Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU SỰ CHUYỂN ĐỔI QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN ĐẤT, RỪNG, NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (123.42 KB, 13 trang )

BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU
SỰ CHUYỂN ĐỔI QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN ĐẤT,
RỪNG, NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Khánh
Viện KHXH Việt Nam
1. Đặt vấn đề
Tây Nguyên là một vùng lãnh thổ chủ yếu là núi và cao nguyên xếp
tầng với các độ cao khác nhau và là một vùng đất trù phú, màu mỡ phủ
đầy bazan, tạo nên sức hút mạnh mẽ cho những con người lao động cần
cù, muốn đi lên từ đất. Đó là vùng đất gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum,
Đắc Nông, Đắc Lắc và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên là 42.696 nghìn
km
2
(13% diện tích toàn quốc) và chiếm khoảng 5,7% dân số cả nước.
Tây Nguyên có một vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị,
quốc phòng không chỉ đối với Việt Nam mà cả Đông Dương. Nơi đây
là điểm khởi nguồn của hầu hết các con sông ở miền Trung, Đông Nam
Bộ và tả ngạn hạ lưu sông Mê Kông.
Mảnh đất Tây Nguyên là một vùng cao nguyên lượn sóng ở các độ cao
từ 600‑800m so với mực nước biển và nằm về phía Tây của dãy Trường Sơn
Nam. Từ dãy Trường Sơn Nam, địa hình thoải về phía Tây, đón các luồng
gió Tây Nam từ Ấn Độ Dương thổi tới; còn về phía Đông, địa hình đổ dốc
xuống biển Đông, ngăn cản gió Đông Nam từ Thái Bình Dương thổi vào.
Trên vùng Tây Nguyên có 3 dạng địa hình chính là:
‑ Địa hình cao nguyên chiếm ưu thế gồm các bậc địa hình nhỏ (xếp
tầng) là bậc độ cao 100‑300m; 300‑500m và 500‑800m, chủ yếu là các cao
nguyên bazan đất đỏ màu mỡ đang được khai thác trở thành các nông
trường cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, v.v. và các vườn cây trái.
‑ Địa hình núi nằm rải rác, ở phía Bắc Tây Nguyên là khối núi Ngọc
Linh, còn phía Nam là khối núi cực Nam Trung Bộ (Chư Yang Xin, Ta
316


CƠ SỞ KHOA HỌC CHO PHÁT TRIỂN VÙNG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
Dưng, v.v.), ở giữa là những khối, dãy núi nhỏ như Ngọc Krinh, Kon Ka
Kinh, Kong Plong, dãy An Khê, dãy Chư Dju, v.v. mà trên đó là những
cánh rừng nguyên sinh giàu có, với hàng loạt vườn quốc gia và các khu
bảo tồn thiên nhiên được thiết lập như: Ngọc Linh, Chư Mô Rây, Kon
Ka Kinh, Yok Đon, Bidoup Núi Bà, Chử Yang Xin; Sông Thanh, Kon Tra
Răng, Nam Nung, Nam Ca, Lăc, v.v.
‑ Địa hình thung lũng tuy không chiếm diện tích lớn nhưng lại là
những thung lũng giữa núi bị san bằng và mở rộng như thung lũng
Sa Thầy, bình nguyên Ea Sup, vùng trũng Cheo Reo‑Phú Túc, vùng
trũng Krong Pach‑Lắc là những cánh đồng trồng cây lương thực của
Tây Nguyên.
Tây Nguyên giàu về tiềm năng đất đai, diện tích các loại đất tốt, trong
đó có các loại đất đỏ bazan, thích hợp cho việc phát triển cây công
nghiệp dài ngày (cà phê, cao su, dâu tằm, điều, chè, v.v.) và các loại cây
ăn quả là khoảng 1 triệu ha (2,34% tổng diện tích toàn vùng), ngoài ra,
đất đỏ vàng tuy kém phì nhiêu hơn đất đỏ bazan, nhưng tơi xốp và thích
hợp với nhiều loại cây trồng là 1,8 triệu ha (4,21% tổng diện tích vùng);
diện tích đất phù sa sông suối ở các vùng trũng giữa núi thích hợp cho
trồng cây lương thực, hoa màu là khoảng 130 nghìn ha (0,3% tổng diện
tích vùng).
Tài nguyên sinh vật của Tây Nguyên đa dạng và phong phú, là một
trong những trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và của khu vực,
là nơi chứa nhiều nguồn gien quý hiếm của nước ta nói riêng và của
vùng nhiệt đới nói chung, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn
gien của khu vực Đông Nam Á.
Về mặt xã hội nhân văn, Tây Nguyên là địa bàn cư trú của 37 trong
số 54 dân tộc ở Việt Nam, trong đó, có nhiều cư dân tại chỗ như Xơ đăng,
Ba na, Ê đê, Gia rai, Cơ ho, Mạ, Mơ nông, v.v , sau giải phóng, sức cuốn
hút của nguồn đất đai nơi đây đã xuất hiện những luồng dân di cư có

