra ánh sáng của cuộc sống mới.
Nhưng hiện thực cuộc sống sau 1975 có nhiều biến động, cảm hứng thế sự -
đời tư thay thế cho cảm hứng sử thi trước đây, cái nhìn nghệ thuật về hiện thực cuộc
sống của Nguyễn Khải là cái nhìn đầy trăn trở, suy nghiệm. Nhà văn cảm nhận được
hiện thực cuộc sống xô bồ, hối hả, đầy biến động, đổi thay nhưng cũng đầy hương
sắc. Nhà văn chuyển mạnh từ hướng ngoại sang hướng nội, lấy việc khám phá con
người làm trung tâm. Ông nhìn con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử,
với quá khứ dân tộc, với quan hệ gia đình và tiếp nối các thế hệ để rồi từ đó bao giờ
cũng khẳng định, ngợi ca những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống con người
hôm nay.
2.1.2. Hiện thực cuộc sống trong truyện ngắn Nguyễn Khải trước 1975
Giáo sư Phong Lê trong giáo trình Văn học Việt Nam 1945 - 1975 đã nhận
định về văn học giai đoạn này như sau: “Nhiệm vụ chiến lược của nền văn học hiện
thực chủ nghĩa xã hội là hướng về con người mới, nhằm xây dựng những điển hình
tích cực mang sức mạnh khẳng định hiện thực cách mạng và hướng tới tương lai”.
Như vậy, thời kỳ trước 1975, do đặc thù của hoàn cảnh đất nước 30 năm có chiến
tranh, hết chống Pháp lại chống Mỹ, trong nhiều chục năm con người sống trong
tâm lí tất cả vì cái chung, vì cộng đồng, những mất mát hy sinh của con người ít
được đề cập đến. Văn học cũng bị chi phối bởi quy luật ấy. Trong tác phẩm của
mình trước năm 1975, Nguyễn Khải hầu như chỉ quan tâm đến những vấn đề xã hội,
chính trị nổi bật của thời đại. Nguyễn Khải lại là một nhà văn “Sớm có ý thức dùng
văn học để phục vụ sự nghiệp cách mạng, để góp phần làm cho cuộc sống của con
người ngày một tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Ông có một niềm tin mãnh liệt lấy văn
học làm vũ khí chiến đấu và đem hết sức mình góp phần tích cực vào việc xây dựng
cuộc sống” (Hà Công Tài). Do vậy, Nguyễn Khải thường chọn những nơi cuộc sống
diễn ra sôi nổi, quyết liệt, tiêu biểu cho hiện thực cách mạng của đất nước để làm cơ
sở cho việc phản ánh và sáng tác văn học. Ông đặc biệt chú ý đến mảng hiện thực
rất quan trọng là nông thôn trên con đường xây dựng cuộc sống mới. Một vùng
nông thôn công giáo toàn tòng (Xung đột), một hợp tác xã tiên tiến (Tầm nhìn xa),

nông trường Điện Biên (Mùa lạc, Hãy đi xa hơn nữa) - những miền đất tự thân nó
đã là một hoàn cảnh điển hình, có sức khái quát cao để tác giả đưa ra những vấn đề
đáng suy nghĩ, để bộc lộ tính cách nhân vật một cách đầy đủ nhất.
Năm 1957, Nguyễn Khải viết tác phẩm Xung đột, nó thể hiện sự quan tâm
của nhà văn với đề tài cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt đang diễn ra ở nông thôn ngay
trong điều kiện hòa bình. Tác phẩm ra đời là môt sự kiện đáng chú ý, được dư luận
sôi nổi đón nhận và tài năng của Nguyễn Khải cũng bước đầu được khẳng định.
Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay này, nhà văn đã “ghi” lại cuộc đấu tranh quyết
liệt của cán bộ, bộ đội và nhân dân ta với bọn đội lốt tôn giáo nổi lên chống phá
cách mạng ở một xóm đạo. Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt và phức tạp không chỉ ở
từng thôn xóm mà trong từng gia đình, từng con người. Tác giả đặt cho mình nhiệm
vụ khám phá hiện thực xã hội vốn rất căng thẳng và đầy mâu thuẫn ở một vùng công
giáo, nơi mũi nhọn của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ đầu xây dựng và cải
tạo chủ nghĩa xã hội ở nông thôn miền Bắc.
