Tải bản đầy đủ (.pdf) (157 trang)

Phê bình văn học thế kỷ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.35 MB, 157 trang )


Thụy Khuê
Phê bình văn học thế kỷ XX

Chương 1

Những bước tiến của phê bình văn học
trong thế kỷ XX


Thế kỷ XX là thế kỷ của ngữ học và phê bình. Với sự phát triển của ngữ học, phê
bình thật sự đã có những bước tiến đáng kể. Người phê bình không chỉ còn giữa
địa vị bình văn theo chủ quan cảm nhận mà còn tiến tới sự kiến giải và bình chú
cấu trúc ngôn ngữ, tìm hiểu những ý nghiã, những biểu tượng nằm sau ngôn ngữ,
tìm hiểu tác dụng của văn thơ trong xã hội và lịch sử, vv Một mặt khác, văn học
hiện đại đã tách rời khuôn khổ cổ điển, nghiã là kể một truyện có đầu có đuôi, mà
bước vào những kết hợp hoàn toàn khác: truyện không có chuyện; pha trộn tưởng
tượng và thực tế; đảo lộn trật tự thời gian; tìm đến cái phi thực và phi lý; đi vào địa
hạt không tưởng Đứng trước những tác phẩm như thế, phê bình cổ điển đành
phải bó tay, một con đường khác mở ra: trong việc khảo sát văn bản, nhà phê bình
không chỉ khám phá bản chất văn chương, tư tưởng chứa đựng trong tác phẩm mà
còn phải dựng lại cả cái sườn cấu trúc văn chương tư tưởng của tác giả trong suốt
hành trình sáng tác.
Một công việc như thế, trước tiên, đòi hỏi kiến thức về Ngôn ngữ học nói riêng
vàKý hiệu học nói chung.
Nửa đầu thế kỷ XX, ngôn ngữ học
[1]
-vượt trên văn phạm
[2]
truyền thống- được áp
dụng vào phê bình, dẫn đến những kết quả bất ngờ. Nửa sau thế kỷ XX, dấu hiệu


học hay ký hiệu học
[3]
mở rộng phạm vi hơn nữa, đưa phê bình vào những vùng đất
khác, ngoài ngôn ngữ. Đồng thời, sáng tác cũng mở ra những hướng đi mới, với
những khái niệm "tiểu thuyết mới", "tác phẩm mở" nên cần phải có một cách đọc
mới.
Trong bối cảnh ấy, phê bình giữ được địa vị tương xứng của mình: cách tân và
phát triển như một nền văn chương thứ nhì, song song với sáng tác. Curtuis xác
định: phê bình là "văn chương của văn chương". Phê bình trở thành một thứ sáng
tác "có đối tượng là sáng tác". Văn bản phê bình trở thành một sản phẩm của sáng
tạo, không còn tùy thuộc vào sáng tác như một sản phẩm phụ tùng, "ăn theo" nữa.
Phê bình từ bỏ lối viết chủ quan, giáo điều, khen chê, tự cho mình cái quyền sinh
sát trên một tác phẩm, để có thể vận hành song song với sáng tác, như một nguồn
sáng tạo thứ nhì, xuất phát từ văn bản. Nếu sáng tạo khởi đi từ cuộc đời để tiến tới
văn bản thì phê bình khởi đi từ tác phẩm để đến với cuộc đời: hai hành trình ngược
chiều, nhưng song song và gặp gỡ, và đó là một phép lạ chỉ có thể xẩy ra trong văn
chương nghệ thuật.
Phê bình trong thế kỷ XX, còn là sự giao thoa giữa những cặp phạm trù: ngữ học
và văn chương (trường phái hình thức Nga), bác ngữ học và văn chương (trường
phái bác ngữ học Đức); hoặc là sự tổng hợp hai ý thức: ý thức của người viết và ý
thức của người đọc (trường phái ý thức của Thụy Sĩ), hoặc là sự gặp gỡ giữa tưởng
tượng và văn chương (Bachelard), giữa triết học và văn chương (Blanchot, Sartre),
ký hiệu học và văn chương (Eco, Barthes)

Công lao khai phá nền phê bình hiện đại trong thế kỷ XX, thuộc về trường phái
hình thức Nga, ra đời trước thế chiến thứ nhất, với những tên tuổi như
Eikhenbaum, Tynianov, Jakobson, Chklovski, Tomachevski Trường phái này bị
nhà cầm quyền Xô Viết chôn vùi, gần nửa thế kỷ sau, khoảng những năm 60, sách
của họ mới được dịch và phổ biến rộng rãi trên thế giới. Cùng xuất thân trong
nhóm hình thức, nhưng Bakhtine đứng riêng một cõi, ông cực lực phê bình phương

pháp "máy móc" của trường phái hình thức, theo ông, chỉ chú ý đến khía cạnh ngữ
học của văn bản mà bỏ quên con người.
Bakhtine là người đầu tiên nghiên cứu văn chương nói chung và văn chương tiểu
thuyết nói riêng, trên bình diện triết học, dùng hiện tượng luận, đặt nền móng cho
nền ký hiệu học.
Bakhtine đưa tác giả và môi trường xã hội, vào nghiên cứu phê bình. Ông được
định vị như khuôn mặt lớn nhất của phê bình Nga trong thế kỷ XX.
Cùng thời điểm ấy, ở Đức, xuất hiện một nhóm các nhà bác ngữ học
[4]
chuyên về
các thứ tiếng có nguồn gốc la tinh
[5]
với Gundolf, Curtius, Auerbach, Spitzer. Họ
chủ trương khảo sát văn chương Âu Châu như một toàn thể duy nhất, khởi đi từ
nguồn ngữ tự la tinh. Cùng số phận với những nhà hình thức Nga, những nhà bác
ngữ học Đức cũng bị chính quyền Đức Quốc Xã khủng bố. Năm 1933, hầu hết
phải chạy sang dạy đại học Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), rồi sang dạy đại học Mỹ. Ảnh
hưởng của họ trực tiếp trên trường phái phê bình ý thức ở Genève, và gián tiếp dẫn
đến những khái niệm mới như văn học so sánh, liên văn bản được mở rộng trong
nửa sau thế kỷ XX.
Giữa thế kỷ XX, ở Thụy Sĩ, xuất hiện trường phái phê bình ý thức, với Marcel
Raymond, Albert Béguin, Georges Poulet, Jean Rousset và Jean Starobinski.
Nhóm này -còn gọi là trường phái Genève- đặc biệt đề cao sự gặp gỡ của hai ý
thức: ý thức của người viết và ý thức của người đọc. Lần đầu tiên vai trò của
người đọc (và cũng là người phê bình) được đem ra ánh sáng. Trường phái phê
bình ý thức giữ vai trò chủ động trong việc phát triển nền "phê bình mới", khi sách
của hai trường phái Nga và Đức chưa được dịch sang tiếng Pháp và quảng bá rộng
rãi ở Châu Âu.
Paul Valéry (1871-1945), nhà văn và nhà phê bình Pháp, thăm thú nhiều lãnh vực
văn chương nghệ thuật và ông đã nắm bắt được rường mối liên lạc mật thiết giữa