tổ chức cũng như tự do từ các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, các
tỉnh miền Trung vào lập nghiệp trên mảnh đất này. Mặc dù có sự cộng
cư giữa các dân tộc tại chỗ và đồng bào di cư đến Tây Nguyên, nhưng
bản sắc văn hóa Tây Nguyên vẫn được bảo tồn đậm nét mà tiêu biểu là
không gian cồng chiêng Tây Nguyên, một di sản văn hóa của thế giới
được UNESCO công nhận.
Bước đầu nghiên cứu sự chuyển đổi quản lý tài nguyên đất, rừng, nước
317
2. Những biến đổi về nguồn tài nguyên thiên nhiên từ sau năm 1975
Biến đổi quan trọng nhất trong các điều kiện tự nhiên là cơ cấu sử
dụng đất, nhất là sự gia tăng tỷ trọng đất nông nghiệp và giảm tỷ trọng
đất lâm nghiệp, cũng như đưa hàng triệu ha đất chưa sử dụng vào hoạt
động sản xuất. Tuy diện tích rừng còn khá lớn, nhưng trong những năm
qua có xu hướng giảm mạnh cả về chất lượng và số lượng, chứng tỏ
rừng bị tàn phá mạnh mẽ để thay thế bằng các diện tích đất sản xuất
nông nghiệp. Ví dụ ở Đắc Lắc, trong gần 20 năm qua, diện tích rừng
giảm đi quá nửa, từ 1.234.294 ha (năm 1990) còn có gần 598.609 ha (năm
2008). Không chỉ có vậy, chất lượng rừng suy giảm rất nhiều, nhiều chỗ
không còn chức năng cung cấp tài nguyên cho con người và động vật
nuôi, cũng như không đủ đảm bảo các điều kiện sinh thái tối thiểu cho
sự tồn tại các động vật hoang dã. Đất chuyên dùng tăng gần gấp 6 lần
trong vòng gần 20 năm qua và có thể còn tiếp tục tăng trong những năm
tới bởi nhu cầu hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao
thông nông thôn.
Biến đổi quan trọng thứ hai trong những năm gần đây là việc sử
dụng nguồn nước và ảnh hưởng của hoạt động kinh tế tới chất lượng
nguồn nước. Trong nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc và việc chấn
hưng kinh tế ở các tỉnh Tây Nguyên đã thúc đẩy việc xây dựng rất nhiều
hệ thống hồ đập dự trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt với hàng
nghìn công trình thủy lợi lớn và vừa, đảm bảo nguồn nước mặt có chất

lượng, có thể sử dụng cho tưới tiêu và sinh hoạt.
Do ảnh hưởng của việc sử dụng nguồn nước dưới đất cho các hoạt
động kinh tế và việc triệt hạ nhiều cánh rừng nên vào mùa lũ, dòng chảy
thường lớn, nước lên nhanh trên các dòng sông và rút đi cũng rất nhanh,
làm cho mùa kiệt kéo dài và lượng dòng chảy rất nhỏ, đồng thời với
điều kiện khí hậu khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã gây nên
hiện tượng hạn hán nghiêm trọng, nhiều con suối trên địa bàn không
có nước trong mùa khô và mạch nước ngày càng cạn dần. Tình trạng
thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô còn là hậu quả của việc biến các
diện tích rừng tự nhiên thành các diện tích cây trồng đơn tầng ít tán che
như cao su, hoặc sử dụng rất nhiều nước vào mùa khô như cà phê,
Nguồn nước mặt cũng như nước ngầm trong thời gian hai chục năm
trở lại đây được khai thác mạnh để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho cả
318
Nguyễn Ngọc Khánh
vùng nông thôn và thành thị, nhất là cho quá trình đô thị hoá, vì vậy, ở
nhiều chỗ, mực nước ngầm đã tụt xuống hàng chục mét, do nhu cầu
nước sử dụng càng ngày càng tăng mạnh mà nước hồi quy thì càng ngày
càng ít đi.
Nguồn tài nguyên đất, rừng, nước bị biến đổi đã có những tác động
ngược trở lại đến tập quán canh tác, đến tập tục sống của bà con dân tộc
tại chỗ ở Tây Nguyên. Với cuộc sống truyền thống thì các nguồn tài
nguyên đất, tài nguyên rừng gắn chặt với quá trình sinh tồn của họ. Đất
cho họ lương thực, đất cho họ thực phẩm, đất cũng cho họ những dưỡng
chất, trong đó các nguyên tố vi lượng có vị trí quan trọng, làm cho họ
gắn chặt với mảnh đất nơi họ, nơi ông cha họ từng sinh ra và lớn lên.
Cùng với đất, rừng cho họ nguồn thực phẩm hàng ngày, nuôi họ khi
mùa màng thất bát, khi giáp hạt, đói kém, rừng cho họ gỗ làm nhà, củi
đun, cho họ cây thuốc, Vì thế, trong không gian truyền thống của người
dân nơi đây, đất, rừng có vị trí quan trọng và chính đất, rừng tạo nên một

