Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Đề thi đề xuất kì thi học sinh giỏi các trường chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng bắc bộ năm 2015 môn ngữ văn khối 11 của trường chuyên BẮC NINH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (112.93 KB, 8 trang )

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
VÙNG DUYÊN HẢI
VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11
NĂM 2015
Thời gian làm bài: 180 phút
(Đề này có 1 trang, gồm 2 câu)
Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)
“Nếu một người được gọi là phu quét đường, hãy quét những con đường như Mi-ken-
lăng-giơ vẽ tranh, hãy quét những con đường như Bet-tô-ven đã soạn nhạc và hãy quét
những con đường như Sếch-xpia đã làm thơ. Người phu quét đường cần phải quét
những con đường sạch tới độ các thiên thần trên thiên đàng lẫn con người nơi trần gian
phải dừng lại và nói rằng: “Anh là người quét đường vĩ đại, người đã làm thật tốt công
việc quét đường của mình”.
(Mục sư Martin Luther King)
Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến trên?
Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)
B.Pastexnac đã phát biểu: “Nghệ thuật sinh ra từ nhu cầu được đền bù của con người.”
Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ bằng hiểu biết về một số truyện
ngắn của Nam Cao.
Hết
Người ra đề
Phạm Thị Ngọc An
Sđt: 0984982270
HƯỚNG DẪN CHẤM THI
Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)
A. Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài nghị luận xã hội, kết cấu rõ ràng, lập luận chặt chẽ, văn thuyết
phục.


- Biết chọn và kết hợp nhiều thao tác lập luận phù hợp, vận dụng nhuần nhuyễn các
thao tác lập luận, giải thích, chứng minh, bình luận.
B. Yêu cầu về kiến thức: bài viết có thể linh hoạt trong cách trình bày nhưng cần đảm
bảo các ý cơ bản sau:
1. Giải thích:
- “ Nếu một người gọi là phu quét đường, hãy quét những con đường như Mi-ken-
lăng-giơ vẽ tranh, hãy quét những con đường như Bet-tô-ven soạn nhạc, và hãy quét
đường như Sếch-xpia đã làm thơ”
-> Câu nói không có ý nghĩa thực so sánh người phu quét đường với Mi-ken-lăng-
giơ, Bet-to-ven, Sếch-xpia.
-> Mi-ken-lăng-giơ là họa sĩ vẽ tranh nổi tiếng người Ý, tác giả của những kiệt tác
tranh và tượng; Sếch-xpia là nhà viết kịch, nhà thơ thiên tài người Anh; Bet-to-ven là
nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, người đã sáng tạo cho đời những bản giao hưởng bất
tử. Họ không quét đường như người phu, họ vẽ tranh, làm thơ, soạn nhạc. Họ là những
người đam mê nghệ thuật, hết mình trong sáng tạo, những con người vĩ đại.
->Người phu quét đường được so sánh với những người nghệ sĩ ấy là ở thái độ trong
lao động và kết quả thực hiện công việc của mình để khẳng định: Trong bất kì công
việc gì, một người dù lĩnh nhận bất kể việc nào cũng phải tận tình, say mê, yêu quý
công việc mình đang thực hiện và hiểu được ý nghĩa của công việc đó đối với xã hội.
- “Người phu quét đường cần phải quét những con đường sạch tới độ các thiên thần
trên thiên đàng lẫn con người nơi trần gian phải dừng lại và nói rằng: “Anh là người
quét đường vĩ đại, người đã làm thật tốt công việc quét đường của mình””
Câu nói khẳng đinh: Nếu người phu quét đường thực hiện công việc của mình với
lòng yêu nghề, với hiệu quả công việc tốt, có đóng góp cho xã hội thì dù là một người
lao động rất nhỏ bé với công việc giản dị, thầm lặng của mình cũng xứng đáng là người
vĩ đại, xứng đáng được mọi người tôn trọng, ngợi ca.
=> Ý nghĩa khái quát của câu nói: Mỗi con người dù là ai, dù làm bất kì công việc
nào cũng đều phải hoàn thành tốt công việc của mình bằng lòng nhiệt huyết, sự say mê
cống hiến. Khi mỗi con người đã làm thật tốt công việc của mình họ đều xứng đáng là
những con người vĩ đại, đáng được tôn trọng ngợi ca.

