Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác
thu bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội tỉnh
Hải Dương
Phạm Văn Khả
Trường Đại học Kinh tế
Luận văn Thạc sĩ ngành: Quản trị kinh doanh; Mã số: 60 34 05
Người hướng dẫn: TS. Trương Minh Đức
Năm bảo vệ: 2015
Keywords. Quản trị kinh doanh; Thu bảo hiểm; Bảo hiểm xã hội; Hải Dương
Content
1. Tính cấp thiết của đề tài
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một phát kiến văn minh của nhân loại về khoa học xã hội kết
hợp với khoa học tự nhiên. BHXH ra đời cách đây hàng trăm năm với mục đích là nhằm từng
bước mở rộng và nâng cao việc đảm bảo vật chất, góp phần ổn định đời sống cho người lao
động và gia đình họ khi gặp các rủi ro xã hội xảy ra. Chính vì thế mà BHXH là một trong những
chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của mọi thế chế Nhà nước của
các quốc gia trên thế giới.
Ở nước ta, chính sách BHXH đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện ngày từ
sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, trải qua gần 70 năm hoạt động trong điều kiện nền
kinh tế đất nước luôn thay đổi và ngày càng phát triển, thì việc thực hiện tốt các chế độ chính
sách BHXH đúng với mục tiêu của nó là đảm bảo an sinh xã hội đang được Đảng và Nhà nước,
cũng như ngành BHXH hết sức quan tâm. Mà để thực hiện được điều đó thì công tác thu BHXH
là khâu đầu tiên luôn giữ vai trò xương sống mấu chốt của ngành BHXH, nó có ý nghĩa quyết
định đối với việc thực hiện các chế độ chính sách BHXH và sự tồn tại, phát triển của ngành
BHXH, bởi lẽ có thu đúng, thu đủ, thu kịp thời thì người tham gia BHXH mới được chi trả và
thụ hưởng các chế độ BHXH một cách nhanh chóng và đầy đủ.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương là đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, được
thành lập ngày 12/6/1995, có chức năng trực tiếp tổ chức thực hiện các chế độ chính sách
BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo quy định của pháp luật và quy
định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong gần 20 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu thực hiện
đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về chính sách BHXH, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải
Dương đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển vững mạnh, như
số đơn vị sử dụng lao động và số người lao động tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng
lên, do vậy nguồn thu BHXH cũng tăng liên tục, đó chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo thực
hiện tốt các chế độ BHXH đúng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công
tác thu BHXH còn có những hạn chế cần được khắc phục, như chưa kiểm soát, khai thác hết số
lao động phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, nhiều đơn vị sử dụng lao động vẫn gian lận
trong việc đăng ký tham gia BHXH cho người lao động, gian lận trong việc kê khai quỹ lương
đóng BHXH; tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH của các đơn vị sử dụng lao động vẫn còn
tồn tại Điều này đã làm cho công tác thu BHXH của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương vẫn
chưa đạt kết quả cao như mong muốn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và nguồn
thu cho quỹ BHXH.
Là một cán bộ viên chức đang công tác làm việc tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương, sau
khi theo học lớp Cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học kinh tế - Đại
học quốc gia Hà Nội và qua thực tế công tác cho thấy đòi hỏi cần có sự nghiên cứu và đưa ra
các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác thu BHXH tại cơ quan đơn vị
mình. Đó là việc làm cần thiết và có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, đó cũng chính là lý
do mà tôi chọn đề tài: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu bảo hiểm xã hội tại
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương” làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành
Quản trị kinh doanh của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trong những năm qua, lĩnh vực hoạt động BHXH ở nước ta đã được đề cập nhiều trên
sách báo, tạp chí và đã có nhiều công trình nghiên cứu về BHXH nói chung, về công tác thu
BHXH nói riêng, sau đây là một số công trình tiêu biểu:
- Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về: “Thực trạng quản lý thu BHXH hiện nay và các
biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thu” do TS. Nguyễn Văn Châu làm chủ nhiệm đề tài, bảo
vệ năm 1996.
- Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về: “Chiến lược phát triển BHXH phục vụ mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020” do TS. Nguyễn Huy Ban làm chủ nhiệm đề tài, bảo vệ
năm 1999.
- Ngoài ra cũng đã nhiều đề tài nghiên cứu về công tác quản lý thu - chi, công tác quản lý
tài chính, quản lý quỹ, công tác thu BHXH tại các cơ quan BHXH các tỉnh thành trên cả nước,
trong đó có tỉnh Hải Dương và các huyện, thị xã, thành phố trên đại bàn tỉnh Hải Dương.