các ngành nghệ thuật với nhau. Sự tìm kiếm của Valéry vừa độc lập, vừa tản mạn,
nhưng những khám phá thi học của ông, về âm, về nghiã, có nhiều điểm tương
đồng với lý thuyết của những nhà hình thức Nga.
Trong khi mọi người đang đi theo những phương pháp khoa học để phân tích văn
bản, thì thập niên 40, ở Pháp, nhà bác học Gaston Bachelard, đưa ra phương pháp
"phê bình tưởng tượng". Bachelard khai phá vùng đất của mơ mộng, truy nguyên
nguồn cội hành động thi ca với một lối viết đầy thi vị. Ông dùng những phương
pháp tế vi, sâu sắc để tìm hiểu văn chương: vật chất hóa tưởng tượng hoặc tưởng
tượng hoá vật chất, đào sâu đến tận nguồn của sự sống và sáng tác.
Bên cạnh phê bình tưởng tượng của Bachelard, một trường phái phê bình dùng
phân tâm học của Freud để phân tích tác phẩm văn học với những tên tuổi như
Charles Baudouin, Charles Mauron. Mục đích: phân tâm tác phẩm, phân tâm tác
giả.
Jean Paul Sartre là người đặt vấn đề: Văn chương là gì? một cách quy mô và triệt
để. Trước Sartre, Mallarmé, Proust, Du Bos cũng đã đề cập đến câu hỏi này,
nhưng phải đến Sartre vấn đề mới được phân tích một cách cặn kẽ, thấu triệt.
Sartre coi văn chương như một hiện tượng và ông dùng hiện tượng luận để khảo
sát, mở ra hướng phân tích mới cho phê bình văn học Pháp. Nếu không có J.P.
Sartre thì chưa chắc đã có R. Barthes.
Maurice Blanchot có lẽ là nhà phê bình sâu sắc nhất của Pháp, nhưng ông ít được
thế giới biết đến. Đại học Hoa Kỳ có vẻ chú ý đến những lý thuyết thời trang như
Postmoderne (Hậu hiện đại) của François Lyotard, hay Déconstruction (Tái kiến
trúc) của Dérrida hơn là những bài triết luận sâu sắc của Maurice Blanchot về con
đường hủy diệt của sáng tác, với những câu hỏi vô cùng bất ngờ về tính cách tứ
tán, tự sinh, tự triệt của hành động viết.
Bakhtine đã khai mở những khái niệm đầu tiên về ký hiệu trong ngôn ngữ tiểu
thuyết, nhưng đến nửa sau thế kỷ XX, ngành ký hiệu học mới được phát triển
trong phê bình, Roland Barthes, Umberto Éco, trở thành những "chuyên gia" của
phương pháp phê bình này.
Cuốn Segno (Ký hiệu) của Umberto Eco là một trong những tác phẩm khúc triết,

tương đối dễ đọc, về một khái niệm khá rắc rối là ký hiệu học. Tác phẩm nhắm vào
ba điểm chính: giải thích khái niệm ký hiệu, trình bày những lý thuyết về ký hiệu
học và đề cập đến chỗ đứng của ký hiệu trong lịch sử tư tưởng. Vai trò của người
đọc và khái niệm tác phẩm mở là hai đề thuyết quan trọng trong phê bình của Eco.
Roland Barthes, tổng hợp những khái niệm ngữ học và ký hiệu học từ đầu thế kỷ
XX, đưa vào phê bình, tạo ra một cái nhìn khá toàn diện về các ngành nghệ thuật
và ngoài nghệ thuật. Dưới con mắt Barthes, mỗi hệ thống ký hiệu, đều có thể là đối
tượng khảo sát của phê bình. Ngoài ngôn ngữ viết, còn có các hệ thống ký hiệu
khác như ngôn ngữ máy móc, ngôn ngữ điện ảnh, ngôn ngữ hội họa, ngôn ngữ
truyền hình, ngôn ngữ vi tính v.v như vậy, phê bình thực sự đi vào mọi kẽ ngách
của đời sống hàng ngày, trở nên một thực thể lưỡng diện: vừa bác học, qua cách
phân tích, lý giải, vừa bình dân, vì đối tượng của nó là những sinh hoạt của đời
sống.
Thập niên 70, vấn đề hậu hiện đại được đặt ra và nhanh chóng trở thành một cái
mốt xung quanh lý thuyết hậu hiện đại của J.F. Lyotard. Lý thuyết này phát xuất từ
Pháp, được một số đại học du nhập vào Mỹ và được coi như khuynh hướng tân kỳ
và sáng giá nhất của văn học hiện đại.
Chúng tôi sẽ giải mã lý thuyết của Lyotard trong chương cuối: Hậu hiện đại, thực
chất và huyền thoại, chủ đích giúp độc giả phân biệt đâu là những lý thuyết phê
bình đích thực, bổ ích cho sự tìm hiểu văn chương, đâu chỉ là ảo giác không tưởng
của một thời nhất định.

Paris tháng 3/2005- tháng 1/2012
Thụy Khuê

[1]
Ngữ học tức là khoa học về ngôn ngữ (Linguistique, tiếng Pháp).
[2]
Văn phạm hay Văn pháp (Grammaire, tiếng Pháp) là sự khảo sát văn pháp của một thứ
tiếng.

[3]
Ký hiệu học hay dấu hiệu học (Sémiologie, tiếng Pháp) là khoa học về các dấu hiệu hay ký
hiệu (signe) trong đó có ký hiệu ngôn ngữ.
[4]
Bác ngữ học (Philologie, tiếng Pháp) là khoa học về văn bản, bao gồm việc nghiên cứu phê
bình và tìm hiểu mối liên hệ của nó với nền văn minh, lịch sử và nguồn gốc chữ.
[5]
Bác ngữ học la tinh (Philologie romane) chuyên khảo sát các thứ tiếng có nguồn gốc từ
tiếng La-tinh như tiếng Ý, Pháp, Tây ban nha, Bồ đào nha




[1]
Nam Sơn xuất bản tại Sài gòn, 1968. Xuân Thu tái bản tại California, 1990.
[2]
Pierre Belfond, Paris 1987, Pocket tái bản, 1997.


© Copyright Thụy Khuê 2005, 2012


Thụy Khuê
Phê bình văn học thế kỷ XX

Chương 2

Đôi hàng về tiến trình ngôn ngữ học

Tiền thân của Ngôn ngữ học (Linguistique) là Văn phạm (Grammaire) do người

Hy Lạp khai trương và người Pháp tiếp nối.
Thế kỷ 17, các nhà tu dòng Dương thân (Janséniste) ở Port Royal
[1]
soạn hai cuốn
sách cơ bản:
1- Grammaire générale et raisonnée (Văn phạm tổng quát và có suy luận)
[2]
, tìm
cách giải thích (kèm theo những kiến giải lịch sử) và cho thí dụ về sự thành lập
một tiếng và cách xây dựng (construction) và ngữ điệu (tournure) của một câu.
2- Logique ou Art de penser (Luận lý hay Nghệ thuật suy tưởng)
[3]
, áp dụng luận lý
học Descartes vào việc phân tích ngôn ngữ.
Hai cuốn sách nền tảng này thường được gọi ngắn gọn là Grammaire de Port
Royal (Văn Phạm Port Royal) và Logique de Port Royal (Luận lý Port Royal).
Về khoa văn phạm này, Ferdinand de Saussure
[4]
, cha đẻ nền ngữ học hiện đại cho
rằng nó chỉ "xây dựng trên luận lý, nhưng hoàn toàn thiếu vắng cái nhìn khoa học
và không chú ý gì đến tính chất của tiếng nói; chỉ đưa ra những quy luật phân biệt
thế nào là (viết) đúng, thế nào là (viết) sai; do đó nó chỉ là một kỷ luật có tính
nguyên tắc, rất xa với sự quan sát thuần túy, vì vậy quan điểm của nó thực sự hẹp
hòi"
[5]
.
Thế kỷ 18, theo Saussure, người ta bắt đầu nói đến ngành bác ngữ học. Từ thời cổ
đại, tại Alexandrie đã có trường phái bác ngữ học, nhưng ngành này chỉ được định
danh trở lại từ năm 1777
[6]

như một khoa học khảo sát văn bản, lịch sử văn
chương, phong tục và chế độ dựa trên phương pháp phê bình. Bác ngữ học, nếu
có chú ý đến ngữ học, cũng chỉ là để so sánh văn bản trong các thời kỳ khác nhau,
xác định ngôn ngữ đặc biệt của mỗi nhà văn và giải nghiã những mô thức trong
các văn bản cổ xưa hoặc tối nghiã. Công trình của Friedrich Wilhelm Ritschi
(1806-1876) viết về Plaute có thể coi là nghiên cứu ngữ học và Ritschi cũng là
một trong những người đầu tiên nghiên cứu tiếng La tinh cổ. Nhưng về phương
diện này, bác ngữ học cũng chỉ chuyên tâm đến văn bản mà bỏ qua tiếng nói; và
hầu như chỉ nghiên cứu mảng ngữ tự cổ La Hy. Nói chung, bác ngữ học thế kỷ 18-
19 chỉ quan tâm đến chữ viết mà bỏ qua lời nói.
Giai đoạn thứ ba, theo Saussure, bắt đầu khi người ta thấy có thể so sánh các ngôn
ngữ với nhau. Và đó là nguồn gốc của nền bác ngữ học so sánh và văn phạm so
sánh.
Năm 1816, trong tác phẩm tựa đề Système de la conjugaison du sanscrit (Phép
chia động từ trong tiếng phạn)
[7]
, Franz Bopp
[8]
nghiên cứu mối liên hệ giữa tiếng
phạn với tiếng Nhật Nhĩ Man
[9]
, tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh. Bopp không phải
là người đầu tiên khám phá ra tiếng phạn là tổ tiên của một số thổ ngữ ở châu Âu
và châu Á, nhưng ông nhận ra rằng những tương quan giữa các ngôn ngữ có họ
hàng với nhau có thể là chất liệu cho một nền khoa học riêng. So sánh tiếng này
với tiếng kia, giải nghiã hình thức tiếng nói của dân tộc này bằng hình thức tiếng
nói của dân tộc khác, là điều trước ông, chưa ai tìm ra.
Bên cạnh Bopp, xuất hiện những nhà ngữ học nổi tiếng: Jacob Grimn
[10]
xây dựng