2. Lí giải, chứng minh: Ý kiến bất ngờ, đầy thú vị: So sánh người phu quét đường -
người lao động bình dị với những người nghệ sĩ vĩ đại.
a. “Nếu một người gọi là phu quét đường, hãy quét những con đường như Mi-ken-
lăng-giơ vẽ tranh, hãy quét những con đường như Bet-tô-ven soạn nhạc, và hãy quét
những con đường như Sếch-xpia đã làm thơ”: Mỗi con người dù là ai, dù làm bất kì
công việc nào cũng đều phải hoàn thành tốt công việc của mình bằng lòng nhiệt huyết,
sự say mê cống hiến. Bởi lẽ:
+ Chỉ khi say mê, hết mình cống hiến người lao động mới dồn tâm huyết cho công
việc của mình và tìm thấy tình yêu, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời trong mỗi công việc
mình làm dù là công việc nhỏ bé.
+ Say mê, tâm huyết là một trong những động lực cơ bản để người lao động hoàn
thành tốt nhất công việc của mình thậm chí nhận thức mỗi việc mình làm là một hành
động sáng tạo để nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, cống hiến, làm đẹp cho đời.
+ Khi người lao động thiếu say mê, tâm huyết, không có ý thức trách nhiệm thì dù làm
bất kể công việc gì cũng thờ ơ, vô trách nhiệm điều ấy không những đem lại bất hạnh
cho bản thân anh – không tìm thấy niềm vui trong lao động hơn thế còn gây tác hại đối
với xã hội. Cần lên án những con người như thế.
b. Người phu quét đường cần phải quét những con đường sạch tới độ các thiên thần
trên thiên đàng lẫn con người nơi trần gian phải dừng lại và nói rằng: “Anh là người
quét đường vĩ đại, người đã làm thật tốt công việc quét đường của mình”.
+ Bản thân con người dù ở cương vị nào nhỏ bé hay lớn lao cũng là con người theo
đúng nghĩa thiêng liêng vẫn luôn đáng trân trọng.
+ Hơn thế nữa, càng đáng ngợi ca, tôn trọng hơn nếu người lao động bình thường với
những công nhỏ bé nhưng cống hiến hết mình và có được những đóng góp nhất định
thậm chí tốt nhất cho xã hội, làm đẹp cho cuộc đời. Họ cũng vĩ đại như những người
nghệ sĩ lớn. Không có nghề gì là hèn mọn, chỉ có những kẻ lười biếng là đáng xấu hổ.
+ Nếu không tận tâm trách nhiệm trong công việc anh không tạo được điều gì có ích
cho đời dĩ nhiên là sẽ trở thành người sống cuộc đời thừa, vô nghĩa. Cần phê phán.
Lưu ý: Học sinh sử dụng các dẫn chứng để chứng minh: nêu những chân dung người
lao động bình thường trong đời sống với những công việc thầm lặng đang làm việc tận