Với nhiều góc độ khác nhau từ cách tiếp cận, mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
một số đề tài nghiên cứu được thực hiện khi chưa có Luật BHXH, một số đề tài thực hiện trên
phạm vi nghiên cứu rộng bao quát nhiều nghiệp vụ chức năng, chứ chưa nghiên cứu sâu đến
một chức năng then chốt đầu tiên của hoạt động BHXH là công tác thu BHXH tại Bảo hiểm xã
hội tỉnh Hải Dương. Mặc dù vậy, các công trình đó vẫn là những tài liệu tham khảo rất có giá trị
trong việc thực hiện đề tài của tôi.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích: Vận dụng và góp phần làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về công tác thu
BHXH, để phân tích đánh giá thực trạng công tác thu BHXH tại BHXH tỉnh Hải Dương, từ đó
đưa ra các đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu BHXH tại Bảo hiểm xã hội
tỉnh Hải Dương.
- Nhiệm vụ: Để thực hiện mục đích trên, luận văn tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu
sau:
+ Tổng quan, hệ thống hóa một số vấn đề lý luận chung về công tác thu BHXH; nghiên
cứu nội dung, vai trò, các tiêu chí đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến công tác thu BHXH;
+ Phân tích, đánh giá thực trạng công tác thu bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải
Dương giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012 và xác định những vấn đề cần giải quyết;
+ Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác thu bảo hiểm xã hội tại Bảo
hiểm xã hội tỉnh Hải Dương, nhằm đáp ứng những yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Công tác thu bảo hiểm xã hội.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài chỉ nghiên cứu về một nghiệp vụ chức năng của hoạt động
bảo hiểm xã hội là công tác thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương
giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, còn nghiệp vụ công tác thu BHXH tự nguyện không đề
cập đến trong đề tài này.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, ngoài các phương pháp duy vật biện chứng, duy vật
lịch sử là những phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung, luận văn còn sử dụng các
phương pháp nghiên cứu lý thuyết và tổng kết thực tiễn; phương pháp phân tích, tổng hợp; quy
nạp, diễn dịch; phương pháp thống kê, so sánh trên cơ sở các số liệu báo cáo tổng kết về hoạt
động của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương qua các năm để làm sáng tỏ các vấn đề nghiên cứu
của luận văn, cụ thể các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết là các phương pháp thu thập thông tin khoa học trên
cơ sở nghiên cứu các văn bản, tài liệu đã có và bằng các thao tác tư duy logic để rút ra kết luận
khoa học cần thiết.
- Phương pháp nghiên cứu thực tiễn là phương pháp nghiên cứu và xem xét lại những
thành quả thực tiễn trong quá khứ để rút ra kết luận bổ ích cho thực tiễn và khoa học.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết là nghiên cứu các tài liệu, lý luận khác nhau
bằng cách phân tích chúng thành từng bộ phận để tìm hiểu sâu sắc về đối tượng. Tổng hợp là liên
kết từng mặt, từng bộ phận thông tin đã được phân tích tạo ra một hệ thống lý thuyết mới đầy đủ,
sâu sắc về đối tượng.
- Phương pháp quy nạp là phương pháp nhận thức trong đó quá trình suy luận từ cái riêng
đến cái chung, từ những sự vật cá biệt tới nguyên lý phổ biến.
- Phương pháp thống kê là hệ thống các phương pháp dùng để thu thập, xử lý và phân
tích các con số (mặt lượng) của hiện tượng kinh tế-xã hội để tìm hiểu bản chất và tính quy luật
vốn có của chúng (mặt chất) trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể.
6. Những đóng góp của luận văn
- Luận văn góp phần tổng quát, hệ thống hoá và làm rõ thêm những vấn đề lý luận chung
về công tác thu bảo hiểm xã hội; đồng thời làm rõ nội dung, vai trò, các tiêu chí đánh giá và
các nhân tố ảnh hưởng đến công tác thu bảo hiểm xã hội;
- Đánh giá thực trạng kết quả công tác thu bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải
Dương, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của thực trạng đó;
- Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm
xã hội tỉnh Hải Dương trong giai đoạn tới.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được bố cục thành
3 chương như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận chung về thu bảo hiểm xã hội.
Chương 2: Thực trạng công tác thu BHXH tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn
2008 – 2012.
Chương 3: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu BHXH tại Bảo hiểm xã hội
tỉnh Hải Dương.
References
1. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương (2010), Kỷ yếu Bảo hiểm xã hôi tỉnh Hải Dương 15 năm
một chặng đường phát triển, Hải Dương.
2. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương (2009), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2008, Hải Dương.
3. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương (2010), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2009, Hải Dương.
4. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương (2011), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2010, Hải Dương.
5. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương (2012), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2011, Hải Dương.
6. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương (2013), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2012, Hải Dương.
7. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Nghị định số 152/2006/NĐ-CP
ngày 22 tháng 12 năm 2006 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm
xã hội bắt buộc, Hà Nội.
8. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật Bảo hiểm xã hội luật số
71/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006.
9. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2005), Giáo trình Kinh tế bảo hiểm, Nxb Thống kê, Hà
Nội.
Các website:
10. www.lawvn.net
11. www.voer.edu.vn
12. www.baohiemxahoi.gov.vn
13. www.tapchibaohiemxahoi.gov.vn