Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử
dụng nguồn nhân lực tại Công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên Xây lắp điện 4
Bùi Thị Ngân
Trường Đại học Kinh tế.
Luận văn ThS. Quản trị kinh doanh; Mã số: 60 34 05
Người hướng dẫn: PGS.TS. Trần Văn Tùng
Năm bảo vệ: 2014
Abstract. - Luận văn tập trung hệ thống hoá cơ sở lý luận về nguồn nhân lực và hiệu quả
sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp; Chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng và các tiêu chí
đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
- Dựa vào các tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực để phân tích đánh giá
hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4.
- Trên cơ sở đánh giá thực trạng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực của công ty đề ra một số
giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty.
Keywords. Quản trị kinh doanh; Nguồn nhân lực; Quản lý nhân sự; Doanh Nghiệp
Content.
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong những năm gần đây, vấn đề hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực ngày cảng được xã hội
và doanh nghiệp quan tâm. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực mang lại nhiều ý
nghĩa đối với doanh nghiệp nói riêng và với xã hội nói chung, điều này được thể hiện ở nhiều
góc độ như:
Thứ nhất là đối với doanh nghiệp. Trong công tác quản lý ngày nay, nhân tố con người
được các nhà quản lý đặc biệt coi trọng và luôn đặt ở vị trí trọng tâm hàng đầu trong mọi sự đổi
mới. Chính sách về con người là một trong bốn chính sách lớn của doanh nghiệp: con người, tài
chính, kỹ thuật và công nghệ.
Mặc dù có sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, quá trình quản lý tự động
hoá ngày càng tăng, việc sử dụng máy móc thay thế con người trong công tác quản lý ngày càng
rộng rãi tuy nhiên vai trò của con người trong kinh doanh không thể bị coi nhẹ mà ngày được
một được đề cao. Hơn nữa mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp vẫn là hiệu quả kinh doanh, là
lợi nhuận. Để đạt mục tiêu đó các doanh nghiệp luôn phải nghĩ đến các biện pháp nâng cao chất
lượng sản phẩm đồng thời phải hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí kinh doanh đến mức có thể.
Do các yếu tố kinh doanh như nguyên vật liệu, tài nguyên, vốn ngày càng khan hiếm buộc các
doanh nghiệp phải chú trọng đến nhân tố con người. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực con
người sẽ tiết kiệm được chi phí lao động sống, tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng cường kỹ thuật lao
động do đó sẽ giảm được giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Ngoài ra muốn tạo ra sức mạnh
để chiến thắng trong thị trường cạnh tranh, vũ khí chủ yếu là giá cả và chất lượng hàng hoá.
Nâng cao hiêu sử dụng lao động góp phần củng cố và phát triển uy thế của doanh nghiệp trên thị
trường.
Thứ hai là đối với người lao động vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng trong xã
hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động là doanh nghiệp đòi hỏi ở người lao động phải thường
xuyên học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình để đáp ứng với yêu cầu thực tế
hiện nay. Khi đó doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hơn, điều kiện của người lao động được cải
thiện về mọi mặt và do đó hiệu quả sử dụng lao động lại càng được nâng cao .
Thứ ba đối với xã hội nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực góp phần thực đẩy sự tiến
bộ khoa học công nghệ. Nhờ đó mà nền văn minh của nhân loại ngày một phát triển. Nhu cầu đòi
hỏi của người lao động về đời sống học tập sinh hoạt, văn hoá ngày càng cao để nắm bắt kịp thời
sự phát triển của xã hội. Sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả tạo tiền đề cho quá trình sản xuất
xã hội nói chung và tái sản xuất sức lao động nói riêng.
Kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ở trong giai đoạn khủng hoảng.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản. “Thiếu vốn”, “khát vốn”, “khủng
hoảng tài chính”, “thất nghiệp”, “tái cơ cấu”… là những cụm từ xuất hiện rất nhiều trên các trang
báo thời gian này. Làm gì đây khi nguồn lực tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn? Bài toán
nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến chất lượng, hiệu quả sử dụng
nguồn nhân lực và gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp
nào cũng nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là đối với những doanh
nghiệp nhà nước hoặc những công ty cổ phần nhưng nhà nước vẫn chiếm trên 50% cổ phần chi
phối. Điều này dẫn đến sự lãng phí chất xám, làm tăng tính trì trệ của bộ máy làm việc cũng như
làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gây thất thoát nguồn vốn của nhà nước.