tâm, nhiệt huyết, say mê và trách nhiệm để đóng góp cho xã hội. Có thể lấy thêm một
vài ví dụ trong văn học để làm cho bài viết phong phú. Ví dụ câu chuyện về anh thanh
niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, chị lao công trong bài
thơ “Tiếng chổi tre” của Tố Hữu.
3. Bài học
- Ý kiến hợp lí, thể hiện một tư tưởng nhân văn tiến bộ tôn vinh, ngợi ca con người:
Bất kì ai, bất kì công việc nào trong cuộc sống đều đáng trân trọng nếu đó là những lao
động góp sức mình đóng góp cho cuộc sống, làm đẹp cuộc đời. Ý kiến của mục sư Lu-
thơ Kinh khiến mọi người có quan niệm và thái độ đúng đắn về con người và có thái độ
làm việc tích cực trong cuộc sống.
- Liên hệ bản thân, rút ra bài học.
C. Biểu điểm:
- Điểm 7-8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc.
- Điểm 5-6: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn mạch lạc, ít mắc lỗi.
- Điểm 3-4: Đáp ứng được ½ các yêu cầu trên, còn một số lối về diễn đạt, chính tả.
- Điểm 1-2: Không hiểu đề hoặc còn mơ hồ, nhiều lỗi diễn đạt, chính tả.
( Điểm hình thức trong điểm nội dung)
Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)
A. Yêu cầu về kĩ năng: thí sinh cần làm bài nghị luận văn học với bố cục rõ ràng, kết
cấu chặt chẽ, vận dụng linh hoạt các hình thức lập luận và diễn đạt lưu loát, giàu chất
văn.
B. Yêu cầu về kiến thức: thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau
nhưng cần đảm bảo những nội dung sau:
1. Giải thích:
- Ý kiến của Pastexnac đề cập đến vai trò, chức năng của văn học đối với đời sống con
người. Nói: “nhu cầu được đền bù của con người từ văn học” là nói ý nghĩa, giá trị mà
văn học mang lại cho con người, là khả năng bù đắp cho con người về tinh thần. Đó là
những chức năng riêng của văn học nghệ thuật.
- Vì sao nghệ thuật lại sinh ra từ “nhu cầu được đền bù của con người” ?
+ Vì cuộc đời của mỗi con người là chật hẹp. Cuộc đời mỗi con người là một thực

thể bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hiểu biết, những mối quan hệ,…Mỗi con
người bị định vị trong không gian và thời gian cụ thể. Mỗi con người chỉ sống một lần,
một cuộc đời,…Vì vậy văn học bù đắp cho con người những cái thiếu hụt mang tính
chất định mệnh
+ Vì văn học nghệ thuật đền bù cho con người những cái mà triết học, đạo đức học,
khoa học,…không đền bù được. Hay nói cách khác văn học bù đắp cho ta những thiếu
hụt mà các bộ môn khoa học và xã hội khác không bù đắp được.
 Đó là toàn bộ ý nghĩa, giá trị, sứ mệnh cao cả và chức năng to lớn của văn học.
2. Bình luận:
- Văn học đền bù cho con người những gì? Con người có những thiếu hụt gì cần văn
học bù đắp?
+ Văn học đền bù cho con người sự hiểu biết. Văn học mở rộng sự hiểu biết của con
người về thế giới, cuộc sống, trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đặc biệt văn học giúp
ta hiểu biết về chính mình, giúp cuộc đời ta, tâm hồn ta trở nên “thâm trầm” và “rộng
rãi” hơn.
+ Văn học làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người dựa trên hiểu biết về cuộc
sống. Việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ là lý do trực tiếp nhất của sự tồn tại văn học.
Nhu cầu thẩm mỹ là nhu cầu tinh thần của con người, nhu cầu con người khám phá
những bình diện của cái đẹp. Nó bao gồm cái bi, cái hài, cái cao cả, cái đẹp,… Văn học
làm phong phú đời sống tinh thần, mài sắc các giác quan, làm tâm hồn chúng ta tinh tế,
nghĩa là nâng cao năng lực cảm nhận cái đẹp của cuộc sống. Sec-nư-sep-ski cho rằng
mục đích, ý nghĩa của văn học là “giúp cho những ai không có khả năng cảm thụ được
cái đẹp thì có thể tìm hiểu và làm quen với cái đẹp.”
+ Văn học bù đắp cho con người ở chỗ thiếu hụt về nhân cách, giáo dục con người về
tư tưởng, tình cảm, đạo đức. Nhất là trong thời đại ngày nay – kinh tế thị trường, văn
chương sinh ra là để kéo con người gần người hơn, khôi phục tính người trong sự lũng
đoạn của tiền bạc.
- Tại sao văn chương có khả năng “đền bù cho con người” ?
Vì thế giới của văn học là thế giới cuộc sống con người được kết tinh từ trải nghiệm
của người cầm bút. Thế giới đó rất rộng lớn. Nó bao gồm nhiều cảnh ngộ, số phận và