nền móng nghiên cứu tiếng Nhật Nhĩ Man với cuốn Deutsche grammatik(Văn
phạm Nhật Nhĩ Man) in năm 1822; August Friedrich Pott (1802-1887) nghiên
cứu ngữ nguyên (étymologie), tức là tìm nguồn gốc của chữ, đã đem lại những kết
quả đáng kể cho ngôn ngữ học; Adalbert Kuhn nghiên cứu ngữ học và thần thoại
so sánh; ngoài ra còn có những nhà Ấn độ học như Theodor Benfey và Theodor
Aufrecht, vv
Trong trường phái so sánh có ba người đặc biệt góp phần rất lớn vào vấn đề nghiên
cứu so sánh là Muller
[11]
quảng bá phương pháp so sánh trong những buổi diễn
thuyết; Curtius
[12]
, một trong những người đầu tiên bắc cầu văn phạm so sánh với
bác ngữ học cổ điển; và Schleicher
[13]
, người đầu tiên hệ thống hoá kết quả của
những nghiên cứu chi tiết; tác phẩm Yếu lược văn phạm so sánh những tiếng Ấn-
Nhật nhĩ man của ông, in năm 1861, hữu ích trong một thời gian dài, phản ánh
toàn bộ diện mạo trường phái so sánh và cũng là giai đoạn đầu tiên của nền ngữ
học Ấn-Âu.
Nhưng trường phái so sánh, vẫn theo phê bình của Saussure, tuy có công khai
quang một mảnh đất mầu mỡ mới, nhưng vẫn chưa thành lập được một nền ngữ
học có tính khoa học. Vì giới hạn trong biên giới nghiên cứu ngôn ngữ Ấn-Âu,
văn phạm so sánh không tự hỏi những đối chiếu ấy có ăn nhập gì với nhau và
những điều họ khám phá ra có nghiã lý gì? Bởi chúng hoàn toàn chỉ có tính so
sánh mà không mang tính lịch sử.

Chỉ từ khoảng 1870, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi: vậy những tính cách thiết
yếu của đời sống các ngôn ngữ là gì? Và từ đó người ta mới nhận thấy rằng những
điểm tương đồng liên kết các ngôn ngữ lại với nhau chỉ là một trong những cục

diện của hiện tượng ngữ học, rằng sự so sánh chỉ là một phương tiện, một phương
pháp, để tái thiết những sự kiện đã xẩy ra.
Ngữ học đúng nghiã chỉ phát sinh từ sự nghiên cứu những thứ tiếng có nguồn gốc
La tinh
[14]
do Diez mở đầu với cuốn Văn phạm những ngôn ngữ gốc La
tinh
[15]
,soạn từ 1836-1843, tác phẩm chủ yếu đã đưa ngữ học trở về với mục tiêu
đích thực của nó.
Sở dĩ những nhà nghiên cứu ngữ học Romane và ngữ học Nhật Nhĩ Man đạt được
kết quả khả quan vì họ có lợi thế hơn những nhà nghiên cứu ngữ học Ấn-Âu, nhờ
chỗ biết rõ tiếng La tinh và những tiếng phát xuất từ tiếng La tinh và các cách nói
của từng miền. Tóm lại, việc nghiên cứu ngôn ngữ Romane (Ý, Pháp, Tây ban
Nha, Bồ Đào Nha ) và Nhật Nhĩ Man (Đức, Anh, Hoà Lan, Bắc Âu ) của các
trường phái ngữ học thế kỷ 19, đã đưa đến những thành tựu đáng kể và đắc dụng
hơn việc việc nghiên cứu ngôn ngữ Ấn-Âu của các trường phái so sánh thế kỷ 18.
Cuối thế kỷ XIX, Whitney (1827-1894) nhà ngữ học Mỹ, tác giả cuốn Cuộc sống
của ngôn ngữ (1875) kích động một khuynh hướng mới: Tân văn phạm
[16]

những người đầu xướng đều là Đức: K. Brugmann, H. Osthoff, W. Braune, E.
Sievers, H. Paul, thuộc nhóm Nhật nhĩ man học; Leskien, nhà Slave học
[17]
. Tân
văn phạm cho rằng trường phái so sánh chỉ trình bầy những trạng thái ngôn ngữ
khác nhau mà không giải thích và tìm nguyên nhân.
Saussure, ở tuổi 21, viết cuốn Lược trình hệ thống nguyên thủy những nguyên âm
Ấn-Âu (Mémoire sur le système primitif des voyelles indo-européennes) 1878,
được coi là một thành tựu của trường phái này. Nhờ những nhà Tân văn

phạm,người ta không còn coi tiếng nói như một cơ quan tự phát mà là một sản
phẩm củatrí tuệ cộng đồng của những nhóm ngôn ngữ.


Ngữ học Saussure

Saussure xác định: Chất liệu chính của ngữ học là tất cả những cách biểu hiện của
ngôn ngữ loài người, từ những dân tộc bán khai đến những quốc gia văn minh, từ
thời cổ đại, cổ điển đến lúc suy tàn, và trong mỗi thời kỳ của mỗi tiếng nói, còn
phải kể đến, không chỉ ngôn ngữ đúng, "ngôn ngữ đẹp" mà còn phải khảo sát tất cả
các cách phát biểu, tức là không chỉ có lời nói mà cả các văn bản viết, chính
những văn bản này sẽ cho biết những phương ngữ (idiome) tức là những lối nói
của từng địa phương, đã dùng trong quá khứ hoặc trong những vùng xa.
Tóm lại, nhà ngữ học có ba nhiệm vụ:
1- Mô tả lịch sử tất cả những tiếng nói
[18]
có thể biết được, nghiã là mô tả lịch sử
những tộc ngữ (familles de langues) và nếu có thể, tái thiết những tiếng nói gốc
của mỗi tộc ngữ.
2- Tìm tác dụng thường trực và phổ quát của mỗi thứ tiếng, để đưa ra những quy
luật chung, bao trùm lên những trường hợp riêng.
3- Giới hạn và xác định công việc nghiên cứu của mình.
Ngôn ngữ học, vì vậy, không những chỉ có ích cho sử học, bác ngữ học, và tất cả
những ai phải tiếp cận với vấn đề ngôn ngữ. Hiển nhiên, nó cũng không chỉ là đối
tượng của một số người, bởi nó có khả năng đóng góp vào kiến thức đại cương của
mọi người, vì ngôn ngữ là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống.
Saussure là người đầu tiên xác định ngôn ngữ như một tổ chức có hệ thống. Louis
Hjelmslev
[19]
là người duy nhất nối tiếp và hoàn tất nền ngữ học Saussure, tạo ra

Giải luận học (Glossématique) đào sâu những lập thuyết cơ bản của Saussure, đặc
biệt hai chủ đề chính:
- Tiếng nói là hình thức không phải là bản chất.
- Âm và ý không thể tách rời.
Claude Lévi-Strauss (1908-2009), cha đẻ nhân chủng học cấu trúc ở Pháp, sẽ liên
kết cấu trúc ngôn ngữ với cấu trúc gia đình và cấu trúc xã hội con người.
Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc lại một số quan điểm lưỡng phân ngữ học của
Saussure đã trở thành ngọn đuốc soi sáng cho ngữ học và phê bình văn học trong
thế kỷ XX.