Là một công ty thuộc Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam
(VINAINCON) với hơn 82% vốn Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây
lắp điện 4 cũng không tránh khỏi những vấn đề của một doanh nghiệp Nhà nước trong vấn đề
nhân sự. Theo số liệu của phòng Tổng hợp, toàn công ty hiện tại có trên 800 lao động. Tuy
nhiên, số lao động này phần lớn là do mối quan hệ quen biết, bên cạnh đó, do doanh nghiệp hoạt
động trong lĩnh vực xây lắp điện nên cán bộ công nhân viên tại đây thường xuyên phải đi công
tác xa, chế độ lương, thưởng, đãi ngộ, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực … còn
nhiều bất cập là những nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sử dụng nguồn nhân
lực công ty. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực của công ty, góp
phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Để có cái nhìn toàn diện và sâu
xa hơn về tính cấp thiết của vấn đề, xuất phát từ chuyên ngành được đào tạo là quản trị kinh
doanh và quá trình thực tế làm việc tại doanh nghiệp, tôi quyết định chọn đề tài: “Một số giải
pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên xây lắp điện 4” làm đề tài luận văn của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Như trên đã nói, nguồn nhân lực có vai trò vô cùng lớn trong việc thành, bại của một doanh
nghiệp. Bên cạnh đó, quản trị nhân sự cũng là một nội dung vô cùng quan trọng của nội dung
ngành học quản trị kinh doanh, chính vì vậy đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các cấp độ khác
nhau về vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Phần lớn các
công trình nghiên cứu đều nêu lên được cơ sở lý luận về hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực từ đó
đưa ra các giải pháp để làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại đơn vị, tổ chức, doanh
nghiệp mà họ nghiên cứu. Tuy nhiên, mỗi một ngành nghề khác nhau thì đặc điểm nguồn nhân
lực cũng khác nhau, nguồn nhân lực ở doanh nghiệp may mặc sẽ khác với nguồn nhân lực ở
doanh nghiệp xây dựng và ngay cả những doanh nghiệp cùng ngành thì nguồn nhân lực ở doanh
nghiệp A cũng sẽ khác với doanh nghiệp B, tương ứng với nó là cách thức nâng cao hiệu quả sử
dụng nguồn nhân lực tại một doanh nghiệp cũng khác nhau. Đến nay, theo tìm hiểu của tôi thì
chưa có công trình nào nghiên cứu về việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây lắp điện 4 - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực
thi công xây lắp các đường dây và trạm điện có cấp điện áp đến 500kV. Do vậy, trong quá trình
nghiên cứu đề tài này, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp hy vọng có thể áp dụng được vào
thực tế của công ty và cải thiện được hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại đây. Các công trình
công bố có liên quan đến luận văn:
Cho đến nay cũng đã có nhiều nghiên cứu về con người, nguồn lực con người như: “Vấn đề
con người trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa” của Phạm Minh Hạc (chủ biên),
NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996; “Bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ nhân lực trong điều
kiện mới” của Nguyễn Minh Đường (chủ biên); “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam
hiện nay” của Phan Huy Lê…Nói chung đây là những nghiên cứu xã hội học thuộc Chương trình
khoa học - công nghệ cấp Nhà nước KX-07: “Con người Việt Nam - mục tiêu và động lực của sự
phát triển kinh tế xã hội” do Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm với sự tham gia của gần 300 nhà
khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Mặc dù vậy, như lời mở đầu của nhiều cuốn
sách, các nhà khoa học đều cho rằng đây là vấn đề lớn, cần được nghiên cứu lâu dài trên nhiều
phương diện nhằm phát huy cao nhất vai trò của yếu tố con người trong sự phát triển kinh tế - xã
hội.