không gian văn hóa đặc thù, là kết quả thích nghi với môi trường xung
quanh và sự hình thành một hệ thống tri thức địa phương được tích luỹ
và phát triển có tính thích ứng cao với môi trường tự nhiên.
Tại đây có sự gắn kết của thiên nhiên với điều kiện sinh tồn. Ở các
vùng rừng xavan (rừng thưa nhiệt đới khô hay còn được gọi là rừng
khộp), loại rừng không phát triển trên đất đỏ bazan màu mỡ mà phát
triển trên các đá cổ hơn đó hàng trăm triệu năm, đồng bào thường gọi
là đất trắng, có những chỗ được gọi là đất cát, trên đó có các đồi cỏ tranh,
mà khi còn non trâu bò, các loài ăn cỏ có móng guốc như hươu, nai,
mang, hoẵng,… có thể ăn được, nhưng lá nhanh chóng cứng lại, sắc, có
răng cưa theo một chiều, nếu vuốt theo chiều ngược lại, lá có thể cứa
đứt da, đứt thịt. Loài cỏ này phủ dưới tán rừng thưa thành các xavan cỏ
hay rừng xavan (đồng cỏ lá cứng).
Vào mùa khô, cây cỏ khô đi và trong điều kiện khô hạn kiệt cùng,
những lá cỏ cọ cát vào nhau, hay những cây tre, nứa, lồ ô cọ vào nhau
hoặc nguyên nhân gì khác nữa mà sinh ra tia lửa, nhanh chóng bén vào
cỏ khô tạo nên lửa chu kỳ, đốt cháy các đồng cỏ, trảng cỏ dưới rừng
xavan. Tro cỏ tranh tích luỹ nhiều muối kali, thu hút các loài thú đến ăn
thay muối, đồng thời, lửa cháy theo chu kỳ đó đốt hết cỏ cứng cũ đi,
thay thế cỏ mới để muôn loài vừa có muối, vừa có cỏ non để ăn.
Bước đầu nghiên cứu sự chuyển đổi quản lý tài nguyên đất, rừng, nước
319
Các cây trong rừng xavan như cây dầu lông, dầu đồng, dầu trà ben
có vỏ cứng, dày, lá to cứng ráp, có lông, chồi có búp cứng che kín, dày
để chống thoát hơi nước và quang hợp được nhiều. Những cây này phát
triển chậm, nhưng phát triển đến đâu làm rạn vỏ đến đấy, đến một độ
nào đó, cần có lửa cháy đốt vỏ bên ngoài đi, cây lại khoác lớp vỏ mới,
thay cái áo chật bằng cái áo mới rộng hơn, kết thúc một năm hay một
thời kỳ sinh trưởng, bước vào mùa hay thời kỳ sinh trưởng mới. Do vậy,
cây cần có lửa chu kỳ để đốt cháy lớp áo cũ, không có lửa cháy, cây

không phát triển được, sự cộng sinh giữa các cây này với thảm cỏ tranh
ở dưới rất cần lửa cháy cho một chu kỳ sinh trưởng, đó là quy luật cần
thiết của tự nhiên.
Nắm được quy luật đó, bà con đã có những tri thức riêng khi làm
rẫy dưới tán rừng, trên các trảng tranh, xử lý kỹ thuật đồng bộ trên cơ
sở những công cụ sản xuất cũ, hướng cố gắng của mình vào khâu kỹ
thuật canh tác để giữ độ màu, độ ẩm cho đất hạn chế rửa trôi, nhanh tái
sinh rừng, khai thác những khác biệt của khí hậu địa phương để khi
phơi rẫy thì gặp nắng, khi trỉa lúa thì có mưa, nhạy cảm với những thay
đổi thời tiết hàng năm, tích cóp những tri thức về đất đai, rừng núi, cỏ
cây, muông thú,
Tại các vùng đất đồng cỏ xavan, do khối lượng cành khô, lá rụng
nhiều và hệ rễ phát triển mà hình thành đất có nhiều mùn, màu thẫm,
đồng bào thường gọi là đất đen. Đất này rất tốt, nhiều dinh dưỡng, hàm
lượng dinh dưỡng dễ tiêu còn cao hơn đất đỏ bazan nên mùa màng
thường tươi tốt, nhưng lại nhanh chóng mất màu vì các chất chuyển hoá
nhanh. Vì vậy, các rẫy làm trên các đồng cỏ xavan hay rừng xavan phải
quay vòng nhanh, rồi lại bỏ hoá để phục hồi đất.
Tuỳ thuộc vào chất đất, việc luân canh của đồng bào có thể có những
chu kỳ khác nhau 5 – 10 năm; 10 ‑15 năm; 15 – 20 năm hay lâu hơn nữa,
mà chu kỳ dài là hiện tượng phổ biến trong canh tác của đồng bào. Vì
vậy, có thể đoán nhận là việc phục hồi đất cũng diễn ra chậm chạp như
quá trình sinh trưởng của cây cối ở đây. Thường các rẫy mới đất còn tốt,
đồng bào trồng các loại cây ngắn ngày, trên rẫy cũ là lúa dài ngày, đáp
ứng nhu cầu sử dụng đất và việc huy động các chất trong đất, vì rẫy cũ
chỉ còn có các loại chất ở dạng chậm tiêu. Do vậy trồng lúa dài ngày mới
tận dụng hết các chất dinh dưỡng còn lại trong đất và khi không còn gì
320
Nguyễn Ngọc Khánh
nữa (không còn năng suất) đất mới được bỏ hoá. Trước đây, đất đai màu

