Tải bản đầy đủ (.pdf) (253 trang)

THẾ GIỚI TÂM LINH TRONG TRUYỆN THƠ NÔM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.32 MB, 253 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH





NGUYỄN THỊ GÁI




THẾ GIỚI TÂM LINH
TRONG TRUYỆN THƠ NÔM





Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 34




LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC




Người hướng dẫn khoa học:


PGS. TS. LÊ THU YẾN











Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình tham gia khóa học Sau Đại học và thực hiện luận văn này, người viết đã đón
nhận sự giúp đỡ, chia sẻ, động viên của khá nhiều bạn bè, đồng nghiệp và quí Thầy Cô.
Người viết xin chân thành biết ơn PGS. TS. Lê Thu Yến – Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn,
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Cô đã cảm thông, chia sẻ và hết lòng giúp đỡ,
hướng dẫn người viết trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Xin chân thành cảm ơn quí Thầy Cô trong Ban chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn, phòng Khoa học
Công nghệ - Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, quý Thầy Cô trong ban
giảng huấn đã tận tình truyền đạt kiến thức và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập.
Xin cảm ơn Ban Giám Hiệu và tập thể giáo viên Tổ Văn Trường THPT Thạnh Lộc đã tạo điều
kiện cho người viết trong quá trình tham gia khóa học Sau Đại học.
Xin cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo và quí đồng nghiệp cơ quan Công đoàn Giáo dục Thành
phố, Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ, tạo điều kiện cho người viết trong
quá trình thực hiện luận văn.
Xin cảm ơn tất cả quí đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã chia sẻ, động viên, giúp đỡ người
viết trong suốt quá trình thực hiện và hoàn tất luận văn.

Tuy đã cố gắng nhưng luận văn không thể tránh khỏi những thiếu sót, kính mong được sự chỉ
dẫn của quý Thầy Cô, quý đồng nghiệp và bạn bè.

Người thực hiện Luận văn
Nguyễn Thị Gái




MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong bất kỳ thời đại nào của xã hội, cuộc sống của con người đều có mối quan hệ tiềm ẩn
với thế giới tâm linh. Một mối quan hệ có lúc hiển hiện khá rõ trong sinh hoạt văn hóa, tinh thần của
con người nhưng cũng có lúc tồn tại ẩn kín trong tâm hồn, trong nếp nghĩ của cá nhân, cộng đồng
mà chúng ta thật sự chưa lý giải hết…
Có thể nói, thế giới tâm linh là đời sống tinh thần vô cùng huyền bí của nhân dân chi phối rất
nhiều đối với cuộc sống và rất quan trọng đối với mọi người. “Thế giới tâm linh là thế giới của cái
thiêng liêng, mà ở đó chỉ có cái gì cao cả, lương thiện và đẹp đẽ mới có thể vươn tới. Cả cộng đồng
tôn thờ và cố kết nhau lại trên cơ sở của cái thiêng liêng ấy”. [70, tr. 115]
Theo Đỗ Lai Thúy, “con người là một thực thể đa chiều…Đó là bản chất sinh học, bản chất
xã hội và bản chất tâm linh. Ba bản chất này tạo thành chiều sâu, chiều rộng và chiều cao của con
người”. [103, tr. 7].
Chính vì vậy, đời sống của con người luôn tồn tại và tiềm ẩn thế giới tâm linh, một lĩnh vực
của đời sống tinh thần. Đó là một lĩnh vực gắn liền với những khái niệm cái thiêng liêng, cái cao cả,
cái siêu việt… không chỉ có ở đời sống tôn giáo mà còn có cả trong đời sống tinh thần, đời sống xã
hội. Không chỉ có Trời, Phật, Thần, Thánh mới thể hiện sự thiêng liêng mà đất nước, quê hương,
lòng yêu thương con người, sự thật, công lý, đạo làm người cũng thiêng liêng không kém. Vì vậy,
thế giới tâm linh luôn tồn tại trong đời sống con người và trở thành truyền thống văn hóa đậm nét
qua mọi thời đại. Đó là một giá trị cơ bản và vĩnh hằng của đời sống con người.
Qua nhiều tài liệu nghiên cứu về tâm linh, có thể nói Nguyễn Đăng Duy đã đúc kết thật sự

giá trị về tâm linh:
“Tâm linh là những cái trừu tượng thiêng liêng, thanh khiết, giá trị tâm linh bắt nguồn từ cái
thiêng liêng.
Tâm linh là cái nền vững chắc, là hằng số, và vĩnh cửu trong nhiều mối quan hệ con người.”
Thế giới tâm linh luôn tồn tại trong lòng mọi người. Điều đó được thể hiện thật sinh động
trong văn học Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học trung và hiện đại. Trong đó, văn học
Trung đại là một bộ phận văn học thể hiện khá phong phú thế giới tâm linh cả trong văn xuôi và
trong Truyện thơ Nôm. Đặc biệt, Truyện thơ Nôm là một bộ phận văn học khá độc đáo, có giá trị và
nó cũng có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người bình dân xưa. Vì vậy, thế giới
tâm linh trong Truyện thơ Nôm cũng vô cùng phong phú, đa dạng và có dấu ấn riêng. Chính điều
này đã hấp dẫn tôi chọn đề tài: “Thế giới tâm linh trong Truyện thơ Nôm” để làm luận văn cho khóa
học của mình. Cùng với xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thế mạnh của khoa học tự nhiên
đang ngự trị thì việc tìm về “Thế giới tâm linh trong Truyện thơ Nôm” như sự tìm về những giá trị
tinh thần thiêng liêng, cao quý của dân tộc.
2. Mục đích nghiên cứu
Với sự đa dạng, phong phú, với những giá trị thiêng liêng và huyền diệu của thế giới tâm
linh, nó góp phần thể hiện sâu sắc hơn thế giới tinh thần của con người. Cùng với sự ra đời và phát
triển của văn học Trung đại, Truyện thơ Nôm đã góp phần thể hiện chế độ phong kiến bước vào giai
đoạn khủng hoảng sâu sắc và toàn diện. Những biến động xã hội đã ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo
đức của chế độ phong kiến và làm nảy sinh, phát triển tư tưởng nhân văn của thời đại. Đó cũng là
cội nguồn tư tưởng nhân văn của Truyện thơ Nôm.
Từ nền tảng trên, luận văn hướng đến tìm hiểu nét độc đáo của Truyện thơ Nôm từ khía cạnh
thế giới tâm linh để minh chứng cho thế giới tinh thần phong phú của người bình dân lúc bấy giờ.
Đồng thời luận văn muốn khẳng định về sự tồn tại và giá trị vững bền của thế giới tâm linh trong tư
tưởng, nhận thức, tình cảm của con người nhất là trong giai đoạn hội nhập, giao lưu văn hóa nhưng
chúng ta vẫn giữ lại được những nét truyền thống quý báu riêng của dân tộc Việt Nam.

3. Lịch sử vấn đề
Với đề tài “Thế giới tâm linh trong Truyện thơ Nôm”, chúng tôi xuất phát từ việc tìm hiểu
quyển “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm. Với giáo trình này, chúng tôi nhận thấy có

các vấn đề tạo nền tảng cho thế giới tâm linh sinh sôi, phát triển. Đó là, đất nước ta thuộc loại hình
văn hóa gốc nông nghiệp nên trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên, nghề trồng trọt buộc
người dân phải sống định cư để chờ cây cối lớn lên, ra hoa kết trái và thu hoạch. Do sống phụ thuộc
nhiều vào thiên nhiên nên dân nông nghiệp có ý thức tôn trọng và ước vọng sống hòa hợp với thiên
nhiên. Chính vì vậy, người Việt Nam mở miệng ra là nói “lạy trời”, “nhờ trời”, “ơn trời”. Từ đó,
người Việt đã hình thành tục thờ cúng, khấn vái, cầu đảo, tôn thờ Trời, Phật… thể hiện tín ngưỡng
sùng bái tự nhiên. Trần Ngọc Thêm cũng đề cập đến khía cạnh tổ chức cộng đồng, con người nông
nghiệp ưa sống theo nguyên tắc trọng tình. Hàng xóm sống cố định, lâu dài với nhau, phải tạo ra
một cuộc sống hòa thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu. Lối sống tình cảm ấy dẫn đến thái độ
trọng đức, trọng văn trong cộng đồng, tập thể. Bên cạnh đó, triết lý âm dương tạo nên mối liên
thông giữa âm - dương hình thành tín ngưỡng sùng bái con người. Người còn sống là ở cõi dương,
người chết sang cõi âm, thế giới của âm ti, âm phủ; chết là tiếp theo sự luân hồi chứ không chấm
dứt. Từ đó, con người có quan niệm về hồn ma, hóa kiếp, không gian âm phủ…
Về văn hóa tâm linh, với khá nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, hầu hết các tác giả đều
đề cập đến các vấn đề liên quan đến văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, các tác giả thường chỉ dừng lại ở
việc nêu hiện tượng và nhìn nhận một cách khái quát.
Với công trình “Văn hóa tâm linh”, Nguyễn Đăng Duy tập trung những khái niệm khá sâu
sắc về văn hóa tâm linh – một sự gắn bó sâu sắc với đời sống con người. Công trình đã xác định văn
hóa tâm linh là một phần của văn hóa tinh thần, biểu hiện những giá trị thiêng liêng, cao cả trong
cuộc sống đời thường với những biểu tượng, thần tượng và những kỳ vọng vươn tới chân – thiện –
mỹ… Đây là công trình tập trung nghiên cứu về văn hóa tâm linh của người Việt ở miền Bắc trong
các lĩnh vực: tín ngưỡng thần thánh, trời đất, thờ cúng tổ tiên, thờ mẫu, tang ma và các tôn giáo
Phật, Đạo, Thiên chúa giáo. Công trình đề cập đến thế giới tâm linh trong nhiều mặt của đời sống:
cá nhân, gia đình, tôn giáo, mê tín dị đoan… Công trình cũng xác định văn hóa tâm linh là cái nền
vững chắc của mối quan hệ cộng đồng, làng xã và là một vấn đề hết sức rộng lớn. Cũng với tác giả
Nguyễn Đăng Duy, ở công trình “Văn hóa tâm linh Nam Bộ”, tác giả tập trung thể hiện những ý
niệm thiêng liêng trong cuộc sống đời thường và những niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín
ngưỡng tôn giáo của các cộng đồng dân cư sinh sống trên đất Nam Bộ. Công trình tập trung nghiên
cứu về đặc điểm tính cách tâm linh của bộ phận dân cư chủ yếu ở Nam Bộ, biểu hiện ở mối quan hệ
không gian, sự xuất hiện những nét tín ngưỡng mới. Và tâm linh thể hiện trong các tín ngưỡng thờ

