Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

TIỂU LUẬN PHẢN TIẾP NHẬN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (169.41 KB, 18 trang )

TIỂU LUẬN : PHẢN TIẾP NHẬN TRONG ĐỔI MỚI
LÝ LUẬN VĂN CHƯƠNG
A.ĐẶT VẤN ĐỀ
Vấn đề tiếp nhận tác phẩm không chỉ là mối quan tâm của lí luận văn
học mà còn là đối tượng của rất nhiều khoa học nghiên cứu văn học Nếu như
vai trò sáng tạo của nhà văn được coi trọng thì vai trò của người đọc, bản
chất của quá trình tiếp nhận văn học cũng được coi trọng.Lấy mối quan hệ
tác giả - tác phẩm - bạn đọc làm căn cứ, xưa nay có nhiều ý kiến khác nhau
về yếu tố trung tâm của hoạt động văn học.
Nói đến văn chương là nói đến những đặc tính làm nên bản chất
của văn chương.Văn chương không giống như các hiện tượng khác, mà phải
đi tìm cái riêng biệt của văn chương đó là sức sống, sự sống trong văn
chương. Lí luận đổi mới phải coi “tác phẩm văn chương như một sinh thể
tinh thần” như một sự sống phức tạp nhất và cũng kì diệu nhất Vì vậy tác
phẩm văn chương được tiếp nhận cảm nhận khác nhau .Phản tiếp nhận được
coi là một hình thức đặc biệt của tiếp nhận vì tác phẩm văn chương cũng
như một con người có những đặc tính sau:
1. Tính cá biệt: Không có tác phẩm thứ hai cũng giống như con
người không ai giống ai.
2. Tính cảm tính: Tác phẩm văn chương là con chữ nhưng phải
hồi tưởng, tái hiện, sống với nó trong tâm tưởng cụ thể như
con người thật hiện lên.
3. Tính sinh động: Vì cảm tính nên hết sức sống động, nhân vật
văn chương cũng thế.
4. Một chỉnh thể hữu cơ: Tác phẩm văn chương gồm nhiều bộ
phận tạo nên, nó không tách rời.
5. Giàu cảm xúc:Khi đọc tác phẩm văn chương, nó tác động
trực tiếp lên tình cảm của chúng ta.
6. Tính hữu hạn: Giống như con người, tác phẩm văn chương
cũng tồn tại hữu hạn.Tác phẩm văn chương bị điều kiện hóa
bởi hoàn cảnh


7. Tính tự do: sáng tạo là tự do. Ý nghĩa của tác phẳm văn
chương không chỉ vốn có trong tác phẩm mà còn tùy thuộc
vào người tiếp nhận.
Trước đây, có một quan niệm đã trở thành quán tính trong nghiên cứu
phê bình: lấy tác giả cùng cá tính sáng tạo làm trung tâm. Lí luận văn học
khi đi vào luận giải bản chất của văn học chỉ tập trung nghiên cứu quá trình
sáng tác của nhà văn và tác phẩm; văn học sử khi đi vào lí giải quy luật phát
triển của văn học cũng chỉ mô tả sự ra đời và phát triển của các thể loại, thể
loại gắn với tên tuổi và tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Nó xem nhẹ vai
trò của bạn đọc và quá trình tiếp nhận.
Tác phẩm văn chương - sản phẩm của chủ thể sáng tạo trở thành đối
tượng thưởng thức - cảm thụ của chủ thể tiếp nhận. Sự tiếp nhận khác nhau
của mỗi chủ thể tiếp nhận về một tác phẩm là một thực tế đã diễn ra trong
tiến trình phát triển của lịch sử văn chương các nước trên thế giới. Nên từ
đó, mới có hiện tượng “Họ đã làm chết đi những người đang sống và làm
sống lại những kẻ đã chết” (Vinhi)
Tác phẩm văn chương mang tính đa nghĩa, mỗi người đứng ở góc độ
khác nhau để khám phá, phát hiện những điểm khác nhau. Do vậy sẽ tạo ra
chân trời tự do cho việc tiếp nhận.
Ngoài ra, tác phẩm văn chương không phải là sản phẩm cố định mà là
một quá trình, một sự đi tìm, một sự khám phá chứ không phải là sự minh
họa cho một kết luận có sẵn. Chính vì vậy sẽ tạo cơ hội cho những lý giải,
những tiếp nối, những kết luận khác nhau.
Như vậy, lí luận văn học cần nghiên cứu một “chỗ trống”. “Chỗ
trống” đó là người đọc - người tiếp nhận văn học. Theo em , đổi mới lý luận
là phải chú ý đến vai trò của người đọc trong vấn đề phản tiếp nhận. Đó là lý
do em chọn đề tài.
B. NỘI DUNG
I. Phản tiếp nhận được đặt ra trong quá trình đổi mới lí luận là
một vấn đề tất yếu

Thế kỉ XX là thế kỉ bùng nổ tri thức, các ngành khoa học đều phát
triển siêu tốc đồng thời cũng có những biến động xã hội to lớn ảnh hưởng
đến những quan niệm về vũ trụ và nhân sinh.Công chúng văn học cũng có
sự thay đổi. Công chúng văn học rất đa dạng có nhiều loại người đọc như:
người đọc tiềm ẩn, người đọc mạo danh, người đọc hư cấu, người đọc ý
hướng với những tầm đón và phản ứng thẩm mĩ khác nhau. Vì vậy đối với
những loại người đọc này thì họ đọc văn chương như thế nào? Tác phẩm văn
chương được ví như một sinh thể sống động cũng như con người nên tác
phẩm ngoài ý nghĩa vốn có, còn có những ý nghĩa người đọc gán cho , tùy
từng hoàn cảnh thời đại, xã hội, từng giai tầng khác nhau.
Đọc văn chương là vấn đề đang được đặt ra.Trên thế giới lúc nào cũng
có hàng triệu người đọc văn chương. Mỗi người có trình độ, vốn sống, kiến
thức, sự hiểu biết, năng lực cảm thụ …khác nhau nên tiếp nhận khác nhau
trong đó có cả phản tiếp nhận.
Khi Hoài Thanh coi trọng vai trò của người đọc, đó là điều thật sự
mới mẻ. Đổi mới là đa dạng hóa văn chương.Trước đây lí luận văn chương
chì tâp trung vào nhà văn, tâm lý, quá trình sáng tác của nhà văn. Một thời
gian, lý luận văn học tập trung vào tác phẩm. Sau này nó chuyển thành văn
bản của tác phẩm, dồn trọng tâm vào người đọc, sự đọc. Trước kia văn học
phục vụ chính trị, ý thức hệ quyết định tất cả.Bây giờ văn chương phải tác
động và thỏa mãn người đọc và người đọc tác động lại văn chương.Theo cái
nhìn hiện đại, phản tiếp nhận là khắng khít với tiếp nhận.Theo tinh thần mới,
tiếp nhận văn chương là việc tạo lập mối quan hệ giữa nhà văn tác phẩm với
người tiếp nhận ở dạng bình thường nhất phải khơi gợi những gì gắn bó với
thế giới bình thường với tư cách bình thường của con người.Con người đến
với văn chương là con người đa diện: Không chỉ có lý trí mà còn có tình
cảm, con người hành động, con người tâm linh, con người giai cấp, con
người nhân loại.Không chỉ con người bình thường đa diện mà còn ở tính
chất phổ biến của con người.
Xét trên mối quan hệ giữa nhà văn – văn bản – bạn đọc, ta thấy:

Nhà văn: người sáng tạo ra văn bản thực hiện quá trình kí mã .Ý đồ
nghệ thuật, cách lí giải của nhà văn về văn bản chỉ là một khả năng hiểu văn
bản.
Bạn đọc: người tiếp nhận văn học thực hiện quá trình giải mã.
Văn bản: là một bộ mã, có thể chấp nhận nhiều cách giải khác nhau
nhưng phải phù hợp với các mã đã được nhà văn .
Tuy nhiên, theo quan niệm của J.Paul. Sartre “Tác phẩm văn học như
con quay kì lạ, chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho nó xuất
hiện, cần phải có một hoạt động cụ thể là sự đọc. Và tác phẩm văn học chỉ
kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ còn là
những vệt đen trên giấy trắng”.
Vậy đọc văn chương là phát hiện và sáng tạo. Phải tiếp nhận được từ
đó mới có cách cảm cách hiểu cách đánh giá về tác phẩm văn chương và
sáng tạo ra thế giới của riêng mình, theo hiểu biết của mình.Mỗi người có tư
duy, quan niệm khác nhau, cách đọc văn chương cũng khác nhau. Có người
thấy một câu thơ hay, đầy thấm thía và ý nghĩa, có người dửng dưng.
Theo cái nhìn hiện đại, phản tiếp nhận liên hệ khắng khít với tiếp
nhận.Văn chương là chuyển hóa từ “cái được biểu đạt” thành “cái biểu đạt”
phải đọc được những cái biểu đạt nó khơi gợi nên.
Với tư cách là nghệ thuật ngôn từ, lại kết tinh đậm đặc tính chất tu từ
cho nên đọc văn không phải là sử dụng thành phần ngôn ngữ mà bản thân
văn bản cung cấp cho mà là giải cấu trúc văn bản vốn có .
Thông thường, quá trình tiếp nhận bao giờ cũng xuyên thấm những
quan niện về chính trị, xã hội, triết học, đạo đức cùng những đặc điểm tâm lí,
giới tính, nghề nghiệp tuổi tác, văn hóa và trình độ học vấn.Như vậy tiếp
nhận văn chương là thông qua bối cảnh xã hội và tâm lí cá nhân.Mà mỗi cá
nhân là một cá tính sáng tạo. Người đọc cũng là người “đồng sáng tạo” cùng
với tác giả, cho nên phản tiếp nhận cũng bắt nguồn từ đây.
Vấn đề tiếp nhận tác phẩm không chỉ là mối quan tâm của lí luận văn
học mà còn là đối tượng của rất nhiều khoa học nghiên cứu văn học Nếu

như vai trò sáng tạo của nhà văn có lịch sử nghiên cứu khá đầy đặn thì vai
trò của người đọc, bản chất của quá trình tiếp nhận văn học dẫu cũng phải
được ngiên cứu triệt để.
Người đọc đa dạng dẫn đến sự đa dạng trong tiếp nhận văn học. Mỗi
loại người đọc có một cách tiếp nhận khác nhau. Có người đọc để thưởng
thức, nghiên cứu, phê bình … Có người quan tâm đến nội dung tư tưởng, có
người quan tâm đến hình thức nghệ thuật … Vì vậy, cùng một tác phẩm có
thể có nhiều cách cảm nhận khác nhau, đánh giá khác nhau (người tán đồng,
người phê phán).
Người đọc đa dạng về trình độ, lứa tuổi, kinh nghiệm, nghề nghiệp,
giới tính, địa vị xã hội … cũng sẽ dẫn đến tiếp nhận khác nhau trong cùng
một tác phẩm.
Tiếp nhận văn học mang đậm dấu ấn chủ quan, gắn liến với thị hiếu,
tình cảm của mỗi người. Giá trị của tác phẩm không phải là cố cộng cách
tiếp nhận nó, có cách tiếp nhận đúng nhưng lại có cách tiếp nhận sai lệch.
Trong các cách tiếp nhận tác phẩm có chỗ đúng, chỗ sai nhưng không có
nghĩa là chỉ có một cách tiếp nhận nào đó là duy nhất đúng. Một tác phẩm có
thể có nhiều cách tiếp nhận khác nhau và có thể đều tỏ ra hợp lý, điều này
gắn với sự đa nghĩa của tác phẩm văn học.
Trước đây, có một quan niệm đã trở thành quán tính trong nghiên cứu
phê bình: lấy tác giả cùng cá tính sáng tạo làm trung tâm. Nó xem nhẹ vai
trò của bạn đọc và quá trình tiếp nhận.Theo đó, phê bình cố gắng lần tìm
theo lối người viết đã đi để dựng lại một tác phẩm văn học duy nhất trong ý
đồ sáng tạo.
Xem tác phẩm văn học “như một quá trình”, các nhà nghiên cứu đã
phục nguyên vai trò của bạn đọc. Đồng nghĩa với việc phải đặt ra vấn đề
phản tiếp nhận của người đọc.
Từ người tiếp nhận trở lại với tác giả bằng việc ca ngợi, đề cao hay
phê phán tác phẩm. Do chủ thể tiếp nhận thuộc các giai tầng xã hội khác
nhau ở mỗi thời đại khác nhau nên thị hiếu thẩm mĩ và trình độ tiếp nhận

hay “tầm đón nhận” cũng khác nhau. Chính vì thế mà giá trị nội tại của tác
phẩm càng trở nên phong phú, đa dạng trong lòng người tiếp nhận. Tác
phẩm văn chương còn là công cụ giao tiếp, hội tụ các mối giao cảm của nhà
văn, nhà thơ với người đọc - người tiếp nhận. Cái đích cuối cùng mà nhà văn
nào trong quá trình sáng tác cũng mong đạt được đó là có nhiều người đọc
tác phẩm của họ và thẩm định được giá trị tác phẩm mà họ đã “mang nặng
đẻ đau”. Tác phẩm chân chính của một nhà văn không chỉ là kết quả của sự
dày công sáng tạo nghệ thuật mà còn chứa đựng nhu cầu khát vọng, những
điều cần nói và những điều chưa nói
Tác phẩm văn chương là “bức ảnh chủ quan của thế giới khách
quan”. Nhưng khi tác phẩm rời khỏi nhà văn, nhà thơ để đến với công
chúng thì trong công chúng độc giả ấy, mỗi người sẽ tiếp nhận tác phẩm
theo một cách khác nhau. Từ đây tác phẩm thực sự có một “đời sống” riêng.
Nó vận hành trong sự vận hành của thời gian và không gian. Tác phẩm bao
giờ cũng mang dấu ấn của cá tính sáng tạo của nhà văn. Tác phẩm chỉ là
một, nhưng người đọc - người tiếp nhận lại có hàng ngàn, hàng vạn, có khi
có tới hàng triệu (nếu như đó là tác phẩm bất hủ) ở khắp nơi. Vì vậy, ý nghĩa
khách quan của hình tượng trong tác phẩm sẽ “sinh sôi nảy nở” trong sự tiếp
nhận của người đọc. Tiếp nhận văn học hoàn toàn không đồng nhất với sự
khai thác những khía cạnh nào đó của tác phẩm từ góc độ của một chuyên
ngành. Tiếp nhận văn học là sự thưởng thức, sự cảm thụ, sự chiếm lĩnh toàn
vẹn một hay nhiều tác phẩm văn chương bằng trái tim, bằng khoái cảm thẩm
mĩ. Nếu như nhà văn là chủ thể sáng tạo thì người đọc là chủ thể tiếp nhận.
Tác phẩm văn chương - sản phẩm của chủ thể sáng tạo trở thành đối tượng
thưởng thức - cảm thụ của chủ thể tiếp nhận.
Trong đời sống văn học, chúng ta đều hiểu rằng, cách lí giải và đánh giá
một bài thơ, bài văn, một hiện tượng văn học không phải bao giờ cũng dễ
nhất trí, thường là có những khoảng cách, có khi còn đối lập về quan điểm.
Ở đây không phải chỉ có chuyện nhận thức về khoa học, về văn học mà có
khi còn cả những vấn đề ngoài văn học. Tình hình chính trị, xã hội và đời

