Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý ô nhiễm môi trường nước ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (281.73 KB, 5 trang )

Sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý ô nhiễm
môi trường nước ở Việt Nam


Lê Diệu Thúy


Trường Đại học Kinh tế
Luận văn Thạc sĩ ngành: Quản lý kinh tế; Mã số: 60 34 01
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Viết Thành
Năm bảo vệ: 2014


Keywords. Quản lý kinh tế; Công cụ kinh tế; Quản lý môi trường; Ô nhiễm nước

Content
1. Tính cấp thiết của đề tài
Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với tốc độ phát triển
nhanh chóng về các mặt kinh tế xã hội. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng đang phải đối
mặt với nhiều thách thức từ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó có sự tác động tiêu
cực đến môi trường sống. Ô nhiễm môi trường có nguyên nhân từ hoạt động khai thác không hợp
lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển không cân đối và thiếu quy hoạch đồng bộ. Nguy cơ ô nhiễm
môi trường còn là mặt trái của quá trình hội nhập, khi Việt Nam có thể trở thành bãi thải công
nghệ và các sản phẩm ô nhiễm từ các quốc gia khác. Việc hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh
tế và bảo vệ môi trường sinh thái để hướng tới sự phát triển bền vững đang là mối quan tâm của
nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Bảo vệ môi trường ngày nay đã trở thành một
trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong đó việc giảm thiểu tình trạng
ô nhiễm nước của các lưu vực sông cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược
phát triển kinh tế xã hội.
Nước của các con sông là nguồn cấp nước quan trọng phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ở
Việt Nam có nhiều lưu vực sông lớn, nhỏ khác nhau, tuy nhiên, do vấn đề ô nhiễm môi trường


nước lưu vực sông luôn gắn liền với quy mô phát triển dân số, phát triển công nghiệp trên lưu
vực, nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số lưu vực sông ngày càng trầm trọng.Thời gian
qua, do tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá khá nhanh, sự gia tăng dân số không ngừng và công
tác bảo vệ môi trường (BVMT) chưa được quan tâm đúng mức tại các địa phương đang gây áp
lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước các lưu vực sông. Mặc dù các cấp, các ngành từ
trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về
BVMT, nhưng tình trạng ô nhiễm nguồn nước của các con sông là vấn đề rất đáng lo ngại. Môi
trường nước ngày càng bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận một lượng lớn nước thải từ các đô thị, khu
công nghiệp và làng nghề xả ra môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Môi trường nước
sẽ càng bị ô nhiễm trầm trọng hơn bởi nước thải và chất thải rắn xả ra môi trường không qua hệ
thống xử lý chất thải. Vấn đề quản lý nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và cải thiện môi
trường nước lưu vực sông, điển hình là lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Cầu, lưu vực
sông Đồng Nai và tương lai không xa còn một số lưu vực sông có thể cũng bị ô nhiễm nặng.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nước các con sông này đang diễn biến tiêu cực,
nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực sông, nên việc tìm
ra các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước của lưu vực các sông lớn là
hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tình trạng ô nhiễm đang trở nên trầm trọng và ảnh
hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội và sức khỏe của người dân sống ở lưu vực các con
sông này. Đã đến lúc phải giảm thiểu ngay tình trạng ô nhiễm nước ở lưu vực các sông lớn càng
sớm càng tốt.
Xuất phát từ việc học tập, nghiên cứu lý luận về quản lý môi trường, từ thực tiễn công
tác, hoạt động quản lý môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành,
các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân trong khi hoạt động này còn có những tồn tại cần
khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cũng như hiệu quả của hoạt động bảo vệ môi trường.
Lựa chọn và nghiên cứu đề tài “Sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý ô nhiễm môi trường
nước ở Việt Nam ”, học viên có mong muốn đúc rút được những kinh nghiệm, đưa ra các biện
pháp sử dụng công cụ kinh tế nhằm quản lý ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam một cách hoàn
chỉnh, có tính khả thi cao, chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và đáp ứng được
mục tiêu bảo vệ môi trường của Việt Nam hiện nay.
* Câu hỏi nghiên cứu:

“Công cụ kinh tế có tác dụng như thế nào trong quản lý ô nhiễm môi trường nước ở Việt
nam?”
2. Tình hình nghiên cứu
Từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề
bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quản lý môi trường vẫn mang nặng tính hành chính và mệnh lệnh
nên ít đem lại hiệu quả về kinh tế và không khuyến khích được các doanh nghiệp tích cực đầu tư
cho việc bảo vê môi trường. Do vậy đã có nhiều nghiên cứu đề xuất việc sử dụng công cụ kinh tế
trong quản lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Vấn đề nghiên cứu và sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý và bảo vệ môi trường
đã được nghiên cứu và sử dụng ở phần lớn các nước phát triển nhưng còn khá xa lạ đối với các
nước chậm và đang phát triển trên thế giới. Việt Nam không thể đặt mình nằm ngoài mối quan
tâm chung của cộng đồng quốc tế về vấn đề môi trường, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế
quốc tế hiện nay.
Trước tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, Chính phủ đã đặt ra
một số Luật và nghị định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là ban hành ra các công cụ kinh tế trong
đó có công cụ phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên là một trong những công cụ hữu hiệu và
quan trọng của nhà nước trong việc kiểm soát môi trường, điều này đã được Quốc hội thông qua
trong Luật bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005 (Số: 52/2005/QH11).
Cho đến nay đã có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này và đã ban hành
nhiều ấn phẩm liên quan nhằm tăng cường sử dụng công cụ kinh tế trong hoạt động bảo vệ môi
trường tại Việt Nam hiện nay. Việc sử dụng công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường cũng đã được
đề cập trong các văn bản, chương trình hành động của nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi
trường và trong một số công trình nghiên cứu của các cơ quan, tập thể và cá nhân các nhà khoa
học. Ví dụ như vấn đề sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường đã có nghiên cứu
trong một số tài liệu:
- “Đổi mới quản lý kinh tế và môi trường sinh thái (NXB Chính trị quốc gia, H.1997);
-“Áp dụng các công cụ kinh tế để nâng cao năng lực quản lý môi trường ở Hà Nội do tác giả Nguyễn
Thế Chính (NXB Chính trị quốc gia, H.1999). Tác giả đã nghiên cứu một số loại công cụ kinh tế và
phương pháp áp dụng các công cụ kinh tế này để góp phần tăng hiệu quả hoạt động quản lý môi trường
ở Hà Nội;

-“Bốn nguyên tắc sử dụng công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường ở Việt Nam.” (Bộ Khoa học,
công nghệ và môi trường - 2001)” đã đề cập: đến việc chưa bao giờ Việt Nam phải đối diện với
nhiều vấn đề bức xúc về môi trường như hiện nay, cả về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn
nước, ô nhiễm đất bởi rác thải công nghiệp, bệnh viện và rác thải sinh hoạt đô thị khác… Thực
trạng đó đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế để bảo vệ và cải thiện
môi trường như một yêu cầu bức xúc, trong đó, việc sử dụng các công cụ kinh tế để bảo vệ môi
trường phải được quán triệt. Trong đó đưa ra bốn nguyên tắc để kết hợp chặt chẽ, hiệu quả việc
sử dụng các công cụ kinh tế với các công cụ khác nhằm đạt được những mục tiêu bảo vệ môi
trường dài hạn, cũng như lựa chọn thích hợp cho từng thời kỳ cụ thể;
- “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” của
Chính Phủ năm 2003 cũng coi công cụ kinh tế như một giải pháp hữu hiệu trong quản lý ô
nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông;
-“Thuế và phí ô nhiễm môi trường: Công cụ quan trọng trong việc bảo vệ môi trường” của tác giả
Nguyễn Thanh Hải đã nghiên cứu và đánh giá tác dụng của công cụ thuế và phí ô nhiễm môi trường
trong việc bảo vệ môi trường;
-“Quản lý môi trường bằng công cụ kinh tế” của tác giả Trần Thanh Lâm (NXB Lao Động,
H.2006) đã đề xuất sử dụng công cụ kinh tế vào công tác quản lý môi trường ;
-“Giới thiệu về công cụ kinh tế và khả năng áp dụng trong quản lý môi trường ở Việt Nam” của
tác giả Nguyễn Minh Phong (Tạp chí Tài nguyên và môi trường, số 4, tr.12, 2007) đã nghiên
cứu và coi công cụ kinh tế như một giải pháp quan trọng trong vấn đề quản lý môi trường ở Việt
Nam;
-“Việt Nam thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững, của PGS.TSKH Trương Quang Học
(Tr. 102-123, 2012) cũng đã nghiên cứu đến khả năng sử dụng công cụ kinh tế trong hoạt động
bảo vệ môi trường,…
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Như đã trình bày ở trên, công cụ kinh tế trong quản lý môi trường là một vấn đề mới
được sử dụng ở Việt Nam những năm gần đây, tuy đã đạt được 1 số thành tựu ban đầu nhưng
cũng bộc lộ không ít những hạn chế. Do vậy mục đích của luận văn là bước đầu tìm hiểu, vận
dụng các công cụ kinh tế thích hợp vào quản lý ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam, trên cơ sở
đó khuyến nghị những định hướng sử dụng công cụ kinh tế một cách hợp lý nhằm giảm thiểu

tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam.
Để thực hiện mục đích trên, luận văn tập trung:
- Làm rõ cơ sở lí luận về các công cụ kinh tế và thực tiễn áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý ô
nhiễm môi trường hiện nay.
-Làm rõ những khó khăn, thuận lợi và những vấn đề còn tồn tại khi sử dụng công cụ kinh tế
trong quản lý môi trường ở Việt Nam.
-Tổng quan tình hình ô nhiễm môi trường nước ở lưu vực các sông lớn, hệ thống các cơ chế
chính sách đã ban hành và đang thực hiện liên quan đến áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý ô
nhiễm môi trường nước ở lưu vực các sông lớn ở Việt Nam.
-Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận văn đề xuất các biện pháp sử dụng công cụ kinh
tế trong quản lý ô nhiễm môi trường nước ở lưu vực các sông lớn ở Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu đề tài luận văn là các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường
nước ở Việt Nam, qua đó nghiên cứu thành tựu và hạn chế khi sử dụng công cụ kinh tế trong
quản lý môi trường nhằm đưa ra các kiến nghị góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi
trường nước ở Việt Nam.
Luận văn tập trung nghiên cứu các công cụ kinh tế được sử dụng trong lĩnh vực quản lý
và bảo vệ môi trường trong đó đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường nước của lưu vực các
sông lớn ở Việt Nam như lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ-Đáy và lưu vực Sông Đồng Nai;
tình hình áp dụng công cụ kinh tế vào việc quản lý môi trường nước và trên cơ sở đó đưa ra các
biện pháp, kiến nghị để sử dụng công cụ kinh tế nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm ở lưu vực
các sông lớn này.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp kế thừa: Các thông tin, số liệu về việc thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi
trường đối với nước thải, các nghiên cứu đánh giá về việc thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi
trường đối với nước thải đã thực hiện trước đây sẽ được kế thừa và tổng hợp phục vụ cho nghiên
cứu của luận văn
- Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế: Việc thu thập thông tin về việc thu, quản lý và sử dụng
phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được tiến hành điều tra thực tế tại lưu vực sông Nhuệ -
Đáy thuộc địa phận Hà Nội, tác giả đã trực tiếp đến xã Thanh Thùy ( thuộc lưu vực sông Nhuệ)