cuộc đời khác nhau ở nhiều thời, nhiều nơi khác nhau. Chúng ta chỉ sống một cuộc đời
nhưng sống với tác phẩm chúng ta được sống với nhiều cuộc đời, nhiều con người, số
phận, cảnh ngộ,… Văn học đem đến cho ta nhiều trải nghiệm, giúp ta vượt qua giới hạn
bản thân. Chúng ta được sống một lần nữa qua một tác phẩm văn học.
Lưu ý: ở mỗi ý thí sinh cần có những dẫn chứng tiêu biểu minh họa.
3. Chứng minh:
Thí sinh cần dựa vào những hiểu biết về một số truyện ngắn tiêu biểu của Nam Cao
như: Chí Phèo, Một đám cưới, Đời thừa, Giăng sáng, … song tập trung ở Chí phèo và
Đời thừa để chứng minh rằng: tác phẩm của Nam Cao thực hiện được sứ mệnh đền bù
cho con người về nhận thức, nhu cầu thẩm mỹ và hoàn thiện nhân cách.
- Tác phẩm của Nam Cao nới rộng nhận thức hiểu biết về cuộc sống con người trong
xã hội cũ, giúp ta được sống với nhiều cảnh ngộ, nhiều loại người (nông dân, trí thức)
Đọc Chí phèo, Đời thừa ta hiểu được về nỗi đau của con người đâu chỉ đói cơm rách
áo mà là nỗi đau bị xói mòn về nhân phẩm, nỗi đau bị tha hóa do nghèo đói. Nam Cao
cho ta hiểu được rằng :Con người là một tồn tại không bao giờ bất biến. Nó luôn thay
đổi. Và sự thay đổi của nó đến từ xã hội, từ môi trường xung quanh(Chí Phèo, Hộ). Nên
sự thay đổi của mỗi con người, nhân cách của một con người, hạnh phúc của một con
người là nằm trong sự tương quan với người khác.
Tác phẩm của Nam Cao cung cấp cho người đọc hiểu biết thế nào là một tác phẩm
văn học chân chính, một nghệ sĩ chân chính .
- Tác phẩm của Nam Cao thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, thức tỉnh taam hồn, làm nay
sinh những xúc cảm đẹp đẽ: Niềm xót thương, cảm thông với những nỗi đau của con
người; trân trọng và tin tưởng ở bản chất lương thiện,tốt đẹp của con người ngay cả khi
họ bị tha hóa. Nam Cao giúp ta tin rằng con người có thể bị hủy hoại nhưng phần nhân
tính thì không thể bị hủy diệt, giúp ta biết phẫn nộ trước sự phi nhân tính…
- Tác phẩm của Nam Cao đưa đến cho người đọc thông điệp: tình người cứu vớt tính
người, kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình,tình thương sẽ giúp con
người không trở thành “con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỉ”…Từ đó con người tự nhận
thức, tự hoàn thiện bản thân.
4. Mở rộng:

- Khẳng định tính đặc thù của văn học trong việc thực hiện sứ mệnh đền bù cho con
người mà các bộ môn khoa học và nghệ thuật khác không vươn tới được.
- Suy nghĩ đến thiên chức và vị trí của người cầm bút, suy nghĩ về yêu cầu đối với
người đọc.
C. Biểu điểm:
- Điểm 11-12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc,
dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục.
- Điểm 8-10: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng có
chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ.
- Điểm 6-7: Tương đối đủ các ý lớn tuy còn sơ sài, biết chọn và phân tích dẫn chứng,
còn mắc một số lỗi.
- Điểm 4-5: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề.
- Điểm 1-3: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.
(Điểm hình thức trong điểm nội dung)
~ Hết ~

×