Thần, thờ Mẫu..., tâm linh trong Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Tin lành… Ngoài ra, tác giả còn
giới thiệu văn hóa tâm linh ở các dân tộc ít người: Khơme, Chăm, Hoa. Ở công trình “Văn hóa tâm
linh Nam Bộ”, Nguyễn Đăng Duy đã hệ thống về đời sống tâm linh của các cộng đồng cư dân trên
đất Nam Bộ từ xưa đến nay.
Với công trình “Tôn trọng tự do tín ngưỡng bài trừ mê tín dị đoan” của nhà Dân tộc học
Trương Thìn, công trình đã giúp chúng ta xác định được giá trị đích thực của văn hóa tâm linh, thế
giới tâm linh – những biểu hiện của đời sống tinh thần phong phú. Đồng thời, tác giả cũng cho
chúng ta thấy sự phức tạp, ranh giới rất ngắn giữa thế giới tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo đúng nghĩa
với sự lợi dụng từ tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo để phát triển mê tín dị đoan – một biến dạng của
văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo cần phải bài trừ.
Ngoài ra, nghiên cứu về tâm linh và các nội dung liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng, chúng
tôi cũng đi vào tìm hiểu các công trình của Nguyễn Đăng Duy về Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo với
văn hóa Việt Nam, các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Tất cả các công trình đều liên
quan đến tâm linh nhưng chỉ mang tính chất chung về tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.
Ở lĩnh vực nghiên cứu Truyện thơ Nôm người Việt, chúng tôi tập trung vào các công trình:
- Ngôn ngữ nhân vật trong Truyện thơ Nôm bác học, luận án tiến sĩ Ngữ văn của tác giả Lê
Thị Hồng Minh, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
- Truyện Nôm bình dân của người Việt – lịch sử hình thành và bản chất thể loại, luận án phó
tiến sĩ khoa học Ngữ văn của tác giả Kiều Thu Hoạch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn.
- Truyện Kiều và thể loại Truyện Nôm của tác giả Đặng Thanh Lê.
- Văn hóa ứng xử trong Truyện thơ Nôm, luận văn của Triệu Thuỳ Dương, trường Đại học
Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở các công trình trên, các tác giả tập trung đi vào nghiên cứu khía cạnh ngôn ngữ, thể loại,
nhân vật của loại hình Truyện thơ Nôm và văn hóa ứng xử. Các công trình này chưa đề cập đến vấn
đề tâm linh của Truyện thơ Nôm.
Liên quan và gần gũi với thế giới tâm linh, chúng tôi tìm hiểu hai Luận văn:
- Truyền thống văn hóa Việt trong Truyện Kiều, luận văn thạc sĩ của Đặng Văn Kim, trường
Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tín ngưỡng dân gian và quan niệm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, luận văn của Trần

Ngọc Minh Nguyệt, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai công trình này tập trung vào một Truyện thơ Nôm cụ thể là “Truyện Kiều”. Một công
trình thì nghiên cứu theo hướng văn hóa người Việt, tác giả có sự đối chiếu, so sánh khá chi tiết
giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Từ đó, công
trình đã nêu lên những nét văn hóa có tính truyền thống của người Việt. Một công trình thì nghiên
cứu theo hướng lý giải tín ngưỡng dân gian và quan niệm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều để từ
đó xác định đâu là nguồn gốc hình thành quan niệm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Như vậy, từ hai nguồn tìm hiểu về văn hóa tâm linh và Truyện thơ Nôm cho chúng ta nhận
thấy đó là hai hướng tìm hiểu, nghiên cứu độc lập. Hướng thứ nhất, các tác giả đi vào tìm hiểu tâm
linh, tín ngưỡng, tôn giáo và sự ảnh hưởng của chúng đối với đời sống tinh thần của con người.
Hướng thứ hai, các tác giả đi vào nghiên cứu Truyện thơ Nôm với các khía cạnh về thể loại, nội
dung, hình thức, ngôn ngữ, nhân vật xa hơn cũng mới dừng lại ở nghiên cứu về văn hóa ứng xử
trong Truyện thơ Nôm.
Việc nghiên cứu, tìm ra sự phối kết hợp thế giới tâm linh vào các sáng tác văn học Trung đại
được Lê Thu Yến và Hoàng Thị Minh Phương thể hiện qua hai công trình nghiên cứu khá hấp dẫn.
Với “Thế giới tâm linh trong sáng tác Nguyễn Du – một biểu hiện của văn hóa Việt” [124],
nhà nghiên cứu Lê Thu Yến đã có cái nhìn bao quát và hệ thống những yếu tố tâm linh trong sáng
tác Nguyễn Du. Qua việc phân tích, tổng hợp, thống kê những biểu hiện của thế giới tâm linh trong
sáng tác của Nguyễn Du. Tác giả đã khẳng định: “Thế giới này biểu hiện rõ rệt trong sáng tác
Nguyễn Du làm cho người đọc không thể không nhận ra. Một Văn Chiêu Hồn thấm đẫm màu sắc
của thế giới bên kia, một Truyện Kiều bàng bạc không gian của cõi âm và nhất là thơ chữ Hán nhan
nhản bày ra những đình, đền, miếu, mộ...” [124, tr. 29].
Với công trình “Văn hóa tâm linh trong văn xuôi Trung đại” của Hoàng Thị Minh Phương,
đây là công trình đã có sự công phu, đầu tư để nghiên cứu về văn hóa tâm linh trong văn xuôi Trung
đại. Tác giả đã đề cập đến những biểu hiện phong phú của thế giới tâm linh như: giấc mộng, thờ
cúng, khấn vái, điềm báo, phép thuật, tướng số, linh ứng, hồn ma hóa kiếp… Từ đó, tác giả đúc kết
được hiệu quả của yếu tố tâm linh trong phản ánh hiện thực và nhận thức, tư tưởng về cuộc sống;
phản ánh hiện thực đời sống xã hội. Đồng thời tác giả cho thấy yếu tố tâm linh có hiệu quả nghệ
thuật tạo nên sức hấp dẫn riêng của văn xuôi Trung đại.
Từ hai công trình nghiên cứu của Lê Thu Yến và Hoàng Thị Minh Phương như gợi mở và

cuốn hút tôi vào thế giới tâm linh trong bộ phận Truyện thơ Nôm của văn học Trung đại còn bỏ
ngỏ...
Có thể chúng tôi sưu tầm chưa đầy đủ về các công trình nghiên cứu liên quan đến Truyện thơ
Nôm và thế giới tâm linh. Nhưng qua các công trình tìm được, chúng tôi nhận thấy chưa có công
trình nào cụ thể, chi tiết, quy mô nghiên cứu về sự phối, kết hợp thế giới tâm linh vào Truyện thơ
Nôm. Trong xu thế chung, nhiều nhà nghiên cứu đang quay về tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị
truyền thống quý báu của dân tộc trong đó tâm linh là một khía cạnh đang được chú ý, quan tâm. Từ
cơ sở đó đã giúp chúng tôi mạnh dạn đi vào tìm hiểu, tiếp cận Truyện thơ Nôm với góc độ liên quan
đến thế giới tâm linh – yếu tố cơ bản làm nên nét độc đáo, dấu ấn riêng của văn học Trung đại nói
chung và Truyện thơ Nôm nói riêng.
4. Phạm vi nghiên cứu
Trong quá trình tìm hiểu, sưu tập tài liệu liên quan đến đề tài nhưng có lẽ số tài liệu cũng
chưa thật sự phong phú nên chúng tôi chỉ chọn 30 tác phẩm có tần số xuất hiện nhiều yếu tố tâm
linh để khảo sát, gồm có hai mảng:
* Truyện thơ Nôm hữu danh
1. “Hoa Tiên” (Nguyễn Huy Tự).
2. “Sơ Kính Tân Trang” (Phạm Thái).
3. “Truyện Kiều” ( Nguyễn Du).
4. “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu) .
* Truyện thơ Nôm khuyết danh
5. Phạm Tải – Ngọc Hoa.
6. Mã Phụng – Xuân Hương.
7. Phương Hoa.
8. Tống Trân – Cúc Hoa.
9. Phan Trần.
10. Bà chúa Ba.
11. Hoàng Trừu.
12. Lý Công
13. Lưu Nữ Tướng
14. Bần Nữ Thán