mỡ, đất được nghỉ để hồi phục chất dinh dưỡng, đồng thời các tri thức
dân gian như lịch thời vụ được đảm bảo, trùng khớp với nhu cầu sinh
thái của giống cây trồng, nên lúa rẫy cũng thu hoạch được từ 1,5 – 2,0
tấn/ha. Đồng bào thường sản xuất sao cho 2/3 số thóc thu hoạch để ăn
hàng ngày, 1/3 thì ủ rượu, chăn nuôi, giúp đỡ bà con buôn làng.
Theo nhu cầu lương thực, để quay vòng 5 năm thì cần 1,26 ha/người;
10 năm thì cần khoảng 2,5ha/người và 20 năm thì cần hơn 25ha/người.
Từ đó, một hộ gia đình nhà dài cần diện tích để quay vòng 5 năm là 38
ha; để quay vòng 10 năm cần 75 ha và để quay vòng 20 năm là 750 ha.
Theo con số tính toán trên thì các gia đình khá giả phải có hàng nghìn
ha đất canh tác và mỗi thành viên trong gia đình nhà dài truyền thống
cũng phải có khoảng trên dưới 30 ha đất canh tác nông nghiệp. Điều đó
cho thấy sự vô tận của quỹ đất sản xuất truyền thống trước đây.
Nguồn thực phẩm truyền thống của đồng bào dựa vào sản phẩm
chăn nuôi và rau đậu trồng xen trên rẫy, vì vậy, chăn nuôi trong gia đình
được phát triển, đồng bào nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng (gia cầm) và lợn, dê,
trâu, bò (gia súc). Gia cầm được nuôi để làm thực phẩm, còn gia súc như
lợn, trâu bò thì ngoài việc cúng lễ, ma chay, cưới xin, đây là vật nuôi thể
hiện sự giàu có của gia đình vì đó là những vật để định giá chiêng, cồng,
ché, nồi đồng, vì thế, có gia đình có hàng trăm con gia súc lớn. Một số ít
nhà giàu còn nuôi voi trong nhà, con voi nuôi được là có số làm ăn nên
nhiều gia đình khá giả nuôi con vật này. Theo quan niệm truyền thống
của các cộng đồng dân tộc tại chỗ, hiến sinh nhiều súc vật trong các nghi
lễ là vinh dự trọng đại, là mục tiêu mà người ta cần đạt tới để khẳng
định vị trí xã hội của mình.
Tuy nhiên, để nuôi được nhiều trâu bò thì cũng cần diện tích chăn
thả. Trung bình một con trâu, bò cần khoảng 0,1 ha đồng cỏ, do vậy, để
có đàn bò 200 con, ông Nay Ký Lào (ở Buôn Đôn) có trang trại rộng đến
20 ha. Chính vì vậy, trong mỗi gia đình, ngoài diện tích ruộng rẫy trồng
lương thực, thực phẩm, để quay vòng đất thì một diện tích đáng kể cũng