sống càng ngày càng thay đổi nên tâm lý người đọc cũng sẽ thay đổi, do đó
nó đã có nhiều biến động và biến đổi trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiếp nhận
văn chương. Lý luận tiếp nhận ngày nay giải phóng cho sức sáng tạo của
người đọc . Một trong những yếu tố đó là phản tiếp nhận.Đó là một tất yếu
khi mà lý luận đang trên đà đổi mới từ hệ thống tới chức năng, quan niệm.
Dưới ánh sáng của lý thuyết tiếp nhận, tác phẩm văn chương hiện lên
như một sinh thể nghệ thuật. Một TPVC lớn bao giờ cũng hàm chứa những
khả năng vẫy gọi sâu xa, kích thích người đọc cảm nhận, suy tưởng và đồng
sáng tạo mà không dễ gì sự đọc của một người, một thời đại có thể đi hết
những bến bờ nhân văn và thẩm mỹ của nó. Không có sự đọc đầu tiên, bởi vì
tất cả mọi sự đọc trong thực tế đều là sự đọc lại, với hành trang tri thức văn
hoá và kinh nghiệm đọc tích luỹ được. Cũng không có sự đọc nào là có thể
bao trọn những chân trời ý nghĩa của sáng tạo nghệ thuật.Theo Đỗ đức Hiểu:
“Ðọc văn chương có nghĩa là tháo gỡ mã của các ký hiệu văn chương trong
văn bản, là tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm thông qua các cấu trúc của văn
bản (cốt truyện, kết cấu, nhân vật, đối thoại, không gian, thời gian, v.v) Ðọc
là mã hóa cách đọc, là tổng hợp các khâu của việc đọc, -cảm tưởng, phân
tích, đối chiếu, tổng hợp, đánh giá v.v. là phát hiện và sáng tạo. Ðọc, trước
hết, là phát hiện, trong văn bản và từ văn bản, một thế giới khác, những con
người khác. Người đọc sống trong thế giới tưởng tượng của mình, xây dựng
cho mình, thông qua tác phẩm, một xứ sở riêng. Ðọc là một hoạt động tích
cực; người đọc "nhập cuộc", "hóa thân" với những cảm xúc riêng của mình,
những kỷ niệm, ký ức, khát vọng riêng. Ðọc có nghĩa là chuyển đổi tác phẩm
nghệ thuật thành một vũ trụ tình cảm, cảm xúc, tư duy, hình tượng riêng của
người đọc." Như vậy phản tiếp nhận là một hình thức đặc biệt của tiếp nhận.
Những cách cảm nhận, đánh giá khác lạ về những tác phẩm quen thuộc trên
đây đã cho thấy, các tác phẩm này đã được nhìn nhận, đánh giá lại bằng một
bảng giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ khác với những tiêu chí, chuẩn mực
đã trở thành quen thuộc một thời.
II. Một số biểu hiện của phản tiếp nhận

Khi người giải mã dùng một bộ mã khác lạ, ngoài dự kiến của người
lập mã để giải mã văn bản, khi đó ý nghĩa mà người đọc phát hiện ra sẽ đối
lập với nghĩa chủ ý của tác giả. Lý thuyết tiếp nhận gọi đó là hiện tượng
"phản tiếp nhận". Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, đặc trưng của "phản
tiếp nhận" là "tìm thấy tư tưởng của tác phẩm ngược chiều với khuynh
hướng tư tưởng của tác giả, cắt nghĩa ngược lại với khuynh hướng tác giả".
Ví dụ: nhà văn Lỗ Tấn khi tiếp nhận tác phẩm Nhị thập tứ hiếu đã nhận ra
tính chất phản nhân văn ngay trong một tác phẩm mà mục đích của người
viết là giáo dục đạo hiếu đối với cha mẹ theo lối phong kiến. Trong lịch sử
tiếp nhận Truyện Kiều, hiện tượng phản tiếp nhận cũng từng diễn ra ở thời
phong kiến, khi xu thế tiếp nhận phổ biến đều ca ngợi trinh tiết, phẩm hạnh
và tấm lòng hiếu nghĩa của Kiều thì Nguyễn Công Trứ lại mạt sát, kết tội
Kiều là kẻ mượn danh chữ hiếu để làm điều tà dâm. Cách hiểu này hiển
nhiên là nằm ngoài mong muốn của Nguyễn Du, khi có nhiều bằng chứng
cho thấy ông đã dành những tình cảm trân trọng cho nàng Kiều.
Như vậy, phản tiếp nhận không chỉ là hiện tượng tiếp nhận ngược lại
với chủ ý của tác giả, mà còn là sự tiếp nhận đi ngược lại với sự cắt nghĩa đã
trở thành truyền thống phổ biến ở những người đi trước. Trong đời sống văn
học của chúng ta những năm gần đây, hiện tượng này cũng xẩy ra ngay với
những tác phẩm quen thuộc được giảng dạy trong nhà trường.
Trong quá trình giảng dạy trong nhà trường phổ thông, bản thân em
thấy: học sinh tiếp nhận tác phẩm với nhiều sự phong phú mới mẻ. Học sinh
phát hiện ra những điều rất thú vị trong tác phẩm như: anh cu Tràng trong
truyện “Vợ Nhặt” (Kim Lân) có phẩm chất hiếu thảo. Có em hỏi tại sao
Kiều là người thông minh sắc sảo thế mà vẫn mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Vậy
Kiều có thực sự là “Sắc đành đòi một tài đành họa hai” như Nguyễn Du ca
ngợi hay không? Có em bảo “con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu” trong bài
“Thơ duyên”( Xuân Diệu) là con đường định mệnh cho hai người gặp gỡ.
Con đường nho nhỏ để họ đi sát nhau , gần gũi nhiều hơn .Có giáo viên kể
rằng, khi học về tác phẩm Tắt đèn, có học sinh đánh giá chị Dậu thấp hơn cô