15. Truyện Chàng Chuối
16. Trinh Thử Tân Truyện
17. Chuyện Cái Tấm – Cái Cám
18. Phạm Công Cúc Hoa
19. Truyện Từ Thức
20. Thoại Khanh Châu Tuấn
21. Gương sáng trời Nam
22. Thạch Sanh
23. Liễu Hạnh Công Chúa – Diễn Âm
24. Nhị Độ Mai.
25. Nữ Tú Tài
26. Quan Âm Thị Kính
27. Bích Câu Kỳ Ngộ
28. Phù Dung tân truyện
29. Lâm Tuyền Kỳ Ngộ
30. Trần Minh khố chuối


Chúng tôi sẽ khảo sát trên các văn bản đang hiện hành, phổ biến.
Từ các thao tác thống kê, phân loại các yếu tố tâm linh trong các truyện đã xác định dựa vào
văn hóa tâm linh như phong tục, tập quán, tín ngưỡng… Chúng tôi sẽ đi vào giải thích một số yếu
tố tâm linh để từ đó thấy được giá trị nghệ thuật, vai trò, ý nghĩa của thế giới tâm linh. Chính nó đã
góp phần làm nên nét độc đáo của Truyện thơ Nôm.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn tập trung tìm hiểu sự đa dạng, phong phú của thế giới tâm linh trong một số Truyện
thơ Nôm. Từ đó, luận văn xác định giá trị nghệ thuật của yếu tố tâm linh trong Truyện thơ Nôm.
Đồng thời, luận văn cũng đúc kết những giá trị bền vững của các yếu tố tâm linh trong đời sống
con người.
6. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện luận văn chúng tôi sẽ sử dụng nhiều phương pháp luận nghiên cứu

Văn học. Bên cạnh đó, với đối tượng nghiên cứu của đề tài, chúng tôi sẽ tập trung vào các phương
pháp lịch sử, hệ thống và phân tích, tổng hợp.
6.1 Phương pháp lịch sử
Tác phẩm văn học là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử cụ thể trong tiến trình phát triển
của lịch sử dân tộc. Vì vậy, phương pháp hướng đến việc tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử xã hội, môi
trường văn hoá, tư tưởng chung của thời đại, mối tương tác của chúng với các tác giả, sự ra đời của
các tác phẩm để lý giải các yếu tố tâm linh trong một bộ phận văn học của một thời đại.
6.2 Phương pháp hệ thống
Chúng ta coi Truyện thơ Nôm là một cấu trúc, một hệ thống nhỏ trong hệ thống nền văn học
Trung đại bao gồm nhiều đơn vị tác phẩm và từng tác phẩm cụ thể để có cái nhìn bao quát, đồng
thời xem xét chúng trong tương quan với văn học dân gian và văn học cận hiện đại. Phương pháp
giúp chúmg ta có cái nhìn hệ thống trong quá trình nghiên cứu.
6.3 Phương pháp phân tích – tổng hợp
Phương pháp phân tích – tổng hợp giúp chúng ta tiến hành phân tích các yếu tố tâm linh
trong Truyện thơ Nôm từ đó tổng hợp lại và đưa ra những nhận định chung về ý nghĩa của yếu tố
tâm linh trong tác phẩm.
Ngoài ba phương pháp nghiên cứu trên, trong quá trình thực hiện Luận văn chúng tôi sẽ kết
hợp các thao tác thống kê, phân loại, so sánh tần số xuất hiện của các yếu tố tâm linh trong từng tác
phẩm và đơn vị tác phẩm. Từ đó, các phương pháp, các thao tác này giúp chúng ta thấy mức độ ảnh
hưởng của yếu tố tâm linh đối với sáng tác của các tác giả và cả thời đại văn học cũng như hiệu quả
của chúng trong việc thể hiện nội dung tư tưởng và nghệ thuật của Truyện thơ Nôm.
7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn sẽ triển khai trong ba chương:
Chương 1: Những vấn đề chung
1.1. Truyện thơ Nôm
1.1.1 Sự ra đời và phát triển
1.1.2 Phân loại
1.1.3. Nội dung
1.1.4 Hình thức

1.2. Thế giới tâm linh và cơ sở hình thành
1.2.1. Các khái niệm:
1.2.1.1. Văn hóa
1.2.1.2. Tâm linh
1.2.1.3. Thế giới tâm linh
1.2.2. Cơ sở hình thành yếu tố tâm linh trong văn hóa Việt và Truyện thơ Nôm
1.2.2.1. Cơ sở tư tưởng của Việt Nam
1.2.2.1.1. Từ triết lý âm dương
1.2.2.1.2. Từ tín ngưỡng dân gian
1.2.2.2. Cơ sở tư tưởng của Nho – Phật – Đạo
Chương 2: Những biểu hiện của yếu tố tâm linh trong Truyện thơ Nôm
2.1. Tín ngưỡng thờ cúng và thế giới Trời , Phật, Thần, Tiên
2.1.1. Tín ngưỡng thờ cúng
2.1.2. Trời, Phật, Thần, Tiên
2.2. Duyên kiếp, số mệnh, bói toán
2.2.1. Duyên kiếp, số mệnh
2.2.2. Bói toán
2.3. Hồn ma
2.4. Lời thề
2.5. Phép lạ
2.6. Chiêm bao, mộng mị
Chương 3: Yếu tố tâm linh và sức hấp dẫn của Truyện thơ Nôm
3.1. Yếu tố tâm linh phản ánh hiện thực và trí tưởng tượng phong phú của con người
3.1.1. Thế giới thiên đình
3.1.2. Thế giới âm phủ
3.1.3. Thế giới dương gian
3.2. Yếu tố tâm linh và chức năng hoá giải những vấn đề xã hội
3.3. Yếu tố tâm linh kế thừa và tiếp nối



Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Truyện thơ Nôm
1.1.1. Sự ra đời và phát triển
Truyện thơ Nôm là một bộ phận Văn học khá độc đáo, có dấu ấn riêng trong văn học Trung
đại. Dù sự ra đời của Truyện thơ Nôm cũng chỉ dừng lại ở các giả thuyết của các nhà nghiên cứu
nhưng hầu như các nhà nghiên cứu xác định Truyện thơ Nôm ra đời trên nền tảng của Văn học dân
gian. Theo giáo sư Đinh Gia Khánh: “Truyện Nôm chỉ là một hiện tượng chứng tỏ ảnh hưởng sâu
sắc và mạnh mẽ của văn học dân gian vào văn học viết bằng chữ Nôm của trí thức phong kiến. Đó
là ảnh hưởng của truyện cổ tích. Nhưng ở đây lại còn phải thấy ảnh hưởng rất lớn của thơ ca dân
gian. Thể thơ trong Truyện Nôm bắt nguồn từ thể thơ dân gian. Ngôn ngữ văn học trong Truyện
Nôm cũng bắt đầu từ ngôn ngữ thơ dân gian. Cho nên sự nở rộ của Truyện Nôm trong khoảng từ
thế kỷ XVI trở đi, đặc biệt là từ thế kỷ XVIII cũng lại phản ánh tình hình thơ ca dân gian trong các
thế kỷ ấy”. [51, tr. 67]
Khảo sát Truyện thơ Nôm trong kho tàng Truyện Nôm hiện nay, chúng ta có thể thấy Truyện
thơ Nôm có hai loại: một loại viết theo thể thơ lục bát, một loại viết bằng thể thơ đường luật.
Theo Nguyễn Lộc, “Truyện Nôm đường luật ra đời trước thế kỷ XVIII, từ thế kỷ XVIII trở đi
không thấy có nữa. Còn Truyện Nôm lục bát thì không xác định ra đời khi nào nhưng chỉ biết nó
phát triển nhiều nhất ở cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX” [64, tr.30]
Theo Đặng Thanh Lê: “Sự ra đời của Truyện Nôm bắt nguồn từ một yêu cầu phản ánh xã hội
với những nội dung thời đại cũng như với những điều kiện thực tiễn của bản thân thời đại ấy”. [61,
tr. 50]
Kết hợp hai ý kiến của Nguyễn Lộc và Đặng Thanh Lê, chúng ta gắn vào lịch sử cụ thể của
đất nước Việt Nam thì hai giả thuyết trên có cơ sở. Bởi vì bắt đầu thế kỷ XVI, xã hội phong kiến
Việt Nam có nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa các phe phái phong kiến cầm quyền của giai cấp
thống trị và mâu thuẫn giữa nhân dân bị trị với triều đình đã dẫn đến sự sụp đổ của triều Lê, thay
vào nhà Mạc. Nhà Mạc cũng không giữ được sự đoàn kết, phát triển bởi những mâu thuẫn trước đó
vẫn tiếp tục ngấm ngầm và cuối cùng bùng phát qua các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Đặc biệt là
đến thế kỷ XVIII, xã hội phong kiến ngày một khủng hoảng dẫn đến đời sống nhân dân ngày một

đau khổ, lầm than; những truyền thống đạo đức tốt đẹp ngày một lung lay và phá vỡ. Có lẽ đây là
nền tảng cho những ước mơ, khao khát về công lý, tình người, cuộc đời… là cơ sở cho tư tưởng
nhân văn nảy sinh và phát triển. Đó cũng là cội nguồn phát triển của Truyện thơ Nôm như Đặng