cần để cho chăn nuôi, theo đó, mỗi hộ nhà dài truyền thống trước đây
(khoảng 30 người) phải có khoảng trên dưới 1.000 ha đất các loại.
Nguồn thực phẩm khác do tài nguyên rừng cung cấp, sản phẩm hái
lượm và săn bắn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào
Bước đầu nghiên cứu sự chuyển đổi quản lý tài nguyên đất, rừng, nước
321
tại chỗ. Họ coi rừng núi như bầu sữa tự nhiên, họ không chỉ khai thác
các loại rau quả, củ, măng, nấm, chim thú, cá tôm, một số loại côn trùng
ăn được mà còn là nơi để họ hoà mình với môi trường, để có được một
không gian sống, mà không gian cồng chiêng là một phần kết quả của
mối tương tác giữa môi trường và con người, là sự hoà quyện giữa văn
hoá mưu sinh và văn hoá môi sinh.
Những nguồn lợi khác được lấy từ rừng là tre gỗ làm nhà và làm
dụng cụ gia đình. Ngôi nhà truyền thống của đồng bào thường chỉ lấy
gỗ làm cột, làm kèo, làm xuyên, còn xung quanh thì bưng bằng tre, bằng
nứa, lồ ô. Xưa kia, rau rừng, mật ong, hoa quả, thịt chim thú nhiều vô
kể, đủ dùng quanh năm. Ở ven sông, ven suối, trên các vùng đầu nguồn
là rừng cây chịu ẩm, đây là những cánh rừng tạo nguồn sinh thuỷ mà ở
đó có nhiều cây to lớn như dầu rái (hoach hrach), cà chít, sao (gier),
mà gỗ thường được dùng để làm cột nhà, làm áo quan. Do vậy, có những
quy định của làng không được tự ý chặt cây, phá rừng đầu nguồn cạnh
bến nước, ai vi phạm hay đốt rẫy làm cháy những rừng này đều bị luật
làng trừng phạt nghiêm khắc. Đây cũng là những quy định riêng của tri
thức dân gian, tri thức địa phương trong việc gìn giữ nguồn tài nguyên
rừng, bảo vệ sự hồi quy của nguồn nước vừa để ăn, vừa để sản xuất.
Có thể thấy rằng, các gia đình trong một buôn cố kết với nhau chủ
yếu bằng các điều kiện sản xuất vật chất và không gian sinh tồn. Điểm
đặc biệt ở Tây Nguyên là mức độ tăng dân số của phần đông các cộng
đồng dân tộc tại chỗ diễn ra chậm trong quá khứ, có những thời điểm
như những năm 40 của thế kỷ trước, dân số đã nằm trong tình trạng

dưới mức tái sản xuất giản đơn, có nghĩa là tỷ lệ sinh thô thấp hơn tỷ lệ
chết thô (Bestreau Roussel, 1950). Hiện tượng này còn kéo dài đến sau
những năm giải phóng, điều này cho thấy sức ép về tài nguyên do quá
trình tăng dân số trước đây của đồng bào là không cao.
Trong điều kiện tài nguyên đất, tài nguyên rừng dư thừa cả về diện
tích và cả về số lượng, công việc sản xuất, sinh hoạt phụ thuộc nhiều
vào nguồn tài nguyên quan trọng khác ‑ nguồn tài nguyên nước. Nước
cần cho hoạt động sống của toàn buôn làng, nước cần cho hoạt động sản
xuất trên nương rẫy. Hoạt động sản xuất của đồng bào tại chỗ ở Đắk
Lắk trong giai đoạn trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tức là trong
sinh kế truyền thống thì không cần nhiều đến nước. Mặt khác, sinh kế
322
Nguyễn Ngọc Khánh
truyền thống có thời vụ và giống cây trồng gắn chặt với các điều kiện
khí hậu, thời tiết, nên chỉ cần xem thời tiết cho đúng là có thể vào vụ
một cách chính xác.
3. Những vấn đề chính sách phát triển liên quan đến văn hoá môi
sinh và môi trường
Sau giải phóng, chúng ta tiến hành quản lý tài nguyên theo pháp
luật. Để làm việc đó, Nhà nước đã tiến hành nhiều cuộc khảo cứu đánh
giá tiềm năng tài nguyên và dựa vào những kết quả khảo cứu đó đã đề
ra nhiều chính sách phát triển cho Tây Nguyên. Trong đó có chính sách
về đất đai.
Từ năm 1977, đất được thu về chung của các buôn, đến khoảng những
năm 1982 bắt đầu tiến hành quá trình định canh định cư, đất ở được chia
thành lô, mỗi lô 1200 m
2
để chia cho các hộ gia đình làm đất ở và vườn
tạp sau khi tách hộ lớn nhà dài thành các hộ nhỏ và làm hộ khẩu riêng,
dẫn tới việc các hộ phải tự quản lý và phải quản lý chặt chẽ từng diện

tích mình được quản lý, thậm chí quản lý đến từng m
2
đất, bởi giá trị đất
ngày càng gia tăng, được quyền chuyển nhượng, do vậy, không gian sinh
tồn truyền thống của cộng đồng dân cư ngày càng thu hẹp vào không
gian hộ gia đình, các hộ gia đình nhà dài lại chia thành các hộ nhỏ.
Sau quá trình định canh định cư, bà con bắt đầu chuyển từ tập quán
sản xuất trên nương rẫy sang sản xuất lúa nước, việc canh tác lúa nước
trên các vùng đất bằng ven các sông suối đã tạo ra thu hoạch nhiều hơn
về lương thực. Các hệ thống thuỷ nông dần được hình thành và do quỹ
đất còn nhiều nên đã nâng cao đời sống truyền thống của đồng bào, việc
lệ thuộc vào rẫy, vào rừng ít đi. Tuy vậy, chỉ vài năm sau, khi bắt đầu
quá trình di dân xây dựng kinh tế mới từ năm 1976‑1977, ban đầu là
những đồng bào Mường, rồi sau đó là Tày, Nùng, Kinh từ các tỉnh phía
Bắc, từ Thừa Thiên ‑ Huế vào đã đòi hỏi phải tiến hành phân chia quỹ
đất sản xuất, nhất là đất ruộng nước, các ruộng nước phát triển dần thu
hẹp dòng chảy của sông, suối, hình thành những phai, đập ngăn nước
để tưới ruộng đã chia cắt các dòng chảy, ảnh hưởng đến những ruộng ở
cuối nguồn nước.
Đến những năm 1983–1984, bắt đầu triển khai trồng cà phê và từ năm
1984 bắt đầu trồng cao su, hình thành dần các nông trường cao su đã
Bước đầu nghiên cứu sự chuyển đổi quản lý tài nguyên đất, rừng, nước
323
thu hút một phần lao động nông nghiệp truyền thống sang chăm sóc
cao su (từ nông dân thành công nhân nông trường) hay từ nông dân
trồng lúa sang nông dân trồng cà phê. Tác động này ngày càng mạnh
khi thu hoạch cà phê và cao su có giá trị cao hơn nhiều so với trồng cây
lương thực truyền thống. Chính tác động của xu hướng này làm cho bà
con xa dần công việc canh tác lúa nước, họ chuyển dần diện tích đất thấp
ngập nước cho các cộng đồng đồng bào mới di cư đến để chú tâm vào