Kiều về mặt đạo đức, vì cô Kiều là cô gái còn trinh tiết mà dám bán mình
chuộc cha, trong khi chị Dậu vì quá câu nệ về thân xác mà không dám hy
sinh vì chồng con. Tác phẩm Đôi mắt của Nam Cao cũng được hiểu với
nhiều khía cạnh khác lạ so với cách hiểu đã từng phổ biến và quen thuộc.
Nếu trước đây, Hoàng được coi là nhân vật phản diện, một trí thức chợ đen
sống ích kỷ, hưởng lạc, xa rời cách mạng, thì giờ đây có ý kiến lại chiêu
tuyết cho Hoàng với lập luận rằng: "Có tường hoa, có chó dữ, có nhà riêng,
có vợ đẹp con ngoan với nếp sống sang trọng nhiều hương vị, nhiều thú vui
thì có gì đáng trách?". Thậm chí, có người còn triết lý táo bạo hơn về lý
tưởng: "Hoàng không thích cách mạng, không thích đi với cộng sản nên
không chịu hợp tác và tự sống tách biệt theo lý tưởng sống của anh ta thì sao
nhỉ? Vẫn có thể là một người lương thiện, một người dân bình thường, ta
quá thiên vị về ý thức hệ trong việc đánh giá". Có em học sinh còn nhận xét
rằng Hoàng nhìn người nông dân có phần đúng; hoặc phát biểu rằng "thích
cả Hoàng lẫn Độ".
Nói về việc tìm ra ý nghĩa tác phẩm, nhiều nhà lý luận tiếp nhận hiện
đại cho rằng ý nghĩa không nằm trong văn bản tác phẩm, mà nằm trong tầm
đón nhận của người đọc, trong cái khung ý nghĩa mà người đọc đem lồng
vào tác phẩm. Đây là điều có một phần sự thực, là điều mà lí luận văn học
Trung Quốc xưa nói là kẻ trí giả đọc thì thấy trí, kẻ có lòng nhân đọc thì thấy
điều nhân. Thánh Thán nói kẻ biết văn đọc Tây sương thì thấy văn hay, kẻ
hiếu dâm đọc nó lại thấy là dâm thư! Nhưng lõi cốt vấn đề là sự gặp gỡ của
người đọc và tác phẩm.
Bạn đọc- đối tượng tiếp nhận văn học- mang đến cho tác phẩm văn
học một đời sống mới.Có rất nhiều nhân tố tạo nên sự không đồng nhất giữa
văn bản văn học và tác phẩm văn học, mà nhân tố hàng đầu được xem là bạn
đọc. Khi nhà văn cho đứa con mình “chào đời” bằng việc xuất bản, in thành
sách thì văn bản văn học mới chỉ mang dáng vẻ hình thức ( cách nói của TS.
Nguyễn Khắc Sính) của một tác phẩm văn học. Chỉ khi nào người đọc xuất
hiện thì mới có tác phẩm văn học theo cách hiểu của lí luận văn học hiện đại.

Nói như GSTS. Trương Đăng Dung “với lớp lớp câu chữ phi vật thể, ẩn
chứa nhiều nghĩa khác nhau, luôn biến động và không thể khoanh vùng, tác
phẩm văn học có phương thức tồn tại riêng thông qua người đọc. Và giá trị
văn học (nếu có) chỉ hình thành trong quá trình đọc và sau khi đọc mà thôi.”
Như vậy, nhân tố bạn đọc đã biến sản phẩm của cá nhân (văn bản văn
học) trở thành sản phẩm của lớp người đọc đồng đại và lịch đại khi tiếp nhận
văn học. Sản phẩm ấy trở thành tác phẩm văn học với nhiều cách tiếp nhận
khác nhau của đa dạng đối tượng bạn đọc, sự phong phú của đối tượng bạn
đọc thể hiện ở chỗ, công chúng bạn đọc có sự khác nhau về vốn sống, trình
độ văn hóa, học vấn, kinh nghiệm thẩm mỹ… của từng người thậm chí mỗi
người đọc cũng có cách tiếp nhận một văn bản khác nhau ở từng thời điểm.
Rồi thời đại văn học khác nhau cũng chi phối cách hiểu tác phẩm văn học.
Minh chứng cho sự phản tiếp nhận của tác phẩm văn học do đối
tượng tiếp nhận, có thể dẫn ra hàng loạt tác phẩm. Chẳng hạn, bạn đọc đã
từng tiếp nhận bài thơ “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư ra sao?
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực.
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…
Đã từng có ý kiến, cho rằng hạn chế của bài thơ nằm ở nhận thức mơ
hồ về chính trị. Bởi có người nghĩ rằng nỗi buồn man mác, mênh mang gieo
vào lòng người từ tiếng thơ này có tác dụng gì trước họng súng phát xít đang
chĩa về hành tinh trong thời đại chiến thế giới, thứ hai. Ngày nay, chúng ta
trân trọng vẻ đẹp của “không khí” mơ hồ nghệ thuật ở phi phẩm. Ít ai đặt bài
thơ vào bối cảnh chiến tranh chống phát xít để “cân đo” giá trị của tác phẩm

này !
Ở đây, chúng ta phát hiện ra một mối quan hệ khác của văn bản
văn học và tác phẩm văn học. Giữa chúng không đồng nhất mà xuất hiện
mối quan hệ phức tạp giữa cái ổn định và cái biến đổi. Văn bản văn học là
một tồn tại khách quan, luôn bất biến theo thời gian bởi nó có một hình thức,
một cơ sở chữ nghĩa nhất định, người đọc không có quyền thêm bớt, bịa đặt.
Còn tác phẩm văn học thì luôn luôn biến đổi bởi trong quá trình tiếp nhận,
người đọc sẽ có những cắt nghĩa khác nhau về tác phẩm phụ thuộc vào
“lòng” người đọc. Vì thế có người nói, văn bản chỉ có một trong khi tác
phẩm có vô hạn.
Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích thuộc loại hay nhất của
kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nó là sự kết tinh của trí tuệ, niềm tin,
sức mạnh, mơ ước của nhân dân. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, Tấm Cám đã
khẳng định sức sống cũng như vẻ đẹp của một nền văn học. Vẻ đẹp ấy càng
ngời lên nhờ có những công trình đã phân tích, bình luận, bình giảng của
nhiều nhà nghiên cứu như Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Hoàng Tiến
Tựu, Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Thiêm, Bùi Văn Tiếng, Phạm Xuân Nguyên,
Nguyễn Thanh Hùng
Như nhiều truyện cổ tích khác, các nhân vật của Tấm Cám cũng trải
qua bao biến cố thăng trầm để cuối cùng mỗi nhân vật được nhận những kết
cục xứng đáng với việc làm của họ. Người hiền lành, nhân hậu được hưởng
hạnh phúc; kẻ ác bị trừng trị đích đáng. Việc Tấm trừng trị Cám sau bao
nhiêu tội lỗi Cám gây ra cho Tấm cũng không đi ngoài quy luật ấy, theo
cách nói của Phạm Xuân Nguyên: "Đây là quy luật đấu tranh khi sự sống
của bên này là cái chết của bên kia và ngược lại". Tuy nhiên, truyện cổ tích
không chỉ là những giấc mơ đẹp với bao điều kỳ thú và hấp dẫn, mà còn là
bài học, niềm tin, ước mơ về những điều tốt đẹp và lương thiện. Con người
hướng về cổ tích không chỉ thỏa mãn cho riêng mình niềm say mê đối với
văn học mà còn tìm đến sự trong sáng và bình an cho tâm hồn. Trong nhà
trường, việc đưa vào chương trình giảng dạy những câu chuyện cổ cũng