* Saussure chia ngôn ngữ học làm hai phần:
1- Ngữ định học (Linguistique synchronique)
[20]
còn gọi là Ngữ học mô
tả(Linguistique descritive) hay Ngữ tĩnh học (Linguistique statique): Khảo sát
ngôn ngữ trong một giai đoạn ổn định
[21]
.
2- Ngữ biến học (Linguistique diachronique) còn gọi là Ngữ học so sánh hay Ngữ
học đối chiếu (Linguistique comparative) hay Ngữ động học (Linguistique
évolutive): Khảo sát sự biến đổi của ngôn ngữ qua các thời đại.
Và bản thân sự khảo sát ngôn ngữ cũng chia làm hai phần:
1- Ngôn ngữ chức năng (Linguistique fonctionnelle), tìm hiểu tác dụng của ngôn
ngữ.
2- Ngôn ngữ cấu trúc (Linguistique structurale), tìm hiểu cấu trúc của ngôn ngữ.
Bốn nguyên tắc trên trở thành nền tảng của nghiên cứu văn học hiện đại.

* Phân biệt tiếng nói với lời nói:
Nói là một hành động để giao tiếp, Saussure phân biệt:
Lời nói (la parole) là hành động cá nhân, diễn tả tư tưởng ý chí và trí thông minh

của người nói trong quy ước ngôn ngữ mà y lựa chọn.
Tiếng nói (la langue) là hành động cộng đồng. Tiếng nói là một hệ thống ký
hiệu
[22]
để diễn tả tư tưởng, nó có thể so sánh với chữ viết (một hệ thống ký hiệu
khác), với hệ thống mẫu tự của người câm và điếc, và với các loại dấu hiệu khác
nhưng nó quan trọng hơn cả.
Nhiệm vụ của nhà ngữ học là phải xác định xem cái gì đã khiến cho tiếng nói trở
thành một hệ thống đặc biệt trong toàn bộ các hệ thống dấu hiệu khác nhau của đời
sống con người. Tiếng nói hiện diện trong cộng đồng như một tổng thể các dấu vết
của mỗi khối óc cá nhân góp lại, dự trữ như một bộ từ điển được in ra nhiều bản
cho mỗi cá nhân một cuốn để dùng.

* Phân biệt tiếng nói và chữ viết:
Chữ viết (l'écriture) dùng để ghi tiếng nói. Nhưng tiếng nói (la langue) và chữ
viết(l'écriture) là hai hệ thống ký hiệu khác nhau. Có hai loại chữ viết:
- Hệ thống biểu hình (Système idéographique), dùng một thứ ký hiệu (có thể là
hình vẽ) để biểu dương sự vật (như chữ Hán).
- Hệ thống biểu âm (Système phonétique), dùng ký hiệu để ghi lại cái âm phát ra
từ một tiếng (như chữ Pháp, chữ quốc ngữ, vv ).

* Phân biệt người nói và người nghe:
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, Saussure phân biệt hai tác nhân chính trong sự
hình thành ngôn ngữ: người nói và người nghe. Ngôn ngữ chỉ hiện diện và tồn tại
khi có hai thực thể: người nói và người nghe.
Áp dụng vào văn chương, quy ước này sẽ trở thành: tác phẩm chỉ hiện hữu khi
cóngười viết và người đọc. Vai trò của người đọc, trở thành bất khả trong văn học:
Một văn bản viết, nếu chưa có người đọc, chưa phải là cuốn sách. Nó chỉ trở thành
sách khi có người đọc.


* Mổ xẻ động tác nói và nghe:
Để mô tả hành trình cơ bản của tiếng nói, Saussure vẽ một vòng bầu dục kín nối
hai đầu A (người nói) và B (người nghe):
Nếu tiếng nói khởi hành từ A: A là kẻ đã tích lũy trong đầu một số dữ kiện của ý
thức, hay khái niệm (concept); nói khác đi: A có một số ý muốn nói ra; vậy A
phảiliên kết những khái niệm đã có trong đầu này với những hình tượng có âm
hưởng(images acoustiques) tương ứng, để phát biểu, nói khác đi: A phải
tìm tiếng, haylời để nói; "khâu" này, tức là khâu liên kết ý với lời ở trong óc A,
hoàn toàn thuộc địa hạt tâm linh.
Tiếp theo đó: óc A truyền cho cơ quan phát âm lệnh "nói" cái hình tượng (tức
làâm, tiếng hay lời) ấy ra: khâu này thuộc điạ hạt sinh lý.
Khâu thứ ba: những làn sóng truyền âm thanh từ miệng A đến tai B: một hiện
tượng hoàn toàn vật lý.
Tại B, tiến trình ngược lại: hình tượng (âm, lời) mà tai B nhận được sẽ được
chuyển lên óc, là một tiến trình sinh lý. Óc B phải nối kết cái hình tượng (âm, lời)
vừa nhận được ấy, với cái khái niệm (ý) tương ứng, nói khác đi: óc B phải giải
nghiã cái âm vừa nhận được từ A thành ý: một hiện tượng tâm linh.
Và nếu B trả lời A, thì mạch nói lại truyền đi theo con đường cũ
Sự khảo sát vận trình này cho phép ta phân biệt ba yếu tố chính trong tiếng nói: 1-
phần tâm linh (tức là tìm khái niệm và hình tượng, hay là tìm ý và tìm lời); 2-
phầnvật lý (sóng phát âm) và 3- phần sinh lý (việc phát âm và việc nghe).
Một cách cụ thể hơn: Nếu muốn tìm một tiếng để chỉ cái cây, thì trước tiên ta phải
có khái niệm về cây trong đầu, rồi mới phối hợp khái niệm cây với cái hình tượng
có âm hưởng (tức là âm thanh phát ra tiếng cây), và truyền cái âm cây ấy đến tai
người nghe.
Saussure gọi sự phối hợp khái niệm với hình tượng là ký hiệu (signe) gọi cái khái
niệm (concept) là ý hay nghiã (signifié) và cái hình tượng có âm hưởng (image
acoustique) là tiếng hay âm (signifiant).
Trong ngôn ngữ thông thường, người ta trùng hợp ký hiệu với hình tượng.
Tóm lại, theo Saussure, ký hiệu ngôn ngữ không nối kết một sự vật (une chose)

vớitên gọi của nó (son nom) mà nối kết một khái niệm (un concept) với một hình
tượng có âm hưởng (image ascoustique).
Hình tượng này (tức là tiếng nói) không chỉ là một âm thanh cụ thể, thuộc phạm vi
vật chất, mà nó còn mang dấu ấn tâm linh, gánh cảm thức của con người. Bởi vậy,
không cần mở môi, động lưỡi, phát âm, ta cũng vẫn "nói chuyện" được với chính
mình và ta vẫn "đọc" thầm được bài thơ. Vì mỗi tiếng là một hình tượng có âm
hưởng.
Ký hiệu ngôn ngữ chính là sự kết hợp âm thanh với ý tưởng, trong một chuyển
động có tính cách vật lý, sinh lý và tâm linh.
Tư tưởng, tự bản chất, là một mớ hỗn độn, khi muốn nói ra, nó bắt buộc phải rõ
ràng, chính xác, bằng cách tự biến đổi sao cho cái tư tưởng- âm thanh (tức là tiếng
nói) ấy trở thành: một ý ngụ trong một âm, hay một âm trở thành ký hiệu của một
ý.
Vì vậy, tiếng nói có thể ví như một tờ giấy mà mặt trái là âm và mặt phải là ý, hai
thực thể không thể tách rời. Ngữ học nghiên cứu vùng đất mà hai thực
thể âm và ýhòa trộn với nhau để tạo ra một sản phẩm là tiếng nói.
Kết luận: trong tiếng nói không thể tách rời âm và ý. Âm và ý là những thành tố cơ
bản của tiếng nói, có sự gắn bó hữu cơ, như tâm linh và thể xác con người.
Sự khám phá này, sẽ là căn bản cho việc khảo sát thơ và sự sáng tạo các hình ảnh
trong thơ.

* Nhưng trong cách phát biểu, giọng điệu của lời nói cũng đóng một vai trò quan
trọng: ví dụ cùng một tiếng đánh, nhưng chúng mang ý nghiã khác nhau trong
cách phát âm, trong cách đặt câu, trong cá tính của người phát biểu, trong bối cảnh
vây quanh phát biểu
Từ đó, Saussure đưa ra định thức: Tiếng nói nào cũng gồm thâu nội dung và cách
diễn tả (Toute langue est à la fois expression et contenu).
Jakobson chép lại sự kiện một diễn viên Nga kể cho ông: Khi dự thi tuyển lựa tài
tử, một đạo diễn bắt ông phải rút ra 40 tín hiệu khác nhau khi nói hai chữ chiều
nay.