Năm 1960, trong phong trào xây dựng quê hương mới và hàn gắn vết thương
sau chiến tranh, Nguyễn Khải có mặt ở nông trường Điện Biên - một nơi tiêu biểu
thuộc miền núi Tây Bắc tổ quốc. Nơi đây từng là chiến trường đẫm máu, giờ đây
trong cuộc sống mới nhà văn đã nhạy cảm nhận ra rất nhiều vấn đề như: vấn đề
riêng - chung, xây dựng con người mới, cuộc sống mới, đồng thời vạch rõ sự chuyển
hóa của con người là đi từ cái tôi riêng lẻ, cô đơn hòa nhập vào cuộc sống chung,
vào tập thể hoặc thể hiện sự biến đổi của số phận và tính cách nhân vật trong môi
trường tập thể (Mùa lạc, Đứa con nuôi, Chuyện người tổ trưởng máy kéo, Một
cặp vợ chồng, Hãy đi xa hơn nữa ).
Đó là những trang viết xúc động, sôi nổi mà ấm áp về cuộc sống mới đang
được xây dựng, về tình yêu và sự đổi thay của số phận con người, về những quan
hệ đạo đức mới xã hội chủ nghĩa đầy tình thương và trách nhiệm giữa con người với
con người. Ở tập truyện Mùa lạc, tác giả tập trung trước hết vào việc xây dựng nhân
vật có cuộc đời bất hạnh như chị Đào (Mùa lạc), Thi (Một cặp vợ chồng), bé Tấm
(Đứa con nuôi), Thoa (Chuyện người tổ trưởng máy kéo) , những con người đã
tìm thấy cuộc đời mới trong một tập thể tràn đầy tình yêu thương, tin tưởng giữa con

người với con người. Viết về họ, Nguyễn Khải đã tìm thấy trong bãi chiến trường
của dăm năm trước, con người không chỉ gieo trồng trên mảnh đất ấy những mùa lạc
bội thu mà còn gieo cả cho mình và cho nhau những ước mơ, khát vọng, niềm hạnh
phúc. Trên mảnh đất mà con người vẫn còn ngã xuống do di họa chiến tranh đã bắt
đầu nẳy nở không chỉ một mùa lạc đầu tiên mà còn là những xao xuyến đầu tiên của
niềm khát khao được sống cho đầy đủ, trọn vẹn. Những cuộc đời của Đào, Duệ,
Thoa, Tấm đã được thắp sáng, thổi bùng từ chính mảnh đất này.
Nguyễn Khải viết về số phận hẩm hiu của những con người bé nhỏ đã tìm
thấy hạnh phúc để từ đó khẳng định sức mạnh của cuộc sống mới, nhấn mạnh tình
hữu ái giai cấp, tin vào khả năng vươn lên của cuộc đời con người.Vì lẽ đó Mùa lạc
không chỉ nói về sự vượt qua “ranh giới”của những số phận bé nhỏ mà dường như
đó còn là sự vượt qua của một dân tộc vừa qua khói lửa của chiến tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh việc nhìn thấy cái tốt, cái hay để ngợi ca, Nguyễn Khải
còn phanh phui tất cả những cái phức tạp, khó khăn của quá trình xây dựng cuộc
sống mới ở Điện Biên. Ông nhận ra những phẩm chất mới đang sinh thành và cũng
nhìn thấu cả những cái cũ, cái lạc hậu. Bên cạnh sự đổi mới từng ngày, mảnh đất
Điện Biên vẫn còn ẩn chứa nhiều tàn dư của tư tưởng cũ, của cái tiêu cực. Vì thế,
cùng với sự chăm lo cho cái tốt, tác phẩm của Nguyễn Khải cũng đặt ra vấn đề cần
thiết phải hiểu tất cả những rắc rối ở con người, những ảnh hưởng rơi rớt của tư
tưởng lạc hậu, những thói xấu cản trở sự tiến bộ, trái với đạo đức xã hội. Ông phê
phán những nhân vật tiêu cực, ít nhiều còn bị ảnh hưởng của tư tưởng cũ, lạc hậu
như Khôi trong Chuyện người tổ trưởng máy kéo, tuy tháo vát thông minh nhưng
lại thiếu hẳn lòng tin yêu với con người, đó là y tá Giao trong Một cặp vợ chồng với
lối sống ích kỷ, cá nhân tàn nhẫn, Khôi trong Anh đội phó và người thợ mộc với