nhằm mục đích giáo dục cho học sinh tình yêu thương, lòng nhân hậu, tính
vị tha và những đức tính quý báu khác. Tuy nhiên , vấn đề đặt ra ở đây lá
việc tiếp nhận của học sinh ngày nay không đi theo những quy luật lối mòn
và những chân lý của truyện cổ tích nữa . Có thể nói, theo đa số, phần kết
thúc của truyện đã tạo một ấn tượng không tốt về Tấm - làm mất đi hình ảnh
đẹp về một cô gái hiền lành, chân chất, khiến người ta có thể đặt dấu hỏi về
niềm tin, về lẽ công bằng: Phải chăng, khi người hiền tiêu diệt điều ác thì tự
tay họ lại tạo ra một điều ác mới? Vấn đề đặt ra là “ Ác thua rồi thiện hóa ác
hơn.” trong phản tiếp nhận truyện Tấm Cám . Vì thế các nhà làm sách giáo
khoa vẫn trăn trở với việc lựa chọn truyện Tấm cám vào trong nhà trường?
Truyện Kiều – sản phẩm của “những điều trông thấy mà đau đớn
lòng” của Nguyễn Du khai sinh cách đây mấy nghìn năm vẫn còn mời gọi
khám phá, tạo ra biết bao cách cảm nhận và tranh luận khác nhau. Nguyễn
Du đã mất nhưng sinh mệnh nghệ thuật Truyện Kiều dường như bất tử. Mối
thế hệ bạn đọc, với nền tảng văn hóa, tinh thần khác nhau lại giải mã tác
phẩm theo một cách khác bằng một thái độ riêng. Truyện Kiều vẫn được coi
là một kiệt tác của văn học Việt Nam. Người ta đã khen nó quá nhiều, thậm
chí khen qúa lời như Phạm Quỳnh "Truyện Kiều còn, nước ta còn" và xem
nó như là "quốc túy", "quốc hồn" Từ đó, làm cho nhiều người có thói
quen suy nghĩ rằng: Việt Nam là Kiều, Kiều là Việt Nam. Còn riêng nhân
vật Thúy Kiều, không ít người cho rằng cô là "tiêu biểu cho dân tộc Việt
Nam", "Thúy Kiều tiêu biểu cho tâm hồn và trái tim Việt Nam", "Nguyễn
Du muốn xây dựng Thúy Kiều thành một con người lý tưởng, một con người
ưu tú, một Con Người viết hoa (nói như chúng ta ngày nay), tượng trưng cho
cái đẹp, cái tinh hoa của con người". Một nhà thơ phát biểu "Chạnh thương
cô Kiều như đời dân tộc".Có nhiều ý kiến lại cho rằng Truyện Kiều là truyện
phong tình. Vào những năm đầu thế kỷ XX, giới báo chí văn nghệ sĩ trong
nước có tranh luận về việc có nên đưa Truyện Kiều vào dạy trong nhà
trường hay không. Nhiều người cho rằng Truyện Kiều là truyện phong tình
"quyết không thể nào đem ra làm sách dạy đời được" . Trong một bài viết

trên báo Hữu Thanh, số 21, ra ngày 01/9/1924, cụ Ngô Đức Kế nói: "Ngày
trước, các cụ tiền bối thường cấm con em xem Truyện Kiều, trong xã hội, ai
hay đọc Truyện Kiều nghêu ngao thì cho là kẻ đàng điếm ( ) thế mà ngày
nay, đức văn sĩ ta biểu dương Truyện Kiều lên để khai hóa cho quốc dân,
đem Truyện Kiều làm sách Quốc văn giáo khoa (sách dạy), làm sách sư
phạm giảng nghĩa (sách thầy) ( ) Than ôi, Kim Vân Kiều mà cai trị nước
Việt Nam thì xã hội nước Việt Nam không nói cũng biết rồi" (tức là sẽ hư
hỏng như Thúy Kiều). Sau đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng cho rằng xã hội Việt
Nam thời đó hư hỏng là do người ta mê Kiều, "Hiện xã hội ta ngày nay mà
diễn ra những tuồng thương phong, bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều
gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít" (báo Tiếng Dân, ngày
17/9/1930) . Không chỉ có các nhà Nho lên án mà dân gian cũng có câu
"Đàn ông chớ kể Phan Trần / Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều". Nhiều
nhà nghiên cứu nước ngoài cũng ngạc nhiên không hiểu sao người Việt Nam
lại ca ngợi hết lòng một cô gái đĩ (chẳng lẽ nghề đĩ là tốt đẹp và phổ biến ở
Việt Nam ?) Như vậy, nhân tố bạn đọc đã biến sản phẩm của cá nhân (văn
bản văn học) trở thành sản phẩm của lớp người đọc đồng đại và lịch đại khi
tiếp nhận văn học. Sản phẩm ấy trở thành tác phẩm văn học với nhiều cách
tiếp nhận khác nhau của đa dạng đối tượng bạn đọc, sự phong phú của đối
tượng bạn đọc thể hiện ở chỗ, công chúng bạn đọc có sự khác nhau về vốn
sống, trình độ văn hóa, học vấn, kinh nghiệm thẩm mỹ… của từng người
thậm chí mỗi người đọc cũng có cách tiếp nhận một văn bản khác nhau ở
từng thời điểm. Rồi thời đại văn học khác nhau cũng chi phối cách hiểu tác
phẩm văn học. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thế kỷ XIX và đều thế kỷ
XIX đã từng có giá trị văn học khác nhau do chính người đọc tạo ra.“Nếu
văn bản chỉ chứa đựng lớp nghĩa gọi là nghĩa tồn tại thì người đọc trong
quá trình tiếp xúc với tác phẩm làm nảy sinh lớp nghĩa thứ hai là nghĩa kiến
tạo…”( Đỗ Lai Thúy)
Chẳng hạn , có người còn đưa ra nhiều chứng cớ cho rằng Chí phèo là
con rơi của Bá Kiến. Đây là những lý do mà người tiếp nhận truyện Chí

Phèo đã đưa ra.
“Một là: Bá Kiến là người háo sắc. Chỉ riêng về vợ đã có "bà cả,
bà hai, bà ba, bà tư ". Ngoài ra còn phải kể đến những mối quan hệ lăng
nhăng với các phụ nữ khác, như vợ của Binh Chức chẳng hạn. Và biết
đâu trong số những người đàn bà đã từng ăn nằm với Bá Kiến có người
đã mang thai với hắn. Để tránh dư luận xóm làng, người đó đã mang
đứa trẻ sơ sinh ra bỏ lò gạch. Và như thế, một Chí Phèo ra đời.
Hai là: Trong lúc Chí Phèo rạch mặt đòi ăn vạ vì bị Lý Cường đánh
thì Bá Kiến về tới nhà và hiểu ra cơ sự. Bá Kiến dìu Chí vào nhà và nói với
giọng thân mật: "Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy". Lâu nay, mọi người
hiểu rằng, đó là thủ đoạn "mềm nắn rắn buông" của Bá Kiến. Tức là bịa ra
chỗ "bà con ruột rà" để xoa dịu sự phản kháng của Chí Phèo. Nhưng biết
đâu mối quan hệ máu mủ đó là sự thật: Chí Phèo và Lý Cường là hai anh em
cùng cha khác mẹ (!) .
Thứ ba: Chí Phèo ngày xưa được coi như là người nhà của Bá Kiến và
Chí được "quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn". Sở dĩ Chí được ưu ái như
vậy là vì Bá Kiến cũng có chút tình cảm thầm kín với đứa con rơi vô thừa
nhận. Sau khi ở tù về, Chí Phèo được Bá Kiến cho vườn và nhà. Mọi người
nghĩ rằng: Bá Kiến cho tiền Chí là để biến anh ta thành tay chân đâm thuê
chém mướn cho hắn. Nhưng thật ra, trong cái làng Vũ Đại nhỏ bé này, lâu
lâu chỉ được vài vụ là phải dùng đến con dao của Chí Phèo. Món lời không
được bao nhiêu mà phải cấp tiền cho Chí Phèo ăn nhậu hơn mười năm trời
quả không phải là diệu kế của Bá Kiến. Trong ngần ấy năm chí Phèo không
lao động mà vẫn nhận được sự viện trợ về tài chính từ Bá Kiến. Bất đắc dĩ
Bá Kiến phải nuôi một thằng con rơi hư hỏng. Nhiều lúc cũng tận dụng tính
liều lĩnh của con nhưng cũng không muốn con quá hư hỏng lười biếng để tạo
gánh nặng cho mình. Trong đoạn cuối tác phẩm, Bá Kiến nói: "Rồi mà làm
ăn chứ cứ báo người ta mãi à?", "tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ
nhờ". Đó là những mong muốn sự thật của Bá Kiến. Nhưng Chí Phèo đã
xông tới quá nhanh đến mức Bá Kiến không kịp nói lên sự thật máu mủ. Và