để tìm hiểu thực tế, qua đó đã nắm bắt được tình hình thực hiện việc thu, quản lý và sử dụng phí
bảo vệ môi trường đối với nước thải tại địa phương.
- Phương pháp phỏng vấn: để đánh giá được tình hình thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi
trường đối với nước thải tại các lưu vực sông, tác giả đã làm việc và phỏng vấn trực tiếp với một
số cán bộ thôn, cán bộ xã của xã Thanh Thùy ( thuộc lưu vực sông Nhuệ). Qua đó, đánh giá sơ
bộ được tình hình thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại Hà Nội
cũng như các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi
trường đối với nước thải.
- Phương pháp tổng hợp, thống kê: Công tác tổng hợp, thống kê dựa vào hai nguồn là báo cáo
thống kê định kỳ và điều tra thống kê. Báo cáo thống kê định kỳ là hình thức thu thập số liệu
thống kê được tiến hành thường xuyên, định kỳ theo nội dung, phương pháp cũng như hệ thống
biểu mẫu thống nhất, được quy định thành chế độ báo cáo áp dụng cho nhiều năm thông thường
do các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp quy định. Việc điều tra thống kê là hình thức
thu thập số liệu được thực hiện theo các đầu mục phục vụ việc xây dựng luận văn. Trong đó quy
định rõ mục đích của việc điều tra là thống kê liên quan đến việc hình thu, nộp, quản lý và sử
dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Việc điều tra thống kê được áp dụng triệt để trong
điều kiện nền kinh tế thị trường và công nghệ thông tin phổ biến như hiện nay. Tổng hợp số liệu
về tình trạng ô nhiễm môi trường nước của lưu vực các sông lớn ở Việt Nam và số liệu liên quan
đến áp dụng công cụ kinh tế nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại các khu
vực này.
- Phương pháp phân tích, đánh giá: Trên cơ sở các thông tin, số liệu đã được tổng hợp, thống kê,
tiến hành đánh giá và phân tích những vấn đề còn tồn tại về mặt cơ chế và pháp lý của thu, nộp,
quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải từ đó đề xuất các biện pháp quản lý
hữu hiệu để đảm bảo phát triển bền vững.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, khuyến nghị, danh mục tài liệu tham khảo luận văn dự kiến
được trình bày trong 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về việc sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý ô nhiễm môi
trường nước
Chương 2: Thực trạng sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường nước ở Việt Nam

Chương 3: Kiến nghị một số biện pháp sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý nhằm giảm thiểu
ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam




References

Tiếng Việt
1. Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường (2010), Báo cáo môi trường quốc gia
2010.
2. Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường (2001), Giới thiệu về công cụ kinh tế
và khả năng áp dụng trong quản lý môi trường ở Việt Nam.
3. Nguyễn Thanh Bình (2012), Bảo vệ môi trường lưu vực sông, Báo cáo của
Tổng cục môi trường.
4. Nguyễn Thế Chính (1999), Áp dụng các công cụ kinh tế để nâng cao năng lực
quản lý môi trường ở Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội.
5. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm
2020.
6. Nguyễn Thanh Hải (2005), Thuế và phí ô nhiễm môi trường: Công cụ quan
trọng trong việc bảo vệ môi trường.
7. Lưu Đức Hải, Nguyễn Ngọc Sinh, Quản lý môi trường cho sự phát triển bền
vững, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2008.
8. Phí Quốc Hào – Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, số 12, 2007, Tr.54.
9. Trương Quang Học (2012), Việt Nam thiên nhiên, môi trường và phát triển
bền vững, Tr. 102-123.
10. Kinh tế học môi trường (2008), NXB Trẻ, Tp. HCM.
11. Trần Thanh Lâm (2006), Quản lý môi trường bằng công cụ kinh tế, NXB Lao
Động, Hà Nội.
12. Luật bảo vệ môi trường (2005).

13. Luật tài nguyên nước (2012).
14. Luật thuế bảo vệ môi trường (2010).
15. Nghị định 67/2003/NĐ-CP, Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
16. Nghị định 25/2013/NĐ-CP, Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
17. Nguyễn Minh Phong (2007) ,Bốn nguyên tắc sử dụng công cụ kinh tế để bảo
vệ môi trường ở Việt Nam, Tạp chí Tài nguyên và môi trường, số 4, tr.12
18. Lê Trình (1997),Quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, NXB
KHKT.


Website:
19.
20.
21.
22.
23.




×