Khám phá của Saussure giải thích sự quan trọng của cách phát âm; của giọng điệu
trong cách viết của nhà văn; cách trình diễn của nghệ sĩ; cách bài bố của đạo diễn.

* Lựa chọn và kết hợp:
Theo Saussure, hành động ngôn ngữ dựa trên hai trục chính: lựa chọn trong những
tiếng đồng chủng loại (paradigme) và kết hợp thành một cú (syntagme).
Ví dụ muốn nói câu: tôi đi học, thì việc đầu tiên là phải lựa chọn ba tiếng: tôi, đi
và học, trong toàn bộ các tiếng đồng chủng loại như (tôi, ta ), (đi, chạy, ), (học,
tập ).
Việc thứ nhì là kết hợp những tiếng đã được chọn theo một quy ước ngôn ngữ đã
chọn (ở đây là cú pháp tiếng Việt), để làm thành câu tôi đi học, chứ không thể
nói:học đi tôi hay học tôi đi
Hai yếu tố căn bản này sẽ là nền tảng cho sự khảo sát ngôn ngữ thơ, một ngôn ngữ
đảo ngược các quy ước, trật tự thông thường của lời nói và văn viết để tạo nên
những lối nói, những hình ảnh đặc dị, khác thường.

* Định thức quan trọng sau cùng, Saussure cho rằng: tiếng nói là hình thức chứ
không phải là bản chất (la langue n'est pas substance, mais forme). Câu này có
nghiã gì?
Ví dụ: lingerie hay humour trong tiếng Pháp, không thể dịch ra tiếng Việt. Nếu
dịch lingerie là quần áo lót, thì chỉ đúng có một phần, bởi lingerie bao gồm tất cả
những "vật dụng phụ tùng" mềm mại và âu yếm bao quanh thân thể người phụ nữ
trong khuê phòng mà "người ngoài" không thể thấy, nó gói trọn nữ tính kín đáo
của người đàn bà. Humour cũng không thể dịch là u mặc hay dỉ dỏm: U mặc có âm
u gợi ý u ám, trái với bản chất của humour, và dí dỏm không nói lên được tính chất
thâm thúy ẩn trong humour. Ngược lại, những tiếng ủa hay khan (như trà khan
giọng tình) trong tiếng Việt, không thể dịch sang tiếng Pháp. Nhưng nếu tiếng nói
là bản chất của thực thể mà nó diễn đạt, thì bất cứ tiếng nào trong tiếng Pháp cũng
có thể dịch ra tiếng Việt và ngược lại.
Nhận xét này đưa đến kết luận: ký hiệu ngôn ngữ của một thứ tiếng chỉ là một hình

thức diễn đạt thực thể, nó không bao trùm lên toàn bộ bản chất của thực thể, nói
khác đi, nó không phải là một chất liệu tiềm ẩn mọi sắc thái của thực thể mà nó
muốn diễn đạt.

Tóm lại những định thức cơ bản trong Giáo trình ngữ học đại cương của Saussure:
- Tiếng nói là hình thức chứ không phải chất liệu.
- Âm (signifiant) và ý (signifié) không thể tách rời.
- Tiếng nói nào cũng gồm thâu nội dung và cách diễn tả.
Áo dụng vào dịch thuật và nghiên cứu văn học sẽ đưa đến những kiến giải bất ngờ.
Thụy Khuê



[1]
Tức Port-Royal-des-Champs, nữ tu viện xây năm 1204, nay còn dấu vết, ở thung lũng La
Cheuveuse, thuộc thị xã Yvelines, phía nam gần Paris.
[2]
Grammaire générale et raisonnée (Văn phạm tổng quát và có suy luận) hay Art de
parler(Nghệ thuật nói) của Antoine Arnauld (1612-1694) và Claude Lancelot (1616-1695),
in năm 1660.
[3]
Logique ou Art de penser (Luận lý hay nghệ thuật suy tưởng) của Antoine Arnauld và
Pierre Nicole (1625-1695), in năm 1662.
[4]
Ferdinand de Saussure (1857-1913), nhà ngữ học Thụy Sĩ, sau khi học và trình luận án ở
Leipzig năm 1880, ông dạy văn phạm so sánh ở Paris rồi Genève. Tại đây, từ 1907 đến 1911,
ông đã có 3 loạt bài giảng, và sau khi ông mất, hai môn sinh của ông, Charles Bally và Albert
Séchehaye thu thập và in thành tác phẩm Cours de linguistique générale (Giáo trình ngữ học
đại cương), lần đầu năm 1916. Đây là cuốn sách cơ bản về ngữ học và Saussure được coi là
cha đẻ của nền ngữ học hiện đại.

[5]
Fredinand de Saussure, Cours de linguistique générale, Bibliothèque scientifique Payot,
1972, Paris, trang 13.
[6]
Sách Giáo trình ngữ học đại cương ghi Friedrich August Wolf, năm 1777, đã mở đầu cho
môn bác ngữ học này. Nhưng năm đó, Wolf mới 18 tuổi, chưa có công trình gì. Các học trò
khác của Saussure, có người ghi: "F. A. Wolf, năm 1777, lúc còn là sinh viên, đã mong được
gọi là nhà bác ngữ học". Thực ra, trong đơn xin vào đại học Gottingen, Wolf ghi tên học
banphilologie nhưng ông khoa trưởng từ chối vì chưa có "ban" này, ông sửa lại theo tên
truyền thống théologie (thần học). Nhưng Wolf cứng đầu, cứ tiếp tục tranh đấu và cuối cùng
mônphilologie được đưa vào danh sách của đại học. Saussure dựa vào chi tiết này để xác
định sự hiện diện của môn bác ngữ học từ năm 1777, nhờ Wolf. (Cours de linguistique
générale, chú thích số 23, trang 410).
[7]
Phạn là tiếng Ần độ cổ, có nguồn gốc từ tiếng nói của người Aryens (Aryens trong tiếng
phạn có nghiã là Quý tộc), giòng giống này nguồn gốc Ần-Âu, từ thế kỷ 18 trước Tây lịch, đã
chinh phục vùng Iran và miền bắc Ấn Độ. Tiếng nói của họ là tổ tiên của tiếng phạn(sanscrit)
và tiếng pali.
[8]
Franz Bopp (1791-1867), nhà ngữ học Đức, tác giả cuốn Vergleichende Grammatik des
Sanskrit, Send, Arménischen, Griechischen, Lateinischen, Altslavischen und
Deutschen(Grammaire comparée des langues Indo-européennes- Văn phạm so sánh những
tiếng Ấn-Âu) (1833-1852), tác phẩm này được coi là nguồn gốc của ngữ học so sánh.
[9]
Nhật Nhĩ Man (Germanie) là vùng nước Đức xưa (chúng tôi dùng Nhật Nhĩ Man để phân
biệt với Đức bây giờ). Tiếng Nhật Nhĩ Man là nguồn gốc của tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng
Hoà Lan, tiếng Frisesland (quần đảo ở Bắc hải thuộc Hoà Lan và Đức), và các tiếng Bắc Âu.
[10]
Jacob Grimn (1785-1863), tác giả bộ sách đồ sộ Deutsche grammatik (Văn phạm Nhật Nhĩ
Man), được coi là người xây dựng nền móng bác ngữ học Đức. Em ông, Wilhelm G. Grimn