cũng là nhờ chưa biết mối quan hệ đó nên hành động của Chí Phèo không
được coi là trái với đạo lý.
Ngoài ra, truyện "Chí Phèo" còn có nhiều chi tiết "lấp lửng" khó hiểu
nữa. Chẳng hạn, Chí Phèo đi tù vì lý do gì ? Theo lời đồn thì "chí bị người ta
giải huyện" là vì tội "lấy trộm tiền trộm thóc nhiều". Có thể Chí Phèo chỉ bị
ở tù vài năm rồi sau khi ra tù đi đâu đó "biệt tăm", việc đó không liên quan
gì tới Bá Kiến. Nhưng tại sao Bá Kiến lại không bào chữa cho đứa con rơi
để Chí khỏi bị vào tù ? Có thể Bá Kiến cũng như nhiều người cha khác
không muốn sống chung với thằng con trộm cắp hư hỏng. Vào tù, nó sẽ
được cải tạo để trở nên tốt hơn. Sự có mặt của Chí Phèo trong nhà sẽ làm đổ
vỡ hạnh phúc của gia đình cụ Bá. Nhất là Bá Kiến không muốn chứng kiến
mối quan hệ mà ông cho là loạn luân giữa Chí với bà Ba vợ ông. Để Chí
Phèo ra đi cũng có nghĩa là xoá đi dấu vết của mối quan hệ bất chính giữa
ông và mẹ Chí Phèo. Chí đi tù, Bá Kiến trút được tất cả nỗi lo. Vả lại, theo
lời Chí "ở tù sướng quá ( ) có cơm để mà ăn" thì việc gì phải lo cho nó. Kết
cục, nhà tù đã không cải tạo được Chí mà để anh này trở thành quỷ dữ và
quay về làng giết cha mình một cách vô ý. Xét về phương diện chính trị thì
đó biểu hiện của hành động đấu tranh giai cấp.Và một Chí Phèo con ra đời
liệu có ích cho xã hội? Nếu Chí Phèo cha cầm dao đâm vào phong kiến thì
biết đâu Chí Phèo con sẽ đâm vào thực dân đế quốc và trở thành anh hùng
dũng sĩ ?.”
Hay bài văn của một học sinh trong kì thi học sinh giỏi , em đưa ra
những lí lẽ làm giới nghiên cứu cũng phải suy nghĩ lại về cách ra đề thi
với cách tiếp nhận văn chương trong học sinh ngày nay, đó cũng là một
biểu hiện của phản tiếp nhận. Bài văn của em như sau:
“Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn
tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như
vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10
học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản
bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung

động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình.
Bọn em không quay lưng với lịch sử, nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về
lịch sử dân tộc hơn là phải học những bài tế khô khan, khó hiểu như thế
này
Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong
mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay
tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc? Chúng em và các cô -
tức là những người ra đề - là hai thế hệ rất khác nhau; các cô không hiểu
chúng em thì trái lại, chúng em cũng không hiểu những tác phẩm viết về cái
thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ
Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái
ngược khen – chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền
thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của
mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình.
Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng
ta chưa được "mới"? Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã
khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa,
vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài
thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.
Em biết bài viết này của em là hoàn toàn lạc đề, em không chỉ ra được cái
đẹp, cái hay của tác phẩm bởi em không thấy nó hay, không thấy nó đẹp.
Em cũng biết bài văn này cũng không được điểm nào, nhưng em chỉ muốn
nêu lên chính kiến của mình trước tác phẩm, cũng như những bức xúc của
một HS, khi phải học một chương trình không phù hợp. Em không muốn
phải viết những lời khen sáo rỗng về một tác phẩm mình không thích. Và em
hy vọng các thầy cô sẽ linh hoạt hơn trong việc ra đề để bọn em tự do bày tỏ
chính kiến, tự do yêu ghét một tác phẩm nào đó".
“Nếu văn bản chỉ chứa đựng lớp nghĩa gọi là nghĩa tồn tại thì người
đọc trong quá trình tiếp xúc với tác phẩm làm nảy sinh lớp nghĩa thứ hai là
nghĩa kiến tạo…”( Đỗ Lai Thúy)

Vậy tiếp nhận văn chương (hoặc Ðọc tác phẩm văn chương) là nói
mối quan hệ văn bản/người đọc. Có thể nói là nhà văn bao giờ cũng muốn
gửi sáng tác của mình đến người đọc (tác giả hướng tới người đọc), người
đọc cụ thể, đồng thời, hoặc người đọc trừu tượng, người đọc "có thể", người
đọc tương lai: Nguyễn Du nghĩ đến người đọc ba trăm năm sau; Stendhal
chờ người đọc của mình nửa thế kỷ sau; một nhà văn Việt Nam muốn "gửi
thông điệp" (nghệ thuật) của mình, tức tiểu thuyết, đến người đọc. Ðọc là
một khâu của sáng tạo nghệ thuật, hoặc, như một số người nói, của "sản
xuất" nghệ thuật. Tác phẩm văn chương gắn bó chặt chẽ với đọc văn
chương, bỏ qua khâu "Người đọc", là một thiếu sót. Từ đó mối quan hệ Tác
phẩm/Người đọc sẽ là Văn bản đọc: siêu văn bản. Có những mối quan hệ
chặt chẽ giữa Viết và Ðọc, những quan hệ triết học, mỹ học, đạo đức học, xã
hội học, tâm lý học v.v. Có thể có sự hài hòa hoặc sự xộc xệch giữa văn bản
và người đọc, giữa người gửi thông báo và người tiếp nhận. Đó là những
hình thức khác nhau của phản tiếp nhận trong đổi mới lí luận văn chương.
III. Vai trò của phản tiếp nhận trong quá trình đổi mới lý luận
văn chương
1. Đề cao vai trò của người đọc
Ý nghĩa toát ra từ văn bản là ý nghĩa siêu ngôn ngữ, nó sẽ phong phú
hơn hẳn ý định ban đầu của chủ thể phát ngôn, so với những gì tác giả có thể
ý thức được. Bởi vậy, là hiển nhiên khi, bên ngoài sự chủ ý của nhà văn,
ngôn ngữ luôn luôn nảy sinh những vấn đề khác. Nhà văn thiên tài V. Hugo
thì cũng từng phải thừa nhận sự bất lực trước ngôn ngữ, khi ông viết trong
Lời tựa vở kịch Cromwell rằng: "Ngôn ngữ cũng như biển cả, chúng không
ngừng biến động. Có những lúc chúng rời bỏ một bờ này của thế giới tư duy
và tràn sang một bến khác". Đó cũng là lý do để mỹ học phương Đông khi
nói về ngôn từ trong văn bản văn học thường hay dùng các cụm từ như: "ý
tại ngôn ngoại", "thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý", "ý tuy sở tuỳ giả, bất khả
ngôn truyền giả" (cái mà ý theo đến, không thể dùng lời truyền đạt hết
được), "ngôn hữu tận, nhi ý vô cùng" (lời có hạn mà ý vô cùng)