canh tác trên các diện tích cao su hay cà phê. Vì vậy, mới có những
chuyện tách thôn cũ, lập thôn mới. Tất cả các thôn cũ đều trồng cà phê,
cao su, v.v. và giữ lại một diện tích ruộng nước không nhiều, mỗi nhà
chừng 1 – 2 sào. Các thôn mới thì hoàn toàn làm lúa nước bởi tập quán
của đồng bào Kinh, Tày, Nùng, Mường là gắn bó với mảnh ruộng nước.
Cuộc đại phân chia đất canh tác diễn ra trong khoảng gần 20 năm,
từ đầu những năm 80 đến cuối những năm 90 đã làm cho quỹ đất không
còn để phân chia nữa trong thời gian hiện tại đã bó hẹp không gian sản
xuất chung của đồng bào tại chỗ, không chỉ theo từng hộ gia đình mà cả
khuôn vi buôn làng.
Thêm vào đó, cơn sốt đất không chỉ là đất ở tại các vùng đô thị mà
sốt đất trồng cà phê, trồng cao su, trồng tiêu, trồng mía, và sự hình
thành các vùng đất để “tiến hành các dự án” đã thu hẹp đáng kể các
diện tích đất canh tác. Nhiều gia đình đồng bào do sản xuất không hiệu
quả, do thiếu vốn đầu tư, do thiên tai, mất mùa, do thị trường biến
động,… đã bán đất đi để trở thành lao động làm thuê, hình thành tầng
lớp mới sở hữu đất đai của địa phương và tạo nên sự phân hoá về sở
hữu đất đai ở các buôn làng đồng bào tại chỗ.
Nguồn đất lâm nghiệp giảm sút đáng kể, cho đến nay, cuộc “xâm
lăng” đất rừng vẫn diễn ra một cách mạnh mẽ. Việc xâm hại nguồn tài
nguyên rừng nảy sinh trong quá trình cải tạo kinh tế, xây dựng các nông,
lâm trường và việc khai thác tự do vô tổ chức trong một thời gian dài.
Việc chuyển đổi diện tích đất rừng thành các diện tích trồng cà phê, cao
su, điều, mía, đã làm cho rừng hầu như không còn trong các vùng cư
trú của các đồng bào tại chỗ ở Tây Nguyên, điều này dẫn đến hậu quả là
các nguồn tài nguyên rừng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất truyền
thống không còn, nên nhiều nghề truyền thống mai một, nhiều tập quán
không còn thể hiện trong cộng đồng, nhất là đối với thanh niên như đi
324
Nguyễn Ngọc Khánh