thói kiêu ngạo, hám danh, ích kỷ Ngay cả lối sống để cho lợi ích cá nhân lấn át
những khát vọng đẹp đẽ, thiêng liêng của cả đời người cũng được Nguyễn Khải đề
cập đến với những trang viết hấp dẫn và lí giải đầy đủ, thuyết phục (Hãy đi xa hơn
nữa). Song song với việc vạch ra cái cũ, lạc hậu, Nguyễn Khải còn gửi gắm nhiều
niềm tin và khát vọng của mình qua một số nhân vật lí tưởng. Đó là Cừ, chủ nhiệm
chính trị nông trường, với những suy nghĩ về trách nhiệm lớn lao đối với những đứa

trẻ bị ảnh hưởng bởi chế độ cũ: “Phải làm cho chúng nó được sống trong cái không
khí hoàn toàn mới mẻ của thời đại xã hội chủ nghĩa. Đấy là phương pháp tích cực
nhất có thể ngăn ngừa những tội lỗi sau này. Đấy là mối lo âu duy nhất, hợp lí nhất
về hạnh phúc của con cái, giúp chúng thoát khỏi những tấn bi kịch thương tâm mà
chúng sẽ gây ra” [35, 312]; là Nam “Một tâm hồn giản dị nhưng mới rộng lớn làm
sao” (Hãy đi xa hơn nữa). Nhận xét về những trang Nguyễn Khải viết về Điện
Biên, có nhà nghiên cứu đã nhận xét rất đúng khi cho rằng đó là những trang viết
đầy cảm hứng về cuộc sống lao động, chan chứa tình người, thể hiện chủ nghĩa nhân
đạo sâu sắc và phẩm chất lãng mạn của cây bút Nguyễn Khải và “vừa ca ngợi con
người nhưng cũng lại khám phá thế giới tinh thần vốn đa dạng và phức tạp để cải
hóa con người” (Hà Công Tài). Vì thế, qua những khám phá hình tượng, đặc biệt là
sự quan tâm đến những người nghèo khổ, bất hạnh, nhà văn đã thể hiện được tính
nhân đạo cao cả của cách mạng, thể hiện được bản chất tốt đẹp của cuộc sống mới.
Do vậy, có thể thấy, những trang viết về lao động trong cảm hứng sáng tác của nhà
văn ở giai đoạn này đã để lại những hình ảnh đẹp đẽ về những con người đang hăng
say lao động cùng những nét đẹp diệu kỳ của cuộc sống mới ở Điện Biên.
Có thể nói, những vấn đề nảy sinh ở vùng đất Điện Biên anh hùng đang từng
ngày thay da đổi thịt theo hướng tích cực nhưng còn đó những gian lao, khó khăn,
vất vả, được Nguyễn Khải thể hiện rất thuyết phục bởi nó có ý nghĩa thiết thực đối
với thời điểm mà cả nước đang cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh, hồ hởi,
phấn khởi xây dựng cuộc sống mới.
Trở lại với phong trào hợp tác hóa nhằm đưa nông thôn miền Bắc tiến lên sản
xuất lớn xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Khải viết Tầm nhìn xa và Người trở về. Hai
truyện này không đi vào những vấn đề vụn vặt trong cuộc sống, không quá xa vào
cái “tâm tư thầm kín riêng lẻ”, chủ đề của cả hai truyện đều đi thẳng vào một số vấn
đề của cách mạng lúc bấy giờ. Nó vừa có ý nghĩa đối với phong trào cách mạng ở
nông thôn vừa có ý nghĩa chung đối với toàn xã hội.
Trong Người trở về và Tầm nhìn xa, người đọc có thể thấy tương đối cụ thể
những vết cũ, những cái luộm thuộm còn vương lại trong con người nông dân mới,
những nét tiêu cực mà trong hoàn cảnh thuận lợi nào đó còn có thể bộc lộ và phát

triển trên những khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Nhưng bên cạnh những cái cũ
kỹ, tiêu cực đó là những nét rất mới, rất khỏe trong con người nông dân tập thể. Qua
những hình tượng nghệ thuật, một bức tranh tươi đẹp về nông thôn mới đang sôi nổi
xây dựng chủ nghĩa xã hội như hiện ra trước mắt người đọc.