Công trình nghiên cứu “Phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt
Nam trong quá trình hội nhập kinh tế” tác giả TS. Lê Thị Mỹ Linh. Công trình đã đi sâu nghiên
cứu toàn diện nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong quá trình hội
nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên đây là những nghiên cứu tổng quát nhất cho một vài loại hình
doanh nghiệp mà chưa đề cập cụ thể được các doanh nghiệp có quy mô lớn, được đầu tư vốn của
nước ngoài qua đó có một cái nhìn toàn diện về thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong doanh
nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Công trình nghiên cứu “Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành
da - giầy Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, tầm nhìn 2020” tác giả KS. Phan Thị Thanh Xuân.
Đây là một công trình nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực trong một lĩnh vực cụ thể với tầm
nhìn chiến lược song vấn đề nghiên cứu chỉ dừng lại ở quá trình phát triển nguồn nhân lực mà
chưa đề cập đến các khâu khác như tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Bài viết “Đo lường tăng năng suất lao động ở Việt Nam bằng phương pháp phân tích tỷ
trọng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế” của tác giả Nguyễn Quốc Tế và Nguyễn Thị Đông đăng
trên Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 273 tháng 7/2013. Đây là bài viết nghiên cứu tập trung vào
tìm hiểu việc đo lường năng suất lao động bằng phương pháp phân tích tỷ trọng chuyển dịch cơ
cấu ngành kinh tế. Đây là một vấn đề rất bức thiết của doanh nghiệp hiện nay.
Bài viết “Nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay - Những thách thức đối với nền kinh tế và
giải pháp phát triển” của tác giả Th.S. Phạm Thị Lý và Th.S. Nguyễn Thanh Trọng đăng trên
Phát triển kinh tế số 260 tháng 6/2012. Bài viết đề cập tới vấn đề rất bức thiết hiện nay khi mà
nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam đang thiếu, một bộ phận lớn đã ra nước ngoài gây
ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bài viết mới chỉ ngiên cứu
những vấn đề cơ bản nhất về nguồn nhân lực mà chưa đi sâu vào các mô hình doanh nghiệp hiện
nay đang sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả ra sao và các doanh nghiệp đó phát triển nguồn nhân
lực của họ như thế nào.
Nguyễn Bình Thi (2000), Luận văn thạc sĩ kinh tế, “Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu
quả sử dụng nguồn nhân lực tại Công ty thiết bị Giáo Dục I trong xu thế hội nhập”. Ở đề tài này,
tác giả đã cơ bản nêu nên được những cơ sở lý luận về hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực như
khái niệm hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn nhân
lực từ đó áp dụng vào thực trạng của Công ty thiết bị Giáo Dục I trong xu thế hội nhập để đề
xuất một số giải pháp về tăng năng suất lao động, các biện pháp về chính sách đào tạo, tuyển
dụng lao động và một số biện pháp khác. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một số điểm đề tài của tác
giả chưa đề cập tới. Thứ nhất, quan niệm về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong giai
đoạn hiện nay đã có sự thay đổi so với trước do đó cần bổ sung thêm. Thứ hai, do khoa học công
nghệ ngày nay phát triển như vũ bão, nó đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích nghi và áp dụng
những thành tựu về khoa học công nghệ đó vào thực tiễn quản lý và sản xuất kinh doanh nếu
không muốn mình là kẻ lạc hậu. Đồng thời khả năng áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý và
sản xuất kinh doanh cũng là một các chỉ tiêu mới để đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
Thứ ba, ở phần thực trạng, khi đánh giá những kết quả đã đạt được và những tồn tại của đơn vị,
tác giả chưa chỉ ra được những nguyên nhân dẫn tới những tồn tại đó. Đây là một bước quan
trọng để giúp doanh nghiệp có thể đưa ra những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất. Thứ tư, về các
biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, tác giả chưa đề cập tới các biện pháp về
phát triển nguồn nhân lực mà theo tôi là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, một giai đoạn
mà doanh nghiệp đòi hỏi phải có cái nhìn xa thì mới có thể phát triển bền vững.