săn thú, kiếm mây đan gùi, kiếm cây rừng, cây thuốc,… ngay cả tre lồ ô
để làm nhạc cụ như đàn t’rưng, krong put cũng không có. Như vậy,
không chỉ không gian sinh tồn bị bó hẹp mà không gian sống cũng bị tác
động, văn hoá mưu sinh và văn hoá môi trường dần dần biến đổi theo
nhịp sống mới, hiện đại hơn, xa rừng cây, xa đất, xa cả nguồn nước suối.
Không còn kinh tế rừng (một phần quan trọng của kinh tế tự nhiên
trước đây) nên bắt buộc phải có tích luỹ, không có tích luỹ là nghèo, là
đói, mà nghèo đói trong kinh tế thị trường chỉ có đi vay lãi, vay trước
rồi trả bằng nông sản khi thu hoạch, không thể dựa vào rừng trong lúc
giáp hạt, lúc đói lòng được nữa, do đó, các tri thức dân gian cũng dần
mai một, biến đổi theo điều kiện mới.
Rừng không còn nên nhà cửa cũng thay đổi kết cấu truyền thống,
rừng bị triệt hạ, làm cho chăn nuôi cũng ảnh hưởng. Những ràng buộc
cũ về tập tục dần dần thay đổi, không bị lệ thuộc vào các quy định văn
hoá cũ, như ché, chiêng, nồi đồng, bây giờ không còn là vật quy định
mức độ giàu nghèo nữa mà bằng chính các vật dụng mới trong nhà như
bàn, ghế, giường, tủ, ti vi, xe máy, v.v
Nguồn suối, bến nước cũng là một nét văn hoá đặc trưng của đồng
bào tại chỗ Tây Nguyên, nét văn hoá này ngày nay đang bị ảnh hưởng
nặng nề và có nguy cơ bị biến mất. Vì rằng: thứ nhất, rừng được thay
thế bằng các cây trồng kinh tế nên không những không có tán che, không
tạo được lượng nước hồi quy, do vậy các khe suối chỉ còn tác dụng thoát
nước mùa mưa và chảy ri rỉ vào mùa khô, dòng suối mất dần ý nghĩa
nơi sinh hoạt cộng đồng, là nơi lấy nước. Hơn thế nữa, việc khoan giếng
lấy nước tưới cho cây cà phê tràn lan làm cho sụt giảm nguồn nước
ngầm. Các hộ trước đây còn canh tác bám quanh nguồn nước khe suối,
thì nay tự khoan giếng để tưới cà phê, để sinh hoạt, không cần đến
nguồn nước suối nữa. Bản thân các nguồn suối cũng bị biến dạng do
làm ruộng nước, bị ô nhiễm do sản xuất nông nghiệp, không dùng làm
nước sinh hoạt cho buôn làng được nên mất dần văn hoá bến nước.

4. Kết luận
Từ những ý kiến phân tích trên cho thấy, việc triển khai các nguyên
tắc cấm sử dụng nguồn tài nguyên rừng trong các khu rừng đặc dụng
(vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, v.v.) đã loại trừ khả năng người
Bước đầu nghiên cứu sự chuyển đổi quản lý tài nguyên đất, rừng, nước
325
dân địa phương thu lợi từ môi trường truyền thống của họ làm mất sinh
kế và phương thức trợ giúp của thiên nhiên đối với các hộ nghèo, hộ
đói, lúc giáp hạt, thiên tai, v.v
Việc giao quyền sử dụng đất lâu dài đã cho phép biến sở hữu tư liệu
sản xuất chung thành sở hữu riêng (tư hữu), làm nhanh chóng cạn kiệt
nguồn tài nguyên, dẫn đến cạn kiệt nguồn tư liệu sản xuất, làm mất
dần văn hoá mưu sinh truyền thống. Giao đất giao rừng, tức là giao
phần tài nguyên trước đây vốn là của chung thành của riêng từng hộ
gia đình. Từ đây cho thấy sự thay đổi tư duy quản lý tài nguyên, từ
việc quản lý của cộng đồng để đảm bảo cho sự công bằng xã hội chuyển
sang đảm bảo cho một lợi nhuận kinh tế, tạo nên văn hoá mới trong đời
sống xã hội, trong ứng xử khác với văn hoá ứng xử mang tính cộng
đồng trước đây.
Việc trao quyền sử dụng lâu dài tài nguyên đất đã nâng cao giá trị
tài nguyên, bằng chứng là giá đất, giá gỗ ngày một gia tăng và người
bán sau được giá hơn nhiều so với người bán trước, thời gian càng về
sau, giá đất càng cao, làm nảy sinh tâm lý hoài niệm về mảnh đất cũ của
mình và tâm lý muốn giành lại mảnh đất đó, đây là mầm mống tâm lý
rất dễ bị lợi dụng kích động cho mục đích xấu. Cụ thể là trong những
cuộc biểu tình vừa qua, một trong những nguyên nhân có sức thuyết
phục nhất lôi kéo đồng bào tham gia là đòi đất, đã gây nên những bất
ổn về xã hội, làm mất đi những nét đẹp của văn hoá truyền thống của
buôn làng xưa kia.
Chính sách di dân, phát triển kinh tế được đặt ra từ những năm 70‑