Như vậy, là một cấu trúc giao tiếp, một đối tác đối thoại, văn bản văn
học không thể khép kín và đồng nhất với chính nó - đó là một cấu trúc kí
hiệu luôn tạo sinh ý nghĩa, do đó, "văn bản nghệ thuật có thể xem như văn
bản đã được giải mã nhiều lần" (Iu.M. Lotman). Nói cách khác, "cái văn bản
văn học tưởng như đã hoàn thành và khép kín ấy vẫn luôn tạo ra khả năng để
có thể lý giải hàng ngàn cách khác nhau mà tính độc đáo, không lặp lại của
nó vẫn không thay đổi"(10). Và như thế, sự giải mã của người đọc luôn
phong phú hơn, thậm chí là bất ngờ so với thông điệp mà nhà văn muốn
chuyển tải là điều tất yếu.
Như vậy, ngay cả trong tình huống tối ưu nhất, khi mã của người gửi
và mã của người nhận ở trong cùng một kênh giao tiếp thì nghĩa mà người
đọc nhận được cũng không thể trùng khớp với nghĩa chủ ý mà nhà văn muốn
chuyển tải qua văn bản, do không thể có sự trùng hợp tuyệt đối giữa sáng tạo
và tiếp nhận, khi cơ chế lập mã và giải mã là hai quá trình diễn ra ngược
nhau; khi văn bản văn học là một hệ thống kí hiệu đặc thù, một thế giới mở
ngỏ, đa nghĩa với nhiều tình huống mơ hồ, không xác định; khi tác phẩm
văn học là sản phẩm của hai lần ý thức, trong đó cả hành vi sáng tạo lẫn tiếp
nhận đều cố gắng "bảo toàn cái tôi một cách quyết liệt"; và khi tác phẩm là
sản phẩm của mối quan hệ mà sự đối thoại làm cho nó luôn luôn không thể
nắm bắt. Theo đó, nếu sự trùng khớp giữa mã của người gửi với mã của
người nhận trong các hoạt động thông tin khác được đặt ra như một mục
đích, một đòi hỏi tất yếu, thì ngược lại, trong giao tiếp văn học, điều đó
không thể là một tất yếu, bởi không có một căn cứ có sức thuyết phục nào để
có thể khẳng định rằng, một thông điệp sẽ được giải mã theo cách mà nó đã
được lập mã. Và điều đó lại càng không thể là mục đích, bởi đó là con
đường ngắn nhất để văn học tự triệt tiêu chính mình. Như thế, điều kiện tối
ưu cho tiếp nhận văn học là khi mã tiếp nhận và mã truyền đạt vừa tương
đồng lại vừa khác biệt, khiến cho văn bản văn học vừa "khả giải" lại vừa
"bất khả giải"; đó đồng thời cũng là điều kiện để duy trì mối quan hệ giao
tiếp, đối thoại giữa văn bản và người đọc, bởi nếu "không giải thích được thì

thơ vô vị, mà giải thích được thì hết vị". Khi văn bản được đặt trong tương
quan với người đọc, mặc dù tính đa nghĩa của tác phẩm có cơ sở từ đặc
trưng cấu trúc mở của văn bản, song nó đã được nhân lên nhiều, và nhiều
hơn nữa do tính chất đa mã của tiếp nhận. Và như vậy, sẽ mãi mãi còn lại
với thời gian những tác phẩm văn học chưa hình thành trong cuộc hành trình
của văn bản đến với thế giới bất tận của người đọc. Người đọc đã đem lại ý
nghĩa, giá trị và quyết định số phận lịch sử của tác phẩm qua các thời đại.Đó
chính là vai trò của phản tiếp nhận .
2. Áp dụng vào giảng dạy văn chương
Việc dạy - học văn hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của tiếp nhận văn
học. Nó tạo nên những chu trình tiếp nhận văn học gồm các vòng tròn giao
tiếp với nhau thành một chuỗi. Tiếp nhận văn học trong nhà trường khác với
tiếp nhận văn học ngoài xã hội. Ngoài xã hội, đối tượng của tiếp nhận văn
học là tất cả các tác phẩm văn học được lưu hành không có tính định hướng.
Trong nhà trường, đối tượng của tiếp nhận văn học là một số tác phẩm tiêu
biểu đặc sắc được chọn lọc, tinh tuyển, có định hướng cao. Ngoài xã hội,
chủ thể tiếp nhận gồm nhiều người thuộc nhiều giới, nhiều thế hệ rất phong
phú, đa dạng. Trong nhà trường, chủ thể tiếp nhận là thầy và trò, khá thuần
nhất. Ngoài xã hội, việc tiếp nhận diễn ra một cách trực tiếp từ tác phẩm đến
người đọc. Trong nhà trường, việc tiếp nhận diễn ra qua ba khâu: khâu đầu
tiên thuộc về người soạn sách tiếp nhận văn học trong việc lựa chọn, tinh
tuyển tác phẩm; khâu thứ hai thuộc về người dạy văn tiếp nhận để dạy; khâu
thứ ba thuộc về học sinh, sinh viên tiếp nhận văn học để học. Ba khâu này là
quá trình tiếp nhận văn học trong nhà trường. Mặc dù cùng tiếp nhận văn
học, nhưng chủ thể tiếp nhận văn học ở từng khâu lại có phần khác nhau về
trình độ, mức độ, về động cơ và mục đích tiếp nhận. Chủ thể tiếp nhận ở
khâu thứ nhất có trình độ thẩm định giá trị văn chương ở mức độ khá cao
mới tinh tuyển được tác phẩm đặc sắc. Chủ thể tiếp nhận ở khâu thứ hai phải
có phương pháp tiếp nhận tốt và phương pháp truyền thụ sắc sảo thì mới dạy
được. Điều mà lúc sinh thời, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần nói “thầy

ra thầy, trò ra trò” chính là thầy phải có vốn tri thức chuyên môn (kể cả tri
thức về phương pháp) là 10 thì mới dạy cho học sinh chỉ có vốn tri thức 1
hoặc 2 hay 3 được. Nếu tri thức của học sinh là 3 và tri thức của thầy cũng
chỉ là 3 “bình thông” nhau thì không thể diễn ra hiện tượng dạy và học. Vì
vậy, đối với người giáo viên dạy văn phải có vốn tri thức giỏi và không
ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp để hiểu và vận dụng lí thuyết tiếp nhận
văn học vào việc nâng cao chất lượng dạy - học. Người thầy dạy văn phải
hiểu biết - khám phá - sáng tạo để gợi ra nhiều cách cho sự tiếp nhận đáng
khích lệ của học sinh, sinh viên.
Muốn cho học sinh có được tính tích cực, chủ động, biến quá trình
đào tạo thành quá trình tự đào tạo thì trước hết người thầy phải tích cực, chủ
động trong việc tìm tòi, đổi mới phương pháp. Không thể dùng hàng trăm
câu hỏi hay hàng chục tấm hình trong một tiết dạy - học văn để phát huy tính
tích cực tiếp nhận văn học của học sinh. Nếu dùng hàng chục hay hàng trăm
câu hỏi trong một tiết dạy văn dù câu hỏi hay đến bao nhiêu sẽ làm cho tác
phẩm bị cắt xẻ, phá nát chỉnh thể tác phẩm. Nếu dùng hình ảnh quá nhiều
trong một tiết dạy văn thì dễ gây cảm giác nhàm chán bởi trực quan của dạy
- học văn chủ yếu bằng lời chứ không phải bằng hình họa. Điều quan trọng
là phải đổi mới phương pháp nhằm tạo được sức gợi lớn. Các môn học khác,
thầy dạy chỉ cần gợi hiểu, riêng môn văn, bên cạnh việc gợi hiểu, thầy dạy
còn phải gợi cảm để cho học sinh cảm nhận, tiếp nhận cái hay - cái đẹp của
văn chương. Từ đó khơi dậy trong lòng học sinh những tình cảm trong sáng,
những khát vọng cao đẹp, những ước mơ chân chính. Như vậy, tiếp nhận
văn học không đồng nghĩa hoàn toàn với sự thu nhận, sự nắm bắt, sự dung
nạp thông thường mà nó là sự tiếp nhận bằng cả những rung cảm, khoái cảm
thẩm mĩ để thưởng thức một cách chủ động và tự giác nhất của chủ thể tiếp
nhận.
Mĩ học tiếp nhận đã khám phá ra hai quy luật: quy luật tiếp nhận
không đồng đều về một tác phẩm do tầm đón nhận khác nhau của người
đọc, quy luật tồn tại của những kiệt tác do những khoảng cách thẩm mĩ.