Thanh Lê đã nhận định “Truyện Nôm là sản phẩm văn học vào thời kỳ phong kiến suy tàn mang ý
nghĩa phản ánh một thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ của đấu tranh giai cấp dưới chế độ phong kiến” [61,
tr.57]. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Truyện thơ Nôm ban đầu là loại truyện truyền khẩu từ các nghệ
nhân hát rong. Sau đó, các nho sĩ đã ghi chép lại các Truyện thơ Nôm đã có trước đó và tiếp tục
sáng tác mới nên Truyện thơ Nôm với hình thức viết đã được ra đời.
1.1.2. Phân loại
Truyện thơ Nôm là một bộ phận khá lớn trong văn học Trung đại. Theo nhiều hướng nghiên
cứu, nhiều nhà nghiên cứu theo những khía cạnh khác nhau, Truyện thơ Nôm dựa vào tác giả có hai
loại Truyện thơ Nôm hữu danh và Truyện thơ Nôm khuyết danh; dựa vào nội dung, hình thức có
Truyện thơ Nôm bình dân và Truyện thơ Nôm bác học; cũng có hướng phân loại dựa theo nguồn
gốc và đề tài.
Cách phân loại Truyện thơ Nôm hữu danh và Truyện thơ Nôm khuyết danh được thể hiện
trong “Truyện Nôm khuyết danh, một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam” [77] của Bùi Văn
Nguyên. Theo tác giả, Truyện Nôm khuyết danh thật sự là có tác giả nhưng có thể vì lý do nào đó
đã không còn xác định rõ tác giả là ai. Có thể do tâm lý coi thường những sáng tác bằng chữ Nôm,
văn học Nôm được coi là văn học nôm na, đơn giản nên khi tác phẩm ra đời, tác giả cũng không
được chú ý đến và dần dần bị lãng quên. Mặt khác, do Truyện thơ Nôm có nội dung phê phán, lên
án các tầng lớp vua quan độc ác, tham lam nên thường bị giai cấp thống trị cấm đoán. Có thể vì điều
này mà tác giả cũng ngại lưu tên mình trên tác phẩm. Chúng ta cũng cần xét đến yếu tố trước khi có
chữ viết ra đời, Truyện Nôm được truyền miệng là phổ biến. Vì vậy, quá trình lưu truyền tác phẩm
từ người này sang người khác, từ địa phương này sang địa phương kia và được thêm, bớt ít nhiều
nên tác giả chính đã dần dần mờ nhạt và trở thành khuyết danh. Cách phân chia Truyện thơ Nôm
hữu danh và Truyện thơ Nôm khuyết danh cũng được thể hiện trong Luận án của Nguyễn Thị Chiến
[12, tr.11]. Tác giả xác định cách chia này xuất hiện trước những năm 1960 từ công trình “Lược
thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm nghiên cứu văn học Lê Quý Đôn”.
Sau đó, Truyện thơ Nôm đã được các nhà nghiên cứu văn học cổ, trung đại đi vào hướng

nghiên cứu khác. Đó là hướng nghiên cứu sâu về nội dung, tư tưởng của truyện và đặc điểm nghệ
thuật, cách thức biểu hiện. Có thể nói đây là hướng đi có tính khoa học và đi sâu vào tác phẩm hơn.
Cũng từ hướng nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã cho ra đời sự phân loại Truyện thơ Nôm
bình dân và Truyện thơ Nôm bác học. Theo Nguyễn Lộc [63], Truyện Nôm bình dân là sáng tác của
những nhà Nho không thành đạt, họ sống gần gũi với quần chúng nhân dân lao động. Chính vì vậy,
nội dung của Truyện Nôm bình dân gắn với cuộc sống của nhân dân với các khía cạnh đạo đức khá
nhiều. Vấn đề trung hiếu, tiết nghĩa, việc đấu tranh bảo vệ gia đình, tình yêu, hạnh phúc được thể

hiện khá tập trung nhưng hình thức nghệ thuật khá đơn giản. Còn Truyện Nôm bác học thì có nội
dung tư tưởng và tính nghệ thuật cao hơn Truyện Nôm bình dân. Nội dung Truyện Nôm bác học đã
tiến đến vấn đề bảo vệ tình yêu tự do vượt khỏi lễ giáo phong kiến, bảo vệ và giải phóng cho tình
cảm chân chính. Đây là những sáng tác của những nhà Nho có học vấn cao, có khả năng khai thác
và thể hiện được chiều sâu tâm trạng nhân vật. Cách phân loại này khoa học hơn và cũng có tính
thuyết phục hơn. Bởi vì so với hướng phân loại Truyện Nôm hữu danh - khuyết danh, thì hướng
phân loại Truyện Nôm bình dân – Truyện Nôm bác học là sự đổi mới trong nghiên cứu: đi sâu vào
thi pháp truyện Nôm. Cái mới của hướng phân loại này là đi vào đặc điểm thi pháp học như kỹ năng
thể hiện của tác giả qua nghệ thuật biểu hiện, qua loại hình nhân vật. Đặc biệt là chủ đề, nội dung tư
tưởng của tác phẩm được thể hiện khá tập trung và sinh động. Đồng tình với hướng phân loại này,
Trần Đình Hượu đã có ý kiến: “Phải nói rằng cho đến Nguyễn Đình Chiểu, một số lượng đáng kể
Truyện Nôm mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu chia ra hai loại bác học và bình dân đã làm cho thể
loại đó gần như ổn định, có nề nếp và ít nhiều đã hình thành một thứ khuôn khổ khuynh hướng”
[12, tr.12].
Ngoài ra, Truyện thơ Nôm còn được phân loại theo nguồn gốc, đề tài. Những Truyện
thơ Nôm lấy đề tài từ các truyện cổ dân gian như Tấm Cám, Thạch Sanh… Những Truyện thơ Nôm
có nguồn gốc đề tài từ Trung Quốc như: Truyện Hoa Tiên, Nhị Độ Mai, Phù Dung Tân Truyện, Lâm
Tuyền Kỳ Ngộ… Những truyện lấy đề tài từ những sáng tác chữ Hán hoặc những sự tích ở Việt Nam
như: Tống Trân – Cúc Hoa, Bích Câu Kỳ Ngộ…
Từ ba hướng phân loại trên, chúng tôi nhận thấy hướng phân loại Truyện Nôm bình dân –
Truyện Nôm bác học mang tính khoa học và thuyết phục nhất. Do đó trong quá trình thể hiện đề tài,
chúng tôi chủ yếu dựa vào hướng phân loại này. Và cũng trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ khai thác yếu

tố tâm linh để thể hiện qua Truyện thơ Nôm bình dân và Truyện thơ Nôm bác học. Điều này sẽ gắn
liền với nội dung mang đậm tính dân dã cùng với nghệ thuật mộc mạc, giản dị của các nho sĩ bình
dân và tương ứng với nội dung phức tạp, tình tiết, tâm lý nhân vật, nghệ thuật điêu luyện hơn ở các
nhà Nho thuộc tầng lớp trên của xã hội.
1.1.3. Nội dung
Truyện thơ Nôm bị chi phối khá lớn bởi lễ giáo phong kiến. Chính vì vậy, nội dung của
Truyện thơ Nôm thể hiện khá rõ những quan niệm của lễ giáo thời kỳ này. Chúng ta thấy rất rõ quan
niệm về môn đăng hộ đối trong hôn nhân, tư tưởng trung quân của Nho giáo... những quan niệm về
trung, hiếu, tiết, nghĩa luôn được ca ngợi trong Truyện thơ Nôm. Nhưng không vì thế mà Truyện
thơ Nôm chỉ hạn hẹp trong những phạm vi gò bó của lễ giáo phong kiến. Chúng ta dễ dàng thấy
được những mối tình tự do vượt ra ngoài khuôn khổ khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến trong

Truyện thơ Nôm, những nhân vật khổ đau cùng cực trong xã hội đã biết vươn lên để thay đổi số
phận, những tình yêu chân chính luôn có hậu, hợp lẽ đời… Đó là những điều mà Truyện thơ Nôm
thể hiện khá phong phú, đa dạng và sinh động. . .
Truyện thơ Nôm phản ánh khá đầy đủ các khía cạnh của đời sống xã hội phong kiến. Dù
Truyện thơ Nôm thường đề cập đến “trung, hiếu, tiết, nghĩa” nhưng Truyện thơ Nôm không chỉ
dừng lại ở việc ca ngợi đạo đức phong kiến từ những khía cạnh hợp lẽ đời mà cao hơn là Truyện thơ
Nôm đã thể hiện ý thức vươn lên để bảo vệ tình yêu, khát vọng sống một cách mạnh mẽ, cảm động
của Cúc Hoa, Ngọc Hoa, Phương Hoa…Các nhân vật nữ trong Truyện thơ Nôm thực sự là những
đóa hoa hồng đầy sức sống. Họ đã mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ tình yêu, tấm lòng họ vẫn luôn
thủy chung và khao khát được sống với tình yêu, đạo nghĩa vợ chồng son sắt (Ngọc Hoa, Thoại
Khanh, Công chúa Nam Việt).
Truyện thơ Nôm đặc biệt thể hiện khá đậm nét tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ.
Hình ảnh nàng dâu Thoại Khanh (Thoại Khanh – Châu Tuấn), Cúc Hoa (Tống Trân – Cúc Hoa) đã
đánh đổ quan niệm mẹ chồng, nàng dâu thường xung khắc nhau. Thoại Khanh và Cúc Hoa đã hết
lòng, hết dạ với mẹ chồng khi Châu Tuấn bị đi đày và Tống Trân đang đi xứ. Chúa Ba (Bà Chúa
Ba) nêu gương một người con đại hiếu. Bởi Chúa Ba đã vượt hơn tất cả những công việc đời thường
của người con có hiếu. Chúa Ba một lòng mộ Phật, dù phải trải qua biết bao oan ức, đau khổ nhưng
Chúa Ba vẫn quyết tâm tu hành. Nhờ công đức tu hành, nàng đã cứu được bệnh tình nguy khốn của

vua cha, trừ loài yêu quái. Cũng chính lòng từ bi của công chúa đã giúp vua cha tỉnh ngộ, cải hối
quy thiên phật pháp và cuối cùng Ngọc Hoàng đã sắc phong ngôi Phật, toàn gia sổ chép nhập dòng
tiên. Chúa Ba đã giúp cho mẹ cha thoát khỏi cảnh luân hồi của số kiếp.
Với tấm lòng hiếu thảo, nàng Tấm (Chuyện Cái Tấm – Cái Cám) đã sẵn sàng trèo lên cây để
bẻ cau giỗ bố và bị mẹ ghẻ hãm hại, nàng Thúy Kiều bán mình để chuộc cha (Truyện Kiều)...
Trong Truyện thơ Nôm, các nhân vật nam cũng rất hiếu thảo. Phạm Công nhà nghèo, cha
mất sớm, chàng kiếm củi bán lấy tiền làm chay cho cha, rồi dắt mẹ đi xin ăn. Ngọc Hoàng cho hai
tiên nữ xuống kết duyên với chàng, Phạm Công vẫn kiên quyết từ chối để một lòng lo cho mẹ…
Hay Lương Sinh trong Truyện “Hoa Tiên”, dù đã hẹn thề, trao gởi tình cảm cho nàng Dương
Dao Tiên nhưng cũng vì chữ hiếu mà vâng theo cách sắp đặt hôn sự của cha mẹ, đính ước với tiểu
thư Lưu Ngọc Khanh:
“Dẫu vàng dẫu đá với người
Nặng tình đâu dám nhẹ lời song thân”.
(Hoa Tiên)