(1786- 1859) đã cùng anh sưu tầm truyện thần thoại Nhật Nhĩ Man in trong Contes d'enfants
et du foyer (Truyện thần thoại của trẻ con và gia đình).
[11]
Max Muller (1823-1900), học trò Bopp, tác giả Lectures on the Science of
Language(Lecon de langage- Bài học về khoa ngôn ngữ), 1861.
[12]
Georg Curtius (1820-1885), thày Saussure, tác giả cuốn sách cơ bản Grundzuge der
griechischen Etymologie (Principes d'étymologie grecque - Những nguyên tắc từ nguyên Hy
Lạp), 1879, người đã có công làm cho những nhà bác ngữ học cổ điển chấp nhận ngữ học so
sánh.
[13]
August Schleicher (1821-1862), chuyên về văn phạm so sánh, người đầu tiên muốn tái
thiết ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy, tác giả cuốn Compendium der vergleichenden
Grammatik der indogermanischen Sprachen (Abrégé de grammaire comparée des langues
indo-germaniques - Yếu lược văn phạm so sánh những tiếng Ấn-Nhật Nhĩ Man), 1861.
[14]
Langues romanes là những tiếng có nguồn gốc từ tiếng La-tinh, gồm tiếng Pháp, Ý, Tây
Ban Nha, Bồ Đào Nha, Lỗ Ma Ni (Roumainie), Sardaigne, Occitan (là những thổ âm ở miền
Nam nước Pháp thời trung cổ, gồm các vùng Limousin, Auvergne, Gascogne, Laguedoc,
Provence) và Catalan (tiếng romane nói ở các vùng Catalogne, quần đảo Baléares, và vùng
Roussillon, cực nam nước Pháp).
[15]
Friedrich Christian Diez (1794-1876), tác giả bộ sách Grammatik der romanischen
Sprachen (Grammaire des langues romanes - Văn Phạm những tiếng gốc La tinh) viết từ
1836 đến 1843, là người xây dựng nền móng của ngành ngữ học Romane (các tiếng Pháp,
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ). Sausure coi ngữ học Romane và ngữ học Nhật Nhĩ Man (tiếng
Anh, Đức, Hoà Lan ) là hai khu vực sắc bén của ngữ học.
[16]
Tân văn phạm, tiếng Đức là Junggrammatiker; tiếng Pháp là Néogrammairiens.
[17]

Tiếng Slave là nguồn gốc các tiếng Nga, Serbe, Croate, Lituanien, Tchèque, Polonais
[18]
Tiếng Đức chữ Sprache có nghĩa là tiếng và ngôn ngữ; tiếng Pháp phân biệt langue và
langage. Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê dịch langue là tộc ngữ, chúng tôi
dịchlangue là tiếng (như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt) để phân biệt với langage là ngôn
ngữ, bao trùm nhiều thứ tiếng, và dành chữ tộc ngữ để dịch famille de langues, chỉ một họ
ngôn ngữ có chung một mẹ (nguồn).
[19]
Louis Hjelmslev (1899- 1965), nhà ngữ học Đan Mạch.
[20]
Chúng tôi dùng cách dịch của Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê: Lingustique
synchronique là Ngữ định học và Linguistique diachronique là Ngữ biến học, trong
cuốnKhảo luận về ngữ pháp Việt Nam (trang 22).
[21]
Khoảng thời gian này không nhất thiết là ngắn hay dài: Có khi chỉ trong vài năm, ngôn ngữ
đã có những thay đổi đáng kể, có khi cả hàng chục có khi hàng trăm năm, ngôn ngữ vẫn
không mấy thay đổi.
[22]
Signe, tiếng Pháp, từ tiếng La tinh Signum, chỉ các hình thái diễn tả; chúng tôi dịch là Ký
hiệu, trong phạm vi ngữ học và Dấu hiệu, khi muốn mở rộng đến các lãnh vực ngoài ngôn
ngữ.


© Copyright Thụy Khuê 2005, 2012


Thụy Khuê
Phê bình văn học thế kỷ XX

Chương 3


Thi học Aristote

Aristote sinh năm 384 trước Tây lịch
[1]
tại Stagire
[2]
, miền nam Macédoine
[3]
gần
núi Athos. Mẹ: Phestias. Cha, Nicomaque, là bạn và thầy thuốc của vua
Macédoine. Năm 367, Aristote rời Stagire đi Athènes. Từ 365 đến 347 ông là môn
sinh của Platon tại Hàn Lâm Viện và trở thành học trò nổi tiếng nhất của Platon.
Aristote có giọng nói nhỏ nhẹ, chân yếu và mắt nhỏ, luôn luôn ăn mặc kiểu cách,
đeo vòng và cạo râu nhẵn nhụi.
Năm 347, Platon qua đời. Aristote rời Athènes. Vì không đợi thày từ trần mà đi
trước, nên Platon có lời oán trách, coi Aristote như "con cừu non, vừa sinh ra, đã
tìm đường chống mẹ". Aristote sang Atarnée
[4]
, phò Hermias và ở lại 3 năm (từ
346 đến 343). Khoảng 345, ông cưới Pythias, cháu gái (?) Hermias, sinh hai con,
một gái, một trai; và nàng hầu Herpyllis cũng sinh một trai đặt tên là Nicomaque.
Năm 343, Aristote rời Atarnée cùng với môn sinh Théophraste về Lesbos
[5]
tức
Mytilène quê của Théophraste. Năm sau, ông trở lại Macédoine, được vua Philippe
II vời làm thầy dạy Alexandre, lúc đó 14 tuổi. Ông vận động Philippe II xây dựng
lại Stagire, quê hương ông đã bị nhà vua tàn phá, và chính Aristote thiết lập luật lệ
cho dân chúng.
Năm 338, Philippe II đại thắng quân Athènes và quân Thèbes tại trận Chéronée

[6]
.
Athènes mất chủ quyền. Hai năm sau, 336, Philippe II bị ám sát. Alexandre lên
ngôi, sau trở thành đại đế
[7]
. Năm 335, xét thấy đã làm xong bổn phận với vua mới,
Aristote tiến cử cháu mình là Callisthène với Alexandre -một người trực tính hay
chỉ trích và coi thường mệnh lệnh của nhà vua- rồi về Athènes mở Ecole du Lycée,
dạy học trong 13 năm (335-323).
Năm 327, Callisthène tham dự vào một cuộc đảo chính, bị Alexandre bắt giam
trong cũi sắt bêu một thời gian, để cho bẩn thỉu và dòi bọ xâu xé, rồi ném cho sư
tử.
Tháng 6 năm 323, Alexandre chết. Làn sóng chống Macédoine nổi dậy ở Athènes.
Mùa hè năm 323, Aristote bị buộc tội "nghịch đạo". Ông lui về ở ẩn tại Calchis,
quê mẹ. Théophraste thay thầy làm hiệu trưởng Ecole du Lycée.
323/322 Aristote qua đời tại Calchis.

*

Aristote dạy học bằng cách nói chuyện với học trò trên một chủ đề đã định, cùng
lúc dạy họ phương pháp hùng biện (rhétorique). Những lời đối thoại của ông đối
với môn sinh được truyền lại như những lời Tử nói, Tử viết.
Theo Diogène Laërce
[8]
, toàn bộ tác phẩm của Aristote, gồm bốn trăm bốn mươi
lăm ngàn hai trăm bẩy mươi dòng. Chủ thuyết giảng dạy của ông dựa trên căn bản:
Triết học gồm hai phần: lý thuyết và thực hành. Phần thực hành lại chia đôi: đạo
đức và chính trị. Phần lý thuyết cũng chia hai: vật lý và luận lý với hai mục đích:
thuyết phục và tìm sự thực. Dùng chứng biện (dialectique) và hùng
biện(rhétorique) như lợi khí để thuyết phục và dùng sự phân tích và triết học để

khám phá sự thực. Aristote đưa ra những Thông cứ (Les Topiques d'Aristote)
[9]
tức
những luận điểm đi sát vấn đề và những khảo luận về phương pháp luận, thực sự là
những kho kiến luận lợi hại giúp người đọc rút ra những lập luận vững chắc để
thuyết phục bất cứ vấn đề gì
[10]
.
Tác phẩm của Aristote chia làm hai phần:
Loạt sách khảo luận, được gọi là công truyền (exotérique) bao gồm: biện chứng
pháp, vạn vật học, hay khoa học, tương đối dễ đọc, dành cho quần chúng ngoại
đạo, có thể từ từ bước vào những tiếp cận chính xác và nghiêm chỉnh về một hiện
tượng.
Loạt sách khảo luận bí truyền (ésotérique), dành riêng cho môn sinh, là những
người có thể hiểu được lời giảng của thầy đến nơi đến chốn.
Theo Aulu-Gelle
[11]
, lớp sáng, dành cho giáo trình bí truyền và lớp chiều dành cho
giáo trình công truyền.
Aristote chỉ cho in những sách công truyền, phần lớn dưới dạng đối thoại, nhưng
tất cả đều bị thất lạc. Riêng phần giáo trình bí truyền, được giữ dưới dạng ghi
chép, chú giải (notes).
Khi ông mất, toàn bộ gia tài đồ sộ này về tay đệ nhật môn sinh Théophraste (372-
287), nhưng người học trò trung thành này cũng không in được các bài giảng của
thầy. Khi Théophraste từ trần, tất cả tư liệu được cất giấu trong một cái hầm để
tránh sự săn lùng bản thảo của vua Pergame
[12]
; và chỉ được khai quật lại vào đầu
thế kỷ thứ I (hay cuối thế kỷ II) trong tình trạng hết sức tồi tệ. Từ đó người ta mới
bắt đầu chép lại sách của Aristote, nhưng số lượng quá nhiều, làm không xuể, nhà

xuất bản nản chí, và cuối cùng chỉ chép lại phần bí truyền, phải bỏ phần công
truyền, vì thấy không sâu sắc, do đó phần này bị mất hẳn.
Sylla (138-78), vị thống lãnh La Mã đã chủ lệnh xuất bản, chăm sóc kỹ càng bộ
sách khảo luận của Aristote, nhờ vậy mà những khảo luận lớn của Aristote được
tồn tại đến ngày nay như Luận lý toàn thư (Orgagnon), Chính trị học (La
Politique), Vạn vật học (L'histoire des animaux), vv