Phản tiếp nhận là một cách tạo ra hứng thú trong môn văn.
C. KẾT LUẬN
Thực tế tiếp nhận văn học diễn ra rất phong phú, đa dạng. Khả năng
đồng sáng tạo ở các lớp độc giả được giải phóng trong môi trường tự do
càng làm cho tác phẩm thể hiện được giá trị thực sự của nó. Điều này tạo
nên đời sống đích thực cho tác phẩm văn học. Thực tế không phải trong tất
cả các khuynh hướng tiếp nhận đối với một tác phẩm thì chỉ có một khuynh
hướng là đúng còn những khuynh hướng còn lại điều sai lầm, không có ý
nghĩa. Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao vừa thuyết phục được người đọc
về một khuynh hướng tiếp nhận đúng đắn nhất, vừa cung cấp cho người đọc
các khuynh hướng tiếp nhận khác, vừa đảm bảo cho họ chủ động loại bỏ
khuynh hướng tiếp nhận sai lầm, có hại. Việc định hướng tiếp nhận bằng
việc chỉ cung cấp duy nhất một khuynh hướng tiếp nhận chính thống, loại bỏ
mọi khuynh hướng tiếp nhận còn lại đôi khi lại phản tác dụng. Việc định
hướng tiếp nhận như thế đôi khi trở thành việc “cưỡng bức” tiếp nhận. Nhà
văn sáng tạo trong việc “mã hóa” nội dung - ý nghĩa của tác phẩm bằng một
hệ thống kí hiệu thẩm mĩ với ngôn ngữ nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật, hình
tượng nghệ thuật và kết cấu nghệ thuật. Còn người tiếp nhận lại sáng tạo
trong việc “giải mã” hệ thống kí hiệu thẩm mĩ bằng sự khám phá, phát hiện
cái hay, cái đẹp và ý nghĩa đích thực của tác phẩm. Tiếp nhận văn học lại là
sự cảm nhận, sự “nắm bắt” cái hồn, cái “thần” của tác phẩm bằng những
rung cảm, những khoái cảm thẩm mĩ của người tiếp nhận để “giải mã” tác
phẩm, là sự khám phá nhằm tìm ra “cái được biểu đạt” tiềm ẩn trong một hệ
thống kí hiệu thẩm mĩ. Vì thế, tiếp nhận văn học không đơn thuần là một
hoạt động nhận thức mà nó còn là một sự sáng tạo bằng khám phá, phát hiện
về những giá trị trường tồn của tác phẩm văn chương.
Hiện tại lí thuyết tiếp nhận vẫn chưa có một hệ thống lí luận hoàn
chỉnh. Nó vẫn đang trên đường tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Mục đích
chính của nó là tiếp cận, nghiên cứu văn học chứ không phải để ứng dụng
dạy văn trong môi trường sư phạm. Tuy vậy, hệ thống lí luận cũng như quan

điểm khoa học của nó cũng có thể cho phép chúng ta vận dụng vào việc dạy
học văn trong bối cảnh dạy và học văn còn kém hiệu quả như hiện nay. Vấn
đề đặt ra hiện nay là làm sao có những công trình nghiên cứu nghiêm túc về
tính đúng đắn và những ưu điểm của lí thuyết tiếp nhận để từ đó phổ biến và
vận dụng nó vào việc giảng dạy văn học.
Văn bản không phải là một sản phẩm bất biến và đơn nghĩa, mà là có
nội dung vô tận, đa nghĩa. Từ đầu thế kỉ nhà nghiên cứu Nga A.Gornơphen
đã nói: "Mọi tác phẩm nghệ thuật đều là tượng trưng và việc sử dụng nó thì
vô cùng tận, các khái quát nghệ thuật mang tính bóng gió cho nên ý nghĩa
cũng vô cùng tận". Nhà nghiên cứu L.Vưgôcxki cũng nói: "Tác phẩm nghệ
thuật cho phép có nhiều vô tận các cách cắt nghĩa và đó là điều đảm bảo
cho ý nghĩa không tàn phai của nó". Tác giả M.Epstein trong Giản yếu bách
khoa văn học (1978) viết: "Sự cắt nghĩa dựa trên tính "mở", tính nhiều nghĩa
của hình tượng nghệ thuật, là cái đòi hỏi phải có nhiều vô hạn cách cắt nghĩa
để bộc lộ bản chất của nó và đảm bảo khả năng về một đời sống lịch sử lâu
dài, được phát triển thêm các ý nghĩa mới". Tính khái quát tượng trưng cho
phép có thể liên hệ với nhiều tình huống khác nhau của đời sống, và do đó
mà có các ý nghĩa khác nhau. Sự cảm thụ khác nhau do kinh nghiệm, hứng
thú, lập trường, quan điểm của người đọc, khiến cho sự chú ý, rung cảm của
người đọc liên hệ với các thuộc tính, chi tiết, bình diện khác nhau của tác
phẩm: đạo đức, triết lí, thẩm mĩ, chính trị, nhạc điệu v.v Các thời kì lịch sử
và môi trường xã hội cũng có cách hiểu chung của chúng, khiến cho cách
hiểu của các cá nhân bị phụ thuộc vào. Lý luận tiếp nhận ngày nay giải
phóng cho sức sáng tạo của người đọc, mở cửa cho sự phê bình nhiều phía
nhiều chiều, nhưng cũng đòi hỏi sự tinh tế trong cảm thụ. Tác phẩm văn
chương là một hệ thống kí hiệu thẩm mĩ. Một trong những đặc trưng nổi bật
nhất của hệ thống kí hiệu thẩm mĩ này là tính đa trị, đa nghĩa của ngôn ngữ
nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật mà nhà văn , nhà thơ
đã sáng tạo. Những sắc thái khác nhau trong tiếp nhận văn học không chỉ bắt
nguồn từ sự khác nhau của từng cá nhân chủ thể tiếp nhận mà còn có cơ sở

từ đặc trưng của đối tượng tiếp nhận là tác phẩm văn chương. Tiếp nhận văn
học là sự thưởng thức, sự cảm thụ, sự chiếm lĩnh toàn vẹn một hay nhiều tác
phẩm văn chương bằng trái tim, bằng năng lực thẩm mĩ. Nếu như nhà văn là
chủ thể sáng tạo thì người đọc là chủ thể tiếp nhận. Tác phẩm văn chương -
sản phẩm của chủ thể sáng tạo trở thành đối tượng thưởng thức - cảm thụ
của chủ thể tiếp nhận. Sự tiếp nhận khác nhau của mỗi chủ thể tiếp nhận về
một tác phẩm là một thực tế đã diễn ra trong tiến trình phát triển của lịch sử
văn chương các nước trên thế giới.

×