Hoàng Ngọc Mai (2009), Luận văn thạc sĩ kinh tế, “Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu
quả quản trị nguồn nhân lực tại công ty cổ phần xây lắp điện I”. Đây là một đề tài liên quan tới
đối thủ cạnh tranh của công ty TNHH một thành viên xây lắp điện 4 trên thị trường, vì vậy tôi rất
quan tâm. Đề tài đề cập tới hiệu quả quản trị nguồn nhân lực, một nội dung bao trùm hơn hiệu
quả sử dụng nguồn nhân lực. Ngoài việc nêu nên được những cơ sở lý luận chung, tác giả đã
đánh giá được những cái đã làm được và những tồn tại hạn chế cần khắc phục của công ty cổ
phần xây lắp điện 1 từ đó đề xuất những giải pháp về những chính sách tiền lương, đãi ngộ,
tuyển dụng, đào tạo, phát triển, đánh giá …nguồn nhân lực. Qua thực tế cho thấy, với mô hình
công ty cổ phần, Công ty cổ phần xây lắp điện 1 đang dẫn đầu ngành xây lắp về kết quả sản xuất
kinh doanh và quản trị nguồn nhân lực rất hiệu quả là một điều các doanh nghiệp trong ngành
không thể phủ nhận. Vì vậy, những đề xuất trong khuôn khổ đề tài này sẽ là những tham khảo
hữu ích của tôi trong việc đề xuất những biện pháp cho công ty TNHH một thành viên xây lắp
điện 4.
Với thời gian nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc tiếp thu những mặt
mà các tác giả đã chỉ ra, tôi cũng mạnh dạn đi vào nghiên cứu những khía cạnh mà ở những
đề tài trên chưa đề cập tới, từ đó áp dụng vào thực tế công ty TNHH một thành viên xây lắp
điện 4 để đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực một cách hữu
dụng nhất, khả thi nhất cho doanh nghiệp của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu về hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại Công
ty TNHH một thành viên xây lắp điện 4 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và cuối
cùng là góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
trên thị trường.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Hệ thống hoá một số vấn đề lý thuyết về hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực
- Phân tích, đánh giá tình hình sử dụng nguồn nhân lực, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực
tại công ty
- Đề xuất những giải pháp có thể áp dụng được vào thực tế tại công ty, nhằm nâng cao hiệu
quả sử dụng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công
ty - nơi mà tôi đang công tác trong thời gian tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi không gian: Luận văn nghiên cứu hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty
TNHH một thành viên xây lắp điện 4 hiện nay.
Phạm vi thời gian: Luận văn nghiên cứu hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty
TNHH một thành viên xây lắp điện 4 từ năm 2011 đến năm 2013 và đề xuất giải pháp cho thời
gian tới.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành nghiên cứu đề tài, tôi tiến hành thu thập, tìm kiếm, tổng hợp các lý thuyết về
quản trị nhân sự và cụ thể là hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực từ nhiều nguồn như: sách, báo,
internet, giáo trình, tạp chí, đề tài nghiên cứu tương tự trước đó nhằm chỉ ra vai trò và sự cần
thiết phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
Khi đã có cơ sở lý luận, tôi tiến hành thu thập các thông tin về công tác sử dụng nguồn
nhân lực tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây lắp điện 4 từ năm 2009 đến nay.
Các nguồn dữ liệu cần thu thập: Dữ liệu về hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, Báo cáo kết quả
hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối kế toán, Dữ liệu về nguồn lao động của công ty …Trong
quá trình thu thập thông tin có sử dụng phương pháp điều tra để khảo sát các nhân tố ảnh hưởng
tới hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực của công ty.
Từ các thông tin thu thập được, tiến hành tổng hợp, phân tích, so sánh, đánh giá để rút ra
các kết luận về thực trạng, tìm nguyên nhân và từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả
sử dụng nguồn nhân lực của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây lắp điện 4.
Các nguồn dữ liệu sẽ được trích dẫn trực tiếp trong luận văn và được ghi chú chi tiết trong
phần tài liệu tham khảo
6. Những đóng góp của luận văn
- Luận văn tập trung hệ thống hoá cơ sở lý luận về nguồn nhân lực và hiệu quả sử dụng
nguồn nhân lực của doanh nghiệp; Chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng và các tiêu chí đánh giá hiệu
quả sử dụng nguồn nhân lực.