Truyện thơ Nôm xây dựng những mối tình của những con người ở những hoàn cảnh trái
ngược nhau như nàng Ngọc Hoa, con gái một “tướng công quan đại phú gia”, yêu Phạm Tải là một
hàn sĩ nhỡ thời phải ăn xin để đi học, nàng Phương Hoa, con gái quan Thượng thư Bộ hộ, yêu Cảnh
Yên, tuy cũng là con một quan ngự sử, nhưng thực tế thì đang đi ăn xin để nuôi mẹ. Cô gái trong
truyện Lý Công là một công chúa lại yêu say đắm một chàng trai:
“Ăn mày đèn sách gian truân,
Khắp chốn xa gần ai thấy cũng thương”.
Nàng Cúc Hoa yêu Tống Trân hay Cúc Hoa yêu Phạm Công tuy không phải con quan nhưng
cũng là con gái gia đình phú hộ, và Phạm Công hay Tống Trân thì cũng giống như Phạm Tải. Trong
truyện “Hoàng Trừu”, nàng công chúa Nam Việt yêu chàng Hoàng tử Trung Quốc, cả hai người
đều xuất thân từ tầng lớp quyền quí là một trường hợp hiếm có trong Truyện thơ Nôm. Có thể nói,
các tác giả Truyện thơ Nôm xây dựng những mối tình như vậy là một cách để phủ định quan niệm
hôn nhân phong kiến, bắt buộc trai gái lấy nhau trước hết phải tương xứng về gia sản và đẳng cấp.
Chính vì vậy, những mối tình trong Truyện thơ Nôm không theo lễ giáo phong kiến nên đến rất tự
nhiên, thuận theo tình cảm, đạo lý nên những mối tình ấy thường rất đẹp và sâu sắc.

Tất cả những đôi trai gái trong Truyện thơ Nôm, họ không quá đặt nặng về luân lý, đạo đức,
về dư luận và thành kiến của xã hội phong kiến khi đến với tình yêu. Cơ sở để họ yêu nhau là phẩm
chất, tài đức của con người, là sự xúc động trước cảnh ngộ không may trong cuộc đời của họ.
Ở Truyện thơ Nôm bình dân, phạm trù đạo đức được thể hiện là phạm vi gia đình mà nổi bật
là tiết, nghĩa. Nội dung Truyện Nôm là cuộc đấu tranh của thiện thắng ác, của ngay thắng gian, của
chính nghĩa thắng phi nghĩa, đồng thời đó cũng là cuộc đấu tranh để bảo vệ tình nghĩa vợ chồng,
bảo vệ gia đình chống lại nguy cơ làm cho nó tan vỡ. Các Truyện Nôm bình dân Phạm Tải – Ngọc
Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Phương Hoa, Phạm Công – Cúc Hoa, Lý Công, Thoại Khanh – Châu
Tuấn, Hoàng Trừu, Phù Dung tân truyện,… đều có nội dung như thế.
Bên cạnh những tấm lòng sắt son, thủy chung của những người vợ, Truyện thơ Nôm cũng
làm nổi bật hình ảnh của những người chồng rất mực chung tình. Phạm Tải đã từ chối mọi tước
quyền và “ba trăm mỹ nữ cung tần chia đôi”, dứt khoát chung thủy với Ngọc Hoa. Phạm Công ba
lần đi thi đậu Trạng, ba lần vua ép gả công chúa. Cả ba lần Phạm Công đều từ chối, trước sau chàng
vẫn trọn vẹn với Cúc Hoa. Đến khi Cúc Hoa chết, chàng còn đánh đồng thiếp xuống âm cung tìm
vợ. Nhân vật Tống Trân và Châu Tuấn cũng có những nét tương tự như vậy.
Truyện Nôm đặc biệt đề cao vai trò người phụ nữ. Từ nàng Cúc Hoa đến nàng Ngọc Hoa,
nàng công chúa trong truyện Lý Công đến nàng công chúa trong truyện Hoàng Trừu hay nàng
Phương Hoa trong truyện cùng tên, tất cả đều mạnh mẽ và chủ động. Họ chủ động trong tình yêu và

chủ động trong việc đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Dù hoàn cảnh có trái ngang, éo le đến
đâu cũng không làm họ gục ngã. Họ không dễ dàng đầu hàng trước hoàn cảnh hoặc buông xuôi theo
định mệnh mà họ luôn kiên quyết đấu tranh, vượt qua. Khi yếu sức thì họ có thần linh giúp đỡ, đấu
tranh trên dương thế không xong, chết xuống âm phủ họ lại tiếp tục đấu tranh cho đến khi chiến
thắng. Có thể nói vai trò của người phụ nữ trong Truyện thơ Nôm thực chất phản ánh vai trò của
người phụ nữ trên bình diện gia đình, đặc biệt là gia đình trong giai đoạn chế độ phong kiến suy tàn.
Ở Truyện thơ Nôm, sự liên hệ giữa chủ đề đấu tranh để bảo vệ tình vợ chồng, bảo vệ gia đình với
việc đề cao đặc biệt vai trò chủ động của người phụ nữ, không phải là ngẫu nhiên mà có tính chất tất
yếu của nó.
Truyện thơ Nôm cũng đã bắt đầu tiến vào phản ánh hiện thực cuộc sống với nhiều mối quan
hệ phức tạp, những xung đột mạnh mẽ giữa con người với con người trong giai đoạn chế độ phong

kiến Việt Nam trong thời kỳ suy tàn, khủng hoảng dữ dội… Chính vì vậy, nội dung của Truyện thơ
Nôm trong giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX tập trung vào hiện thực xã hội với số phận con người
trong cảnh bế tắc, mất phương hướng trong một xã hội bao trùm màu xám xịt từ bước thăng trầm
của thế sự.
Với nội dung tập trung vào hiện thực cuộc sống, Truyện thơ Nôm phê phán, tố cáo giai cấp
thống trị với bọn quan lại, tầng lớp quý tộc cho đến bọn nhà giàu phú hộ. Ở truyện “Lục Vân Tiên”,
Nguyễn Đình Chiểu đã phản ánh những bậc thư sinh theo học sách thánh hiền nhưng lại nhỏ nhen,
hiểm độc như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm… Những tên quan lại sai nha đến cướp phá của cải gia đình
Thúy Kiều, trắng trợn đòi tiền hối lộ, hình ảnh quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến với hạ sách
lừa gạt Thúy Kiều để chiến thắng Từ Hải…
Truyện thơ Nôm bên cạnh xây dựng những mối tình của những con người, có hai hoàn cảnh
trái ngược nhau thì cũng xây dựng những mối tình của những giai nhân tài tử sống trong gia đình
quan lại giàu sang. Đó là mối tình giữa Phạm Kim và Quỳnh Thư, giữa Thúy Kiều với Kim Trọng,
giữa Dao Tiên với Lương Sinh, Phan Tất Chánh và Trần Kiều Liên… đều môn đăng hộ đối theo
quan điểm của Nho giáo phong kiến. Những mối tình của những đôi giai nhân tài tử thường đi vào
tan vỡ. Các nhân vật tỏ ra thiếu mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ tình yêu nhưng cũng có thể nói một
phần do thế lực của xã hội phong kiến chi phối mạnh mẽ. “Sơ kính tân trang” diễn ra giữa một bên
là tình yêu của Phạm Kim và Quỳnh Thư với một bên là việc cưỡng hôn của viên đô đốc. Trước sự
nham hiểm của tên quan lại đô đốc, mối tình Phạm Kim – Quỳnh Thư tan vỡ một cách dễ dàng.
Người viết truyện tỏ lòng thương cảm mối duyên của họ và phê phán mạnh mẽ thế lực đen tối đã
chà đạp lên mối tình đẹp đẽ ấy.

