CÁC DẠNG CÂU HỎI LÝ THUYẾT TRONG THI
HỌC SINH GIỎI MÔN ĐỊA LÝ
Nguyễn Thị Chúc Hà -THPT Chuyên Vĩnh Phúc
Những năm học gần đây, đề thi học sinh giỏi môn Địa lý thường có nhiều
câu hỏi tư duy. Điều đó đòi hỏi khả năng vận dụng của học sinh ngày càng cao.
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh có kiến thức nhưng do khả năng vận dụng kém,
không biết cách làm bài nên kết quả thi thấp. Với cách ra đề thi như hiện nay,
người giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh vận dụng linh hoạt các kiến thức và
kỹ năng đã học để xử lý câu hỏi. Mỗi dạng câu hỏi đòi hỏi phải có cách trả lời
khác nhau. Vì vậy, học sinh cần xác định được dạng câu hỏi để có cách giải phù
hợp, nhằm đạt kết quả cao. Sau đây là một số dạng bài lý thuyết cơ bản hay gặp
trong các đề thi học sinh giỏi và tuyển sinh:
1. Khái quát chung
Nhìn chung trong đề thi học sinh giỏi các câu hỏi lý thuyết thường kết hợp
với sử dụng Atlat. Về đại thể vẫn có 4 dạng câu hỏi thường gặp như trình bày,
chứng minh, giải thích và so sánh.
2.Qui trình giảng dạy các dạng bài
- Hoàn thiện toàn bộ các kiến thức của chuyên đề (ví dụ, địa lý các ngành kinh tế).
- Tổng kết lại cho học sinh toàn bộ các nhân tố ảnh hưởng, điều kiện phát triển và
phân bố của các ngành. Các tiêu chí về hiện trạng phát triển của các ngành. Đây là
bước cung cấp nguyên liệu rất quan trọng vì ở hầu hết các dạng bài trong phần địa
lý ngành đều liên quan đến các nội dung này.
- Giới thiệu các dạng bài, hướng dẫn học sinh cách nhận dạng câu hỏi và cách giải
ở từng dạng bài.
- Chữa cho học sinh một số ví dụ cụ thể, từ đó khắc sâu thêm những vấn đề cần
chú ý ở mỗi dạng bài.
- Cho học sinh luyện tập và đánh giá.
3. Một số điểm chú ý ở từng dạng bài
a. Dạng bài trình bày
Đây là dạng câu hỏi dễ, thường để kiểm tra kiến thức nên trong đề thi nếu có
thì tỉ lệ phần trăm điểm không nhiều. Nên hướng dẫn học sinh chú ý một số vấn đề
sau:
- Nhận dạng câu hỏi qua các từ như “trình bày, phân tích, nêu, thế nào”…
- Đọc kĩ câu hỏi và tái hiện kiến thức có liên quan
- Sắp xếp dàn ý theo trình tự phù hợp với yêu cầu của câu hỏi
- Trả lời thẳng vào yêu cầu của đề bài tránh lan man dài dòng.
- Tách các ý rõ ràng, rành mạch.
b. Dạng bài chứng minh
Dạng bài này khá đa dạng. Câu hỏi có thể đi từ cấp độ dễ như chứng minh
về tiềm năng, hiện trạng phát triển, phân bố của một ngành hoặc ngành trong vùng.
Cũng có thể nâng cao, khó hơn đòi hỏi học sinh vận dụng, tổng hợp kiến thức để
chứng minh một nhận định. Trong đề thi các câu hỏi chứng minh thường tương
đối khó và học sinh hay bị mất ý. Những vấn đề cần chú ý:
- Nhận dạng câu hỏi, thường hay gặp các từ “ chứng minh rằng…”
- Đọc kĩ đề để nắm được vấn đề cần chứng minh
- Tái hiện các kiến thức có liên quan để đưa ra các bằng chứng thuyết phục
nhất. Đây là bước quan trọng, học sinh cần xác định phạm vi các trang Atlat được
khai thác để thu thập hết thông tin.
- Sắp xếp dàn ý theo lôgich các bằng chứng quan trọng đưa lên trước.
- Số liệu thống kê để minh họa phần lớn có sẵn trong Atlat, học sinh cần vận
dụng kỹ năng phân tích số liệu thống kê để bài viết hiệu quả hơn.
c. Dạng bài giải thích
Đây là dạng bài hay gặp và chiếm tỉ lệ điểm khá nhiều trong đề thi . Câu hỏi
giải thích khá đa dạng. Bao gồm có giải thích các đặc điểm về địa lý tự nhiên đại
cương, tự nhiên Việt Nam, kinh tế xã hội đại cương, kinh tế xã hội Việt Nam.
Để giải quyết được dạng câu hỏi này, học sinh không những phải nắm vững
kiến thức mà còn phải có tư duy địa lý tốt, biết vận dụng, tổng hợp để tìm ra được
các nguyên nhân. Đặc biệt phải khai thác được các mối quan hệ qua lại giữa các
thành phần tự nhiên, tự nhiên với kinh tế xã hội và giữa các yếu tố kinh tế xã hội
với nhau.
Khi trả lời câu hỏi, cần lưu ý:
- Đọc kĩ câu hỏi, xác định đúng vấn đề cần giải thích
- Tìm mối liên hệ, đặc biệt là mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng địa
lý.
- Tổng hợp, khái quát hóa kiến thức để tìm ra nguyên nhân
- Khi lập dàn ý, nên sắp xếp các nguyên nhân quan trọng lên trước. Với mẫu
giải thích dựa vào nguồn lực nên chọn lọc các nguồn lực có tính “trội”, tránh dàn
trải, lan man.
d. Dạng bài so sánh
Dạng bài này khá phổ biến trong thi quốc gia. Câu hỏi khá đa dạng, bao gồm
so sánh các đối tượng địa lý tự nhiên, kinh tế, xã hội. So với dạng bài giải thích,
dạng câu hỏi này không khó nhưng học sinh hay bị sót ý. Nguyên nhân do không
xác định đúng và đủ tiêu chí so sánh.
Đối với đội tuyển quốc gia, hầu hết các em đã biết so sánh theo dàn ý giống
và khác nhau. Tuy nhiên để đạt điểm tốt cần hướng dẫn học sinh chú ý một số vấn
đề sau:
- Đọc kĩ đề để nắm vững đối tượng so sánh, so sánh cả giống và khác nhau
hay chỉ sự khác biệt, phạm vi lãnh thổ so sánh….
- Tái hiện kiến thức có liên quan.
- Xác định tiêu chí so sánh. Nên chỉ có khoảng 3 đến 4 tiêu chí trong một
bài. Các tiêu chí phải có sự tương quan ở cả phần giống và khác nhau.
- Lập dàn ý, sắp xếp các tiêu chí so sánh phù hợp. Nên tập trung vào phần
khác nhau vì đây sẽ là phần chiếm nhiều điểm hơn.
Khi giảng dạy giáo viên nên cho học sinh luyện tập nhiều các dạng bài trên
để rút ra được kinh nghiệm làm bài. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các bạn
đồng nghiệp!