Tầm nhìn xa đã phanh phui và phê phán những thói hư, tật xấu cũ kỹ còn rớt
lại trong những người nông dân lao động, đồng thời phản ánh những mâu thuẫn mới
nảy sinh trên bước phát triển của nông thôn mới. Tuy Kiền là nhân vật chính trong
chuyện. Ông ta là đảng viên xuất thân từ tầng lớp trung nông, làm phó chủ nhiệm
một hợp tác xã tiên tiến vào loại bậc nhất của một tỉnh, tận tụy và tích cực với công
việc chung, nhưng mặt khác Tuy Kiền đã lợi dụng chức vụ để chấm mút ít nhiều
một cách xảo trá Tuy Kiền tiêu biểu cho tầng lớp trung nông bước vào làm ăn tập
thể chưa lâu, mặt lao động đã được phát huy, nhưng mặt tư hữu trong điều kiện
thuận lợi lại bộc lộ ra. Nhân vật Biền trái lại, tiêu biểu cho bản chất tốt đẹp của
người cán bộ, qua hai hình tượng tương phản Tuy Kiền và Biền, Tầm nhìn xa đã
nói lên một điều có ý nghĩa là: “phải có tầm mắt nhìn xa hơn mọi người, đừng để
mối lợi vặt vãnh nó làm hại mình”. Tầm nhìn xa không dừng lại ở việc phát hiện và
phê phán tư tưởng tham ô trong một số cán bộ lãnh đạo xã, đề cao vị trí chiến đấu
và vai trò gương mẫu của người đảng viên cộng sản mà còn nêu lên một vấn đề tư
tưởng mà cuộc sống hiện đại cần phải giải quyết. Đó là quan hệ giữa quyền lợi nhà
nước và quyền lợi tập thể hợp tác xã.
Người trở về kể về những diễn biến tư tưởng và tình cảm đối với người yêu,
đối với quê hương xóm làng của Khang, một thanh niên thuộc tầng lớp trung nông
lớp trên, đi nghĩa vụ quân sự bốn năm trở về. Lớn lên trong “một gia đình phong
lưu” nên trước khi đi bộ đội Khang chưa hiểu nhiều những khó khăn và những thay
đổi dần dần của xóm làng. Mấy năm sống trong quân ngũ, được rèn luyện giáo dục,
Khang thiết tha với chủ nghĩa xã hội và hăng hái trở về “để đóng góp sức lực của
mình cho phong trào”, anh hình dung quê hương hoàn hảo như mong muốn của anh
và dự định làm những việc đẹp đẽ “trên cái hiện thực đẹp đẽ ấy”. Về tới quê, nhiều
cảnh anh trông thấy, đã ngược lại với sự tưởng tượng của anh như: Việc tổ chức bầu
cử Hội đồng nhân dân xã và huyện, hình thức của người đội trưởng sản xuất số 3 lôi

thôi, “khăn vấn cũng không gọn gàng ” thì thất vọng, rồi thất vọng về hình thức và
cung cách của người yêu Nhưng thực tế cuộc sống đã làm sáng mắt Khang khi anh
thấy, sau bề ngoài có vẻ luộm thuộm của con người và cung cách làm việc của
những con người ở nông thôn là những điều hết sức tốt đẹp mà anh chưa nhận ra.
Người trở về đã nêu và giải quyết vấn đề rất cơ bản: Phải có thái độ đúng, cách nhìn
đúng thì mới hiểu cuộc sống mới ở nông thôn.
Có thể nói, Người trở về và Tầm nhìn xa đã phản ánh một phần về sự đổi
mới sâu sắc trong con người, xã hội nông thôn; là bức tranh khá chân thật về nông
thôn mới, cả hai truyện đều:“Đi thẳng vào được những vấn đề đặt ra trong cuộc
sống, góp phần vào việc giáo dục tư tưởng, tình cảm mới, qua đó mà giúp ích cho
việc xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta” [52]. Trong những
tác phẩm của Nguyễn Khải viết về nông thôn, nhà văn đã quan sát thông minh và
hứng thú nghiên cứu đời sống cho nên các vấn đề mà ông phát hiện ra đều mang
đậm dấu ấn riêng rõ nét. Hầu như tác phẩm nào nhà văn cũng đặt ra những vấn đề
có ý nghĩa đối với hiện thực, được nhiều người quan tâm.
