Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Đề thi đề xuất học sinh giỏi các trường chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng bắc bộ môn ngữ văn 10 năm 2015 trường chuyên VĨNH PHÚC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.66 KB, 8 trang )

SỞ GD& ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC
ĐỀ THI CHỌN HSG
VÙNG DUYÊN HẢI ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ, NĂM 2015
MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 10
Thời gian làm bài: 180’, không kể thời gian giao đề

Câu 1 ( 8 điểm):
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn với chủ đề: “Cuộc sống cũng cần những
giọt nước mắt”!
Câu 2 (12 điểm):
Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết:
“Dù anh viết xuôi viết ngược như thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ,
về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán chường thì rốt cuộc vẫn để truyền thổi vào
tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát ngát vào cuộc sống ”.
Anh (chị) hiểu ý kiến của Nguyễn Minh Châu như thế nào? Bằng những hiểu
biết về truyện cổ tích, anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về ý kiến trên.
HẾT
(Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
Họ tên học sinh…………………… ……… Số báo danh…………
SỞ GD& ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC
HƯỚNG DẪN CHẤM KÌ THI CHỌN HSG
VÙNG DUYÊN HẢI ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ, NĂM 2015
MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 10
Thời gian làm bài: 180’, không kể thời gian giao đề

A. YÊU CẦU CHUNG
- Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho
điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí,
khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.


- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của
đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.
- Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.
B. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (8,0 điểm)

a. Về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ,
vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
- Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b.Về kiến thức:
- Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, dưới đây chỉ là một số gợi ý cơ bản:
Ý Nội dung Điểm
1 Giải thích 1,0đ
- “Giọt nước mắt”: là một trong những biểu hiện của trạng thái cảm
xúc, thể hiện sự xúc động cao độ.
- “Cuộc sống cũng cần những giọt nước mắt”: khẳng định vai trò, sự
cần thiết của “giọt nước mắt” trong cuộc sống.
2 Bàn luận: Vì sao “nước mắt” lại cần thiết trong cuộc sống? 5,0đ
- Nước mắt thể hiện sự cảm thông, chia sẻ, làm cho cuộc sống nhân ái và tốt
đẹp hơn.
- Nước mắt là một hình thức cần thiết để giải tỏa nỗi niềm, giúp con
người vơi đi những buồn đau để lấy lại năng lượng trong cuộc sống.
- Nước mắt đâu phải là sự yếu mền. Có những giọt nước mắt thể hiện ý
chí, nghị lực, lòng quyết tâm trước mọi khó khăn, thử thách. Nước mắt
cũng như mưa, sau cơn mưa trời sẽ sáng, sau nước mắt là kiên cường.
- Giọt nước mắt của sự ân hận, ăn năn, có tác dụng thức tỉnh, giúp ta
dũng cảm đối diện với những sai lầm của chính mình để ngày càng
hoàn thiện hơn.
- Giọt nước mắt còn là sự xúc động chân thành trước những vui sướng

và niềm hạnh phúc mà ta có được trong cuộc sống. Giọt nước mắt ấy
cho ta niềm tin, tình yêu với cuộc sống mà ta đang có.
(Lưu ý: Học sinh cần kết hợp được lí lẽ với các dẫn chứng tiêu biểu
để làm sáng tỏ vấn đề)
3 Bài học nhận thức và hành động 2,0đ
- Cần trân trọng và bồi đắp những xúc cảm chân thành trong cuộc sống để
tâm hồn mỗi người không trở thành một cỗ máy khô cằn, chai sạn trong
guồng quay của cuộc sống hiện đại.
- “Nước mắt” cần đi liền với lí trí sáng suốt để tránh tình thương bị lợi
dụng.
- Không chỉ biết “khóc” mà chúng ta cũng cần phải can đảm “hành động”
để vượt qua những mất mát, khổ đau và những thử thách trong cuộc sống.
Câu 2 (12,0 điểm)

a. Về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập
luận.
- Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
- Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Về kiến thức:
- Học sinh hiểu đúng nhận định, lựa chọn được những dẫn chứng tiêu biểu từ truyện
cổ tích để làm rõ những suy nghĩ của mình về quan điểm của Nguyễn Minh Châu.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ
bản sau:
Ý Nội dung Điểm
1, Giải thích nhận định: 2,0đ
- “viết xuôi viết ngược”: cách viết, hình thức thể hiện.
- “viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán chường”:
nội dung biểu hiện – thiên về những cảm xúc nghịch chiều, những mặt
tiêu cực của cuộc sống.