Tình yêu trong Truyện thơ Nôm thường chứa đựng nhiều mâu thuẫn và ảnh hưởng khá lớn
bởi lễ giáo phong kiến. Ở “Hoa Tiên”, mâu thuẫn ấy không biểu hiện bằng hai tuyến nhân vật đối
lập, mà thể hiện ngay trong các nhân vật chính – Lương Sinh, Dao Tiên – thành cuộc đấu tranh giữa
tình cảm và lý trí, giữa cái khát vọng yêu đương tha thiết với những quan niệm chật hẹp của lễ giáo,
đạo đức phong kiến.
Tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng cũng là tình yêu vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo
phong kiến thể hiện ở việc Thúy Kiều đã hẹn hò ở vườn Thúy với Kim Trọng và hai người đã thề
ước với nhau. Dù có muốn vượt qua lễ giáo phong kiến để chủ động đến với nhau nhưng có thể nói

tư tưởng phong kiến cũng ảnh hưởng khá lớn. Cho nên, dù Nguyễn Du rất ưu ái Thúy Kiều, rất cảm
thông với Thúy Kiều nhưng Nguyễn Du vẫn để thế lực của bọn quan lại phong kiến vùi dập Thúy
Kiều và làm tình yêu giữa Kim – Kiều phải tan vỡ.
Có thể nói, sức mạnh đấu tranh được thể hiện đậm nét hơn ở Truyện thơ Nôm “Lục Vân
Tiên”. Thông qua hàng loạt nhân vật chia làm hai tuyến, Truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” của
Nguyễn Đình Chiểu đã thẳng thắn lên án bọn vua quan hèn nhát, ác độc và các hạng người xấu xa,
tệ hại khác. Đối lập với chúng là những con người trung trinh, tiết nghĩa, biết sống theo những điều
tốt lành và biết tôn trọng lẽ phải.
Nhìn chung, Truyện thơ Nôm đã dần dần đi sâu vào mối quan hệ của đời sống xã bội với
cách nhận thức và phản ảnh của chủ nghĩa hiện thực nên nội dung phản ánh, phê phán những vấn đề
tiêu cực được thể hiện khá rõ nét.
1.1.4. Hình thức
Về thi pháp, hình thức của truyện Nôm, có lẽ Cao Huy Đỉnh là người đầu tiên nêu lên đặc
điểm thi pháp thể loại truyện này. Ông cho rằng Truyện Nôm “về cơ bản bảo lưu khuôn dạng của
truyện cổ tích”, bao gồm: lai lịch nhân vật, những thử thách ngày càng khó khăn, những phấn đấu
chống lại thế lực tàn ác của thiên nhiên và xã hội, thắng lợi tất yếu, kết thúc có hậu. Tuy nhiên,
Truyện Nôm là một hiện tượng khác cổ tích do có “xu hướng tiểu thuyết hóa truyện dân gian”.
Khi khảo sát, nghiên cứu về Truyện thơ Nôm, hầu hết loại truyện này dựa theo cốt truyện của
truyện cổ tích, hay diễn ca truyện cổ tích. Vì vậy, về nhiều phương diện, kết cấu nghệ thuật của nó
rất giống với kết cấu trong nghệ thuật của truyện cổ tích. Ở loại truyện này, câu chuyện diễn biến
theo trật tự thời gian, việc gì xảy ra trước được kể trước, việc gì xảy ra sau được kể sau. Câu chuyện
thường bắt đầu bằng việc giới thiệu khá tỉ mỉ lai lịch của nhân vật trung tâm từ lúc mới ra đời, sau
đó kể ngay vào nội dung chính. Người kể bao giờ cũng đứng ở ngôi thứ ba và luôn luôn ghi nhớ câu
chuyện mình đang kể thuộc về thời quá khứ.

Đa số Truyện Nôm thường xây dựng theo mô típ và kết cấu giống nhau. Đó là thường rơi vào
trường hợp một anh nho sĩ nghèo đi ăn xin lấy được người vợ đảm đang chịu khó nuôi cho ăn học.
Về sau hoặc người chồng học thành tài vua ép gả công chúa, hoặc người vợ có nhan sắc bị bọn vua
quan hay cường hào cưỡng bức phải bỏ chồng nhưng cả hai đều cự tuyệt, dứt khoát chung thủy với
người bạn trăm năm của mình. Họ phải đấu tranh quyết liệt và phải vượt qua nhiều thử thách để

cuối cùng được chiến thắng và vợ chồng sum họp.
Theo Nguyễn Lộc [66, tr. 299] cốt truyện của Truyện Nôm bình dân có hai đặc điểm đáng
chú ý. Thứ nhất, những tình tiết, những sự kiện trong truyện không có ý nghĩa khách quan chân thực
của nó mà chỉ có tác dụng soi sáng hay tô đậm cho tính cách nhân vật. Vì vậy, trong nhiều Truyện
thơ Nôm bình dân, chi tiết nhiều khi được cường điệu đến mức hoang đường. Chúng ta có thể thấy
trong “Phạm Tải – Ngọc Hoa”, Phạm Tải chết rồi mà đêm đêm Ngọc Hoa vẫn mở nắp quan tài vào
nằm với chồng. Nàng công chúa trong truyện Lý Công bị chặt tay chân, xẻo tai vất ra ngoài chợ mà
vẫn sống... Trong Truyện thơ Nôm, nhiều chi tiết được sử dụng láy đi láy lại như những mô-típ
trong truyện cổ tích, chẳng hạn trong truyện “Phạm Công – Cúc Hoa”, Phạm Công đi thi đậu trạng,
vua ép gả công chúa, Phạm Công không lấy, vua tức giận đày chàng sang Ô-qua. Bên Ô-qua, Phạm
Công lại đi thi đậu trạng, vua lại ép lấy công chúa, Phạm Công lại chối từ. Vua tức giận, sai chặt tay
chân, khoét mắt, cắt tai Phạm Công. Sau đó nhờ có Ngọc Hoàng cho tiên dược nên Phạm Công
thoát nạn. Tới nước Triệu, Phạm Công lại một lần nữa đi thi, lại đậu Trạng và vua cũng lại ép gả
công chúa nhưng lần này may cho chàng là khi Vua toan trị tội, thì nàng công chúa đứng ra xin tha
cho chàng…
Một đặc điểm nữa là kết thúc của Truyện thơ Nôm thường có hậu. Đó cũng là sự nối tiếp, kết
thúc có hậu do ảnh hưởng của truyện kể dân gian. Nhân vật tích cực trong Truyện Nôm nhiều khi
rơi vào những tình thế bất lợi nhưng về phương diện tinh thần, không bao giờ họ ở thế thua kém mà
họ chống đến cùng. Nàng Ngọc Hoa, nàng công chúa trong truyện Lý Công, chàng Tống Trân,
chàng Phạm Công hay chàng Châu Tuấn có thể họ không thắng lợi ngay nhưng họ không thất bại,
các thế lực phản động không khuất phục được ý chí phản kháng của họ. Những nhân vật như thế, lô
- gic tất yếu của nó phải là kết thúc thắng lợi, phải là “có hậu”.
Xét về mặt nghệ thuật, để thực hiện mô hình kết thúc có hậu, Truyện thơ Nôm thường sử
dụng các yếu tố thần kỳ tương tự như trong thể loại truyện cổ tích. Có thể nói, việc sử dụng các yếu
tố thần kỳ không những là một biện pháp nghệ thuật quan trọng để thực hiện mô hình cấu trúc gặp
gỡ – tai biến – đoàn tụ của Truyện thơ Nôm, mà còn là đặc trưng thi pháp không thể thiếu được của
thể loại này.

Trong Truyện thơ Nôm, mô hình cấu trúc gặp gỡ – tai biến – đoàn tụ thì trường đoạn tai biến
là trường đoạn có nhiều diễn biến phức tạp nhất của cốt truyện. Đa phần, nhân vật chính phải trải

qua những biến cố cực kỳ quan trọng với những thử thách rất khó vượt qua. Trong những trường
hợp như thế, nhân vật của Truyện thơ Nôm thường được sự hỗ trợ của sức mạnh vô hình của những
yếu tố thần kỳ. Nhờ vậy, các nhân vật chính mới có thể vượt qua các thử thách đi đến thắng lợi cuối
cùng để bước vào trường đoạn đoàn tụ như cấu trúc có hậu của nó (Lý Công, Phạm Công – Cúc
Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Truyện Chàng Chuối, Chuyện Cái Tấm – Cái Cám, Hoàng Trừu, Phù
Dung Tân Truyện...).
Song song với yếu tố thần kỳ, Truyện thơ Nôm còn sử dụng các mô - típ dân gian như đặc
điểm nghệ thuật có sức hấp dẫn đặc biệt của thể loại Truyện thơ Nôm bình dân.
Chúng ta dễ dàng tìm gặp mô – típ của nhân vật chính trong Truyện thơ Nôm xuống âm phủ
tìm người thân như Ngọc Hoa xuống âm phủ tìm chồng là Phạm Tải, còn Phạm Công thì xuống âm
phủ để tìm vợ Cúc Hoa.
Mô – típ “Xử kiện cành đa” được vận dụng vào việc Tống Trân xử kiện ở nước Tần. Mô –
típ gái giả trai phổ biến trong truyện dân gian thì trong Truyện thơ Nôm đó cũng là một mô – típ khá
quen thuộc. Nàng Phương Hoa trong truyện “Phương Hoa” đóng giả trai và đổi tên Cảnh Yên để đi
thi. Ngay trong “Sơ Kính Tân Trang” cũng có nàng Thụy Châu giả trai để đi dự lãm các nơi danh
lam, thắng cảnh, Thị Kính giả trai để đi tu (Quan Âm Thị Kính), nàng Phi Nga giả trai để đi học, đi
thi (Nữ Tú Tài).
Chúng ta cũng thấy các trò thi may áo, thi thổi cơm, làm bánh mà Tống Trân đưa ra để chọn
giữa Cúc Hoa và Công chúa nước Tần xem ai đáng là “chánh thê”, đó cũng là những mô – típ dân
gian trong truyện cổ tích thần kỳ “lấy vợ cóc”. Một mô – típ phong chức hương cống cho chuột để
từ đó có tên gọi chuột cống, cũng được sử dụng trong truyện Tống Trân – Cúc Hoa.
Truyện thơ Nôm, còn có sử dụng mô – típ tiếng đàn. Tiếng đàn nghe như trách móc, oán than
trong truyện “Thạch Sanh”, “Thoại Khanh – Châu Tuấn”...
Như vậy, việc sử dụng các mô – típ dân gian trong Truyện thơ Nôm nhìn chung rất linh hoạt.
Có khi người ta giữ nguyên dạng mô – típ của truyện dân gian và sử dụng nó như một tình tiết nào
đó như mô – típ xuống địa ngục tìm người thân… Song cũng có khi người ta chỉ mượn ở mô – típ
dân gian cái chủ đề cơ bản để phát triển nội dung của truyện.
Qua một số thí dụ vừa nêu, chúng ta thấy rằng việc sử dụng các mô – típ dân gian không
những là một thủ pháp nghệ thuật, mà hơn thế việc sử dụng các mô – típ dân gian còn là một quy
luật có tính tất yếu trong quy trình sáng tạo của thể loại Truyện thơ Nôm. Đồng thời, việc sử dụng