80 của thế kỷ trước đã tạo nên sự giao lưu, giao thoa văn hoá giữa các
dân tộc tại chỗ và đồng bào di cư, tuy có những nét hoà trộn, nhưng
cũng có những nét xung khắc, do vậy, đặt ra vấn đề về bảo tồn và phát
huy giá trị văn hoá truyền thống với việc hội nhập văn hoá dân tộc để
hạn chế những xung khắc xã hội.
Việc chuyên môn hoá sản xuất hiện nay để tăng giá trị hàng hoá trên
một đơn vị diện tích đất đai đã dẫn đến sự phân hoá trong nền sản xuất
truyền thống của bà con dân tộc tại chỗ Tây Nguyên, họ chú trọng hơn
vào việc sản xuất ra cà phê, cao su (ra tiền) hơn là ra lúa gạo và điều đó
đã làm nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nói riêng và cộng
đồng nói chung. Song điều ngược lại mà bà con không tính đến là khi
326
Nguyễn Ngọc Khánh
cà phê rớt giá, khi thiếu nước, chất lượng cà thấp, cà phê không tiêu
thụ được thì không còn có sự trợ giúp của nguồn rừng, nguồn sông,
nguồn suối. Mặt khác, tâm lý làm đến đâu tiêu đến đấy vẫn còn phổ
biến trong quảng đại bà con dân tộc tại chỗ, tức là làm được bao nhiêu,
tiêu bấy nhiêu, tiêu vào nhà cửa, đồ đạc, xe máy, không ít gia đình đã
sắm, đã dùng những tiện nghi đắt tiền, đã bắt đầu sắm sửa những vật
dụng, phương tiện không phải để cho sản xuất mà chỉ tăng thêm giá
trị cho cuộc sống. Chính vì vậy, khi thất bát, khi đói kém, khi không có
thu nhập từ cà phê, từ cao su, thì họ trở nên trắng tay, buộc Nhà nước
phải cứu giúp, tạo nên vấn đề xã hội bức xúc và đã có lúc trở thành vấn
đề chính trị.
Việc tổ chức các ngành mới (trồng cây công nghiệp: điều, cao su, hồ
tiêu; du lịch sinh thái, trồng lúa nước, ) cũng tạo nên những khó khăn
cho quản lý ở cấp địa phương. Những dự án thay rừng bằng cây kinh
tế có thể tạo được lợi nhuận cao cho xã hội và cho một nhóm người nào
đó, nhưng lại tạo nên “cơ hội” nghèo cho nhiều hộ gia đình. Bởi vậy,
mọi chính sách, chủ trương cho đến các chương trình, dự án phát triển

triển khai ở Tây Nguyên cần được nhìn nhận đánh giá một cách toàn
diện, khách quan trên cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường,
không chỉ nhìn một chiều từ góc độ kinh tế đơn thuần, dựa trên lợi ích
của một nhóm người mà quên lợi ích của số đông dân cư.
Nhằm giải quyết mối quan hệ kép giữa việc bảo vệ môi trường và
đảm bảo môi sinh, sinh kế cho các cộng đồng dân tộc tại chỗ để vừa bảo
vệ môi trường lại vừa bảo tồn sinh kế, một phương thức được đưa ra có
thể là áp dụng mô hình quản lý cộng đồng các nguồn tài nguyên được
xây dựng dựa trên nguyên tắc những người tham gia khai thác hành
động một cách tập thể để quản lý các tài nguyên. Đây là cách tiếp cận
mà việc thực hiện các sắp xếp về mặt thể chế cho phép đảm bảo duy trì
công tác quản lý tập thể của các cộng đồng địa phương đối với các
nguồn tài nguyên. Trong đó, không còn vai trò “độc chiếm” của chính
sách môi trường, vì trong nhiều trường hợp các chính sách này có thể
kích thích sự phá rừng (chính sách chuyển đổi rừng nghèo thành diện
tích trồng cây công nghiệp hay làm du lịch sinh thái, ) hay việc khai
thác quá mức một vài nguồn tài nguyên nào đó cho mục đích phát triển
kinh tế.
Bước đầu nghiên cứu sự chuyển đổi quản lý tài nguyên đất, rừng, nước
327
Mô hình quản lý cộng đồng các nguồn tài nguyên cho phép dung
hoà những cách tiếp cận khác nhau về quyền sở hữu, cho phép quan
tâm đến các vấn đề văn hoá – xã hội của các nhóm đối tượng, trong đó,
xác định “an toàn hoá” công tác đất đai là yếu tố trung tâm trong công
tác quản lý bền vững các khoảng không gian sinh tồn của các cộng đồng
dân cư. Trong mô hình quản lý cộng đồng các nguồn tài nguyên, phạm
trù môi trường được lồng ghép vào trong việc xác định tổng thể những
ưu tiên giành cho cộng đồng của họ, đồng thời, các vấn đề môi trường
được chính cộng đồng thực hiện. Cũng bằng cách này công tác quản lý
truyền thống của cộng đồng thực sự tham gia vào quá trình phát triển

và đem lại sự phát triển có tính lâu bền, cho phép hợp pháp hoá các thể
thức quản lý truyền thống nhưng mang tính công ích mới thông qua
những tri thức dân gian mà tổ tiên để lại. Vai trò của Nhà nước là phải
thể chế hoá các hình thức quản lý của cộng đồng cho phù hợp với các
nguyên tắc của luật pháp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Viện Dân tộc học (1984), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía
Nam), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Lê Thông (Chủ biên) (2003), Địa lý các tỉnh, thành phố Việt Nam (các tỉnh
Trung Bộ, Tây Nguyên), Hà Nội.
[3] Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản năm 1996, 2001, 2006.
[4] Niên giám thống kê 1984 – 2008
[5] Tư liệu khảo sát điều tra trên địa bàn Tây Nguyên các giai đoạn Tây
Nguyên 1, 2, và từ 2007 đến nay.
328
Nguyễn Ngọc Khánh

×