→ Quan điểm của Nguyễn Minh Châu: dù người nghệ sĩ lựa chọn viết
theo hình thức nghệ thuật nào, viết về bất cứ nội dung gì, kể cả những
“mảng tối” của hiện thực, của cảm xúc… thì cái đích cuối cùng văn
học là phải đem đến cho người đọc niềm lạc quan, tin yêu vào cuộc
sống, vào con người; hướng người đọc vươn tới những giá trị chân,
thiện, mĩ.
2, Bàn luận, chứng minh: 8,0đ
a, Bàn luận: 2,0đ
* Quan điểm của Nguyễn Minh Châu xuất phát từ đặc trưng văn học.
“Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống”, vì vậy mọi mảng hiện
thực – “sáng” hay “tối” đều là đối tượng phản ánh của văn học. Điều
quan trọng không phải là anh “viết về cái gì” mà là anh viết để “hướng
tới điều gì”.
* Quan điểm của Nguyễn Minh Châu xuất phát từ chức năng bao trùm
của văn học là “nhân đạo hóa con người”, giúp con người sống tốt
hơn, nghị lực và kiên cường hơn. Giá trị cuối cùng của văn học là
“nâng đỡ” con người, đặc biệt là “những người cùng đường tuyệt lộ”
chứ không phải là dập tắt hi vọng của con người, để con người không
biết bấu víu vào đâu. Vì vậy “nhà văn lớn phải là những người nhân
đạo từ trong cốt tủy”.
* Quan niệm của Nguyễn Minh Châu đúng với mọi tác phẩm văn học
chân chính nói chung và rất chân xác đối với thể loại truyện cổ tích:
- Truyện cổ tích là những sáng tác dân gian thuộc loại hình tự sự, ra đời
khi chế độ nguyên thủy tan rã, chế độ phong kiến hình thành, quan hệ
bình đẳng bị phá vỡ, sự phân hóa giai cấp ngày càng sâu sắc.
- Truyện cổ tích phơi bày hiện thực ngột ngạt, đầy bất công, ngang trái,
phản ánh số phận bất hạnh của những con người lao động nhỏ bé. Nhân
vật chính trong truyện cổ tích thường là người mồ côi, người em, người
có ngoại hình xấu xí… Họ đều là những con người hiền lành, tốt bụng,
tài năng nhưng lại chịu áp bức bóc lột nặng nề.

- Truyện cổ tích thể hiện ước mơ về sự công bằng, dân chủ, hạnh phúc.
Trong cuộc đấu tranh giữa thiện – ác, xấu – tốt, chính nghĩa – phi
nghĩa… những người lương thiện, tài năng sẽ luôn được hưởng hạnh
phúc xứng đáng với những phẩm chất tốt đẹp của họ. Đồng thời có cả
những giấc mơ bay bổng, đẹp đẽ: lao động nhẹ nhàng, cuộc sống sung
túc…
→ Hiện thực trong truyện cổ tích luôn đan xen với các yếu tố kì ảo, tạo
ra một thế giới hấp dẫn, rọi chiếu ánh sáng chói ngời hạnh phúc vào
cuộc đời tối tăm, bất hạnh của con người, khiến họ yêu đời và sống
mạnh mẽ hơn.
b, Chọn một số truyện cổ tích tiêu biểu để phân tích, chứng minh (học
sinh có thể lấy các dẫn chứng khác nhau nhưng phải đảm bảo sự
tiêu biểu, toàn diện. Dưới đây chỉ là một số gợi ý):
6,0đ
Truyện Tấm Cám:
*“Viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán
chường…”:
- Truyện phản ánh số phận bất hạnh của cô Tấm thảo hiền:
+ Mồ côi mẹ từ nhỏ.
+ Bị mụ dì ghẻ bóc lột, chà đạp, hãm hại: cướp mất yếm đỏ, bắt mất cá
bống, không cho đi chơi hội, hãm hại nhiều lần…
→ Mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con Cám không chỉ là mâu thuẫn giữa
dì ghẻ - con chồng mà còn là hình thức biểu hiện cụ thể của mâu thuẫn
giai cấp, xung đột thiện – ác trong xã hội. Thân phận đầy đau khổ của
Tấm là thân phận chung của những người nghèo, người mồ côi lương
thiện trong xã hội xưa.
* “Truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát
ngát vào cuộc sống”:
- Cô Tấm trải qua bao bất hạnh cuối cùng được hưởng hạnh phúc vẹn
tròn. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác dù gay gắt, quyết liệt đến đâu thì