Nguyễn Khải là người luôn bám sát cuộc sống hiện thực và luôn luôn có xu
hướng muốn nghiên cứu, tìm tòi, khám phá những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống,
nhất là những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ
nổ ra, nhà văn lại hướng tới cuộc sống của những người chiến sĩ, ông tiếp tục theo
dõi và khảo sát con người trên đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng. Các tập kí Họ sống
và chiến đấu, Tháng ba ở Tây Nguyên và một số cuốn tiểu thuyết Đường trong
mây, Ra đảo đều in đậm dòng sự kiện nóng bỏng của ngọn lửa chiến đấu sôi sục.
Đó là những tác phẩm phản ánh trung thực một thời kỳ đầy khó khăn, gian khổ
nhưng hết sức vẻ vang của dân tộc, thời kỳ chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách
mạng. Hiện thực cuộc sống của những người lính được khắc họa rõ nét. Bằng cảm
hứng sử thi, tác giả đã thấy những người lính như Huy, Vịnh, Thụ (Đường trong
mây); Biền, Hòa (Ra đảo) là những người đại diện xứng đáng của cộng đồng tham
gia vào biến cố lịch sử của đất nước. Họ là những con người có ý chí, có nghị lực,
thông minh, sáng suốt.
Nhìn chung, hiện thực cuộc sống trong sáng tác của Nguyễn Khải trước năm

1975 còn thiên về khẳng định, ngợi ca. Nhà văn đã tô đậm, khẳng định sức mạnh
của cuộc sống mới, nhấn mạnh vào tình hữu ái giai cấp, tin vào khả năng vươn lên
trong cuộc đời của mỗi con người, đồng thời ông cũng khẳng định sức mạnh của
chủ nghĩa anh hùng cách mạng Cái nhìn đời sống của tác giả trong giai đoạn này
chưa đa dạng mà còn xuôi chiều nên đã chi phối mối quan hệ giữa nhà văn với hiện
thực. Nguyễn Khải hoàn toàn chỉ có nhu cầu hướng ngoại, ông đã đứng trên quan
điểm chung của cộng đồng, của dân tộc mà miêu tả, kể chuyện và đánh giá hiện
thực.
Tuy nhiên, trong những ngày tháng hào hùng ấy, đất nước đang chuyển mình
lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả mọi người cùng đồng tâm hiệp lực để phục vụ
cho lợi ích cao nhất của cộng đồng thì sáng tác lúc đó của Nguyễn Khải đã làm tròn
trách nhiệm văn chương của mình; đem văn chương phục vụ chính trị, để góp phần
“xây dựng cuộc sống mới, con người mới” (Trường Chinh).
2.1.3. Hiện thực cuộc sống trong truyện ngắn Nguyễn Khải sau 1975
Đất nước được giải phóng, đã tan khói súng, cuộc sống yên bình trở lại, chấm
dứt một giai đoạn lịch sử của dân tộc để chuyển sang một vận hội mới. Đối với văn
học, bối cảnh mới tạo nên nhiều chấn động sâu xa trong ý thức nghệ thuật. Từ một
nền văn học của đấu tranh, của những yêu cầu nghiêm ngặt về chính trị và tư tưởng,
nó đang có nhu cầu đổi mới, nhu cầu trở lại với sự sáng tạo trong dân chủ, nhu cầu
sống trong mọi vấn đề của đời sống con người, để tìm kiếm và thiết lập những giá
trị phong phú cho tinh thần con người.
Hòa vào không khí đổi mới của văn học, các sáng tác của Nguyễn Khải sau
1975, nhất là từ 1980 trở đi, đã bám sát đời sống hiện thực trên bình diện rộng rãi,
phong phú hơn. Người đọc thấy rõ, hiện thực bây giờ với Nguyễn Khải không phải
là mục đích phản ánh nữa mà có lúc nó là phương tiện để ông giãi bày tình cảm, gửi
gắm tâm trạng và những suy tư, chiêm nghiệm của mình về cuộc đời. Nhà văn
không chỉ quan tâm đến đời sống chính trị như trước mà hôm nay, cái nhà văn quan
tâm nhiều là đời sống tinh thần của mỗi con người, mỗi cá nhân trước cộng đồng,
trước sự đổi thay của đất nước.