*

Tác phẩm Poétique được truyền đến bây giờ trong một tình trạng thiếu sót và lộn
xộn, thuộc địa hạt bí truyền. Dường như chưa bao giờ tác giả dàn dựng lại, bởi nó
còn ở dạng những mảnh vụn, với những câu tỉnh lược, những lời bàn rộng, những
liệt kê khó đoán, những chỗ mâu thuẫn, có chỗ cú pháp dị kỳ, có lẽ Aristote chưa
hề đọc lại
Bỏ qua khổ nạn của những nhà dịch thuật và chú giải Aristote, chúng ta đi thẳng
vào những điểm chính mà Aristote, người thày đầu tiên của thi học đã để lại cho
hậu thế, đặc biệt trong lãnh vực ngữ học và phê bình văn học.
Được viết với chủ đích đưa ra những khuôn vàng thước ngọc cho nhà văn nhà thơ
dựa vào để sáng tác một bi tráng kịch, một anh hùng ca, tương tự như
cuốnRhétorique (Thuật hùng biện) Aristote đề nghị những luật vàng để viết một
bài diễn thuyết; Thi học còn đóng một vai trò khác: điều tra nguồn cội nghệ thuật
và trình bày những nền móng cơ bản để khảo sát cấu trúc thơ văn.

Nghệ thuật bắt nguồn từ sự bắt chước, trình bày và trình diễn

Trong Thi học, Aristote coi Mimèsis như nguồn cội của các ngành nghệ thuật, tuy
nhiên ông không định nghĩa rõ ràng thế nào là Mimèsis.
Chữ Mimèsis, dường như được dùng lần đầu bởi những người theo trường phái
Pythagore (thế kỷ VI trước Tây lịch), để chỉ âm nhạc và vũ điệu, và nó còn có liên
hệ từ nguyên với chữ mimoi, chỉ nghệ thuật tuồng câm. Vậy từ nguyên

thuỷ,Mimèsis đã gắn bó với nghệ thuật trình diễn
[13]
.
Dịch giả Pháp chia làm hai trường phái: một phái dịch là Imitation (bắt chước),
một phái dịch là Représentation (trình bày, trình diễn). Trong Thi học, Aristote
dùng cả ba nghiã: bắt chước, trình bày và trình diễn nhưng đặt trọng tâm trên sự
bắt chước. Erich Auerbach, nhà phê bình lớn của Đức trong thế kỷ XX,
dùngMimèsis làm tên bộ sách phê bình đồ sộ của ông với tiểu đề: Sự trình bầy thực
tế trong văn chương Tây phương.

Điểm đầu tiên, Aristote xác định: nghệ thuật bắt nguồn từ sự bắt chước.
Từ tuổi thơ ấu, con người đã biết và thích bắt chước. Khả năng bắt chước phân biệt
con người với muôn loài và nhờ đó mà ngôn ngữ nẩy sinh. Toàn bộ nghệ thuật thi
ca, từ nguồn cội, dường như có hai nguyên do tự nhiên:
1- Bắt chước, là khuynh hướng tự nhiên đầu tiên của con người, từ tuổi thơ.
Theo Aristote, anh hùng ca, bi ca, hài ca, tụng ca, và nghệ thuật trình diễn của
những nhạc công
[14]
đều là bắt chước. Nhưng họ bắt chước theo ba cách khác
nhau:
Một là, dùng các phương tiện khác nhau. Hai là, nhắm các đối tượng khác nhau.
Ba là, dùng những lối bắt chước khác nhau
[15]
.
Ví dụ: họa sĩ dùng mầu và nét để vẽ (bắt chước) đối tượng. Diễn viên dùng tiếng
nói và cử chỉ để bắt chước đối tượng. Nhạc công dùng âm giai và nhịp điệu để bắt
chước đối tượng. Vũ công dùng vũ điệu để bắt chước tình tình, cảm xúc và hành
động của đối tượng.

2- Trình bày là khuynh hướng tự nhiên thứ nhì. Ví dụ: Đối với những đối tượng

quá phũ phàng như xác chết, chúng ta thích xem những hình ảnh, hình
tượng(image) trình bày lại đối tượng ấy, hơn là nhìn bằng mắt thật. Bởi
những hình ảnh, hình tượng này không những mang lại những kiến thức đầy đủ về
đối tượng, mà còn là một toàn thể hoàn tất về đối tượng. Nói khác đi, chúng ta
thích nhìn tranh họa sĩ vẽ cảnh chiến tranh hơn là nhìn cảnh thực những xác người.
Chúng ta thích đọc tiểu thuyết, xem phim chiến tranh hơn là nhìn thấy tận mắt
cảnh đẫm máu sa trường. Nguyên tắc Mimèsis là sự chuyển thể thực tế sang các
mô hình nghệ thuậtcủa Aristote sẽ trở thành biểu thức bao trùm lên tất cả mọi định
nghĩa các loại hình nghệ thuật.

Vậy bắt chước và trình bày là hai động tác căn bản của sáng tác:
Anh hùng ca (épopée) là bắt chước những mẫu người cao cả. Bi tráng kịch
(tragédie) là bắt chước những hành động cao cả và kịch (comédie) là bắt chước
những mẫu người tầm thường. Nhưng muốn đạt đến nghệ thuật thì điều kiện hiển
nhiên là tất cả những hình thái "bắt chước" này đều phải là một toàn thể hoàn
chỉnh và có tầm vóc phổ quát
[16]
.
Theo Aristote, sự khác biệt giữa một sử gia và một nhà thơ, không phải là sử gia
viết văn xuôi và thi sĩ làm thơ, mà là sử gia viết những gì đã xẩy ra còn nhà thơ
viết những gì mà ta chờ đợi. Vì vậy, thi ca chứa đựng triết lý và cao cả hơn sử học,
vì nhà thơ nói cái chung, cái phổ quát còn sử gia nói cái riêng
[17]
.


Tạo kinh ngạc

Chủ đích bắt chước trong nghệ thuật, không chỉ là mô tả một tình huống, một hành
động cho tới cùng, tới hết, để hình thành một toàn thể hoàn chỉnh; nhưng còn phải

tạo ra những diễn biến thế nào để kích thích sự sợ hãi và sự thương cảm của khán,
thính và độc giả. Tác giả bi kịch phải đạt đến một trình độ nghệ thuật nào đó, khiến
cho, ta chỉ cần nghe tuồng Oedipe không thôi, chưa xem trình diễn, mà đã đẫm
cảm, đã nổi da gà. Những cảm giác này chỉ có thể xuất hiện khi diễn biến xẩy
ratrái với chờ đợi của chúng ta, và nếu nó lại đến một cách tự nhiên hoạc tình cờ
mà lại như cố ý, thì sự kinh ngạc càng lớn: Ví dụ trường hợp bức tượng của Mitys
ở Argos giết kẻ là thủ phạm cái chết của Mitys bằng cách rơi xuống kẻ đó đúng
lúc y đang coi hát
[18]
.
Yếu tố gây kinh ngạc của Aristote, sẽ là một trong những giá trị nền tảng của tác
phẩm nghệ thuật, và sẽ được áp dụng triệt để trong phim, truyện trinh thám.