các mô – típ này có tính phổ biến. Các tác giả Truyện Nôm sử dụng những tình tiết rút ra từ kho
tàng tri thức dân gian, hoặc những chi tiết mang tính chất ly kỳ, hấp dẫn của nghệ thuật dân gian.
Mặt khác, cách nói khoa trương, phóng đại, cách nói ước lệ tượng trưng của nghệ thuật kể
chuyện dân gian hầu như cũng được các tác giả Truyện Nôm kế thừa và sử dụng rộng rãi như một
đặc trưng trong phong cách tự sự của thể loại này. Hoàng Trừu từng đi khắp mười tám nước chư
hầu để kén vợ, Thạch Sanh lấy được Công chúa bị quân của mười tám nước chư hầu kéo đến bao
vây...
Tính công thức, ước lệ, nhiều khi còn được thể hiện ngay ở những câu mở đầu hoặc ở những
câu kết thúc của một Truyện Nôm. Có thể kể hàng loạt dẫn chứng, chẳng kể nội dung truyện như
thế nào, bao giờ truyện cũng phải được mở đầu hoặc kết thúc bằng những lời ca tụng tốt đẹp, hoặc
bằng những câu mang tính chúc mừng:
“Mừng nay vừa thuận nước non,
Lê dân lạc nghiệp bốn phương yên hòa.
(Phạm Công – Cúc Hoa)
“Nay mừng Nam Bắc thuận hòa,
Chẳng còn lo ngại đường xa nỗi gần.
(Hoàng Trừu)
Diễn biến nội tâm của nhân vật cũng được tác giả thể hiện khá đặc sắc trong tâm trạng dằn
vặt, đau khổ của Thúy Kiều, tâm trạng miêu tả có chiều sâu ở Trương Quỳnh Thư, Kiều Nguyệt
Nga, Dương Dao Tiên ...
Xét về ngôn ngữ, Truyện thơ Nôm sử dụng từ ngữ đời thường, bởi Truyện Nôm vốn là một
thể loại sinh thành và phát triển từ cội nguồn văn học dân gian. Và ngôn ngữ sinh hoạt đời thường
góp phần làm cho nhân vật của Truyện thơ Nôm gần gũi với cuộc sống, giàu chất sống và phản ánh
hiện thực một cách sinh động. Ngoài ra, Truyện thơ Nôm cũng sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục
ngữ, ca dao trong lời nhân vật (Lục Vân Tiên, Truyện Kiều, Hoa Tiên...). Cách vận dụng sinh động
ngôn ngữ tự nhiên của nhân dân từ trong thành ngữ, ca dao, tục ngữ đã góp phần đưa Truyện thơ
Nôm không những đến với tầng lớp quí tộc mà cũng gần gũi với tầng lớp bình dân. Bên cạnh đó, sự
vận dụng này đã làm cho ngôn ngữ, suy nghĩ, nội tâm của nhân vật trong Truyện thơ Nôm càng hàm
súc, giàu hình ảnh và thâm trầm.

Cũng nhờ sử dụng thành ngữ, tục ngữ, Truyện thơ Nôm và ngôn ngữ nhân vật Truyện thơ
Nôm không những nói đúng mà còn nói rất ngắn gọn, rất hay, rất gần gũi, rất tâm lý về nhiều vấn đề
của cuộc sống. Chính đặc điểm này là một trong những lý do cơ bản giúp Truyện thơ Nôm được
nhân dân yêu thích.

1.2. Thế giới tâm linh và cơ sở hình thành
1.2.1. Các khái niệm
1.2.1.1. Văn hóa
Văn hóa là một phạm trù rất rộng bao hàm các sinh hoạt của loài người từ sinh hoạt tinh thần,
sinh hoạt xã hội. Theo từ điển Tiếng Việt 2000, “Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật
chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”.
Văn hóa được hiểu theo nhiều nghĩa. Trong Tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông
dụng để chỉ học thức, lối sống, hoặc theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ văn minh của một giai
đoạn… Văn hóa là sản phẩm của con người và tự nhiên nên nguồn gốc sâu xa của mọi sự khác biệt
về văn hóa chính là do những khác biệt về điều kiện tự nhiên và xã hội quy định.
Văn hóa là một phạm trù rất rộng, nhiều học giả nghiên cứu về văn hóa đã không đưa ra một
định nghĩa rõ ràng, vì định nghĩa văn hóa là gì không phải là một việc dễ dàng giản dị.
Như hai nhà nhân chủng học trứ danh Kroeber và Clyde KhucKhoher trong bài phi lộ cuốn
Culture đã mượn lời của một học giả khác, ông Lowell mà thú nhận rằng:
“Tôi đã được ủy nhiệm nói về văn hóa, nhưng ở trên đời này không có gì phiêu diêu mông
lung hơn là danh từ văn hóa. Người ta không thể tách văn hóa vì thành phần nó vô cùng tận…
Người ta không thể mô tả văn hóa vì nó muôn mặt. Muốn cô động ý nghĩa văn hóa thành lời lẽ thì
cũng như tay không bắt không khí: ta sẽ thấy không khí ở khắp nơi và riêng trong tay chẳng nắm
được gì”. [5, tr. 9]
Khi định nghĩa về văn hóa các nhà khoa học cũng thường chú ý đến các khái niệm văn minh,
văn hiến, văn vật và hầu như đều thống nhất văn hóa là một khái niệm bao trùm “nó chứa cả các
giá trị vật chất lẫn tinh thần” [100, tr. 25].
Tại một hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì ở Mexico vào năm 1982, trong tuyên bố về
những chính sách văn hóa, UNESCO đã định nghĩa về văn hóa như sau:
“Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và

xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao
gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ
thống các giá trị những tập tục và những tín ngưỡng: Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy
xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý
tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý
thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra và xem xét những thành
tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình
vượt trội lên bản thân” [108, tr. 24].

Định nghĩa này cho thấy văn hóa không phải là một lĩnh vực riêng biệt mà là một tổng thể
bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Đồng thời văn hóa là chìa
khóa của sự phát triển xã hội.
Trong “Cảm nhận về văn hóa”, Bùi Thiết cho rằng văn hóa gồm 3 cấu thành: văn hóa vật
chất, văn hóa tinh thần và văn hóa ứng xử [108, tr. 11 – 12].
Xuất phát từ góc độ nguồn gốc P. Sorokin có định nghĩa về văn hóa: “Với nghĩa rộng của từ,
văn hóa chỉ tổng thể những gì được tạo ra, hay được cải biến bởi hoạt động có ý thức hay vô thức
của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động lối ứng xử của nhau”.
Cũng chính vì thế văn hóa liên quan đến con người rất lớn và ở từng khu vực khác nhau, địa
phương khác nhau với đặc điểm khác nhau của con người đã hình thành nên đặc trưng bản sắc dân
tộc khác nhau.
Ở Việt Nam cũng hình thành nhiều định nghĩa về văn hóa:
Theo giáo sư Đặng Thanh Lê, “Văn hóa là tất cả những sản phẩm vật chất và không vật chất
của hoạt động con người, là giá trị và phương thức xử thế được công nhận, đã khách thể hóa và
thừa nhận trong một cộng đồng truyền lại cho các cộng đồng khác và cho các thế hệ mai sau”. [61,
tr. 11].
Cũng trên cơ sở khẳng định vai trò của con người, xã hội loài người trong việc sáng tạo và
làm nên văn hóa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc
sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học,
tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặt ăn, ở và các phương
thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát sinh đó tức là văn hóa”. [123, tr. 21].