Thời kỳ đất nước tiến hành đổi mới (1986), đặc biệt là sự xuất hiện của nền

kinh tế thị trường đã kéo theo sự thay đổi về các quan hệ xã hội và quan niệm về
cuộc sống của con người, Nguyễn Khải có dịp đến với nhiều miền đất khác nhau,
trở lại những nơi ông đã từng qua, đã lấy tài liệu để viết suốt một thời tuổi trẻ. Ông
cũng gặp lại những người quen cũ, bạn bè, người thân, họ hàng Cho nên, thế giới
nhân vật của ông trong thời kỳ này thực phong phú: Từ già đến trẻ, từ thông minh,
tháo vát đến vụng về, lạc thời, bế tắc Rất nhiều truyện ngắn của Nguyễn Khải đã
đi vào cuộc sống đời thường của con người với những góc khuất trong tâm hồn mà
trước đây một thời người ta đã lãng quên. Nhà văn đã dành nhiều thời gian đi sâu
vào phía hiu quạnh, khuất lấp của đời sống, đi sâu vào số phận những con người
bình thường, gần gũi quanh mình để khám phá một thế giới tinh thần dung dị nhưng
không kém phần phức tạp và tinh tế. Một cuộc sống có cả tiếng cười lẫn nước mắt,
hạnh phúc pha lẫn đắng cay. Giai đoạn này, truyện ngắn của ông thường khơi vào
hai mạch chính. Một là, cuộc sống, tâm sự hôm nay của những người xung quanh,
những bạn bè, đồng nghiệp và của chính mình. Hai là, số phận của những người
thân trong gia đình mà tác giả nặng lòng với họ. Những con người này với những số
phận riêng đã giúp ông suy ngẫm về cuộc đời, từ đó rút ra được bao triết lí nhân sinh
sâu sắc, tạo ra những nét độc đáo cho giai đoạn sáng tác sau này của nhà văn.
Trở về với cuộc sống hôm nay vẫn là một Nguyễn Khải ưa tìm tòi, nêu vấn
đề, vẫn là một Nguyễn Khải bám sát đời sống, đi và viết say sưa. Nhà văn như muốn
chạy đua với dòng chảy của hiện thực, đi vào mảnh đất “nóng” của hiện tại để bàn
bạc những vấn đề của hôm nay, phân tích đời sống của những con người đương
thời. Với sự nhạy cảm, Nguyễn Khải đã phát hiện và đưa ra nhiều vấn đề có ý nghĩa
xã hội liên quan đến tính hai mặt của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh việc đem lại
sự thay da đổi thịt cho đất nước, nền kinh tế mới đã làm xuất hiện biết bao tâm lí, lối
sống mới, đó là lối sống coi trọng đồng tiền, lối sống vị kỷ đã phá hoại những giá
trị văn hóa, đạo đức truyền thống, đẩy con người tới chỗ ngày càng xa lạ nhau hơn.
Nhà văn đã phát hiện ra bao vấn đề của cá nhân trước cuộc sống mới: Vấn đề về sự
thay đổi thời thế, vấn đề của quá khứ và hiện tại, ngày hôm qua và ngày hôm nay,
vấn đề của hai thế hệ già và trẻ, những người hợp thời và lạc thời Cuộc sống đã
thay đổi, bao nhiêu thứ cũng theo đó mà đổi thay: Từ tư duy, nếp sống, những chuẩn

mực, giá trị truyền thống, những suy nghĩ, lí tưởng sống giờ cũng khác nhau rất
nhiều Điều ấy đã khiến con người hôm nay “càng ở với nhau càng lạ” bởi cuộc
đời bây giờ là: “Trận đánh của những quan niệm khác nhau, của những cách sống
khác nhau, của những niềm tin và nguyện vọng khác nhau” [28, 318].