Ẩn dụ là một trong những thủ pháp chính của nghệ thuật

Để tạo "ấn tượng" sâu xa trong lòng người xem người đọc, ngoài thủ pháp gây
kinh ngạc, còn có thủ pháp thư nhì: dùng ẩn dụ.
Ðịnh nghĩa xa xôi và sâu xa nhất về ẩn dụ, vẫn đến từ Aristote: "Ẩn dụ là sự
chuyển đạt cho một vật cái tên để chỉ vật khác, cách chuyển đạt này có thể đi từ
loại sang thể loại, từ thể loại sang loại, từ thể loại sang thể loại, hoặc theo mối
tương quan tương đồng"
[19]
.
Aristote giải thích như sau: Khi nói, từ loại sang thể loại có nghiã là tôi nói: "đây
thuyền tôi dừng lại" vì ở đây thả neo cũng là dừng lại.
Hoạc từ thể loại sang loại, như câu: "Ulysse đã hoàn tất mười ngàn công
trạng" thìmười ngàn ở đây có nghiã là nhiều lắm.
Hoặc từ thể loại sang thể loại, như câu: "sự sắt đá đã hủy hoại đời nó" và câu "nó
đã cắt đứt sự bền gan sắt đá", là bởi vì trong cả hai câu trên, chữ hủy hoại trong

câu thứ nhất cũng có nghiã là cắt đứt, và chữ cắt đứt trong câu thứ hai cũng có
nghiã là hủy hoại, và cả hai trưòng hợp đều có nghiã là lấy đi.
Hoặc mối tương quan giữa tuổi già với cuộc đời cũng giống như mối tương quan
của buổi chiều với một ngày, vì vậy, Empédocle
[20]
nói: "buổi chiều của cuộc
đời" hay "hoàng hôn của cuộc đời".
Trên đây, Aristote đã định nghiã ẩn dụ trong nghiã rộng nhất. Có thể nói ẩn dụ thời
Aristote đồng nghiã với tu từ. Sau này, người ta chia ra nhiều phép tu từ khác
nhau:
Ẩn dụ (métaphore) là sự thay thế hai yếu tố giống nhau: như hoàng hôn với tuổi
già.
Hoán dụ (métonymie) là sự thay thế, dựa trên những tương quan: nhân và quả;
bình chứa và cái được chứa trong bình; ký hiệu và vật chỉ định; một phần và toàn
thể, vv như má hồng với người phụ nữ.
Đề dụ (synecdocque) là tương quan nội tại giữa chữ và nghiã, ví dụ: trong chữ sắt
đá đã ẩn nghiã cắt đứt
Tóm lại, các loại ẩn dụ giúp ngôn ngữ thoát ra khỏi sự tầm thường, đem cái lạ vào
ngôn ngữ, tạo hình ảnh và đồng thời đem đến cho ngôn ngữ một chiều sâu mới.


Lạ hoá ngôn ngữ

Aristote viết: "Giá trị của phát biểu nằm ở chỗ sáng sủa mà không bằng phẳng, vô
vị. Cách phát biểu sáng sủa nhất là dùng các từ thông dụng, nhưng nó lại tầm
thường, nhạt nhẽo, ví dụ như thơ của Cléophon hay Sthénélos
[21]
. Muốn thoát khỏi
sự tầm thường nhạt nhẽo, để tiến đến cách diễn đạt cao quý, thì phải dùng các từ
lạ (termes étranges). Bằng chữ "từ lạ" tôi muốn nói đến những từ hiếm, như một

ẩn dụ, một chữ biến đổi, hay tất cả những gì thoát ra khỏi lối nói thông thường.
Nhưng nếu một văn bản chỉ toàn những từ như vậy, sẽ bí hiểm, hoặc xí xa xí xố
như tiếng ngoại quốc: Bí hiểm nếu nó chỉ có ẩn dụ, và xí xa xí xố nếu chỉ có những
từ hiếm
[22]
. Vậy phải trộn cả hai yếu tố: những ẩn dụ, những lời hoa mỹ, hoặc
những lối tu từ, giúp ta tránh khỏi sự tầm thường, nhạt nhẽo, trong khi những
tiếng thông dụng hàng ngày giúp cho lời văn sáng sủa"
[23]
.

Tất cả những nguyên tắc Aristote dùng trong quy phạm giáo trình dạy học trò
"sáng tác" anh hùng ca, bi tráng kịch và kịch, sẽ trở thành những nguyên tắc cho
sáng tác nói chung, và các triết gia, các nhà ngữ học, nhà phê bình đời sau đều ít
nhiều dựa vào, đào sâu và mở rộng thành những lý thuyết văn học.
Thụy Khuê


[1]
Những năm tháng ghi trong chương này đều là trước Tây lịch.
[2]
Nay là Stavro, thành phố thuộc Hy Lạp cổ đại, trên bờ biển Égée.
[3]
Vùng đất lịch sử thuộc bán đảo Balkans, chủ yếu đồi núi, mở xuống các vịnh, lớn nhất là
Vardar. Macédoine thuộc địa phận các nước Bulgarie, Hy Lạp và Yougoslavie ngày nay.
[4]
Xứ Atarnée thuộc vùng tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
[5]
Lesbos hay Mytilène, đảo Hy Lạp trên biển Egée, gần Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Alcée và
Sappho là ba kinh đô của thơ trữ tình (poésie lyrique, nguyên thuỷ là thơ được hát theo đàn

lyre, tức ly cầm).
[6]
Chéronée, thành phố gần Thèbes.
[7]
Alexandre (356-323) tức Alexandre đại đế (336-323), vua Macédoine, bình định Hy lạp,
chiếm Ai cập, xây hải cảng Alexandrie, chiếm Babylone, đánh Ba Tư, đốt Persépolis, đánh
sang Ấn Độ. Quân đội kiệt quê, Alexandre trở về Babylone tổ chức lại định chế, nhưng chết
ở Babylone.
[8]
Diogène Laërce, nhà văn Hy Lạp thế kỷ III sau Tây lịch, viết về các trường phái triết học
và chân dung văn học thời cổ đại, miêu tả và trích dẫn nhiều tác phẩm nay không còn dấu
vết.
[9]
Thông cứ (Topique) hay luận cứ thích đương là luận điểm đi sát vào vấn đề.
[10]
Theo trích đoạn cuốn Vie d'Aristote (Đời Aristote) của Diogène Laërce, in trong bản
dịchPoétique (Thi học) của Michel Magnien, Poche, 1990, trang 5-17.
[11]
Aulu-Gelle là tiểu luận gia La tinh, thế kỷ II, sau Tây lịch.
[12]
Pergame, thành phố ở Mysie, vùng Tiểu Á, bị Hy Lạp đô hộ. Từ 282 đến 133, Pergame là
kinh đô của triều đại Attalides và là một trong những trung tâm văn hoá Hy lạp, nổi tiếng với
Thư viện Pergame, gần 200.000 cuốn sách.
[13]
Introduction, Poétique, do Michel Magnien dịch và chú giải, Livre de Poche, 1990, trang
30.
[14]
Aristote muốn nói đến những người thổi sáo, đánh đàn cithare (thể hoàn chỉnh của đàn
lyre), ta dịch là thất huyền hay lục huyền.
[15]

Aristote, Poétique, Michel Magnien dịch và chú giải, Livre de Poche, 1990, trang 101-102.
[16]
Aristote, Poétique, trang 114.
[17]
Aristote, Poétique, trang 117.
[18]
Truyện này không biết chép ở đâu, Plutarque cũng viết như thế, Poétique, trang 118.
[19]
"La métaphore est le transport à une chose d'un nom qui en désigne une autre, transport
ou du genre à l'espèce, ou de l'espèce au genre, ou de l'espèce à l'espèce ou d'après le
rapport d'analogie" (Poétique, bản dịch của Michel Magnien, trang 139).
[20]
Empédocle, triết gia Hy Lạp, thế kỷ V trước Tây lịch, gieo mình vào miệng núi lửa Etna.
[21]
Hai người này chỉ thấy tên do Aristote nhắc đến.
[22]
Từ hiếm (nom rare) đối với Aristote là những chữ nhà thơ tạo ra, hoặc những chữ được kéo
dài hay rút gọn lại (trong các thứ tiếng đa âm). Đối với những tiếng độc âm như tiếng Việt,
thủ pháp này tương đương với phép khuếch tán hoặc tỉnh lược.
[23]
Poétique, bản dịch của Michel Magnien, trang 142.

© Copyright Thụy Khuê 2005, 2012


Thụy Khuê
Phê bình văn học thế kỷ XX

×