cuối cùng cái thiện cũng chiến thắng cái ác, “ở hiền sẽ gặp lành”:
+ Con đường đến với hạnh phúc của cô Tấm luôn có sự ủng hộ, giúp đỡ
của những lực lượng siêu nhiên: ông Bụt, gà, chim sẻ… thể hiện ước
mơ của nhân dân về sự công bằng.
+ Con đường đến với hạnh phúc của cô Tấm là quá trình tự đấu tranh
để giành và giữ hạnh phúc: 5 lần hóa thân thể hiện sức sống mãnh liệt
và sự trưởng thành trong ý thức tự đấu tranh của cô Tấm.
→ Tác giả dân gian đã mượn yếu tố kì ảo, truyền thổi sức sống mãnh
liệt cho nhân vật, vực nhân vật dậy “đi trả thù và sống tự do”. Ta hiểu
rằng đằng sau lũy tre làng yên tĩnh luôn ấp ủ bao ước mơ lãng mạn và
kì diệu của người lao động nghèo. Và chính truyện cổ tích đã tạo hình,
chắp cánh cho những ước mơ, nuôi dưỡng niềm tin, niềm lạc quan cho
con người.
Truyện Chử Đồng Tử:
* “Viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán
chường…”:
- Truyện phản ánh cuộc sống nghèo khổ của cha con Chử Đồng Tử.
- Truyện phản ánh sự phân biệt giai cấp sâu sắc trong xã hội phong
kiến: cuộc hôn nhân của Tiên Dung và Chử Đồng Tử gặp phải sự phản
đối kịch liệt của nhà vua.
* “Truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát
ngát vào cuộc sống”:
- Cuộc hôn nhân của Tiên Dung và Chử Đồng Tử phản ánh ước mơ về
một tình yêu tự do, phóng khoáng của nam nữ thanh niên vượt qua mọi
rào cản giai cấp.
- Công việc làm ăn của Tiên Dung và Chử Đồng Tử ngày càng thịnh
vượng → ước mơ giàu có, no đủ của nhân dân.
- Gậy, nón thần mang đến cho hai vợ chồng cung điện lộng lẫy… →
ước mơ lao động nhẹ nhàng và hiệu quả hơn; chinh phục đầm lấy, khai
phá đất hoang của cha ông ta.

→ Mượn yếu tố kì ảo, truyện khơi dậy những ước mơ vừa bình dị, vừa
lãng mạn, phóng khoáng, gieo vào lòng người đọc niềm tin, lòng yêu
đời và tinh thần nhân văn sâu sắc.
Truyện cổ tích “Cô bé bán diêm”:
* “Viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi khổ đau, chán
chường…”:
- Nỗi bất hạnh của một cô bé mồ côi, không nhà không cửa, chết cóng
trong đêm giá rét, trước thềm của năm mới vừa sang.
* “Truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát
ngát vào cuộc sống”:
+ Khơi dậy lòng nhân ái, sự xót thương, đồng cảm đối với những mảnh
đời bất hạnh.
3, Đánh giá, tổng kết: 2,0đ
- Muốn “viết nhân đạo” phải “sống nhân đạo”. Người nghệ sĩ phải
sống sâu sắc với đời, với người, phải có trách nghiệm với việc cầm bút
của mình. Thông qua tác phẩm, tác giả phải gửi được những thông điệp
mang giá trị nhân văn sâu sắc, như vậy tác phẩm mới có sức sống
trường tồn trong lòng người đọc.
- Với người đọc, phải đồng cảm, tri âm với tác giả thông qua tác phẩm.
Có như vậy tâm hồn người đọc mới được bồi đắp, trở nên giàu có và
tràn đầy niềm tin yêu với cuộc sống.
Vĩnh Yên, ngày 14 tháng 3 năm 2015
Bùi Thị Hoàng Yến
GV Tổ Văn – Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc

×