Do đó, tác phẩm của Nguyễn Khải thời kỳ này tập trung hơn các vấn đề của
đời sống nhân thế, đó là: Bi kịch lạc thời của con người thời đại mới (Anh hùng bĩ
vận, Sống giữa đám đông, Đổi đời, Lạc thời, Nơi về ); số phận bất hạnh của con
người (Đời khổ, Ông cháu); lựa chọn và lầm lạc (Chuyện tình của mỗi người);
hiện tại và quá khứ (Chúng tôi và bọn hắn); dòng họ và truyền thống (Ông trưởng
họ, Làng của một doanh nhân, Con cháu dòng họ Ngô Thì ). Có thể nói, nhà văn
đã đi vào những góc khuất của nội tâm nhân vật để từ đó đưa ra biết bao nhiêu
chiêm nghiệm về cuộc đời này: “Trong cuộc đổi thay, số phận của nhiều cá nhân sẽ
rất bi thảm, nhưng số phận của cộng đồng của thời sau bao giờ cũng hơn thời
trước” [28, 284], cho nên bên cạnh những “ưu tư và sầu muộn ấy” nhà văn vẫn đón
chào một thời vừa tới, vẫn giữ một niềm tin vào con người, vào cuộc sống, vào
những điều bình dị mà lớn lao. Đấy là bản lĩnh, sự tự tin của Một người Hà Nội,
đấy là tình cảm đôn hậu, mộc mạc làm nảy sinh những mần yêu thương trong Nắng
chiều, đấy là con người cả đời chăm lo, gìn giữ gia phong cho một dòng họ của bà
cô trong Nếp nhà; rồi những con người biết vươn lên hoàn cảnh để mà sống: Cặp
vợ chồng dưới chân động Từ Thức, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Một bàn tay
và chín bàn tay Những con người bình thường ấy tưởng không có công tích gì, họ
giản dị như chính cuộc đời họ, nhưng tấm vải bền chắc của cuộc sống này lại được
dệt lên từ chính những con người như thế.
Bằng việc mở rộng phạm vi hiện thực, đi sâu vào số phận con người trong
cuộc sống đời thường với cái nhìn sẻ chia, thông cảm, Nguyễn Khải đã đem đến cho
văn học một khả năng chiếm lĩnh hiện thực mới - một hiện thực phong phú, sinh
động như nó vốn có.
Ở thời kỳ này, Nguyễn Khải còn có những sáng tác về Hà Nội, nơi ông sinh
và mang bao kỷ niệm thời tuổi trẻ. Đó là những trang viết ấm áp, đầy tình cảm. Ông
viết về người thân, bạn bè, ca ngợi những cách sống, những nhân cách cao đẹp. Họ

đều là những con người bình thường như bao người bình thường khác, nhưng trong
suy nghĩ và tình cảm lại ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn làm nên một phong thái Hà
Nội. Đó là cô Hiền, có nếp ứng xử hợp tình, hợp lý trong gia đình và ngoài xã hội,
sang trọng, bản lĩnh, tự tin. Người cô mà tác giả coi như “là một hạt bụi vàng” của
Hà Nội và ao ước: “Những hạt bụi vàng lấp lánh ở đâu đó, ở mỗi góc phố Hà Nội,
hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng” (Một người
Hà Nội). Nhân vật trong những sáng tác về Hà Nội của Nguyễn Khải thường là
những con người bình thường xung quanh, những người trong gia đình, bạn bè,
đồng nghiệp. Một bà cô suốt đời chăm lo, gìn giữ gia phong của dòng họ (Nếp nhà).
Cô em họ biết tính toán hợp thời nhưng bao giờ cũng coi trọng cái danh hơn cả
(Tiền). Bà cụ tầm thường mà cách ứng xử lại danh giá (Người của ngày xưa).
Nguyễn Khải còn viết về những người trẻ tuổi, “những nhân vật chính của
một vận hội mới” thời mở cửa. Ông nhận thấy tiềm năng to lớn của họ, nhưng ông
cũng tỉnh táo nhìn nhận những khiếm khuyết của tuổi trẻ và đặt vấn đề làm sao cho
họ phấn đấu tạo ra những giá trị có ý nghĩa đối với sự chấn hưng của dân tộc
(Chúng tôi và bọn hắn). So với những sáng tác thời tuổi trẻ, cái nhìn của ông thực
đằm thắm và bao dung. Ngòi bút nhà văn tìm hiểu, khám phá nhiều giá trị nhân văn
sâu sắc ẩn chứa sau những nhân vật rất đỗi bình thường. Trong những câu chuyện

×