- Dựa vào các tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực để phân tích đánh giá
hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4.
- Trên cơ sở đánh giá thực trạng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực của công ty đề ra một số
giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty.
7. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn được cấu thành bởi 3 chương với nội dung của từng
chương được bố trí như sau:
+ Chương 1: Lý luận chung về nguồn nhân lực và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong
các doanh nghiệp.
+ Chương 2: Thực trạng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công ty TNHH một thành
viên Xây lắp điện 4
+ Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại công
ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4
References.
Tiếng Việt
1. Bộ Công nghiệp (2005), Quyết định số 35/2005/QĐ-BCN ngày 30/08/2005 về việc chuyển
công ty Xây lắp điện 4 thành công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4, Hà Nội.
2. Bộ Lao động Thương binh - Xã hội (2004), Các văn bản quy định về chế độ tiền lương và bảo
hiểm xã hội năm 2004, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
3. Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4 (2011-2013), Báo cáo tài chính đã được kiểm
toán, Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, Báo cáo cơ cấu lực lượng lao động.
4. Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4 (2011), Điều lệ tổ chức và hoạt động công ty
TNHH một thành viên xây lắp điện 4.
5. Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4 (2012), Quy chế tuyển dụng lao động của công
ty.
6. Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4 (2013), Quy chế quản lý phân phối quỹ tiền
lương của công ty.
7. Vũ Thùy Dương và Hoàng Văn Hải (2008), Giáo trình quản trị nhân lực, Nxb Thống kê, Hà
Nội.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của
Đảng, Hà Nội.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của
Đảng, Hà Nội.
10. Phạm Minh Hạc (1996), Vấn đề con người trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa,
NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
11. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự
thật, Hà Nội, tập 23, tr. 11, tr. 249.
12. Hoàng Ngọc Mai (2009), Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nguồn nhân lực
tại Công ty cổ phần Xây lắp điện 1, Luận văn thạc sĩ kinh tế.
13. Phạm Thị Lý và Nguyễn Thanh Trọng (2012), “Nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay -
Những thách thức đối với nền kinh tế và giải pháp phát triển”, Tạp chí Phát triển kinh tế,
Đại học Kinh tế TP. HCM, (260), tr. 24.
14. Ngân hàng thế giới và Viện nghiên cứu Quản lý Trung ương (2012), Khảo sát kỹ năng đáp
ứng nhu cầu công việc của nhân lực Việt Nam.
15. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Bộ luật Lao động 2012 luật số
10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012.
16. Nguyễn Quốc Tế - Nguyễn Thị Đông (2013), “Đo lường năng suất lao động ở Việt Nam bằng
phương pháp phân tích tỷ trọng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế”, Tạp chí Kinh tế và Phát
triển, Đại học Kinh tế TP. HCM, (273), tr.17.
17. Nguyễn Bình Thi (2000), Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực
tại Công ty thiết bị Giáo Dục I trong xu thế hội nhập, Luận văn thạc sĩ kinh tế.
18. Nguyễn Hữu Thân (2004), Quản trị nhân sự, NXB Thống kê, Hà Nội.
19. Phan Thị Thanh Xuân (2008), Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực
ngành da - giầy Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 tầm nhìn 2020, Đề tài nghiên cứu cấp
Bộ, Bộ Công thương.
Tiếng Anh
20. Chris Hendry (1995), Human Resource Management a strategic approach to employment.
21. F.Trompenaars, C. Hampden-Turner (2004), Managing People across Cultures.
22. John M. Ivancevich (2010), Human Resource Management.
23. Helen Shipton, Doris Fay, Michael West (2005), Managing People to Promote Innovation.
24. Gary Dessler & Tan Chwee Huat (2008), Human Resource Management An Asian
Perspective.
25. Graeme Martin (2006), Managing People and Organizations in Changing Contexts.
26. Mac Milan và Schuller (1984), Human Resource Management.
27. Peter J. Dowling, Marion Festing & Allen D. Engle (2011), International Resource
Management.
28. George T.Milkovich and John W.Boudreau (1996), Hurman resourses management.
Website
29.
30.
31.