Đồng quan điểm với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi định nghĩa về văn hóa với sự liên hệ mật
thiết của con người. Con người với vai trò chủ thể trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa,
cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú
và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người
trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… Cốt lõi của sức sống
dân tộc là văn hóa với nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả hệ thống giá trị tư tưởng
và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu của cái mới từ
bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu
để bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh”. [123, tr. 21].
Tiếp nối tư tưởng, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng,
Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề văn hóa. Trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương
Đảng tại đại hội toàn quốc lần thứ IX (tháng 04/2001), Đảng cũng đã xác định: “Hướng mọi hoạt

động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị tư tưởng trí
tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng
tình nghĩa, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình cộng đồng và xã hội…” (Báo Nhân
Dân ngày 21/04/2001).
Trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta, văn hóa vẫn luôn luôn là mục tiêu quan trọng. Chính
vì vậy, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng đã tiếp tục chú trọng phát triển
văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội. Đảng ta xác định:
“Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế – xã hội, làm cho văn
hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc
văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng
các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng
lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”. (118, tr. 647).
Số lượng định nghĩa về văn hóa rất phong phú, đa dạng theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau.
Qua nhiều tài liệu nghiên cứu, số lượng định nghĩa về văn hóa rất nhiều.
Đầu tiên là định nghĩa theo lối miêu tả của E.B. Taylor: “Văn hóa là toàn bộ phức thể bao

gồm hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, những khả năng và tập quán
khác mà con người có được với tư cách là một thành viên của xã hội” (34). Đây là định nghĩa bao
hàm những yếu tố tinh thần của khái niệm văn hóa.
Khi nói về văn hóa Việt Nam, Phan Ngọc đã nhận định: “Văn hóa Việt Nam là một văn hóa
khiêm tốn mộc mạc, không có gì cực đoan. Nhưng không vì thế mà văn hóa Việt Nam thiếu cá tính”,
“Nó tránh cầu kì. Nó đi vào cái nên thơ bình dị nhưng tha thiết với cuộc sống con người”, “trong
học, trong thư pháp, họa, thơ văn, người Việt không tìm cái kinh người, cái phi thường mà tìm cái
bình dị, tìm cái gần gũi”. [75, tr. 126]
Trần Quốc Vượng định nghĩa: “Văn hóa… là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người, bao
hàm cả kỹ thuật, kinh tế … để từ đó hình thành một lối sống, một thế ứng xử, một thái độ tổng quát
của con người đối với vũ trụ, thiên nhiên và xã hội, là cái vai trò của con người trong vũ trụ đó, với
một hệ thống những chuẩn mực, những giá trị, những biểu tượng, những quan niệm… tạo nên
phong cách diễn tả tri thức và nghệ thuật của con người”. [123, tr. 35 – 36]
Qua một số định nghĩa trên, chúng ta có thể nhận thấy văn hóa theo hai nghĩa rộng và hẹp.
Theo nghĩa rộng, văn hóa bao gồm các giá trị vật chất và giá trị tinh thần, còn theo nghĩa hẹp truyền
thống văn hóa chỉ liên quan đến đời sống tinh thần của con người.

Với đề tài “Thế giới tâm linh trong Truyện thơ Nôm”, tâm linh thuộc lĩnh vực tinh thần, tư
tưởng, tình cảm nên các yếu tố về phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng thuộc về thế giới tâm
linh bởi chúng đã gắn với yếu tố tâm linh, đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc.
1.2.1.2. Tâm linh
Trong cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, con người đã vươn tới một điều kiện sống
khá cao về vật chất thì nhu cầu về đời sống tinh thần cũng được con người đặc biệt quan tâm. Đời
sống tinh thần, những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, những khía cạnh trong tư duy, nếp
nghĩ rất được chú ý. Bởi tất cả những điều đó có ảnh hưởng và chi phối rất nhiều đối với đời sống
tinh thần của con người trong xã hội. Chính vì vậy, hai chữ “Tâm linh” cũng được nhắc đến rất
nhiều trong văn học, văn hóa và trong hiện thực đời sống xã hội.
Trong từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, Tâm linh theo hướng thứ nhất là: “Khả năng biết
trước mọi biến cố nào đó sẽ xảy ra theo quan niệm duy tâm” [79, tr. 1112]; theo hướng thứ hai Tâm
linh là “Tâm hồn, tinh thần” (thường có tính chất thiêng liêng) [79, tr. 1112].

Xét về cấu trúc, Tâm linh gồm hai chữ tâm và linh kết hợp lại. Tâm hiểu theo hướng tình cảm
thì đó là “tấm lòng nhân ái” (sống có tâm) [79, tr. 1111]. Tâm hiểu theo từ tâm niệm là “nghĩ tới
thường xuyên và tự nhắc mình để ghi nhớ và làm theo” [79, tr.1112] tức là tin theo điều đó. Như
vậy, tâm trong tâm linh là niềm tin
. Còn linh là thiêng trong linh thiêng, thiêng liêng. Vậy tâm linh
được hiểu khái quát là niềm tin
của con người vào sự linh thiêng.
Cũng từ đó, Nguyễn Đăng Duy đã đưa ra khái niệm: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả
trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái
thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”.
[27, tr. 11]
Ý thức tâm linh được thể hiện theo hai cách. Thứ nhất là ở ý niệm của con người. Thứ hai là
đọng lại ở các hình ảnh, biểu tượng. Biểu tượng là tiếng nói chung để biểu thị về một tín hiệu. Cây
đa, giếng nước, mái đình là tiếng nói chung để biểu thị về tín hiệu làng quê người Việt Nam. Mồ
mả, bát hương là tiếng nói chung về tín hiệu thờ cúng tổ tiên. Ngôi đình, ngôi đền là tiếng nói chung
về tín hiệu thờ thần của người Việt. Ngôi chùa là tiếng nói chung về thờ Phật ở nước ta… Tất cả đều
là những biểu tượng thiêng liêng. Mọi biểu tượng thiêng liêng là cơ sở bền vững cho nhiều mối
quan hệ của con người trong xã hội.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu về tâm linh và văn hóa tâm linh cho chúng ta thấy tâm linh
luôn tồn tại và gắn bó với ý thức của con người. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu, tâm linh
là một hình thái ý thức, được hình thành từ trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể và phản ánh vào ý thức
con người, không có ý thức con người thì không có tâm linh. Tâm linh là niềm tin thiêng liêng cao
cả trong cuộc sống con người; nó cũng là niềm tin tôn giáo. Cái niềm tin thiêng liêng đó được thể

hiện qua ý niệm và biểu tượng. Trong sinh hoạt tâm linh, con người thể hiện đức tin, niềm xác tín về
một đối tượng thiêng liêng bằng cách phải tạo ra một nơi, một chỗ thờ phượng với bài vị, tượng
chân dung của đối tượng đó cùng với nghi thức cầu cúng. Nói một cách khái quát, nhà nghiên cứu
Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng cách biểu hiện sinh hoạt văn hóa tâm linh thể hiện qua ba dạng:
“Văn hóa tinh thần (vô hình): đó là những hiểu biết, những suy luận, nhận thức về một niềm
tin thiêng liêng đối với một đối tượng nào đó”.

“Văn hóa vật chất (hữu hình): đó là cơ sở vật chất, nơi chốn thờ phượng: đình, chùa, miễu,
đền thờ… với các đồ khí tự và những biểu tượng liên quan”.
“Văn hóa hoạt động: đó là nghi thức cúng tế” [39, tr. 8].
Theo tài liệu biên soạn của Đỗ Lai Thúy về “Phân tâm học và văn hóa tâm linh”, đây có thể
xem là một nhận xét, bàn luận khá tổng quát về tâm linh:
“Trước đây, nói đến tâm linh là người ta nghĩ ngay đến tín ngưỡng và tôn giáo, và đồng nhất
nó với tín ngưỡng và tôn giáo. Thực ra, khái niệm tâm linh vừa hẹp hơn lại vừa rộng hơn khái niệm
tín ngưỡng tôn giáo. Hẹp hơn là ở tín ngưỡng tôn giáo ngoài phần tâm linh ra còn có phần mê tín dị
đoan và sự cuồng tín tôn giáo. Bởi đó vừa là một lĩnh vực của đời sống tinh thần vừa là một thiết
chế xã hội, mà đã là một thiết chế xã hội thì không tránh khỏi sự thế tục hóa, sự tha hóa do việc lợi
dụng của giai cấp thống trị. Rộng hơn vì tâm linh gắn liền với những khái niệm cái thiêng liêng, cái
cao cả, cái siêu việt... không chỉ có ở đời sống tôn giáo, mà còn có trong đời sống tinh thần, đời
sống xã hội. Không chỉ có Thượng đế, có chúa trời, Thần, Phật mới thiêng liêng, mà cả Tổ quốc,
lòng yêu thương con người, sự thật, công lý cũng thiêng liêng không kém. Có như vậy, con người
mới đạt đến chiều cao của con người. Vì nếu những cái đó bị giải thiêng thì con người không còn
biết lấy gì để khu biệt mình với động vật”. [103, tr. 7 – 8]
Bên cạnh đó, tâm linh còn tồn tại rất đa dạng, phong phú trên nhiều phạm vi như đời sống cá
nhân, gia đình, cộng đồng làng xã, tổ quốc giang sơn, trong văn học nghệ thuật, trong tín ngưỡng
tôn giáo. Và có thể nói tâm linh còn có ranh giới rất gần gũi với mê tín dị đoan – mặt tiêu cực của
đời sống tinh thần con người trong xã hội.
Như vậy, tâm linh là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của con người bên cạnh
đời sống vật chất tồn tại cụ thể, bởi “trong đời sống con người, ngoài mặt hiện hữu còn có mặt tâm
linh. Về mặt cá nhân đã như vậy, mà mặt cộng đồng (gia đình, làng xã, dân tộc) cũng như vậy. Nếu
mặt hiện hữu của đời sống con người có thể nhận thức qua những tiêu chuẩn cụ thể sờ mó được, có
thể đánh giá qua những gì cụ thể nhất định, thì về mặt tâm linh bao giờ cũng gắn với cái gì đó rất
trừu tượng, rất mong lung, nhưng lại không thể thiếu được ở con người. Con người sở dĩ trở thành
con người, một phần căn bản là do nó có đời sống tâm linh. Nghĩa là tuân theo những giá trị bắt
nguồn từ cái thiêng liêng, cái bí ẩn, những giá trị tạo thành đời sống tâm linh của nó” [70, tr. 36].

×